C h ư ơ n g T h ứ T ư
C á c N g h ề N g h i ệ p
"Bàn tay Danh dự là một cái cân. Đường nào cũng dẫn đến cối xay lúa."
Tục ngữ xứ Sy-ri.
Một cảnh tượng sướng mắt hơn hết trong cuộc gia đình sinh hoạt chính là xem đứa trẻ thức dậy một cách tỉnh táo và đột nhiên, và lấy làm vui thỏa vì đêm tối đã qua và bước sang một ngày mới. Cuộc sinh hoạt trong các thành phố ở phương Đông cũng bày ra một đặc sắc ngây thơ như thế. Lúc hừng đông, các ngôi sao vụt biến mất trong ánh sáng càng lâu càng lộ ra; và vừa lúc mặt trời mọc, thì các công việc hằng ngày đã bắt đầu rồi. Người thức dậy trước nhất là các thợ làm bánh: họ nướng bánh để đem ra ngoài phố bán với sữa nóng cho những người đi làm sớm. Những kẻ phải chăn ngựa, la, lừa và lạc đà ruỗi người ra và thức dậy, mặc áo sẵn sàng để dọn đồ ăn cho các súc vật đương nhẫn nại chờ đợi. Những người làm công đem theo đồ dùng hay là không đem theo gì cả, bắt đầu hội họp ở nơi nhứt định, chào hỏi nhau và chờ người đến thuê. Dân lao động ở ngoài châu thành, hoặc đi bộ, hoặc cỡi lừa. Ta nghe tiếng cái đe kêu chan chát, tiếng gõ của người thợ làm thùng, tiếng quay của cái bánh xe ở giữa sân làm thừng (dây), rồi tiếng vặn ống khóa ken két khi người A-rạp mở cửa hàng. Ngày mới ồn ào, tưng bừng, bận rộn bắt đầu như vậy đó. Vừa khi mặt trời lặn thì công ngừng ngay, các cửa hàng đóng lại, phố xá vắng tanh, và thành phố chìm vào sự yên nghĩ và lặng lẽ của một đêm khác (Thi Thiên 104:23).
Người Bédouins chuyên nghề chăn chiên kinh ngạc, sửng sốt khi bước vào thành phố và thấy cách sinh hoạt khác hẳn cách sinh hoạt của mình. Những sự nhu cầu của người rất ít và giản dị biết bao; đồ ăn, quần áo và đồ dùng làm việc phần nhiều do chính tay người và tay vợ con, anh em người làm ra. Nhưng ở thành phố mỗi nghề nghiệp có một phố riêng hoặc một khu chợ riêng; thợ làm thùng, thợ bạc, kẻ bán thóc lúa, gỗ, rau, thịt chiên, vải, thợ đóng giày và làm đệm, đều phối họp với nhau, mỗi nghề có riêng một chỗ. Khi sự sinh hoạt thêm phiền phức, thì luôn luôn có sự nỗ lực và sự phát triển tài khéo đặc biệt.
Các công nghệ ở phương Đông đáng chú ý ở chổ tài khéo được bày tỏ trong sự dùng những khí cụ đơn giản, và công việc tốt nhứt lại do những máy móc thô lỗ. Lịch sử các công nghệ ở phương Đông là một lịch sử của những tay thợ chuyên môn hơn là những phương pháp cải thiện. Bàn tay mềm mại, bức vẽ dễ dàng, con mắt tinh tường để nhận thấy vẽ cân đối và sự tự nhiên biết trước hình nào sẽ ra sao, mọi sự đó phần nhiều do những nghiệp đoàn đời xưa; trong những nghiệp đoàn ấy cha con thường cùng làm một nghề, cứ truyền tử lưu tôn, hết đời nọ sang đời kia. Còn như làm cho nghệ thuật hoàn hảo hơn, thì một bí mật của nhà nghề cũng là một bí mật của một gia đình, và người ta hết sức giấu giếm. Mối lợi riêng đó thật lợi cho gia đình ấy, nhưng nguy hiểm cho quần chúng, vì ngày nay ta thấy nhiều nghề bí mật đã bị quên mất rồi (thí dụ như nghề sơn theo lối cổ, cùng nghề tôi thanh đồng).
Mới đây trong xứ có tiếp xúc với máy móc và cách chế tạo của Âu châu, nên có thêm một vài nghề mới, và những nghề cũ cũng thay đổi ít nhiều. Ở xứ Pha-lê-tin và xứ Sy-ri cũng như ở mọi nơi khác, nghệ thuật chẳng phải vì nghệ thuật mà thôi, nhưng cũng còn vì mối lợi có thể do nghệ thuật mà được. Đó là trách nhiệm về phần tinh thần mà các công cuộc sáng chế phải chịu. Bấy giờ người phương Đông ham thích các thuốc nhuộm lộng lẫy và nhạt chế bằng chất phẩm tử (aniline) của người phương Tây, cũng như người phương Tây ham thích những màu sắc dồi dào và bền bĩ của vải và thảm do người phương Đông làm ra. Công nghệ quan trọng mà ngày nay thiếu hẳn chính là nghề làm hình tượng. Có lẽ ta thấy dấu tích cuối cùng của nghề ấy ở các đền và đồ thờ bằng bạc do tín đồ Hội kia dâng vào các nhà thờ Chúa và nhà thờ các thánh, và ở các ngọn nến to lớn trên bàn thờ mà mặt trời xứ Sy-si không rọi tới.
Bấy giờ chúng ta hãy chú ý đến một vài công nghệ và kỹ nghệ; làm vậy, chúng ta sẽ ngạc nhiên vì thấy là hợp vNê-hê-mi nhiều đoạn trong Kinh Thánh, và những điển cố ấy sẽ có hứng thú và bổ ích cho mình là dường nào.
1. Dệt, nhuộm và thêu.-
(1) Nghề dệt.- Còn theo cách thức giản dị hơn hết trong những người đã bắt đầu dệt trước hết, tứ là những người chăn chiên nay đây mai đó, gọi là người Bédouins. Người đàn bà Bédouin cặp một mớ lòng dê nơi cánh tay, kéo một túm ra và buộc vào một tảng đá. Nàng quây sợi và dần dần thêm lông dê vào. Như vậy, nàng được một thứ sợi không đều đặng lắm, một thứ dây tết, sau dệt thành vải lông dê, dùng làm túi đựng thóc cho lừa, ngựa, lạc đà, và làm túi đựng lúa mì và bột. Còn vải lông dê rộng hơn thường thì họ nối lại với nhau để làm những "nhà bằng lông" đen, tức là những trại của người Bédouins. Đó là "bao gai" mà Kinh Thánh nói đến, người ta mang bao gai để tỏ dấu buồn thảm và ăn năn, bao gai cũng dùng để làm mẫu so sánh những thứ gì đen thẫm. Vải lông lạc đà thì hơi mềm hơn; còn mềm nhứt và quí giá nhứt thì là len (laine). Vì cừu và dê có màu đen và trắng, còn lạc đà có màu vàng nhạt hoặc cách gián thẫm, nên người ta dệt vải có những dọc to thẫm và nhạt. Tất cả các thứ vải dệt ở phương Đông đều có hai đặc sắc nầy: Dùng hòn đá khi kéo chỉ, và sự thích có dọc sặc sỡ. Giữa vòng những bộ lạc chăn chiên, đàn bà vẫn còn dệt vải may trại, áo choàng rộng và một ít thứ giống như vậy. Ở vùng thôn quê, ta cũng thường thấy đàn bà tết chỉ bông hoặc chỉ lông chiên đương khi đi đường, nhưng vải dùng bấy giờ phần nhiều do những xưởng dệt ở các thành phố như Aleppo, Beyrouth và Đa-mách, hoặc nhập cảng của Âu châu. Trong khung dệt của phương Đông, các sợi dọc của tấm dệt. buộc vào cái cột gần mái nhà và chạy xuôi về phía trước, thành những hàng tương đối (parallèles), cho đến một cái cột ngang quay được ở nơi chân người dệt. Những sợi ấy làm ra bề dài và bề ngang của tấm vải, và những sợi ngang của bông, vải, lụa hoặc len thì cho vào từng cái một, qua những sợi dọc, từ đầu nọ tới đầu kia; có một tấm gỗ chận trên tấm vải đương dệt, làm cho những sợi ngang và dọc được thẳng hàng. Người thợ dệt ngồi để làm việc.
