Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018

TRỰC TIẾP: Chương trình Thánh nhạc Chia Sẻ Niềm Tin - NĂNG QUYỀN CHÚA PHỤC SINH 2018

TIẾP SÓNG TRUYỀN HÌNH TRỰC TUYẾN

Thời gian:
19 giờ 00 thứ bảy ngày 31/03/2018.
Địa điểm:
Nhà thờ Viện Thánh Kinh Thần Học - 371 Tổ 15, Kp. 5 Bình Trưng, P. Bình Trưng Đông, Q. 2, Tp.HCM

Nhấn F5 nếu Quý vị không xem được 


Từ Máng Cỏ đến Mão Triều Thiên

TỪ MÁNG CỎ ĐẾN MÃO TRIỀU THIÊN

Máng cỏ. 

Người ta dùng gỗ tạp để đóng cái máng đựng cỏ, đựng rơm và đặt trong chuồng súc vật. Sự kiện Chúa Giê-xu giáng sinh có liên quan đến máng cỏ. Kinh Thánh chép: "Ma-ry sinh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con và đặt nằm trong máng cỏ."(1) Vật dụng đơn sơ, tầm thường trở thành cái nôi cho em bé mới ra đời. 

Ngôi Lời đã giáng thế làm người(2), Chúa Giê-xu đã giáng sinh với danh hiệu Em-ma-nu-ên, có nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.(3) Để làm gì?

Mão gai. 

Nhiều lần Chúa Giê-xu báo trước về cuộc khổ nạn của Ngài: "Con Người sẽ bị nộp trong tay người đời..."(4) Sứ đồ Giăng, môn đệ của Chúa Giê-xu ghi lại: Bấy giờ, Phi-lát cho đem Đức Chúa Jêsus đi đánh đòn. Bọn lính đan một chiếc mão gai, đội trên đầu Ngài, và mặc cho Ngài một chiếc áo điều. Họ đến gần Ngài và nói: “Lạy vua dân Do Thái!” Rồi họ tát vào mặt Ngài. Phi-lát trở ra một lần nữa và nói với dân chúng: “Đây nầy, ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các ngươi, để các ngươi biết ta không tìm thấy ông ấy có tội gì cả.” Vậy, Đức Chúa Jêsus đi ra, đầu đội mão gai, mình mặc áo điều. Phi-lát nói với họ: “Hãy xem người này.”(5) Mão gai Chúa Giê-xu phải đội đi kèm với những cây đinh đóng vào tay và chân của Ngài trên cây thập tự. 

Chúa Giê-xu giáng sinh để thực hiện chương trình cứu rỗi cho loài người. Sứ đồ Phao-lô viết: "Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự."(6)

Mộ trống. 

Lời của thiên sứ: "Ngài không có ở đây, Ngài đã sống lại rồi, như Ngài đã từng nói. Hãy đến, xem chỗ Ngài đã nằm!" nhắc những người tìm xác Chúa nhớ lại lời Ngài từng báo trước: "Đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại."(8) Đúng như lời Kinh Thánh: Đấng Cứu Thế chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh, Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại theo lời Kinh Thánh. (9) 

Mộ trống, sự phục sinh của Chúa Giê-xu chứng tỏ Ngài là Đấng Sống, cuộc thương khó, chịu chết của Ngài có giá trị cho con người tội lỗi. Chúa Giê-xu đã thay đổi cuộc đời tội lỗi, hư mất đời đời thành cuộc đời được tha tội và có sự sống đời đời. Chúa Giê-xu phán: "Ta là sự sống lại và sự sống. Người nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi."(10)

Mão triều thiên. 

Sau khi phục sinh, Chúa Giê-xu đã nói gì? "Chúa Cứu Thế phải chịu khổ hình, rồi mới đến ngày vinh quang." (11) Mão gai trước rồi mới đến mão triều thiên. Mão triều thiên, vinh quang của Chúa Giê-xu được tóm tắt như sau: Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh. Hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Giê-xu, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quỳ xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Giê-xu Cứu Thế là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.(12)

XuânThu 

______________________________________

(1) Lu-ca 2:7.
(2) Giăng 1:14.
(3) Ma-thi-ơ 1:23.
(4) Lu-ca 9:22, 44; 18:31-33.
(5) Giăng 19:1-5.
(6) Phi-líp 2:8.
(7) Ma-thi-ơ 28:6.
(8) Ma-thi-ơ 20:19; Mác 10:31.
(9) I Cô-rinh-tô 15:3-4.
(10) Giăng 11:25.
(11) Lu-ca 24:26.
(12) Phi-líp 2:9-11.

THƠ: Chúa Sống Trong Ta


Rời Gô-tha còn đầm đìa nước mắt
Mấy ngày qua không ăn ngủ, đứng ngồi
Họ khóc thương Cứu Chúa! Cứu Chúa ơi
Sao Chúa chết trên đồi kìa như thế!

Ngày thứ ba là ngày xức xác
Biết làm sao? Mộ đá ai mở giùm
Lính canh mộ ngày đêm nghiêm nhặt lắm
Sợ môn đồ dời xác Chúa đi đâu?

Đất rung động lính canh như người chết
Chúa Jêsus đã sống lại khải hoàn
Đá chặn cửa bỗng nhiên dời chỗ nó
Khiến nhiều người trong bọn họ hoang mang

Mấy bà đến lúc trời còn chưa sáng
Mấy đem rồi đâu có ngủ nghỉ gì
Trông đến ngày chưa sáng đã ra đi
Xức xác Chúa theo tục xưa truyền lại

Ôi hụt hẫng… Ôi sao mà tệ hại?
Thầy đâu rồi ai mang xác đi đâu?
Mấy bà buồn khóc lóc mãi nhìn nhau
Rồi thẩn thờ bước chân ra khỏi mộ

Đương không biết phải nghĩ làm sao
Xảy hai người nam áo trắng như chớp nháng
Họ úp mặt kinh hoàng nghe thiên sứ phán
Đừng sợ chi! Chúa đã sống lại rồi

Ngài không ở đây đâu hãy xem nơi táng xác
Qua Ga-li-le gặp Chúa gặp anh em
Chúa đã sống như lời Ngài phán trước
Hãy rao truyền tin Chúa sống gần xa

Anh em ơi! Nay Chúa sống trong ta
Hãy rao truyền Đạo Chúa khắp nước nhà
Vì ta sống không phải là sống nữa
Hãy sống cho Ngài… Chúa sống trong ta.



Diệp Phạm (HTTLVN.ORG)

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

THỦ CÔNG: Thập tự giá - đồi Gô-gô-tha (Thiếu nhi Tin Lành)


<< ĐỂ TẢI TOÀN BỘ ẢNH THỦ CÔNG,
VUI LÒNG BẤM VÀO MỤC "TẢI FILE ĐÍNH KÈM" BÊN DƯỚI >>

In hình Chúa Jesus bị đóng đinh, cho các em tô màu

Cắt hình thập tự giá. Trò chuyện với các em về những tội lỗi, điều xấu mà em đã phạm. Cho các em viết các tội đó trên cây thập tự giá bằng bút lông màu. Nhắc cho các em Chúa chết thay và đền tội cho em, cho những điều xấu em đã làm.

Dán hình Chúa Jesus trên thập giá.



Tranh tô màu
Tìm 8 điểm khác biệt giữa 2 bức tranh
Tìm đường dẫn: Theo Chúa Giê-xu đến đồi Gô-gô-tha
Nối số để hoàn tất bức tranh


14 chặng đường của thập tự giá
Ảnh tô màu 14 chặng đường của Thập tự giá (nội dung chi tiết xin xem trong file đính kèm)


Tải file về tại đây:

LHD Quý 2-2018 Ban TTN (Cập nhật ngày 26/4/2018)


          Ban Hướng dẫn Thanh Thiếu Niên HTTL Tân Nghĩa thông báo đến các ban viên nội dung Chương trình sinh hoạt Quý 2 năm 2018 như sau:
Để tải file Word/PDF, vui lòng bấm vào liên kết phía dưới.


