Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

LHD Quý 4-2018 Ban TTN (Cập nhật ngày 26/10/2018)


          Ban Hướng dẫn Thanh Thiếu Niên HTTL Tân Nghĩa thông báo đến các ban viên nội dung Chương trình sinh hoạt Quý 4 năm 2018 như sau:





Tải file về tại đây:

Bên cạnh tinh thần tham gia và cầu nguyện cho chương trình sinh hoạt Ban Thanh Thiếu niên hàng tuần, xin Quý anh chị em dành vài phút để cầu nguyện cho những vấn đề sau:

A. HỘI THÁNH:

1. Xin Chúa cứu dân tộc Việt Nam nói chung và người dân vùng đất Tân Nghĩa nói riêng được trở về cùng Chúa.
2. Cầu xin Chúa ban phước trên chức vụ của Mục sư Quản nhiệm, Ban Chấp sự - Trị sự để ai nấy đều có sức khỏe, có tinh thần hầu việc Chúa hết lòng, sẵn sàng chu toàn trách nhiệm Chúa giao phó. Có đường hướng lãnh đạo đúng đắn, giúp Hội Thánh Chúa tại Tân Nghĩa phát triển.
3. Cầu nguyện cho vấn đề Truyền giảng mở rộng Hội Thánh trong những tháng cuối năm 2018. Đặc biệt là CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN GIẢNG GIÁNG SINH. Xin Chúa cho có nhiều Thân hữu tham dự, nhiều người bằng lòng tiếp nhận Chúa và sinh hoạt với Hội Thánh.
4. Cầu nguyện cho Quý Tín hữu trong Hội Thánh trung tín trong sự nhóm lại, học Kinh Thánh, Dâng hiến và Cầu nguyện. Hội Thánh hiệp một trong niềm tin, giúp đỡ nhau xây dựng Hội Thánh vững mạnh.

B. BAN NGÀNH:

5. Cầu nguyện cho Trưởng ban có một nếp sống tin kính Chúa, làm gương cho Ban Điều hành và các ban viên còn lại, giúp các ban viên có đời sống đức tin mạnh mẽ.
6. Cầu nguyện cho Ban Âm nhạc vì số lượng quá ít mà nhu cầu thì lại quá nhiều. Xin Chúa cho các em trung tín trau dồi kỹ năng, dâng ân tứ để phục vụ Chúa.
7. Cầu nguyện cho những anh em đang thiếu vắng trong Sinh hoạt B.TTN. Trước khó khăn của Hội Thánh, xin Chúa cho các bạn có đức tin vững vàng, cùng khích lệ nhau thêm lòng yêu mến Chúa. Chúa chúng ta là Đấng Quyền năng và Thành tín, Ngài chẳng lìa bỏ Hội Thánh của Ngài.

A-MEN!




Tác giả bài viết: BHD Thanh Thiếu niên 2018

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

GIỚI THIỆU: Lịch HD Quý 4-2018 Ban Thanh Thiếu niên: Ánh Sáng Cho Nhân Loại


Số: 22/2018/BTTN-LHD

Tạ ơn Chúa, suốt 9 tháng qua, với chủ đề xuyên suốt là HIỆP MỘT, Ban TTN đã học nhiều bài học Kinh Thánh liên quan, các tiểu mục bổ ích cùng nhiều trò chơi sinh hoạt thú vị.

Bước vào quý 4, Quý cuối cùng của năm 2018, chúng ta dâng lời cảm tạ Chúa vì chặng đường đã qua, Chúa ở cùng, ban phước trên ban ngành. Và, một quý mới, một mùa yêu thương lan tỏa khắp mọi ngả đường - NOEL MÙA YÊU THƯƠNG. Đây là lúc tình yêu của Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu Christ chúng ta cần được bày tỏ.

Với chủ đề ÁNH SÁNG CHO NHÂN LOẠI, câu gốc trong Giăng 8:12, Ban TTN sẽ cùng nhau ôn lại các bài học Kinh Thánh liên quan đến Chúa Giáng Sinh. Song song đó là các mục: Danh nhân Cơ Đốc, Khoa học và Kinh Thánh, tập hát Quý 4, tập hát Giáng sinh 2018...Và đặc biệt sẽ là Chương trình truyền giảng Tin Lành hướng tới giới trẻ vào cuối năm của Ban TTN. Tờ chương trình sẽ được phát cho các ban viên vào CN 30.09.2018, cập nhật trên website và dán tại bảng tin để tiện theo dõi.

Ước mong rằng, qua chúng ta, ánh sáng Thiên thượng sẽ soi rọi cho nhiều người đang lầm lạc trong bóng tối của tội lỗi, nhiều người trở về tin nhận Chúa và sinh hoạt với Hội Thánh. Rất mong các ban viên TTN cầu nguyện đặc biệt cho chương trình này. Nguyện Danh Chúa được vinh hiển.


Ban Hướng dẫn Thanh Thiếu niên
Quý 4/2018.

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Hãy Cứu Thanh Thiếu Niên Cơ Đốc


