Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018

THÁNH KINH PHONG TỤC - Chương 6: Xã hội, chính trị và tôn giáo

C h ư ơ n g   T h ­ứ   S á u

X ã   H ộ i,   C h í n h   T r ị   V à   T ô n   G i á o

" Thoát khỏi bản ngã còn quí hơn thoát khỏi sư tử.
Có hai người không hề thỏa lòng:  Kẻ tìm học thức và kẻ tìm của cải.
Của cải quí nhất chính là của cải đẹp lòng Đức Chúa Trời "
(Tục ngữ của xứ Sy-ri).

            Chương này đem chúng ta đến một phương diện rất rộng rãi và phức tạp.  Ấy chính là làm tỏ rõ Kinh Thánh bởi dựa vào tình hình xã hội, cách cai trị, các sự tổ chức về văn chương, khoa học và tôn giáo ở phương Đông.
            1.  Làng mạc ở phương đông.-
            (1)  Cao nguyên làng mạc.-  Phong cảnh ở phương Đông không có những trại rãi rác đó đây trên đồng bằng và thung lũng.  Những  kẻ trồng trọt đất đai ở bất luận khu vực nào cũng xây cất nhà cửa gần gũi lần nhau trong một làng xóm.  Như trước kia đã nói, một cớ chính của tình hình nầy chính là vì tình hình trong xứ không được yên ổn.  Thổ sản và các thứ tài sản của nông gia, và cả đến sinh mệnh của họ nữa, đều cần được che chở cho khỏi bị hại bở tay các bộ lạc chuyên nghề chăn nuôi súc vật.  Vả, những tù trưởng quan trọng đứng đầu những bộ lạc khác nhau, cứ giao chiến với nhau luôn, và dân quê trồng trọt đất đai của chúa mình thì phải liên hiệp với ông chúa ấy.  Kẻ thù của ông chúa tức là kẻ thù của họ.  Muốn biết sự phục tòng ấy trọn vẹn là ngần nào, ta chỉ cần bằng vào lời  một tù trưởng cao tuổi mới tuyên bố rằng chế độ cai trị cả một quốc gia bây giờ không tốt bằng chế độ cai trị các gia tộc ngày xưa.  Khi người ta hỏi ông rằng ông nói "chế độ cai trị tốt"  là ý nghĩa gì, ông bèn chỉ vào một vầng đá xám mà rằng : "Khi tôi bảo dân tôi rằng :  Đá nầy đỏ, thì họ đáp rằng:  Dạ, nó đỏ;  nếu tôi nói rằng:  Không, đá nầy xanh, thì họ đáp rằng:  Dạ, nó xanh.  Đó là chế độ cai trị tốt, nhưng bây giờ chế độ ấy đã mất rồi."
            Những cuộc nội loạn ấy gây cho làng mạc dễ bị xâm hãm luôn, nên làng mạc là nơi bộ lạc giữ thế công, thế thủ, cũng như nhà cửa là nơi sum họp của cha mẹ và con cái.
            Lẽ thứ ba bắt buộc người ta phải hợp thành làng ấy là sự cần có nước.  Nước chẳng những cần cho cư dân và các bầy súc vật của họ, song cũng cần cho các vườn rau nữa.  Theo cách đó, làng thường được đặt tên theo suối nước (ain) hoặc giếng nước (beer) mà làng dựng ở bên cạnh.  Thêm vào tên đó lại có tên ghềnh đá, cây, đồng cỏ, súc vật, hoặc một đặc sắc thiên nhiên ở miền tiếp cận.  Trong Kinh Thánh có những thí dụ như thế, tỉ như A-bên-Ma-im  Bê-ê-Sê-ba,  Ên-Đô-rơ.
            2)  Hình thể.-  Làng nhỏ của dân quê ở giữa những cánh đồng lúa mạch, chỉ là những nhà nhỏ bằng gạch của ông chủ chia cho những người trồng trọt những đồng ruộng ở chung quanh. Những nhà trên sườn đồi thì xây bằng đá vôi; người ở trong những nhà nầy được tự chủ nhiều hơn,  cũng có nhiều thứ công việc hơn, và toàn thể những làng ấy cũng tốt đẹp hơn nhiều. Những nhà có mái bằng phẳng trông giống như các cái rương lớn đã từ trên lăn xuống và thình lình bị dừng lại. Những nhà ấy thường rất gần nhau, đến nổi cửa nhà nầy ăn thông với mái bằng phẳng của nhà ngay dưới gió.  Những bức tường trắng lấp ló bên trong lớp lá cây dâu trồng chung quanh; vẻ bất biến (monotonie) thường bớt đi vì diện tích rộng rãi hơn và nền kiến trúc đẹp đẽ  hơn của nhà ông tù trưởng;  có khi các nhà túm tụm chung quanh cái nhà thờ nổi bật lên ở giữa làng, chỉ trừ một vài cái nhà rải rác cho đến ngọn đồi, tại đó có ngôi cổ mộ dưới bóng cây dẻ bộp làm thành một nét vẽ tuyệt xảo trên bức "phông".
