Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2018

Cách Giải Quyết Sự Xung Đột


                     Xung đột là sự bất đồng, sự tranh chấp hay sự cãi lẽ nghiêm trọng giữa hai người hay hai nhóm người. Sự xung đột cũng có nghĩa là sự khác biệt vô cùng to lớn về ý kiến, niềm tin, khuynh hướng chính trị, hay về phúc lợi v.v…
                     Sự xung đột xuất phát từ sự xung khắc giữa các giá trị và nhu cầu của từng cá nhân hay đoàn thể. Nguyên nhân gây ra xung đột cá nhân chủ yếu gồm: Xung khắc về tính tình, ý muốn, thái độ, hoặc sự phân biệt đối xử trong nhà hay nơi sở làm.
                     Xung đột cá nhân, xung đột gia đình và xã hội là điều không ai tránh khỏi. Xung đột cũng đến từ sự khắc khẩu giữa hai người, ngay cả anh chị em trong gia đình đối với nhau. Tục ngữ nước ta có câu: "Ở xa mỏi chân, ở gần mỏi miệng."
                     Trong gia đình vợ chồng xung khắc với nhau nên muốn cho gia đình được trong ấm ngoài êm cả hai phải hạ mình, dẹp bỏ lòng tự ái để làm hòa với nhau.
                     Chồng nóng thì vợ bớt lời. 
                     Cơm sôi bớt lửa, chẳng rơi hột nào! 
                     Chồng giận thì vợ làm lành, 
                     Miệng cười hớn hở, hỏi anh giận gì?
                     Nàng dâu và mẹ chồng xung khắc nhau, nên nước ta có những câu ca dao nói về lời chồng khuyên vợ, xin vợ nhường nhịn mẹ ruột mình:
                     Mẹ anh dữ lắm em ơi! 
                     Nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn lời mẹ cha, 
                     Nhịn cho nên cửa nên nhà, 
                     Nên kèo, nên cột, nên xà tầm vuông
                     Nói chung, trong đời sống lứa đôi không thể tránh khỏi những lúc va chạm, giận hờn hay bất hòa. Thánh Kinh cho ta những bài học thật hay về những phương cách giải quyết sự xung đột:
                     1. Bài học của người bác đối với cháu ruột của mình trong Kinh Thánh"Áp-ram cùng vợ rời Ai Cập đến Nam Phương, đem theo tất cả tôi tớ, tài sản có ông Lót là cháu của ông cùng đi. Nhưng vì cả hai đều có nhiều gia súc, họ không thể sống chung cuộc đời du mục với nhau, hơn nữa cả hai có chuyện tranh chấp giữa các đầy tớ của họ. Để giải quyết nan đề nầy: Áp-ram bảo Lót: "Nên tránh chuyện xung khắc giữa bác với cháu, giữa bọn chăn chiên của bác và của cháu, vì chúng ta là ruột thịt. Cháu hãy lựa chọn phần đất cháu ưa thích, rồi chúng ta chia tay. Nếu cháu sang phía đông, bác sẽ ở phía tây; còn nếu cháu chọn phía tây, bác sẽ qua phía đông." (Sáng Thế Ký 13:8-10)
                     Lót tham lam, dành phần trước, ông ta chọn vùng đất tốt. Áp ra ham dầu là người có tuổi nhưng nhận chịu sự thiệt thòi. Đức Chúa Trời là Đấng thấy rõ lòng người, đã ban phước cho Áp ra ham hưởng được vùng đất tốt nhất, là vùng đất hứa, tức là nước Do Thái ngày nay như lời phán của Đức Chúa Trời: "Hãy phóng tầm mắt nhìn khắp bốn phương: tất cả dải đất con thấy đây, Ta sẽ cho con và dòng dõi con vĩnh viễn. Ta sẽ làm cho dòng dõi con nhiều như cát bụi, không thể đếm được. Con hãy đi dọc ngang quan sát khắp nơi, vì Ta sẽ cho con dải đất này." (Sáng Thế Ký 13:14-17)
                     2. Bài học qua lời dạy của Chúa: Chúa Cứu Thế Jesus phán: Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình? (Ma-thi-ơ 7:3) Chúa so sánh vảy mạt cưa nhỏ trong mắt người anh em của ta với một cây đà thật to nằm trong chính mắt mình. Cây đà chính là tinh thần chỉ trích và thành kiến. Vì cây đà này đã che khuất tầm nhìn của ta, nên ta không được quyền lên án những tội lỗi nhỏ nhoi nào của bất kỳ ai khác. Chúa tiếp: "Sao ngươi dám nói với anh em rằng: Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh, mà chính ngươi có cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ giả hình! trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được." (Ma-thi-ơ 7:4-5) Vấn đề lên án quá khắt khe này chắc là điều chúng ta nên hết sức thận trọng. Mặc dù Chúa Cứu Thế Jesus đã bày tỏ rất rõ ràng rằng, chúng ta không nên lên án khắt khe người khác. Lời Chúa dạy ta không cần lên án ai, vì một khi nhìn thành quả của người nào đó tạo ra, ta biết được họ là hạng người như thế nào rồi! Tiến sĩ James McGinley nói rằng, “Tôi không phải là người lên án người mà là người xem xét kết quả của người ấy.” Đây là bài học rất quý cho chúng ta, để ta quan sát đời sống một một ai đó có thật sự thật sự là người tin Chúa không! Thật sự người ấy được Chúa biến đổi hay không như lời Chúa dạy: "Nhờ xem trái mà biết cây." (Lu ca 6:44a)
