Phi-líp 2: 4,5 chép: “Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa. Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có”.
Trong trung tuần tháng 7 năm 2015, liên tiếp có những vụ án giết người. Người tình giết gia đình người yêu của mình tại Bình Phước; con trai giết mẹ vì tham những vòng vàng mẹ đeo tại An Hoà, Rạch Giá. Người đàn ông giết 4 người trong một gia đình vì tham vợ người ta tại Nghệ An... Dòng máu lạnh vô cảm đã và đang “đóng băng” trong nhiều con người tội lỗi ngày nay. Một trong những lý do lớn nhất là họ đang sống với những nguyên tắc sống sai trật. Nhân sinh quan của họ chỉ xoay quanh “cái tôi” của mình, họ trở nên ích kỷ, tham lam và độc ác.
Trong cuộc sống đời thường, mỗi người có những nguyên tắc sống khác nhau, tuỳ theo “nhân sinh quan” của mình. Tuy nhiên, nguyên tắc sống của Chúa Giê-xu là mẫu mực cho đời sống Cơ Đốc Nhân để chúng ta học và thực hành.
Câu chuyện Kinh Thánh về phép lạ “Chúa Giê-xu hoá bánh ra nhiều cho 5.000 người ăn” được cả 4 sách Phúc Âm chép lại, là câu chuyện hàm chứa rất nhiều các nguyên tắc sống dành cho chúng ta.
Nguyên tắc 1: Lòng thương xót (Ma-thi-ơ 14:4)
“Lòng thương xót” bày tỏ cảm xúc, nhân cách và tình yêu của con người đối với con người. Chúa Giê-xu là Con Người trọn vẹn nên Ngài cũng có lòng cảm xúc, thương xót. Cụm từ “Chúa động lòng thương xót” là cụm từ rất đẹp của Đấng Nhân Lành và Yêu Thương. Chúa quan tâm, giúp đỡ người cùng khốn, những người đáng thương. Cứ mỗi lần “Chúa động lòng thương xót” là có nhiều người được cứu giúp và có nhiều điều kỳ diệu xảy ra, ví dụ: Ma-thi-ơ 9:36 ghi lại: “Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót, vì họ cùng khốn, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn”, Lu-ca 7:13: “Chúa thấy, động lòng thương xót người, mà phán rằng: đừng khóc!”, Ma-thi-ơ 14:14 “Ngài ở thuyền bước lên, thấy đoàn dân đông đúc, động lòng thương xót, mà chữa cho kẻ bệnh được lành”.
Khi trái tim của chúng ta biết rung cảm là chúng ta đang sống ích lợi! Do đó phụ huynh Cơ Đốc phải dạy, tập con mình có cái nhìn và nhạy cảm với những con người sống quanh mình đang thiếu thốn về nhu cầu vật chất, tinh thần và cả nhu cầu tâm linh.
Tôi rất cảm kích đối với những món quà “Samaritian” được gởi tới từ một Hiệp Hội Cơ Đốc trên thế giới dành cho những trẻ em các nước thiếu kém về kinh tế trong những dịp Giáng Sinh. Đó là những món quà do các em nhỏ tại một số quốc gia đã chọn mua để làm quà cho các em nhỏ khác, và trong những món quà đó còn có những bức thư tình yêu và thiệp chúc mừng nhân dịp kỷ niệm Chúa Giáng Sinh.
Lúc nhỏ, gia đình tôi sống gần khu gia binh, có những trẻ em mồ côi do chiến tranh. Mỗi lần gần Tết, ba má tôi soạn những áo quần còn tốt mà chúng tôi không còn mặc được nữa để cho các em đó. Mẹ tôi nói: “Cũ của mình nhưng chắc sẽ là mới đối với các em đó”. Ngoài ra mẹ tôi còn mổ những con heo đất của chúng tôi để mua thêm những nhu yếu phẩm cho họ nữa. Mẹ tôi nói: “Mình ăn rồi sẽ hết, nhưng cho người khác ăn thì còn”. Truyền Đạo 11:1 chép: “Hãy liệng bánh ngươi nơi mặt nước, vì khỏi lâu ngày ngươi sẽ tìm nó lại”. Và Lời Chúa trong Ga-la-ti 6:2 cũng dạy rằng: “Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đức Chúa Trời”. Từ ba má, tôi đã được học nguyên tắc chia sẻ, và điều đó còn lại trong tôi đến ngày nay.