            3)  Sự sinh hoạt trong làng.-  Nông phu đi làm lụng ngoài đồng ruộng, thường ở xa lắm và họ thường không trở về nhà trước khi mặt trời lặn.  Đó là sự đi ra mà Kinh Thánh nói đến khi luận về các công việc ngoài đồng ruộng (Thi-thiên 104:23; 126:6; Lu-ca 14:19; 15:25), Ê-sai 1:3 cũng nói đến sự sinh hoạt trong làng, vì có chép rằng : "Bò biết chủ mình, lừa biết máng của chủ".  Lúc mặt trời lặn, bò và lừa đã ở suốt ngày trên những cánh đồng cỏ tiếp cận và những khu ruộng trơ trụi, bèn được người chăn dẫn về đến cổng làng. Tại đó bò và lừa cũng lìa khỏi người chăn, tự lần qua những ngõ hẹp của làng mà về chốn nghỉ ngơi ban đêm. Một vài nghề nghiệp đã được mở mang đầy đủ hơn hết trong các thành phố thì thoạt tiên là ở giữa vòng dân quê trong làng xóm.  Lò bánh trong làng cứ hai ngày lại đốt một lần; một người trong làng làm nghề thợ mộc thường; một người khác đóng móng ngựa, móng la, móng lừa, và cũng được họ vời đến khi cần đánh dấu súc vật bằng sắt nung đỏ; thỉnh thoảng, tùy theo làng to hay nhỏ, người bán thịt cũng có thịt chiên hoặc thịt dê con để bán; người chăn con la cũng chở hàng hóa từ làng đến các tỉnh lân cận và ngược lại. Sự sống rất giản dị, nhơn từ, siêng năng; ai nấy biết công việc của lẫn nhau một cách thân mật, và sẳn sàng tỏ thiện cảm với nhau mỗi khi trong gia đình có sự vui mừng hoặc sầu khổ.  Nếu có người lạ đến thì khắp làng biết ngay; nếu có người làng đi xa trở về, thì ai nấy hoan nghinh và tới thăm hỏi rất là lịch sự (Ru-tơ 1:19).  Phụ nữ có nhiều việc làm đầu đề câu chuyện ở bên giếng trong khi họ chờ đến lượt múc nước đầy vò; buổi tối, các trưởng lão hội họp để bàn luận về những việc trong làng, để báo và nghe những tin tức mới. Có nhiều cuộc cãi cọ, tranh dành giữa các phái kình địch, giữa các người ở từ lâu và các người đến ở sau, và giữa những gia tộc tranh nhau địa vị oai quyền và danh dự hơn hết. Nhưng hết thảy hiệp lại chống cự sự sỉ nhục mà làng phải chịu do những kẻ không thuộc về làng.
            Thuế thân hàng năm, hoặc món tiền mà mỗi người thành đinh phải nộp cho nhà nước thì bổ và nộp trong làng mà người ấy sinh ra. Ở trong làng có họ hàng của người ấy cùng đất ruộng của tổ tiên truyền lại mà người ấy có quyền thừa hưởng. Nếu người ấy đi ở nơi khác, thì phải chỉ định những kẻ phải chịu trách nhiệm nộp thuế cho mình, mặc dầu vì công ăn việc làm bắt buộc người phải ở một làng khác, và con cháu người có lẽ sinh trưởng ở nơi xa cách cố hương, nhưng họ vẫn phải nộp thuế chổ đó. Vậy nên Giô-sép trở về thành Bết-lê-hem vì ông là dòng dõi của Đa-vít (Lu-ca 2:4).
            2.  Thành Phố.-  Sự mở mang của một thành phố phần nhiều là do sự ở gần những đồng bằng trồng lúa mạch bát ngát, hoặc những vườn nho mênh mông, hoặc do nó được làm trú sở của chính phủ, hoặc do sự tiện lợi buôn bán trên mặt biển. Đời thượng cổ, chổ nghỉ ngơi trên đường cái của các đoàn lữ hành đã trở nên những thành phố giàu có và phồn hoa.
            (1) Vách thành.-  Bức vách cao lớn bọc hết các nhà cửa đã tiếp nối và làm rõ rệt mục đích của nhà cửa và của làng xóm, tức là để che chở người ta. Ở đằng xa mà thấy vách thành trắng có chòi canh nổi bật giữa đồng vắng trơ trụi hoặc cây cối xanh tươi chung quanh, thì khách bộ hành mòn mỏi được yên ủi và giục lòng mạnh mẽ. Một khi ở bên trong những vách thành, thì có sự yên nghỉ, sự thoát khỏi hiểm nghèo, sự sum họp với những người mình yêu dấu, và sự cung cấp mọi thứ cần dùng. Các đặc sắc của thành phố cổ đó đều biểu hiện trong khúc sách mô tả thành Giê-ru-sa-lem mới (Khải huyền 21), và biến những hình bóng đẹp đẽ cho những bài thơ thánh và bài suy gẫm về "Thành Đức Chúa Trời" đương đời Trung Cổ.
            Vì hiện nay tình hình sứ Sy-ri và sứ Pha-lê-tin được vững vàng, yên tĩnh hơn, nên các vách thành mau bị lu mờ bởi những nhà ở ngoại châu thành trống trải.
            Vì những người thợ về đời xưa không có cốt mìn để bắn phá, nên phải chịu khó nhọc để xẻ những tảng đá từ ghềnh đá kiên cố.  Vì xẻ một tảng đá dày thì không khó nhọc bằng sẻ hai tảng đá mỏng, nên có một vài tảng đá to lớn lắm.  Các tảng đá của vách thành Giê-ru-sa-lem to lớn lắm ;  và vì có các  kiểu khác nhau của người Do Thái, người La-mã, người dự cuộc Thập tự chiến dịch (les Croisés), người A-rạp (Sarrasins), nên các tảng đá ấy làm biểu hiện cho các nước khác nhau đã tiếp nhận Tin Lành.
            (2)  Cổng thành.-  Kinh Thánh thường nói đến cổng thành. Cổng thành to lớn và đồ sộ, làm bằng gỗ cây dẻ bộp, bọc một lần sắt hoặc thau đóng vào gỗ ấy. Ở giữa cổng cái, cao hơn mặt đất chừng 30 hoặc 60 phân tây, có chen vào một cổng con, cao độ 75 phân, rộng độ 60 phân, do đó người canh cổng thành khôn ngoan, cẩn thận có thể cho người đến sau khi mặt trời lặn được phép vào. Cổng thành phố là một phương pháp đề phòng cho khỏi kẻ thù, nhơn lúc tối tăm không ai trông thấy, thình lình hãm đánh thành phố. Vậy nên Thành Thiên thượng, là nơi không có tối tăm và không có sự thù nghịch nào vào được, thì các cổng mở luôn luôn, làm dấu hiệu cho sự đón tiếp thân ái (Khải huyền 21:25).