Tải file về tại đây:

Bên cạnh tinh thần tham gia và cầu nguyện cho chương trình sinh hoạt Ban Thanh Thiếu niên hàng tuần, xin Quý anh chị em dành vài phút để cầu nguyện cho những vấn đề sau:

A. HỘI THÁNH:

1. Xin Chúa cứu dân tộc Việt Nam nói chung và người dân vùng đất Tân Nghĩa nói riêng được trở về cùng Chúa.
2. Cầu xin Chúa ban phước trên chức vụ của Mục sư Quản nhiệm, Ban Chấp sự - Trị sự để ai nấy đều có sức khỏe, có tinh thần hầu việc Chúa hết lòng, sẵn sàng chu toàn trách nhiệm Chúa giao phó. Có đường hướng lãnh đạo đúng đắn, giúp Hội Thánh Chúa tại Tân Nghĩa phát triển.
3. Cầu nguyện cho vấn đề Truyền giảng mở rộng Hội Thánh trong năm 2018. Xin Chúa cho có nhiều Thân hữu tham dự, nhiều người bằng lòng tiếp nhận Chúa và sinh hoạt với Hội Thánh.
4. Cầu nguyện cho Quý Tín hữu trong Hội Thánh trung tín trong sự nhóm lại, học Kinh Thánh, Dâng hiến và Cầu nguyện. Hội Thánh hiệp một trong niềm tin, giúp đỡ nhau xây dựng Hội Thánh vững mạnh.

B. BAN NGÀNH:

5. Cầu nguyện cho Trưởng ban có một nếp sống tin kính Chúa, làm gương cho Ban Điều hành và các ban viên còn lại, giúp các ban viên có đời sống đức tin mạnh mẽ.
6. Cầu nguyện cho Ban Âm nhạc vì số lượng quá ít mà nhu cầu thì lại quá nhiều. Xin Chúa cho các em trung tín trau dồi kỹ năng, dâng ân tứ để phục vụ Chúa.
7. Cầu nguyện cho những anh em đang thiếu vắng trong Sinh hoạt B.TTN. Trước khó khăn của Hội Thánh, xin Chúa cho các bạn có đức tin vững vàng, cùng khích lệ nhau thêm lòng yêu mến Chúa. Chúa chúng ta là Đấng Quyền năng và Thành tín, Ngài chẳng lìa bỏ Hội Thánh của Ngài.

A-MEN!


Tác giả bài viết: BHD Thanh Thiếu niên 2018

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Cơ Đốc Nhân với Bar: Nên hay không ?

Tác giả: Hải Đăng
Nguồn: HTTLVN.ORG
Dũng và Thành biết nhau rồi trở nên đôi bạn thân từ lớp giáo lý Báp-têm. Dũng tin Chúa một mình, Thành hạnh phúc hơn vì cả nhà đều tin Chúa. Cả hai có cùng điểm chung là tin Chúa khi đã 19 tuổi, nhưng khác nhau ở chỗ Dũng cao 1m6 thích mặc áo sơ-mi quần tây, Thành cao 1m72 vẫn giữ phong cách áo thun quần Jean theo “mô-đen” từ trước khi tin Chúa. Hai bạn gặp nhau vào những buổi tối thứ Tư, thứ Bảy và cả ngày Chúa nhật, qua từng câu Kinh Thánh, từng lời giải thích tường tận, đôi bạn càng yêu Chúa nhiều hơn, hứa với Chúa và hứa với nhau sẽ trung tín theo Chúa đến lúc chết. Sau mỗi buổi học, đôi bạn và thanh niên trong nhà thờ lại có cơ hội sinh hoạt vui vẻ với nhau qua những ly nước mía hai nghìn, những ly cà-phê sáu nghìn vào mỗi sáng. Khi nói về ước mơ của mình, Dũng nói với Thành:
– Tui ước mong được làm việc nhà thờ như ông Mục sư, vì tui thấy chính mình được học nhiều điều từ Kinh Thánh và cách sống qua ông Mục sư. Thành đáp:
– Làm việc nhà thờ thì lấy tiền đâu mà sống, rồi vợ rồi con, ông mơ mộng viễn vông quá, hì…, tui thì thích có một công việc ổn định và làm một Chấp sự trong nhà thờ là được rồi.
Tuy nhiên, đối với đôi bạn, ước mơ vẫn là ước mơ vì cả hai đều mới học giáo lý Báp-têm, Kinh Thánh chưa biết nhiều, kinh nghiệm Chúa vẫn chưa sâu sắc. Vả lại, có tín đồ nói rằng: “Nếu muốn làm Mục sư, Chấp sự thì phải là con của Mục sư, Chấp sự hoặc phải tin Chúa cả nhà”. Những lời này, đối với hai bạn là một sự hụt hẫng vô cùng to lớn. Thời gian như tên bắn, một năm rồi hai năm, Dũng và Thành vì nhu cầu cuộc sống, mỗi người có một công việc riêng, nhưng Dũng vẫn giữ trung tín nhóm họp tại nhà thờ, Thành thì lâu lâu tạt vô vài phút rồi vội vàng đi đâu đó. Dũng rất buồn và muốn có thời gian để nói chuyện với thằng bạn thân duy nhất trong Chúa từ trước đến giờ. Nhưng để nói chuyện với Thành, Dũng phải theo chân Thành đến những nơi mà Dũng cũng không thích gì mấy, đó là quán “Bar” – vũ trường. Dũng như một anh nhà quê lên tỉnh khi đi chung với Thành. Thành thường chê Dũng với những câu: “sao ông giống nhà quê quá”, “ông mặc đồ gì mà già quá”…
Dũng thường nói với Thành:
– “Thôi Thành ơi, đừng đi quán bar nữa, không tốt đâu”,
Thành nói:
– Tui thấy đi bar có gì không tốt đâu, “ông Chấp sự C” cũng uống bia được mà, mình đi bar chỉ uống chút xíu rượu thôi chứ có uống say xỉn đâu mà lo. Mà tui nhớ là Kinh Thánh đâu có cấm uống bia rượu và đi bar đâu.
Bấy giờ, Dũng vẫn chưa có thể dùng Lời Chúa giải thích tường tận cho Thành hiểu. Mỗi lần nói về vấn đề đó, với những lý lẽ đơn giản mà vô cùng thuyết phục nên Dũng chỉ biết lắc đầu: “Thua ông luôn”… Từ đó, đôi bạn trong Chúa “Dũng và Thành” dần dần xa cách rồi biệt vô âm tín lúc nào cũng không hay.
Một buổi chiều thứ Bảy của những ngày cuối năm, gió hắt hiu, Dũng và vợ đang trên đường đi thăm viếng, những câu chuyện và nan đề của tín hữu khiến hai vợ chồng không chú ý đến những gì đang diễn ra trên đường, bất chợt Dũng vô tình đưa mắt đến một góc nhỏ của con phố Tây, một nụ cười, một khuôn mặt rất thân quen khiến Dũng tấp vào lề và thắng lại, vợ Dũng hỏi:
– “Gì vậy anh?” Dũng đáp:
– “Hình như là Thành, thằng bạn thân mà mấy năm nay anh không có tin tức”.
– Dũng gọi to:
 “Thành ơi!“
