Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Cỏ vườn bên xanh hơn

                    Kính thưa quý độc giả,
                  Thúy và Lan vừa mới học xong bậc tiểu học và hai đứa đang khoe với nhau về chương trình nghỉ hè sắp tới. Thúy khoe gia đình mình sẽ đi cắm trại tại công viên quốc gia Wilsons Prom, là một khu rừng tuyệt đẹp, nằm cạnh bên một vịnh biển, có sông Tidal River đổ nước ra vịnh; rằng Thúy sẽ tắm sông hay tắm biển tùy thích, rồi câu cá hay trượt nước mỗi ngày. Khi đang lắng nghe Thúy, Lan nghĩ về dự định nghỉ hè của mình là đi đến thư viện gần nhà mỗi ngày để đọc sách, sao mà buồn tẻ và nhạt nhẽo quá. Bỗng dưng Lan cảm thấy tủi thân và cố gắng che dấu cái cảm giác ấy trước mặt Thúy. Lan nói: “Mình ghét đi cắm trại vào mùa hè lắm. Trời thì nóng như thiêu đốt, lại bị mấy con ong, con bọ chích thật ngứa ngáy khó chịu. Mình thiệt là mừng ba mẹ mình không bắt mình phải đi cắm trại mùa hè”. Lời nói của Lan không chỉ dập tắt nỗi vui sướng của Thúy, mà còn khiến Thúy lo sợ hoang mang về kỳ cắm trại sắp tới đây.
                  Lớn lên, Thúy và Lan cùng vào một phân khoa trong một trường đại học. Thúy lanh lợi và học thuộc bài khá nhanh, còn Lan thì phải học nhiều giờ hơn. Kết quả cuối năm, Lan thật vui mừng khi nhận được điểm B, nhưng niềm vui chợt tan biến, nhường chỗ cho một cảm giác ghen tỵ thật cay đắng, khi Thúy cho biết đã nhận được điểm A.
                  Tốt nghiệp đại học, cả hai đều có việc làm; rồi Thúy có người yêu, làm đám cưới lập gia đình, còn Lan thì vẫn còn võ vò chiếc bóng. Ngày Thúy báo tin mình vừa có thai, Lan cảm thấy thật mặc cảm, vì Lan chỉ hết chúc mừng cho người này đến người kia, hết chung vui với người khác từ dịp này qua dịp nọ, mà cuộc đời của riêng mình thì vẫn còn dậm chân tại chỗ.
                  Theo tháng ngày, Thúy quá bận rộn với gia đình và chồng con, nên phải giã từ nghề nghiệp chuyên môn; còn Lan cứ thăng tiến mãi trong việc làm, được thăng chức, được tự do đi làm hết nước này đến được nọ. Điều này khiến cho Thúy đôi lúc thấy cảm thấy ghen tức, trách mình sao lại bị bó buộc với chồng con, để không còn được tự do về tài chánh, mà cũng không còn được “tự do bay nhảy” như Lan.
                  Khi tuổi đã xế chiều, Thúy và Lan cùng ở chung một viện dưỡng lão. Các con vào thăm Thúy gần như mỗi tuần và chúng nó cũng không quên chào hỏi dì Lan là bạn thân của mẹ. Điều này vẫn không xóa được nỗi mặc cảm của Lan, đến nỗi mặc dù được các cháu mời dự sinh nhật của Thúy, Lan đã từ chối, viện cớ mình đang mệt và cần được nghỉ ngơi.
                  Trong suốt cả cuộc đời, từ thuở niên thiếu qua đến thời thanh xuân, trải qua giai đoạn trung niên cho đến khi tuổi xế chiều, cả Thúy và Lan nhìn nhau với cặp mắt so đo, hướng lòng mình về những điều người kia đang có, cảm thấy không hài lòng về hoàn cảnh của chính mình, để rồi cả hai không thể tận hưởng trọn vẹn những gì mình được ban cho.