(2) Nhuộm.- Rất nhiều thuốc nhuộm của phương Đông tốt và bền cực điểm. Màu tía sáng chói là màu họ ưa hơn hết, thì trong tiếng A-rạp cũng như trong tiếng Hê-bơ-rơ đều gọi theo tên một con sâu bọ đóng tổ ở trong một thứ cây dẻ bộp. Thuốc màu chàm thì chế bằng vỏ quả lựu. Nay ở bờ biển Acre người ta còn thấy một loài sò xưa người Phê-ni-xi dùng làm "thuốc màu tía" mà bà Ly-đi đã chuyên bán (Công vụ các sứ đồ 16:14).
Màu tía sáng chói, màu xanh dịu và nhạt, màu đỏ như "huyết rồng" (theo cách gọi của người Thổ nhĩ kỳ), màu vàng của chim hoàng yến, màu chàm, và thỉnh thoảng có màu xanh tinh khiết của dân Hồi giáo làm cho dịu bớt, từng ấy màu dập dìu luôn nhưng bao giờ cũng vẫn thế. Đó là quang cảnh sặc sỡ của một đám người phương Đông.
Người phương Đông rất có tài phân biệt màu nhạt với màu đậm, màu tươi với màu dịu, nhưng không giống như người phương Tây trong chỗ nhận biết sự tương quan của các màu sơ đẳng (couleurs primaires) với các màu trung đẳng (couleurs secondaires). Người ta luôn luôn đặt những màu hồng và tía xanh da trời và xanh lá cây ở cạnh nhau (Xuất Ê-díp-tô ký 26:1). Nếu có một người đờn bà Hồi giáo ăn mặc áo lễ mà lại đứng chung với phụ nữ Âu, Mỹ trong một phòng khách, thì phụ nữ Âu Mỹ sẽ coi người đờn bà ấy là một dị trang, còn người đờn bà ấy sẽ tự hỏi một vài bậc phụ nữ Âu Mỹ đó đã làm tội hoặc chịu tội gì mà phải ăn bận nhũn nhặn như thế. Trong xứ của người đờn bà Hồi giáo ấy, cách phục sức như thế hiệp với ánh nắng chói vốn dung hòa được mọi màu. Cả đến con ngựa vằn ở trong sào huyệt nó cũng nhờ có vằn mà không bị người ta xem thấy. Cùng với những màu sắc lộng lẫy và thường khi chói mắt ấy, các nhà chế tạo ở phương Đông còn có nhiều màu sắc dịu dàng nữa.
(3) Nghề thêu.- Đó là cách tô điểm mọi thứ vải, bông, lụa hoặc len theo nhiều màu sắc và kiểu mẫu. Có hai thứ chính.
A. Các kiểu nguyên một màu, hoặc ảnh hưởng của một kiểu không có màu khác thêm vào. Hạng nầy cũng chia làm hai thứ.
a. Trên vải.- Thật là một việc rất rắc rối và phiền phức của mũi kim; ít khi người người ta làm việc nầy, trừ khi làm áo dài cho người đàn ông ở phương Đông mặc bên ngoài. Áo dài làm bằng vải hoặc lụa màu trơn bóng; người ta cắt áo ấy và trải trên lần lót bằng vải trắng. Rồi người ta để các sợi chỉ to ở giữa lụa và vải theo kiểu đẹp và người ta khâu nó vào, mũi nhỏ hai bên của chỉ to giấu ở trong: như vậy chỉ ở trong nổi lên cao, dầu thật không thấy chỉ ấy được, và hai bên đều giống nhau. Dươi ánh mặt trời, đường thêu trên vải hoặc lụa như thế trông rất lộng lẫy, còn như thêu trên vải dệt bằng vàng, thì trông chói lọi hết sức (Thi Thiên 45:13 theo nguyên bản).
b. Trong vải.- Đây ta lại thấy những màu dọc, vuông, tròn, ngòng ngoèo, và chìa khóa do cách dệt không làm nổi trên mặt vải. Thứ hàng nầy dệt ở thành Đa-mách, có rất nhiều kiểu đẹp đẽ khác nhau, và là thứ hàng nội hóa thông dụng. Một vài thứ hàng nầy (hạng "a" hoặc hạng "b") chắc đã là vật liệu kiểu mẫu dùng may áo cho thầy tế lễ thượng phẩm (Xuất Ê-díp-tô ký 28:39). Cách thêu đó có hình như bàn cờ.
B. Kiểu mẫu có nhiều màu sặc sỡ.-
a. Thứ mặt nổi.- Chính là kiểu mẫu thêm vào, dùng chỉ vàng và có nhiều màu khác nhau. Hình nó như vàng và bạc chạm nổi, như khi một bộ áo cưới ở phương Đông làm bằng lụa tốt và nặng, có thêu những hoa huệ to và nổi bằng vàng.
b. Trong vải.- Trong trường hợp nầy, người ta làm kiểu có màu trong khi dệt, vì cách trang hoàng cốt yếu là các dòng dọc, như trong các bức màn của đền tạm.
Những vải vóc ở phương Đông thường là hai mặt giống nhau. Kinh Thánh gọi những vải ấy là "những bức thêu sặc sỡ" khi người ta có ấn tượng rằng những vải vóc ấy có màu sắc lộng lẫy và khác nhau. Đó là phần việc của người pha màu (Xuất Ê-díp-tô ký 26:36; Ê-xê-chi-ên 16:10).
Chữ "cực xảo" nghĩa là việc thêu chớ không phải đẹp vì đồ dùng mà thôi, mà cũng đẹp vì kiểu tỉ mỉ lẫn các hình loài người, thú hoa và những hàng dọc ngang, và tréo. Đó là công việc của người thợ vẽ (Xuất Ê-díp-tô ký 26:1; 28:6; 36:8).
2. Nghề thợ nề.- Phần nhiều những cổ tích lạ lùng hơn hết của phương Đông đều do công việc của người thợ nề; ấy cũng như các đặc sắc hiện thời của phương Đông. Những khí cụ và cách thức làm việc của người thợ nề rất có bổ ích cho người kê cứu Kinh Thánh, vì Kinh Thánh hay nói đến người thợ nề để làm thí dụ hoặc để dạy dỗ.
Người làm ruộng ở khắp mọi nơi có tài xây cất những tường thấp bằng đá chồng chất lên để rào ruộng lúa mì và vườn nho; nhưng khi phải xây bằng đá và vôi, thì cần có sự kinh nghiệm của người thợ cả. Có nhiều làng nổi tiếng vì những tay thợ nề, họ đi khắp xứ để làm khoán.
(1) Cái nền.- Phải rất thận trọng về cái nền vì đất hay co vào và giản ra nhơn cớ sự khô ráo của mùa hạ và mùa đông. Cần lập nền sâu trong tầng đá, nên thường khi phải mất nhiều công phu và tiền bạc, và đó thường là cớ thất vọng có nói đến trong sách Lu-ca 14:29. Người ta đào nhiều hố sâu rộng, rồi xây những tường dày bằng đá và vôi. Tường xây cao hơn mặt đất và để ít lâu cho khô và bền. Tự nhiên về sau tất cả công việc ấy không ai thấy nữa; cho nên Kinh Thánh có nói đến sự bất nhã do sự xây dựng trên nền của kẻ khác (Rô-ma 15:20; I Cô-rinh-tô 3:10).
(2) Hòn đá góc nhà.- Khi đã đặt hòn đá dài nhứt trên nền dự bị sẵn rồi, thì người ta chọn một vầng đá vuông lớn cho mỗi góc để cái nền được vững chắc hơn tại chỗ hai tường giáp nhau (Ê-sai 28:16; Thi Thiên 118:22; Ma-thi-ơ 21:42). Người ta thường đặt một vầng đá vuông giống như thế nhưng mỏng hơn, trên mỗi góc của lớp đá cao nhứt, trên lớp đá đó có đặt các sà của mái nhà. Vì vầng đá nầy không có hình dáng đẹp đẽ, nên tự nhiên các thợ nề bỏ qua nó trong khi đặt những viên đá dài thường, cho đến lúc một sự cần dùng đặc biệt tỏ ra vầng đá ấy rất xứng đáng nối liền hai bức tường. Khi xây nền của một tòa nhà hệ trọng, như công sở hoặc học đường, khi người theo Hồi giáo hay giết một hay nhiều con chiên để thết tiệc người nghèo. Đó tức là lễ khánh thành.
(3) Cái gậy để đo.- Khi xây nền, và thỉnh thoảng trong khi xây tường, người cai thợ nề dùng một cái gậy thẳng và dài độ sáu thước tây để đo các bức tường và khoảng giữa những cửa sổ và cửa lớn (Ê-xê-chi-ên 40:3; Khải huyền 21:16). Cũng dùng một cây gậy ngắn hơn một chút, - dùng một cách rất đơn sơ nhưng đúng lạ lùng - trong khi xây cất các vòm cửa có rất nhiều trong nền kiến trúc của phương Đông.
