Kính thưa quý độc giả,
Galileo Galilei là nhà thiên văn học thiên tài người Ý trong thế kỷ 17. Với chiếc viễn vọng kính đầu tiên do ông sáng chế, Galileo là nhà thiên văn đầu tiên quan sát được các vệ tinh của sao Mộc, cũng như các đồi núi chập chùng trên mặt trăng. Nhưng tên tuổi của nhà khoa học tài ba này được nhiều người biết đến nhiều nhất qua việc ông bị những người có thẩm quyền tôn giáo thời đó kết án vì công trình nghiên cứu khoa học của mình. Trước thời của Galileo, trong hơn 1500 năm, mọi người đều tin và và các trường đại học đều giảng dạy rằng “mặt trời quay chung quanh trái đất”, cho mãi đến thế kỷ 16, nhà thiên văn Nicolaus Copernicus, qua công trình nghiên cứu khoa học của mình, đã tuyên bố ngược lại, tức là “trái đất phải quay chung quanh mặt trời” mới đúng. Tuy vậy, lời tuyên bố này cũng chưa có gì là “lớn chuyện” cho đến khi Galileo Galilei, qua nhiều quan sát thiên văn với viễn vọng kính, hoàn toàn đồng ý với nhận xét của Copernicus và dành nhiều nỗ lực để phổ biến nhận định này. Điều này đã đi ngược với định kiến của một số người có thẩm quyền tôn giáo thời bấy giờ, với kết quả là Galileo buộc phải rút lại lời tuyên bố và bị xử án tù chung thân tại gia vào năm 1633. Chúng ta ngày nay đều biết rằng “trái đất quay chung quanh mặt trời” và như vậy Galileo đã bị xử oan.
Câu chuyện lịch sử này đã được phổ biến nhiều lần trên sách vở, báo chí, kèm theo với chiến thuật “vơ đũa cả nắm”, gộp chung những người có thẩm quyền tôn giáo và quyển Kinh Thánh làm một, nhằm chứng minh Kinh Thánh là một quyển sách phản khoa học. Thực ra, các giới chức thẩm quyền của thế kỷ 17 đã áp đặt quan niệm riêng của họ trước lời tuyên bố của Galileo, chứ Kinh Thánh không có nơi nào nói rằng mặt trời quay chung quanh trái đất cả.
Chính nhà khoa học bị xử oan Galileo cũng tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu hết lòng và nhận thấy sự hài hòa giữa công trình khoa học và lời trong Kinh Thánh, khi ông tuyên bố: “Con người nhận ra Thiên Chúa qua công trình sáng tạo của Ngài trong thiên nhiên và qua chân lý được tỏ bày trong lời Ngài”. Nhà khoa học thực nghiệm lỗi lạc này phân biệt rõ ràng rằng “Kinh Thánh hướng dẫn con người đi đến thiên đàng, chứ không phải để mô tả thiên đàng vận hành ra sao”. Galileo cũng quả quyết sự hiểu biết đúng đắn về Kinh Thánh chắc chắn phải phù hợp với những sự kiện khoa học, khi ông mô tả như sau: “Quyển sách Thiên Nhiên, được viết bằng ngôn ngữ của toán học, chắc chắn phải phù hợp với quyển sách Kinh Thánh, được viết bằng ngôn ngữ phổ thông hằng ngày của mọi người”.
Bên cạnh Galileo, còn có biết bao thiên tài khoa học khác như Newton, Johann Kepler, Robert Boyle, Blaise Pascal, Michael Faraday, Louis Pasteur, v.v. cũng phải nhìn nhận, mặc dầu những chi tiết về thiên nhiên được đề cập trong Kinh Thánh chỉ là thứ yếu và nhỏ nhặt, vì mục đích chính của Kinh Thánh là sứ điệp cứu rỗi nhân loại, nhưng những chi tiết này hoàn toàn đúng khi đối chiếu với các sự kiện khoa học, là những điều đã được chứng minh là luôn luôn đúng. Dĩ nhiên là khi sử dụng giả thuyết tiến hóa, hay giả thuyết Big Bang cho rằng vũ trụ bắt đầu từ một vụ nổ lớn, để xem xét tính khoa học của Kinh Thánh, thì đây là một công việc hoàn toàn vô giá trị, vì các giả thuyết này chưa bao giờ có đủ bằng cớ để xác minh tính trung thực và khách quan của nó.
