Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017

Xuân Tỉnh Thức


Suy niệm Lời Chúa trong năm mới
                          
XUÂN TỈNH THỨC

Cảm tạ Chúa, bởi sự thành tín lớn lao của Ngài, chúng ta kinh qua một năm cũ đầy thách thức và chúng ta đang bước vào mới Đinh Dậu 2017 với niềm tin yêu và hy vọng trong Chúa Cứu Thế. Tôi nghĩ năm Đinh Dậu 2017 cũng là một năm đặc biệt, đáng nhớ: Năm 2017 là năm kỷ niệm 500 năm Cuộc cải chánh giáo hội (1517-2017) nhắc chúng ta nhớ đến tinh thần cải chánh, phục hưng của Martin Luther, đã khai sinh ra Giáo hội Cải chánh (Tin Lành) chúng ta. Thiết nghĩ nếu không có 500 năm Cải chánh Tin lành thì làm gì có 100 năm Tin Lành đến Việt Nam; vì thế tôi thiết nghĩ chúng ta nên có sự kỷ niệm trọng thể để cảm tạ Chúa.

Năm nay là năm Định Dậu - Tết Con gà, cũng nhắc chúng ta nhớ đến Phi-e-rơ với tiếng gà gáy khiến ông tỉnh thức, ăn năn và làm lại cuộc đời. Vì thế tôi muốn gọi Xuân năm nay là Xuân tỉnh thức.

Với tinh thần đó, tôi xin mạo muội làm câu đối Tết để gửi đến gia đình, bạn bè, cùng quí tôi con Chúa trong Hội Thánh như lời chúc đầu xuân. (Những năm gần đây, tôi có khuynh hướng hoài cổ, thích bắt chước người xưa làm thơ, câu đối Tết, nhắc tới chữ Nôm, đùa với chữ nghĩa một chút cho vui chứ không có ý gì khác).

 TẾT ĐINH DẬU AN LÀNH, NHỚ BỈ ĐẮC (PHI-E-RƠ),
 TIẾNG GÀ GÁY SÁNG, DẶN LÒNG TÍN TRUNG, TỈNH THỨC.

節 丁 酉 安 令, 汝 彼 得 㗂 𪃴 嘅 灲,
吲 𢚸 信 忠, 省 識

XUÂN HAI NGHÌN MƯỜI BẢY, KHEN TÍN NGHĨA (LUTHER),
TINH THẦN CẢI CHÁNH, KHAO KHÁT ĐỔI MỚI, PHỤC HƯNG.

春 𠄩 𠦳 𨑮 𦉱, 𠸦 信 義 惺 唇 改 正,
滈 渴 𢬭㵋, 復 興

      Nhân dịp đầu Xuân, xin cùng quí tôi con Chúa suy niệm lời Chúa trong Thư 1 Phi-e-rơ 5:8-11 với chủ đề “Xuân tỉnh thức”.

 TỈNH THỨC LÀ GÌ? TẠI SAO CƠ ĐỐC NHÂN PHẢI TỈNH THỨC?
  • Tỉnh thức
      Động từ tỉnh thức hay thức canh gregoreo [γρηγορέω] trong Tân Ước có nghĩa là đề cao cảnh giác, tập trung chú ý để sẵn sàng đối phó với sự tấn công của kẻ thù. Động từ này bắt nguồn động từ gốc là egreio là chỗi dậy. Từ này được dùng trong Tân Ước khoảng 25 lần.

Tỉnh thức thuộc linh là tỉnh táo, nhạy bén với nhu cầu tâm linh cũng như đề cao cảnh giác trước sự cám dỗ, tấn công của ma quỉ, thế gian, xác thịt. Tỉnh thức tâm linh là khao khát, chờ đợi sự thăm viếng của Đức Thánh Linh để được phục hưng đổi mới. Tại sao Cơ Đốc nhân chúng ta phải luôn tỉnh thức?

  • Sự tấn công của ma quỉ (c.8)
“Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được.”