 Thành thấy Dũng cười tít mắt và chạy ra.
“Ê! Đi đâu đó? Lâu lắm rồi mới gặp lại ông,…” Sau vài câu xã giao Thành tâm sự: “nói thiệt với ông, tui hết muốn lấy vợ rồi, tui cũng không biết tương lai của mình ra sao nữa. Tui đang cặp với “ông J”, lâu nay ổng “bao” tui, nhưng tuần sau ổng về nước rùi, tui đang mồi “thằng H”, nó trẻ hơn “ông J”  và “sộp” hơn”.
Dũng rất buồn, nhưng cũng hỏi:
– “Ông bị từ khi nào vậy? Ông có nghĩ cho bác gái ở nhà và tương lai vợ con của mình không? Ông có biết mình sống như vậy là không đúng với Lời Chúa không?”
Thành đang lên cao trào kể cho bạn nghe, bỗng dưng bị cụt hứng, chùng xuống một cách rõ rệt:
– Tui không nhớ là từ khi nào nữa, chắc là từ khi đi bar, một vài lần thành thói quen. Đi hoài cũng hết tiền, một lần, hai lần có mấy ông nước ngoài tới hỏi chuyện, rủ đi chơi, cho tiền xài, rồi…
Thành nghẹn ngào, sau mỗi lần đi chơi,
 tui vào khách sạn chỗ mấy ông đó đang thuê, tui đã…
– Dũng ngắt lời:
ông nên ăn năn với Chúa, xưng tội với Ngài, chắc chắn Chúa sẽ tha thứ vì Lời Chúa hứa “dầu tội Thành như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên”.
– Thành tiếp lời:
tui nghĩ tội của tui nặng lắm Chúa không tha thứ đâu. Có mấy lần tui đi nhóm, thấy nhiều người nhìn tui với ánh mắt soi mói, nên tui nản, thôi không đi nữa để khỏi làm người khác vấp phạm…
Câu chuyện giữa đôi bạn tạm gác lại vì tiếng ồn và sự tấp nập của khu phố Tây khi lên đèn. Hơn nữa, vợ chồng Dũng phải tranh thủ về chuẩn bị tối đi nhóm. Họ tạm biệt nhau, vợ chồng Dũng đứng nhìn theo Thành chạy vội vàng vào quán bar góc phố cách đó chừng 10m, nhưng sao Dũng thấy quãng đường đó thật xa, xa lắm. Vợ Dũng im lặng suốt buổi nói chuyện giữa Dũng và Thành, trên đường về, cô nói với Dũng:
– Vợ chồng mình cố gắng tranh thủ thời gian đến thăm gia đình anh Thành, em nghĩ có thể anh Thành phải đối diện với những áp lực nào đó mới đưa ảnh vào con đường này.
Cách một tuần sau đó, cũng chiều thứ Bảy mát dịu với những cơn gió hắt hiu, vợ chồng Dũng chạy xe đến một đầu hẻm nhỏ, qua mấy bụi tre rậm rạp, đi một chút lại rẽ trái vào con đường đất lá vàng rơi khắp nơi, dường như đã nhiều ngày không ai quét dọn. Một căn nhà nhỏ hiện ra trước mắt hai vợ chồng, cánh cổng bằng gỗ tạp với màu sơn xanh rêu cũ kỹ và bong tróc theo thời gian đang khép hờ, phải nâng lên mới đẩy ra được, bên trong căn nhà tràn ngập bóng tối, duy nhất một ánh đèn trái ớt màu vàng le lói, đến cửa chính Dũng gọi khẽ:
– Bác gái ơi!
Một giọng phụ nữ chừng 60 tuổi với giọng nói thều thào:
“Ai đó? Tụi nhỏ đi hết rồi.”
Dũng thưa:
“Con, Dũng đây bác!”
Dường như gặp được con trai từ nhiều năm xa cách, giọng bà cụ cố nói thật lớn:
 “Dũng hả con, vô đi, vô đi, lên đây, bác không đi xuống được. “
Vợ chồng Dũng bước nhẹ lên chiếc cầu thang gỗ, tiếng ọp ẹp của chiếc cầu thang hòa với một vài tiếng chó con đầu xóm sủa khiến cho khung cảnh gian phòng càng thêm buồn và lạnh lẽo. Đến bậc thang thứ 19, một cảnh tượng hiện ra trước mắt hai vợ chồng: một bà cụ đôi mắt đã mờ, đôi chân teo và tưởng chừng lỏng lẻo hơn người bình thường, với bộ quần áo đã cũ, đang nằm trên cái ghế bố cũng cũ như tất cả mọi vật trong căn gác. Hai vợ chồng ngồi xuống gần bà cụ, Dũng nắm chặt tay mẹ Thành, bà cụ dường như lấy hết sức mình siết chặt tay Dũng. Mẹ Thành khóc và nói trong nước mắt:
– Dũng ơi! Bác mất thằng Thành rồi, nó không còn là con “trai” bác nữa, nó bỏ Chúa rồi, nếu nó được một phần như con thì tốt biết mấy. Từ ngày nó đi bar nó không còn biết nghe lời bác nữa, bao nhiêu tiền trong nhà nó đều lấy hết, cái ti-vi, tủ lạnh và cả chiếc xe máy mà ba nó để lại cũng theo nó vào quán bar rồi. Nhà có hai anh em, con Luyến thì tần tảo đi phụ bán quán kiếm tiền nuôi bác, nó không dám nhận lời cầu hôn của người yêu vì sợ lấy chồng rồi không ai nuôi bác. Nó cũng đâu còn trẻ trung gì 24-25 tuổi rồi. Vài tháng nữa, hợp đồng thuê căn nhà nầy cũng hết hạn, bác không biết phải đi đâu nữa, cũng không biết tương lai con Luyến sẽ ra sao? Còn thằng Thành thì bác coi như không có đứa con nầy. Ai thấy nó cũng tưởng nó làm vậy để kiếm tiền lo cho gia đình, nuôi bác. Nhưng ai ngờ, khi đã lún sâu vào con đường ăn chơi sa đọa mà khởi đầu từ thói quen đi bar, thì làm sao mà có tiền để tự lo cho nó chứ đừng nói chi là lo cho gia đình.
Hai vợ chồng Dũng chỉ biết ngồi im lặng lắng nghe những nỗi niềm đau đớn xót xa của người mẹ già. Rồi cả ba cùng khóc và cầu nguyện trong nước mắt. Vợ chồng Dũng ra về trong lưu luyến, hứa với mẹ Thành và hứa với Chúa sẽ tiếp tục cầu nguyện để Chúa thay đổi cuộc đời Thành.
Những giọt mưa cuối năm bắt đầu rơi lất phất, vài cơn gió nhẹ thoảng qua, từ tận đáy lòng Dũng cảm nhận một nỗi buồn, một sự mất mác. Một người mẹ có con nhưng cũng như không, một người mất đi người bạn thân, đặc biệt một thanh niên sốt sắng, yêu mến Chúa ngày nào giờ đây đã xa cách Ngài.
Đến đây, chắc hẳn mỗi người đã biết câu trả lời cho câu “Cơ Đốc nhân với bar?”
“Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được” (I Phi-e-rơ 5:8).

