Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Giới Trẻ Cơ Đốc Nên Bình Luận Đúng Cách Trên Mạng Xã Hội

Trong lãnh vực nào cũng vậy, cứ mỗi bước tiến lại tạo ra cho con người thêm nhiều lợi ích, sự thuận tiện, dễ dàng. Truyền thông lại là khía cạnh đi đầu. Ngày nay, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm, nắm bắt được mọi thông tin trên khắp thế giới mà không cần phải đi đâu xa xôi. Hơn thế nữa, bạn còn có thể tương tác trực tiếp với các tin tức, sự kiện chỉ với một nút bấm hoặc một cú chạm tay trên các thiết bị di động.
Báo giấy, trang web điện tử dần trở nên yếu thế vì nó là lượng thông tin một chiều đang được thay thế bằng diễn đàn, trang blog và đỉnh điểm hiện tại là giao thức “mạng xã hội”. Tại đây, mọi người được liên kết với nhau qua tài khoản riêng của mình, ai cũng có thể đưa lên bất kỳ thông tin cá nhân hay cộng đồng mà mình muốn được người khác xem thấy. Điều làm mọi người thích thú ở đây là bất cứ ai tiếp nhận thông tin đó đều có thể bày tỏ cảm xúc, ý kiến, thậm chí là đủ không gian để trình bày quan điểm của mình về thông tin được tiếp nhận. Phần chức năng đầy triển vọng này được gọi là “bình luận” (comment).
Như đã nói ở trên, các loại thông tin một chiều, thụ động làm người đọc thấy nhàm chán, nhưng khi họ được bày tỏ cảm xúc, ý kiến của mình về một bài báo, bài viết, sự kiện, một bức ảnh hay một đoạn clip thì điều đó trở nên rất thú vị. Tuy nhiên, tiện ích này đang bị lạm dụng đến mức đáng báo động và gây ra không ít thiệt hại, phiền toái cho chính người bình luận lẫn mọi người xung quanh. Thay vì những bình luận làm cho sự việc được nhìn một cách đa chiều, rõ ràng hơn thì nó lại làm sự việc móp méo, gây xung đột, tranh cãi.
Trong thế giới hiện nay, cuộc sống trực tuyến đang trở nên một trào lưu hay có thể mạnh hơn đó là một xu thế. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống thực tế, kéo theo một vấn nạn lớn – “sống ảo”. Theo lối thường, con người đánh giá bản thân và việc làm của mình trên sự chấp nhận, ủng hộ của mọi người và điều đó được thể hiện càng cụ thể hơn trong lối sống ảo qua những lượt thích, lượt chia sẻ và các lời bình luận. Do đó, sự chấp nhận, ủng hộ của mọi người nói chung, hay lời bình luận nói riêng có một sức ảnh hưởng rất lớn trong đời sống con người ngày nay, đặc biệt là giới trẻ cơ đốc.
1/Bình luận có thể “gây dựng”.
Bình luận là nơi rất thuận tiện và dễ dàng để gây dựng mọi người xung quanh, đặc biệt là trong vòng tôi con Chúa. Khi một cá nhân đăng tải một thông tin nào đó, thì lượt thích, lượt chia sẻ và đặc biệt là những lời bình luận là điều họ quan tâm hàng đầu. Họ sẽ trở nên thật phấn khởi nếu những lượt thích, lượt chia sẻ cứ càng tăng lên kèm theo những lời bình luận khen ngợi, tán thưởng hay ít nhất là đồng tình. Ngược lại, tâm trạng họ có thể trở nên buồn bực, chán nản khi không ai để ý đến điều mình vừa đăng tải; tệ hơn, có những lời bình luận chống đối, phản bác và chỉ trích…
“Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến” (Êph 4:29)
Trong cộng đồng Cơ Đốc nhân, thường thấy những đăng tải về các công tác thuộc linh: bài học Kinh Thánh, viết luận về các vấn đề “hot” dưới góc nhìn Cơ Đốc, các dự án âm nhạc Cơ Đốc, truyền thông Cơ Đốc,… Đó là những công tác gây dựng niềm tin, kiến thức dành cho cộng đồng tôi con Chúa khắp nơi. Ở đây, không bàn về mục đích những đăng tải đó, nên hay không, hay mức độ bao nhiêu (chúng ta sẽ nói đến trong một lần khác), nhưng hãy đứng trên góc độ người tiếp nhận, một lời bình luận đồng tình quen thuộc như “A-men” cũng là một sự động viên rất lớn cho những người thực hiện công tác đó. Lời bình luận như vậy thật là một “lời lành”,tạo sự gây dựng cho chính bạn, cho những người nhận và cả những đọc giả khác.