(4) Dây rọi (Ligne à plomb).- Nó là một cục chì hình cái phễu lật ngược, buộc bằng một sợi dây vào một miếng gỗ đường kính cũng như thế, để khi đặt miếng gỗ vào viên đá mới trát theo một hàng, thì miếng chì ở dưới chỉ hơi đụng đến tường. Người ta luôn luôn dùng dây rọi cho tường được thẳng. Tường có chịu thử nghiệm như thế thì mới được vững bền lâu dài. Cái gì "không ngay thẳng" thì sẽ đổ sụp xuống đất, mặc dầu khi làm lễ khánh thành, người ta đã dâng nhiều con chiên làm tế lễ (Ê-sai 28:17; Giê-rê-mi 22:13). Về phần đạo đức, thì sự dạy dỗ về lòng ngay thẳng nầy ứng dụng đặc biệt cho "nhà của Đức Chúa Trời xây" (I Cô-rinh-tô 3:9), cho sự xây dựng trên nền đức tin (Giu-đe 20), và sự xây dựng "nhà thiêng liêng" (I Phi-e-rơ 2:5).
(5) Dây đo bề ngang.- Dây đo bề ngang dùng chung với dây rọi. Khi nào cần phải xây một hàng đá mới, thì người thợ đặt hai viên đá cao bằng nhau ở mỗi đầu tường, hoặc cách nhau chừng sáu thước tây, mỗi viên đá cũng dùng dây rọi thử xem có thẳng xuống không.
Rồi người ta tháo lấy một sợi dây gai, quấn nhiều lần quanh một viên đá, rồi giăng thẳng từ đầu viên đá ấy sang đầu viên đá bên kia, rồi cũng buộc chặt lại ở đó. Người thợ cũng dùng dây rọi mà đo ở quãng giữa dây ấy, rồi mới xây cả một hàng đá; như vậy cả bề ngang và bề dọc đều được ngay thẳng. Dường như ở II Các Vua 21:13 có nói đến cái dây đo bề ngang, vì ở đó có nói tiên tri rằng cái dây đã dăng trên xứ Sa-ma-ri và trên nhà A-háp cũng sẽ giăng trên thành Giê-ru-sa-lem; ấy có nghĩa là thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị san phẳng như mặt đất.
Sách Gióp 38:4-7 có ngụ ý nói đến cái nền đã bị đo, sự dùng dây rọi và các cuộc vui khi làm lễ khánh thành.
(6) Các đồ dùng của người thợ nề.- Những đồ dùng nầy cốt để bổ, đập và trát đá. Cái búa có cạnh răng cưa đáng chú ý đặc biệt, vì những tảng đá lớn của Baalbek chứng tỏ một công việc đập đá chắc phải do một thứ đồ dùng như thế.
Cái rổ con để mang đất đi cũng đáng chú ý; hơn nữa là vì người ta tìm thấy cái rổ ấy chung với các thừng để nhắc lên, - cả rổ và thừng đã vùi xuống đất hằng mấy chục thế kỷ ở nơi những thợ thuyền xứ Ai-cập xưa kia đã đặt.
3. Nghề thợ mộc.- Phong tục phương Đông không cần đến người thợ mộc bằng người thợ nề. Công việc cốt yếu của người thợ mộc là làm mái nhà, cửa, cánh cửa sổ, song cửa sổ và đi-văng (divan). Dọc theo bờ biển còn có nghề đóng thuyền.
Kinh Thánh có nói đến bàn và nghế; nhưng có lẽ những dân quê ngày xưa cũng như ngày nay chỉ ngồi và ăn trên sàn nhà và trên đi-văng. Để chở hàng nặng, người ta dùng ngựa thay vào xe gỗ, còn giới hạn của các vườn thì phân định bằng các tảng đá, tường, hoặc hàng rào bằng cây xương rồng hoặc lau sậy; thành thử người ta chẳng cần đến công việc của người thợ mộc. Vì cớ ở nhiều nơi thiếu gỗ làm rầm nhà, tỉ như ở thành Giê-ru-sa-lem, cho nên nhiều nhà phải lợp mái hình vòng cung bằng đá, chớ không lợp bằng mái gỗ.
Các bia cổ của xứ Ai-cập tỏ ra cái rìu, cái cưa, cái thước thợ, cái dùi và lọ keo là những đồ dùng cốt yếu của người thợ mộc ngày xưa. Với những đồ dùng nầy và một vài đồ dùng khác nữa, người thợ mộc hiện thời ở phương Đông cũng làm công việc giản dị cũng như người thợ mộc ngày xưa. Công việc khéo léo hơn hết của người thợ mộc là khắc kiểu đẹp trên gỗ trần nhà, làm khung cửa sổ và chạm trổ cửa lớn theo kiểu A-rạp. Người thợ mộc rất hay dùng cái rìu. Khi dùng cưa mà xẻ một tấm gỗ, thì người thợ mộc ngồi trên tấm gỗ mà cứ cưa tới đằng trước.
Người A-rạp so sánh kẻ hà tiện với một cái cưa dài, có hai tay thợ cầm, dùng để xẻ cây gỗ thành tấm, vì nó "ăn" cả khi kéo lên và khi kéo xuống.
4. Nghề làm kim khí.- Hết thảy sử ký ở phương Đông chứng thực cho Kinh Thánh một cách dồi dào, bởi tỏ ra rằng từ đời thượng cổ người ta đã biết làm những đồ trang hoàng trơn bằng các loại kim khí khác nhau, tức là các loại kim khí mà hiện nay công nghệ cần dùng. Công việc trang hoàng thì gọi là nghề khắc, - khắc vào gỗ, đá, kim khí và đồ nữ trang, ấy cũng như thêu thùa trên vải vóc (Xuất Ê-díp-tô ký 28:11; I Sa-mu-ên 13:19; II Sa-mu-ên 5:11). Hiện nay nghề khắc vẫn còn giữ nguyên những trạng thái có nói đến trong Kinh Thánh (Xuất Ê-díp-tô ký 32:4; 39:14; I Các Vua 6:18; Ê-xê-chi-ên 8:10; Công vụ các sứ đồ 17:29).
Đông phương bao giờ cũng nổi tiếng về những công trình xây cất đồ sộ, nhưng cuộc khảo sát ở Ai-cập mới đây có tỏ ra rằng công việc tỉ mỉ, phiền phức hơn hết của người thợ kim hoàn cũng khéo léo như thế. Chẳng có gì trong nền mỹ thuật ngày nay có thể trổi hơn tinh thần sáng kiến kiểu mẫu, sự làm việc mềm mại và sự chạm trổ trên mặt vàng, bạc rắn. Người thợ kim hoàn ở phương Đông ngày nay vẫn giữ được sự mềm mại khéo léo của người thợ kim hoàn sắc sảo ngày xưa, nhưng có điều họ thường lấy làm thỏa lòng mà rập lại các kiểu mẫu sẵn có từ xưa. Người thợ làm kim khí ngày nay cũng dùng những khí cụ mà tổ phụ họ đã dùng ngày xưa, - họ cũng dùng theo một cách ấy và để làm những đồ vật như xưa. Người thợ kim khí nào cũng dùng dao trổ, kìm, búa, đe và bễ, chỉ khác về bề lớnnhỏ và sức mạnh tùy theo họ dùng làm đồ sắt, đồ đồng, hoặc đồ vàng, đồ bạc.
Cái đe ngày xưa (Ê-sai 41:7) là một khối sắt đặt vào trong một tấm gỗ cây dẻ bộp, còn cái bễ (Ê-sai 54:16; Giê-rê-mi 6:29) thì làm bằng da dê hoặc da bò để nguyên cả lông.
(1) Sắt.- Người thợ rèn ngày nay làm nhiều đồ vật bằng sắt mà ngày xưa thì làm bằng đồng hoặc bằng thanh đồng (bronze). Người làm ruộng và thợ nề là khách hàng quen của người thợ rèn. Thợ rèn thường làm những cày, cuốc quặp (houe), cuốc, liềm, móng ngựa, đinh, song cửa sổ, và các đồ dùng của người thợ nề. Khi quân Phi-li-tin ức hiếp dân Y-sơ-ra-ên, thì chúng cấm ngặt nghề thợ rèn (I Sa-mu-ên 13:19), ấy cũng như trong cuộc chiến đấu để được tự do tín ngưỡng, người ta cũng cấm đọc Kinh Thánh.