Giới Trẻ Cơ Đốc Nên Bình Luận Đúng Cách Trên Mạng Xã Hội

Trong lãnh vực nào cũng vậy, cứ mỗi bước tiến lại tạo ra cho con người thêm nhiều lợi ích, sự thuận tiện, dễ dàng. Truyền thông lại là khía cạnh đi đầu. Ngày nay, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm, nắm bắt được mọi thông tin trên khắp thế giới mà không cần phải đi đâu xa xôi. Hơn thế nữa, bạn còn có thể tương tác trực tiếp với các tin tức, sự kiện chỉ với một nút bấm hoặc một cú chạm tay trên các thiết bị di động.
Báo giấy, trang web điện tử dần trở nên yếu thế vì nó là lượng thông tin một chiều đang được thay thế bằng diễn đàn, trang blog và đỉnh điểm hiện tại là giao thức “mạng xã hội”. Tại đây, mọi người được liên kết với nhau qua tài khoản riêng của mình, ai cũng có thể đưa lên bất kỳ thông tin cá nhân hay cộng đồng mà mình muốn được người khác xem thấy. Điều làm mọi người thích thú ở đây là bất cứ ai tiếp nhận thông tin đó đều có thể bày tỏ cảm xúc, ý kiến, thậm chí là đủ không gian để trình bày quan điểm của mình về thông tin được tiếp nhận. Phần chức năng đầy triển vọng này được gọi là “bình luận” (comment).
Như đã nói ở trên, các loại thông tin một chiều, thụ động làm người đọc thấy nhàm chán, nhưng khi họ được bày tỏ cảm xúc, ý kiến của mình về một bài báo, bài viết, sự kiện, một bức ảnh hay một đoạn clip thì điều đó trở nên rất thú vị. Tuy nhiên, tiện ích này đang bị lạm dụng đến mức đáng báo động và gây ra không ít thiệt hại, phiền toái cho chính người bình luận lẫn mọi người xung quanh. Thay vì những bình luận làm cho sự việc được nhìn một cách đa chiều, rõ ràng hơn thì nó lại làm sự việc móp méo, gây xung đột, tranh cãi.
Trong thế giới hiện nay, cuộc sống trực tuyến đang trở nên một trào lưu hay có thể mạnh hơn đó là một xu thế. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống thực tế, kéo theo một vấn nạn lớn – “sống ảo”. Theo lối thường, con người đánh giá bản thân và việc làm của mình trên sự chấp nhận, ủng hộ của mọi người và điều đó được thể hiện càng cụ thể hơn trong lối sống ảo qua những lượt thích, lượt chia sẻ và các lời bình luận. Do đó, sự chấp nhận, ủng hộ của mọi người nói chung, hay lời bình luận nói riêng có một sức ảnh hưởng rất lớn trong đời sống con người ngày nay, đặc biệt là giới trẻ cơ đốc.
1/Bình luận có thể “gây dựng”.
Bình luận là nơi rất thuận tiện và dễ dàng để gây dựng mọi người xung quanh, đặc biệt là trong vòng tôi con Chúa. Khi một cá nhân đăng tải một thông tin nào đó, thì lượt thích, lượt chia sẻ và đặc biệt là những lời bình luận là điều họ quan tâm hàng đầu. Họ sẽ trở nên thật phấn khởi nếu những lượt thích, lượt chia sẻ cứ càng tăng lên kèm theo những lời bình luận khen ngợi, tán thưởng hay ít nhất là đồng tình. Ngược lại, tâm trạng họ có thể trở nên buồn bực, chán nản khi không ai để ý đến điều mình vừa đăng tải; tệ hơn, có những lời bình luận chống đối, phản bác và chỉ trích…
“Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến” (Êph 4:29)
Trong cộng đồng Cơ Đốc nhân, thường thấy những đăng tải về các công tác thuộc linh: bài học Kinh Thánh, viết luận về các vấn đề “hot” dưới góc nhìn Cơ Đốc, các dự án âm nhạc Cơ Đốc, truyền thông Cơ Đốc,… Đó là những công tác gây dựng niềm tin, kiến thức dành cho cộng đồng tôi con Chúa khắp nơi. Ở đây, không bàn về mục đích những đăng tải đó, nên hay không, hay mức độ bao nhiêu (chúng ta sẽ nói đến trong một lần khác), nhưng hãy đứng trên góc độ người tiếp nhận, một lời bình luận đồng tình quen thuộc như “A-men” cũng là một sự động viên rất lớn cho những người thực hiện công tác đó. Lời bình luận như vậy thật là một “lời lành”,tạo sự gây dựng cho chính bạn, cho những người nhận và cả những đọc giả khác.
Tuy nhiên, cũng thấy những lời bình luận nói về một khía cạnh khác, soi mói, chỉ trích, lôi kéo những việc riêng tư của người đăng tải thông tin, nhằm bêu xấu, bác bỏ giá trị của bài đăng tải. Lời bình luận như vậy khác nào “lời dữ”, không có ích lợi gì cho bản thân và người khác; ngược lại, nó đem đến không ít phiền phức mà người bình luận phải gánh chịu nhiều hơn hết. Thay vì gây dựng, khích lệ cho mọi người, thì nói vui nhưng thật vậy, lời bình luận đang “dựng” lên một việc khác để “gây” sự. Sau lời bình luận đó sẽ kéo theo rất nhiều lời bình luận khác có khi đồng tình, có khi phản bác. Hoa mĩ thì đó như cuộc bút chiến, tranh luận; bình dân thì đó là gây lộn. Thông tin đăng tải chính đã hoàn toàn bị làm lu mờ, mất giá trị; lúc này, mọi người chỉ chú ý đến cái bình luận đang gây tranh cãi. Cảm xúc bực bội muốn phản bác sẽ được tiếp thêm vào những lời bình luận sau mà không còn sự gây dựng nào từ thông tin chính như đáng phải có.
2/Bình luận có thể “khoe mình”
Nhấn thích một cái, chia sẻ một cái thường là bày tỏ sự công nhận một thông tin nào đó hấp dẫn, chính xác. Như đã đói, điều đó đem lại một sự gây dựng nhất định, đặc biệt là trong vòng Cơ Đốc nhân. Nhưng đáng tiếc, điều ngược lại cũng không hiếm khi xảy ra, bởi cái tôi của mỗi người rất lớn – việc tiếp nhận một thông tin, sự việc nào đó thường được đưa vào sự đánh giá, xem xét để tìm ra những cái thiếu sót thay vì tìm kiếm những gì chúng ta có thể học hỏi, nhận được. Và việc chỉ ra những thiếu sót đó thường đem lại cảm giác chúng ta là người giỏi hơn.
Những lời bình luận cũng thường như vậy, chỉ ra những thiếu sót, sai trật và đưa ra những giải pháp dường như khả thi. Đa số là để khoe mình, khoe về sự hiểu biết, khoe về sự giỏi giang của mình, và cũng ngầm tỏ ra rằng dù người đăng tải thông tin làm cũng tốt đấy, nhưng tôi có thể làm tốt hơn. Nếu thật sự muốn nói những điều đó với ý gây dựng thì có cách, có chỗ tốt hơn để bày tỏ.
“Khi nín lặng, dầu người ngu dại, cũng được cầm bằng khôn ngoan; còn kẻ nào ngậm môi miệng mình lại được kể là thông sáng” (Châm 17:28)
Đánh giá thông thường, cho rằng những người nói ra nhiều, bày tỏ nhiều thì có sự hiểu biết sâu rộng, bởi họ có nên họ mới nói ra. Nhưng Sa-lô-môn, vị vua được Đức Chúa Trời ban cho sự khôn ngoan bậc nhất thiên hạ đúc kết rằng khi nín lặng bày tỏ được sự khôn ngoan. Chắc chắn ở đây không cho rằng cứ hễ ai ít nói là khôn ngoan, nhưng người khôn ngoan là người biết cầm giữ lời nói, môi miệng mình, biết khi nào cần nói, khi nào cần yên lặng.
“Nhưng ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa”(II Côr 10:17)
Phao-lô khẳng định rằng trong mọi việc ông đã làm cho Chúa, cho Đạo của Ngài, ông không tự hào, hãnh diện rằng chính mình đã làm được, nhưng là Chúa đã giao phó cho ông trách nhiệm đó và Ngài ban sức cho ông làm thành (IICôr 10:17; Phi 4:13). Ông nói rằng nếu ông muốn khoe mình về địa vị, về cơ hội, về tài năng thì ông chắc mình sẽ trổi hơn nhiều người nhưng ông đã giữ để không làm người khác vì cớ ông mà vấp phạm, ông chỉ khoe về sự yếu đuối của mình thôi vì trong đó người khác sẽ thấy được Chúa – “Dầu tôi muốn khoe mình, thì cũng không phải là một người dại dột, vì tôi sẽ nói thật; nhưng tôi giữ, không nói, hầu cho chẳng ai nghĩ tôi vượt quá sự họ thấy ở nơi tôi và nghe tôi nói.” (IICôr 12:6,20)
3/Bình luận có thể “tự do”
Có người nói “bình luận là miễn phí mà” nên cứ muốn nói gì thì nói, muốn viết gì thì viết. Lại họ còn kéo theo cái luật “tự do ngôn luận” để làm cơ sở cho mình tự do “ném đá” – buông những “lời dữ” không ý nghĩa, không ích lợi nhằm cho mọi người thấy tôi cũng thích thời, theo kịp những trào lưu, xu thế của xã hội.
“Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích,… nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt,…nhưng chẳng để sự gì bắt phục được tôi.” (I Côr 6:12; 10:23)
Vâng, không ai thu phí khi chúng ta viết một lời bình luận, không ai có thể kiện cáo chúng ta về vài lời nói trên một mạng xã hội ảo mà chúng ta có thể gỡ bỏ hay đăng tải lên bất cứ lúc nào. Nhưng hãy xem xét kĩ lưỡng trước khi đặt tay viết vài dòng bình luận: lời bình luận định viết ra có ích lợi không, khích lệ, gây dựng được ai không? Vài dòng bình luận của mình sẽ làm gương tốt cho người khác khi đọc đến không? Tôi đang rất muốn nói về vấn đề này, vì nó là chuyên môn của tôi, người đăng tải này không biết gì hết, để tôi nói cho nghe – tôi viết vì cái tôi muốn thể hiện, muốn khoe mình hay muốn xây dựng, khích lệ, khuyên bảo?
Bình luận là một nơi quá tốt để có thể cẩn trọng, trau chuốc trong từng lời lẽ của mình. Suy nghĩ, tìm hiểu, chọn lọc từ ngữ, viết ra và cuối cùng là “enter” (gửi/post). Trước khi một bình luận được đăng tải, có đủ thời gian để xét xem có nên nói không và nên nói điều gì. Mọi người có thể đánh giá ít nhiều về con người, về kiến thức, về đạo đức,… thậm chí là về thuộc linh của một người qua lời họ bình luận, nhận định vấn đề.
Cách đây không lâu, một bài viết trên tờ tin tức trực tuyến của Mỹ cho rằng phần bình luận là một “chất độc” và họ đặt vấn đề nên loại bỏ chức năng này hay phải kiểm soát thế nào. Đó có lẽ không phải là vấn đề mấu chốt cần giải quyết, ở trên có nêu bình luận là một chức năng đầy triển vọng trong giao tiếp trực tuyến hiện nay. Vấn đề là, nó phải được sử dụng như thế nào – điều này quy trách nhiệm về người sử dụng, thay vì phải loại bỏ chức năng tiện lợi này.
Là một Cơ Đốc nhân, tại sao bạn không chọn để trở thành một người gây dựng, khích lệ người khác ở mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi bạn chỉ cần gõ vài dòng chữ; cho họ thấy được chính tình yêu thương của Đấng Christ đang đầy tràn trong bạn và sự tự do bạn có trong Chúa là không bị ràng buộc bởi những xu thế, phong trào của thế gian.
“Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (I Côr 10:31).
Trường Thanh

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

11 Cách Cụ Thể Để Cầu Nguyện Cho Mục Sư Của Bạn

Chúng ta thảy đều cần lời cầu nguyện
Chúng ta thảy cần cầu nguyện

Những vị mục sư thực sự cần lời cầu nguyện. Ma quỷ sẽ làm bất kể thứ gì nó muốn để tiêu diệt mục vụ và những vị mục sư. Liệu bạn có cân nhắc sẽ cầu nguyện cho mục sư của bạn trong những lãnh vực cụ thể này?

