Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Năm Mới Niềm Vui Mới


                Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất của người Việt Nam. Chữ "Tết" đến từ chữ "Tiết". Chữ "Nguyên" có nghĩa là sự khởi đầu, và chữ "Đán" có nghĩa là buổi sáng sớm.
                 Kinh tế nước ta ngày xưa phần lớn dựa vào nông nghiệp, và do nhu cầu canh tác, ông bà ta đã phân chia thời gian trong năm làm 24 khoảng thời gian khác nhau. Khoảng thời gian nầy được gọi là “tiết”. Thời gian quan trọng nhất của năm, là lúc bước vào năm mới sau đêm giao thừa, là buổi sáng sớm, nên gọi là "Tiết Nguyên Đán", đọc trại ra thành Tết Nguyên Đán.
                 Đồng bào ta tin rằng ngày Tết được bắt đầu bằng sự tươi mới. Mọi thứ đều phải mới, phải đổi khác, từ ngoại vật cho đến lòng người, vì vậy khoảng mươi ngày trước Tết, đồng bào ta thường sơn nhà cửa bằng những lớp sơn mới, người nào cũng tất bật đi sắm sửa quần áo mới cho mình, cho con cái mình để mặc trong ba ngày tết. Trong những ngày đầu năm nầy, đồng bào ta kiêng cữ từ lời ăn tiếng nói, từ tâm tư đến tình cảm, cố không nóng giận, cãi lẫy. Tết là dịp để mọi người sống tử tế với nhau, hàn gắn những rạn nứt, đổ vỡ. Người người đi thăm viếng nhau và chúc nhau những lời chúc đầy ý nghĩa. Trẻ con sau khi mừng tuổi, chúc Tết người lớn thì được lì xì bằng những phong bì đỏ thắm có đựng tiền để chúng tiêu xài rộng rãi trong ba ngày Tết.
                 Tết cũng là dịp để mọi người ôn cố tri tân, ôn lại việc cũ của năm qua và hướng về những gì mới mẻ trong năm mới, với những đường hướng mới hiệu quả hơn. Sự khởi đầu mới được thể hiện qua hình thức dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa. Hoặc làm mới lại về phần tình cảm và tinh thần của con người, để mối liên hệ với thân nhân bạn hữu càng ngày càng khắng khít hơn, để cảm thông với nhau hơn, để tinh thần thoải mái, thanh thản hơn. Người lớn cũng như trẻ con đều tắm rửa gội đầu sạch sẽ, mặc quần áo mới may trông thật bảnh bao. Bao nhiêu mối nợ nần cần được thanh toán trước khi bước qua năm mới để xả xui hay để tạo một sự tín nhiệm nơi người chủ nợ. Nhìn lại bản thân mình, những ưu phiền, cay đắng để qua một bên, ít nhất là trong ba ngày Tết, nhờ vậy mới có thể tươi cười, hòa nhã với mọi người. Nhờ sự khởi đầu tốt nầy với sự cẩn trọng trong lời nói, lịch thiệp trong giao tế sẽ khiến cho cả năm vui sống với mọi người. Đồng bào ta tin rằng những ngày Tết vui vẻ đầu năm sẽ báo hiệu một năm mới tốt đẹp và đầy hứa hẹn đến với mình.
                 Ngày Tết cũng là ngày mừng sinh nhật của mọi người bởi vì ai cũng được thêm một tuổi. Trẻ con mừng tuổi người lớn, cầu chúc ông bà cha mẹ được mạnh khỏe sống lâu. Chúng được người lớn tặng tiền và tặng những lời chúc tốt đẹp như chóng lớn và ngoan ngoãn, học giỏi.
                 Riêng những bạn trẻ, những nam thanh nữ tú trong lứa tuổi lập gia đình lại thích chọn ngày Tết để làm đám cưới. Như bài hát Đám Cưới Đầu Xuân của Trần Thiện Thanh, người nhạc sĩ đã nói lên nỗi ước mơ thầm kín của đôi trẻ yêu nhau: "Rồi một ngày kia em khoe áo mới xanh hơn mây trời. Hai đứa chung vui khi xuân vừa tới thơ ngây cuộc đời. Trò chơi trẻ con, em cô dâu mới chưa nghe nặng sầu. Chú rể ngẩn ngơ ra hái hoa cà làm quà cưới cô dâu."