Có nhận định rằng giới trẻ Cơ Đốc, những Thanh Thiếu Niên (TTN) sinh ra vào đầu thế kỉ 21 phải chịu rất nhiều áp lực từ gia đình đến xã hội. Nhiều người cho rằng đây là một nhận định tiêu cực, tuy nhiên nếu phải so sánh các TTN thể kỉ 21 này với các TTN vào những năm Phúc Âm được rao giảng tại Việt Nam thì quả thật có một sự chênh lệch khá lớn về lối sống đạo đức, sự sốt sắng trong công tác phục vụ Chúa. Thậm chí nếu phải suy xét kỹ càng thì ở một số nơi, TTN còn là nan đề đối với Hội Thánh. Vậy, điều gì đã khiến cho TTN thế kỉ 21 rơi vào tình trạng sa sút hay trở thành nan đề?
  1. Đầu Tiên, Các Bạn Trẻ Không Muốn Đến Gần Chúa.
Dường như với sự khôn ngoan Chúa cho, với ý chí tự do lựa chọn thì các bạn lại chọn thế gian hơn là chọn Chúa. Những cám dỗ về giá trị vật chất, tính dục đời này là quá lớn khiến các bạn trẻ khó vượt qua được. Và với sự lựa chọn thế gian, chăm về xác thịt thì các bạn TTN lại rơi vào những cạm bẫy mang tên giải trí nhưng thật ra là trá hình. Những hoạt động hầu như không giúp ích cho nhu cầu thuộc linh lại được các TTN rất ưa chuộng như hát karaoke, những quán trà sữa đèn mờ, bia rượu, thuốc lá… Song song với những trò giải trí độc hại này thì phải nhìn nhận rằng luật pháp Việt Nam đã có những quy định trong bộ luật dành riêng cho các độ tuổi, thanh niên, thiếu niên nhưng dường như chưa có những quy định về hạn chế hay cấm những trò giải trí này tiếp xúc với TTN.
Một số TTN không muốn đến gần Chúa vì cho rằng Chúa quá khắc khe với những mạng lệnh, điều răn và vô số luật định khác phải tuân theo. Các bạn TTN muốn tự do theo ý muốn của mình hơn là tự do trong ý muốn Chúa. Quan niệm sai trật này đã khiến rất nhiều TTN không dám đến với Chúa.
  1. Quan Trọng Vẻ Bề Ngoài Hơn Là Con Người Thật Bên Trong
Nền công nghệ phát triển đã đóng góp rất nhiều cho nhân loại, cũng sản sinh rất nhiều tiêu cực. Xuất phát từ nhu cầu tin tức, liên lạc, nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Twister… đã ra đời. Thế nhưng, các bạn TTN lại rất thích “sống ảo”, các bạn dành nhiều thời gian chỉ để chăm chút cho con người ảo trên mạng xã hội. Những app (ứng dụng) chỉnh sửa hình ảnh sẽ khiến các bạn trở nên đẹp hơn, “ảo” hơn. Điều này khiến các TTN mắc tội chống nghịch Đức Chúa Trời vì các bạn không vừa lòng những gì mà Đức Chúa Trời đã ban cho các bạn.
Ngày nay, khái niệm “thần tượng” đã rất quen thuộc với các bạn trẻ. Một số bạn TTN thậm chí còn xem thần tượng con người quan trọng hơn cả Chúa. Các bạn sẵn sàng sao chép bản thân các bạn cho thật giống với thần tượng của mình. Điều này thật chẳng đẹp lòng Đức Chúa Trời. Sự đẹp đẽ, tốt đẹp bề ngoài đã đánh lừa các bạn TTN thật nhanh chóng. I Sa-mu-ên 16:7b chép: “Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem, loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng”. Đức Chúa Trời chẳng bao giờ nhìn vào mạng xã hội, nhìn vào một ảnh đại diện nào trên Facebook mà khen các bạn vì những giá trị đó là ảo, không thật. Mà Chúa nhìn vào con người thật của các bạn, nhìn vào tư tưởng công việc nơi tay các bạn, nhưng dường như các bạn TNN không quan tâm Đức Chúa Trời nghĩ gì, các bạn ngày càng sống không thật với bản thân, với con người mà Đức Chúa Trời đã tạo nên.
“Sống ảo” cũng khiến cho các bạn TNN trở nên thụ động, khép kín vào thế giới riêng. Nếu các bạn không được quan tâm giúp đỡ trong một thời gian dài thì các bạn sẽ trở nên trầm cảm hoặc nặng hơn nữa…
Nói về sự phát triển của mạng xã hội, cũng phải kể đến những trang web đen. Ngày nay các bạn phát triển tính dục rất sớm, các em từ rất sớm đã biết làm đẹp, đã bắt đầu có tình cảm, những cảm xúc. Ngay lứa tuổi này nếu gia đình, người thân không quan tâm, chăm sóc thì ma quỷ rất dễ đưa các em vào thế giới đen tối của nó.
Môi trường sống cũng đóng góp một phần không nhỏ khiến các bạn TTN vấp ngã.
+ Buổi sáng khi đi học, đi làm gặp gỡ nhiều người trên đường cãi nhau, làm ăn gian lận, nhìn thấy trộm cắp. Buổi trưa đi học, đi làm về các bạn TTN lại thấy những quán bia, rượu đầy ắp người… Dường như rất nhiều tội lỗi có mặt ở khắp nơi xung quanh các bạn, những yếu tố ngoại cảnh này rất quen thuộc khiến các bạn cảm thấy bản thân cho dù phạm tội thì cũng là điều bình thường.
+ Đặc biệt môi trường giải trí đã không còn thuần túy như xưa, mà thay vào đó là những hình thức giải trí không tốt cho cả thân thể lẫn tâm linh. Mặc nhiên những quán cà phê chòi, karaoke mọc lên khắp nơi mà đối tượng được nhắm đến lại là những bạn trẻ. Những trào lưu shisha, thuốc lá điện tử chẳng những không bị ngăn cấm mà còn được một bộ phận lớn người ủng hộ. Có phải những trào lưu này, những giải trí độc hại này chỉ có ở những TTN người ngoại, người không tin Chúa hay không?? Xin thưa: Không! Ma quỷ rất khôn khéo đưa những trào lưu này len lõi vào Hội những người tin Chúa. Đây là một thực trạng cần nhìn nhận sớm và có cách giải quyết tận gốc rễ, hầu cho bảo vệ được những bạn TTN Cơ Đốc.
  1. Thanh Thiếu Niên Không Dành Thời Gian Cho Chúa
Xét về những yếu tố ngoại cảnh, dường như các bạn TTN mà đa phần là học sinh thường không có thời gian dành cho Chúa, vì học? Học để chạy đua với các bạn khác, học để đạt được kì vọng của ba mẹ. Các bạn dành rất nhiều thời gian cho việc học, học thêm, học phụ đạo, học Anh văn… Càng lên cao hơn các bạn càng phải dành nhiều thời gian để học hơn. Ở các Hội Thánh địa phương, không ít thì nhiều các bạn trẻ buộc phải học thêm vào ngày Chúa nhật, mà đáng tiếc là điều đó lại đến từ mong muốn của các bậc phụ huynh. Kinh Thánh Châm Ngôn 22:6, “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo...” Vậy “con đường” mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải dạy cho các bạn TTN Cơ Đốc là gì? Có phải là dành tất cả thời gian để học mà “bỏ qua sự nhóm lại” chẳng? Linh hồn các em sẽ đi về đâu?
Xét về một khía cạnh khác, đó là game. Ngày nay chúng ta không lạ gì những câu than phiền như “Hễ nó đi học về, vừa buông ba-lô xuống là cầm điện thoại chơi game”, “Nó vừa ăn cơm vừa ôm điện thoại”… Hình thức này khiến các bạn TTN tốn rất nhiều thời gian, đã có nhiều trường hợp các bạn vì không có tiền chơi game mà trộm cắp hay thậm chí giết người, hay ngồi chơi game đến nỗi suy nhược cơ thể. Các bạn rất dễ bị cám dỗ vì hầu như gia đình nào cũng đều trang bị cho các bạn một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) có thể cần nhiều thể loại game. Một số bạn trẻ đã rất tự hào khoe rằng: các bạn có thể thức nguyên đêm để “cày” game, nhưng các bạn lại im lặng khi được hỏi có khi nào các bạn đọc Kinh Thánh nhiều đến thế không. Các bạn TTN ngày nay dành quá nhiều thời gian vào những trò giải trí vô bổ, mà bỏ quên giá trị thực là Lời Chúa. Trong Ê-phê-sô 5:16, sứ đồ Phao-lô khuyên các tín hữu tại Ê-phê-sô “Hãy lợi dụng thì giờ vì những ngày là xấu”. Chúng ta cũng như các bạn TTN đang sống trong một thời kì thuận tiện, Lời Chúa đã có khắp mọi nơi. Thay vì theo đuổi những trò giải trí vô bổ, các bạn hãy tận dụng thì giờ Chúa ban vào những hoạt động tin kính, tin chắc các bạn sẽ không bao giờ phải hối hận.
Suy cho cùng, dường như các bạn TTN Cơ Đốc thể kỉ 21 đang phản kháng rất yếu ớt hay thậm chí đang không có sức đề kháng thuộc linh. Vì các bạn thiếu Lời Chúa.
+ Vì thiếu Lời Chúa, các bạn chống cự rất yếu ớt trước những cám dỗ, các bạn tự giải quyết theo ý mình, hay thậm chí buông xuôi phó mặc cho ma quỷ sàng xảy. I Phi-e-rơ 5:7, Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên các bạn trẻ “lại hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em”, và tiếp tục khuyên các bạn trong đoạn 8:8 “Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỷ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được”. Ma quỷ đã dùng rất nhiều cách để “nuốt” các bạn TTN. Thượng tá Nguyễn Minh Đức (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Phòng ngừa Tội phạm) tại học viện CSND đã khẳng định: Tình trạng phạm tội những năm gần đây không tăng, nhưng độ tuổi phạm tội đang trẻ hóa, và đây là hiện tượng đáng báo động. Tình trạng này cũng ảnh hưởng không ít đến các bạn TTN Cơ Đốc. Nếu các bạn không sớm quan tâm đến những nhu cầu thuộc linh thì rất dễ để các bạn sa ngã và mắc tội cùng Chúa.
