Thứ Hai, 2 tháng 1, 2017

Thời Giờ (Phần 2)

           Kính thưa quý độc giả,
           Trong tuần trước, chúng ta có bàn về một sự kiện lạ lùng là với nền kỹ nghệ tiên tiến, máy móc tự động, năng suất hay hiệu quả được nâng lên đến mức tối ưu. Lẽ ra chúng ta phải có nhiều thời giờ để nghỉ ngơi hay cho gia đình, bạn bè, nhưng thực ra chúng ta càng ngày càng bận rộn hơn, hối hả hơn.
           Quý độc giả thân thương,
           Phương pháp quản lý thời giờ trong kỹ nghệ nhằm đạt tới hiệu quả cao cũng mang đến những hiệu ứng phụ tiêu cực mà người ta không tiên đoán trước đó. Thí dụ như gởi email thì mau chóng, thuận lợi và đỡ tốn kém, nhưng các nhân viên điều hành lúc nào cũng bị tràn ngập bởi các email với các lời yêu cầu và hối thúc phải thực hiện việc này, việc kia. Một lý do khác là công việc cứ bành trướng, chiếm vào các khoảng thời giờ nào còn dư. Khuynh hướng này do ông Parkinson khám phá khi quan sát trong công việc trong công xưởng và khuynh hướng này đã lan tràn vào trong đời sống cá nhân mỗi ngày. Các chủ hãng sẽ kiếm cách nhét thêm việc trong khoảng thời gian bạn ở tại sở làm. Khi chúng ta có được một ít thời giờ, chúng ta cũng muốn nhét thêm việc khác vào, vì chúng ta tin rằng chúng ta phải làm mọi sự và muốn làm mọi sự.
           Xin đừng hiểu lầm ở đây, vì thái độ siêng năng, phương cách sống và làm việc với một hiệu quả cao là một điều tốt, nhưng chúng ta cũng cần thấy rõ là hiệu quả cao không làm ra thêm thời giờ. Nó chỉ cho phép bạn dồn nhiều công việc vào khoảng thời giờ mà bạn được ban cho và điều này gây nên căng thẳng trong cuộc sống. Đôi khi vì chỉ nghĩ đến hiệu quả cao mà bạn đánh mất niềm vui và mục đích công việc của mình làm, thí dụ như bạn thích nấu ăn, tại sao bạn phải dùng những thức ăn đã được chế biến sẵn và đóng hộp để tiết kiệm thời giờ thay vì sử dụng những vật liệu nguyên chất như bạn mong muốn? Thí dụ bạn thích nghiền ngẫm khi đọc sách, tại sao bạn lại phải nghe CD đọc sách hay học cách đọc sách nhanh. Ông Peter Drucker là một chuyên gia về quản lý thời giờ đã đưa ra một nhận định rằng các nhà chuyên môn khi ra sức đề cao sự hiệu quả là họ đã gãi không đúng chỗ ngứa. Ông Peter Drucker đã chỉ ra một sự khác biệt quan trọng giữa việc “hiệu quả cao” và “có kết quả”. Hiệu quả cao có nghĩa là một công việc hay một quá trình sản xuất với phế phẩm, tiền phí tổn và năng lực ở mức thấp nhất. Nhưng “có kết quả” có nghĩa là đạt được điều mình dự định hay mong đợi. Hai tình trạng “hiệu quả cao” và “có kết quả” là hai tình trạng khác biệt. Trong khi “hiệu quả cao” nhấn mạnh đến phương cách sản xuất và mức độ kinh tế trong một công việc, còn tình trạng “có kết quả” tập trung đến kết quả hay sự đạt được mục tiêu của công việc. Một người có thể chạy xe lúc nhanh hay lúc chậm để tiết kiệm xăng nhớt, nhưng tại Mỹ, có một thời, người ta đặt những tấm bảng trên các xa lộ, để hỏi những tài xế một câu hỏi quan trọng nhất: “Cuộc hành trình này có cần thiết hay không?”
           Ông Peter Drucker chỉ ra rằng khi biết sử dụng năng lực và thời giờ ở mức thấp nhất để hoàn tất một công việc là chúng ta đang đạt được hiệu quả cao trong công việc đó. Nhưng công việc này chỉ đạt kết quả khi nó giúp chúng ta đạt được mục tiêu mình đã dự định. Có kết quả trong đời sống không dựa trên việc ta làm có hiệu quả cao hay không, nhưng điều đầu tiên phải dựa vào là công việc đó có đáng để làm, có cần thiết phải làm hay không. Một người muốn đạt kết quả trong đời sống không để cho vấn đề nâng hiệu quả trong các công việc lặt vặt làm lạc mất mục tiêu chính của mình. Vấn đề then chốt ở đây không phải là hiệu quả cao trong các công việc tạm thời nhưng mà các công việc ta đang làm về lâu về dài có dẫn ta đến mục đích mong muốn không?