            3.  Đường phố.-  Phố ở phương Đông chỉ là một con đường hẹp cho người đi bộ và súc vật chở hàng.  Không cần đặt tên cho các phố chính, vì mỗi phố đã để riêng cho một nghề đặc biệt hoặc cho sự mua bán những thứ hàng đặc biệt. Ta chỉ cần bước vào cũng đủ biết là phố hàng Rau, phố hàng Dầu Thơm, phố hàng Bạc, v. v...  Phố xá chật hẹp che chở những người bán hàng và khách qua đường khỏi ánh nóng của mặt trời.  Đó đây, có một mái cao dựng lên trên phố, làm cho bóng rợp hơn và che chở khỏi mưa.  Những khoảng ánh sáng dịu đó làm cho nắng càng chói hơn mỗi khi đường phố rộng ra hoặc rẽ ngoặt khiến cho ánh mặt trời đổ xuống trên những  y phục sặc sỡ và những hàng hóa bóng nhoáng của một thành phố phương Đông.  Dạo qua các cửa hàng tạp hóa trong thành Đa-mách, có lụa, vải lót chỉ vàng, đồ trang sức bằng đồng, các thứ hương thơm cổ và dầu tùng hương, thì dễ dò theo và nhận biết lời tiên tri mô tả thành Ty-rơ đời xưa (Ê-xê-chi-ên 27:).
            Từ giã các cửa hàng tạp hóa hoặc các dãy cửa hàng, rồi đi vào khu yên tĩnh của thành phố có các nhà ở, thì ta bị kích thích bởi cái vẻ ngờ vực và cấm đoán của những nhà nầy.  Không có cửa sổ trông ra đường phố, và cửa sổ của những phòng cao thì có căng lưới mắt cáo rất kín. Chẳng thấy một ai, chẳng nghe một tiếng nào, trừ ra thỉnh thoảng có tiếng inh ỏi, cầu nhầu của đàn bà cãi nhau vì việc nhà. Cũng thấy những nhà đẹp đẽ có sân rộng bằng đá hoa, điểm thêm giếng nước và cây cối xanh tươi luôn, có phòng khách bày nhiều tấm khảm và bức chạm trổ trang hoàng. Nhưng vào các nhà đẹp đẽ ấy thì do một con đường hẹp và cửa một chuồng bò. Như vậy, dễ chống dữ hơn bất cứ khi nào thình lình bị hãm đánh, và vẻ tồi tàn của nó giang xa án phạt sự kêu ngạo và sự rủa sả do con mắt của ma quỉ dòm giỏ. Đường phố để cho khách qua lại, còn nhà là một khu rào kín, thiêng liêng và được canh giữ. Mọi sự trong nhà tỏ ra sự thù tiếp, hoan nghinh ; mọi sự bên ngoài nhà tỏ ra sự xua đuổi, cách biệt. Trong những thành phố có lẫn người Do Thái, người tin đạo Đấng Christ và người theo đạo Hồi Hồi, thì họ ở những khu riêng, hợp thành một thành phố ở trong một thành phố, lấy tên của đạo mình tin theo làm một dây liên lạc.
            Sự mô tả một thành phố phương Đông sẽ không dược hoàn toàn nếu không nói đến những con chó nằm lăn lóc trên các đường phố. Chúng giống như chó sói, màu đen hoặc vàng thẫm, lười biếng và dơ bẩn; người ta dung chịu nó vì nó ăn những đồ thừa trong bếp mà họ vứt tung ra đường phố, chúng làm như nhơn viên phòng giữ cho bịnh tật khỏi lan ra mà chẳng lĩnh lương bổng gì cả. Chúng cẩn thận chia thành phố ra từng khu, chó ở khu nào thì chiếm giữ khu ấy, không được ra quá giới hạn. Khi nào có một con chó quá giới hạn của khu nó, thì con chó nào thấy nó trước tiên bèn kêu ăng ẳng để cảnh báo; tiếng kêu ấy truyền từ con nầy đến con kia, và chỉ trong một hai phút thì thấy cả một đàn chó chạy ba chơn bốn cẳng như một đội quân cứu hỏa về phía chúng nghe được tiếng kêu ăng ẳng thứ nhứt. Nếu con chó quấy rối kia không lẻn trốn đi ngay, thì nó bị chồm đánh, làm cho khốn khổ, và bị đuổi theo một quãng xa về đến khu vực của nó.
            Nằm trên đường, ngăm dọa và ngăn trở kẻ thường qua lại, ở rất đông tại nơi nào có người ở rất đông, nhưng chẳng kiếm cách liên lạc thành thực với người, sung sướng hơn hết khi nào có chừng hai chục con xúm nhau nhảy cắn một người hoặc một con vật đáng thương dám chờn vờn đến chọc tức, khuấy rối sự bình an chung khi chúng tranh nhau nằm trên đống cát và ăn món đồ thừa đã thiu, đó là những chỗ con chó phương Đông giống với người Pha-ri-si.
            3.  Hàng xóm, láng giềng.-  Vì các nhà ở phương Đông bao giờ cũng ở trong làng hoặc trong thành phố, nên tình hàng xóm láng giềng về phương diện xã hội thật quan trọng lắm. Tất cả những đoạn Kinh Thánh luận về bạn hữu, xóm giềng và kẻ ở trọ thì ngày nay vẫn còn ứng dụng cho những sự giao tế ấy.
            Người phương Đông không khi nào ở một mình; loại tục ngữ nhiều hơn hết và quen dùng hơn hết là loại luận về sự cần yếu của tình xóm giềng, sự lợi và sự hại do tình xóm giềng mà ra.
            Ảnh hưởng tốt hoặc xấu của sự ở lân cận đã được mô tả trong các ngạn ngữ nầy : "Nếu anh ở chung với người ta bốn mươi ngày, thì anh lìa bỏ họ hoặc trở nên giống như họ"; "Chúng tôi là kẻ lân cận của anh và đã học tập nơi anh";  "Lời khuyên bảo đã được ban cho kẻ sắp xây nhà hoặc thuê nhà, hoặc sắp đi xa";  "Hãy xem xét kẻ lân cận ở trước nhà và xem xét bè bạn ở trước đường cái".