Câu chuyện trong Lu-ca 10:35-37 nhắc nhở chúng ta đừng sống vô cảm trước những người cần sự giúp đỡ, trước những người đang ở trong tình trạng khốn khổ cả thể xác lẫn tâm linh. Mỗi ngày, hãy cầu nguyện xin Chúa cho con có cái nhìn đầy lòng thương xót và yêu thương của Ngài để con có những hành động yêu thương thiết thực.
Nguyên tắc II: Sống có trách nhiệm (Ma-thi-ơ 14: 15-16; Mác 6:35-37)
Khi đọc câu chuyện này, chúng ta thấy các môn đồ sợ gánh chịu trách nhiệm, sợ trời tối mà đoàn dân đông thì đang đói. Vả lại, họ đang ở trong hoang mạc, xa khu dân cư thì kiếm đâu thức ăn đủ cho đoàn dân. Nếu họ đói xỉu thì ai chịu trách nhiệm? Nên các môn đồ đã đến thưa với Chúa xin giải tán đoàn dân đông để họ tự tự lo cho bữa ăn của mình. Nhưng Chúa phán một câu làm họ giật mình: “chính các ngươi hãy cho họ ăn”, hay nói khác hơn “trách nhiệm các ngươi là hãy cho đoàn dân đông ăn trước khi trời tối”. Nguyên tắc của Chúa ở đây là: Đừng trốn tránh trách nhiệm!
Ngày nay, vì cuộc sống quá tất bật, các bậc phụ huynh thường “ném” trách nhiệm nuôi dạy con cái cho học đường, cho ông bà, bảo mẫu, giám hộ, hoặc chỉ lo chu toàn trách nhiệm nuôi dưỡng thuộc thể mà quên chăm sóc thuộc linh. Do đó, thế hệ trẻ lớn lên về phần thuộc thể mà què quặt trong đời sống tâm linh. Đồng thời phụ huynh chưa quan tâm đến việc giao trách nhiệm của từng công việc phù hợp độ tuổi để con trẻ tập tành sống trong tinh thần trách nhiệm. Khi trẻ biết chu toàn những trách nhiệm nhỏ được giao, thì chúng sẽ hoàn thành những công việc lớn hơn khi chúng trưởng thành.
Nguyên tắc III: Dạy con biết dâng hiến (Ma-thi-ơ 14:17-18)
Con trẻ thường muốn “thu gom“ về mình, đó là bản chất của loài người tội lỗi. Khi còn dạy trẻ, tôi đã từng nhìn thấy: khi tôi tặng một cháu bé một gói kẹo, tôi xin lại một cây, nó nhất quyết không cho! Tôi đã kiên trì huấn luyện, giải thích và uốn nắn... Dần dà những đứa trẻ đó biết chia sẻ khi nhận quà từ người khác.
Chúng ta dâng hiến không phải cầu mong phước như các tôn giáo khác. Họ dâng hiến với ý thức để nhận phước, song Cơ Đốc nhân phải nhận biết vì đã được phước nên dâng hiến và ban cho.
Qua câu chuyện dâng hiến của bé trai: ( 5 cái bánh và 2 con cá) chúng ta học được một số bài học:
1) Dâng hiến không giới hạn tuổi tác.
Bé trai vô danh trong câu chuyện, dầu còn nhỏ nhưng biết dâng cho Chúa điều mình có. Ngày nay cũng có một số thiếu nhi biết tiết kiệm để dâng cho Chúa. Trại hè của thiếu niên Tổng Liên Hội 2015 với chủ đề “12 giỏ đầy” mục đích dạy các em biết giá trị của việc dâng hiến. Các em đã dâng hiến để dâng xây dựng nhà thờ, mua ghế cho nhà thờ Viện Thánh Kinh Thần Học, giúp các em cơ nhỡ và tập vở cho các em nghèo.