Tuy nhiên, cũng thấy những lời bình luận nói về một khía cạnh khác, soi mói, chỉ trích, lôi kéo những việc riêng tư của người đăng tải thông tin, nhằm bêu xấu, bác bỏ giá trị của bài đăng tải. Lời bình luận như vậy khác nào “lời dữ”, không có ích lợi gì cho bản thân và người khác; ngược lại, nó đem đến không ít phiền phức mà người bình luận phải gánh chịu nhiều hơn hết. Thay vì gây dựng, khích lệ cho mọi người, thì nói vui nhưng thật vậy, lời bình luận đang “dựng” lên một việc khác để “gây” sự. Sau lời bình luận đó sẽ kéo theo rất nhiều lời bình luận khác có khi đồng tình, có khi phản bác. Hoa mĩ thì đó như cuộc bút chiến, tranh luận; bình dân thì đó là gây lộn. Thông tin đăng tải chính đã hoàn toàn bị làm lu mờ, mất giá trị; lúc này, mọi người chỉ chú ý đến cái bình luận đang gây tranh cãi. Cảm xúc bực bội muốn phản bác sẽ được tiếp thêm vào những lời bình luận sau mà không còn sự gây dựng nào từ thông tin chính như đáng phải có.
2/Bình luận có thể “khoe mình”
Nhấn thích một cái, chia sẻ một cái thường là bày tỏ sự công nhận một thông tin nào đó hấp dẫn, chính xác. Như đã đói, điều đó đem lại một sự gây dựng nhất định, đặc biệt là trong vòng Cơ Đốc nhân. Nhưng đáng tiếc, điều ngược lại cũng không hiếm khi xảy ra, bởi cái tôi của mỗi người rất lớn – việc tiếp nhận một thông tin, sự việc nào đó thường được đưa vào sự đánh giá, xem xét để tìm ra những cái thiếu sót thay vì tìm kiếm những gì chúng ta có thể học hỏi, nhận được. Và việc chỉ ra những thiếu sót đó thường đem lại cảm giác chúng ta là người giỏi hơn.
Những lời bình luận cũng thường như vậy, chỉ ra những thiếu sót, sai trật và đưa ra những giải pháp dường như khả thi. Đa số là để khoe mình, khoe về sự hiểu biết, khoe về sự giỏi giang của mình, và cũng ngầm tỏ ra rằng dù người đăng tải thông tin làm cũng tốt đấy, nhưng tôi có thể làm tốt hơn. Nếu thật sự muốn nói những điều đó với ý gây dựng thì có cách, có chỗ tốt hơn để bày tỏ.
“Khi nín lặng, dầu người ngu dại, cũng được cầm bằng khôn ngoan; còn kẻ nào ngậm môi miệng mình lại được kể là thông sáng” (Châm 17:28)
Đánh giá thông thường, cho rằng những người nói ra nhiều, bày tỏ nhiều thì có sự hiểu biết sâu rộng, bởi họ có nên họ mới nói ra. Nhưng Sa-lô-môn, vị vua được Đức Chúa Trời ban cho sự khôn ngoan bậc nhất thiên hạ đúc kết rằng khi nín lặng bày tỏ được sự khôn ngoan. Chắc chắn ở đây không cho rằng cứ hễ ai ít nói là khôn ngoan, nhưng người khôn ngoan là người biết cầm giữ lời nói, môi miệng mình, biết khi nào cần nói, khi nào cần yên lặng.