            Những câu nầy dạy phải đồng nhất về quyền lợi "Nếu là tốt cho kẻ lân cận của anh thì cũng là tốt cho anh"; "Kẻ nào bấu xén của kẻ lân cận anh thì cũng sẽ bấu xén của anh";  "Thêm hoặc bớt một cái bánh, nhưng đừng khi nào để kẻ lân cận của anh phải thiếu thốn".
            Sự nhịn nhục cần phải có đối với hàng xóm láng giềng thì đã được bày tỏ trong câu châm ngôn nầy : "Kẻ lân cận của anh vẫn là kẻ lân cận của anh, mặc dầu kẻ ấy cư xử dường như không phải kẻ lân cận của anh vậy". Người ta đã đổi lại Châm ngôn 25:16 theo một cách nói bóng "Nếu bạn anh là mật ong, thì chớ ăn hắn". Họ luôn luôn trưng dẫn Châm Ngôn 27:10.
            Những kẻ lân cận đều có mặt trong mọi sự buồn thảm hoặc vui mừng của gia đình (Lu-ca 15:6, 9). Sự quen biết nhau thân mật như thế đã được bao hàm trong lời nầy: "Ta  đã gọi các ngươi là bạn hữu Ta" (Giăng 15:15). Điều răn cấm làm chứng dối đã đặt ra cốt để che chở, binh vực kẻ lân cận, vì người luôn luôn tiếp xúc với những kẻ ở chung quanh mình, thì có lẽ thỉnh thoảng gây chuyện mếch lòng và gây nên sự trả thù. Sức mạnh của luật lệ về tình xóm giềng ở phương Đông đã được tỏ ra bởi những sự lạm dụng mà luật lệ ấy phải chịu. Những sự chuẩn bị nhơn từ của luật lệ ấy là do các trường hợp nầy: Sự bình đẳng trong xã hội, sự cứu giúp lẫn nhau và sự nguy hiểm chung. Luật lệ về bổn phận hàng xóm láng giềng là một nghĩa vụ về danh dự thương bị viện ra bởi những kẻ chẳng có dịp tiện hoặc ý định làm gì để đáp lại. Vậy nên người ta mong rằng nhà buôn sẽ bán rẽ hơn, và thầy thuốc sẽ tính tiền công hạ hơn cho những kẻ ở lân cận, mặc dầu là không quen biết nhau. Cả đến một người Âu làm giám đốc một công ty máy nước, cũng bị nài xin giảm giá cho những kẻ ở gần nhà mình. Tình hàng xóm láng giềng ở phương Đông làm rộng gia đình nhưng thu hẹp thế giới. Nó là hội ái hữu liên hiệp về các công việc của gia đình.  Bất cứ kẻ nào ở ngoài phạm vi láng giềng thì bị kể là người ngoại quốc, kẻ thù và kẻ ngoại đạo (II Các Vua 5:20). Đấng Christ thừa nhận luật lệ về tình hàng xóm láng giềng khi Ngài truyền lịnh rằng phảo giảng Tin Lành trước hết tại Giê-ru-sa-lem là nơi các Sứ đồ đương ở; nhưng chổ sau hết của sự giảng Tin Lành là các đầu cùng trái đất. Thí dụ về người Sa-ma-ri nhơn lành dạy về ý nghĩa chân chính và sự làm trọn tình hàng xóm láng giềng. Trong bài giảng ở trên núi, Đức Chúa Jêsus có chỉ rõ rằng những kẻ muốn làm con cái của Đấng Chí Cao thì không thể theo một tôn giáo chỉ có sự ích kỷ trong xã hội và sự giúp đỡ lẫn nhau khi có cần dùng (Ma-thi-ơ 5:43-48).
            4.  Sự khoản đãi khách.-  Phương Đông nổi tiếng vì các luật lệ khoản đãi khách.  Trong vòng người Bédouins và những người ở trong các làng xóm xa xôi, hẻo lánh, thì những luật lệ khoản đãi khách vẫn giữ trọn cả ý nghĩa và vẻ tôn nghiêm đời xưa; ngay trong các thành phố, sự phô trương chúc mừng khi đón rước khách vẫn còn khiến ta nghĩ đến phong tục từ ngàn xưa. Xét sự khoản đãi khách chung với các luật lệ về tình hàng xóm láng giềng và cái vẻ hà tiện thông thường trong cuộc sinh hoạt ở phương Đông, thì tánh chất quan trọng mà người ta gán cho sự đãi đằng khách chẳng những là mỹ lệ, nhưng cũng là mầu nhiệm nữa. Sự ân cần đối với khách được mình mời (Lu-ca 14:12) thật thấy không có gì là khó khăn cả, vì sự ấy chỉ thuộc trong phép lịch sự giữa bạn hàng xóm láng giềng với nhau. Cả đến cớ tích khiến cho A-suê-ru đãi tiệc cũng còn làm chứng về sự ấy chẳng nhiều thì ít (Ê-xơ-tê 1:4).
            Đặc sắc của sự đãi đằng khách ở phương Đông ấy là nó bắt buộc phải tận tâm giúp đỡ những kẻ đi qua, mặc dầu là người lạ, và không có một mảy may nào là thân thích, quen thuộc.  Để cắt nghĩa sự bí mật ấy, có hai việc đáng được ta nhắc đến.
            (1)  Có sự cao thượng của ân huệ nầy.-  Ấy là sự cầu viện cái phần cao thượng và tốt lành hơn hết trong lòng người. Người lạ đi đến cửa thì đã đi đến giới hạn của mình rồi.  Người không thể đi xa hơn nữa (Khải huyền 3:20). Người ở trong tay những kẻ ở trong nhà, họ muốn tiếp rước hay cướp bóc tùy ý. Khi người đã được phép vào nhà, thì người trở nên chủ nhà một cách ẩn nhiên (virtuellement). Họ nói với người rằng nhà ấy là của người. Chủ nhà hầu hạ người; mọi món trữ sẵn trong nhà đều cung cho sự cần dùng của người; tất cả sức lực trong nhà đều để binh vực người. Sự tin cậy của khách đã được đáp lại bằng sự chủ nhà hào hiệp sẵn sàng liều mạng sống mình vì cớ khách lạ.