                  Bản tính ưa so đo ganh tỵ khiến rễ đắng gai nhọn mọc đầy trong tâm hồn, dập tắt niềm vui, cướp mất sự thỏa lòng và phá hủy tình thân thiết. Ưa so đo ganh tỵ sanh ra lòng ham muốn bất chánh, nếu có điều kiện thì chắc chắn sẽ dẫn đến hành động tước đoạt từ những người khác những gì mình đang thèm thuồng.
                  Đấng Tạo Hóa ban cho nhân loại Mười Điều Răn, trong đó có điều răn Thứ Mười, cảnh giác bạn và tôi phải thận trọng trước bản tính ưa so đo dễ sanh lòng ham muốn bất chánh, như sau:
                  “Con không được tham muốn nhà người lân cận con, cũng không được tham muốn vợ, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa hay bất cứ vật gì thuộc về người lân cận con.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17)
                  Nhiều tôn giáo cho rằng lòng tham là nguyên nhân đưa đến mọi nỗi khổ đau của con người; còn một người bình thường qua vấp ngã thực tế cũng nhận biết thèm muốn bất chánh chỉ gieo khổ rắc sầu cho đời sống mà thôi. Dù biết vậy, nhưng không mấy ai có thể chế ngự được bản tánh ưa so đo ham muốn; nỗi tham này cất đi thì nỗi tham khác lại ló dạng. Cỏ vườn nhà bên cạnh lúc nào cũng xanh hơn nhà mình. Hết còn thích xe mới giống như của bạn thì lại thèm nhà mới giống hàng xóm. Hết còn thích địa vị giống như của bạn thì lại thèm có người vợ sang trọng hay người chồng giỏi giang giống người láng giềng.
                  Tại sao bạn và tôi không thể “nhổ” cho hết lòng ham muốn thèm thuồng ra khỏi đời sống của mình?
                  Bởi vì, dù cố gắng đến đâu, dù tu hành đến mấy, bạn và tôi mới chỉ điều trị “triệu chứng bên ngoài” của bản tánh hư hoại này; nếu có chế ngự được ngày hôm nay thì không có gì bảo đảm bạn có thể chế ngự được ngày mai.
                  Muốn cất đi bản tính tham lam do so đo ganh tỵ đưa đến, trước hết bạn và tôi phải nhìn đến nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, là căn bệnh trầm kha của nhân loại, nằm sâu thẳm trong mỗi tâm linh chúng ta.
                  Căn bệnh đó là: bởi vì CHÚNG TA KHÔNG TIN!
                  Chúng ta không tin điều gì? Chúng ta không tin ai?
                  Quý độc giả thân mến,
                  Bởi vì chúng ta không tin có một Đấng Tạo Hóa.
                  Bởi vì chúng ta không tin có một Đấng Tạo Hóa là Đấng Chủ Tể Toàn Năng, đang quản cai muôn sự, muôn vật và muôn loài.
                  Bởi vì chúng ta không tin Đấng Tạo Hóa là Đấng Nhân Từ, tràn đầy tình yêu và lòng thương xót trên mỗi chúng ta.
                  Bởi vì chúng ta không tin Đấng Tạo Hóa là Cha Thiên Thượng của mỗi chúng ta, đang chăm sóc và muốn luôn gần gũi kề cận bên bạn và tôi trong mọi giây phút trong cuộc đời.