+ Một thống kê khác của Trường Đại học Giáo dục thuộc ĐHQG Hà Nội khảo sát tại 6 trường THCS, THPT cho biết: nhiều em đã có quan hệ tình dục từ năm lớp 9. Và con số các em THPT thừa nhận đã quan hệ tình dục là 39%, tức là trong 100 em có 39 em thừa nhận điều này. Khi đọc những con số này, ai trong chúng ta đã tự hỏi rằng “Nó có bao gồm các em TTN Cơ Đốc hay không? Các em có vượt qua được việc này hay không? Và làm sao để giúp các em thắng được cám dỗ lớn như vậy?” và vô số câu hỏi khác. Nếu các bạn cứ ở trong trạng thái thiếu Lời Chúa, thì không sớm thì muộn con số đó sẽ tăng lên, và có cả những TTN Cơ Đốc.
  1. Những Tác Động Từ Ngoại Cảnh Đến Nội Cảnh
Chúng ta phải thấy được tình trạng đáng báo động của TTN. Vậy trách nhiệm của gia đình và Hội Thánh là gì?? Mọi người phải làm gì để giúp các bạn?
A. Đối với gia đình
Văn hóa gia đình Việt Nam nói chung và đặc biệt là gia đình Cơ Đốc nhân rất yêu thương con, cha mẹ sẵn sàng hi sinh để dành tất cả những điều đẹp nhất cho con mình. Nhưng không thể phủ nhận rằng có nhiều gia đình bỏ bê con cái, dạy dỗ con cái cách sai trật hoặc xem nhẹ trách nhiệm của mình. Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:7 “Khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi người ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy” cho thấy gia đình phải là nơi dạy dỗ con cái, đặc biệt là ở lứa tuổi TTN, lứa tuổi đang phát triển mạnh về tâm sinh lí, lứa tuổi rất dễ sa ngã nếu không có được sự dạy dỗ của cha mẹ. Một số cha mẹ vì quá lo lắng về chi tiêu đến nỗi bỏ mặc con cái, số khác thì vì những bất hòa hay thậm chí ly hôn đã khiến cho các bạn không còn được sống trong tình yêu thương nữa. Thật, gia đình có thể là nơi ươm mầm cho một TTN tài năng mà cũng có thể là nơi giết chết bạn trẻ đó.
+ Cha mẹ nên ý thức rằng con cái là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời (Thi Thiên 127:3)
+ Cha mẹ phải nhận trách nhiệm “ân cần dạy dỗ con cái” (Phục Truyền 6:7)
+ Cha mẹ nên làm gương cho con cái, nhất là ở lứa tuổi TTN, lứa tuổi hình thành nhân cách, thói quen, tính tình (II Ti-mô-thê 1:5)
+ Cha mẹ nên có thời gian nhóm họp lễ bái, dành nhiều thời gian cho con để hiểu rõ và giúp đỡ nhu cầu thuộc linh cũng như tâm sinh lí của lứa tuổi TTN.
+ Cha mẹ nên tạo điều kiện thuận lợi nhất để các bạn trẻ đến với Chúa qua sách báo, phim ảnh, giờ sinh hoạt TTN, giao lưu hay khuyến khích các em TTN bước ra xã hội để trải nghiệm, cũng nên có thì giờ hướng dẫn các em đọc, học Kinh Thánh.
+ Cha mẹ nên thường xuyên dành thời gian cầu nguyện cho các con của mình.
+ Cha mẹ không nên áp đặt con cái vào vị trí mà các bạn không muốn. Đừng cắt đi đôi cánh của các bạn, chỉ hãy hướng dẫn các bạn TTN bay về hướng về Đức Chúa Trời.
+ Cha mẹ không nên ép buộc các bạn TTN học hay đặt nặng vấn đề học vấn.
  • Nếu gia đình biết nuôi dạy con cái theo sự hướng dẫn của Chúa, tin chắc rằng tương lai sẽ có nhiều nhà lãnh đạo hoặc những nhà truyền giáo mạnh mẽ ra đi hầu việc Chúa.
B. Về phía Hội Thánh và cách nhìn của TTN về Hội Thánh hiện nay.
Để Hội Thánh có thể giúp đỡ các bạn TTN Cơ Đốc ngày nay trước thực trạng mà các bạn đang phải đối diện. Trước tiên phải biết được các bạn TTN Cơ Đốc nhìn nhận như thế nào về Hội Thánh. Sau đây là một vài ý kiến từ các bạn trẻ:
. “Nhà thờ là ngôi nhà thứ 2 của em”
. “Hội Thánh là nhà thờ”
. “Hội Thánh bỏ rơi tụi con”
. “Là nơi tụi em vui chơi”
..
Hầu như khi được hỏi, các bạn trẻ trả lời rất hồn nhiên và tự do với chiều hướng tích cực. Nhưng quan sát thực tế thì có thể thấy các chiều hướng tiêu cực mà các bạn TTN không nói ra.
+ Các bạn TTN thường hay sử dụng điện thoại trong giờ thờ phượng với mục đích không tốt, hay giỡn hớt trong giờ nhóm ban ngành. Các bạn cho thấy rằng Hội Thánh dường như chỉ là một hội thông thường như bao hội khác ngoài đời. Các bạn không biết rằng Hội Thánh là hội duy nhất thắng được các cửa âm phủ (Ma-thi-ơ 16:19). Các bạn TTN còn sử dụng nhà thờ như một nơi ẩn trốn cha mẹ để chơi game, tụ tập bạn bè với mục đích không tốt.
+ Các bạn TTN có sự nóng cháy lại nhiều khi nản lòng do không thống nhất được công việc. “Ban TTN có nhiều việc mà không ai làm, em làm thì người này chỉ trích, người kia chê khen..”, hay là “Em được Hội Thánh giao việc, nhưng không cho em tự do làm việc, cứ nghĩ em là con nít”. Những điều đó, dù là chủ quan hay khách quan, đều khiến các bạn trẻ Cơ Đốc có cái nhìn tiêu cực về Hội Thánh.
+ Nếu Hội Thánh là nơi tập hợp những người tin Chúa, thì các TTN Cơ Đốc phải xem xét bản thân đã thật sự tin nhận Chúa hay chưa, và phải biết rằng những người tin nhận Chúa sẽ được Chúa biến đổi nên thánh. Và nếu là tập hợp những người được Chúa biến đổi thì Hội Thánh phải là nơi đầy tình yêu thương, san sẻ giúp đỡ lẫn nhau.
+ Nếu nói Hội Thánh là thân thể Đấng Christ, thì các bạn TTN phải biết rằng Hội Thánh trong đó Chúa Jesus là đầu và các bạn TTN là chi thể. Ở góc nhìn này có thể khiến các em hữu dụng trong Hội Thánh.
+ Nếu nói Hội Thánh là nhà Đức Chúa Trời thì các bạn TTN phải biết rằng phải nghiêm chỉnh, chỉnh chu khi ở trong nhà Chúa. Ở góc nhìn này sẽ cho các bạn TTN thấy rằng Hội Thánh là một nơi rất đặc biệt, nơi Đấng tối cao ngự trị.
+ Nếu nói Hội Thánh là đền thờ của Đức Thánh Linh, thì ở góc nhìn này các bạn trẻ sẽ thấy được Hội Thánh hay thân thể là nơi không được bày tỏ sự dơ dáy từ môi miệng hay sai trật từ suy nghĩ, hành động. Cái nhìn này sẽ giúp các bạn TTN tránh sa vào những tội lỗi.
  • Hội Thánh có thể làm gì để giúp TTN vượt qua thực trạng?
+ Hội Thánh cũng phải hiểu rõ Chúa tạo nên các em, mỗi em đều có mục đích riêng, có chương trình riêng. Các em cần được đặt đúng vị trí mà Chúa muốn để hoàn thành công việc của Ngài, hầu cho danh Chúa được tôn cao. Vì vậy, Hội Thánh phải có trách nhiệm hướng dẫn, dạy bảo, chỉ cho các em TTN thấy được mục đích mà Chúa muốn trên từng em.
+ Hội Thánh có những chương trình giúp đỡ các ban TTN trong việc truyền giảng, vì đây là Đại mạng lịnh của Chúa (Ma-thi-ơ 28:19-20). Một Hội Thánh không có thiếu nhi, thiếu niên là một Hội Thánh đang chết dần.
+ Đừng bỏ rơi các TTN hay lãng quên các em, các em đáng được quan tâm trong mọi phương diện. Nhiều Hội Thánh ngày nay giao các em cho vị đặc trách hoặc với anh chị hướng dẫn và rồi quên đi các em phải đứng trước những nan đề quá lớn.
+ Hội Thánh nên có những kênh giao tiếp với các TTN như những mục vụ thể thao, xã hội, những kỳ trại kỹ năng sống, trại hè để giúp các em gặp gỡ Chúa cách cá nhân.
+ Hội Thánh phải là nơi có môi trường tốt nhất cho sự phát triển thuộc thể lẫn thuộc linh của các em. Đồng công với gia đình giúp các bạn TTN ăn thật nhiều thức ăn thuộc linh, chỉ một phần ăn vào Chúa nhật thì không đủ cho cả tuần.
+ Tạo điều kiện cho các em TTN được phục vụ. Nhiều Hội Thánh cả nông thôn lẫn thành thị đã làm tốt việc này.
+ Cũng hãy tạo điều kiện cho TTN được nói (mở lòng) bằng cách gần gũi các bạn TTN, qua các mục vụ tư vấn đề sức khỏe, về tính dục chẳng hạn. Những tôi tớ Chúa phụ trách hướng dẫn các em qua các kì trại đã quen thuộc với những câu hỏi như: em 13 tuổi và em thích bạn kia, em đã lỡ quan hệ tình dục, em phải làm gì?.. Và đằng sau những câu nói “thú tội” đó là những nan đề nghiêm trọng. Một kênh tâm vấn sẽ giúp các em biết phải làm gì khi thất bại, phạm tội.
+ Song song với những điều trên, Hội Thánh cũng cần liên tục cầu nguyện cho các em TTN vì tương tai của Hội Thánh nằm trong tay các em.
 Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho mọi người: “Hãy cứu thanh thiếu niên” với.!
Đạt Lưu (HTTLVN.ORG)

