KINH THÁNH VÀ KHOA HỌC
(Phần 1)
Đại tá Bill Anders là một nhà du hành vũ trụ lừng danh, từng lãnh nhiều huân chương và được ban tặng bằng tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học nổi tiếng. Trong sứ mạng của phi thuyền Apollo 8, đại tá Bill được giao phó điều khiển chiếc phi thuyền vệ tinh đầu tiên bay quanh mặt trăng. Khi đầu phi thuyền Apollo 8 trở về trái đất an toàn và đáp xuống thành công, nhóm điều khiển phi thuyền tại trung tâm NASA đã hỏi phi hành đoàn: “Ai lái phi thuyền ở trên đó vậy?” thì đại tá Bill đã hóm hỉnh trả lời: “Chính nhà bác học Isaac Newton”.
Kính thưa quý độc giả,
Đại tá Bill Anders muốn nói lên điều gì khi ông trả lời như vậy? Việc phóng phi thuyền ra khỏi trái đất để đi đến mặt trăng đã khó, nhưng việc đem phi thuyền trở về trái đất an toàn là một chuyện càng khó hơn nữa. Vì mặt trăng không cố định nhưng xoay chung quanh trái đất với chu kỳ 29 ngày rưỡi, cho nên người ta so sánh việc đem phi thuyền trở lại trái đất giống như có một chiếc xe lửa tốc hành đang chạy với vận tốc 200 cây số giờ trước mặt một người đứng cách xa đường rầy xe lửa khoảng 100 mét và người này đang cố gắng ném một trái táo lọt hẳn vào một cửa sổ của chiếc xe lửa này. Cách đây hơn 300 năm, nhà bác học thiên tài Isaac Newton sau bao năm nghiên cứu, thí nghiệm và tái thí nghiệm, đã công bố khám phá của ông về các quy luật hấp dẫn của những vật thể có khối lượng. Chính nhờ vào các khám phá này của Newton, người ta hiểu rõ quỹ đạo di chuyển của trái đất, mặt trăng và các hành tinh khác trong Thái Dương hệ và do vậy cơ quan NASA ngày nay mới có thể vạch ra đường bay cần thiết về đưa phi thuyền đi và về một cách chính xác và an toàn.
Không những là một thiên tài về khoa học, nhà bác học Newton còn là một người tin nhận Thượng Đế và ông dành rất nhiều thời giờ để nghiên cứu, tìm hiểu và viết sách giải nghĩa Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa. Bên cạnh Newton, có biết bao nhiêu thiên tài lừng danh khác, đóng góp thật nhiều cho thành quả khoa học của nhân loại, đồng thời cũng tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu và Kinh Thánh, như nhà thiên văn học Johann Kepler, ông tổ ngành hóa học hiện đại Robert Boyle, nhà toán học kiêm triết gia Blaise Pascal, nhà vật lý học Michael Faraday, lý thuyết gia nguyên tử John Dalton, nhà vi trùng học Louis Pasteur, v.v. Những khoa học gia vĩ đại này tìm thấy sự hài hòa trọn vẹn giữa các công trình nghiên cứu khoa học và mọi lời chép trong Kinh Thánh.
Thế nhưng thật là đáng ngạc nhiên, vì sao ngày nay có nhiều người, với kiến thức khoa học thật giới hạn, lại mang nặng thành kiến, cho rằng có một mâu thuẫn trầm trọng giữa Kinh Thánh và khoa học? Từ đâu và đã bao lâu rồi, người ta có thói quen vội vã kết luận rằng, Kinh Thánh không chính xác nếu nhìn từ góc độ khoa học?
Quý độc giả thân mến,
Khoa học là một môn học có hệ thống và khách quan, chuyên nghiên cứu những quy luật trong thế giới vật lý. Khi nói môn học có “hệ thống” có nghĩa là mọi sự kiện đều được xem xét, mọi góc cạnh cần được quan tâm. Khi nói môn học có tính “khách quan” có nghĩa là những diễn giải về khoa học không mang những xúc cảm hay thành kiến.