Khi dạy trẻ biết dâng hiến cho Chúa cách vui lòng tức là đã dạy trẻ bước đầu tiên của đức tin để bày tỏ lòng yêu Chúa, biết ơn Chúa. Hãy dạy trẻ dâng hiến trung tín, dâng trong các buổi học. Trong lớp tôi dạy có một em thường bụm hai bàn tay không rồi bỏ vào hộp, nhiều lần như vậy, tôi hỏi: “tại sao con làm vậy?”. Em nói: “bố mẹ con lúc nào cũng quên cho con tiền dâng“. Đó là một sai trật của phụ huynh. Chúng ta nên dạy trẻ tự nguyện trích ra số tiền nó đang sở hữu để dâng cho Chúa, đừng để trẻ cứ phụ thuộc vào chúng ta về việc cho tiền thì dâng, không cho thì thôi.
2) Dâng hiến trong cơ hội Chúa cần.
Bé trai dâng bánh và cá khi Chúa cần. Em có thể nói ở nhà tôi nhiều lắm! Mai tôi sẽ mang đến cho Chúa, còn bây giờ thì không! Nhưng bé trai đó đã không nói với Chúa như thế. Nếu hẹn mai thì sẽ mất cơ hội và hối tiếc. Chúa cần cái chúng ta hiện có, chứ không phải cái chúng ta sẽ có! Nhiều người hẹn khi nào tôi có nhiều tiền tôi sẽ dâng... Chúa không phải nghèo để khi chúng ta dâng Chúa mới có, nhưng Chúa cần tấm lòng yêu Chúa, lòng biết ơn của chúng ta đối với Ngài mà dâng hiến cho công việc nhà Chúa. Hãy dạy cho trẻ biết nhu cầu, công việc Chúa trong Hội Thánh, đó cũng là cách chúng ta dạy trẻ quan tâm và dự phần vào công việc Chúa trong lúc có cần.
3) Dâng hiến trong thái độ vui lòng, tình nguyện.
Bé trai có thể giữ lại phần ăn ít ỏi của mình, bởi đó là điều rất đỗi bình thường, nhưng em đã dâng hết cho Chúa. Các môn đồ và Chúa Giê-xu không ép buộc em phải dâng nhưng em sẵn sàng dâng cho Chúa cách vui lòng. Em cũng không nghĩ rằng nhờ mấy cái bánh và cá ít ỏi của mình trao vào tay Chúa sẽ là nhân tố để Ngài làm nên việc lớn, bé trai chỉ biết Chúa cần thì em sẵn lòng dâng, vậy thôi.
Khi tôi dạy lớp Thiếu nhi trong Trường Chúa nhật, có một bé gái luôn dâng một số tiền rất lớn, có thể nói bằng tổng số tiền của lớp hằng tuần. Tôi hỏi em: “Sao con luôn dâng nhiều như vậy?“ Em nói: “Vì ba cho con tiền hằng ngày, nhưng con không xài chi hết và con thích dâng cho Chúa nhiều từ những điều con có”.
4) Sự dâng hiến đem đến kết quả lớn lao.
Chúa dùng 5 cái bánh và 2 con cá của em bé dâng, hoá ra nhiều cho 5.000 người ăn no nê, em cũng được ăn và còn dư 12 giỏ đầy.
Nguyên tắc IV: Dạy con biết gìn giữ trật tự, ngăn nắp.
Trước một đoàn dân quá đông, hỗn loạn và mất trật tự, làm sao có thể phân phối thức ăn, nhất là đối với những người đang đói. Chúa Giê-xu ổn định trật tự bằng cách truyền cho dân chúng ngồi xuống trên cỏ, theo hàng 50 người, hàng thì 100 người. Bởi vì nếu đứng sẽ mất trật tự! Tất cả ngồi sẽ nhìn thấy Chúa và việc Chúa làm. Ai cũng lãnh được phần của mình mà không chen lấn, tranh cãi, giành giật...
