Kính thưa quý độc giả,
Nếu có ai đó bất ngờ hỏi chúng ta “tình yêu là gì” thì quý vị sẽ trả lời ra sao? Hay nếu bạn bất ngờ hỏi người bên cạnh câu hỏi này, hãy xem người đó suy nghĩ bao lâu rồi mới có thể giải thích được, tình yêu là gì, theo ý riêng của mình. Nhà thơ Xuân Diệu, đứng trước sự đa dạng và sâu thẳm của tình yêu, đã phải thú nhận rằng: “Làm sao định nghĩa được tình yêu”.
Mà thật vậy, chẳng có ai định nghĩa “tình yêu” sao cho trọn vẹn cả. Có người cho rằng “yêu” là quan tâm thật nhiều đến một người khác, nhưng như vậy thì “quan tâm” có nghĩa gì? Có người đóng khung tình yêu trong mối quan hệ nam nữ, thậm chí lẫn lộn “tình yêu” với những ham muốn tình dục. Khoa học mô tả tình yêu như những phản ứng của bộ não trước những tiếp nhận của các giác quan. Thuyết tiến hóa với quy luật sinh tồn “mạnh được yếu thua” thì không sao giải thích được tình yêu, vì tình yêu không loại bỏ người cô thế, nhưng lại giang tay bảo bọc người kém may mắn hơn.
Tình yêu bao trùm và chi phối tất cả những hoạt động của con người, nhưng con người chúng ta vẫn lúng túng khi đi tìm một định nghĩa cho tình yêu, bởi vì tình yêu không phải là một sản phẩm nhân tạo. Tình yêu không đến từ con người, nhưng tình yêu bắt nguồn từ Đấng Tạo Hóa, như Kinh Thánh có khẳng định: “Thượng Đế là Tình Yêu. Ai sống trong tình yêu là sống trong Thượng Đế và Thượng Đế sống trong họ” (1 Giăng 4:16)
Chủ đề then chốt của Kinh Thánh là tình yêu. Toàn bộ Kinh Thánh bày tỏ tình yêu vô hạn của Thượng Đế dành cho con người, cũng như nhắc nhở mục đích của đời sống là kính yêu Đấng tạo dựng ra mình và biết yêu người đồng loại. Kinh Thánh, là bức thư tình chan chứa yêu thương của Đấng Tạo Hóa gởi đến con người, với bao dặn dò về những luật vàng của tình yêu. Những quy luật vàng này được bắt đầu với những nguyên tắc căn bản nhất, được gọi là “Mười Điều Răn” mà chính Thiên Chúa đã trực tiếp phán với Môi-se và tuyển dân Do-thái như sau:
"Các ngươi không được thờ thần nào khác ngoài Ta.
Không được làm cho mình tượng của các thú vật bay trên trời, đi trên đất hay lội dưới nước. Không được quỳ lạy hoặc phụng thờ các tượng ấy, vì Ta, Chúa Hằng Hữu, Thượng Đế các ngươi, rất kỵ tà. Người nào ghét Ta, Ta sẽ trừng phạt họ, và luôn cả con cháu họ cho đến ba bốn thế hệ. Nhưng người nào yêu kính Ta và tuân giữ điều răn Ta, Ta sẽ thương yêu săn sóc người ấy và con cháu họ cho đến ngàn đời.
Không được dùng tên của Chúa Hằng Hữu, Thượng Đế các ngươi, một cách bất kính, vì Ta sẽ không tha người làm điều ấy.
Phải giữ ngày Sa-bát làm ngày thánh. Ngươi có sáu ngày để làm công việc, nhưng ngày thứ bảy là ngày thánh dành cho Chúa Hằng Hữu, Thượng Đế ngươi. Trong ngày ấy, ngươi cũng như con trai, con gái, tôi trai, tớ gái, súc vật, luôn cả khách trong nhà ngươi, đều không được làm việc gì cả. Vì trong sáu ngày, Chúa Hằng Hữu tạo dựng trời, đất, biển và muôn vật trong đó; đến ngày thứ bảy, Ngài nghỉ. Vậy, Chúa Hằng Hữu chúc phước cho ngày Sa-bát và làm nên ngày thánh.
