Kính thưa quý độc giả,
Cách đây hơn hai ngàn năm, Chúa Giê-xu có kể một câu chuyện ngắn về một đứa con trai ngỗ nghịch hoang đàng. Câu chuyện ngắn này đã đi vào kho tàng văn chương của nhân loại, được đánh giá là câu chuyện ngắn hay nhất từ trước đến nay.
Các đại văn hào, như William Shakespeare hay Garrison Keillor, đã bày tỏ lòng cảm phục trước câu chuyện này, tuy thật ngắn nhưng lại đầy đủ các chi tiết thật sinh động, để kết nên một bức tranh thật cảm động, làm thổn thức bao trái tim và tâm hồn qua nhiều thế hệ.
Câu chuyện ngắn này được ghi lại trong sách Tin Lành Lu-ca chương 15. Chúa Cứu Thế Giê-xu đã bắt đầu câu chuyện ngắn đó như thế này:
“Một người kia có hai con trai. Đứa em thưa với cha: ‘Cha ơi, xin cha cho con phần tài sản của con. Người Cha chia gia tài cho các con”
Nếu chú ý kỹ, bạn và tôi sẽ thấy ngay có hai điều khác thường trong phần mở đầu câu chuyện này. Thứ nhất là đứa con trai thứ đòi chia phần gia tài của nó, trong khi cha nó còn sống và còn khỏe mạnh. Trong bối cảnh văn hóa thời đó, sự đòi hỏi của đứa con trai thứ như vậy là vô cùng ích kỷ, gây đau đớn và đem sĩ nhục cho người cha. Trong trường hợp đó, chắc chắn là người cha sẽ từ chối ngay, không thể chia gia tài cho đứa con thứ được.
Điều này dẫn đến chi tiết khác thường thứ nhì trong phần mở đầu. Đó là người cha vẫn chia gia tài cho đứa con thứ. Việc chia gia tài này chắc chắn phải công khai, không thể giấu diếm ai được, khiến gia đình phải xấu hổ trước mặt mọi người trong thân tộc, trong nơi chòm xóm láng giềng. Người cha trong câu chuyện đã buộc lòng đi ngược với lề lối truyền thống để thỏa mãn yêu cầu của đứa con thứ. Phần sau của câu chuyện cho biết phần chia gia tài của nó cũng lớn lắm.
Đến đây, Chúa Giê-xu kể tiếp:
“Chẳng bao lâu, đứa em thu hết tài sản, lên đường đi đến một nơi xa, ở đó ăn chơi trác táng, tiêu sạch gia tài mình”
Khi đứa con trai thứ được phần chia, nó bèn bán sạch phần tài sản này của gia đình. Điều này gây thêm phần sĩ nhục cho cha nó và cả gia đình, bởi vì luật thời đó cấm con cái bán gia tài ruộng đất khi người cha chưa qua đời. Tuy vậy, đứa con trai thứ vẫn không hề quan tâm hay lo lắng gì, nhưng chỉ muốn làm sao có thật nhiều tiền ngay để được ăn chơi hưởng thụ, để sung sướng và thỏa mãn bản thân. Đứa con trai này không chỉ mang tội bất hiếu với cha, làm sĩ nhục gia đình nhưng chắc chắn, chòm xóm láng giềng ai ai cũng khinh ghét vì thái độ ích kỷ và ương ngạnh của nó.