                 Ngày Xuân đã là ngày vui mà lại được làm đám cưới thì niềm vui ấy sẽ gia tăng, khiến cho đôi uyên ương hưởng trọn niềm vui trong tình nghĩa vợ chồng. Thánh sử ký thuật lại một đám cưới tại một ngôi làng nhỏ, tại nước Do Thái, 2000 năm trước: "Cách ba ngày sau, có đám cưới tại thành Ca-na, trong xứ Ga-li-lê, mẹ Đức Chúa Jesus có tại đó. Đức Chúa Jesus cũng được mời đến dự đám với môn đồ Ngài." (Giăng 2:1-2)
                 Thời gian được đề cập ở đây là ngày thứ ba. Ngày này được phỏng chừng vào khoảng cuối tháng Hai hoặc đầu tháng Ba của năm 27 sau Chúa Giáng Sinh. Điều rất đặc biệt ở đây là sử gia Giăng đề cập đến thứ tự thời gian và nơi chốn rất cẩn thận. Như vậy đám cưới ở đây rất có thể đã xảy ra vào cuối đông sắp sang xuân của dân tộc Do Thái.
                 Sở dĩ Ma-ri, người mẹ về phần xác của Chúa Jesus khi Ngài giáng thế trong hình hài và thể xác con người, có mặt tại đó vì rất có thể bà có sự liên hệ bà con với đôi uyên ương nầy, hay ít nhất bà cũng có sự liên hệ đối với một người trong gia đình họ. Điều quan trọng nhất của đám cưới nầy là một trong những khách mời đến dự tiệc cưới là Chúa Jesus. Thánh sử cho biết: Khi rượu nho đã hết, mẹ Chúa Giê-xu nói với Ngài: “Họ đã hết rượu rồi.” Chúa Giê-xu đáp: “Thưa mẹ, việc ấy có liên hệ gì đến chúng ta? Thời điểm của con chưa đến.” (Giăng 2:3)
                 Qua câu trả lời nầy, Chúa muốn nói rằng Ma-ri chỉ là mẹ Chúa Jesus về phần xác. Đức Chúa Trời đã dùng bà là người được ơn hơn tất cả người nữ, nhận lấy sứ mạng đem Con Trời vào trần thế. Trong một phương diện khác, Chúa Jesus chính là Đức Chúa Trời Ngôi Hai, Ngài phải thực hiện chỉ bảo của Cha Ngài ở trên trời. Mẹ Ngài nói với những người phục vụ rằng: “Hãy làm theo những gì Ngài bảo.” (Giăng 2:4)
                 Thưa quý vị, Vào thời gian đó, rượu được xem như là một món trong những thức ăn uống. Tuy nhiên, không có chuyện say sưa. Hành động say xỉn trong tiệc cưới bị nghiêm cấm, người nào vi phạm sẽ bị quở trách. Trong tiềm thức của những thực khách đến dự tiệc, ý nghĩ về việc uống rượu để rồi say sưa, hoàn toàn không có ở đây. Lúc đó, đám cưới được xem như là một ngày đặc biệt thuộc về tôn giáo và những người tham dự hoặc người tổ chức là những người có niềm tin vào Đức Chúa Trời và sống theo lời dạy của Ngài.
                 Trở lại tiệc cưới, đang lúc mọi người người chung vui với nhau qua những ly rượu mừng, những lời chúc tụng, mừng ngày thành hôn của đôi uyên ương thì rượu trong những chiếc bình đã cạn. Cuộc vui của hôn lễ nầy sẽ dừng lại nửa chừng nếu ban tổ chức không có hướng giải quyết. Nhưng hạnh phúc thay cho họ vì Chúa Jesus là Chúa của nguồn vui đang ở với họ.
                 Trước thời điểm đó 30 năm, trong đêm Chúa giáng trần, một thiên thần của Chúa đã loan báo cho các mục tử đang thức đêm canh giữ bầy chiên: Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các anh một tin lành. Tin này sẽ đem lại niềm vui lớn cho mọi người. Đêm nay, Chúa Cứu Thế, Đấng Cứu Tinh của nhân loại đã ra đời tại thành Đa-vít. (Lu-ca 2:10-11)
                 Chúa giáng trần để đem niềm vui đến cho nhân loại. Thánh Kinh cho biết
                 Chúa sẽ chỉ cho tôi biết con đường sự sống; 
                 Chúa hiện diện là niềm vui tuyệt đỉnh, 
                 Gần bên Chúa là thích thú muôn đời. (Thi Thiên 16:11)
                 Khá nếm thử xem Chúa Hằng Hữu tốt lành dường bao! 
