Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

Những Kẻ Khốn Cùng


               Kính thưa quý độc giả,

               Tác phẩm Les Miserables của đại văn hào Victor Hugo, đã được dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Những Kẻ Khốn Cùng”, là một bài ca khải hoàn về tình yêu vô biên của Thượng Đế đã vượt thắng trên tình trạng tội lỗi tuyệt vọng của mỗi con người chúng ta.

               Câu chuyện nói về cuộc đời của Jean Valjean, một tù nhân bị tống giam trong ngục Toulon mười chín năm trường, bốn năm vì tội ăn cắp bánh mì cho em gái và gia đình đang đói, và mười bốn năm vì đã nhiều lần toan vượt ngục. Sau khi mãn hạn tù, Jean được thả ra nhưng phải mang giấy thông hành màu vàng, đánh dấu quá khứ tù tội của anh. Vì bị nhận diện từng là tù nhân, Jean đã bị nhà trọ từ chối, khiến anh phải ngủ ở lề đường. Điều này càng nung nấu nỗi cay đắng căm hờn trong anh. May mắn thay, một vị giám mục tốt bụng đã đưa anh về nhà và cho anh có nơi nương náu. Tuy vậy, trong khi ở trong nhà của vị giám mục, lòng cám dỗ lại nổi lên, không sao cưỡng lại được lại, xui khiến Jean ăn cắp đồ quý bằng bạc của vị giám mục và bỏ trốn trong đêm. Khi Jean bị viên thanh tra cảnh sát Jauvert tóm được, anh đã chối quanh là vị giám mục đã tặng anh ta những đồ bạc này. Viên thanh tra Jauvert đã mang anh ra trước vị giám mục và Jean Valjean đang chờ đợi những lời xác định của vị giám mục để đưa anh trở lại ngục giam cho đến mãn đời. Tuy vậy, cả cuộc đời khốn đốn, vào tù ra khám của anh, Jean không ngờ mình có thể nghe được những lời nói sau đây từ miệng vị giám mục:

               “Anh Jean, anh lầm lẫn rồi”. Vị giám mục nói với Valjean “Tất nhiên những đồ bạc này là món quà tôi tặng anh. Nhưng đó chỉ là một phần thôi. Anh đã quên cái phần quý giá nhất. Anh đã quên không cầm theo hai cái chân đèn bằng bạc”

               Jean Valjean chờ đợi lời kết án mà anh ta đáng phải nhận lãnh. Nhưng thay vì bị lên án, Jean hoàn toàn sửng sốt vì ân sủng tuyệt vời. Trước đó anh biết chắc mình phải đối diện với tù tội và nghèo đói, nhưng trong khoảng khắc cuộc đời anh bỗng trở nên tự do, rộng mở và dư dật. Trước khi Valjean bước chân ra đi, vị giám mục nói với anh “Anh Jean à, anh đừng bao giờ quên giây phút này trong đời anh. Linh hồn và đời sống anh đã được mua chuộc lại rồi. Anh không còn là của chính mình nữa. Từ giờ trở đi, anh thuộc về Thượng Đế”.

               Chính bởi ân sủng này đã hoàn toàn thay đổi đời sống và con người của Jean. Anh quen với một cô gái nghèo bị mất việc, phải trở thành gái giang hồ bất đắc dĩ để kiếm sống nuôi con. Chẳng may, cô này mắc bạo bệnh và trong giờ phút lâm chung, cô trăn trối xin Jean chăm sóc cho đứa con gái của mình là Cosette. Jean đã hứa và giữ lời, nhận Cosette làm con nuôi, tận hiến cuộc đời để chăm sóc và nuôi nấng Cosette cho đến ngày lớn khôn. Sau đó, Jean cũng đã liều mình để cứu sống người yêu của Cosette, bảo toàn hạnh phúc cho con, cho dầu những chuyện làm của Jean có thể khiến anh bị lộ tông tích tù tội trong quá khứ và buộc phải sống những ngày còn lại trong cô quạnh và hất hủi.