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

Tại Sao Dân Do Thái Không Thể Bị Lãng Quên (Phần 2)

Mart De Haan
ĐỨC CHÚA TRỜI CỦA Y-SƠ-RA-ÊN MUỐN THA THỨ
CHO KẺ THÙ CỦA CHÚNG TA.
Vào ngày Yom Kipper (lễ Chuộc tội), ngày lễ quan trọng nhất của lịch Do Thái, người ta thường đọc câu chuyện về con cá lớn trong những Nhà hội. Trong khi tín đồ kiêng ăn, xưng tội mình ra và suy nghĩ về những điều Môi-se va Ê-sai dặn dò, một lần nữa họ lại được nghe về sự giải thích về việc Giô-na bị cá nuốt rồi nhả ra đầy kinh ngạc mà mọi người không ai có thể tin nổi nếu nó không có trong Kinh Thánh. Về tất cả những bài đọc có thể được chọn cho ngày lễ lớn trong năm, thì theo truyền thống, một số người bắt đầu đọc câu chuyện về nhà tiên tri Giô-na. Nhưng tại sao lại Giô-na? Tại sao người Do Thái lại đọc về nhà tiên tri miễn cưỡng chạy trốn Chúa chỉ để bị một con cá lớn nuốt vào bụng và được nhả ra một cách mầu nhiệm để hoàn thành sứ mạng nguy hiểm mà sứ mạng đó bây giờ là đất nước I-rắc?
Các thầy thông giáo nói gì về Giô-na?
Các thầy thông giáo có những giải thích khác nhau về việc đọc câu chuyện Giô-na vào ngày lễ Chuộc tội. Một thầy cho rằng câu chuyện của Giô-na là sự ăn năn hơn là câu chuyện của con cá lớn. Một số thầy thì giải thích rằng Giô-na là một bằng chứng không ai có thể thoát khỏi sự hiện hữu của Đức Chúa Trời ngay khi họ cố gắng trốn chạy khỏi Đấng quyền năng. Một số khác thì tin rằng việc người ta đọc chuyện Giô-na vào ngày lễ Yom kippur với hy vọng người nghe sẽ được học từ những lỗi lầm của nhà tiên tri miễn cưỡng này. Một thầy nói rằng: “Chúa quan tâm đến mọi người, Giô-na chỉ quan tâm đến chính mình. Cuối cùng Chúa đã thắng.”
Mỗi một sự giải thích này đều có một ưu điểm của nó, nhưng ý cuối cùng thì đặc biệt hấp dẫn. Cuối cùng thì câu chuyện của Giô-na nói về một người cứng đầu và ích kỷ vui mừng vì nhận được sự thương xót của Chúa khi ông ta nghĩ rằng lẽ ra ông ta đã chết trong bụng con cá lớn (Giô-na 2:9), nhưng ông ta đã không muốn Đức Chúa Trời “là Đấng hay thương xót và nhân từ.” làm điều gì tốt đối với những kẻ thù của dân Do Thái. (4:2)
Tại sao dân Do Thái lại ghét một thành phố ở trong vùng I-rắc đương thời?
Trước khi chúng ta quá nghiêm khắc đối với Giô-na, hãy nhìn vào thành Ni-ni-ve nơi mà quân thù xa xưa của dân Do Thái đã chiếm một vùng chỉ nằm đối diện với sông Ti-gơ-rit chảy từ thành phố Basra (Bát-đa) hiện tại của I-rắc. Trong thời Giô-na, Ni-ni-ve là một thủ đô thịnh vượng, vùng của đại đế A-si-ri. Quân lính của thành này nổi tiếng về việc hành hạ các tù nhân chiến tranh. Những tin đồn về sự tàn bạo của A-si-ri gây sợ hãi khiến cho các nạn nhân thường đầu hàng mà không chiến đấu gì cả. Đây là những người mà Chúa đã sai Giô-na đến để nói rõ: “Ngươi khá chỗi dậy! Hãy đi đến thành lớn Ni-ni-ve và kêu la nghịch cùng chúng nó; vì tội ác chúng nó đã lên thấu trước mặt ta.” (Giô-na 1:2) Một trong những điều ngạc nhiên của câu chuyện về Giô-na đó là cuối cùng khi ông ta rao to lên thông điệp của Đức Chúa Trời trên những đường phố của Ni-ni-ve, thì cả thành phố đều ăn năn. Ngay cả thú vật cũng quấn bao gai sau khi vị vua thờ thần của A-si-ri nói giống như một tiên tri và tuyên bố: “Nhưng người ta và thú vật đều phải quấn bao gai. Mọi người khá ra sức kêu cùng Đức Chúa Trời; phải, ai nấy khá bỏ đường lối xấu mình và việc hung dữ của tay mình. Ai biết rằng hoặc Đức Chúa Trời sẽ không xây lại và ăn năn, xây khỏi cơn nóng giận mình, hầu cho chúng ta khỏi chết, hay sao?” (Giô-na 3:8-9)
Đức Chúa Trời đã làm gì cho kẻ thù của Y-sơ-ra-ên?
Đối với sự sững sờ của Giô-na, sự sợ hãi tệ hại của ông ta đã qua, Chúa đã cho thấy sự nhân từ của Ngài đối với quân thù của Y-sơ-ra-ên khi Ngài thấy lòng họ thay đổi. Giô-na đã rất giận dữ. Dường như ông ta và dân tộc của mình đáng được hưởng một điều đó gì mà không ai đáng được. Ông ta phàn nàn rằng: “Hỡi Đức-Giê-hô-va, tôi cầu xin Ngài, ấy há chẳng phải điều mà tôi đã nói khi tôi còn ở trong xứ tôi sao? Vì đó nên tôi lật đật trốn qua Ta-ri-si này. Bởi tôi biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, giàu ơn và đổi ý không xuống tai vạ. Hỡi Đức-Giê-hô-va, vậy bây giờ, tôi nài xin Ngài hãy cất sự sống tôi, vì về phần tôi, chết còn hơn sống!” (Giô-na 4:2-3) Lúc Giô-na ngồi bên ngoài thành phố để cho xem điều gì sẽ xảy ra, Chúa đã sắm sẵn một dây dưa để che mát. Lúc đó Giô-na thật biết ơn bóng mát của dây dưa. Nhưng sau đó, Chúa đã cho một con sâu đến cắn chết dây dưa. Khi dây dưa bị héo, Giô-na giận dữ với Đức Chúa Trời vì Ngài đã để cho ông ta bị nướng chín dưới sự thiêu đốt của mặt trời Trung Đông. Những lời cuối của Giô-na cho chúng ta thấy tấm lòng Giô-na không thay đổi. Ông ta đã nổi cơn giận dữ khiến Đức-Giê-hô-va đã hỏi ông ta: “Ngươi nổi giận vì cớ dây này có nên không?” Người thưa rằng: “Tôi giận cho đến chết cũng phải lắm.”(Giô-na 4:9) Giô–na đã quan tâm nhiều về việc mất dây dưa đã cho ông ta bóng mát hơn là về những con người của thành Ni-ni-ve cần sự thương xót.
Sứ mệnh của Y-sơ-ra-ên là gì? Còn của chúng ta thì sao?
Còn về phần chúng ta như thế nào? Câu chuyện về Giô-na có thể khiến chúng ta ăn năn qua việc nhắc nhở chúng ta rằng Đức Chúa Trời quan tâm đến mọi người chăng? Từ buổi sáng thế, Vua Trời đã tuôn đổ tình thương yêu Ngài trên dân tộc Do Thái với mục đích lớn hơn chính bản thân họ. Qua món quà là mảnh đất hứa và bằng chứng hiển nhiên về sự hiện hữu của Ngài, ý định của Ngài là sử dụng “dân tộc đã được chọn” để cho ta thấy lòng nhân từ, sự kiên nhẫn và sự yêu thương của Ngài đối với toàn thế giới.
       ______________________________________________________
Qua món quà về miền đất hứa và bằng chứng hiển nhiên
về sự hiện hữu của Ngài, Ý định của Ngài là sử dụng
“một dân tộc đã được chọn” để cho chúng ta thấy lòng nhân từ,
sự kiên nhẫn và sự yêu thương của Ngài đối với nhân loại.
____________________________________________________
Vào thời điểm Chúa Giê-xu xuất hiện ở hiện trường, một số nhà lãnh đạo Y-sơ-ra-ên dường như đã quên sứ mạng của đất nước họ. Với những lời nói và thái độ giống như tiếng dội lại của Giô-na, họ cho là dân ngoại như là những người không trong sạch, không thể chạm đến được và không đáng nhận được lòng nhân từ của Chúa Giê-xu. Những nhà lãnh đạo tôn giáo của thế kỷ thứ nhất này bắt chước khá tốt Giô-na qua cách họ đối xử với những ngườ hư mất và Người Chăn Hiền Lành đã đến để cứu họ, họ đã cho thấy họ đã xa cách Chúa như thế nào, Đấng đã muốn cho họ và kẻ thù của họ thấy lòng nhân từ của Ngài.
Hai nghìn năm sau, dân Do Thái đã gặp một vấn đề lớn hơn nhiều. Từ khi thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy vào năm 70 SCN dẫn đến sự tản lạc của dân Do Thái và kế đến là việc tàn sát dân Do Thái vào thế kỷ 20 không thể nào tả hết được. Nhiều người tự hỏi làm thế nào họ có thể tin được Đức Chúa Trời khi Ngài cho phép thành thánh của Ngài bị phá hủy và hàng triệu dân Ngài bị tản lạc và bị giết như thú vật. Vấn đề về sự tin cậy như vậy cần được bất cứ ai quan tâm đến Đức Chúa Trời và dân Do Thái nghiêm chỉnh rút ra bài học  
SỰ TÀN SÁT DÂN DO THÁI THÁCH THỨC ĐỨC TIN CHÚNG TA.
Hình ảnh của những người tù trần truồng, đói khát tạo nên những cuộc khủng hoảng dai dẳng về đức tin của nhiều người Do Thái đã bị mất bạn bè và gia đình trong những trại tập trung của Đức quốc xã trong thế chiến thứ hai. Nhưng sự đau khổ và buồn chán mà chúng ta thấy được trong những cặp mắt sâu tuyệt vọng này cũng thách thức đức tin của bất cứ người nào dằn vặt với việc làm thế nào mà Chúa có thể cho phép xảy ra những nỗi đau khổ như vậy. Tôi đã cảm thấy ít nhiều xúc động khi tôi viết bức thư công khai này tới một người bạn Do Thái mà tôi gọi là Ê-li.