1. Cầu nguyện cho mục sư của bạn có sự khôn ngoan.

Những người lãnh đạo thường phải đối mặt với những tình huống khó xử và những quyết định vô cùng khó khăn. Họ cần sự khôn ngoan của Chúa để tiếp tục lãnh đạo hội thánh của Ngài theo cách mà Chúa muốn họ làm.

2. Cầu nguyện để Chúa luôn bảo vệ mục sư của bạn.

Mục sư sẽ bị tấn công theo rất nhiều cách khác nhau. Họ sẽ bị cám dỗ hết lần này đến lần khác. Ma quỷ sẽ tìm cách để phá hủy. Ma quỷ muốn chức vụ của mục sư bị hủy diệt.

3. Cầu nguyện cho gia đình của mục sư.

Họ cũng sẽ bị tấn công, chỉ trích và đôi lúc cũng bị ức hiếp. Họ thường xuyên cảm thấy bị cô lập và cô đơn. Họ cần những lời khích lệ và lời cầu nguyện.

4. Cầu nguyện cho mục sư của bạn luôn đứng vững trước những chỉ trích và ức hiếp.

Một vài lời chỉ trích và ức hiếp thường công khai và hung hăng. Đôi khi thì gián tiếp nhưng tất cả đều gây tổn thương. Và mọi mục sư đều phải nhận những lời này.

5. Cầu nguyện chống lại sự nản lòng khi bị so sánh.

Trước khi tuần này kết thúc, một thành viên trong hội thánh sẽ nói mục sư của bạn nên nghe bài giảng của một muc sư khác “để học cách rao giảng thực sự” (một mục sư đã bị nói vậy chính xác như vậy). Các mục sư khác sẽ nghe vô số lời nhận xét về các nhà thờ lớn khác trong cộng đồng. Thông điệp này là thật và đau đớn: Mục sư không giỏi bằng họ.

6. Cầu nguyện chống lại sự nản lòng khi tín hữu rời khỏi hội thánh.

Thật là khó khăn cho mục sư của bạn khi phải tự chịu trách nhiệm. Nó thực sự khó khăn khi thành viên rời đi nói mục sư của bạn phải tự chịu trách nhiệm.

7. Cầu nguyện chống lại sự nản lòng khi bị từ chối.

Hai trong số ba hội chúng từ chối. Đó là một thực tế đau đớn và gây nản lòng cho mục sư của bạn.

8. Cầu nguyện chống lại sự nản lòng vì sự chia rẽ.

“Tôi ước gì mình không phải dành thời gian để giải quyết các vấn đề bất hòa của các thành viên trong hội thánh.” Đây là những lời thực sự của một trong những mục sư tại hội thánh mà tôi phục vụ. Ma quỷ yêu thích khi các thành viên trong nhà thờ chống lại nhau.

9. Cầu nguyện cho sự nhận thức đúng đắn giữa “có” và “không”.

Mục sư bị lôi kéo đi nhiều hướng. Họ bị mong đợi phải có mặt trong nhiều cuộc họp, rất nhiều sự kiện xã hội, và rất nhiều tình huống cần mục sư. Họ thực sự bị mong đợi ở khắp mọi nơi. Cầu nguyện để họ có thể nói “không” thường xuyên hơn. Xin cầu nguyện cho gia đình của họ, những người thường xuyên chỉ nhận được những phần còn lại không đáng kể trong quỹ thời gian của mục sư.

10. Cầu nguyện cho áp lực tài chính.

Nhiều mục sư thu nhập khá thấp. Họ đấu tranh hàng ngày với những thách thức về tài chính. Trích dẫn thực tế từ một người giám mục “Tôi thích cho mục sư của chúng tôi được trả lương thấp. Nó làm cho anh ta khiêm tốn và phụ thuộc vào Chúa.” Bản thân người giám mục đó đang tận hưởng một cuộc sống dự dật từ khoản thừa kế giàu có.

11. Cầu nguyện cho những cơ hội cho Phúc Âm

Mục sư thường tràn đầy năng lượng khi họ có cơ hội chia sẻ Phúc Âm. Thật không may, nhiều người trong số họ quá bận rộn để có thời gian làm việc này. Nhu cầu của nhà thờ lại quá lớn. Các mục sư này phải sống cuộc sống đầy những ưu tiên bị đảo ngược và những ngày đầy chán nản.

Liệu chúng ta có thực sự muốn những hội thánh lành mạnh không? Chúng ta có muốn đánh bại Kẻ thù trong những trận chiến này không?

Hãy cầu nguyện cho mục sư của bạn.

Hãy bắt đầu ngay hôm nay. Chỉ cần 5 phút mỗi ngày cầu nguyện cho mục sư của bạn.

Đó có thể là sự đóng góp lớn nhất của bạn cho hội thánh.