               Quý độc giả thân mến,

               Ngược với hình ảnh của Jean Valjean là viên thanh tra cảnh sát Jauvert, một người trung thành tuyệt đối với pháp luật. Phải loại bỏ khỏi xã hội này nạn trộm cắp, cướp giật, phỉnh gạt, tham nhũng cũng tất cả những tệ đoan tương tự như vậy. Jauvert tận hiến cả cuộc đời để xây đắp một xã hội tuyệt hảo như ông hằng mơ ước. Viên thanh tra cảnh sát này, tự hào với thành tích đạo đức của mình, thành thật tin rằng ông là đại diện của mọi lẽ công bằng và tốt lành. Trong thế giới của Jauvert không có chỗ đứng cho ân huệ hay ân sủng. “Mắt đền mắt, răng đền răng” là châm ngôn hành động của viên thanh tra này. Vì mù lòa trước sự cần thiết của ân sủng, lòng của Jauvert đã trở nên chai đá, đánh mất lòng nhân từ và sự cảm thông với đồng loại.

               Một biến cố bất ngờ đã xảy đến, khiến Jauvert phải đối diện với tình trạng thật của mình, đó là vào năm 1832, khi sinh viên xuống đường biểu tình ở Paris đòi lật đổ chính quyền, viên thanh tra cảnh sát này bị đám sinh viên xuống đường nhận diện và rượt đuổi để xử tử, thì ngay lúc đó Jean đã xuất hiện, liều mình để cứu nguy Jauvert. Đây là điều quá sức chịu đựng cho thanh tra Jauvert, vì với lòng tự hào của mình, ông không thể nào chịu nhận ân huệ từ người khác, nhất là từ Jean là tên tù phạm đã ông khinh ghét và săn bắt cả đời. Sự thật cho thấy, dầu là một viên thanh tra cảnh sát tuân thủ mọi luật lệ như Jauvert hay một tù nhân hèn hạ như Jean Valjean, cả hai đều cần đến ân huệ như nhau không hơn không kém. Không chấp nhận được sự thật này, viên thanh tra Jauvert hoàn toàn tuyệt vọng và đã lựa chọn nhảy xuống dòng sông Seine để kết liễu đời mình sau đó.

               Trong phần kết của tác phẩm “Những Kẻ Khốn Cùng”, từ một tù phạm hèn hạ, đầy hận thù và cay đắng, nhưng bởi ân sủng tuyệt vời, Jean Valjean đã trở nên một con người mới, với tấm lòng rộng mở và trái tim chan chứa yêu thương. Từ tác phẩm bất hủ này, vở nhạc kịch nổi tiếng cùng tên đã được dựng nên, với lời kết như sau: “Yêu tha nhân tức là đã thấy được dung nhan của Thượng Đế”

               Kính thưa quý độc giả,

               Nếu chúng ta xem Cơ-đốc giáo là một tôn giáo, thì Cơ-đốc giáo có điểm gì khác biệt với những tôn giáo khác? Điểm khác biệt duy nhất, đó là chỉ duy Cơ-đốc giáo mới có ân điển.

               Thật vậy, trong tất cả các tôn giáo khác, quy luật bất di bất dịch, đó là một người phải chuyên tâm tu hành, bền chí giữ gìn giới luật, tránh hết mọi điều cấm kỵ, thực hiện cả rừng việc lành, tích trữ cả núi công đức, thì mới có hy vọng được chấp nhận bước vào miền hạnh phúc vĩnh cửu. Ngược hẳn với ý niệm này, Kinh Thánh nhấn mạnh về ân điển, hay nói một cách khác, thiên đàng là món quà tặng không cho con người, dẫu chẳng ai trong chúng ta có đủ tư cách đạo đức hay có thành quả xứng đáng để nhận lãnh cả. Kinh Thánh Tân Ước tràn ngập những lời tự thuật làm chứng của một người mang tên Phao-lô đã được Chúa Cứu Thế Giê-xu biến đổi bằng ân điển và tình thương vô hạn của Ngài.