                  Bởi vì chúng ta không tin Ngài đã hoạch định một chương trình tốt đẹp đời đời cho mỗi chúng ta.
                  Bởi vì chúng ta không tin tất cả những điều này, cho nên chúng ta sẽ mãi mãi so đo, sẽ mãi mãi ganh tỵ, sẽ mãi mãi còn thèm muốn, chẳng bao giờ thỏa lòng và chẳng bao giờ ngần ngại ra tay chiếm đoạt từ người khác khi có điều kiện.
                  Để minh họa vì sao không tin vào Đấng Tạo Hóa, không tin vào quyền tể trị và không tin vào bản tánh nhân lành của Ngài, cứ xô đẩy một người mãi vào tình trạng so đo thèm muốn, chúng ta hãy suy nghĩ về một đứa trẻ kia đang vòi vĩnh xin mẹ một chiếc bánh ngọt. Người mẹ với kinh nghiệm sống khôn ngoan và lòng thương con, biết rằng ăn nhiều bánh ngọt chỉ có hại cho con thôi. Do vậy, người mẹ không cho con bánh ngọt, nhưng thay vào đó cho con một trái táo. Còn đứa trẻ thì không hiểu mẹ làm như vậy là vì lợi ích lâu dài cho con, cho nên òa lên khóc tức tối, đến nỗi bị mẹ kỷ luật bắt đi vào phòng cho đến khi nào hết khóc lóc la lối mới thôi.
                  Nỗi thèm muốn ăn bánh ngọt còn day dứt vì đứa trẻ không hiểu mẹ và không tin mẹ không cho nó bánh ngọt là chỉ vì thương nó. Nó chỉ đơn giản nghĩ rằng bánh vừa ngọt vừa béo sẽ làm nó vui thích mãi; nhưng người mẹ biết rằng, ăn nhiều bánh ngọt khiến cơ thể rối loạn và dẫn đến nhiều bệnh tật khó khăn sau này. Khi đứa bé lớn lên và trưởng thành, nó hiểu ra vì sao đã mẹ làm như vậy, nên biết ơn mẹ đã chăm lo và giữ gìn cho mình.
                  Cũng tương tự như vậy, chỉ khi chúng ta hiểu được bản chất yêu thương và tốt lành của Đấng Tạo Hóa, chúng ta mới có thể sống biết ơn Ngài và thỏa lòng với những gì mình đang được ban cho. Chỉ khi nào chúng ta biết Ngài đang hoạch định một chương trình tốt đẹp lâu dài vĩnh viễn cho mỗi chúng ta, thì trong cuộc đời ngắn ngủi chóng qua này, bạn và tôi mới đủ sức chống cự lại bao thèm thuồng tham muốn khi nhìn về những người khác đang có.
                  Tin cậy vào quyền chủ tể tuyệt đối và bản tánh tốt đẹp của Đấng Tối Cao là chìa khóa để sống thỏa lòng và để có thể tận hưởng cuộc sống ngay trong hoàn cảnh hiện tại, như Kinh Thánh có khẳng định:
                  “Sự tin kính cùng sự thỏa lòng chính là nguồn lợi lớn” (I Ti-mô-thê 6:6)
                  Đất trời vạn vật với muôn màu muôn vẻ không phải tự nhiên mà có, bạn và tôi có mặt trên thế gian này không phải do tình cờ, cuộc sống chúng ta đang có không phải do ngẫu nhiên mà ra. Kinh Thánh khẳng định:
                  “Ban đầu, Đức Chúa Trời sáng tạo trời và đất… Trong Ngài mọi vật trên trời, dưới đất, vật thấy được hoặc vật không thấy được đều được tạo dựng. Hoặc ngôi vua, hoặc quyền thống trị, hoặc các lãnh tụ, hoặc giới cầm quyền đều được tạo dựng bởi Ngài và vì Ngài.” (Sáng Thế Ký 1:1 & Cô-lô-se 1:16)
                  Bên cạnh đó, Đấng Tạo Hóa là Đấng nhân từ và tràn đầy lòng yêu thương. Thi sĩ Đa-vít bày tỏ sự kinh ngạc trước sự quan tâm thật chu đáo tỉ mỉ của Đấng Tạo Hóa đến với bạn và tôi, như vầy:
                  “Chúa Hằng Hữu ôi, Ngài đã quan sát và biết con.
                  Chúa biết khi con ngồi hay đứng, dù ở xa Chúa hiểu tư tưởng con.
                  Chúa xét xem lộ trình, quán trọ, Ngài quen thuộc từng hành động con.
                  Lời con nói chưa ra khỏi miệng, Chúa của con đã biết hết rồi.
                  Chúa che chở phía sau phía trước, đặt tay Ngài trên con.
                  Biết như thế, con vô cùng kinh ngạc, vì quá cao siêu với trí óc con” (Thi Thiên 139:1-6)
                  Sống trong một thế giới đầy tội lỗi, lọc lừa và gian dối, không ai trong chúng ta có thể tránh hết được những khổ đau phiền muộn, nhưng khi bạn và tôi đặt lòng tin nơi quyền tể trị tuyệt đối và tình yêu vô biên của Đấng Tối Cao, Ngài có thể biến đổi những khổ đau chúng ta đang gánh chịu trở nên nỗi vui mừng, sự đau đớn trở nên niềm phước hạnh, như sứ đồ Phao-lô có khẳng định:
                  “Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:28)
                  Quyền chủ tể tuyệt đối và bản tánh tốt lành của Đấng Tạo Hóa, bao gồm tình thương yêu, lòng nhân từ độ lượng, ưa tha thứ, hay làm ơn, thích điều công bình thánh sạch, thể hiện thật rõ ràng và trọn vẹn qua sự kiện lịch sử của con người mang tên Giê-xu. Ngài chính là Thiên Chúa Ngôi Hai đã tự nguyện giáng trần, sinh ra như một con người, sống một đời sống trọn vẹn thánh khiết và nhân lành. Tuy nhiên, vì lòng ganh ghét và gian ác, người ta đã đóng đinh và treo Ngài trên cây thập tự cho đến chết. Cái chết đau thương của Chúa Cứu Thế Giê-xu không phải là sự tình cờ ngẫu nhiên, nhưng nằm trong chương trình của Đấng Tối Cao để cứu loài người ra khỏi bản án phạt đời đời do tội lỗi gây ra; sự gian ác của loài người không thể cản trở chương trình kỳ diệu của Đấng Toàn Năng để cứu loài người ra khỏi sự gian ác đó.
                  Vì khi bị đóng đinh và treo trên cây thập tự cho đến chết, đó chính là lúc Con Một của Thiên Chúa đang làm của lễ chuộc tội cho cả nhân loại, đang gánh thay cho chúng ta bản án tội, đang chết thế cho bạn và tôi; hầu cho bất kỳ ai nhận biết mình bất toàn, ăn năn những vi phạm và tin vào sự đền nợ tội thế đó của Chúa Cứu Thế Giê-xu, thì người đó được Đấng Tạo Hóa tuyên bố là vô tội, được xóa bỏ mọi vi phạm cùng bản án phạt đời đời, được khôi phục mối liên hệ với Đấng tạo dựng ra mình, được kinh nghiệm sự đổi mới mỗi ngày từ nơi sâu thẳm của tâm hồn, để trở nên một con người hoàn toàn mới, sẵn sàng bước vào nơi phước hạnh vĩnh viễn.
                  Kính thưa quý độc giả,
                  Nếu chúng ta nghĩ rằng cuộc đời này chỉ là một sự ngẫu nhiên tình cờ, chỉ tồn tại ngắn ngủi trong một vài chục năm, tự nhiên bạn và tôi sẽ ra sức “thu tóm” những gì mình ham thích, để “thụ hưởng” trong cơ hội “chỉ có một lần này” và tất yếu sẽ sinh ra lắm so đo ganh tỵ cùng bao tham muốn bất chính.
                  Nhưng khi chúng ta nhận ra rằng, cuộc đời này là để đáp ứng lời mời gọi chân tình của Đấng Tạo Hóa để bước vào mối liên hệ vĩnh cữu với Ngài, thì bạn và tôi mới không còn so đo ganh tỵ, không còn thèm muốn những gì người khác đang có, nhưng chúng ta thỏa lòng trong những gì được ban cho, mới vui vẻ để được thử rèn và đổi mới trong mọi hoàn cảnh, để trở nên một con người theo như ý định của Đấng tạo dựng ra mình, để rồi khám phá và tận hưởng bao phước hạnh đích thực dư dật đang dành sẵn cho mình, như Kinh Thánh, sách I Cô-rinh-tô 2:9 có khẳng định:
                  “Những gì mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng chưa nghĩ đến.
                  Thì Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho những người yêu mến Ngài.”
                  Thân chào quý vị và các bạn.
 
Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG CHÚA NHẬT 30/10/2016

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG
CHÚA NHẬT 30/10/2016

     Vào lúc 08h40, sáng Chúa nhật 30.10.2016, tại Nhà nguyện Tin Lành Tân Nghĩa (228 CMT8, TT. Tân Nghĩa, Hàm Tân), con cái Chúa hân hoan nhóm lại trong chương trình Thờ phượng. Hiện diện gồm có quý Mục sư, Truyền đạo và con cái Chúa tại HT Tân Nghĩa.

     Sau phần hát dẫn-thờ phượng của hội chúng, Ms. Quản nhiệm cầu nguyện khai lễ. Hội Thánh tôn vinh Chúa các bài Thánh ca cách mạnh mẽ. Trong chương trình, các Bài Thánh ca, Kinh Thánh đọc đối đáp với nội dung ca ngợi, tôn vinh ba ngôi Đức Chúa Trời.
                               
   Trong giờ Giảng Luận, Ms. Quản nhiệm có Lời Chúa cho Hội thánh trong: Ê-phê-sô 1:7-14 với chủ đề ĐỜI SỐNG VUI MỪNG (tiếp theo) câu gốc: Phi-líp 4:4. Nhắc nhở con dân Chúa về lý do CĐN vui mừng trong mọi hoàn cảnh để qua đó thấy được ơn thương xót của Đức Chúa Trời và hết lòng cảm tạ Ngài.

     Sau giờ giảng luận, TK. Nguyễn Tấn Hậu cầu nguyện đáp ứng Lời Chúa.
    
     Chương trình Thờ phượng kết thúc lúc 10h05 sau lời cầu nguyện chúc phước của Mục sư Quản nhiệm.


Một số hình ảnh ghi nhận



Tác giả bài viết: Tổ Truyền thông

Dẫu Bằng Xà Phòng



DẪU BẴNG XÀ PHÒNG

               Kinh Thánh: Giê-rê-mi 2: 22

               Dầu ngươi có tắm gội bằng xà phòng, rửa mình nhiều lần trong nước tro, dấu vết tội ác ngươi vẫn sờ sờ trước mắt Ta. Đấy là lời của Chúa Vạn Quân. (Bản dịch mới)

               Giê-rê-mi bảo dân sự rằng bao nhiêu xà phòng cũng không đủ để tẩy sạch tâm linh của họ. Tội lỗi đã làm hoen ố họ mãi mãi. Và Đức Giê-hô-va luôn dõi mắt vào đời sống tội lỗi của họ. Bài giảng của Giê-rê-mi đã dẫn đến một kết thúc dường như tuyệt vọng. Ông thách thức người nghe hãy nhìn xung quanh xem có dân tộc nào đã vội bỏ thần mình chạy theo một thần tượng mới không. Tuy nhiên dân sự của Ngài lại bỏ Đức Chúa Trời chân thật để đổi lấy cho mình thần tượng hư không (2:10, 11).

               Vì vậy hình phạt dành cho họ là ách nô lệ. Các dân tộc khác sẽ xiềng xích họ như trong quá khứ. Dân Ai Cập và dân A-si-ry sẽ đốt các thành và bắt họ làm phu tù. Tuy nhiên, dân sự Ngài vẫn đeo đuổi và tìm kiếm sự giúp đỡ của mình nơi những hình tượng hư không và các dân tộc khác thay vì phải phụ thuộc vào Đức Chúa Trời (2:14-18).

               Chính sự gian ác của họ đã mang đến trên họ sự trừng phạt. Họ phàm tội bởi những việc làm không trung tín của mình. Họ bỏ mặc và không tôn trọng Ngài. Việc họ lìa bỏ Ngài không mang đến cho họ điều tốt lành gì ngoài sự tổn hại (2:29).