Những nghiên cứu khoa học thường bắt đầu với những cuộc thí nghiệm, đi đôi với quan sát và đo đạc, rồi phân tích, tìm kiếm quy luật, rồi tái thí nghiệm để kiểm tra. Cứ như vậy, sau bao nhiêu thí nghiệm, phân tích, tái thí nghiệm để kiểm tra, các nhà khoa học hoàn chỉnh những quy luật đã khám phá và ngày càng hiểu rõ những quy luật tương tác trong thế giới vật chất. Những quan sát và những quy luật, sau một thời gian dài, qua bao thí nghiệm và ứng dụng, đã chứng minh là luôn luôn đúng, thì chúng trở thành những “sự kiện khoa học”; thí dụ như trái đất tròn, trái đất quay chung quanh mặt trời, mặt trăng quay chung quanh trái đất, kim loại dẫn điện, sắt nặng hơn nước, v.v. là những “sự kiện khoa học”.
Thế nhưng thế giới thiên nhiên thật là bao la, diệu kỳ và vô cùng phức tạp, cho nên rất nhiều khi, các nhà khoa học không biết phải bắt đầu từ đâu và phải thí nghiệm điều gì trước, thí dụ làm sao biết được như con người từ đâu đến, vũ trụ được hình thành như thế nào? Những sự việc này đã xảy ra trong quá khứ và chẳng có người nào có mặt ngay từ đầu để ghi nhận các diễn tiến này vào máy tính hay máy quay phim, cho nên các nhà khoa học phải bắt đầu với những giả thuyết, hay đơn thuần chỉ là những lý thuyết. Tùy theo lập luận của một giả thuyết, người ta sẽ tìm kiếm những sự kiện hay bằng chứng để xác định tính khách quan của lý thuyết này.
Thí dụ như để giải thích nguồn gốc con người, giả thuyết tiến hóa của Charles Darwin giả sử rằng muôn loài sống bắt đầu từ một tế bào sống đơn giản, rồi theo những đột biến và chọn lọc của môi trường sống, đã tiến hóa từ từ qua hàng triệu triệu năm để trở thành những động vật phức tạp hơn và con người là kết quả của một quá trình tiến hóa lâu dài. Theo lập luận của thuyết tiến hóa, thì trong thiên nhiên phải có những dấu tích của các loài chuyển tiếp, thí dụ như vừa cá vừa bò sát, vừa bò sát vừa chim, vừa mèo vừa chó, vừa rắn vừa chuột, vừa khỉ vừa người v.v. Thế nhưng trong tất cả các hóa thạch trong thiên nhiên và trong các loài sống hiện nay, người ta tìm thấy có rất nhiều loài động vật, nhưng loài nào ra hẳn loài đó, như chó là chó, mèo là mèo, khỉ muôn đời vẫn là khỉ và người là người hẳn hòi, không có chuyện con này tiến hóa thành con kia. Vì không có bằng cớ để kiểm chứng, cho nên xét theo tính hệ thống và khách quan của khoa học, thì thuyết tiến hóa vẫn chỉ là một giả thuyết suông, không hơn không kém.
Có lẽ có rất nhiều người vội vã cho rằng Kinh Thánh không chính xác về mặt khoa học vì họ đối chiếu Kinh Thánh với giả thuyết tiến hóa hay thuyết Big Bang, là những lý thuyết chưa bao giờ được chứng minh là đúng. Để khẳng định Kinh Thánh có khoa học hay không, chúng ta cần đối chiếu Kinh Thánh với những sự kiện khoa học, là những điều đã được chứng minh là luôn luôn đúng.