Phải hiếu kính cha mẹ, như vậy ngươi mới được sống lâu trên đất mà Chúa Hằng Hữu Thượng Đế ban cho.
Không được giết người.
Không được tà dâm.
Không được trộm cướp.
Không được làm chứng dối.
Không được tham muốn nhà cửa, vợ, tôi trai, tớ gái, bò, lừa, hoặc vật gì khác của người láng giềng." (Xuất Ê-díp-tô ký 20:2–17)
Không được giết người.
Không được tà dâm.
Không được trộm cướp.
Không được làm chứng dối.
Không được tham muốn nhà cửa, vợ, tôi trai, tớ gái, bò, lừa, hoặc vật gì khác của người láng giềng." (Xuất Ê-díp-tô ký 20:2–17)
Quý độc giả thân mến,
“Mười Điều Răn” vỏn vẹn chỉ có 296 chữ, nhưng mười quy luật vàng là nền tảng của luật gia đình, luật sở hữu, quyền tự do cá nhân và vô số luật lệ của các thể chế tự do và dân chủ thuộc các nước Tây phương thịnh vượng ngày nay. Bốn điều răn đầu tiên nói về thái độ con người cần có trước Đấng Tạo Hóa. Năm điều răn tiếp theo hướng dẫn cách cư xử giữa con người với nhau. Điều răn thứ mười là điều răn cuối cùng nói về suy nghĩ và thái độ cần có của mỗi chúng ta. Trải qua hơn 4000 năm, các nhà làm luật phải nhìn nhận “Mười Điều Răn” vẫn là cốt lõi bất di, bất dịch của đạo đức, dù trong bối cảnh văn hóa hay thời đại nào, đến nỗi một người đã đưa ra nhận định rằng, dầu con người đã lập nên 32,647,389 luật nhưng không bao giờ cải thiện được sự hoàn hảo của “Mười Điều Răn”.
Khi nhắc đến điều răn hay luật lệ, chúng ta thường nghĩ rằng đây là những điều khiến “ràng buộc” hay “hạn chế”, nhưng “Mười Điều Răn” của Thiên Chúa là những nguyên tắc căn bản của tình yêu, chỉ mang đến sự tự do để con người có thể đến với Đấng tạo dựng ra mình và đến với nhau.
“Không được giết người” là lời mời tự do để một người đến với một người khác, để làm bạn, làm người đồng hành, làm người cộng sự, làm láng giềng hay bất cứ một điều gì khác, ngoại trừ sự thù nghịch, ganh ghét và toan hãm hại người đó.
“Không được tà dâm” là lời mời tự do để vợ chồng đến thật gần với nhau, làm bất cứ điều gì cho nhau, ngoại trừ lòng phản trắc và hành động ngoại tình.
“Không được trộm cắp” là lời mời tự do để sở hữu tài sản ngoại trừ xâm phạm đến tài sản của người khác.
“Không được làm chứng dối” là lời mời tự do về tự do ngôn luận, ngoại trừ lời nói bịa đặt để bôi nhọ hay vu oan giá họa một người nào.
“Tự do” mà Thiên Chúa đặt trong các luật vàng yêu thương của Ngài, khác hẳn với quan niệm tự do của con người. Kinh Thánh dùng cụm từ “nô lệ cho tội lỗi”, với hàm ý rằng “nô lệ” có nghĩa là bị “tội lỗi” trói buộc. Ngược lại với tình trạng “nô lệ” là “tự do thật”, hay có nghĩa là thoát được sự ràng buộc của tội lỗi cùng những hệ quả đau thương của nó.