 Ê-li thân mến,
Hy vọng anh đang làm tốt công việc của mình. Tôi đã thường nghĩ về việc anh đã giúp chúng tôi thật nhiều để hiểu về câu chuyện của dân tộc anh trong thời gian chúng tôi ở Giê-ru-sa-lem gần đây. Tôi cũng cảm kích và biết ơn sự sẵn lòng của anh đã giúp tôi hiểu biết như là một người Do Thái đã yêu cầu xem xét lại đức tin trong Chúa. Tôi cũng luôn nghĩ đến sự khác biệt về bối cảnh chúng tôi sống. Anh đã lớn lên trong một gia đình nơi mà mẹ anh là người chị duy nhất trong gia đình bà, sau khi sống sót từ những trại tập trung, đã không thể nói về Chúa. Tôi đã được nuôi nấng trong một gia đình, nơi mà chúng tôi đã được dạy dỗ để biết được Đấng Tạo Hóa của chúng ta không những có trong thiên nhiên và trong sự chu cấp hằng ngày của cuộc sống mà còn trong cả lịch sử của dân tộc chúng tôi nữa. Tôi cũng đã nghĩ nhiều đến sự quan sát của anh về một số người đã thoát khỏi sự chết trong cuộc tàn sát dân Do-thái đã mất hẳn đức tin, trong khi những người khác đã đáp lại không chỉ bằng đức tin mà còn tỏ ra lòng sùng đạo sâu sắc đối với Chúa nữa. Anh đã luôn ngay thẳng và thành thật. Và khi bạn hỏi rằng tôi có nghĩ bạn vô lý không, thì tôi đã biết rõ tôi có thể trả lời là không, dù tôi đang cảm nhận rằng bạn đã hỏi một câu hỏi rất khó. Một phần tôi muốn nói rằng việc giết chóc dân tộc bạn là có hệ thống do nhà nước chủ trương (bảo trợ), dính dáng đến tội ác của loài người và không liên quan gì đến Đức Chúa Trời. Nhưng sau đó, tôi được Chúa nhắc nhở về những lời Kinh thánh của dân Y-sơ-ra-ên mà qua đó Ngài cho phép dân ngoại giật sập những bức tường ở Giê-ru-sa-lem trong khi tim Ngài cũng tan nát trong quá trình đó. Tôi cũng đã nghĩ đến ý kiến của bạn cho rằng hoang mạc là nơi bạn tiếp xúc được với Đức Chúa Trời gần nhất.  Tôi cũng cảm thấy nơi hoang vắng và yên tĩnh thật là tuyệt vời. Khi xa những âm thanh ồn ào của thành phố, tôi cảm nhận nơi đó không những có sự hiện diện của Chúa mà còn giúp tôi có khả năng chọn lựa tốt về phương diện đạo đức và sau đó tôi được sức mới để đối diện với sự ồn ào của đô thị. 
Trong một vài cơ hội, tôi đứng lắng nghe những tiếng còi báo động về cuộc không tập hú lên vào ngày Tưởng niệm dân Do-thái bị tàn sát (Holocaust). Tôi đã ngắm nhìn bạn khi bạn ngưng bất cứ việc gì bạn đang làm, và bạn đã đứng yên lặng trong giây lát. Trong giây phút tưởng niệm hàng năm đó, tôi cho rằng mình đã thấy một điều gì đó về ý nghĩa “dân được lựa chọn”. Trong thời Áp-ra-ham, dân tộc bạn là sân khấu trung tâm trong câu chuyện về nền văn minh nhân loại. Đôi khi các bạn còn là ánh sáng soi đường của những người láng giêng. Trong những sự kiện đặc biệt khác, câu chuyện của các bạn giống như một hồi còi làm căng thẳng thần kinh, nhắc nhở chúng tôi rằng đã có một cái gì đó kinh khủng xảy ra trong thế giới của chúng ta.
Không, tổ tiên của các bạn đã không yêu cầu là trở thành“dân tộc được chọn” và tôi cũng không tin rằng kết quả sẽ có bất cứ sự khác biệt nào nếu Chúa đã định và dành riêng một cách kỳ diệu bất cứ một dân tộc nào khác. Bởi vì bản tính của loài người nói chung là giống nhau, câu chuyện sẽ tương tự nhưng với một cái tên khác. Điều đó cũng có thể là người Pháp, người Đức, người Nhật nhưng  khi phải đương đầu với thực tế thì họ khó trở thành “dân tộc được chọn”. Bất cứ dân tộc nào khác được chọn là người của Đấng Mê-si-a cũng sẽ mang một gánh nặng tương tự.
Khi đề cập đến Đấng Mê-si-a, tôi biết rằng sự nghi ngờ của bạn về chủ nghĩa bài DoThái có căn nguyên của nó từ những sự kiện Kinh Thánh ghi chép đã vẽ lên chân dung của dân tộc bạn như là “những người giết Chúa Giê-xu.” Mặc dù Kinh Thánh Tân ước đã được viết bởi những tác giả Do Thái về Đấng Mê-si-a của họ, nhưng các người không phải dân tộc Do Thái  đã đi quá xa về dữ kiện này và cho rằng một số nhà lãnh đạo Do Thái đã gây ra cái chết của Chúa Giê-xu. Điều mà nhiều người đã quên là người thầy từ Na-xa-rét đã hy sinh một cách tình nguyện dưới tay một thống đốc quyền uy La Mã cùng với tay của những đao phủ La Mã bạo tàn. Trong khi những người Do Thái bị lên án một cách kỳ lạ về cái chết của Chúa Giê-xu thì điều tốt lành về sự hy sinh của chính Chúa để chuộc tội cho chúng ta đã bị bỏ qua. Riêng những người công khai tố cáo dân Do Thái cũng diễn tả sai tinh thần của sách Tân Ước về sự bày tỏ tình yêu của Chúa đối với dân Y-sơ-ra-ên như là một bằng chứng về tình yêu của Ngài đối với mọi người. (Ma-thi-ơ 23:37; Rô-ma 9:1-5, 10:1-4)
          _______________________________________________________                           
Khi dân Do Thái bị kết án một cách kỳ quặc
 về cái chết của Chúa Giê-xu thì tin tức tốt lành về sự hy sinh
của chính Chúa để chuộc tội cho chúng ta đã bị bỏ quên.
_________________________________________________
Này Ê-li, nếu bạn chưa sẵn sàng đọc Kinh Tân Ước, tôi mong bạn cũng nên đọc lại ít ra một lần câu chuyện đời xưa về Gióp.
Những nhà thông thái Do Thái đã quí trọng mạng sống của mình như là một chứng cớ của những người không chịu trách nhiệm về phần tội lỗi tương xứng mà họ gánh chịu. Thay vào đó, sách Hê-bê-rơ đã cho ta thấy đôi khi Chúa kêu gọi những con người như Gióp, những người Do Thái và Đấng Mê-si-a của Ngài chịu tội thay người khác. Gióp là người nhân lành đã chịu khổ nạn để cho chúng ta thấy rằng Sa-tan chớ không phải Chúa là nguồn gốc của tội lỗi. Những vấn đề của Do Thái giúp cho chúng ta thấy rằng thật nguy hiểm khi chúng ta ra khỏi sự che chở của Chúa. Sự chịu khổ của Đấng Cứu Thế vô tội là để cứu chuộc tất cả chúng ta, những người xa Chúa, đi theo đường lối riêng của mình. (Ê-sai 53) Tôi không tin rằng sách Hê-bê-rơ đã cho chúng ta bất cứ lý do nào để thấy được những biến cố bi kịch của việc tàn sát dân Do Thái như là một bức tranh của sự xét đoán riêng của Ngài về những người đã bị giết. Chỉ cỏi vĩnh hằng  mới cho ta thấy điều mà thiên đàng đã nhìn thấy trong lòng của những người đã chịu khổ trong cảnh bị bỏ rơi và  và tối tăm như thế. Nhưng nếu sự kiện này có bất cứ sự liên quan đến những ngày bi kịch của quốc gia đã được mô tả trong sách Hê-bê-rơ, thì những rắc rối của quốc gia đã được chọn có thể là tiếng gọi tỉnh thức tâm linh cho tất cả mọi người đang theo dõi.
Nếu tôi biết bất cứ điều gì về ĐứcChúaTrời của dân Y-sơ-ra-ên, thì đó là việc Ngài chăm sóc mọi người nhiều hơn là chúng ta có thể, bất chấp là tại sao, ở đâu hoặc khi nào mà họ chịu khổ. Tuy nhiên, vì vai trò của dân Y-sơ-ra-ên là “dân được chọn”, thì dường như theo các tiên tri của quốc gia bạn, dân tộc bạn đã được kêu gọi không những để biết Chúa và sinh ra Đấng Mê-si-a của Ngài, mà còn mang lấy gánh nặng không thể tả xiết đi cùng với vai trò này.
Ê-li, tôi hy vọng rằng điều nay sẽ giúp ban hiểu nhiều hơn nơi mà tôi sống. Tôi mong tin bạn.
Thân ái,
Một người bạn thân nhất của bạn.
Phải công nhận rằng chỉ có Chúa mới có thể chu cấp cho chúng ta sự an ủi mà chúng ta cần khi chúng ta đau khổ. Tuy nhiên, một cách thức mà Ngài thực hiện đó là cho ta bằng chứng về sự hiện diện của Ngài và giúp chúng ta khi chúng ta lạc lối. Đây là một sư thật mà những người Do Thái trên khắp thế giới tiếp tục kỷ niệm vào ngày lễ Phu-rim hàng năm của họ.
Vì vai trò của dân Y-sơ-ra-ên như là “một quốc gia được chọn,”
họ đã được kêu gọi không những được biết Chúa và sinh ra
Đấng Mê-si-a cho Ngài mà còn mang lấy gánh nặng không thể nào diễn tả khi nhận lãnh vai trò đó.