            Thêm vào sự được yên ổn còn có sự nghỉ ngơi, dễ chịu sau sự vất vả, ăn uống sau sự hao mòn, sự sum họp vui vầy sau sự cô đơn. Tục ngữ có câu : "Kẻ nào gieo sự nhơn từ thì sẽ gặt sự biết ơn". Những sự lo lắng, bối rối bất ngờ xảy ra trong khi đi đường ở phương Đông khiến cho lúc thoát khỏi những nông nổi ấy thật trở nên một lúc đầy cảm kích trong thâm tâm của kẻ đã đi đường.
(2)  Khách là bất khả xâm phạm.-  Những tục lệ nầy đã đặt ra lâu lắm trước khi người ta đi nơi nầy chốn nọ để buôn bán hoặc thám hiểm; hồi ấy cần phải một lý cớ mạnh mẽ lắm mới khiến người ta liều xông vào vòng nguy hiểm, nhọc nhằn mà đi lữ hành. Ít khi có khách lạ đến nơi; luật lệ khoản đãi khách cấm không được hỏi khách đến từ đâu và sẽ đi đâu, trước khi đã biết rất ít là ba ngày, là thời hạn đủ tỏ ra rằng khách không ở vào một trường hợp cấp bách hoặc bị nguy hiểm cho thân mệnh. Người ta thường giả định rằng duyên cớ khiến khách phải viễn hành chính là vì trốn tránh kẻ thù nghịch, vì một việc cần yếu và quan trọng trong gia đình, hoặc vì muốn làm trọn một lời hứa nguyện trong tôn giáo. Về cớ thứ nhứt trong ba cớ đó, sự khốc liệt của cuộc báo thù huyết khiến cho chủ nhà nào cũng cảm thấy rằng có lẽ mình là người thứ hai cần có nơi ẩn náu. Khách lạ đến nơi đủ tỏ ra rằng bất luận người gặp cảnh ng khó khăn nào, thì từ trước đến nay Đức Chúa Trời cũng vẫn phù hộ người, và như vậy, sự nguy hiểm kinh khiếp ấy đã xảy ra vì cớ một kẻ nào đã đối đãi với người một cách tàn khốc. Vậy nên có một sự thiêng liêng mầu nhiệm liên lạc với khách, với phận sự che chở khách và với sự cung cấp mọi thứ cần dùng cho khách. Có một sự cần yếu hơn là sự đói khát: "Ta là Khách Lạ, các ngươi tiếp rước Ta" (Ma-thi-ơ 25:35).  Kinh Corancủa đạo Hồi-hồi có lặp lại lời khuyên ở Hê-bơ-rơ 13:2 theo phương diện tiêu cực. "Nhà nào không hề tiếp khách thì cũng không hề tiếp thiên sứ".
            Muốn được kể là khách và được một nhà nào tiếp rước mình thì phải ăn một ít bánh của nhà ấy, một ít muối, hay là uống nước ở nhà đó: nếu không kịp có bánh, muối, hoặc nước, người muốn được tiếp rước sẽ nắm lấy cái cột của lều, rồi người của nhà đó phải tôn vinh tiếp đãi người "khách" đó.
            Nếu có một người trốn tránh đến gần một gã chăn chiên trong đồng vắng, thì gã chăn chiên phải mời người ăn bánh mì vá phó mát (fromage) đựng trong cái bị của mình. Sau khi đã cho ăn như vậy, gã chăn chiên phải che chở người khỏi mọi kẻ đuổi theo để giết người. Về phương diện nầy, sự biệt riêng mấy thành ẩn náu trong đất Y-sơ-ra-ên được trí óc người ta cho là một sự cố gắng để dẹp bớt sự hung bạo do cuộc báo thù huyết  y  theo luật pháp của quốc gia.
            Có một trường hợp mới xảy ra mấy năm trước đây ở gần thành Tripoli, xứ Sy-ri, tỏ ra có một quan niệm rất mạnh mẽ về phận sự và danh dự làm đảm bảo cho sự che chở khách lạ. Có một người can tội sát nhơn, và trong khi chạy trốn khỏi những kẻ báo thù huyết, hắn đã đến túp lều của một gã chăn chiên: Gã chăn chiên đã đi khỏi với bầy mình; người trốn tránh nài nỉ và được vợ cùng con trai gã chăn chiên nhơn danh Đức Chúa Trời mà hứa che chở mình. Nửa giờ sau có nhiều kẻ cỡi ngựa đến vây quanh nhà. Theo phép lịch sự họ không thể xông vào căn phòng độc nhất trong nhà, phòng nầy là thánh vì là nơi ở của phụ nữ.  Họ bèn xin chủ nhà dẫn kẻ sát nhơn ra. Người đờn bà nghèo khó bèn bước ra cửa, cầm tay con trai mình mới mười hai tuổi mà nói rằng: "Tôi không thể nộp khách của tôi, nhưng hãy bắt con trai một của tôi mà giết đi thay vì khách". Sự nghĩa hiệp cương quyết của bà cảm động lòng họ thấm thía đến nổi một lúc sau họ nói rằng vì cớ bà, họ bằng lòng tha thứ cho kẻ sát nhơn được tự do. Đoạn, họ lên ngựa mà đi.
            Sự hy sinh vì khách không phải do lòng quí mến mạng sống (Vì họ cho rằng tội sát nhơn là nhỏ). Luật lệ tiếp khách là do hoàn cảnh và cơ hội tạo nên. Khi một lữ khách gặp một người Bédouin ở nơi đồng vắng, thì họ thường chào bằng mấy tiếng: "Cổi áo ra!"  Nếu chống cự, thì họ chẳng quan tâm mấy đến tội giết người. Hiệu lực của luật lệ tiếp khách trong chính phạm vi của nó tỏ ra rằng dân Y-sơ-ra-ên và các nước bạn của họ đã ở vào một tình hình khốn khổ ghê gớm khi Gia-ên giết ông khách và sự trái phạm luật lệ khoản đãi khách như thế lại được dân chúng khen ngợi (xem Các-quan xét 4:17-22).