               Phao-lô xuất thân từ một dòng tộc cao quý, là người thông minh, học thức, rất đạo đức, đầy uy tín và nắm giữ một vị trí quan trọng trong Do-thái giáo, như chính ông có tự thuật rằng: “Tôi chịu thánh lễ cắt bì khi mới sinh được tám ngày; tôi sinh trưởng trong một gia đình Y-sơ-ra-ên chính gốc, thuộc đại tộc Bên-gia-min; tôi là người Do-thái thuần túy; giữ giáo luật rất nghiêm khắc vì tôi thuộc dòng Biệt-lập; xét theo bầu nhiệt huyết, tôi đã khủng bố Hội thánh; xét theo tiêu chuẩn thánh thiện của luật pháp Mai-sen, nếp sống của tôi hoàn toàn không ai chê trách được” (Phil-líp 3:5-6).

               Cũng giống như viên thanh tra Jauvert, Phao-lô rất tự hào về đạo đức và thành quả của mình. Ông thật sự tin rằng mình được Thiên Chúa ưa ái và giao cho sứ mạng phải săn bắt và thủ tiêu những người không tuân theo giáo luật, cho đến một ngày kia Chúa Cứu Thế Giê-xu đã gặp Phao-lô và thay đổi hoàn toàn con người của ông. Phao-lô đã chợt nhận ra rằng những việc lành của mình, dầu có thật đáng kể dưới con mắt loài người, nhưng chỉ là những tấm giẻ rách thối tha trước mặt Thượng Đế. Hơn nữa, công đức hay việc lành chỉ sinh ra lòng kiêu ngạo và ưa xét đoán người khác, trong khi điều quan trọng nhất đối với Thiên Chúa là tỏ ra khiêm nhượng trước mặt Ngài và mang lòng nhân từ cảm thông với đồng loại.

               Trong khi viên thanh tra Jauvert không thể chấp nhận được ân huệ, thì Phao-lô đã bừng tỉnh, nhận ra con người bất toàn của mình trước Thượng Đế. Phao-lô đã tuyên bố “phá sản thuộc linh” và bằng lòng tiếp nhận món quà thiên đàng từ Chúa Cứu Thế Giê-xu, như ông có tâm sự: “Tôi trút bỏ tất cả, kể như vô giá trị, cốt để được Chúa Cứu Thế, được liên hiệp với Ngài - không còn ỷ lại công đức, đạo hạnh của mình - nhưng tin cậy Chúa Cứu Thế để Ngài cứu rỗi tôi. Đức tin nơi Chúa Cứu Thế làm cho con người được tha tội và coi là công chính trước mặt Thượng Đế.” (Phi-líp 3:8-9)

               Quý độc giả thân mến,

               Trong khi tất cả chúng ta chẳng ai là vô tội trước Đấng Tạo Hóa và xứng đáng với hình phạt đời đời, thì Thiên Chúa Ngôi Hai, đã tự nguyện giáng trần cách đây khoảng 2000 năm, trong một con người mang tên Giê-xu, bằng lòng chịu chết trên cây thập tự, lãnh món nợ tội cho muôn người, trong đó có quý vị và tôi.

               Chúa Cứu Thế đến trần gian, không phải để định tội, nhưng để cứu vớt loài người ra khỏi bản án phạt khủng khiếp không sao tránh khỏi.

               Không bởi việc lành, công đức, nhưng quý vị và tôi, chỉ cần tin vào sự chết thế của Con Trời mà được xóa bôi mọi tội lỗi, được trở về với Đấng tạo dựng ra mình trong nơi phước hạnh muôn đời.

               Đứng trước tình thương vô biên của Thiên Chúa và ân sủng diệu kỳ của Chúa Cứu Thế Giê-xu, quý vị và các bạn quyết định như thế nào?

               Ước mong chúng ta đừng như viên thanh tra Jauvert, mù lòa trước hiện trạng của mình trước mặt Đấng Tạo Hóa, nhưng lại giống như Jean Valjean hay Phao-lô, đưa tay ra đón lấy ân điển diệu kỳ ấy, để được tha thứ trọn vẹn, được biến đổi trở nên một con người mới, sẵn sàng cho chốn thiên đàng ngập tràn yêu thương và phước hạnh.

               Thân chào quý vị và các bạn.


Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!