           Kính thưa quý độc giả,
           Nếu việc nâng cao hiệu quả để nhồi nhét thêm nhiều việc trong 24 giờ cố định chỉ đưa đến tình trạng căng thẳng cực độ như trong cuộc sống ngày nay, nhưng chưa chắc đã giúp ta đạt được mục tiêu của đời sống, như vậy có cách nào để ta có thể được đạt được một đời sống quân bình và thanh thản trong xã hội của thế kỷ 21 này không. Câu trả lời rất đơn giản, đó là chúng ta phải loại bỏ khỏi đời sống mình những việc không cần thiết và chỉ giữ lại những chuyện quan trọng mà thôi. Vua Sa-lô-môn có khuyên trong sách Giáo Huấn như sau: “Việc gì cũng có lúc, có thời của nó”. Điều đó có nghĩa là không phải việc gì cũng luôn luôn quan trọng và cần làm. Mỗi chúng ta chỉ có được 24 tiếng mỗi ngày không hơn không kém và chúng ta không thể làm hết được mọi sự. Trong mỗi lúc, mỗi giai đoạn của cuộc đời, hãy chọn những điều quan trọng nhất và mang lại kết quả tốt đẹp lâu dài cho đời sống mà làm. Trong quyển sách “Freedom From The Tyranny of Urgent”, tạm dịch là “Thoát Khỏi Sự Ràng Buộc Của Một Đời Sống Hối Hả”, tác giả Charles Hummel có đưa ra một mô hình giúp chúng ta sắp xếp ưu tiên công việc tùy theo tầm quan trọng và mức độ khẩn cấp. Theo ông thì một công việc được xem là quan trọng khi nó giúp ta đạt những mục tiêu quan trọng trong đời sống. Những công việc quan trọng nhưng không khẩn cấp thường đòi hỏi chúng ta phải chủ động và bền chí. Nếu không bị thúc bách để thực hiện những công việc này ngay hôm nay hay trong tuần này hay tháng này, những công việc quan trọng nhưng không khẩn cấp đòi hỏi chúng ta sự dấn thân và tính kiên trì đeo đuổi cho những mục tiêu lâu dài. Những loại công việc này thường là hoạch địch chương trình cho tuổi về hưu, xây dựng những mối liên hệ hay tình bằng hữu vv. Còn sự khẩn cấp đòi hỏi sự chú ý ngay lập tức. Sự khẩn cấp đòi hỏi hành động ngay bây giờ. Thông thường thì người khác hay những yếu tố bên ngoài mang đến cho ta những công việc khẩn cấp. Những loại công việc này thường làm gián đoạn đời sống chúng ta hơn là đóng góp hay giúp đỡ cho những công việc ưu tiên của chúng ta, thí dụ như một cú điện thoại, một e-mail, một ai đó đang gõ cửa.
           Đứng trước một công việc nào đó, chúng ta thường bị giằng co bởi hai yếu tố là mức độ quan trọng và sự khẩn cấp của công việc đó. Một công việc có thể được xếp vào một những loại sau đây:
           Quan trọng và khẩn cấp: Những loại công việc này cần được đặt hàng ưu tiên cao nhất vì nó mang ảnh hưởng to lớn trên đời sống cũng như đòi hỏi cần phải thực hiện ngay bây giờ. Điển hình như một biến cố lớn lao bất ngờ xảy đến như bịnh tật, tai nạn vv.
           Quan trọng nhưng không khẩn cấp: Những công việc này mặc dầu không đòi hỏi phải thực hiện ngay bây giờ, nhưng cũng cần sắp xếp ở hàng ưu tiên cao. Điển hình như dự định học thêm để thăng tiến hay thay đổi nghề nghiệp cho phù hợp với khả năng và sức khỏe, xây dựng một mối liên hệ hay tình bạn với ai, xem xét lại mục tiêu của đời sống vv. Thông thường, chúng ta bỏ bê các công việc quan trọng nhưng không khẩn cấp, nhưng nếu chần chờ mãi, chúng sẽ thành khẩn cấp và chúng ta phải trả một giá nặng nề.