            Ở phương Đông bất luận thứ công việc nào cũng bị coi là hèn hạ, trừ ra ba điều đã được mọi người thừa nhận, tức là hầu hạ khách, hầu hạ gia đình, và hầu hạ con ngựa của mình.
            5.  Sản nghiệp.-
            (1)  Quyền sở hửu.-  Ở phương Đông, quyền sở hửu đất đai theo ba phương diện.
                        (a)  Khoảng đất cày cấy được ở chung quanh một làng, cũng như các cánh đồng cỏ, thì do nhân dân trong làng giữ chung, và chia dều tùy theo số bò thuộc về mỗi người cốt để họ cày bừa. Các môn đồ đầu tiên ở thành Giê-ru-sa-lem đã ứng dụng nguyên tắc sẵn có nầy cho sản nghiệp riêng của họ (Công vụ các sứ đồ 2:44, 45).
                        (b)  Dưới một chính thể lập vững vàng hơn, thì sự sắp đặt trên đây gây nên nổi khó khăn trong khi thu thuế và phạt những kẻ không nộp thuế. Vậy nên đất đai hóa ra sản nghiệp của cá nhân, hoặc được mua nhơn danh một công ty thương mại.
                        (c)  Những vùng đất lớn của xứ sở thuộc về chính phủ, như là đất của nhà vua.  Các đất nầy hễ ai trả cao hơn hết thì thuê được. Họ cho các nông phu ở thôn quê thuê lại bằng một giá mà có thể được lời lãi bởi giao dịch như thế.
            (2)  Trồng trọt.-  Những người nhà quê cày cấy đất đai thuộc về một đại nghiệp chủ thì được chủ xây nhà cho ở;  và vì họ thường ở cứ làm việc, cả đến khi đất ruộng đổi chủ cũng vậy, nên họ trở nên một hạng tôi mọi.
            Trong miền trồng ngũ cốc, nếu chủ cấp hột giống và bò để cày, lại nộp thuế một phần mười cho chính phủ, thì người tá điền được một phần tư hoa lợi; nếu chủ chỉ nộp thuế mà thôi, thì người tá điền được hai phần ba hoa lợi hoặc một nửa hoa lợi, nếu đất sanh sản nhiều so với công khó của tá điền.
            Về các vườn nho và các thứ cây sinh quả, thì dân quê được một phần ba hoa lợi để bù công khó của mình; nhưng sau vài năm, trong khoảng đó đất đã thêm giá trị vì trồng trọt và có thêm cây nho cùng các cây khác, thì dân quê được hưởng phần nửa hoa lợi, và có thể đòi cho được chung quyền sở hửu (Ma-thi-ơ 21:33-41).
            (3)  Bán.-  Khi phải bán sản nghiệp. hoặc là nhà, vườn, hay là đất cày cấy, thì các tư nhân đứng mua, bán phải khai lai lịch cặn kẽ, văn tự phải được toà án địa phương chứng nhận và ghi vào sổ sách. Nhưng các thủ tục (formalités) thường không để cho người mua nắm được quyền sở hữu một cách chắc chắn. Sau khi đã trả tiền rồi, còn có nhiều cộng hữu nhân (co-propriétaires) khác làm đơn khiếu nại và ngăn cản chủ mới nhận làm của riêng.
            Khi nào bán đất ruộng, thì quyền mua trước nhất thuộc về người cộng hữu, rồi đến người có đất ruộng tiếp cận, nhứt là khi có cùng một dòng nước tưới cả hai khu đất ruộng.
            Khi nào muốn cho sự khiếu nại của chủ đất ruộng tiếp cận không có hiệu quả, và cũng muốn để phòng sự nguy hiểm do những người sau nầy sẽ khiếu nại để tranh quyền sở hữu, thì người ta phải dùng một mưu kế đặc biệt.
            Đất ruộng chia làm hai phần, A và B. Vậy, một miếng đất 400 thước vuông định giá bán 300 đồng tiền Anh.  Phần A chừng một phần sáu diện tích, chỉ là một khoảnh kề bên miếng đất của người lân cận có thể khiếu nại, và giá định là 200 đồng; còn năm phần sáu diện tích kia thì định giá là 100 đồng. Người mới đứng mua bằng lòng mua hai phần ấy theo các đìều kiện ấy. Người mua và người bán đi đến tòa án ký kết theo pháp luật.  Người lân cận có thể đệ đơn khiếu nại vào tòa án và được phép mua miếng A ở gần ngay đất của mình ; nhưng người lân cận ấy phải trả 200 đồng. Người ấy không có quyền gì về phần B, vì chủ mới có quyền của kẻ lân cận trên phần B ấy, bởi chưng đã trả giá của phần A.  Nếu người lân cận chính kia mua phần A với cái giá 200 đồng, thì sau nầy chỉ có thể bán cho người đã mua phần B, bởi chưng bây giờ người nầy có quyền mua trước (droit de préemption) vì là người lân cận.
            Phần nhiều mưu kế thông dụng trong sự vâng giữ luật pháp của người Do Thái chắc là do quyển Thánh Kinh đạo Do Thái (Talmud) trộn lẫn các phận sự trong tôn giáo với các tiểu tiết trong pháp luật đối với sản nghiệp. Vậy nên người Do Thái kết cục ở vào một trình độ luân lý giống như thế; và họ đã theo bản năng thích buôn bán, tìm lợi riêng và mua với một giá rẻ nhứt đó mà kiếm cách làm ít công đức hơn hết để được tiếng là đạo đức và được một chỗ trong cơ nghiệp thiên thượng. Sự mua sản nghiệp giữa vòng người phương Đông ngày nay thường giống như khi Áp-ra-ham mua của con cháu họ Hếch (Sáng thế ký  23:).  Thường là đầy những sự chuẩn bị gián tiếp, hội họp trọng thể, lễ phép phô trương, nói dối sống sượng, và mặc cả ráo riết.