Vì quan niệm sai trật, cho rằng “tự do” là có quyền làm tất cả mọi sự mình thích, mà con người đang trả một cái giá quá đắt cho tự do. Con người đang nhân danh tự do tôn giáo, nhân danh tự do tình dục; nhân danh tiến bộ khoa học, và vô số những quyền “tự do” khác, để loại bỏ dần “Mười Điều Răn” và những luật tình yêu của Thiên Chúa ra khỏi hiến pháp. Kết quả là một khoảng trống tâm linh to lớn đang bao trùm cả thế giới ngày nay, với xã hội mất dần đi ý nghĩa sống cùng những tiêu chuẩn đạo đức căn bản nhất.
Phá thai, giết người, bạo động, lạm dụng rượu bia, chất kích thích, đỗ vỡ trong hôn nhân và những vấn nạn tương tự đang leo thang đến chóng mặt. Tin cậy lời nói của nhau trong giao dịch mỗi ngày là một điều thuộc về quá khứ. Mọi nơi chốn, từ công sở, công viên, phi trường, đường phố, khách sạn cho đến nhà riêng, đều phải gắn hệ thống an ninh để theo dõi và báo động. Thời nay, con trẻ không được tự do đi ra đường, nhưng luôn luôn phải có cha mẹ hay người lớn đi bên cạnh. Đúng vậy, con người đang nhân danh tự do để loại bỏ “Mười Điều Răn” nhưng để rồi thấy con người càng ngày càng bị trói buộc và giới hạn trong mọi sinh hoạt và mọi mối quan hệ,
Thực ra, “Mười Điều Răn” là trái tim, là cốt lõi của sự tự do thật, không hề ràng buộc nhưng mang đến đời sống trật tự và hài hòa. Thánh Augustine đã tóm tắt luật vàng yêu thương của Thiên Chúa rằng “Hãy kính yêu Thượng Đế và rồi bạn sẽ tự do làm điều lòng mình ưa thích”, trong khi xã hội ngày nay đi theo một đường hướng hoàn toàn trái ngược; đó là “Hãy tự do làm những gì mình thích, rồi sau đó đi tìm một chuyên gia tâm lý để biết tại sao mình chẳng còn thích những điều đó nữa”.
Kính thưa quý độc giả,
Yêu có nghĩa là làm theo luật lệ yêu thương của Đấng Tạo Hóa, như Kinh Thánh có bày tỏ: “Quy luật Thượng Đế ban cho chúng ta từ đầu là chúng ta phải yêu thương nhau. Nếu chúng ta yêu Thượng Đế, chúng ta phải thực hành mệnh lệnh Ngài và ngay từ ban đầu, Ngài dạy chúng ta phải yêu thương nhau” (2 Giăng 1:5-6).
Yêu cũng là điều kiện cần và đủ để một người có thể bước vào thiên đàng, nơi những con người kính yêu Thượng Đế sẽ sống mãi bên nhau trong tình yêu.
Và bài học đầu tiên của tình yêu được bắt đầu với “Mười Điều Răn”.
Tiếc thay, tất cả chúng ta đều “thi rớt” ở ngay bài học đầu tiên này. Có mấy ai trong chúng ta hết lòng tìm kiếm và biết ơn đến Đấng tạo dựng ra mình? Có mấy ai trong chúng ta không có lần ganh ghét, toan tính bài trừ đối phương? Có mấy ai trong chúng ta không một lần gian dối để thủ lợi cho chính mình?
Khi không làm theo luật lệ yêu thương của Đấng Tạo Hóa, chúng ta đã phạm tội với Ngài như Kinh Thánh khẳng định: “Ai phạm tội tức là phạm luật Thượng Đế vì tội lỗi là sự phạm luật Thượng Đế” (1 Giăng 3:4).
Vì phạm tội, chúng ta phải chết, bị xét xử, để rồi bị phân ly đời đời với Thiên Chúa, trong một nơi không còn tình yêu và niềm hy vọng nào cả. Cảm thương trước sự bất lực của bạn và tôi, cũng như muốn cứu vớt chúng ta ra khỏi sự đoán phạt đời đời, Thiên Chúa Ngôi Hai, cách đây hơn 2000 năm, đã tự nguyện giáng trần, trở nên một con người mang tên Giê-xu.