Từ thơ ấu, hãy dạy trẻ giữ nề nếp, trật tự trong tất cả sinh hoạt: đúng giờ giấc, đồ đạc ngăn nắp. Cụ thể: biết thu dọn đồ chơi sau khi chơi hoặc các dụng cụ học tập sau khi học. Chúng ta nhớ Đức Chúa Trời là Chúa của trật tự. Ngài đã đổi sự hỗn loạn ra trật tự trong việc tạo dựng vũ trụ này. Cho nên từ trong gia đình đến Hội Thánh, chúng ta phải dạy trẻ sống có trật tự. Phải biết kỉnh kiềng trong sự thờ phượng Chúa vì Chúa là Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa.
Dạy trẻ biết giữ các nề nếp sinh hoạt trật tự là khởi đầu dạy trẻ biết sắp xếp thời khoá biểu, biết quản lý các vật dụng mà chúng sở hữu, biết quản lý tốt sức khoẻ của chính nó...
Nguyên tắc V: Dạy trẻ biết cảm tạ (Ma-thi-ơ 14:18b, Mác 6:41)
Trước khi phép lạ xảy ra, Chúa Giê-xu cầm lấy bánh và cá cầu nguyện, tạ ơn Đức Chúa Trời. Vì Ngài biết nguồn thực phẩm dồi dào sẽ đến từ Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu cảm tạ với lòng biết ơn sự cung ứng dư dật của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu cảm tạ trước khi ăn, chúng ta gặp nhiều lần trong Kinh Thánh, ví dụ : “Chúa Giê-xu lấy bánh tạ ơn rồi bẻ ra” hoặc sau khi sống lại, trên đường đi với hai môn đồ về làng Em-ma-út... chiều tối cùng vào quán ăn “Chúa cầm bánh tạ ơn và bẻ ra”.
Nguyên tắc quen thuộc này cha mẹ phải dạy dỗ con từ khi còn thơ ấu “ngay từ khi trẻ sơ sinh bắt đầu nhận thức”. Tất cả những thức ăn, thức uống đưa vào miệng, trước hết phải dạy trẻ biết cảm tạ Chúa, bằng những cử chỉ hành động như gật đầu “Ạ Chúa” nếu chưa biết nói, hay cụm từ ngắn gọn “cảm ơn Chúa” lúc bắt đầu biết nói.
Có khi trong đời sống chúng ta nhận rất nhiều ơn phước Chúa, nhưng quên tạ ơn Chúa. Trong câu chuyện Lu-ca 17:11-19 ghi lại; trong số mười chịu ơn Chúa, chỉ có một người biết ơn, tạ ơn Chúa. Trong thực tế của xã hội, vì không chú tâm đến điều nầy trong giao tiếp, cho nên một số người nước ngoài đã có nhận xét về người Việt Nam rằng: ít thấy người Việt có thói quen “cảm ơn” và “xin lỗi”. Đây là điều rất đáng tiếc.
Cha mẹ phải làm gương trong đời sống biết ơn Chúa và chia sẻ cho con cái tất cả những ơn phước đã nhận nơi Chúa của cuộc đời mình để ghi dấu ấn cho trẻ thói quen biết ơn và thuật lại ơn phước Chúa ban cho. Hãy tập cho trẻ biết đếm tất cả ơn phước Chúa ban cho để đời sống chúng từ thơ ấu biết ngợi khen Chúa. Trong II Cô rinh tô 9:15: “Tạ ơn Đức Chúa Trời vì sự ban cho của Ngài không xiết kể”.
Nguyên tắc VI: Nguyên tắc tiết kiệm (Giăng 6: 12-13, 26)
Chúa bảo “hãy lượm lại những miếng còn thừa hầu cho không thiếu mất chút nào”. Điều này nói lên nguyên tắc sống tiết kiệm của Chúa Giê-xu đã dạy các môn đồ.