               Suốt cả lịch sử dài, họ đã lìa bỏ Đức Giê-hô-va không tôn trọng thẩm quyền của Ngài và không chịu thuận phục Ngài. Rõ ràng dân sự đã công bố với Đức Giê-hô-va rằng họ sẽ không hầu việc Ngài nữa. Thay vào đó, sẽ làm cho mình những thần tượng trên các đồi cao và dưới mỗi cây xanh. Đức Giê-hô-va vì ân điển, đã gieo trồng họ trong đất giống như cây nho đặc biệt từ hạt giống tốt nhất. Tuy nhiên họ đã chối bỏ ân điển Ngài. Kết quả là họ đã trở thành những cây nho hoang sản sinh ra những trái hôi thối (2:20, 21).

               Không loại bột giặt nào trên thị trường có thể tẩy sạch tội lỗi của họ. Hy vọng duy nhất cho họ là sự tha thứ thiên thượng. Sau này Giê-rê-mi bày tỏ rằng Đức Giê-hô-va đã ban cho họ sự tha thứ dưới Giao ước mới(31:34). Sự tha thứ trọn vẹn đến từ Đức Chúa Giê-xu, chỉ có Ngài mới có thể tẩy sạch những hoen ố xấu xa nhất. Hãy sống trong mối thông công không còn mặc cảm tội lỗi với Chúa ngay hôm nay.

               Làm thế nào để mối thông công của bạn với Chúa có thể là “mối thông công không còn mặc cảm tội lỗi”.

David Coldwell
Nguồn: cdnvn.com

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

THÔNG BÁO V/v tập hát quý 4/2016 cảa Ban TTN

Ban Hướng dẫn TTN thông báo:


       Để thuận tiện cho việc tập hát tôn vinh Chúa quý 4/2016, BHD đã cho đăng tải video (độ phân giải Full HD 1080) bài thánh ca 868 "Hãy Đi Khi Chúa Đang Gọi" cho các ban viên TTN để tập hát ở nhà.
       Rất mong các bạn cùng luyện tập để tôn vinh Chúa cách hết lòng !
       Chi tiết liên hệ Trưởng ban TTN (chị Phạm Thị Thúy Nga).


Bản quyền video: HTTL Tân Nghĩa


Video 1


Video 2

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Bạn Bị Choáng Ngộp hay Bạn Kiểm Soát Gắt Gao? (#1)