Kính thưa quý độc giả,
Hai định luật vô cùng quan trọng và được dùng để làm nền tảng của khoa học hiện đại; đó là định luật bảo toàn năng lượng và định luật bảo toàn khối lượng. Định luật bảo toàn năng lượng cho biết năng lượng không tự sinh ra cũng không tự tiêu hủy, nhưng chỉ chuyển đổi từ dạng năng lượng này qua dạng năng lượng khác. Trong thiên nhiên, chúng ta thấy có nhiệt năng, điện năng, quang năng, hóa năng, động năng, v.v. và tổng năng lượng của cả vũ trụ là bảo toàn, có nghĩa là không thêm vào hay bớt ra được nữa, nhưng chỉ chuyển đổi dạng thức mà thôi. Thí dụ như người ta phải đốt thật nhiều nhiên liệu để phóng một chiếc phi thuyền vào không gian, khi nhiên liệu được đốt là hóa năng được chuyển thành nhiệt năng, nhiệt độ cao tạo áp suất mạnh đẩy phi thuyền, như vậy nhiệt năng biến thành động năng và khi phi thuyền bay vào không gian ở trên cao là lúc động năng đã được chuyển thành thế năng. Cũng tương tự như vậy, định luật bảo toàn khối lượng cho biết khối lượng cũng không tự sinh ra mà cũng không tự biến đi, như vậy tổng khối lượng của cả vũ trụ vật chất này là bảo toàn và không thay đổi. Hai định luật bảo toàn này quan trọng đến nỗi được dùng làm nền tảng để xem xét tính trung thực bất cứ một khám phá mới nào của khoa học. Cách đây khoảng 3500 năm, Môi-se đã ký thuật trong Kinh Thánh giai đoạn cuối trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa như sau: “Thế là hoàn thành trời, đất và tất cả vạn vật. Đức Chúa Trời hoàn tất công việc Ngài đã làm vào ngày thứ bảy, Ngài nghỉ mọi công việc Ngài đã làm” (Sáng Thế Ký 2:1-2). Như vậy, sau khi hoàn tất công trình sáng tạo, Thiên Chúa đã nghỉ ngơi, không thêm vào tạo vật nào khác nữa, như vậy không có khối lượng hay năng lượng được thêm vào thế giới thiên nhiên này. Cách đây gần 2000 năm, sứ đồ Phao-lô có ghi xuống trong Kinh Thánh Tân Ước như sau: “Ngài hiện hữu trước tất cả vạn vật và vạn vật được giữ vững trong Ngài” (Hê-bơ-rơ 1:17), như vậy, những gì Thiên Chúa đã sáng tạo trong thiên nhiên được bảo toàn và không tự biến đi. Những chi tiết mà Kinh Thánh đề cập cách đây hàng ngàn năm, cho thấy tại sao năng lượng và khối lượng được bảo toàn và hai định luật này đang là nền tảng của khoa học hiện đại ngày nay.