Kính thưa quý độc giả,
Kinh Thánh là quyển sách trình bày về Đấng Tạo Hóa, chương trình cứu chuộc nhân loại và sự sống đời đời. Kinh Thánh không phải là một quyển sách trình bày các vấn đề khoa học, do vậy những chi tiết có liên hệ ít nhiều đến khoa học mà Kinh Thánh đề cập đến chỉ phụ và nhỏ nhặt, tuy vậy, những chi tiết này vẫn hài hòa trọn vẹn với những sự kiện khoa học là những điều đã được chứng minh là luôn luôn đúng. Lý do thật đơn giản và dễ hiểu, vì chính Thiên Chúa là Đấng thiết lập nên mọi quy luật của vũ trụ này, thì những gì Ngài nói ra trong Kinh Thánh chắc chắn phải đúng, kể cả về phương diện khoa học. Như chúng ta sẽ thấy sau đây, không những các sự kiện khoa học trùng hợp với Kinh Thánh, nhưng Kinh Thánh đã đi trước khoa học một thời gian rất dài.
Trong hàng ngàn năm trước, người ta tin rằng trái đất không tròn, nhưng phẳng lì như một cái dĩa. Các tài liệu cổ cho biết, các thủy thủ ngày xưa được khuyến cáo không nên đi vào các vùng biển lạ, e rằng có thể bị rớt vào vực sâu, nơi “tận cùng” của “cái dĩa” mặt đất. Thậm chí ngày nay, mặc dù phi thuyền đã chụp những bức không ảnh về trái đất, cho thấy địa cầu là một quả cầu xanh lơ, treo lơ lửng giữa khoảng không, nhưng vẫn có một nhóm người với tên gọi là “The Flat Earth Society”, tạm dịch là “Hội Đất Phẳng”, vẫn khăng khăng cho rằng trái đất không tròn nhưng rất phẳng và họ lên án những bức không ảnh của cơ quan NASA chụp hình “quả đất tròn” là những “trò đùa lố bịch”. Nếu quý vị có dịp lên mạng mà tìm chữ “The Flat Earth Society” (www.theflatearthsociety.org) thì sẽ thấy liền! Các sách giáo khoa thiên văn học thì nhìn nhận Pythagoras, sống vào khoảng 570 đến 500 trước Chúa Giáng Sinh, là người đầu tiên khám phá ra trái đất tròn, nhưng tiên tri Ê-sai sống trước Pythagoras khoảng 200 năm, đã nói về hình dáng tròn của trái đất, được ghi trong Kinh Thánh như sau: “Ấy là Đấng ngự trên vòng trái đất nầy” (Ê-sai 40:22). Nhân vật Gióp trong Kinh Thánh mô tả về lằn ranh giữa ngày và đêm trên mặt đất cũng hình tròn, vì mặt quả đất tròn, như sau: “Chúa vẽ một vòng tròn trên mặt nước, làm ranh giữa ánh sáng và tối tăm” (Gióp 26:10).
Cách đây khoảng 2400 năm, Gióp mô tả: “Chúa treo địa cầu lơ lửng trong không gian” (Gióp 16:7). Trong thời cổ xưa, khái niệm tự nhiên là phải dùng một sợi dây cụ thể, có thể thấy được, sờ được, để treo một vật gì lên, nhưng Gióp lại khẳng định chính Thiên Chúa đã treo quả địa cầu lơ lửng giữa không gian bằng một sợi giây vô hình. Mãi cho đến cuối thế kỷ 17, khi nhà khoa học thiên tài Isaac Newton khám phá ra quy luật vạn vật hấp dẫn, các nhà khoa học mới hiểu được trái đất, mặt trời, mặt trăng và các thiên thể được giữ với nhau lại bằng lực hấp dẫn vô hình. Qua khám phá này, nhà bác học Newton đã ca ngợi Thiên Chúa như sau: “Hệ thống đẹp đẽ nhất gồm mặt trời, các hành tinh và sao chổi, chỉ có thể xuất phát từ ý định và quyền năng của Đấng uy quyền và khôn ngoan vô hạn”.