Kính thưa quý độc giả,
                Chúng ta đang ở chương thứ nhất của quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop với Chương Đề “Tìm Kiếm Sự Tự Chủ”. Trong hai tuần liên tiếp vừa qua, chúng ta đã nói đến ba loại cảm xúc căn bản của con người, là cảm xúc yêu thương, giận dữ và sợ hãi. Mỗi cảm xúc đều có sự chuyển động và phương hướng, dẫn đến hành vi cư xử và thái độ của chúng ta khi những cảm xúc ấy tràn ngập trong lòng.
                Tuần trước, chúng tôi đã giải thích rằng trong khi cảm xúc yêu thương đưa chúng ta tiến về phía đối tượng mình yêu thương hay ưa thích, thì sự chuyển động của cảm xúc giận dữ không chỉ đẩy chúng ta hướng tới, mà còn đồng thời nghịch lại đối tượng làm cho mình tức giận. Như vậy, giận dữ là một cảm xúc tạo ra sự ngăn cách. Cảm xúc ấy đẩy chúng ta di chuyển về phía đối tượng của cơn giận mình với một cường độ đáng kể, hoặc là trút đổ sự tức giận xuống đối tượng đó hoặc là đẩy nó đi xa. Cảm xúc giận dữ chuẩn bị chúng ta để hướng đến sự tranh chiến và đối nghịch cùng đối tượng.
                Chúng ta cũng đã nói về sự chuyển động của cảm xúc cơ bản thứ ba, tức cảm xúc sợ hãi, là lánh xa khỏi đối tượng khiến chúng ta sợ hãi. Khi cảm xúc sợ hãi dâng tràn, chúng ta sẽ lùi lại, thậm chí là chạy trốn. Giận dữ và sợ hãi là những cảm xúc theo hướng trái ngược nhau, thường được gọi là những cảm xúc kích hoạt sự tranh chiến đầy tính hỗn loạn. Cả hai cảm xúc giận dữ lẫn sợ hãi đều là những phản ứng trước một mối đe dọa, và điều xảy ra về mặt sinh lý khi chúng ta tức giận hay sợ hãi thì y hệt như nhau.
                Đi xa hơn nữa, chúng ta biết rằng cảm xúc của con người trở nên phức tạp hơn khi ba cảm xúc chủ yếu là yêu thương, giận dữ và sợ hãi pha trộn với nhau để tạo nên vô số các cảm xúc và cảm giác khác như lo lắng, cảm giác tội lỗi, bồn chồn không yên, buồn rầu, phiền muộn, vui sướng, mừng rỡ, hài lòng, v.v. và v.v.. Dù rằng mặt cảm xúc của con người vô cùng phức tạp, nhưng nếu hiểu được ba cảm xúc căn bản và cách thức mà cả ba hoạt động thì chúng ta có thể hiểu rõ hơn vô số những cảm xúc hay cảm giác khác. Việc am hiểu sự chuyển động của cảm xúc cũng sẽ giúp chúng ta phân loại điều mình đang trải nghiệm về mặt cảm xúc khi ở trong một chuỗi sự kiện giống như những điều được miêu tả bên trên vốn có cả ba cảm xúc đang hoạt động cùng một lúc.
                Hiểu được ba cảm xúc căn bản trên, chúng ta sẽ thấy sự liên hệ giữa cảm xúc với sự tự chủ. Cảm xúc giận dữ và sợ hãi là những phản ứng trước những tình huống, sự việc hay những người gây ra mối đe dọa. Ngược lại, yêu thương là cảm xúc của sự tự chủ, vì khi yêu thương là sự đáp ứng của chúng ta, chúng ta có thể hành động trước cuộc sống, chứ không phải phản ứng lại cuộc sống.
                Bạn Bị Choáng Ngộp hay Bạn Kiểm Soát Gắt Gao?
                Kính thưa quý độc giả,
                Khi bị cảm giác hay cảm xúc của mình làm cho bối rối, chúng ta đáp ứng theo một trong hai cách. Hoặc chúng ta bùng nổ lên, để mặc cho những cảm xúc của mình dâng trào ra mọi người quanh mình và kéo họ vào tình cảnh bối rối, dở khóc dở cười; hoặc chúng ta kềm hãm chặt chẽ mọi biểu hiện của mình về mặt cảm giác hay cảm xúc, đồng thời cố gắng khống chế mọi diễn tiến chung quanh mình một cách gắt gao.
                Khi bị áp đảo bởi thế giới quanh mình, chúng ta thường rút lui vào một điều gì đó có vẻ an toàn-một nơi để ẩn náu. Nhưng chẳng bao lâu chúng ta khám phá ra rằng mình vẫn đang mất kiểm soát và cần tìm ra những nơi ẩn náu mới hoặc những cách tránh né mới.
                Marge là một ví dụ thích hợp về một người thấy mình bị cuộc sống áp đảo tới mức choáng ngộp. Cô là một người thân thiện, hay quan tâm đến người khác, luôn dành thời gian để lắng nghe những nan đề của bạn bè. Nhưng gần đây Marge thấy bản thân mình bị kiệt quệ bởi những điều này. Khi màn đêm buông xuống, cô nằm thao thức mãi vì không thể ngủ được, trong khi tâm trí cô cứ ôn đi ôn lại tất cả mọi việc cô cần phải làm ngày hôm ấy nhưng cô đã chẳng hề hoàn tất nổi bất cứ việc nào. Và cứ thế, thay vì ngủ nghỉ, thì Marge nằm đó vật lộn với những giải pháp khả thi để giúp đỡ bạn mình.
                Khi lê người ra khỏi giường vào buổi sáng hôm sau, Marge thấy mình đối diện với chồng bát đĩa bẩn của ngày hôm qua-cộng với những chén đĩa, nồi niêu chưa rửa từ ngày hôm kia. Đống quần áo bẩn cần được giặt sạch dường như chạm tới trần nhà. Và rồi điện thoại lại bắt đầu reo. Giữa các cuộc gọi đó Marge ngã quỵ xuống trên chiếc ghế trường kỷ, đờ người ra khi nghĩ tới tất cả những thứ cần phải làm. Có khi trong sự tuyệt vọng, cô đi đến trung tâm mua sắm chỉ với mục đích cố gắng tránh né mọi người và mọi thứ.