(2) Đồng.- Đồng hạng xoàng cốt để làm các đồ dùng trong bếp, các thùng lớn dùng ở bàn ép rượu, bàn ép trái ô-li-ve và các thùng lớn của người thợ nhuộm. Người ta dùng búa mà đập các tấm đồng tròn và dẹp cho thành hình khí cụ. Để giữ đồng cho khỏi dỉ, người thợ đúc bèn treo nồi ấy trên than hồng mà nung, rồi tráng bằng một nước thiếc. Tráng thiếc như thế nầy: Để thiếc tan chảy trên đồng đã nung nóng, rồi dùng miếng vải và dục khinh toan (nước đái quỉ) mà xát khắp lượt. Thiếc dùng ở Âu châu thì không phải là của phương Đông đâu. Người ta chỉ dùng thiếc ấy để tráng những bình và thùng bằng đồng. Cũng trộn thiếc với đồng để làm ra thau, mà người A-rạp gọi là đồng vàng (cuivre jaune). Người ta dùng thau làm những đồ trang hoàng lịch sự hơn, như mâm, đèn, bình đựng nước và bình cắm hoa.
(3) Vàng và bạc.- Người ta tự nhiên dùng bạc rất nhiều hơn vàng. Thấy có nhiều bạc ở những đồ cặp tóc và những đồ trang sức lối cổ của người Bédouins và người dân quê. Luyện lọc vàng và bạc bằng chất liểm (alcali); gỉ và chất pha bị loại ra như có mô tả ở Ê-sai 1: 25; Giê-rê-mi 6:29-30; Xa-cha-ri 13:9; Ma-la-chi 3:3.
Những đồ trang sức thông dụng hơn hết là như sau nầy:
(a) Hoa tai (Sáng thế ký 35:4; Xuất Ê-díp-tô ký 32:2; Ê-xê-chi-ên 16:12). Hao tai có hình viên tròn, hình dài buôn thõng, hình bán nguyệt và hình mặt nguyệt. Những hoa tai lớn hình bán nguyệt có một sợi dây quàng trên tai, rồi thường buộc vào một lọn tóc.
(b) Vòng cổ (Ê-sai 3:19). Những "dây xúc xích" nầy hiệp nên bởi những hột tròn, hột vuông, hoặc những ống tròn rỗng do các chỉ vàng, chỉ bạc nhỏ tết thành; hoặc những "dây xúc xích ấy" toàn là do những dây vàng, dây bạc to tết thành, hay là "đan" rất tỉ mỉ. Vòng cổ thường là biểu hiệu của chức việc (Sáng thế ký 41:42). Hiện nay con lạc đà còn đeo vòng cổ có buộc lẫn những hình lưỡi liềm (Các quan xét 8:26).
(c) Nhẫn (I Các Vua 21:8). Kinh Thánh hay nói đến nhẫn. Nhẫn chẳng những nạm ngọc dùng để trang sức mà thôi, song cũng còn dùng làm ấn tín. Những nhẫn dùng ấn tín ấy thì thường xỏ vào một sợi dây mà đeo vào cổ.
(d) Xuyến (Sáng thế ký 24:22; Ê-sai 3:19). Nhẫn cũng có nhiều kiểu như kiềng đeo cổ; người ta rất hay đeo nhẫn bằng vàng, bạc, đồng và thủy tinh mùi.
(e) Vòng vàng đeo cánh tay (II Sa-mu-ên 1:10). Thứ vòng nầy bằng dây vàng đặc tết thành, hoặc bằng vàng dẹp có chạm trổ theo kiểu mẫu, thỉnh thoảng cũng nạm kim cương. Vòng bám chặt cánh tay vì vàng giẻo, và cũng có một chỗ hở độ hai phân tây. Người A-rạp hay đeo vòng nơi cánh tay hơn hết: ấy vì họ vẫn mặc áo thụng như xưa, mỗi khi làm việc thì phải buộc tay áo ngược ra phía sau cổ, để lộ ra cánh tay trần. Như vậy, đồ trang sức trên cánh tay được bày ra.
(f) Vòng mắt cá (Ê-sai 3:18) là những vòng bằng dây vàng trơn tết lại, có dính nhạc và các hình tròn, nay người đàn bà A-rạp còn đeo.
(g) Khoen đeo mũi (Ê-sai 3:21; Châm Ngôn 11:24) cũng chỉ là những chiếc vòng trơn đeo giữa mũi. Trong Kinh Thánh, thượng hạ văn (contexte) không quyết định luôn luôn rằng khoen nói đó là để đeo tai hay là để đeo mũi; trong những trường hợp ấy bản Kinh Thánh tiếng Anh (Revised Version) chỉ dịch là "khoen" mà thôi. Khoen đeo mũi dường như là cổ sơ hơn hết, và có lẽ ban đầu người ta đeo nó làm đồ trang sức để làm biểu hiệu cho sự tin đạo và làm dấu hiệu của sự phù hộ của thần minh.
(h) Bùa đeo (Ê-sai 3:20). Đối với tinh thần người phương Đông, thì tất cả đồ trang sức kể trên đây đều có hiệu lực như bùa chú hoặc nhiều hoặc ít nhứt là che chở, giữ gìn cho khỏi con mắt của quỉ sứ. Có mấy thứ trang sức làm ra chỉ để vì mục đích đó, - tức là những mặt tròn và hộp bằng bạc; nhưng vì bùa cũng làm bằng nhiều vật khác nên chúng tôi sẽ luận đến trong mục: "Đời tôn giáo".
5. Thợ làm bánh.- Trong vòng dân quê và người Bédouins, thì sự làm bánh là một phận sự cốt yếu trong gia đình, nhưng trong thành phố và các làng đông đúc thì cần có lò bánh lớn của người thợ chuyên môn làm bánh. Tánh chất ngon lành hơn của thứ bánh nầy đã hàm trong câu tục ngữ của người A-rạp, dạy rằng đến cuối cùng vật tột hơn hết vẫn là vật rẻ hơn hết. - "Hãy đưa bánh đến lò của người thợ làm bánh, mặc dầu hắn ăn mất một nửa".
Dường như theo một lệ chung, người thợ làm bánh ở phương Đông ngày nay không nhào bột, nhưng chỉ nướng bánh của người khác đã làm sẵn và giao cho mình nướng. Một cảnh tượng thường thấy trong thành phố phương Đông là cậu con trai giúp việc người làm bánh đội một khay bánh mới cho nhàn nầy, và cặp cạnh sườn một khay bánh mới cho nhà khác. Bột bánh thì viên tròn sẵn ở nhà, rồi đem đến nhà người làm bánh; người làm bánh nhào lại những bánh dẹp để hấp trong lò. Người đàn bà Do Thái có thói tục lấy một nắm bột, để cho người thợ làm bánh ném vào lửa ở cạnh lò hấp bánh. Đó có lẽ là di tích của thói tục dâng tế lễ (Lê-vi ký 6:15), và cốt để tỏ lòng biết ơn Đức Chúa Trời. Nhưng kẻ mê tín lại đặt cho nắm bột đó tên khác hẳn, theo tiếng A-rạp có nghĩa là "phần của quỉ Sa-tan". Họ cho rằng làm như thế thì con mắt của ma quỉ không dòm dỏ mình nửa.
Cái lò bánh.- Lò bánh ở phương Đông xây bằng đá, có hình vòng cung, dài và thấp, như một nửa nồi súp de (chaudière) của toa máy xe lửa; ở giữa có xây đá dốc xuống, và mỗi bên có một cái lề dài và hẹp để chất củi dùng đốt lửa. Buổi tối người ta đổ tro ra, và con cái nhà nghèo thường mang đến một miếng thiếc hoặc một mảnh vò vỡ để đem vài cục than hồng về nhà nấu bửa cơm tối (Ê-sai 30:14). Ban đêm người ta xếp cũi sẵn sàng để sáng hôm sau nướng bánh; cửa lò thì đóng lại để giữ cho lò được nóng ấm và cho củi không mau cháy hết. Sách Ô-sê 7:4, 6 nói đến việc ấy, lại hơi bao hàm ý nầy: người thợ làm bánh vừa lo nhồi bột, vừa nướng bánh. Thành Giê-ru-sa-lem ngày xưa có "Phố Hàng Bánh" (Giê-rê-mi 37:21). Ngoài bánh mì thường ăn, còn có nhiều thứ bánh ngọt, kẹo, và món ăn có gia vị cũng hấp trong những lò công cộng nầy, nhứt là nhằm các ngày trước và sau khi khiên ăn theo luật pháp tôn giáo.