                 Phước cho người nào nương náu mình nơi Ngài! (Thi Thiên 34:8)
                 Đến đây xin quý vị xem cách giải quyết của Chúa: Tại đó có sáu cái chum bằng đá dùng vào việc tẩy sạch theo lễ nghi Do Thái, mỗi chum chứa bảy mươi đến một trăm lít. Chúa bảo những người hầu bàn: “Các ngươi múc nước đổ cho đầy mấy chum đó!” Họ vâng lời, xách nước đổ đầy tới miệng. (Giăng 2:6-7)
                 Chum nước bằng đá ở đây giống như lu đựng nước ở Việt Nam. Các chum đá này được dùng trong nghi thức rửa sạch cho người Do Thái. Bởi vì đây là một gia đình nghèo, những chum đá nầy chắc bị sứt mẻ và bị đẩy vào cái góc nào đó ở sau hè. Gia đình hy vọng rằng khi những người khách đến dự tiệc cưới không ai chú ý đến chúng nó. Chắc là Chúa Jesus làm cả nhà cảm thấy ngượng ngùng khi Ngài bảo họ mang những chum đá đó ra. Kế đó Ngài bảo họ làm đúng theo cách thức mà Ngài chỉ dẫn, bảo họ đổ nước đầy tới miệng. Chúa lại bảo: “Bây giờ các ngươi múc ra, đem cho người chủ tiệc!” Chủ tiệc nếm nước đã biến thành rượu nho, không biết rượu này lấy từ đâu (dù các người hầu bàn đều biết rõ), nên gọi chú rể mà khen: “Ai cũng đãi rượu ngon trước, sau khi người ta uống nhiều rồi, thì kế đến rượu vừa vừa. Còn ngươi, ngươi lại giữ rượu ngon đến bây giờ. Việc xảy ra tại làng Ca-na, xứ Ga-li-lê, là phép lạ đầu tiên của Chúa Jesus, Chúa tiết lộ quyền năng siêu nhiên của Ngài nên các môn đệ tin Ngài là Chúa Cứu Thế. (Giăng 2:8-11)
                 Thưa quí vị, đây là một điều hết sức lạ lùng. Chúa lấy những cái chum đá trống không rồi đổ nước đầy vào. Sau đó khi họ múc nước ra thì phép lạ đã xảy ra. Khi họ múc nước để đãi khách thì nước đã biến thành rượu.
                 Khi suy nghĩ đến điều nầy tôi chợt nghĩ về đời sống chúng ta, u buồn và lạnh lẽo chẳng khác nào những chum bằng đá kia. Nhưng khi Chúa ngự vào cuộc đời ta được thay đổi, được nở hoa, Mục Sư Bác sĩ Lê Ngọc Vinh đã sáng tác nhạc với lời như sau:
                 Khi Jesus vô lòng như hoa xuân tưng bừng với khúc hát hoan ca, 
                 Tiêu tan bao ưu sầu không lo toan nghi ngờ lúc Chúa ngự trị cõi lòng ta.
                 Thưa quý vị, Một khi Chúa dùng chúng ta, Ngài tuôn tràn sự sống ngài vào trong chúng ta, khi múc ra, nước đã biến thành rượu thượng hạng. Rượu nầy biểu tượng cho sự vui mừng.
                 Sau bao năm theo Chúa và hầu việc Ngài, tôi từng chứng kiến được nhiều đời sống được thay đổi khi họ lắng nghe Lời Chúa và làm theo. Có vị mục sư kể lại một việc như sau: Nhiều năm trước đây, có một cặp vợ chồng được Chúa cứu khỏi hộp đêm. Vị mục sư kia gặp họ và thuật lại cho họ về phép lạ Chúa biến nước thành rượu. Kể chuyện xong, vị mục sư nói “Anh chị và tôi đến với Chúa, Ngài không tiếp nhận bất cứ điều gì nơi chúng ta, ngoại trừ chúng ta là những tội nhân. Chúng ta chẳng khác nào chum đựng nước sau khi được Chúa dùng đã trở thành rượu của sự vui mừng trong chính đời sống mình và sẽ mang lại niềm khao khát và sự vui thỏa trong đời sống cho những ai tin và tiếp nhận Chúa. Đôi vợ chồng nầy hiểu được ý của mục sư và làm theo lời dạy của Chúa. Nhiều năm sau đó khi mục sư ấy có dịp gặp lại họ, thấy được sự ngọt ngào niềm vui trào dâng trong đời sống của họ.