Nói về canh tác hay trồng trọt, con người thường lạm dụng đất đai, làm nhiều vụ mùa trong một năm và không bao giờ để đất nghỉ yên. Mặc dù có nhiều phân bón nhân tạo, nhưng đất đai sau khi bị lạm dụng quá mức, sẽ trở nên bị cằn cỗi. Các nông gia khám phá ra rằng, khi đất đã cằn cỗi, không một hình thức trị liệu bằng con đường hóa chất có thể phục hồi, tái tạo đất màu mỡ và đem lại sanh lực cho đất, nhưng chỉ duy một điều – đó là để cho đất nghỉ một lần sau bảy năm canh tác. Cách đây gần 4000 năm, Môi-se dưới sự cảm ứng của Thiên Chúa, đã viết ra lời hướng dẫn để tuyển dân của Ngài biết cách giữ gìn đất đai canh tác, hầu không phải lâm vào nạn đói kém. Môi-se viết: “Các ngươi sẽ gieo giống và gặt hái trong sáu năm, nhưng trong năm thứ bảy phải để cho đất nghỉ, không cầy bừa gieo trồng gì cả... Luật này cũng áp dụng cho vườn nho và vườn ô-liu của các ngươi” (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:10-11)
Ngày nay chúng ta đều biết, máu huyết gắn liền với sự sống. Nếu một người bị mất nhiều máu chắc sẽ chết. Đây là một kiến thức khá tân thời, vì cho mãi đến thế kỷ 17, người ta còn xem máu như một thành phần phụ, chẳng có ích bao nhiêu cho cơ thể. Thậm chí, hồi xưa, người ta quan niệm rằng máu là chất lỏng để làm nguội dầu mà thôi, hoặc là máu là nơi chất chứa những chất dư thừa của cơ thể và do vậy, cần phải thải máu ra để tinh lọc lại thân thể. Do vậy, bệnh nhân với các bệnh nặng nhẹ ra sao, dù chỉ là nhức đầu thông thường cho đến các bệnh trầm kha, đều bị “thải máu” để chữa trị. Mãi đến năm 1616, William Harvey mới chính thức xác định rằng, máu là chất mang sự sống. Trong Kinh Thánh, Môi-se đã nhiều lần khẳng định:“Sự sống của xác thịt ở trong huyết” (Lê-vi ký 17:11) hay “Sự sống của mọi xác thịt đều ở trong huyết chúng” (Lê-vi ký 17:14). Như vậy, cách đây hơn 3300 năm, lời Kinh Thánh đã bày tỏ một sự kiện khoa học mà y học chỉ khám phá khoảng 400 năm trở lại mà thôi.
Cũng trong câu chuyện về máu huyết, có thời người ta phân biệt các loại máu theo chủng tộc; tức là chủng tộc nào “siêu đẳng” hơn thì máu của chủng tộc đó “siêu việt” hơn và máu của chủng tộc nào còn “sơ khai” thì máu của họ cũng chỉ nằm ở mức độ căn bản mà thôi. Do thái độ kỳ thị chủng tộc mà việc hiến máu và nhận máu ngày trước rất nhiêu khê và phức tạp, thậm chí trong Thế Chiến Thứ Hai, người ta phải bảo trì máu người da trắng và máu người da đen riêng biệt, để tránh tình trạng làm phật ý bệnh nhân. Vào năm 1900, một khoa học gia người Áo, Karl Landsteiner, khám phá ra bốn nhóm máu và bốn nhóm máu này không liên quan gì đến giới tính hay chủng tộc cả. Mọi người, bất kể màu da hay địa vị xã hội, đều là tạo vật yêu quý của Thiên Chúa, đều nhận lãnh sự sống từ Ngài qua một dòng máu của A-đam, như sứ đồ Phao-lô khẳng định trong Kinh Thánh khoảng 2000 năm trước đây như sau: “Từ một người, Ngài dựng lên tất cả các dân tộc trong nhân loại cho họ ở khắp mặt địa cầu, định thời gian hiện hữu và biên giới cho họ cư trú” (Công Vụ 17:26).