                Khi Marge cố gắng kỷ luật các con mình, thì bọn trẻ dùng đủ cách để làm cô lãng đi không chú ý đến chúng, cho tới khi cuối cùng cô phải chịu thua, đưa tay lên trong tuyệt vọng. Từ lâu, các con cô đã học biết cách làm thế nào để lôi kéo cô vào cảm giác bị áp lực đến mức choáng váng và dùng nó để có lợi cho chúng.
                Phòng làm việc của Marge bày bừa tràn lan ra các phòng khác trong nhà. Cô quan tâm đến các đề án khác nhau, bắt tay vào việc thực hiện chúng với sự nhiệt thành nhưng ít khi có đề án nào được hoàn tất. Cô ước ao mình không phải là một người chần chừ như thế.
                Thỉnh thoảng Marge để cho mọi công việc của cô dồn đống lại và cảm thấy chúng khống chế đời sống cô ở một mức độ nào đó. Cô từng thề thốt là sẽ không bao giờ để cho mọi sự vượt ra khỏi tầm kiểm soát lần nữa-một lời thề thường xuyên bị phá vỡ trong một vài ngày. Cô ao ước có một phương cách hữu hiệu để tổ chức cuộc sống mình, song cô không biết phải bắt đầu như thế nào.
                Đôi khi cảm giác bị choáng ngộp ẩn dưới hình thức của nỗi sợ hãi, như trong trường hợp của Donna. Cô sợ đám đông, sợ độ cao, và sợ bị ở trong một không gian kín. Khi Donna đến văn phòng của tôi lần đầu tiên, cô ngồi trên mép của chiếc ghế trường kỷ với đôi mắt dán chặt vào cánh cửa. Khi chúng tôi trò chuyện, cô kể lại những nỗi lo sợ của cô gần đây đã gia tăng hơn ra sao.
                Thường thì gia đình của Donna tìm cách để thích nghi với những nỗi lo sợ của cô. Họ biết họ sẽ phải đến nhà thờ trễ để cô có thể đứng ở phía sau, gần cửa ra vào. Họ cũng biết họ sẽ ra về sớm để Donna có thể tránh né việc phải nói chuyện với bất cứ ai.
                Fred, chồng của Donna, không xếp thời gian biểu cho nhiều buổi tiệc xã giao. Khi vợ chồng anh buộc lòng phải sắp xếp thì giờ để tham dự những loại tiệc xã giao ấy thì Donna phải đoan chắc rằng họ sẽ đến dự tiệc trễ và ra về sớm - phương cách duy nhất khiến cô cảm thấy an tâm. Thời gian về sau, vợ chồng Fred và Donna đã phải rời khỏi nhiều cuộc chiêu đãi sớm hơn thời gian họ dự định vì Donna đã trải qua những cơn lo lắng và sợ hãi thái quá bao gồm luôn việc cô từng bị ngất xỉu.
                Chứng lo sợ thái quá đến mức vô lý của Donna dường như tăng lên bởi việc Fred sắp được thăng chức làm lãnh đạo nhà máy mới của công ty anh đang công tác. Sự lo sợ này hầu như không còn là một nơi an toàn cho cô ẩn náu nữa, bởi vì việc thăng chức vào vị trí mới của Fred trong công ty đồng nghĩa với những đòi hỏi mới và đầy đe dọa trên cô.
                Trong lòng Donna, những cảm xúc cứ dâng trào như một trận cuồng phong. Rõ ràng là cô không cố tình ngất xỉu. Và cô thật sự không thể kiểm soát những nỗi lo sợ đến mức không lý giải được của mình. Mỗi lần cô cố gắng hòa nhập vào xã hội thì sự lo lắng trong bản thân cô lại càng trở nên tồi tệ hơn. Cô thấy ngột ngạt bởi các cảm xúc và cảm giác mà cô thậm chí không thể hiểu được. Sự thông cảm của gia đình Donna chỉ làm tăng thêm cảm giác tội lỗi vào những nỗi lo sợ của cô.
                Marge và Donna là hai ví dụ của hai người bị áp lực tới mức choáng ngộp bởi cảm xúc và cảm giác. Nhìn vẻ bề ngoài, có thể bạn sẽ không nhận ra rằng Marge hay Donna đang mất khống chế bản thân. Nhưng bên trong, các loại cảm xúc và cảm giác của họ cứ liên tục thay đổi dữ dội, góp phần tăng thêm những nỗi sợ hãi và cảm giác thất bại khiến họ thêm luống cuống.
                Cách đáp ứng ngược lại, tức là việc trở nên muốn kiểm soát toàn diện, kiểm soát quá mức, cũng có thể gây nên hậu quả tàn hại y như trên. Thế nhưng loại người có hành vi cư xử ức chế này thậm chí lại giỏi che giấu sự xung đột bản thân hơn loại người như Marge và Donna. Phương pháp đối đầu này đưa những người như vậy đến chỗ thúc ép bản thân họ và đồng thời cũng thúc ép những người chung quanh họ. Và họ sẽ tiếp tục thúc ép như vậy cho đến khi một điều gì đó xen vào, thường là tình trạng sức khỏe của họ. Rồi thì họ thậm chí trở nên mất kiểm soát càng hơn.
                Kính thưa quý độc giả,
                Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Tuần sau chúng tôi sẽ trình bày về hai trường hợp khác của Peggy và Arnie, một nam, một nữ, khi họ đối diện với sự hỗn loạn về cảm xúc của mình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