Hồ Thế Kiệt dịch
Trịnh Phan hiệu đính (HTTLVN.ORG)
CÒN TIẾP …

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Lãnh Đạo Thuộc Linh Cho “Tuổi Teen”


Hướng dẫn thuộc linh cho “tuổi Teen” là một công tác thầm lặng, nhưng cực kỳ quan trọng. Nếu làm tốt, sẽ góp phần xây dựng một thế hệ lãnh đạo tương lai tài năng và sốt sắng. Ngược lại, một vài hành động vô tình hay cố ý của người lãnh đạo cũng có thể “làm cho một đứa trong những đứa nhỏ nầy đã tin ta sa vào tội lỗi …”
Khi công tác làm chứng cho một người tin nhận Chúa thật khó khăn, hãy tận dụng ân tứ lãnh đạo để nuôi dưỡng và gìn giữ các em thiếu niên. Hội Thánh Chúa đang trông chờ một thế hệ kế thừa nên “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm Ngôn 22:6).
Thứ Nhất: “Gương Mẫu” hay “Gương Vỡ”
Thiếu niên từ 11-15 tuổi, có nhiều thay đổi về tâm sinh lý và xã hội. Trong sự phát triển nhân cách, các em thường cố gắng bắt chước những mẫu người lý tưởng. Đa phần không phải là cha mẹ, nhưng thường chính là anh chị đặc trách trong Ban Thiếu niên. Hãy dạy cho các em những bài học, không chỉ là lời nói, bài chia sẻ mà cả một nếp sống, một tấm gương để các em noi theo. Các em có thể quên một bài chia sẻ sau 30 phút, nhưng nhớ mãi một câu nói, một hành động vô tình hay cố ý của người lớn, dẫn đến những suy luận không chính xác, từ đó mất niềm tin hoàn toàn vào người ấy.
Một trong những điều ngăn trở người lãnh đạo, anh chị đặc trách thể hiện tấm gương tốt cho các em thiếu niên, chính là áp lực công việc, gia đình, cùng những mối quan hệ khác. Nhiều khi, các em thiếu niên trở thành nơi để người lãnh đạo thuộc linh trút mọi sự tức giận, “strees” âm ỉ từ gia đình, công việc. Hãy nhớ rằng các em là bầy chiên “của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm, chẳng phải quản trị phần trách nhiệm chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy” (I Phi-e-rơ 5:2-3).
Thứ hai: Lãnh Đạo Phải “Lãnh Trách Nhiệm”
Trong kinh doanh, phần thưởng dành cho những người sẵn sàng hi sinh vì người khác để họ có thể phát triển, thành công. Nhưng trong quân đội, người ta trao huy chương cho những người sẵn sàng hi sinh vì người khác. Mỗi Cơ Đốc nhân là những chiến sĩ Thập Tự, thì việc người lãnh đạo thuộc linh sẵn sàng nhận trách nhiệm, hi sinh vì bầy chiên nhỏ là điều tất nhiên. Vì ở tuổi thiếu niên, các em ít khi nhận lỗi về mình, dù bản thân làm sai. Thay vì quát mắng, buộc các em phải gánh hoàn toàn trách nhiệm, thì người lãnh đạo thuộc linh cần nhận mọi trách nhiệm về mình. Sau đó, chọn dịp thuận tiện để phân tích diễn giải cho các em hiểu, và chấp nhận thay đổi. Người lãnh đạo thuộc linh của thiếu niên là “bác sĩ thuộc linh”, sẵn sàng gánh thay bệnh tật và đưa các em trở về đường lối Chúa. Như chính Chúa Giê-xu sẵn sàng gánh thay tội lỗi của chúng ta trên Thập Tự Giá, để ai tin thì được cứu.
Lãnh trách nhiệm về mình là một trong năm điều sợ hãi nhất của người lãnh đạo trẻ ngoài xã hội nhưng là điều không thể thiếu đối với người lãnh đạo thuộc linh, vì “chúng ta là kẻ mạnh, phải gánh vác sự yếu đuối cho những kẻ kém sức, chớ làm cho đẹp lòng mình” (Rô-ma 15:1). Người lãnh đạo thuộc linh giỏi phải là người khiến các em thiếu niên luôn có cảm giác an toàn và tin tưởng.
Thứ Ba: “Sĩ Diện”, Đừng “Sỉ Nhục”
Một trong những tâm lý đặc biệt của thiếu niên là thích thể hiện bản thân trước đám đông. Người lãnh đạo thuộc linh của các em, nếu biết áp dụng đặc điểm tâm lý này đúng đắn, sẽ góp phần hình thành những người lãnh đạo thuộc linh dạn dĩ và biết tôn trọng người khác.
Bởi lẽ, thực trạng cho thấy không ít người lãnh đạo thuộc linh thường sửa phạt các em thiếu niên trước đám đông. Đây là điều nên tránh, vì trước mắt có thể giảm được phần nào sự giận của người lãnh đạo, hoặc có mong muốn cảnh báo cho tất cả các em nên nghiêm túc và vâng lời. Nhưng ngược lại, các em có thể nhớ mãi hành động ấy trong sự uất ức cùng nỗi thất vọng từ người lãnh đạo. Một số Cơ Đốc nhân đến tuổi trưởng thành trở nên cay đắng, cứng lòng với Lời Chúa, đa phần là vì từ thời niên thiếu họ phải đối diện với những “cú sốc tâm lý” như: bị sỉ nhục, bị tín hữu khác đối xử tệ, …
Sự sỉ nhục, hay những lời trách móc nặng nề không chỉ tạo nên sự bi quan cho người trưởng thành, mà còn gây nên những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với thiếu niên: “Sự sỉ nhục làm đau thương lòng tôi, tôi đầy sự khổ nhọc; Tôi trông đợi có người thương xót tôi, nhưng chẳng có ai;Tôi mong nhờ người an ủi, song nào có gặp” (Thi Thiên 69:20).
Ngược lại, một lời khích lệ, một cái vỗ tay, một nụ cười, … đúng lúc luôn mang lại niềm hi vọng và tinh thần cầu tiến của các em thiếu niên Cơ Đốc. Vì hầu hết chúng ta và các em thiếu niên hằng ngày đã phải vật lộn với quá nhiều lời nói, và hành động chỉ trích, sỉ nhục, …từ xã hội. Hãy tạo cho các em một môi trường an toàn, bình an, không sỉ nhục, mắng nhiếc, ngăm đe: “Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thể nào” (Cô-lô-se 4:6).
Thứ Tư: “Chung Tay”, Không “Chỉ Tay”
Người lãnh đạo thuộc linh cho “tuổi teen” không đồng nghĩa với việc tách mình ra khỏi tập thể. Hãy thực hiện nguyên tắc “cùng làm việc” trong quá trình hướng dẫn thuộc linh, lẫn thuộc thể cho các em. Thiếu niên có khả năng tiếp thu kiến thức rất tốt, nhưng sự trải nghiệm chắc chắn không thể bằng người lãnh đạo thuộc linh của các em. Bởi thế, hãy truyền cảm hứng, kinh nghiệm từ những việc thuộc thể như: trang trí, treo băng-rôn, …đến những việc thuộc linh như: cách hướng dẫn sinh hoạt, cách học Kinh Thánh, cầu nguyện, …
“Tuổi teen” thích khám phá, làm điều mới lạ, nhưng tùy hứng, nếu không cùng làm việc thì chắc chắn các em sẽ làm theo sở thích, làm hời hợt, không quan tâm đến kết quả của công việc ấy. Hãy tin tưởng trao trách nhiệm, nhưng hướng dẫn tận tình với tinh thần phục vụ, đó là những bài học quý báu giúp các em trở thành những người lãnh đạo biết phục vụ người khác: “Vậy, nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau” (Giăng 13:14).
Những bài học cùng phục vụ, cùng chung tay nên được thực hiện thường xuyên trong nếp sống Cơ Đốc đối với các em: nếu chỉ còn một chỗ ngồi, hãy nhường cho các em; nếu chỉ còn một món quà hãy để các em được nhận; trong bữa tiệc, hãy nhường các em ăn trước; trong việc phục vụ, hãy cùng làm với các em; …
Thứ Năm: “Sức Hút” Hay “Lực Đẩy”
Nếu thực hiện được bốn điều trên, thì chắc chắn người lãnh đạo thuộc linh sẽ tạo nên “sức hút” khiến các em tự tìm đến để chia sẻ những nan đề, và các phước hạnh. Một số người lãnh đạo thuộc linh dù không có tài hùng biện, hay khả năng thuyết phục người khác, nhưng vẫn là nơi để nhiều em “tuổi teen” tìm đến để chia sẻ, để nói, để tìm người lắng nghe và cầu nguyện.
“Lực đẩy” giữa người lãnh đạo thuộc linh và các em được tạo ra không phải hoàn toàn từ các em, nhưng hầu như đến từ người lãnh đạo. Nếu không tạo được niềm tin từ các em, không sẵn sàng chung tay, không cùng làm việc, cùng trò chuyện, cùng đồng cảm thì làm sao các em thiếu niên có thể tin tưởng để chia sẻ, tìm lời khuyên… Đó cũng là lý do khiến nhiều em thiếu niên không thể tìm được nơi để chia sẻ những nan đề, không ít em đã xa cách Chúa, cay đắng và khó trở lại ăn năn.
Lãnh đạo thuộc linh với lứa tuổi thiếu niên đòi hỏi người ấy có mối tương giao tốt với Chúa mỗi ngày, lắng nghe tiếng Chúa phán và có tấm lòng cưu mang các em. Lãnh đạo thiếu niên là người mà các em thích tìm đến để tâm sự vì có những chuyện các em không thể nói với ai thì người lãnh đạo thiếu niên cần đến là người các em tin tưởng và là “thùng rác”để các em trút bầu tâm sự. Chúa giao cho mỗi người những bầy chiên thiếu niên lớn nhỏ khác nhau, có thể đó chính là các con trong gia đình, hoặc một ban thiếu niên. Hãy “giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội Thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình” (Công Vụ 20:28). Hầu cho trước mặt Đức Chúa Trời được Ngài khen là đầy tớ ngay lành trung tín, chứ không phải là sự quở trách “Đức Giê-hô-va phán: Khốn thay cho những kẻ chăn hủy diệt và làm tan lạc bầy chiên của đồng cỏ ta” (Giê-rê-mi 23:1)./.