Trong quá khứ có rất nhiều bịnh truyền nhiễm lây lan thành cơn dịch, với lý do đơn giản người ta không giữ đúng phép vệ sinh. Thực ra, khái niệm về vi trùng, vi khuẩn, bệnh tật truyền nhiễm lây lan như thế nào qua sự tiếp xúc hàng ngày, là những khám phá gần đây của y học. Thế nhưng cách đây hơn 3500 năm, Kinh Thánh đã hướng dẫn tường tận về phép vệ sinh như sau: “Ai đụng vào xác người chết phải bị ô uế bảy ngày” (Dân-số ký 19:11) hay là: “Khi có chất lỏng từ thân thể của một người đàn ông xuất ra, chất xuất ra đó là ô uế. Giường người ấy nằm và bất cứ vật gì người ấy ngồi lên đều bị ô uế. Ai đụng đến giường người ấy phải giặt áo xống, tắm bằng nước và bị ô uế đến tối. Ai ngồi trên bất cứ vật gì người ấy ngồi, phải giặt áo xống, tắm bằng nước và bị ô uế đến tối” (Lê-vi ký 15:1-6)
Thế giới chúng ta đang sống ngày nay thật căng thẳng vì phải chạy đua với thời giờ và công việc. Một nghiên cứu mới đây cho thấy làm việc nhiều giờ quá sẽ gây tổn hại về đời sống tinh thần, tình trạng tâm lý và tình cảm của chúng ta, nhưng cách đây hơn 3500 năm, Kinh Thánh đã nhắc nhở về sự cần thiết của nghỉ ngơi như sau: “Phải nhớ ngày Sa-bát và giữ làm ngày thánh theo mạng lệnh CHÚA, Đức Chúa Trời các ngươi đã truyền dạy các ngươi. Các ngươi phải làm tất cả công việc của mình trong sáu ngày, nhưng ngày thứ bảy là ngày Sa-bát dành cho CHÚA, Đức Chúa Trời các ngươi. Trong ngày đó các ngươi, con trai con gái, tôi trai tớ gái, bò lừa hay bất kỳ loài vật nào, cả đến khách ở trong thành các ngươi đều không được làm việc gì cả, để cho tôi trai tớ gái các ngươi và chính các ngươi được nghỉ ngơi” (Phục Truyền 5:12-14)
Kính thưa quý độc giả,
Quả thật, khoa học của con người rất giới hạn, đi sau Kinh Thánh cả hàng ngàn năm về các khám phá, chỉ bó gọn trong thế giới thiên nhiên và không có câu trả lời cho mọi nan đề của con người. Bằng chứng là, dầu khoa học kỹ thuật tiến bộ đến đâu, tình trạng đạo đức của con người vẫn tiếp tục xuống dốc thật thê thảm và nỗi trống vắng trong tâm hồn chỉ ngày càng lớn mà thôi. Do vậy, thật là ngược ngạo, nếu chúng ta dùng khoa học làm tiêu chuẩn đánh giá Kinh Thánh để khẳng định tính chân lý trong lời của Đấng Tạo Hóa.
Nhà toán học xác suất thống kê thiên tài Blaise Pascal đã từng “đánh cuộc” như vầy: “Thiên Chúa hiện hữu hay Ngài không hiện hữu? Chúng ta nên chọn bên nào? Lý luận hoài chẳng dẫn tới đâu cả. Chúng ta đang bị xâu xé giữa hai câu trả lời cách nhau với khoảng cách vô cực. Thôi thì, hãy tạm gác lý luận qua một bên, để xem xét chúng ta sẽ được gì hay mất gì, nếu chúng ta đánh cuộc rằng Thiên Chúa hiện hữu… Nếu bạn đánh cuộc rằng Thiên Chúa hiện hữu và bạn thắng, bạn được tất cả, vui mừng, bình an ngay trong đời này và thiên đàng phước hạnh trong cõi đời đời; còn nếu bạn thua, bạn cũng chẳng mất gì cả. Vậy thì dại gì mà còn chần chừ, hãy tin vào sự hiện hữu của Ngài”
Quý độc giả thân mến,
Chúng ta phải đến với Kinh Thánh bằng niềm tin. Qua sự kiện Con Một Thiên Chúa giáng trần để hy sinh, chết thế cho tội lỗi của mỗi chúng ta, chúng ta tin quả quyết rằng Thiên Chúa yêu thương mỗi chúng ta vô hạn và Ngài đang dành sẵn cho quý vị và tôi một chương trình tốt đẹp đời đời. Cũng qua niềm tin đó, Thiên Chúa sẽ dẫn dắt chúng ta vào những chân lý mà không có ngành khoa học nào, triết học nào của con người có thể dò thấy được, như lời Kinh Thánh có chép: “Kính sợ Chúa Hằng Hữu là bước đầu mọi tri thức” (Châm Ngôn 1:7)
Thân chào quý vị và các bạn.
Tùng Tri - Dựa theo “Why You Can Have Confidence In The Bible” by Dr. Harold J. Sala & “The Bible and Medicine” by Dr. John Hellawell
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com