6. Người bán thuốc.- Có bản dịch chữ "người bán thuốc" là "thợ hòa hương" (xem Truyền đạo 10:1). Chữ ấy trong nguyên văn gồm cả hai ý nghĩa, và ngụ ý nói đến tánh chất làm thuốc của một vài cây cỏ, cùng các dầu thơm cất được bởi hoa và hột của những cây đó, luôn với sự dùng các cây đó, làm sáp thơm và làm gia vị các món ăn. Hết thảy thành phố lớn ở phương Đông, như Alexandrie, Beyrouth, đều có phố bán dầu thơm, như phấn, viên thuốc thơm, dầu sáp, luôn với bột, lá và vỏ cây.
Kinh Thánh chép các thứ dầu thơm ấy khi luận về dầu thánh và hương xông trong Đền tạm (Xuất Ê-díp-tô ký 30:25, 35), sự thờ phượng thần Ba-anh rất huy hoàng (Ê-sai 57:9), sự ướp xác người chết và lễ tống táng (Sáng thế ký 50:2; II Sử ký 16:14; Lu-ca 23:56). Bước vào trong một nhà thờ ở phương Đông, ta ngửi ngay mùi hương, và lư hương tỏa khói luôn luôn kèm với đám táng. Người phương Đông rất ham thích các hương thơm; có một vài thứ hương thơm họ ưa hơn hết, nhưng người Âu châu lại cho là nặng mùi và ngào ngạt quá. Khi cây cam, cây hoa thủy thảo (violette), cây hoa hồng trổ hoa, thì phụ nữ làm nước hoa, đựng trong những bình lớn và nút chặt, để mùa hạ dùng làm nước đường, uống cho mát. Đem ra mời khách, họ đựng vào cốc lớn, để trên mâm đồng và mâm bạc. Các người đàn bà làm "thợ chế dầu thơm" (I Sa-mu-ên 8:13) cho nhà vua phải lo chế và pha những thứ nước hoa như thế. Một cảnh đẹp mắt trong các phố của một thành phố phương Đông lúc mùa hạ, chíng là người đàn ông đi chỗ nầy chỗ nọ, với các bình bằng da hoặc bằng thủy tinh, bán nước đá có pha nước thủy thảo, nước hoa hồng, nước cam thảo, hoặc nước nhũ hương. Hắn mời chào kẻ biếng nhác và kẻ hoạt đông, những người buôn bán ngồi nơi cửa hàng, những thợ mộc, thợ rèn đương làm lụng. Để cám dỗ, hắn gõ các chén và đĩa bằng đồng mà rao rằng: "Hè! Ai khát nào! Không đắt tiền mà! Không đắt tiền mà!" Lời rao của hắn gần như là thật, vì uống một cốc nước thấy mát mẻ trong người mà chỉ mất có nửa xu! Sự đó khiến chúng ta suy nghĩ đến sách Ê-sai 55:1.
Châm Ngôn 27:9 và Nhã-ca 1:3 có luận đến người ta ưa thích dầu thơm. Sự ưa thích dầu thơm có liên lạc đặc biệt với các hội hè và các nơi tụ họp đông đúc. Trong nhà hội của dân Do Thái, nhằm một buổi sáng nóng bức của mùa hạ, người đầy tớ trông coi nhà hội rảy một ít dầu hoa hồng ở giữa những người đến thờ lạy Chúa.
Khi một xe ngựa chạy qua, trên có những bà phương Đông xức dầu thơm, thì có một luồng thơm phảng phất lâu trong không khí, chẳng khác gì dòng nước Gulf Stream ở giửa đại dương. Vậy thì cái võng của Sa-lô-môn cùng với đám quân hộ vệ mặt mày bám bụi đã tỏa tr không khí của đồng vắng một hương thơm ngào ngạt (Nhã-ca 3:6). Có mấy thứ dầu thơm trước kia và cả bây giờ giá rất đắt. Có thứ dầu nầy đựng trong những bình đẹp bằng đá hoa trắng trong suốt (albâtre transparent), bằng kim khí hoặc bằng nhiều chất khác. Khi nói rằng cái bình bị đập vỡ ra (Mác 14:3), thì có nghĩa là đập vỡ cái ấn đóng vào miệng bình. Người ta tìm được những bình dầu thơm như thế ở trong các mồ mả thái cổ, và vẫn còn một ít hương thơm dính vào. Sự biết hiệu lực chữa bịnh của một vài thứ cỏ chính là phần của các y sĩ Do Thái và A-rạp đã hiến vào nền y học Âu châu.
Khi nào chúng ta hiểu biết giá trị cao quí mà người phương Đông để cho các thứ dầu thơm, thì chúng ta mới nhận biết hết ý nghĩa trong lời nói nầy của nhà Truyền đạo - "Danh tiếng hơn dầu quí giá" (Truyền đạo 7:1).
7. Người đánh cá.- Kinh Thánh nói đến cá của sông Ni-lơ (Ê-sai 19:8), và của biển (Nê-hê-mi 13:16; Ô-sê 4:3; Sô-phô-ni 1:3). Song những đoạn nói về nghề đánh cá nhiều hơn hết thì lại có tương quan với hồ Ga-li-lê. Cá ở đây tự nhiên là cá nước ngọt. Hồ nầy có rất nhiều cá, và thỉnh thoảng người ta vẫn còn gặp sự nguy hiểm vì đứt lưới và đắm thuyền (Lu-ca 5:6). Có ba cách đánh cá cốt yếu.
(1) Lưới thả.- Khi dùng lưới, thì người đánh cá đứng trên bờ hoặc đứng ở nơi nước đến ngực, rồi khéo ném cái lưới đã cuộn trong tay xuống nước ngay trước mặt mình. Lưới rơi xuống nước thành hình một vòng tròn, và trong khi những cục chì buộc vào vành lưới kéo lưới xuống, thì lưới chìm xuống, thành hình cái mái tròn (dôme) hoặc cái nón (cone), và sau rốt nó chụp lấy cá vào trong. Bấy giờ người đánh cá lặn xuống nước, túm chặt lấy các cục chì, rồi kéo cả lưới lẫn cá vào bờ. Những chỗ tốt nhứt là các suối nóng ở trên miền Ma-ga-đan, tại đó có vô số cá và người đánh cá thường ném một ít mồi nhử cá đến một chỗ gần bờ để dễ bắt lấy.
(2) Lưới kéo cũng là một cái lưới hở và dùng để bắt cá mòi và cá mã hữu (saumon): có những phao ở trên đầu và những cục chì ở đáy lưới. Người ta ngồi trên thuyền mà kéo lưới, thắt miệng lưới lại mà nhốt cá vào trong.
(3) Lưỡi câu.- Sự bắt cá bằng lưỡi hoặc bằng cần câu có nói đến ở Ê-sai 19:8; A-mốt 4:2; Ha-ba-cúc 1:15; Ma-thi-ơ 17:27. Nhằm đêm mùa hạ êm ả, trên bờ Địa Trung Hải, người ta đâm cá (Gióp 12:7, 8) bằng một cái đinh ba; họ dùng một bó đuốc lắc lư ở mạn lái thuyền để nhử cá bơi lên mặt nước.
Đem tài nghệ của người đánh cá mà ứng dụng vào sự rao giảng Tin Lành (Ma-thi-ơ 4:19), thì tỏ ra cần có sự kiên nhẫn, sự quên bỏ mình, và sự dùng phương pháp cho đúng thứ tự trọng vẹn.
8. Người bẫy chim và người săn bắn.- Săn bắn vẫn luôn luôn là một môn giải trí được người ta ưa chuộng hơn hết tại những nơi người ta rất coi quí sự can đảm, khéo léo và chịu khó.
Những bức chạm của xứ A-si-ri và những bức tranh của xứ Ai-cập có mô tả những cảnh săn bắn: họ dùng dáo, con báo đã thuần biết bắt mồi, và chó mà hãm bắt những con thú lớn, còn những con thú nhỏ hơn ở trên cạn và ở dưới nước thì họ dùng bẫy mà bắt. Các ngôi mộ mới tìm được ở Si-đôn có chứa những trướng bằng đá hoa hình dung những cảnh săn bắn. Trong đó có nói đến ba phương pháp cốt yếu. Ấy là:
(1) (1) bắn bằng cung và tên (Sáng thế ký 27:3), bây giờ có súng săn thay vào;
(2) (2) đánh bẫy bằng lưới giăng (A-mốt 3:5) và bằng lồng (Giê-rê-mi 5:27), nhứt là các loài chim, như chim cút, chim đa đa và vịt;
(3) (3) các hố có lưới và bụi rậm, bao phủ để bắt hươu, cáo, chó sói và gấu, v. v... (Thi Thiên 35:7; Ê-sai 24:18; 42:22).
