Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 6:11-15; 18:21-35
Câu gốc: “Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (IGiăng 1:9).
Mục đích: Khuyên chúng ta nên có tinh thần tha thứ.
MỆNH LỆNH ĐỂ VÂNG THEO: “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32).
LỜI CẦU NGUYỆN ĐỂ DÂNG LÊN: “Xin tha tội lỗi cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con” (Ma-thi-ơ 6:12).
Kinh Thánh đọc hằng ngày
Chúa Nhật:
LUẬT THA THỨ
(Ma-thi-ơ 6:14-15; 18:21-35; Mác 11:25-26; Lu-ca 11:4)
Thứ Hai:
SỰ THA THỨ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
(Thi 103:10-13; Ê-sai 1:18; 43:25; Giê-rê-mi 31:34; Mi-chê 7:18,19)
Thứ Ba:
SỰ THA THỨ NHỜ THẬP TỰ GIÁ
(Ê-sai 53:5,6; IICô-rinh-tô 5:21; Ê-phê-sô 1:7)
Thứ Tư:
SỰ THA THỨ TRÊN THẬP TỰ GIÁ
(Lu-ca 23:32-43)
Thứ Năm:
LỜI CẦU XIN THA THỨ
(Đa-ni-ên 9:4 – 10:17-19)
Thứ Sáu:
MỨC ĐỘ THA THỨ
(Lu-ca 17:3-5; Ê-phê-sô 4:32; Cô-lô-se 3:13)
Thứ Bảy:
NHỮNG GƯƠNG THA THỨ
(ISa-mu-ên 24; Công-vụ 6:8-15; 7:54-60; Sáng-thế Ký 45:1-15)
Thương yêu nhau và tha thứ nhau là hai điều quan trọng trong nếp sống hằng ngày của tín đồ. Tấm lòng khắt khe, cố chấp, căm giận làm cho đời người khô khan như sa mạc, vì sự không tha thứ như một cái nút chặn khiến nguồn nước bị bế tắc hoàn toàn. Trái lại, sự tha thứ làm cho lòng người ngọt ngào, thư thái như một dòng sông trong lành êm đềm chảy, chảy đến đâu đem sinh lực đến đó khiến cho cây cối cũng như muôn loài đều vui sướng. Vậy, trước khi học bài này, chúng ta để ít phút mỗi người cúi đầu thầm cầu nguyện: Xin Chúa tha thứ con và cho con biết tha thứ nhau. Xin Chúa cho con tình thương của Chúa để chúng con tha thứ nhau và cũng thương yêu nhau.
I. ĐỨC CHÚA TRỜI THA THỨ
1. CHÚA THA THỨ NHƯ THẾ NÀO?
Chúa tha thứ trọn vẹn, mãi mãi. Ngài không còn thấy, không còn nhớ tội lỗi của chúng ta, Ngài phiếu trắng lòng chúng ta như tuyết, xem chúng ta như chưa từng phạm tội.
Chúa tha thứ như vậy không phải tại chúng ta có một chút gì xứng đáng, vì chúng ta không thể trả bất cứ một giá nào để được tha thứ. Song Con Độc Sanh của Ngài đã tình nguyện hy sinh đến giọt huyết cuối cùng để làm của lễ chuộc tôi chúng ta. Ấy là trong Đấng Christ chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội theo sự dư dật của ân điển Ngài (Ê-phê-sô 1:7). Tội lỗi chúng ta nặng nề quá! Nếu không nhờ Chúa Jêsus, không một người nào được cứu cả.
2. LÀM SAO ĐỂ ĐƯỢC CHÚA THA THỨ?
Sự chuộc tội đã xong, công cuộc cứu rỗi đã được hoàn thành, nhưng tại sao nhân loại vẫn chưa được tha thứ, vẫn còn sống trong đau khổ triền miên? – Chỉ vì con người ngoan cố, miệt mài trong cuộc truy hoan mà không chịu ăn năn, tin nhận Jêsus làm Cứu Chúa của mình. Đức Chúa Trời rất muốn tha thứ chúng ta hơn chúng ta muốn được Ngài tha thứ. Ngài như người cha nhơn từ, lúc nào cũng mở rộng vòng tay chờ đón đứa con phóng đãng trở về. Đối với anh trộm cướp biết ăn năn thì Ngài đã đáp lời ngay: “Quả thật ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong Lạc Viên”. Đức Chúa Trời vẫn đang kêu gọi: “Bây giờ hãy đến cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng điều sẽ trở nên trắng như tuyết”.
II. TẤM GƯƠNG THA THỨ:
Trong Kinh Thánh có rất nhiều tấm gương tha thứ:
1. GIÔ-SÉP:
Được cha thương yêu, bị các anh ghen ghét, Giô-sép phải đương đầu với sự bắt bớ mỗi ngày một hơn, vì nỗi ganh ghét của các anh đối với chàng ngày một nhiều. Sáng-thế Ký 37:1-11 có đến 4 lần chép các anh ganh ghét Giô-sép. Họ định giết chàng và cơ hội đã đến.
Gia-cốp sai Giô-sép đi tìm các anh đang chăn chiên ngoài đồng. Thay vì giết em, họ liệng Giô-sép xuống hố cho chết. Kế có đoàn con buôn qua Ê-díp-tô, họ kéo Giô-sép lên bán cho đoàn con buôn đó. Dầu bị đối xử một cách tệ bạc và tàn nhẫn như vậy, Giô-sép vẫn kính sợ Chúa. Do lòng kính sợ Chúa, Giô-sép đã tha thứ các anh mình, không làm một điều gì hại đến họ mặc dầu ông có cơ hội làm điều đó để trả thù. Các anh rất sợ Giô-sép trả thù song ông đáp: “Các anh toan hại tôi nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi” (stk 50:20). Đoạn Giô-sép an ủi các anh bằng những lời êm dịu.