Khi đứa con trai thứ đã tiêu sạch hết số tiền bán gia tài vào việc ăn chơi trác táng, có nghĩa là phần gia tài nó được chia, vĩnh viễn không sao có thể chuộc lại được nữa, thì một sự cố xảy đến, như câu chuyện tiếp diễn như sau:
“Khi nó đã tiêu hết tiền, cả xứ ấy bị nạn đói trầm trọng, nên nó bắt đầu túng ngặt”
Nếu như bình thường, khi lâm vào cảnh thiếu thốn, thì đứa con trai này có thể trở về quê nhà. Tiếc thay, với tội lỗi tày trời là bất hiếu, khiến cả gia đình sĩ nhục, lại đi ngược với lề lối truyền thống, khiến cả họ hàng, chòm xóm đều ghét bỏ, cho nên mọi cánh cửa đều đã khép kín đối với đứa con trai này, khiến nó không còn có mặt mũi nào để quay trở lại được nữa. Cùng cực, nó đành phải đi làm mướn, như câu chuyện có kể tiếp:
“Nó đi làm thuê cho một người dân bản xứ, và được sai ra đồng chăn heo. Nó mơ ước được ăn vỏ đậu heo ăn để lấp đầy bụng, nhưng chẳng ai cho”
Khi bị lâm vào cảnh cùng đường, phải đi chăn heo mướn, muốn ăn vỏ đậu là đồ ăn của heo cho đỡ đói mà cũng không ai cho, thì đến đây, đứa con trai hoang đàng chợt thức tỉnh, như câu chuyện có ghi:
Nó tỉnh ngộ, tự nhủ: ‘Bao nhiêu kẻ làm thuê của cha ta đều có bánh ăn dư dật, mà nơi đây ta lại đang chết đói. Ta sẽ đứng dậy đi về với cha ta và thưa: “Cha ơi, con đã phạm tội với Trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa. Xin cha coi con như là một người làm thuê của cha.” Rồi nó đứng dậy, trở về với cha mình.
Từ đầu câu chuyện cho đến đây, đứa con trai chỉ làm toàn những chuyện ngu dại, nhưng cho đến bây giờ thì nó mới bắt đầu làm một chuyện thật là khôn ngoan: đó là nó quyết định quay trở về mái nhà xưa.
Vì nó chợt nhớ lại, dưới mái nhà xưa năm của cha, kẻ làm mướn còn được ăn thức ăn ngon, chứ đâu bao giờ phải ăn vỏ đậu chỉ dành cho heo. Nó cũng chợt nhận ra, dưới mái ấm của cha, đâu có ai bị hất hủi như nó bây giờ. Thà làm một người thuê cho cha, còn sung sướng hơn một vạn lần làm người tha phương cầu thực như nó.
Đến đây, Chúa Giê-xu kể lại tấm lòng của người cha như sau:
“Nhưng khi nó còn ở đàng xa, người cha thấy nó thì động lòng thương xót, liền chạy ra ôm cổ nó mà hôn”
Đáng lý ra, đứa con hư đốn này chỉ xứng đáng bị cha nó đoạn tuyệt, nhưng người cha đã chào đón đứa con trở về với cả lòng vui mừng và bao dung.
Câu chuyện có kể rằng, người cha khi thấy nó còn ở xa xa, liền đã nhận ra con mình. Như vậy, kể từ ngày đứa con hoang đàng bỏ nhà ra đi, người cha hằng ngày vẫn ra đứng ngoài ngõ, trông về nơi xa xa, mong đợi ngày đứa con trai của mình sẽ trở về.
Khi thấy bóng con mình còn từ rất xa, người cha không đứng đó, nhưng liền chạy đến. Người cha không còn nhớ mình đã bị tổn thương, không còn nhớ đứa con đã làm ông hổ thẹn đến dường nào. Khi thấy con trở về, ông không còn nhớ đến những việc sai trái mà nó đã làm nữa, nhưng ngay khi đó, trong lòng người cha chỉ tràn ngập một niềm vui to lớn và nỗi xót thương vô hạn mà thôi.
Người cha khi đến được với con, thì ôm nó mà hôn, chẳng một chút ngập ngừng, chẳng buông một lời giận dữ, cũng không nói một câu trách móc nào. Chỉ có lòng thương xót và vui mừng tràn ngập trong giây phút ông nhìn lại được đứa con trai của mình.
Câu chuyện kết thúc trong một sự kiện quá sức suy đoán của con người, như Chúa Giê-xu có kể tiếp rằng:
“Người con thưa: ‘Cha ơi, con đã phạm tội với Trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa.’ Nhưng cha nó bảo các đầy tớ: ‘Hãy mau mau đem áo dài đẹp nhất mặc cho cậu, đeo nhẫn vào tay, mang dép vào chân. Cũng hãy bắt con bò tơ mập làm thịt để ăn mừng, vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà tìm lại được.’ Vậy họ bắt đầu ăn mừng”
Đáng lẽ ra, theo luật công bình, người con phải bị chối từ thẳng hay phải nhận một hình phạt xứng đáng nào. Đáng lẽ ra, theo công lý, người cha có quyền trút cơn thịnh nộ, tuyên bố đoạn tuyệt với con, mà không ai có thể trách cứ hay thắc mắc gì.
Nhưng tuyệt đối không!