Chim sẻ, và nhiều loài chim nhỏ khác thì bị bắt bằng nhựa phết vào cây ở gần một cái lồng mồi. Có con chim người ta nuôi để nó hót, nhưng phần nhiều thì bị treo trên các cành nhỏ, mỗi cành chừng mười hai con. Người ta cũng bán những con chim đó làm đồ ăn, bằng một giá rẻ như khi Đấng Christ dùng đời sống của chúng nó mà dạy bài học về sự săn sóc của Cha chúng tôi ở trên trời (Ma-thi-ơ 10:29).
Chim đa đa chẳng phải bao giờ cũng cẩn thận giữ mình và sẵn sàng bay vù đi; nhưng khi thình lình bị hãm bắt, thì nó tin cậy lạ lùng rằng nơi nó ở sẽ che chở nó rất đắc lực. Một ổ chim đa đa sẽ nằm yên không cử động gần ngay chơn người săn bắn, thế mà người chẳng nhìn thấy. Đa-vít quen biết những thói quen và cách tự cứu mình của chim đa đa đó khi ông so sánh sự hoạn nạn mà Sau-lơ gây cho mình với sự săn chim đa đa (I Sa-mu-ên 26:20).
Thỉnh thoảng cũng thấy những người ếm chú rắn: Họ dụ rắn đi ra khỏi hang, rồi dùng rắn mà kiếm ăn bởi khiến rắn quấn quanh thân thể mình mà chẳng làm hại chi. Thường thì cách ít lâu người ta không thấy kẻ xách giỏ đựng rắn đi dạo nữa; hỏi thăm thì mới hay rằng hắn đã bị rắn cắn chết. Kinh Thánh nói đến con rắn không chịu ai ếm chú, dùng nó làm biểu hiệu cho lương tâm đã lì (Thi Thiên 58:3, 4, 5) và sự căm hờn chí tử (Giê-rê-mi 8:17).
Tài nghệ bắt chim có những ý nghĩa thiêng liêng sau nầy: Sức mạnh của tội lổi khi nó giấu ở đằng sau một sự dường như tốt lành, sự vui sướng vì lại được tự do, sự tai họa bất ngờ, và sự báo trả của luật đạo đức khi một người vướng vào bẫy mà chính mình đã gài (Thi Thiên 124:7; Truyền đạo 9:12; Các quan xét 8:27; Châm Ngôn 26:27).
9. Những người làm công hằng ngày.- Mỗi thành phố ở Đông phương có một chỗ đặc biệt ai cũng biết, tại đó cứ lúc rạng đông là thợ thuyền họp lại, chờ kẻ đến mướn mình làm việc lao động trong ngày đó. Công việc gồm có làm vườn, đào hố, chữa tường, giặt quần áo và canh cửa.
Người thợ đứng đó, hoặc không có khí cụ nào, hoặc có cái bay, cái mai, cái cuốc hoặc dây thừng mà mình quen dùng. Thường thi họ mướn thợ một lúc sau khi mặt trời mọc: những người thợ nào không được mướn thì đợi nán lại độ vài giờ, rồi thường đi tản các nơi mà tìm những công việc nhỏ nhặt. Những người làm công nhựt như thế thường là quá biếng nhác, không đúng mực và bất lực, không thể chuyên theo một nghề. Phải có một người cai trông nom họ và giữ cho họ khỏi chơi; và đến lúc trả tiền công, họ thường nêu một vài sự xảy ra đương khi làm việc để đòi quá số tiền công đã định. Thường thấy diễn lại sự cãi nhau ở Ma-thi-ơ 20:12 vì nhiều cớ.
Người làm công nhựt sống ngày nào hay ngày ấy; lúc mặt trời lặn, họ phải bỏ tiền công ra mua bữa ăn tối cho gia đình mình, - bửa ăn tối vẫn là bữa chính trong một ngày (Phục Truyền luật lệ ký 24:14, 15).
10. Nghề làm đồ gốm.-
(1) Ích lợi của nghề làm đồ gốm.- Ở phương Đông, vì các bình bb đồng đắt tiền, và các bình bằng da không tiện cho nhiều sự cần dùng trong cuộc sanh hoạt ở thành phố và thôn quê, lại vì các bình đất hay vỡ, cho nên người ta dùng nhiều đồ gốm luôn luôn. Người ta cũng thích dùng những vò bằng đất để đựng nước uống, vì sự bốc hơi qua chất đất ấy khiến cho nước uống được mát mẻ. Ở phương Đông nóng bức người ta "cho uống một chén nước lạnh" (Ma-thi-ơ 10:42), ấy tức là theo phép lịch sự.
(2) Cái bánh xe.- Đất sét bị nhào bằng chơn cho đến khi nó rắn đều và dùng được. Bấy giờ mới lấy một phần đất sét đặt trên bàn bên cạnh người thợ gốm. Người để bên cạnh mình một đĩa nước, muốn nhúng tay vào lúc nào cũng được. Đồ dùng thì là một cái trục bằng gỗ, thẳng, xoay được. Có hai mảnh gỗ tròn buộc chặt vào gậy ấy, hễ một mảnh nầy quay thì mảnh kia cũng quay. Cho nên tiên tri Giê-rê-mi có nói đến các bánh xe (bàn xây) của một người thợ gốm kia (Giê-rê-mi 18:3). Bánh xe ở dưới lớn hơn thì do gót chơn đẩy đi, còn bánh xe ở trên thì do bàn tay xoay đi. Người thợ gốm phải kén chọn nhiều, cả đến kiểu mẫu và bề lớn, nhỏ của những vò đựng nước tầm thường, ấy là chưa kể những nồi, chum để đựng trái ô-li-ve, bơ (beurre) và nước nho, vân vân. Đương khi nặn, nếu miếng đất sét không đủ hoặc thừa làm một thứ đồ dùng nào, thì người thợ gốm có thể đổi ra một thứ đồ dùng nào hơi khác. Bỏ bớt hoặc thêm đất sét thì sẽ phải làm lại hết. Người thợ gốm có thể dùng đất sét làm gì thì làm, và phải dùng mỗi cục đất sét một cách tốt hơn hết. Sự tự do của người lại có sự khôn ngoan chỉ dẫn. Hình thể, sự tô điểm và một phần lớn màu sắc của đồ gốm, như màu tro, đỏ hoặc đen, đều đã nhứt định khi đất sét còn ướt. Đã nung rồi thì không thay đổi được nữa.
(3) Nung.- Sau khi đã được đem lên khỏi bánh xe rồi, thì cái bình đặt vào một cái xích đông, chung hàng với nhiều cái bình khác. Tại đó các bình bị phơi gió tứ phía, nhưng được che chở khỏi mặt trời cho đến khi đã khá khô và rắn rồi. Bấy giờ các bình được xếp trong lò. Lò nầy nông, làm bằng gạch hoặc đá, bề sâu chừng một thước ba, đường kính chừng hai thước rưỡi hoặc ba thước, dưới cùng có cái lò nhỏ bằng gạch để đốt lửa. Đồ gốm xếp đống trên cái lò nhỏ ấy, cho đến khi bức vách cao lên chừng hơn ba thước tây, và trông hình như cái nón úp. Lò có cành, lá che phủ kín để giữ hơi nóng ở trong và ngăn trở hơi lạnh ở ngoài đột nhập. Lửa cứ cháy ở dưới cho đến khi đồ gốm đã cứng đủ rồi. Lúc lấy ra, có một vài cái vò bẹp dúm ở nơi cổ, hoặc ở giữa có một chỗ lõm, hoặc toàn thể vẹo về một bên. Vậy nên khu đất chung quanh lò người thợ gốm luôn luôn đầy những mảnh vò vỡ, tức là những vò không thể chịu thử lửa cho nổi, mặc dầu người thợ gốm đã tài khéo và cẩn thận. Mấy chữ "xây lại lò gạch" (Na-hum 3:14) ngụ ý nói đến sự Tân Ước bổ bức vách tròn và cái vòm mỗi khi phải chất gạch đầy lò để nung.
Ngoài những công dụng đã kể trên, người A-si-ri và người Ba-by-lôn còn dùng đát sét để viết. Gióp có nói đến hình tích của con dấu hoặc cái khuôn đóng trên đất sét, và so sánh tấm đất sét có khắc nổi với tấm vải thêu (Gióp 38:14).