Trong xã hội có rất nhiều gia đình dư giả, hoang phí trong nhiều phương diện sinh hoạt hằng ngày, bên cạnh đó có quá nhiều người khác lại thiếu thốn, đơn sơ trong mọi sinh hoạt.
Tiết kiệm để chia sẻ cho người khác đó là hành động ban cho mà Kinh Thánh chép: “Ban cho có phước hơn nhận lãnh” (Công Vụ 20:35).
Tiết kiệm khác với keo kiệt hoặc hà tiện. Tiết kiệm là ý thức trong việc sử dụng không để lãng phí. Dạy con biết tiết kiệm là một nguyên tắc cần thiết để trẻ không lãng phí thì giờ, sức lực, thực phẩm, tiền bạc, của cải Chúa ban cho. Một ý thức tự kiểm soát mình để không phí phạm những điều Chúa cung cấp cho thể xác, tâm trí và linh hồn chúng ta.
Mục sư William MacDonald từng chia sẻ: “Nếu Chúa Giê-xu chỉ là một con người, Ngài sẽ không bao giờ bận tâm đến những bánh vụn còn lại. Vì ai nuôi được 5.000 người như vậy thì sẽ không bận tâm đến những mãnh vụn còn thừa.
Nhưng Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời, và với Đức Chúa Trời, không được phí phạm chút nào đến những món quà hào phóng của Ngài”.
Chúa không muốn chúng ta phung phí những gì Chúa ban cho, nên Ngài đã để ý, dặn dò các môn đồ phải lượm những miếng bánh thừa không mất chút nào.
Nguyên tắc VII: Nguyên tắc bảo vệ môi trường.
“Hãy lượm hết những miếng bánh thừa” còn nói lên Chúa là Đấng Chu Toàn, bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp của thiên nhiên. Nếu không thu dọn những bánh, cá thừa lại hoặc rơi, đổ trên nền cỏ chắc chắn sẽ ô uế, hôi thối, nhơ nhớp.
Hãy dạy trẻ biết giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường của bé và cả cho những người lân cận. Một ý thức vệ sinh chung phải hình thành từ thơ ấu. Có lần tôi cho đứa cháu viên kẹo, nó đã ăn và giữ mãi trong tay mẩu giấy kẹo trong suốt hơn một tiếng đồng hồ đi dạo chơi thành phố biển. Tôi hỏi: “Tại sao con không vứt đi?” Cháu nói: “Con không thấy thùng rác đâu cả!” Một thói quen tốt thật đáng khen!
Qua câu chuyện Chúa Giê-xu hoá bánh cho 5.000 người ăn no nê, còn dư lại là bài học thuộc linh cho con dân Chúa trong mọi thế hệ. Các con thơ chúng ta đang đói khát Lời Chúa. Chúng ta là phụ huynh hãy ghi nhớ các nguyên tắc sống Chúa dạy dỗ chúng ta mà quan tâm giáo dục, dạy dỗ, uốn nắn con cái mình từ trong gia đình, Hội Thánh và ra ngoài xã hội.
- Hãy dạy trẻ biết quan tâm, rung động, thương xót đến những người cùng khổ, thiếu thốn vật chất lẫn thuộc linh.
- Hãy dạy trẻ có tinh thần trách nhiệm để chu toàn các công tác của cha mẹ, cô thầy và của Chúa giao cho.
- Hãy dạy trẻ biết dâng hiến từ những đồng bạc nhỏ nhất, ít nhất mà chúng đang có.
- Hãy tập cho trẻ nếp sống có trật tự, biết tiết kiệm và giữ vệ sinh bản thân và vệ sinh chung.
- Hãy dạy trẻ có thói quen tốt về sự biết ơn bằng hành động thành tâm cảm ơn những gì Chúa ban cho.
Thực hiện tốt các nguyên tắc trên, mỗi đời sống sẽ tìm thấy hạnh phúc, gia đình vui vẻ, bình an, yêu thương. Hội Thánh sẽ có những con người gương mẫu làm sáng Danh Chúa trong cộng đồng mình đang sống.
Đầy Tớ Gái
Nguồn: httlvn.org
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com