Paul (HTTLVN.ORG)

Tại Sao Dân Do Thái Không Thể Bị Lãng Quên (Phần 1)


Mart De Haan
TẠI SAO DÂN DO THÁI KHÔNG THỂ BỊ LÃNG QUÊN [1]
Trong vở nhạc kịch Fiddler “Trên mái nhà”, Jevyer, người cha có đầu óc truyền thống của một gia đình Do Thái, biết rằng là “một dân tộc được Chúa lựa chọn” có cái bất lợi, khó khăn của nó Trong lời cầu nguyện nổi tiếng của mình về gánh nặng của dân Do Thái phải mang, ông ta đã than thở rằng:”Tôi biết, tôi biết. Chúng tôi là những người đã được Ngài lựa chọn, nhưng đôi khi tại sao Ngài lại không lựa chọn một dân tộc nào khác?” Nhưng tại sao chỉ dân tộc tôi được biết đến như là một “quốc gia đã được đặc ân” trong những chương Kinh Thánh dường như đã được định sẵn cho rắc rối và xung đột quốc tế? Các trang sau đây cho thấy các vấn đề không chỉ là dầu mỏ, sự ổn định ở Trung Đông, hoặc thách thức trong sự ủng hộ phía Ysơ-ra-ên hoặc các nước láng giềng, vấn đề thực sự là về một nguyên tắc “một cho tất cả” mà không ai trong chúng ta có thể bỏ qua.
DÂN DO THÁI ĐÃ ĐƯỢC ĐỊNH TRƯỚC ĐỂ THU HÚT SỰ CHÚ Ý
CỦA CHÚNG TA.
Dù yêu hay ghét, thì mảnh đất, con người, và câu chuyện về dân Do Thái vẫn là một thỏi nam châm. Từ khắp nơi trên thế giới, các du khách Do Thái, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo lủ lượt kéo về phi trường Ben Gurion ở Tel Aviv chỉ để ngắm xem một vài mẩu đất gắn liền với những suy nghĩ và niềm tin sâu sắc nhất của họ. Từ những thành phố, những ngọn núi và những thung lũng của nó, những người hành hương xúc động nhìn chăm chăm vào quá khứ của người khác để suy nghĩ về chính tương lai của họ.
Những con người của mảnh đất này xác định có cùng một cha
Hầu hết những người đến đây đều xác nhận một mối quan hệ với một người cha đã từng không có con. (Sáng Thế Ký 15:2) Người Á-rập tự cho mình là con trai đầu lòng của Áp-ra-ham tên là Ích-ma-ên. Người Do Thái đã lần ra di sản của họ qua người con trai thứ hai là Y-sác. Những người Cơ Đốc xem họ như là những đứa con nhiệm mầu của đức tin Áp-ra-ham.(Ga-la-ti 3:7).
Do Thái là một địa điểm chiến lược.
Được định vị từ một chiếc cầu cổ trên mặt đất, và lần theo con đường tơ lụa tới Phi châu, Á châu và Âu châu, thì nước DoThái cổ nằm ở ngã ba đường của thế giới. Ngày nay, Do Thái vẫn được thế giới quan tâm nhiều hơn. Sau Cuộc Tàn Sát dân Do Thái (Holocaust), họ đã trở về nơi quê cha đất tổ của họ từ khắp nơi trên thế giới, và xung đột đã tái diễn với các nước láng giềng giàu dầu mõ .
Vì cả hai lý do mới và cũ, thế giới cảm thấy như bị bắt buộc theo dõi dân DoThái để bảo vệ những quyền lợi của họ.
Mảnh đất Do Thái là một sân khấu.
Tại các điểm rộng nhất và dài nhất của Do Thái, phong cảnh trải đá của nó là một cái bệ có diện tích 260×60 dặm, mà trên bệ này hầu hết những bi kịch quan trọng của lịch sử đã diễn ra trước một thế giới đang theo dõi họ. Câu chuyện của nó là một câu chuyện tình lãng mạn không thể diễn tả hết, và là một bi kịch của một nỗi đau vô tận. Không có một quốc gia nào khác đạt tới đỉnh khá cao rồi lại chìm xuống khá thấp. Không một quốc gia nào khác đã bị phân tán và tan tác lẩn lộn trong các nước trên thế giới và sau đó lại trở về lập quốc nơi quê cha đất tổ của mình. Không một quốc gia nào khác đã làm được nhiều như vậy để cung cấp một sân khấu và một phông nền cho câu chuyện vĩ đại nhất như dân Do Thái.
Câu chuyện của nó có ý nghĩa quốc tế.
Theo Kinh Thánh, những ghi chép về lịch sử của dân Do Thái cho chúng ta biết về Chúa chúng ta, chính bản thân chúng ta, và mối liên hệ của chúng ta với nhau. Trong những khoảnh khắc tốt nhất và tồi tệ nhất của một dân tộc được lựa chọn, một vùng đất hứa và một Đấng Mê-si-a đã chờ đợi từ lâu, chúng ta tìm thấy quá khứ của chúng ta. Trong những dự đoán của các nhà tiên tri, chúng ta tìm thấy tương lai của chúng ta.
Những người có cơ hội thăm viếng vùng đất này không nhất thiết phải làm tốt hơn bằng cách đi tới đền thờ của dân Do Thái hoặc nơi Chúa Giê-xu đã thường tản bộ.
Những tấm lòng không phải luôn luôn biến đổi khi chạm vào Bức Tường Than Khóc hoặc nhìn vào phong cảnh Ha-ma-ghê-đôn của thung lũng Gít-rê-ên. Nhưng các người viếng những thung lũng trước mặt họ là bằng chứng hữu hình về một bi kịch đang trải ra của Đức Chúa Trời.
________________________________________________
Trong một thế giới mà thuyết Đa nguyên phát triển mạnh,
ở đây chúng ta tìm thấy câu chuyện về một dân tộc đã được chọn
và một vùng đất hứa cho tất cả các dân tộc.
________________________________________________
Trong một thế giới mà thuyết Đa nguyên phát triển mạnh, ở đây chúng ta tìm thấy câu chuyện về một dân tộc đã được chọn và một vùng đất hứa cho tất cả các dân tộc.
Theo Kinh thánh, những người được chọn cho vùng đất này đã được kêu gọi để nói lên cho toàn thế giới biết về Thần của các thần và Vua của các vua. Đất nước đã hứa đối với họ có cùng một ý nghĩa. Nó đã được ban cho để chứng tỏ cho mọi nước thấy rằng Đức Chúa Trời là sự an ninh và thỏa mãn tột cùng cho tất cả những ai tin cậy Ngài.
NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA NGUỜI LÁNG GIỀNG CỦA DO THÁI
ẢNH HƯỞNG ĐẾN TẤT CẢ CHÚNG TA.
Dòng máu nhơ nhớp ở vùng Trung Đông đã chảy từ thế hệ này sang thế hệ khác như một dòng sông dầu và nước lâu đời. Từ những ngày của Áp-ra-ham cho tới thời tin tức nóng hổi của chúng ta dường như không có sự kết thúc về việc kình địch và chết chóc giữa Ích-ma-ên và Y-sác. Sự xung đột đã bắt đầu từ thời các tộc trưởng của người Á-rập và Do Thái, đã ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, nó khiến chúng ta phải mất tiền cho chi phí xănng dầu. Nó thậm chí cũng khiến chúng ta chia rẽ tại nhà thờ. Một số người trong chúng ta nghĩ rằng đức tin của chúng ta đòi hỏi chúng ta phải ủng hộ Y-sơ-ra-ên. Những người khác nghĩ rằng theo thần học “Người Sa-ma-ri nhân lành” thì, phải ủng hộ Pa-lét-tin.
Một số người trong chúng ta nghiêng về phía Y-sơ-ra-ên.