Cơ Đốc nhân phải luôn luôn đối diện một chiến trận thuộc linh với ma quỉ, thế gian và xác thịt. Vì thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức đối phó. Kinh Thánh cho biết kẻ thù của chúng ta là ma quỉ như sư tử gầm thét đang rình mò chung quanh chúng ta. Ma quỉ cũng rất tinh khôn, dùng trăm mưu, nghìn kế để cám dỗ, tấn công chúng ta. Vì thế, Kinh Thánh dạy chúng ta phải “mang mọi khí giới của Đức Chúa Trời để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ” (Ê-phê-sô 6:11). Kinh Thánh cũng cảnh báo trong ngày cuối cùng rằng:
“Vì ma quỉ biết thì giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi” (Khải Huyền 12:12b). Tuy nhiên Lời Chúa dạy chúng ta phải chiến thắng nó “đừng để cho quỉ Sa-tan thắng chúng ta, vì chúng ta chẳng phải là không biết mưu chước của nó” (2 Cô-rinh-tô 2:11).

          Thật vậy, bài học đầu tiên mà chúng ta phải học và thực hành trong năm mới này là tỉnh thức tâm linh. Nếu không tỉnh thức, chúng ta sẽ thất bại khi ma quỉ tấn công chúng ta như Phi-e-rơ. Vì thế, trong vế đầu của câu đối Tết của tôi năm nay là:

 TẾT ĐINH DẬU AN LÀNH, NHỚ BỈ ĐẮC (PHI-E-RƠ),
 TIẾNG GÀ GÁY SÁNG, DẶN LÒNG TÍN TRUNG, TỈNH THỨC.

  • Sự yếu đuối của xác thịt (Ma-thi-ơ 26:41)
“Hãy thức canh và cầu nguyện, kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối.”

 Trong chiến trận thuộc linh này, ngoài chiến đấu với ma quỉ, chúng ta còn phải chiến đấu với hai đồng minh thân cận của nó là xác thịt và thế gian. Tính xác thịt là kẻ thù thường xuyên ở trong con người mà chúng ta phải luôn tranh chiến với nó. Lời Chúa phán “Vậy tôi nói rằng: Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt. Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt; hai bên trái nhau dường ấy, nên anh em không làm được điều mình muốn làm” (Ga-la-ti 5:16-17). Ga-la-ti 6:19-21 cũng liệt kê 15 tội của xác thịt luốn tấn công chúng ta. “Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: Ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: Hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời.”

  • Ngày của Chúa đã gần kề (1 Phi-e-rơ 4:7)
“Sự cuối cùng của muôn vật đã gần; vậy hãy khôn ngoan tỉnh thức mà cầu nguyện” (1 Phi-e-rơ 4:7).

Kinh Thánh luôn luôn nhắc nhớ con dân Chúa phải tỉnh thức mà trông chờ ngày Chúa tái lâm. Chúa Giê-xu cũng luôn luôn cảnh báo Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến (Ma-thi-ơ 24:42).

Ngày của Chúa càng gần, ma quỉ càng lộng hành “giận hoảng” tấn công chúng ta. Vì thế, con dân Chúa càng phải tỉnh thức nhiều hơn.

TỈNH THỨC NHƯ THẾ NÀO? PHẢI LÀM GÌ?

  • Tỉnh thức với tinh thần tiết độ, khôn ngoan và sẵn sàng
       Tỉnh thức luôn đi đôi với tiết độ, tự chế, kỷ luật. Một đời sống tỉnh thức thì không thể sống phóng túng, buông thả vào tình dục, tội lỗi được.

Tỉnh thức cũng đi đôi với sự khôn ngoan, sáng suốt và sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Chúa Giê-xu khi dạy về ngày Chúa tái lâm đã nhắc nhở “Vậy, hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá độ, sự say sưa và sự lo lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình lình trên các ngươi như lưới bủa” (Lu-ca 21:34).

  • Tỉnh thức và chiến đấu trong sự cầu nguyện
          Tỉnh thức luôn đi đôi với sự cầu nguyện. Chúa nhắc nhở Phi-e-rơ và các sứ đồ trong vườn Ghết-sê-ma-nê rằng “Hãy thức canh và cầu nguyện để các người khỏi sa vào chước cám dỗ của ma quỉ…” Thánh Phao-lô cũng nhắc nhở tín hữu Cô-lô-se rằng “Phải bền đỗ và tỉnh thức trong sự cầu nguyện, mà thêm sự tạ ơn vào” (Cô-lô-se 4:2). Vũ khí quan trong và kỳ diệu mà Chúa ban cho chúng ta để chiến đấu với kẻ thù là sự cầu nguyện. Nhờ sự cầu nguyện mà chúng ta có quyền năng, sức mạnh tâm linh để chiến thắng trong mọi nghịch cảnh.