                     3. Sống hài hòa giữa ta với người khác như những bộ phận trong thân thể: Thánh Kinh ví mỗi chúng ta, những người thuộc về Chúa giống như các bộ phận trong thân thể. Thân thể nhận sự điều khiển từ đầu, tức là Chúa Cứu Thế Jesus, nhờ đó sanh ra sự hòa hiệp để mỗi bộ phận được hoạt động trong vị trí của mình. Thánh Kinh dạy: "Chúng ta không còn khờ dại như trẻ con, trí óc không còn nông nổi, dễ đổi thay theo các giáo lý mới lạ của kẻ lừa dối khéo dùng thủ đoạn xảo trá sai lầm. Nhưng chúng ta luôn luôn sống theo chân lý và truyền bá chân lý trong tình yêu thương, để ngày càng tăng trưởng đến mức giống Chúa Cứu Thế về mọi phương diện. Chúa Cứu Thế là Đầu; Hội thánh là thân thể. Ấy nhờ Ngài mà cả thân thể ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo, khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương." (Ê-phê-sô 4:14-16) Nhờ ở dưới quyền lãnh đạo của Chúa Cứu Thế Jesus, mọi bộ phận trong thân thể kết hợp và nâng đỡ nhau. Mỗi bộ phận đều làm trọn chức năng riêng, và cả thân thể lớn mạnh trong tình yêu.
                     Mục Sư John Maxwell đã khám phá được ba cách giải quyết xung đột của ba hạng người: (1) Hạng người thứ nhất là người che giấu sự xung đột không dám chia sẻ nỗi lòng mình, họ không dám nói ra sự thật. (2) Hạng người phá rào, là người nói ra sự thật nhưng lại nói ra bằng lời lẽ phát xuất từ sự cay đắng, không nói ra trong sự yêu thương. (3) Hạng người chữa lành, người giải quyết được sự tranh chấp, vì người biết chia sẻ sự thật trong tình yêu.
                     4. Phải làm hòa với anh em trước khi dâng lên Chúa lễ vật: Chúa Jesus phán: “Khi các con đứng trước bàn thờ dâng lễ vật cho Đức Chúa Trời, chợt nhớ còn có điều bất hòa nào với anh em, các con cứ để lễ vật trên bàn thờ, đi làm hòa với anh em, rồi sẽ trở lại dâng lễ vật cho Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 23-25)
                     Am hiểu lời dạy của Chúa, tổng thống Abraham Lincoln nói rằng: “Khi cãi lý với một người nào đó, tôi dành ra một phần ba thì giờ để nghĩ đến người đó rồi mới để ý đến những gì người ấy nói”
                     5. Chế ngự được cơn nóng giận: Nghĩa là ta không nên vì quá căm giận mà gây ra tội lỗi. Thánh Kinh dạy: "Lúc nóng giận, đừng để cơn giận đưa anh em đến chỗ phạm tội. Đừng giận cho đến chiều tối. Đừng tạo cơ hội cho ác quỷ tiến công." (Ê-phê-sô 4:26-27)
                     Đã là con người không ai mà không nổi giận trước một chuyện bất công hay bất bình với người làm tổn thương mình. Hiện chúng ta đang sống trong thế giới đầy dẫy những sự giận giữ. Sự nóng giận xảy ra khắp nơi. Cơn giận nổi lên từ trong lòng đã dẫn đến hành động điên cuồng. Ở tại một freeway tại một thành phố của Mỹ có một số người bị bắn chết vì lái xe chậm, tài xế của chiếc xe đằng sau đã không dằn được cơn giận đã rút súng bắn chết người lái xe trước.
                     Có hai loại giận: giận hữu lý và giận vô lý “Hữu lý chi nộ và vô lý chi nộ” Cho nên dầu giận đúng hay giận sai, ta cần phải bình tâm mà kềm hãm cơn giận như lời Thánh Kinh dạy:
                     "Kẻ nhạy giận thường gây xung đột,
                     Người ôn hòa dàn xếp đôi bên."
 (Châm Ngôn 15:18)
                     "Người chậm giận thắng hơn dũng sĩ,
                     Người tự chủ đánh bại anh hùng."
 (Châm Ngôn 16:32)
                     "Người nóng tính sẽ mang hậu họa,
                     Ai giúp người, còn phải giúp liên miên."