Gạch bằng đất sét, hoặc phơi nắng, hoặc nung trong lửa, thì người ta dùng rất nhiều để xây nhà hầm, giếng, thành trì và nhà ở. Những từng lớp hoang tàn đổ nát của thành Lachish (Tel-el-Hesy) mà đoàn thám hiểm xứ Pha-lê-tin mới tìm được, nằm như những lớp đá sỏi của Tô Cách Lan. Ngày nay ở xứ Sy-ri, bất cứ chổ nào có ít đá để xây nhà, thì người ta lại xây bằng gạch phơi nắng, chỉ trừ phía nhà hoặc phía mái nhà ở hướng tây, là hướng có mùa mưa tháng ba. Vì cớ đó Kinh Thánh có nói đến kẻ trộm khoét vách nhà (Gióp 24:16).
(4) Những thí dụ trong Kinh Thánh do nghề thợ gốm có làm tỏ rõ ba chỗ tương tự hệ trọng của nghề ấy với đời sống thiêng liêng.
a. Đất sét phải phục tùng người thợ gốm (Ê-sai 29:16; 45:9; 64:8; Giê-rê-mi 18:4-11; Rô-ma 9:21). Sự nầy dạy về các sở năng của đức tin về tội chống nghịch ý chỉ Đức Chúa Trời. Tục ngữ A-rạp có câu: "Người thợ gốm có thể ghé tai vào đâu tùy ý".
b. Giá đất sét rất rẽ.- Những vò nhỏ cầm tay giá chùng năm xu; còn vò to hơn để xách nước nơi giếng thì giá chừng mười xu. Đó là sự hèn hạ của Si-ôn mà sách Ca thương 4:2 đã mô tả. Những lời thiết tha do tấm lòng độc ác thì ví như bình gốm bọc vàng pha (Châm Ngôn 26:23). Bình gốm có thể đựng vật quí, mặc dầu chính nó không tự có giá trị gì cả. Đó là địa vị trong ân điển Đấng Christ và sự hầu việc của tín đồ (II Cô-rinh-tô 4:7).
c. Đất sét mong manh dễ vỡ.- Nó rất dễ vỡ và không thể nào hàn gắn được. Thỉnh thoảng người ta có thể bịt lỗ thủng của một cái vò bằng bùn, miếng giẻ hoặc ít bột, nhưng sự va chạm hoặc đánh rơi đến vỡ một phần vò thì thường làm vỡ tan cả vò ngay lập tức (Thi Thiên 2:9; 31:12; Ê-sai 30:14; Giê-rê-mi 19:11; Khải huyền 2:27). Có ngụ ý nói đến sự mong manh ấy trong một tục ngữ người A-rạp thường dùng, - một tục ngữ dạy phải kiên nhẫn ở giữa những sự khiêu khích. Tục ngữ ấy là: "Nếu không có đổ vỡ thì không có đồ gốm". Đa-vít nói rằng sức lực của mình "khô như miếng gốm" (Thi Thiên 22:15). Những miếng gốm ấy rải rác khắp mọi nơi, dầu giãi đủ thứ thời tiết, và thật không thể nào hủy diệt được. Các nhà khảo cổ học cho chúng ta hay rằng những miếng gốm ấy có ích lợi lắm. Sự sầu thảm của dân Đức Chúa Trời cũng giúp chúng ta như những bài hát của họ.
11. Người chặt củi và người xách nước (Phục Truyền luật lệ ký 29:11; Giô-suê 9:21).- Hai nghề nầy vẫn còn thuộc trong số những nghề thấp hèn hơn hết của xứ. Ít có gỗ ở khắp phía tây xứ Giu-đe. Nhưng người đốt than phải đi lên núi, tại đó có cây dẻ bộp và cây thông vẫn còn mọc. Nhưng người chặt củi thường phải đành lòng đi mót những cây và những rễ cây vứt bỏ ở các khu không xa quá như thế. Ở thành Giê-ru-sa-lem người ta thường thấy một bó nhỏ những cành con và rễ, nhứt là của cây ô-li-ve già, do một người vác trên lưng hoặc đặt trên lưng lừa để đem vào bán. Sự đó khó nhọc lắm và mất nhưng thì giờ, lại được lợi ít quá, nên chỉ có người nghèo hơn hết và không biết nghề nghiệp gì mới phải kiếm ăn cách ấy. Cũng vậy người xách nước từ giếng đến các tư gia, thường phải đi xa và đợi lâu mới tới lượt mình múc đầy các vò hoặc túi da. Bây giờ thường là một người già cả, yếu đuối làm việc ấy, và nước thì để trên lưng một con lừa già và tàn tật quá đến nỗi không thể đi kịp những con vật khác chuyên chở hàng hóa. Trong những sự đau khổ của dân Y-sơ-ra-ên khi họ bị hạ xuống, tiên tri Giê-rê-mi có kể rằng người trai trẻ phải làm việc của con lừa và con la, tức là phải quay cối xay, trẻ con phải gánh củi và thường ngã xuống dưới gánh quá nặng cho chúng (Ca thương 5:13).
12. Người thâu thuế.- Ngày nay ở phương Đông có một giai cấp đông đúc và phát tài làm đại biểu cho những người thâu thuế của nhà nước Rô-ma ngày xưa. Đâu đâu cũng có lệ đánh thuế nhập cảng và xuất cảng, đánh thuế thuốc lá, muối, v. v., đánh thuế một phần mười hoa lợi nộp cho nhà nước. Một công ty thương mại cam đoan trả nhà nước một số tiền nhứt định để thu một thứ thuế hoặc giữ một dộc quyền, rồi thì lập tức (hoặc nhượng quyền lại) nhứt định mực thuế để chắc chắn kiếm được lợi bởi cách buôn bán đó. Sự đó gây ra nhiều nỗi ức hiếp và bất công, và sanh ra mối ác cảm, bất bình đối với mọi việc có quan hệ với nhà nước. Vì cớ cứ áp dụng mãi, nên người ta không còn coi sự trưng thuế đó là một mối tệ trong xã hội nữa. Lương tâm của quần chúng thừa nhận cách trưng thuế đó là một sự cần yếu. Trong một buồng giấy thương chính của nước Thổ Nhĩ Kỳ, ta có thể gặp những người theo kiểu mẫu của Xa-chê: có thiên tính thực thà và cả lòng khao khát những sự thiêng liêng nữa (Lu-ca 19:8).
13. Người đổi bạc.- Người đổi bạc làm hai việc: Một là đổi thứ tiền nầy lấy thứ tiền khác; hai là đổi cùng một thứ tiền. Người hay cắt một xu trong mỗi đồng bạc, và khi nhận tiền đổi thì khách luôn luôn phải xem xét rất cẩn thận cả về lượng và phẩm (quantité et qualité). Thỉnh thoảng họ cố ý tích trữ một thứ tiền nhỏ và cần ích, cho đến khi thứ tiền ấy vì hiếm mà tăng giá ít nhiều, bấy giờ họ mới đổi lại cho các cửa hàng. Những mối lợi nhỏ mà họ được hưởng như thế thật là một sự phiền lớn cho công chúng.
Người đổi bạc ngồi suốt ngày ở một góc phố, có cái hòm nhỏ để trước mặt, thỉnh thoảng lại gõ tiền để rao rằng mình có ở đó. Ở xứ Sy-ri và xứ Pha-lê-tin có rất nhiều thứ tiền, nên những người mới đến đó bối rối hết sức. Khi người ta dâng tiền ở nhà thờ, thì ngoài tiền Thổ Nhỉ Kỳ, còn có tiền các nước Áo, Pháp, Ý, tiền đồng và tiền bạc của nước Anh và Ấn Độ nữa.
Ở thành Giê-ru-sa-lem ngày xưa, những người đến thờ lạy Chúa đến từ nhiều xứ khác nhau về sự buôn bán và chế độ cai trị, nên họ đem lưu hành nhiều thứ tiền khác nhau (Công vụ các sứ đồ 2:9, 10, 11). Đương thời Đấng Christ, họ xướng lên một thói tục để tiện việc cho khách lạ và công chúng; nhưng thói tục ấy đã trở nên một sự xấu hổ và vụ lợi trong đền thờ, nên những kẻ đổi bạc bị đuổi ra luôn với những người đã đổi nhà Cầu nguyện thành một hiệu tạp hóa ồn ào của phương Đông (Ma-thi-ơ 21:12).