           Không quan trọng nhưng khẩn cấp: Mặc dầu không quan trọng nhưng vì khẩn cấp nên chúng ta thường bị nhầm lẫn rằng các công việc đó mang một giá trị nào đó. Thí dụ như trả lời điện thoại, hội họp, trả lời e-mail vv. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể tốn hàng giờ để thực hiện những công việc ngoài dự định và không ưu tiên.
           Ông Charles Hummel cũng đề nghị chúng ta nên làm hai danh sách, một danh sách với những công việc quan trọng nhất và một danh sách với những chuyện khẩn cấp nhất, sau đó so lại hai danh sách và đặt ưu tiên cho những công việc nào đứng đầu trong cả hai danh sách. Nên chủ động và sắp xếp thời giờ định kỳ để làm những việc quan trọng là những việc giúp ta đạt được mục tiêu trong đời sống.
           Thánh Kinh có thuật lại một câu chuyện thật thú vị như sau:
           Một ngày kia “Chúa Giê-xu và các môn đệ đi lưu hành, Ngài đến một thành nọ. Có một cô tên Ma-thê mời Ngài vào trọ nhà cô. Ma-thê có một em gái tên Mari, hay ngồi dưới chân Chúa Giê-xu để nghe Ngài dạy. Nhưng Ma-thê mãi lo bận rộn công việc trong nhà. Cô đến thưa với Ngài, “Thưa Chúa, Ngài không để ý là Ma-ri đẩy hết công việc cho con làm sao? Xin Ngài bảo nó giúp con một tay.”
           Sau khi nghe lời phàn nàn và sự phân bì của Ma-thê là người tất bật đang lo nấu nướng chuẩn bị thết đãi Chúa Giê-xu, chúng ta hãy nghe Ngài trả lời như thế nào.
           Nhưng Chúa đáp, “Ma-thê ơi, con lo âu và bực dọc nhiều chuyện. Chỉ có một điều quan trọng. Ma-ri đã chọn phần tốt hơn, là phần không ai lấy đi được.”
           Chúa Giê-xu đến thăm hai chị em Ma-thê và Ma-ri và muốn được có thời giờ để trò chuyện và tâm sự với hai người bạn của Ngài. Nếu như điều kiện về thời giờ và phương tiện cho phép, cuộc viếng thăm được kèm theo với một bữa ăn tối thân mật thì thật là tuyệt hảo. Nhưng trong hoàn cảnh của Ma-thê và Ma-ri lúc đó, họ không thể làm được mọi sự, nghĩa là không thể vừa có thời giờ tâm sự với Chúa Giê-xu, vừa chuẩn bị dọn dẹp nấu nướng được. Trong khi Ma-thê chọn làm một công việc phụ nhưng khẩn cấp và đâm ra lo âu và bực dọc, thì Ma-ri chọn phần việc quan trọng hơn là dành thời giờ trò chuyện và tâm sự với Chúa Giê-xu.

           Quý độc giả thân thương,
           Chúng ta chỉ có 24 tiếng mỗi ngày và không thể làm hết mọi sự. Đừng để chúng ta bị rơi vào hoàn cảnh của Ma-thê là “lo âu và bực dọc nhiều chuyện” nhưng hãy giống như Ma-ri là chọn làm “điều quan trọng”, là “phần tốt hơn”.
           Điếu quan trọng là những điều đem đến kết quả lâu dài cho cuộc sống. Dành thời giờ để hướng dẫn con cái trong ngày hôm nay sẽ giúp chúng nó trở thành những con người tốt trong tương lai là chuyện quan trọng. Lo toan tích trữ của cải là những tài sản chúng ta chẳng mang đi được vào cõi đời đời hay dành thời giờ trước khi quá trễ, để nối lại tình bạn với Đấng Tạo Hóa như Ma-ri đã làm, theo bạn thì điều nào quan trọng hơn, đáng làm hơn?
           Cầu chúc quý vị sử dụng một cách khôn ngoan vốn liếng thời giờ đã được Thượng Đế ban cho để đạt đến một đời sống bình an và hạnh phúc.
           (dựa theo “Crunched For Time” by Dr. J. Raymond Albrektson – Plain Truth Magazine; “Freedom From The Tyranny of Urgent”by Charles E. Hummel – Tùng Tri lược dịch – Phát Thanh Hy Vọng)
Tùng Tri lược dịch
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!