Sau khi đứa con đã tỉnh ngộ, đã quay trở về, nhận ra nó chẳng còn xứng đáng làm con trong nhà nữa, nhưng chỉ trông nhờ cha mình rủ lòng thương xót, chấp nhận cho nó làm công trong nhà mà thôi. Người cha chẳng những không tuyên bố từ con, cũng không hất hủi bắt nó làm đầy tớ, nhưng thật lạ lùng thay, ông lại công khai tuyên bố phục hồi địa vị làm con trong gia đình của nó. Người cha kêu các đầy tớ mau mau mặc áo dài đẹp nhất, đeo nhẫn vào tay, mang dép vào chân nó. Lòng người cha vui mừng khôn xiết, đến nỗi ông đã kêu bắt bò tơ mập để làm tiệc ăn mừng, vì nay ông đã tìm lại được đứa con tưởng như đã chết.
Đây là hình ảnh của tình yêu vô đối, của tình yêu vô điều kiện, của người cha vô cùng nhân từ đối với con cái của mình.
Quý độc giả thân mến,
Chúa Cứu Thế Giê-xu đã dùng câu chuyện ngắn này để mô tả tình thương vô bờ bến của người Cha Thiên Thượng, hay chính là Thiên Chúa dành cho bạn và tôi.
Chính Ngài đã tạo dựng nên chúng ta, ban cho bạn và tôi từng hơi thở, cả một đời sống, cùng vô số những ơn phước trong cuộc đời.
Ấy vậy mà, có mấy ai trong chúng ta công nhận và tìm kiếm mặt Ngài?
Ấy vậy mà, bạn và tôi có bao giờ nói một lời cảm ơn về những gì Đấng Tạo Hóa đã ban tặng chúng ta?
Bạn và tôi, giống như đứa con trai hoang đàng và ích kỷ, đã tiêu xài cả cuộc đời cùng sức lực, tuổi thanh xuân, đã hoang phí tài năng với bao cơ hội để đeo đuổi những niềm vui và những giấc mơ cho cuộc đời mình, mà không hề mời Đấng Tạo Hóa dự phần.
Cho đến khi chúng ta tàn hơi, kiệt sức, thất bại não nề, tiêu tan hy vọng, tâm linh trống vắng và bị đùa vào cõi chết đời đời.
Như lòng cha thương xót con vô hạn, chính Thiên Chúa Ngôi Hai, đã tự nguyện giáng trần trong một con người mang tên Giê-xu, để rồi bị chết treo trên cây thập tự, làm của lễ chuộc tội cho muôn người, trong đó có bạn và tôi, hầu cho hễ ai tin nhận vào sự chết thế đó, thì được Thiên Chúa được xem là vô tội, được khôi phục lại địa vị làm con của Đấng Tối Cao và được thừa hưởng gia tài thiên đàng vĩnh cửu.
Thật vậy, chẳng một điều gì có thể cản trở hay ngăn cách tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho bạn và tôi, như Kinh Thánh sách Rô-ma 8:38-39 có khẳng định:
“Không một điều nào có thể ngăn cách chúng ta với tình yêu thương của Thượng Đế. Dù cái chết hay cuộc sống, dù thiên sứ hay ác quỷ, dù tình hình hiện tại hay biến chuyển tương lai, dù quyền lực uy vũ, dù trời cao, vực thẳm, dù bất cứ vật gì trong vũ trụ - cũng chẳng bao giờ phân cách nổi chúng ta với tình yêu thương của Thượng Đế đã thể hiện nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta”
Giống như người cha già ngày đêm mong ngóng đợi con, Thiên Chúa đang mong chờ từng giây, từng phút để chờ đợi bạn và tôi quay trở lại với Ngài.
Như trong câu chuyện người con trai hoang đàng, bạn và tôi đừng e ngại, vì chẳng bao giờ là quá trễ, đến nỗi chúng ta không có thể quay trở lại với Cha trên trời là Đấng tạo dựng ra mình.
Như câu chuyện ngắn thật cảm động do chính Chúa Cứu Thế Giê-xu kể, Ngài muốn chúng ta biết rằng, chẳng bao giờ là quá xa, đến nỗi bạn và tôi không thể trở về dưới mái nhà xưa, ngập tràn tình thương yêu của Đấng Tạo Hóa.
Thân chào quý vị và các bạn.
Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com