THƠ: Vững Lập Đời Đời


Vững Lập Đời Đời

Thi-thiên 33:11, “Mưu của Đức Giê-hô-va được vững lập đời đời, ý tưởng của lòng Ngài còn đời nầy sang đời kia.”

Mưu Ngài vững lập đời đời, 
Ý lòng suy tưởng, chẳng dời thay đâu, 
Thế nhân biến đổi mặc dầu, 
Chỉ Ngài hằng hữu từ đầu về sau! 

Hướng lòng về Chúa trên cao, 
Một lòng một ý với nhau thờ Ngài, 
Ngợi khen Danh Thánh quyền oai, 
Tình yêu tuyệt đối, duy Ngài ban cho! 

Vững tin trông cậy, chớ lo, 
Đi trong đường lối Chúa cho sợ gì, 
Vì Ngài là Đấng Toàn Tri, 
Chương trình đã định còn ghi đời đời! 

Một lòng kính Chúa ai ơi, 
Thế gian tàn rụi, nhưng Lời Chúa không! 
Nếu ai yêu Chúa hết lòng, 
Thì Ngài thỏa nguyện ước mong trọn đời! 

Tiểu Minh Ngọc 
Nguồn: vietchristian.com

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

THÔNG BÁO KHẨN CỦA BBT&QT


Thông báo:

          Hiện nay, Bp. Kỹ thuật - Tổ Quản trị đang tiến hành cập nhật hệ thống và trang trí web dịp GS nên dữ liệu bị lỗi, hệ thống thường xuyên quá tải.
          Nếu phát hiện trang nào bị lỗi, mong quý vị hợp tác, gửi link bị lỗi đó cho chúng tôi qua email contact.bbtqt@gmail.com 
          Chúng tôi sẽ xử lý trong thời gian sớm nhất. Chậm nhất đến 23h00, ngày 02 tháng 11 năm 2016.

 Rất mong Quý độc giả thông cảm!



Ban Biên tập và Quản trị

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

Bông Trái và Sự Dư Dật

BÔNG TRÁI VÀ SỰ DƯ DẬT

                  Kinh Thánh: Giê-rê-mi 2:6, 7
 
                  Họ không nói: Chớ nào Đức Giê-hô-va ở đâu? Ấy là Đấng đã đem chúng ta ra khỏi đất Ê-díp-tô, đã dắt chúng ta qua đồng vắng, trong sa mạc đầy hầm hố, trong đất khô khan và có bóng sự chết, là đất chẳng một người nào đi qua, và không ai ở. Ta đã đem các ngươi vào trong một đất có nhiều hoa quả, để ăn trái và hưởng lợi nó. Nhưng, vừa vào đó, các ngươi đã làm ô uế đất Ta, đã làm cho sản nghiệp Ta thành ra gớm ghiếc.

                  Như một người giảng dạy có sức thuyết phục, Giê-rê-mi đã đưa ra sự tương phản sống động giữa đồng vắng và đất hứa. Đồng vắng là đất sa mạc, đầy dẫy bão cát làm đen bầu trời. Ai cũng biết sa mạc là nơi khô hạn và những thung lũng đe dọa tính mạng con người. Hầu hết mọi người đều cố tránh không đi ngang qua sa mạc hay sống ở đó.

                  Hoàn toàn khác với sa mạc, đất hứa của Đức Giê-hô-va là nơi tràn đầy nhựa sống. Đức Giê-hô-va đã mang dân sự của Ngài vào vùng đất nổi tiếng với những hoa quả. Ngài muốn họ tận hưởng thỏa thích hoa quả và sự giàu có của xứ. Ngài đã giải cứu dân sự Ngài ra khỏi một dân tộc gớm ghiếc trước mặt Ngài. Nhưng buồn thay, dân sự Ngài lại làm ô uế đất, và Ngài gớm ghiếc điều đó. Họ đã chối bỏ sự tốt lành của Ngài.

                  Chúng ta cũng nên nhớ rằng chính Đức Giê-hô-va đã tuôn đổ sự tốt lành của Ngài trên xứ. Thậm chí trước khi họ chiếm lấy xứ, họ đã biết sự giầu có vượt bậc của nó. Đó là xứ đượm sữa và mật. (Xuất 3:8)

                  Đức Giê-hô-va muốn mang họ vào trong xứ được bao phủ bởi những sông, suối và các nguồn nước. Đó là xứ cửa lúa mì, lúa mạch, nho, vả, lựu và Ô liu. Đó là nơi dân sự sẽ luôn luôn dư dật thức ăn. Họ có thể khai thác những mỏ sắt và đồng trên các vùng đồi. Đất hứa không thiếu bất cứ điều gì. Họ có thể ăn, uống và ngợi khen Đức Giê-hô-va về một xứ thượng hạng mà Ngài dành cho họ (Phục 8:7-10).

                  Những điều Ngài lấy làm vui lòng ban cho dân sự Ngài là bằng chứng của sự nhân từ Ngài. Lòng nhân từ của Đức Giê-hô-va còn đến đời đời. Sự nhân từ Ngài là một thực tế tồn tại cho dù có những lúc dường như bạn không nhìn thấy những sự ban cho hoặc không cảm nhận được sự nhân từ của Ngài.

                  Bạn có nhạy bén với tất cả bông trái và sự dư đất mà Ngài tuôn đổ trên bạn không? Bạn vẫn còn tồn tại để đọc những dòng này, cổ nghĩa là bạn được ăn uống đầy đủ trong suốt những năm qua. Có thể bạn không có được mọi điều ao ước nhưng Bạn đã có đủ ăn. Đức Giê-hô-va ban cho bạn dư dật các ân tứ của Ngài để bạn có thể tăng trưởng, gần gũi hơn với Đấng ban cho.

                  Bạn đang làm gì với những "bông trái" mà Đức Chúa Trời đã ban cho?

 
David Coldwell
Nguồn: cdnvn.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!