Trường Vinh dịch
Nguồn: thomrainer.com

Thông Báo & Thư Mời Dự Lễ Kỷ Niệm 45 Năm Thành Lập HT Phúc Âm 2


Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2018

Phát Huy Những Phẩm Chất Tin Kính Trong Con Em Chúng Ta

Những phẩm chất tin kính nào mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta phát huy cho con cái? Không cần phải suy đoán, chính Kinh Thánh đã nói một cách cụ thể: “Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công  bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?”(Mi-chê 6:8). Đây là ba nguyên tắc để đánh giá đức tính của con em chúng ta.
1. Con cái chúng ta có tập tành làm điều công chính không?
Đó là tinh thần chân thật, công bằng với người khác, kính trọng, quan tâm người khác và can thiệp để bênh vực kẻ yếu thế, bị tổn thương và áp bức? (hay chúng thỏa hiệp trong những hành vi vô đạo đức,vô liêm chính và thụ động chấp nhận những sự ngược đãi trong xã hội đối với những người mà Đức Chúa Trời bảo chúng ta phải lên tiếng bảo vệ.)
2. Con cái chúng ta có tập tành lòng nhân từ đối với người khác không?
Đó là bén nhạy với nhu cầu tâm linh lẫn vật chất với người khác trong gia đình, trường học, công đồng, xã hội và thế giới và đáp ứng nhu cầu ấy bằng tình yêu và lòng thương xót không. (Hay chúng cũng là đồng bọn với những kẻ hất hủi kẻ cô thế hoặc quá mải mê trong những sinh hoạt cá nhân, những sở thích và tài sản của mình mà chúng không thấy hoặc không quan tâm đến những người bị tổn thương chung quanh mình.)
3. Con chúng ta có bước đi một cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời không?
Đó là nhận biết rõ Đức Chúa Trời và có mối tương giao mật thiết với Ngài mỗi ngày, và luôn tập tành lòng khiêm nhường để Chúa làm chủ và sống trong tinh thần phục vụ như Chúa đối với người khác. (Hay chúng cũng dành nhiều thì giờ với Chúa nhưng rồi lại quá tự hào và tự mãn mà không nhận ra rằng chúng rất cần sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời để làm tất cả những gì đáng phải làm.)
Dạy dỗ con cái Lời Đức Chúa Trời là cần thiết tuyệt đối nhưng vẫn chưa đủ. Nền tảng vững chắc cho một cuộc đời không phải chỉ là nghe Lời Chúa mà còn phải làm theo nữa (Ma-thi-ơ 7:24-27). Là cha mẹ, chúng ta cần phải dạy con cái chân lý, lẽ thật nầy phải được bày tỏ qua chính đời sống riêng của mình, dạy con qua cách chúng ta áp dụng và vâng lời Đức Chúa Trời. Lẽ thật được bày tỏ qua lúc chúng ta ở riêng với Chúa, lẽ thật được bày tỏ qua sự tha thứ của Chúa được áp dụng ngay trong gia đình. Lẽ thật về rao truyền Phúc Âm được bày tỏ qua cách chúng ta chịu khó làm chứng cho người xung quanh… Là bậc phụ huynh, chúng ta làm sao để các con chúng ta nhìn thấy được lẽ thật được phô bày thực tế, đừng để chúng chỉ nghe chúng ta nói huênh hoang nhưng không thấy chúng ta thực hành những chân lý ấy. Nhiều khi chúng sẽ thất vọng về những gì chúng ta dạy dỗ chúng mà chúng ta không thể làm theo những gì chúng ta dạy chúng.
Nếu cha mẹ chỉ dạy con bằng lời nói mà không làm gương cho con trong tinh thần tận tâm, sống công bình, khôn ngoan, can đảm theo Lời Chúa, thì các con sẽ rơi trong tinh thần coi thường chúng ta, không quan tâm thậm chí còn coi thường Lời Chúa nữa. Chúng sẽ trở nên những Cơ Đốc nhân hữu danh vô thực, hay vô tín (chối bỏ lẽ thật).
Sự khôn ngoan là biết cách áp dụng chân lý Chúa vào nếp sống hàng ngày. Trong Kinh Thánh, có một sách như là cha mẹ viết cho con cái, giúp cho con cái có lòng khôn ngoan, đó là sách Châm Ngôn. Học hỏi, nghiên cứu, áp dụng phải là việc chính yếu cho vấn đề dạy con. Sách chứa đựng hàng trăm lời hướng dẫn cho nếp sống hàng ngày. Sách ấy không những dạy điều đúng, điều sai mà còn dạy điều đúng là khôn ngoan và điều sai là ngu dại nữa. Sách đã cung cấp cho con cái lẫn cha mẹ gấp đôi những động cơ khiến chúng ta biết cách sống công chính.
Trong bữa ăn tối gia đình, hãy đọc một câu hay một phân đoạn trong Châm Ngôn, chú ý điểm trọng tâm và bảo các con hãy nói lại ý đó bằng ngôn ngữ của chúng, tìm những thí dụ cụ thể, thực tế để thực hành và bảo các con hãy suy nghĩ và tìm ra điều gì đó để minh họa chân lý nầy trong vòng 24g, sau đó sẽ tường thuật lại cho cả nhà nghe. Việc làm nầy rất ích lợi cho các con có thể áp dụng chân lý Chúa một cách thực tế, và chứng minh rằng chúng yêu lời Chúa và yêu Chúa là Đấng mà chúng đang phục vụ.
Hãy chạy cho xong cuộc đua, đừng dừng lại và hãy chuyển cho con cháu chúng ta những điều nầy với tấm lòng quan tâm và tích cực. Chắc chắn ở cuối quãng đường sẽ xuất hiện những cuộc đời mới trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, và chúng ta sẽ được Ngài khen thưởng: “Hỡi đầy tớ ngay lành, trung tín, hãy đến nhận phần thưởng ngươi.”
Phục Truyền 6:5-7 dạy: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi. Các lời mà Ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi. Khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và ngươi phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy.”
Thanh Khiết dịchNguồn: https://www.epm.org/blog/2015/Jan/19/godly-qualities-children

THÔNG BÁO: V/v Truyền thông Chương trình Lễ KN Chúa Jêsus Chịu Thương Khó và Phục Sinh năm 2018 tại HTTL Tân Nghĩa - tỉnh Bình Thuận


Số: 12/2018/BTT-TB

Theo thông báo của Ban Trị sự Hội Thánh, chương trình Lễ Kỷ niệm Chúa Giê-xu Chịu Thương khó và Phục Sinh năm 2018 sẽ được tổ chức như sau:


* Địa điểm: Nhà thờ Tin Lành - Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Tân Nghĩa
(số 228 đường Cách mạng tháng 8, KP.03, TT. Tân Nghĩa, Hàm Tân)

I. Chương trình KN Chúa Jêsus Chịu Thương Khó:
- Thời gian: 19h30, thứ 6, ngày 30/03/2018.
- Chủ lễ: Mục sư Lê Văn Tiến - Quản nhiệm HT.

II. Chương trình KN Jêsus Phục Sinh:
- Thời gian: 7h30, Chúa nhật, ngày 01/04/2018.
- Chủ lễ: Mục sư Lê Văn Tiến - Quản nhiệm HT.


III. V/v Đưa tin trực tuyến:


- Ban Truyền thông của HT Tân Nghĩa xin thông báo cho Quý độc giả được biết: Nhằm chuyển tải mọi tin tức tốt lành từ chương trình đến Quý tôi con Chúa khắp nơi, chúng tôi sẽ đưa tin nội dung các chương trình trên website Hội Thánh.

Kính mời quý tôi con Chúa truy cập, theo dõi và cùng hiệp lòng cầu nguyện để các chương trình diễn ra cách tốt đẹp, nhiều Thân hữu bằng lòng ăn năn, tin nhận Chúa, và dâng mọi vinh hiển cho Ba ngôi Đức Chúa Trời.

Nay thông báo!


BAN TRUYỀN THÔNG HTTL TÂN NGHĨA
Mục vụ Truyền thông Đa phương tiện

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2018

Thông Báo V/v: Tường thuật Trực tuyến Chương trình Truyền giảng Thương khó - Phục sinh Khu vực Tp. HCM 2018 tại Nhà thờ Viện TKTH

THÔNG BÁO
Số: 11/2018/BTT-TB
V/v: Tường thuật Trực Tuyến Chương Trình Truyền Giảng Thương Khó – Phục Sinh Khu Vực Tp. HCM – Năm 2018
      Theo thông báo của Ban Tổ chức chương trình truyền giảng Thương khó – Phục sinh Khu Vực Tp. HCM năm 2018, chương trình truyền giảng sẽ diễn ra tại Nhà thờ Viện Thánh Kinh Thần Học.
       Nay Ban Truyền thông HT Tân Nghĩa xin thông báo để Quý độc giả được biết: Nhằm truyền tải mọi tin tức từ các chương trình truyền giảng thuộc khu vực Tp. HCM đến với quý tôi con Chúa khắp nơi, chúng tôi sẽ truyền hình Chương trình truyền giảng đã nêu trên mạng lưới  https://httltannghia.blogspot.com/p/live.html
Chi tiết Chương trình được Truyền hình Trực tuyến:
Thời gian: 19 giờ 00 thứ bảy ngày 31/03/2018
Địa điểm: Nhà thờ Viện Thánh Kinh Thần Học
                371 Tổ 15, Kp. 5 Bình Trưng, P. Bình Trưng Đông, Q. 2, Tp.HCM
Chủ đề: Năng Quyền Chúa Phục Sinh
Kính mong Quý độc giả quan tâm theo dõi và cầu nguyện cho chương trình được kết quả và vinh hiển danh Chúa.
BAN TRUYỀN THÔNG (Mục vụ Truyền thông Đa phương tiện) 

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

THÔNG BÁO: V/v Lịch HD Thanh Thiếu niên Quý 2-2018

Số: 08/2018/BTTN-TB

Chủ đề xuyên suốt trong năm 2018 được Ban Điều hành Thanh Thiếu niên lựa chọn là HIỆP MỘT. Với chủ đề này, Ban TTN đã, đang và sẽ được tiếp tục học nhiều bài học về mối thông công, sự yêu thương, khiêm nhường, phục vụ,... điều đó thể hiện rõ trong logo Ban TTN 2018. Tất cả nhằm mục đích TÔN VINH ĐỨC CHÚA TRỜI - một dòng chữ quen thuộc trong các Nhà thờ/Điểm nhóm Tin Lành.

Quý 2 năm nay, Ban TTN tiếp tục chủ đề hiệp một trong sự PHỤC VỤ CHÚA. Câu gốc: 1 Cô-rinh-tô 15:58. Kèm theo đó là nhiều phần KT khác được học trong suốt 3 tháng 4-5-6 sẽ cung cấp cho các ban viên Lời ĐCT đã dạy cho con cái Ngài về tinh thần phục vụ Chúa cách khiêm nhường và hạ mình. Không vì lợi ích cá nhân, không tranh đua, ghen ghét để rồi gây tiếng xấu, ảnh hưởng đến công việc Chúa. Và, trên hết, sự phục vụ Chúa "chẳng phải là vô ích đâu".

Lịch HD sẽ được Trưởng ban thông báo, phát cho từng người và đăng trên website HT trước Lễ Thương khó để các ban viên tiện theo dõi.