Ngài đã bị người ta đóng đinh trên cây thập tự, chết thật đau đớn và nhục nhã. Thực ra, Chúa Cứu Thế đã tự nguyện chết thay cho nhân loại, lãnh thế giùm tôi và quý vị món nợ tội của mỗi người. Con Trời sau khi hy sinh mạng vàng cứu chuộc nhân loại, đã chết đi, nhưng sau ba ngày đã đắc thắng tử thần, sống lại đầy hiển vinh.
Khi bạn nhận biết mình còn thiếu sót trước luật vàng tình yêu của Đấng Tạo Hóa, bạn chỉ cần tin vào sự chết thế của Chúa Giê-xu, thì mọi vi phạm của bạn sẽ được Thiên Chúa xóa bôi. Hơn thế nữa, sức mạnh của tình yêu từ Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ thay đổi tâm tính của bạn mỗi ngày, giúp chúng ta yêu mến và thích thú làm theo luật lệ yêu thương của Đấng Tạo Hóa, chuẩn bị mỗi chúng ta sẵn sàng cho thiên đàng là nơi chốn tuyệt hảo và trọn vẹn của tình yêu, như chính Chúa Giê-xu đã từng bày tỏ:“Đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ luật pháp và lời tiên tri. Không, Ta đến để hoàn thành luật pháp và thực hiện các lời tiên tri”(Ma-thi-ơ 5:17)
Quý độc giả thân mến,
Nhờ nhà bác học Newton khám phá ra luật trọng trường mà con người biết cách khắc phục lại sức hút của trái đất hầu đẩy phi thuyền vào không gian. Nhờ nhà bác học Archimedes khám phá ra quy luật đòn bẫy mà người ta biết cách nào để nâng vật nặng lên một cách dễ dàng. Sự khám phá và hiểu biết các vô số các quy luật chỉ đem đến sự tự do cho con người.
Cũng tương tự như vậy, nhờ tiếp nhận Cứu Chúa Giê-xu vào tâm hồn, nhờ Chúa của Tình Yêu giúp chúng ta khám phá và ứng dụng những luật vàng của yêu thương vào trong đời sống mỗi ngày, bạn và tôi sẽ có sự tự do thật để đến với tha nhân trong tình nhân ái và đến với Đấng Tạo Hóa trong nơi đời đời phước hạnh. Do vậy, mà chẳng ngạc nhiên chút nào cả, khi vua Đa-vít ca ngợi luật vàng tình yêu của Thiên Chúa qua các vần thơ sau:
Con đã tìm được nguồn hạnh phúc,
Khi nghiêm chỉnh theo Lời vàng ngọc.
Con tuân theo Lời Ngài mãi mãi,
Nên sẽ sống tự do, thoải mái.
Luật pháp Chúa dạy thật là bảo vật,
Còn quý hơn muôn bạc, ngàn vàng.
Lời Chúa ngọt ngào trong miệng con,
Ngọt hơn cả mật ong hảo hạng..
Người yêu luật Chúa được thái an luôn,
Không vấp ngã vì cuộc đời đầy bất trắc (Thi Thiên 119)
Khi nghiêm chỉnh theo Lời vàng ngọc.
Con tuân theo Lời Ngài mãi mãi,
Nên sẽ sống tự do, thoải mái.
Luật pháp Chúa dạy thật là bảo vật,
Còn quý hơn muôn bạc, ngàn vàng.
Lời Chúa ngọt ngào trong miệng con,
Ngọt hơn cả mật ong hảo hạng..
Người yêu luật Chúa được thái an luôn,
Không vấp ngã vì cuộc đời đầy bất trắc (Thi Thiên 119)
Ước mong quý vị sớm khám phá ra thiên đàng của tình yêu qua các luật vàng của Thiên Chúa. Thân chào quý vị và các bạn.
Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Nguồn: phatthanhhyvong.com