Tôi rất thích và luôn nhớ câu nói của Mục sư Tiến sĩ Billy Graham trong bài giảng ở Hội nghị Amsterdam 2000 “Có nhiều điều tôi chưa hiểu hết về sự cầu nguyện; có nhiều điều tôi chưa hiểu hết về quyền năng của Đức Thánh Linh, nhưng điều mà tôi biết chắc chắn là hai việc này có liên quan mật thiết với nhau.”

Cầu nguyện là thứ vũ khí kỳ diệu và hiệu nghiệm giúp chúng ta đắc thắng kẻ thù, vì thế mà Phao-lô kêu gọi “Vậy, hỡi anh em, nhờ Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, và nhờ sự yêu thương sanh bởi Đức Thánh Linh, tôi khuyên anh em phải cùng tôi chiến đấu trong những lời cầu nguyện mà anh em vì tôi trình cùng Đức Chúa Trời” (Rô-ma 15:30).

  • Đứng vững trong đức tin mà chống cự ma quỉ.
      “Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự nó, vì biết rằng anh em mình ở rải khắp thế gian, cũng đồng chịu hoạn nạn như mình.”
Chúng ta phải đứng vững trong đức tin để chống cự ma quỉ. Nhưng “đứng vững trong đức tin” có nghĩa gì? Nghĩa là chúng ta phải đứng vững trong vị trí đắc thắng trong Chúa Giê-xu là Đấng đã đắc thắng. Chúng ta cần nhớ rằng ma quỷ đã bị Chúa Giê-xu đánh bại tại thập tự giá rồi và Ngài ban sự đắc thắng đó cho chúng ta. Vì thế, chúng ta phải đứng ở vị trí đắc thắng, nhân danh Chúa mà chiến đấu với nó. Câu chuyện Môi-se chiến thắng dân A-ma-léc là bài học sống động cho chúng ta về sự cầu nguyện đứng ở vị trí đắc thắng: Trong khi Giô-suê và quân lính chiến đấu với quân A-ma-léc thì Môi-se đứng ở đầu nỗng cầm gậy giơ lên để cầu nguyện với thẩm quyền Chúa ban và nhờ đó dân Y-sơ-ra-ên đã chiến thắng (Xuất Ê-díp-tô Ký 17:8-16).

      Dưới sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh và với tất cả kinh nghiệm của một người đã từng kinh qua những cám dỗ, tấn công của ma quỉ, thánh Phi-e-rơ đã viết những lời quí báu về sự tỉnh thức để dạy dỗ cho tất cả con dân Chúa. Sau khi nhắc nhở về sự tiết độ và tỉnh thức trước sư tấn công của ma quỉ, Thánh Phi-e-rơ đã kết thúc bằng lời khích lệ chúng ta trong câu 10: “Và sau khi anh em phải chịu khổ ít lâu, Đức Chúa Trời của mọi ân điển, Đấng đã gọi anh em đến vinh quang đời đời của Ngài trong Đấng Cơ Đốc, chính Ngài sẽ phục hồi, củng cố, xây dựng và ban sức lực cho anh em.” [HĐTT]

       Cảm tạ Chúa, mặc dù chúng ta phải kinh qua những cám dỗ, thử thách trong đời sống, Chúa luôn đồng hành với chúng ta và Ngài hứa ban ân điển dư dật để chúng ta đắc thắng và được phước dư dật “chính Ngài sẽ phục hồi, củng cố, xây dựng và ban sức lực cho anh em.” Vì thế, hãy hướng về hành trình năm mới 2017 với tinh thần tỉnh thức, tin yêu và hy vọng nơi “Đức Chúa Trời của mọi ân điển” và phước lành với tất cả niềm tin yêu và hy vọng nơi Ngài. A-men.

Trịnh Phan
Xuân Định Dậu 2017

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!