Tác giả bài viết : BHD Thanh Thiếu niên 2018

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2018

Hồi ký: GHẾT-SÊ-MA-NÊ – GÔ-GÔ-THA VÀ NGÔI MỘ TRỐNG

GHẾT-SÊ-MA-NÊ – GÔ-GÔ-THA VÀ NGÔI MỘ TRỐNG.


     Ngày thứ năm 11/10/2012 sau buổi ăn sáng thịnh soạn và giờ cầu nguyện tại khách sạn, đoàn hành hương được xe buýt (buýt) đến đón đi tham quan. Vì không biết trước lịch trình trong ngày nên địa điểm đầu tiên mang đến người viết bài này ngạc nhiên lẫn xúc động. Ghết-sê-ma-nê, tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là ép dầu, là một khu vườn nằm một bên sườn thấp của núi Ô-li-ve, nơi Chúa ưa thích, thường đến để cầu nguyện. Không biết ngày xưa Ghết-sê-ma-nê lớn đến mực nào, nhưng Ghết-sê-ma-nê mà người viết bài này thấy được chỉ là một vườn nhỏ, có lẽ vì địa điểm quá lừng danh, các giáo phái khác nhau cất rất nhiều nhà thờ chung quanh ngôi vườn này. Nếu đứng tại một góc vườn, ta có thể nhìn thấy cả khu vườn. Với bàn tay chăm sóc của các nhà thờ chung quanh, Ghết-sê-ma-nê tuy nhỏ bé nhưng rất sạch sẽ, êm đềm, đúng với tinh thần của địa điểm Chúa thường đến cầu nguyện.

Vườn Ghết-sê-ma-nê

     Điểm nổi bật của Ghết-sê-ma-nê là những cây Ô-li-ve trong vườn. Ta có thể nói Ghết-sê-ma-nê là vườn Ô-li-ve. Tour guide hướng dẫn chúng tôi đến cây Ô-li-ve già nhất trong vườn, được 3000 năm, và những cây 2000 năm, cùng thời với Chúa, và cây 1000 năm. Những cây Ô-li-ve cao và lớn này nhìn cũng biết là rất già, vì khô và bộng, nhưng vẫn sống. Trong những cây Ô-li-ve già tại vườn, không biết Chúa đã quỳ gần cây nào trong giờ tương giao thống thiết với Đức Chúa Cha. Người Do Thái tin rằng cây Ô-li-ve bất tử. Hướng dẫn viên nhắc chúng tôi câu chuyện nước lụt thời Nô-ê, sau khi nước bắt đầu rút, chim bồ câu được thả đi và đã bay trở về tàu Nô-ê với một nhánh Ô-li-ve nơi miệng. Trong cơn lụt, mọi sinh vật và cây cối khác đều chết nhưng cây Ô-li-ve vẫn sống.

     Ngày nay, các du khách không cầu nguyện tại vườn Ghết-sê-ma-nê nhưng thường bước vào một trong những nhà thờ chung quanh để cầu nguyện. Thì giờ dành để tham quan Ghết-sê-ma-nê rất ngắn ngủi nên người viết bài này đã không cầu nguyện nơi đây được. Nhưng Ghết-sê-ma-nê nhỏ bé, êm đềm bắt đầu sống trong tâm trí, mỗi năm khi mùa thương khó lại về, người viết bài này có thể nhìn thấy được hình ảnh Chúa quỳ trong vườn, chiến đấu trong sự cầu nguyện cô đơn. Trong những năm thi hành chức vụ, Chúa vẫn cầu nguyện hàng ngày, thường trong lúc sáng sớm, tại nơi vắng vẽ. Chỉ lần cầu nguyện tại Ghết-sê-ma-nê là lần duy nhất mồ hôi Ngài đổ ra như những giọt máu lớn, vì đó là giờ Ngài phải đi đến một quyết định tối hậu, quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến số phận Ngài và số phận của chúng ta. Chúa có quyền tự do để theo ý Đức Chúa Cha nhưng cũng có trọn quyền tự do để từ chối ý muốn của Đức Chúa Cha trên cuộc đời của Ngài. Bài hát “Gethsemane” (I only want to say) trong vở nhạc kịch “Jesus Christ Super Star” diễn tả nỗi lòng của Chúa trong đêm cầu nguyện đặc biệt, đối với người viết bài này, là bài hát Anh ngữ hay nhất không nằm trong Thánh ca. Kể từ ngày được vinh dự nhìn thấy Ghết-sê-ma-nê, địa điểm này giúp đỡ người viết bài trong những sự lựa chọn giữa ý mình và ý Chúa. Ghết-sê-ma-nê được thăm viếng và nhắc nhở thật nhiều không phải vì địa điểm nhưng vì ĐẤNG ĐÃ QUỲ TRONG VƯỜN CẦU NGUYỆN THỐNG THIẾT ĐỂ THEO Ý ĐỨC CHÚA CHA VÀ SỰ VÂNG PHỤC CỦA NGÀI ĐÃ THAY ĐỔI SỐ PHẬN CỦA CHÚNG TA.

     Đến ngày hôm sau, thứ sáu 12/10, đoàn tham quan mới được đưa đến chỗ gọi là Cái Sọ, tiếng Do Thái thời Chúa (Aramaic) gọi là Gô-gô-tha, tiếng La-tin gọi là Calvary. Địa điểm này ở bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem, vì Ngài đã bị đóng đinh bên ngoài thành. Từ nơi xử án của Tổng Trấn Phi-lát đến nơi đây khoảng vài cây số, vài sử gia ước định khoảng 3 cây số.

Đồi Gô-gô-tha

     Hướng dẫn viên của ngày hôm nay là một người Do Thái đã tin nhận Chúa, một thanh niên trắng hơn nhưng thấp người hơn Hướng dẫn viên các hôm trước. Anh đã trình bày rõ ràng về địa điểm Gô-gô-tha. Từ sau cái chết của Chúa đến nay, xứ thánh ngập tràn chiến tranh, cảnh máu đổ thịt rơi không dứt và thành Giê-ru-sa-lem đã bao lần bị san thành bình địa. Nên muốn tìm lại những di tích xưa cách chính xác không phải dễ. Tuy nhiên, đây cũng là vùng đất nhiều nhà khảo cổ học đã đào xới để tìm lại những chứng tích của Kinh Thánh. Năm 1842 một nhà thần học người Đức đã tìm ra được nơi xử tội và một ngôi mộ. Đến năm 1883, nơi này đã được một vị tướng Anh quốc, Gordon, cùng nghiên cứu với các nhà thần học, xác nhận địa điểm này là Gô-gô-tha, nơi Chúa bị đóng đinh, dựa vào những lý do sau đây:

     1. Tên của địa điểm trong Kinh Thánh, cả 04 sách Tin Lành đều ghi là Chỗ Cái Sọ. Hình của khu đất này mang đúng hình của một cái sọ người, vầng trán phía bên trên, hai lỗ mắt sâu hoáy, chiếc mũi đã gãy và bên dưới mũi mang hình của một cái miệng. Cả xứ thánh không có vùng đất nào mang hình như vậy. Đúng là Chỗ Cái Sọ, đúng như tên người xưa đã đặt. Phái đoàn tham quan chúng tôi đã nhìn rất rõ vùng đất này, nhìn gần cũng như nhìn xa, đúng là hình một cái sọ.

     2. Địa điểm này gần thành Giê-ru-sa-lem cũ, Giăng đoạn 19 đã ghi rằng Ngài chết bên ngoài thành. Địa điểm này nằm bên ngoài thành. Theo những lời diễn tả của 04 sách Tin Lành, địa điểm này đúng như sự diễn tả.

     3. Dựa theo truyền thống của người dân sống ở vùng đất này, người dân ở đây tin rằng đây là nơi xử tử phạm nhân ngày xưa. Địa điểm này thỏa đáng được một số đòi hỏi của người La Mã: bên ngoài thành, ngay bên xa lộ nơi có nhiều người qua lại để chứng kiến.

     Mỗi người tham quan Gô-gô-tha đều mang những xúc cảm khác nhau, mỗi người tìm đến Gô-gô-tha đều có những lý do khác nhau, nhưng Gô-gô-tha thu hút con dân Chúa vì điều đã xảy ra và lời kết luận của hướng dẫn viên bao gồm trọn vẹn ý nghĩa của Gô-gô-tha: NGÀI ĐÃ CHẾT NƠI ĐÂY VÌ TỘI LỖI CỦA CHÚNG TA.