2. Ê-TIÊN:
Vì đầy dẫy Đức Thánh Linh, Ê-tiên được bầu làm chấp sự, cũng được đầy ân điển và quyền năng, nên ông làm nhiều phép lạ, dấu kỳ và nhất là đầy dẫy Lời Chúa nên đứng trước công hội Do-thái, Ê-tiên đã giảng một bài rất dài và cảm động. Khi ông chưa dứt lời, đồng bào ông nghiến răng, bịt tai, la lớn, kéo ông ra ngoài thành rồi ném đá để giết ông. Ê-tiên quỳ xuống cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin đừng đổ tội này cho họ” (Công-vụ 8:60).
Tinh thần tha thứ của Ê-tiên đã cảm động thanh niên Sau-lơ, mà về sau trở nên sứ đồ Phao-lô. Sự tha tội là một sức mạnh chinh phục nhiều người. Chắc Ê-tiên đã nhận thấy tinh thần tha thứ trong Cứu Chúa khi Ngài chịu chết trên thập tự giá (Lu-ca 23:34). Gương tha thứ của Chúa Jêsus muôn đời vẫn sáng rực như mặt trời lúc giữa trưa.
III. ĐỨC CHÚA TRỜI BẢO CHÚNG TA THA THỨ NHAU
1. BÀI CẦU NGUYỆN CHUNG
“Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ dùng, xin tha tội lỗi chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi” (Ma-thi-ơ 6:11, 12).
Hai điều trên đây, chúng ta phải cầu xin mỗi ngày:
Đồ ăn cho thân thể.
Sự tha thứ cho linh hồn
Vì đó là nhu cầu thiết thực nhất của mỗi người. Thân thể không được thiếu đồ ăn, linh hồn không được thiếu sự tha thứ. Đành rằng Chúa đã tha thứ cho chúng ta một lần đủ cả, khi chúng ta ăn năn, tin nhận Ngài, song hằng ngày chúng ta vẫn cần được tha thứ những lỗi lầm trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Vì như thân thể, dầu chúng ta không dầm mình trong vũng bùn lấm, thì mỗi ngày chúng ta cũng phải tắm một lần mới thật sạch. Thì linh hồn cũng vậy, mỗi ngày vẫn nhờ “huyết của Chúa Jêsus làm sạch mọi tội chúng ta” (IGiăng 1:7).
Muốn được tha thứ để lúc nào cũng được sạch, chúng ta phải tha thứ nhau. Chúa phán: “Nếu các ngươi tha tội cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi” (Ma-thi-ơ 6:14). Đó là luật lệ của Nước Trời.
2. CÂU CHUYỆN THA THỨ (Ma-thi-ơ 18:21-35):
Phi-e-rơ muốn biết phải tha thứ đến mức độ nào, có phải đến 7 lần chăng? Chúa đáp: “Ta không nói cùng ngươi rằng bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy”. Người Do-thái cho rằng tha thứ nhau đến 3 lần là đủ. Vì thế Phi-e-rơ cho rằng mình tha thứ đến 7 lần là rộng lượng lắm rồi. Song Chúa bảo phải 490 lần. Chúa muốn nói rằng sự tha thứ là vô giới hạn, bao nhiêu lần cũng phải tha.
Chúa nói một thí dụ về một vua kia khởi tính sổ với các đầy tớ. Có người mắc nợ vua một vạn ta-lâng, nhưng không có chi để trả nên hết lòng nài xin vua tha nợ cho. Khi người đó về nhà, trên đường gặp một người bạn mắc nợ mình chỉ một trăm đơ-ni-ê tức là một phần triệu so với số nợ người đó mắc nơi vua. Người đó liền nắm cổ bạn mình, dầu bạn có kêu xin gì cũng không được, cứ việc bắt bỏ tù cho đến chừng trả hết nợ. Khi vua nghe vậy, bèn đòi người đó đến và nói: “Hỡi đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi vì ngươi cầu xin ta, ngươi há chẳng nên thương xót bạn ngươi như ta đã thương xót ngươi sao?” Vua nổi giận, bỏ nó vào ngục cho đến khi nào trả hết nợ. Chúa kết luận: “Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy”.
Phao-lô khuyên: “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32).
Tha thứ nhau, quên hết lỗi lầm của nhau cũng chưa đủ mà còn phải hết lòng yêu nhau. Không làm hại nhau vẫn chưa đủ, song còn phải làm lợi cho nhau. Chúa không những đã tha thứ, song vẫn cứ làm ơn cho chúng ta.
CÂU HỎI
1. Một người tha thứ và một người cố chấp thì đời sống của hai người khác nhau thế nào?
2. Đức Chúa Trời tha thứ chúng ta thể nào?
3. Tội nhân phải làm sao để được Chúa tha thứ?
4. Hãy kể lại một tấm gương tha thứ.
5. Trong bài cầu nguyện chung có dạy hai điều gì?
6. Tại sao chúng ta vẫn cần sự tha thứ mỗi ngày?
7. Muốn được tha thứ chúng ta phải làm gì?
8. Nếu không tha thứ nhau thì Chúa sẽ xử thể nào?
9. Chúng ta tha thứ nhau đến mức độ nào?
10. Tha thứ vẫn chưa đủ, còn phải làm gì nữa?
Mục sư Đoàn Văn Miêng
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com