            (4)  Kế tự.-  Theo luật pháp hiện thời ở phương Đông, thì sản nghiệp chia đều cho các con trai và mỗi con gái được phân nửa của con trai.
            6.  Pháp luật và chính phủ.-  Sự cai trị theo pháp luật tỏ ra cái tốt nhất và cái xấu nhất của đời sinh hoạt ở phương Đông. Pháp luật thiết lập dựa theo các nguyên tắc luân lý và tôn giáo, ban đầu cốt dạy phải khoan hồng và từ thiện bởi cách đem đòi bên nguyên, bị đến trước mặt Quan Án của mọi người mà chẳng ai thấy được. Sự thiết lập pháp luật như thế có nhiều chỗ khoan hồng trong khi các nguyên tắc ấy được diễn giải một cách lương thiện và được vâng giữ một cách cung kính. Nhưng khi nào các nguyên tắc ấy không còn được coi trọng, và dư luận bị dọa nạt, đè nén, thì quan án có thể làm nhiều việc tùy theo ý mình lấy làm tốt. Cho nên đìều quan hệ hơn hết là lo sao cho được ơn riêng của quan án.  Quan án bất công trong thí dụ (Lu-ca 18:1-7) chẳng sợ Đức Chúa Trời, thì chắc cũng lấy làm dễ lắm mà khinh thường người ta. Tục ngữ A-rạp có câu: "Khi con la của quan án chết, thì mọi người đi đưa đám xác; khi chính quan án chết, thì chẳng ai đi đưa đám xác".
            Hối lộ và làm chứng dối là hai dấu hiệu của sự quỉ cầm quyền trong các tòa án đời xưa và đời nay ở phương Đông.
            Vậy nên khi Sa-mu-ên kể lại đời cai trị của mình, có nói rõ ràng, mạnh mẽ rằng mình không hề ăn hối lộ, và sự ăn hối lộ của các quan án trong nước Y-sơ-ra-ên đã bị các đấng tiên tri bêu ra mà chỉ trích là một trong các cớ chính gây cho quốc gia bị Đức Chúa Trời từ bỏ và bị hư hại.
            Người phương Đông ngày nay rất mực quỉ quyệt, gian dối trong sự tặng quà, dâng lễ.  Cái sự "Của lễ của người nào dẹp đường cho người" (Châm ngôn 18:16) vẫn được họ dùng đến luôn. Trong đời tư, sự biếu quà, dâng lễ thường đi trước sự xin một ân huệ, sự nhờ vả thân thế. Theo phép xã giao ở phương Đông, chối không nhận một quà lễ là một việc chọc giận quá đáng; còn nhận quà lễ thì mắc "một món nợ danh dự"  cần phải trả lại một cách xứng đáng. Thỉnh thoảng các nhà cầm quyền nói trắng rằng phải chạy tiền, nhưng thường thì là dân thủ xướng.  Có một thời kỳ các quan cai trị và các quan án thanh liêm đã tẩy nền cai trị sạch những sự hà lạm, nhũng nhiễu ấy; nhưng khi họ bị đổi đi, thì hai bên tranh giành lại cầu ơn của các quan kế chức và chẳng bao lâu lại gây nên cái tệ hối lộ. Thế lực trong tôn giáo chẳng binh vực sự thương xót và sự công bình, nhưng lại đổi thành những đảng phái và chế độ giáo hội luôn luôn tranh đấu với nhau để đạt các mục đích riêng. Một việc đã được tôn giáo chuẩn y bèn trở nên một giao ước của gia đình; và theo phong tục phương Đông, thì dây liên lạc trong gia đình phải che chở những kẻ thuộc trong gia đình, không cần đếm xỉa đến các quyền lợi của công dân hay là các sự kháng nghị tối cao của chân lý.
            Sự làm chứng dối rất thịnh hành.  Đọc Tân Ước, ta bất bình vì thấy thể nào người Pha-ri-si, là các lĩnh tụ tôn giáo, đã tìm những kẻ làm chứng dám thề về những việc họ chẳng biết rõ chút nào hoặc biết là không thật.  Trong không cứ trường hợp bất ngờ nào ở phương Đông, người ta cũng tìm được hạng người làm chứng như vậy, thật dễ quá chừng;  và về phương diện nầy, lời làm chứng của các thầy tế lễ và các thầy tu chẳng đáng tin một chút nào cả.
            Nhà tù.-  Các nhà tù ở phương Đông ngày nay nhắc cho ta nhớ rõ các điển cố về các nhà tù đời xưa.
            Có nhà tù thường để giam những người mắc nợ, chậm đóng thuế và phạm ti nhẹ.  Ngoài ra còn có nhà tù kín và nhà tù ở dưới hầm để giam những kẻ sát nhơn, gọi là "nhà tù huyết". Phao-lô và Si-la đã bị giam tại đó (Công vụ các sứ đồ 16:24) mặc dù không được giao thông với những kẻ khác, tiếng của hai ông cũng được họ nghe rõ đương khi hai ông "hát ngợi khen Đức Chúa Trời".
            Sự ra khỏi nhà ngục là khó khăn (Ma-thi-ơ 5:26), chẳng những vì họ để chậm ngày xét xử, nhưng còn vì sau khi mãn hạn tù, bọn đề lao mè nheo nọ kia, tỉ như là đòi tiền công đã mang xiềng buộc xích cho tù nhân. Hầu hết các sự hà lạm nầy giống như các sự hà lạm trong các khám tù của nước Anh hồi đầu thế kỷ thứ mười tám.
            Vì cớ sự đối đãi tàn nhẫn ấy, vì sự hay làm thiên lệch công lý, và mối thiện cảm, nhơn đức, không hay chỉ trích của người phương Đông thướng có, nên họ coi sự ở tù là một hoạn nạn, chớ không phải là một sự nhục nhã. Bạn hữu đi nơi nầy chốn nọ, quyên tiền để giúp đỡ kẻ ở tù hoặc để tìm phương cứu họ ra khỏi vòng lao tù. Cứu Chúa không có ý dạy rằng loài người phải thôi hy vọng, hầu hạ và cứu vớt ở cổng khám tù (Ma-thi-ơ 25:36).