Một số người trong chúng ta đã thông cảm với sự đấu tranh của người Do Thái cho quê hương của họ. Chúng ta nhớ rằng Đức Chúa Trời của Kinh Thánh đã ban miền đất hứa cho các con cháu của Áp-ra-ham. Chúng ta cảm thấy bối rối khi một số giáo phụ Hội Thánh bày tỏ sự khinh thường đối với đất nước Y-sơ-ra-ên, và chúng ta muốn tách ra khỏi bất cứ sự hận thù dân tộc  như Ha-man ngày xưa (Ê-xơ-tê 3:6) hoặc một Hít-le hiện đại. Một số chúng ta thấy sự hồi sinh của Do Thái không chỉ là bằng chứng cho sự thật của Kinh Thánh mà còn là sự khẳng định cho quan điểm của chúng ta về lời tiên tri. Điểm quan trọng hơn cả là chúng ta tin Đức Chúa Trời của Kinh Thánh khi Ngài phán với Áp-ra-ham rằng: “Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước con, nguyền rủa kẻ nào nguyền rủa con; mọi dân trên đất sẽ nhờ con mà được phước.” (Sáng Thế Ký 12:3; Công vụ13:5). Nhưng trong quá trình này, chúng ta cũng có thể bỏ qua một số sự kiện khác. 
Chúng ta có khuynh hướng hay quên quan tâm đến người Á-rập.
Chúng ta thường quên rằng. “Chúc phước” là biểu lộ một sự mong ước điều tốt lành cho người khác và vì vậy dân Do Thái đã được chọn là nguồn phước hạnh cho toàn thế giới. (SángThế Ký 12:1-3) Thật chính xác là tín đồ Đấng Christ được khuyến cáo không nên nguyền rủa ai.(Rô-ma 12:14)
Trong khi chúng ta nhận ra nhu cầu về quê hương của người Do Thái, thì một điều quan trọng là chúng ta cũng phải xem xét đến những gia đình không phải là Do Thái mà tổ tiên của họ đã cấp đất để họ canh tác trên mảnh đất mà dân Do Thái đã bị mất sau năm 70 SCN. Nhiều người trong số họ đã tìm về cội nguồn của mình qua người cha Áp-ra-ham.
Có thể chúng ta đã quên tình yêu của Chúa đối với Ích-ma-ên.
Mặc dù Ích-ma-ên đã được sinh ra trong nhà Áp-ra-ham và Sa-ra, anh ta đã được thụ thai như một kết quả của mối quan hệ của cha anh ta với một người đàn bà Ai Cập tên là A-ga. Theo đề nghị của Sa-ra, Áp-ra-ham đã thành cha của một đứa trẻ với một con đòi ở trong nhà. Nhưng sự cố gắng để giải quyết việc không con của họ đã sinh ra những sự ganh tị trong gia đình. Sau này, sau khi Sa-ra thụ thai được một con trai cách kỳ diệu, thì lại nảy sinh ra sự xung đột giữa hai người con trai và các người mẹ của họ. Theo yêu cầu của Sa-ra, Áp-ra-ham đã đuổi A-ga và Ích-ma-ên ra khỏi nhà. Theo sách Sáng Thế Ký 21:17-20, Chúa đã đáp lời một cách nhân hậu đối với những giọt nước mắt của A-ga. Thiên sứ của Đức ChúaTrời đã đặt tên cho con trai bà là Ích-ma-ên, có nghĩa là: “Đức Chúa Trời đã nghe sự sầu khổ của ngươi.”(Sáng Thế Ký 16:11)  Tuy nhiên, trong quá trình vùa giúp A-ga và Ích-ma-ên, Chúa đã cảnh báo những hậu quả đau buồn do những hành động của Áp-ra-ham gây ra. Về đứa trẻ mà Áp-ra-ham và Sa-ra đã đuổi ra đồng vắng, Đức Chúa Trời đã phán rằng: “Nó sẽ là một con lừa rừng; tay  nó sẽ địch cùng mọi người, và tay mọi người sẽ địch lại nó. Nó sẽ ở đối mặt cùng hết thảy anh em mình” (Sáng Thế Ký 16:12). Ích-ma-ên dường như đã được định trước để cho chúng ta nhận ra anh ta sẽ làm đau khổ mọi người. Việc bị đuổi ra khỏi nhà có thể đóng góp vào sự tiếp cận của chính anh ta đối với cuộc sống, và quan điểm sinh tồn đã trở thành một phần di sản của anh ta.
Chúng ta cần nhớ rằng Đức Chúa Trời chọn một cho tất cả.
Vài sự kiện có thể giúp chúng ta cân bằng sự hiểu biết của chúng ta về điều mà Đức ChúaTrời đã làm với Y-sác và Ích-ma-ên.
  1. Việc Chúa chọn lựa Ap-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp được xem như là “một lời hứa tốt lành”  cho mọi người chứ không chỉ cho con cái họ. Từ buổi sáng thế, Đức Chúa Trời của Kinh Thánh đã xác định rõ ràng là Ngài đã chọn một dân tộc cho tất cả mọi người.
(Sáng 12:1-3)
  1. Mặc dù Sáng Thế Ký đã tiên đoán rằng Ích-ma-ên sẽ trở thành một tên phản loạn, cũng có những tên tuổi và những tiên đoán kém hấp dẫn trong di sản của dân Do Thái. Gia-cốp là cha của 12 bộ lạc Do Thái, tên này được đặt lúc sinh ra có nghĩa là “kẻ phản bội hay kẻ lừa dối”. Sau này các nhà tiên tri Do Thái mô tả chính đất nước của họ như là “một con điếm” (Giê-rê-mi 2:20) ,”một con lừa hoang”, (Giê-rê-mi 2:24) và như là một cộng đồng khiến cho Sô-đôm và Gô-mô-rơ được xem là tốt đẹp khi so sánh với nó.
(Ê-xê-chiên 16:48-52)
  1. Theo Kinh Thánh, là một dân tộc được chọn đã là một gánh nặng. Không những họ được lựa ra để cho thế giới thấy quyền năng và lòng tốt của Đức Chúa Trời chân thật, duy nhất mà nó còn cho tất cả mọi dân trên đất thấy hậu quả khi chúng ta đi lang thang xa cách tình yêu và sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa của chúng ta. (Phục Truyền 28-30)
  2. Ngay cả nếu có bàn tay Chúa trong việc tái lập của dân Do Thái, thì tình trạng tâm linh của quốc gia này luôn là một vấn đề. Vào thế kỷ thứ 6 TCN, nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên đã tiên đoán trong sự khải thị của ông ta về những bộ hài cốt rằng trong những ngày cuối cùng, dân Do Thái sẽ nhóm họp cùng nhau về phương diện thể xác trước khi được phục hưng về phương diện tâm linh. (Ê-xê-chi-ên 37:1-14) Chỉ một lý do đó thôi, có thể có sự khác biệt giữa điều mà Chúa đang làm cho dân Y-xơ-ra-ên và điều mà họ đang làm khi không có sự hiện diện của Ngài.
           ________________________________________________
Có lẽ có sự khác biệt giữa điều mà Chúa đang làm
trong dân Y-sơ-ra-ên và điều mà dân Y-sơ-ra-ên đang làm
khi không có sự hiện diện của Chúa.                        ________________________________________________
  1. Nếu dân Y-sơ-ra-ên cố tìm sự an ninh từ sức mạnh quân đội hoặc những đồng minh quốc tế, thì điều đó có thể lập lại lỗi lầm của Áp-ra-ham và Sa-ra trong việc cố tìm một đứa con trai từ A-ga. Vậy có cách nào tốt hơn không? Theo chương trình của Đức Chúa Trời là Đấng đã chọn dân Y-sơ-ra-ên cho mục đích riêng của Ngài, thì câu trả lời là chắc chắn có.
[1]Nt: Why Israel can’t be ignoredby Mart De Haan (Discovery Series @2010 RBC Ministries)
Hồ Thế Kiệt dịch
Trịnh Phan hiệu đính (HTTLVN.ORG)

CÒN TIẾP …

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!