“Nhưng ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa”(II Côr 10:17)
Phao-lô khẳng định rằng trong mọi việc ông đã làm cho Chúa, cho Đạo của Ngài, ông không tự hào, hãnh diện rằng chính mình đã làm được, nhưng là Chúa đã giao phó cho ông trách nhiệm đó và Ngài ban sức cho ông làm thành (IICôr 10:17; Phi 4:13). Ông nói rằng nếu ông muốn khoe mình về địa vị, về cơ hội, về tài năng thì ông chắc mình sẽ trổi hơn nhiều người nhưng ông đã giữ để không làm người khác vì cớ ông mà vấp phạm, ông chỉ khoe về sự yếu đuối của mình thôi vì trong đó người khác sẽ thấy được Chúa – “Dầu tôi muốn khoe mình, thì cũng không phải là một người dại dột, vì tôi sẽ nói thật; nhưng tôi giữ, không nói, hầu cho chẳng ai nghĩ tôi vượt quá sự họ thấy ở nơi tôi và nghe tôi nói.” (IICôr 12:6,20)
3/Bình luận có thể “tự do”
Có người nói “bình luận là miễn phí mà” nên cứ muốn nói gì thì nói, muốn viết gì thì viết. Lại họ còn kéo theo cái luật “tự do ngôn luận” để làm cơ sở cho mình tự do “ném đá” – buông những “lời dữ” không ý nghĩa, không ích lợi nhằm cho mọi người thấy tôi cũng thích thời, theo kịp những trào lưu, xu thế của xã hội.
“Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích,… nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt,…nhưng chẳng để sự gì bắt phục được tôi.” (I Côr 6:12; 10:23)
Vâng, không ai thu phí khi chúng ta viết một lời bình luận, không ai có thể kiện cáo chúng ta về vài lời nói trên một mạng xã hội ảo mà chúng ta có thể gỡ bỏ hay đăng tải lên bất cứ lúc nào. Nhưng hãy xem xét kĩ lưỡng trước khi đặt tay viết vài dòng bình luận: lời bình luận định viết ra có ích lợi không, khích lệ, gây dựng được ai không? Vài dòng bình luận của mình sẽ làm gương tốt cho người khác khi đọc đến không? Tôi đang rất muốn nói về vấn đề này, vì nó là chuyên môn của tôi, người đăng tải này không biết gì hết, để tôi nói cho nghe – tôi viết vì cái tôi muốn thể hiện, muốn khoe mình hay muốn xây dựng, khích lệ, khuyên bảo?
Bình luận là một nơi quá tốt để có thể cẩn trọng, trau chuốc trong từng lời lẽ của mình. Suy nghĩ, tìm hiểu, chọn lọc từ ngữ, viết ra và cuối cùng là “enter” (gửi/post). Trước khi một bình luận được đăng tải, có đủ thời gian để xét xem có nên nói không và nên nói điều gì. Mọi người có thể đánh giá ít nhiều về con người, về kiến thức, về đạo đức,… thậm chí là về thuộc linh của một người qua lời họ bình luận, nhận định vấn đề.
Cách đây không lâu, một bài viết trên tờ tin tức trực tuyến của Mỹ cho rằng phần bình luận là một “chất độc” và họ đặt vấn đề nên loại bỏ chức năng này hay phải kiểm soát thế nào. Đó có lẽ không phải là vấn đề mấu chốt cần giải quyết, ở trên có nêu bình luận là một chức năng đầy triển vọng trong giao tiếp trực tuyến hiện nay. Vấn đề là, nó phải được sử dụng như thế nào – điều này quy trách nhiệm về người sử dụng, thay vì phải loại bỏ chức năng tiện lợi này.
Là một Cơ Đốc nhân, tại sao bạn không chọn để trở thành một người gây dựng, khích lệ người khác ở mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi bạn chỉ cần gõ vài dòng chữ; cho họ thấy được chính tình yêu thương của Đấng Christ đang đầy tràn trong bạn và sự tự do bạn có trong Chúa là không bị ràng buộc bởi những xu thế, phong trào của thế gian.
“Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (I Côr 10:31).
Trường Thanh

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!