Theo quý vị và các bạn thì có bao nhiêu sao trên trời? Ngày từ thời cổ xưa, Kinh Thánh nhiều lần khẳng định là có vô số sao trên trời, con người không sao đếm hết được. Tiên tri Giê-rê-mi ghi lại lời chúc phước của Thiên Chúa trên dòng dõi vua Đa-vít và dòng dõi người Lê-vi như sau: “Ta sẽ làm cho dòng dõi Đa-vít, tôi tớ Ta, và dòng dõi những người Lê-vi phụng sự Ta gia tăng thêm nhiều như sao trên trời không thể đếm được, như cát bãi biển không ai lường được.” (Giê-rê-mi 33:22). Khoảng 150 trước Chúa Giáng Sinh, nhà thiên văn học người Hy lạp, Hipparchus phỏng đoán rằng có khoảng 1026 ngôi sao trong vũ trụ. 150 năm sau đó, khoa học gia Ptolemy cho rằng có khoảng 1056 ngôi sao và mọi người cứ tin như vậy mãi cho đến năm 1610, khi nhà thiên văn Galileo hướng chiếc viễn vọng kính đầu tiên còn rất thô sơ lên bầu trời, thì ông nói rằng: “Có nhiều sao hơn là chúng ta tưởng từ hồi nào đến giờ”. Từ chiếc viễn vọng kính hiện đại với lăng kính 5 thước đặt trên đài quan sát thiên văn Mt. Palomar cho đến viễn vọng kính không gian Hubble Space với kinh phí 2 tỷ đô la Mỹ của cơ quan NASA, các nhà khoa học ước tính có khoảng 200 tỷ tỷ ngôi sao. Để hình dung con số này lớn như thế nào, hãy chia đều số sao trên trời cho mỗi người trên hành tinh này, thì mỗi người sẽ nhận được khoảng 40 tỷ ngôi sao! Thế nhưng câu chuyện đếm sao cũng chưa dừng lại nơi đây, vì gần đây, đài thiên văn hiện đại nhất, mang tên Anglo-Australia tại Úc Châu, cho biết số sao trên trời ít nhất là mười lần số cát trên tất cả bãi biển và sa mạc gộp lại, tức là khoảng 70,000 triệu triệu triệu. Cho đến bây giờ, khoa học mới biết được “nhiều như sao trên trời không thể đếm được”, nhưng Thiên Chúa đã cảm ứng cho tiên tri Giê-rê-mi để ghi chép sự kiện khoa học này trong Kinh Thánh cách đây hơn 2600 năm!
Quý độc giả thân mến,
Vì thời giờ có hạn, chúng ta sẽ tiếp tục khám phá trong tuần tới những sự kiện khoa học khác thật thú vị được ghi chép trong Kinh Thánh từ hàng ngàn năm trước. Thực ra, thế giới ngày nay đang làm chuyện ngược ngạo, đó là dùng tri thức khoa học hữu hạn để xét đoán lời chân lý của Đấng khôn ngoan vô hạn, thậm chí bẻ cong các “sự kiện khoa học” qua các giả thuyết tiến hóa, giả thuyết Big Bang v.v., để chối bỏ sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa. Mặc dù con người bội bạc đến thế, nhưng vì không muốn loài người rơi vào cảnh diệt vong đời đời trong tội nghịch, chính Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu giáng trần cách đây hơn 2000 năm, để làm người đại diện, đền nợ tội thay cho cả nhân loại trên cây thập tự. Khoa học không lý giải được sự kiện này, nhưng Kinh Thánh bày tỏ: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nhận Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh phúc” (Giăng 3:16).
Câu chuyện “Kinh Thánh và Khoa Học” sẽ được tiếp tục vào tuần tới. Thân chào quý vị và các bạn.
Tùng Tri - Dựa theo “Why You Can Have Confidence In The Bible” by Dr. Harold J. Sala
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com