 (Châm Ngôn 19:19)
                     Theo thống kể của FBI Hoa Kỳ, tại Mỹ có 23,305 vụ giết người trong năm 1994 và 28% những cuộc bạo hành trong gia đình đến từ sự nóng giận. Trong thời gian đó, những băng đảng giết người chỉ chiếm 7%. Sự giận dữ khiến cho gia đình đi đến chỗ ly dị chiếm 22%. Sự giận dữ cũng gây sự bạo hành con cái chiếm 79%.
                     6. Phải giải quyết cuộc tranh chấp ngay. Nếu không sẽ nhận chịu hậu quả không lường! Chúa Cứu Thế Jesus đã phán:"Khi có việc tranh chấp, nên tìm cách thỏa thuận với đối phương trước khi quá muộn; nếu không, họ sẽ đưa các con ra tòa, các con sẽ bị tống giam và ở tù cho đến khi trả xong đồng nợ cuối cùng." (Ma-thi-ơ 5:25-26)
                     Lời Chúa cho biết thái độ giận dữ và thù hằn rất tệ hại, nên chúng ta cần phải dừng lại và cố làm thế nào để hàn gắn lại sự đổ vỡ trong mối liên hệ ấy. Thánh Kinh cho biết chúng ta, như đứa con hư hỏng, đã xa cách Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa mình. Nhưng vì yêu chúng ta, Đức Chúa Trời Ngôi Hai đã hạ phàm, Ngài mang thân xác con người, chịu chết trên cây thập tự thế tội cho loài người để phục hòa loài người chúng ta với Đức Chúa Cha. Một khi chúng ta tiếp nhận Chúa Jesus, chúng ta sẽ được phục hồi quyền làm con trong đại gia đình của Đức Chúa Trời như lời Thánh Kinh chép: "Chúa mong muốn mọi người được cứu rỗi và hiểu rõ chân lý. Chỉ có một Đức Chúa Trời, cũng chỉ có một Đấng Hòa Giải giữa Đức Chúa Trời và loài người, là Chúa Cứu Thế Jesus. Ngài đã hy sinh tính mạng để cứu chuộc nhân loại. Đó là thông điệp đã được công bố đúng lúc cho mọi người." (1 Ti-mô-thê 2:5-6)
                     Khi quý vị tiếp nhận Chúa Cứu Thế Jesus, quý vị được phục hòa với Đức Chúa Trời, sự sống của quý vị được nối liền với sự sống từ trời. Từ đó sự xung đột của quý vị đối với người khác sẽ không còn nữa.
                     Có những đôi vợ chồng bất hòa với nhau, sự tranh chiến trong gia đình họ kéo dài từ ngày nầy đến ngày khác. Nhưng khi họ tiếp nhận Chúa, họ yêu thương nhau. Vì cả hai đều yêu Chúa, chính Chúa là Đấng ban hạnh phúc cho họ và bảo vệ hôn nhân họ. Mỗi khi sự xung đột nổi lên cả hai đều muốn hạ mình xin lỗi trước, nhờ vậy mà "Gương vỡ lại lành."
                     Có năm điều hàn gắn sự đổ vỡ trong gia đình:
  1. Phải làm hòa trước, không nhất thiết là lỗi của ai.
  2. Chịu lắng nghe và tìm hiểu nguyên do gây ra sự xung đột.
  3. Nhận lỗi và xin được tha thứ, điều nầy rất khó, nhưng khi ta xin Chúa ban quyền năng và sự khôn ngoan cho ta thì ta sẽ làm được
  4. Không nên cố chấp, dầu người bạn đường mình đã nhận lỗi thì mình đừng tiếp tục tấn công, lên án.
  5. Không nhắc lại chuyện cũ, như lời Thánh Kinh dạy: Bỏ qua lầm lỗi bồi đắp thêm tình cảm, Còn cứ nhắc lại lỗi xưa tình bạn nát tan. (Châm Ngôn 17:9)
                     Một người được Chúa tha thứ và đổi mới sẽ sống giống như Chúa. Khi bị người khác có thái độ thù ghét thì người đáp lại bằng hành động yêu thương. Khi người khác có thái độ miệt khinh, thì người tỏ ra sự nhân từ. Khi người khác cho họ là đúng, người vẫn không phản đối, chính lúc đó người ấy mới nhận ra mình là người quân tử.
                     Thưa quý vị, Rất mong những nguyên tắc Thánh Kinh trên giúp quý vị giải quyết sự xung đột, để sống an vui với mọi người. Chúa yêu quý vị, Chúa đã giáng trần vì quý vị. Chúa muốn phục hòa quý vị với Đức Chúa Trời để quý vị được sự sống vĩnh cửu, được nến trải hương vị của Thiên Đàng đang khi còn sống trên trần gian nầy.
                     Rất mong quý vị tiếp nhận Chúa Cứu Thế là Cứu Chúa mình làm Chủ cuộc đời mình ngay giờ nầy.
                      Kính chào quý vị và các bạn.
Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!