Ngôi mộ trống

     Rồi chúng tôi được đưa sang thăm ngôi mộ trống bằng xe buýt. Dù tất cả những nơi chúng tôi tham quan đều đầy xe buýt với khách tham quan nhưng chưa nơi nào tôi thấy nhiều xe buýt và người bằng nơi đây. Ngôi mộ trống của Chúa vẫn là biến cố hàng đầu của lịch sử nhân loại.

     Những điều Giăng 19:41 đã diễn tả đang hiện ra trước mắt chúng tôi: nơi Chúa bị đóng đinh có một cái vườn, và trong vườn này có một ngôi mộ mới. Ngôi vườn trước mắt tôi thật đẹp và khang trang vì có bàn tay chăm sóc. Ngôi vườn này lớn hơn vườn Ghết-sê-ma-nê, có lẽ vì có người can thiệp nên các giáo phái không xây nhà thờ đầy chung quanh được. Trong khi Ghết-sê-ma-nê mang vẻ hiu quạnh, êm đềm, vắng vẻ, gợi cho người những xúc cảm trầm lặng, lâng lâng, ngôi vườn tại đây mang nét nhẹ nhàng, tươi sáng, như hoa đang bừng nở, như chim đang hót trong lòng. Tôi thấy dấu vết của một sân ép nho hoặc ép Ô-li-ve ngày xưa, những cây trồng theo thứ tự trang nhã, những hàng ghế gỗ sắp theo cách nhóm thờ phượng của nhà thờ ngay trong vườn. Và đang khi ngồi trên những chiếc ghế gỗ này, chúng tôi được nghe hướng dẫn viên trình bày lịch sử cuộc tìm kiếm ngôi mộ trống.

     Xứ Do Thái đã được khảo cổ học dầy công tìm hiểu. Năm 1867 một người Hy Lạp mua khu đất này và ông bắt đầu đào xới để tìm nước. Tình cờ, ông đã tìm được một ngôi mộ. Liên lạc và cộng tác với một thần đạo gia người Đức, họ bắt đầu đào xới thêm nữa và đã tìm ra một ngôi nhà thờ đã có từ thế kỷ thứ 5. Tại sao có người xây nhà thờ nơi đây? Tại sao có sự thờ phượng nơi đây? Dù không có sử sách nào ghi lại tại sao nơi đây có nhà thờ, nhưng chứng cớ rất rõ ràng là đã có sự thờ phượng nơi đây. Người đầu tiên xác nhận nơi đây là ngôi vườn của mộ Chúa là Tướng Gordon vào năm 1883, một vị Tướng người Anh quốc và cũng là một sinh viên thần học. Năm 1893 Garden Tomb Association (Hội Vườn Mộ) ra đời và một năm sau đó Hội đã mua lại vùng đất này từ nơi người Hy Lạp. Từ đó đến nay, Hội gìn giữ, chăm sóc ngôi vườn này để dành cho sự cầu nguyện và thờ phượng.

     Câu hỏi được đặt ra là tại sao nơi đây được xem là ngôi mộ của Chúa vì chung quanh thành Giê-ru-sa-lem chắc chắn có rất nhiều ngôi mộ và một số các ngôi mộ ấy thuộc gia đình giàu? Để thỏa đáng cho câu hỏi trên, hướng dẫn viên đã trình bày những điểm như sau:

     1. Dựa theo Tin Lành Giăng 19:41 ngôi mộ Chúa phải là ngôi mộ mới, chưa chôn ai. Đây là một ngôi mộ được đục bên trong một tảng đá rất lớn với một tảng đá khác nằm bên ngoài để được xử dụng như cửa. Ngôi mộ mới và lớn, nằm trong một khu vườn lớn chắc chắn là ngôi mộ của một gia đình giàu. Giô-sép người Arimathea đã xin phép Phi-lát được chôn Chúa, là một người giàu.

     2. Ngài bị đóng đinh bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem. Ngôi mộ nằm trong khu vườn này ở bên ngoài thành, về hướng bắc. Từ nơi khu vườn của ngôi mộ, ta có thể nhìn thấy được thành Giê-ru-sa-lem cũ.

     3. Ba địa điểm – nơi đóng đinh, khu vườn, ngôi mộ phải gần nhau. Và địa điểm nơi đây hoàn toàn thỏa đáng được điều Giăng 19:41 diễn tả. Đây là một khu vườn dành cho việc trồng trọt, cũng như Ghết-sê-ma-nê là vườn Ô-li-ve thì đây là vườn trồng nho. Người ta tìm được một ao nước rất sâu và rất lớn bên dưới khu vườn, chứa được một triệu lít nước. Điểm này rất quan trọng trong việc chứng minh sự chính xác của địa điểm, nhưng không phải là điểm then chốt.

     Rồi chúng tôi được sắp hàng để vào thăm mộ. Trong buổi sáng trời nắng đẹp ngày hôm ấy, chúng tôi được đứng trước cửa mộ của Chúa. Bên ngoài cửa mộ, người ta đã khắc trên đá hàng chữ bằng Anh ngữ: Ngài không ở đây đâu – Ngài đã sống lại (HE IS NOT HERE – FOR HE IS RISEN). Du khách tham quan rất đông, phải theo thứ tự để vào bên trong mộ và cũng không ở trong mộ lâu được. Đến phiên, chúng tôi phải cúi người để bước vào mộ vì cửa mộ không cao. Bên ngoài đang nắng sáng, phía trong mộ bỗng tối lại ngay. Người ta để một ngọn đèn rất nhỏ, treo lơ lững trên cao từ một góc để du khách có thể thấy bên trong ngôi mộ. Hơi lạnh toả ra từ đá trong mộ. Ngôi mộ khá lớn, chiều ngang hơn 3 mét và chiều cao hơn 2 mét, gồm có hai ngăn: phòng nhỏ ngay khi bước vào mộ dùng làm phòng cho gia đình than khóc; phòng bên cạnh là nơi đặt xác người. Tuy là hai ngăn nhưng nhìn giống như một vì không có vách ngăn. Ngôi mộ này được đục trong đá lớn đủ chôn cho 03 người, đúng là ngôi mộ riêng của một gia đình giàu và chủ vườn nho này cũng là chủ mộ.

     Tôi nhìn sửng sờ vào nơi mà hơn 2000 năm trước đây, xác Chúa đã nằm. Bên trong mộ khá tối nên những người muốn chụp hình kỷ niệm phải dùng đèn flash. Số người chờ đợi bên ngoài rất đông nên không ai dám chần chờ lâu trong mộ. Dù chỉ đứng bên trong mộ có đôi phút nhưng cảm xúc lúc ấy sẽ chẵng bao giờ quên: vì tội lỗi chúng ta, Chúa đã phải bước vào thế giới của Tử Thần, và Chúa đã chiến thắng Tử Thần vì chúng ta và cho chúng ta. Chúng con xin tạ ơn Chúa.

     Sau khi mọi người trong đoàn đều đã thăm mộ, chúng tôi cùng nhau thờ phượng Chúa ngay trong khu vườn nho này, cùng nhau hát những bài thánh ca về sự sống lại, cùng dự Tiệc Thánh. Lời hướng dẫn của hướng dẫn viên sáng hôm ấy như là bài giảng cho chúng tôi, nhất là lời kết luận của anh: “Chúng ta có thể tiếp tục nói về công trình của khảo cổ học trong việc tìm kiếm ngôi mộ thêm vài ngày nữa, nhưng điểm tối quan trọng là khảo cổ học đã tìm được NGÔI MỘ TRỐNG.” Đến phần dâng hiến, mọi người được cho biết một thùng dâng hiến bằng kiếng đặt ở góc vườn sẽ nhận tiền dâng hiến của du khách để Hội Vườn Mộ có thể tiếp tục công tác chăm sóc, gìn giữ ngôi mộ Chúa. Chúa ơi! Dù chúng con biết rõ rằng “Ngài không ở đây đâu – Ngài sống lại rồi”, nhưng ngôi mộ trống này là chứng cớ cho mọi người chưa tin rằng Chúa của chúng con đã chiến thắng Tử Thần, nên chúng con sẽ cùng nhau gìn giữ ngôi mộ Chúa. Chúa đã phán cùng Thô-ma “Phước cho người chẳng thấy mà tin.” Chúng con đã là những người có phước đó. Bây giờ, chúng con đã tin và đã thấy, chúng con là những người có phước nhất đời. Chúng con xin tạ ơn Chúa.

Nguồn: httlvn.org

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!