14. Kẻ cho vay tiền.- Giữa vòng người phương Đông họ hay cho lẩn nhau vay mượn những món tiền nhỏ vì cớ tình bằng hữu và bà con họ hàng. Thường khi người ta không trả những món nợ ấy; và sự coi thường lời hứa lời hứa trong vòng bà con thân thích đó dễ lan rộng đến những lời cam kết trong sự giao dịch thường. Khi người ta đặt tiền, hoặc giao hàng hóa cho một tay lái buôn, và nhờ một người bạn chung của đôi bên làm đảm bảo, nếu một bên tìm được một cớ khả dĩ có lý để không làm tròn giao kèo, thì chẳng ai coi sự nuốt lời đó là đáng xấu hổ. Sự trở ngại bất ngờ ấy, họ coi là một sự từ trời giáng cho, và phải chịu nhận với một tấm lòng phục tùng tin kính. Người bị lừa gạt không thể cầu cứu tòa án danh dự trong thương trường, hoặc cầu cứu dư luận để nhờ đó khiến kẻ phạm tội phải xấu hổ, nhơ nhuốc và lúng túng. Còn nếu truy tố thì hai bên chắc phải đua nhau chạy chọt và hối lộ những nhà cầm quyền xét xử. Người mất của cảm thấy rằng tài kinh doanh của mình đã bị đánh đổ bởi sữ giao dịch ấy, và kể lể cho bạn hữu sẵn lòng thương mình biết rằng mình đã bị lừa gạt một cách quỉ quyệt thể nào (Lu-ca 16:8). Mặc dầu có những sự thất vọng như thế (do sự thiếu lòng thành thật và thiếu đạo đức hơn là do sự cố ý cư xử hèn mạt), nhưng sự cho vay tiền lấy lãi vẫn phổ thông lắm. Những đầy tớ gái cho vay tiền công lấy một ít lãi. Những kẻ đánh xe ngựa ở xứ Sy-ri thuộc trong số người bị thiệt hại vì những cổ phần khai mỏ ở phía nam Phi châu mới mất giá. Nhiều người tín đồ ở xứ Sy-ri đà làm giàu vì cầm cố đất ruộng của dân quê Ai Cập dưới chế độ các khedives (phó vương xứ Ai Cập) đời xưa; các người giàu ấy than phiền đắng cay về sự can thiệp của người Anh đã chiếm cứ xứ Ai Cập[3][3] đó. Kinh Coran cấm người Hồi giáo cho vay lấy lãi, vì kể sự đó là vô nhân đạo và thiếu tinh thần bác ái; nhưng họ dễ tìm được phương pháp tránh khỏi tội ấy. Lệ định tiền lãi là một phân một tháng, nhưng người ta thường vượt quá số đó. Người Do Thái cho vay tiền đã nổi tiếng ác xấu ở các nước có đạo Đấng Christ ở phương Tây; ấy là họ chỉ hành động đúng theo cổ tục ở phương Đông. Khi một tín đồ Đấng Christ ở phương Đông tỏ dấu hiệu rằng mình có tư tưởng độc lập và tinh thần tìm cầu đến Chúa thì các thầy dòng Hội Hy Lạp thường hay lập mưu cho tín đồ ấy mượn tiền theo cách thân ái giả dối; và khi nào tín đồ ấy không thể trả lại, thì các thầy dòng bắt hắn phải phục tùng Hội mình. Trong hai trăm năm vừa qua, người Ác-mê-ni (Arméniens) đứng đầu trong sự đổi tiền, cho vay tiền và thu thuế ở phương Đông; và sự căm hờn do một số ít người Ác-mê-ni chứa chất nên, đã là một cớ chính sinh ra nạn bắt bớ giết hại rất nhiều đồng bào vô tội và hèn yếu của họ. Cho vai nặng lãi và lừa gạt là hai cớ chính khiến cho Hội thánh ở phương Đông phải yếu đối và đáng khinh bỉ đối với đạo Hồi hồi.
Đó là một vài màu cần dùng khi vẽ truyền thần người giàu có trong Kinh Thánh.
15. Lái buôn.- Khi Kinh Thánh nói đến hàng hóa thì hay nói đến những đoàn lái buôn đi đường bộ qua đất hứa mà ra bốn phía đông, tây, nam, bắc. Những nơi xưa kia họ dừng lại để buôn bán, như Palmyre và Jerash, thì nay chỉ còn các trụ đổ nát, các khu rộng và sự hiu quạnh trơn trọi, vì hàng hóa của họ bây giờ ở trong tay các nước thương mại làm chủ trên mặt biển. Hiện nay làm đại biểu một cách kém cỏi cho họ chỉ còn người đi bán dạo vác hòm hàng hoặc bọc hàng trên lưng. Còn mối lợi và cách doanh nghiệp của họ thì nay ta thấy ở trong những cửa hàng tạp hóa của các thành phố và làng mạc phương Đông.
(1) Cửa hàng.- Hiệu buôn gồm những nhiều cửa hàng nhỏ ở trong một khu đất công cộng, hoặc trong một dãy phố. Hàng hóa của người đi bán nay đây mai đó thường chứa chất trong một khan, hoặc căn nhà rộng lớn, gồm có nhiều gian nhỏ xây chung quanh một khu đất công cộng và lộ thiên giao cho một người coi giữ. Ở đây hàng hóa ban ngày thì bán, ban đêm thì được coi giữ. Khu đất lộ thiên của thành phố, hoặc dãy cửa hàng có cảnh sát của thành phố bảo vệ, chính là một cách bành trướng của thành phố ấy. Cửa hàng là một căn nhà nhỏ không có cửa sổ, tất cả phía trước trông ra đường phố. Người trông của hàng ngồi đó, và khách qua đường trông thấy hết mọi đồ hàng bày bán.
(2) Quả cân.- Khi hàng hóa bán từng chiếc hoặc từng thước, thì người ta dùng một mực đã nhất định; nhưng khi bán cân, thì khách mua hàng rất dễ bị người bán hàng lừa dối. Nhiều khi quả cân chỉ là những cục đá đen, những vòng xích đã gãy, hoặc những cục sắt nhỏ không đều nhau. Chắc người lái buôn đời xưa cũng dễ lừa dối như thế (Châm Ngôn 11:1; 16:11; 20:10).
(3) Giá hàng.- Theo phong tục thông thường ở phương Đông, thì giá hàng nhất định một phần bởi giá trị của hàng, một phần bởi bộ dạng của khách mua. Một vài của hàng kéo người Âu châu bởi một tấm biển đề "Giá Nhất Định"; nhưng khi đến gần thì thường không phải là như thế. Giá phải chăng thì người ta cho là "vừa tốt cho muông sói, vừa tốt cho con chiên".
Còn nhiều công nghệ và sự chế tạo khác cần phải nói sơ lược, hoặc giải thích về sau trong những đoạn khác. Sà phòng chế bằng chất kiểm thuộc loại kim khí hoặc thảo mộc (alcali minéral ou végétal) và dầu ô-li-ve, thì có nhiều nơi chế tạo, nhưng sà phòng ở Haifa và Tripoli được ưa chuộng đặc biệt. Sự thuộc da để làm bầu nước, đồ thắng ngựa và giày dép, hoặc để xuất cảng nguyên chất (à l'état brut), là một kỹ nghệ ở phần nhiều thành phố lớn, và rất phát đạt ở Jaffa (Joppa) và Hếp-rôn; ở Hếp-rôn người ta cũng chế tạo những bình và đồ trang sức bằng thủy tinh. Trong vòng dân Do Thái thì người đồ tể ví như một Thầy cả: hắn thay mặt nhà nước mà kiểm soát ở lò sát sinh, và rút ra cái gân bị cấm (Sáng thế ký 32:32), và giết loài chim một cách xứng hiệp bằng một con dao xứng hiệp, nhất là những con chim trắng dùng làm tế lễ trong Ngày Lễ Chuộc Tội. Một vài tục lệ nầy đối với chúng ta thì dường như là kỳ cục và cổ hủ, nhưng ngày xưa nó giúp ích cho sự vệ sinh của dân chúng, và ngày nay mua thịt trong cửa hàng của người đồ tể Do Thái ở phương Đông thì vẫn còn cho ta được vững dạ. Chúng tôi sẽ nói đến người thợ xay bột khi luận về cái cối xay bằng tay dùng trong nhà; sẽ nói đến người giữ cửa khi luận về nhà cửa; sẽ nói đến người tiền khu khi luận về sự du hành; sẽ nói đến thầy ký viết thơ và thầy giáo khi luận về sự giáo dục; sẽ nói đến luật pháp và y khoa khi luân về sản nghiệp và tôn giáo.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com