                 Thưa quý vị loài người chúng ta sở dĩ phải sống trong u buồn tuyệt vọng là vì tội lỗi. Chính tội lỗi đã phân cách chúng ta khỏi Nguồn vui là Chúa Cứu Thế Jesus, khiến chúng ta cảm thấy cuộc đời là khổ ải, là bách niên bi, là vạn cổ sầu. Sự sầu khổ giết lần giết mòn đời sống ta như một thi nhân than thở rằng:
                 "Giết người chẳng bởi lưu cầu, 
                 Giết người bằng cái ưu sầu mới ghê!"
                 Quý vị biết vì sao đời sống con người vui ít buồn nhiều như lời than thở của một nhà văn nước ta “Hơn nửa đời người mà chẳng thấy một ngày vui”. Câu trả lời là vì mọi người đã phạm tội. Chính tội lỗi đã phân cách loài người của Đức Chúa Trời, là nguồn vui, nguồn sống và nguồn phước hạnh: "Này, tay Chúa không phải ngắn quá, mà không cứu được. Chúa chẳng nặng tai, mà không nghe được lời cầu nguyện đâu. Nhưng tội lỗi ngươi đã đào hố thẳm giữa ngươi với Chúa; gian ác ngươi đã che lấp đến nỗi ngươi không thấy mặt Ngài, và Ngài không thể nghe tiếng ngươi cầu nguyện." (Ê-sai 59:1-2)
                 Nhưng vì Đức Chúa Trời yêu thương loài người, đã ban cho con người Chúa Cứu Thế Jesus, Ngài đã đến để tiêu diệt tội lỗi bằng cách chết thế tội cho chúng ta. Những ai tiếp nhận Chúa, tin vào sự hy sinh của Chúa sẽ được tha thứ mọi lội lỗi, được tiếp nhận vào thiên đàng, được phục hồi địa vị Thiên tử và sống trong niềm vui thực sự, được nếm trước hương vị của thiên đàng ngay khi còn sống trên trần gian.
                 Vào thế kỷ thứ mười tám, có một tử tội sắp bị đem ra pháp trường hành quyết. Bạn của tử tội nầy đã đột nhập vào ngục thất. Anh ta bảo bạn mình hãy cởi chiếc áo tù và trao chiếc khăm trùm đầu cho anh ta. Vì hai người cùng kích thước cho nên cuộc trao đổi y phục xảy nhanh chống. Người tử tội được tay trong đem ra ngoài, trở về đoàn tụ với gia đình vợ con. Còn người bạn ngồi chờ chết trong tử ngục. Sau đó không lâu anh ta gặp một nữ tử tội, cô ta nhận ra đây không phải là người tử tội vì đôi mắt của anh rất to. Anh không phải tử tội, sao anh lại phải vào đây? Người lạ mặt nầy lấy tay làm hiệu xin cô nói nhỏ. Tôi tình nguyện chết thay cho bạn tôi vì anh ấy có vợ con đang ngày đêm mong đợi anh về. Cô gái nầy không cầm được sự xúc động. Anh ơi! xin anh cho phép tôi nắm tay anh để tôi hưởng được phước hạnh của một người được anh chết thế.
                 Thưa quý vị nữ tử tội nầy tuy không được người ấy chết thế, nhưng cũng xúc động và bày tỏ lòng cảm phục mong được nắm tay một người có tâm hồn cao cả đó. Trong khi Chúa Cứu Thế Jesus vì yêu chúng ta, vì muốn đem nguồn vui đến cho chúng ta, muốn đem cả thiên đàng tặng cho chúng ta mà đã phải hy sinh tánh mạng, chết thế tội cho mỗi chúng ta, một cái chết thật đớn đau và nhục nhã.
                 Rất mong trong giờ nầy quý vị cảm nhận được tình yêu và sự hy sinh của Ngài. Dâng lên Ngài cả tâm lòng biết ơn. Rất mong năm mới nầy quý vị nhận được niềm vui mới bằng cách tiếp nhận Chúa Jesus, là Cứu Chúa của nhân loại, là Chúa của nguồn vui bất tận vào đời sống ngay giờ nầy.
                 Kính chào quý vị và các bạn.
 
Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!