            7.  Kẻ giàu và kẻ nghèo.-
            (1)  Phận nghèo.-  Ở phương Đông có rất nhiều kẻ ăn mày. Những đại biểu thông thường của bọn ăn mày thì ta thấy ở Lu-ca 14:13 "những kẻ nghèo khó, tàn tật, què đui".  Ngoài ra còn có những kẻ chỉ lười biếng mà thôi. Tục ngữ A-rạp có câu: "Ăn mày là một nghề dễ dàng, nhưng đứng nơi cửa thì chán nản lắm".
            Trong vòng những người bị tàn tật ở thân thể, thì ít khi thấy ke mất chơn, tay vì nạn máy móc; nhưng các bịnh tật ở da, máu và xương hay có lắm, thường bày ra những hình trạng ghê tởm, và ghê tởm nhất là bịnh phung.
            Tật nguyền thông thường và đáng thương hơn hết là sự đui mù, nó chẳng có gì là đáng ghê tởm cả. Một vài người ăn mày mù hoặc có trẻ con dắt đi, hoặc dùng gậy rờ rẫm đường lối, cứ đi xin từ nhà này đến nhà khác; nhưng thường thì ta gặp họ ở những nơi nhất định trong thành phố. Họ dắt hoặc khiêng những kẻ mù, què đến trước cửa các nhà thờ trong giờ nhóm họp thờ phượng Chúa, nhất là trong những ngày kiêng ăn. Khi có đám cưới và đám tang, thì họ ngồi la liệt trên thềm các nhà thờ. Họ cũng họp nhau trước những tòa nhà đồ sộ mỗi khi trong những nhà ấy có việc vui hay là việc buồn.
            Có khi ta thấy một thân hình cú rũ đáng thương, vừa mù, vừa có vẽ cổ quái, lại vừa ốm đau; và năm nầy qua năm khác, người ăn mày ấy hàng ngày được khiêng đến một chổ nhất định, tức là một chổ đông người trong thành phố, hoặc chổ đầu cầu ở ngoại châu thành; hắn ngồi trên đất, dưới trời mưa và mặt trời thiêu đốt, bụi hay phủ khắp mình mẩy như những đám mây bởi cớ xe cộ và súc vật chở hành lý chạy qua. Hắn đọc những lời Đức Chúa Trời hứa ban phước cho kẻ nào săn sóc đến người nghèo khổ.  Ấy đấy là tình cảnh của La-xa-rơ ở cổng nhà người giàu (Lu-ca 16:20), của Ba-ti-mê ở bên đường đi Giê-ri-cô (Mác 10:46), và của người què ở cổng Đền thờ (Công vụ các sứ đồ 3:2).
            (2)  Cách kêu xin.-  Thỉnh thoảng chỉ là một lời bày tỏ tình cảnh nghèo khổ của mình, -"Tôi nghèo", - "Tôi thèm một cái bánh", - "Xin cho tôi một xu để mua một cái bánh".
            Lời kêu xin thường lại mạnh mẽ hơn bởi một điệu b biểu lộ tình cảnh: Đặt ngón tay trỏ ngang hàm răng rồi chỉ ngón tay ấy lên trời để làm chứng rằng chẳng có chút đồ ăn nào trong miệng. Ấy chính là "răng sạch" (A-mốt 4:6).
            Nhưng thường thì người ăn mày gợi tình cảm hoặc bổn phận về tôn giáo. Đương khi đứng ở cửa, hắn kêu rằng: "Tôi là khách của ông bà!  Tôi là khách của Đức Chúa Trời!  Đức Chúa Trời sẽ dẫn dắt ông bà! Đức Chúa Trời sẽ gìn giữ con cái ông bà! Đức Chúa Trời sẽ cho ông bà sống lâu!"  Nếu những lời nầy không có hiệu quả, hắn bèn thử dùng cách quở trách: "Đây không có gì cho Đức Chúa Trời sao?" - " Tất cả là tôi tớ sao?"  Khi nào không có gì bố thí cho kẻ ăn mày, thì họ bảo hắn rằng: "Đức Chúa Trời sẽ ban cho anh!  Đức Chúa Trời sẽ cứu giúp anh!" (xem Gia-cơ 2:16).
            Vậy, những kẻ ăn mày là tay rao giảng trứ danh ngoài đường phố ở phương Đông. Ý tưởng của  I Sa-mu-ên 2:7 dầm thấm trong tất cả mối quan hệ của sự nghèo cực với sự giàu có. Đức Chúa Trời có một mục đích khi Ngài làm cho giàu có và bắt phải nghèo cực (Châm ngôn 14:31).
            Bọn ăn mày chia nhau các cửa hàng, và đến cuối tuần lễ thì họ dạo quanh các cửa hàng ấy để nhận tiền trợ cấp. Vậy, kẻ giàu và kẻ nghèo được giao tiếp thân mật với nhau, nhưng sự làm phúc ở phương Đông không có ý trừ khử duyên cớ của sự nghèo nàn (Phục truyền 15:11). Vì không có rượu, nên người ăn mày ở phương Đông khỏi có vẽ tồi tệ của tên "ma cà bông" ở phương Tây. Ngoài những trường hợp của kẻ hoàn toàn lười biếng, thì duyên cớ của sự nghèo khổ thường là bởi bịnh tật, hoặc bởi mất người "kiếm gạo" trong gia đình, hoặc bởi người ấy bị bỏ tù vô hạn. Tục ngữ có câu: "Đừng khi nào dạy một đứa trẻ mồ côi phải khóc thế nào."
            Phần nhiều việc bố thí ở phương Đông là do lòng thích được khen ngợi, hoặc do sự hy vọng mê tín rằng những đồng tiền bố thí có thể đền bồi những đồng bạc mà mình đã kiếm được bởi cách dối gạt. Sự bố thí chiếm một địa vị cao trong vòng những đức tánh tôn giáo ở phương Đông (Phục truyền luật lệ ký 15:10;  Châm ngôn 28:27).  Trong các nhà hội của người Do Thái thường có một cái hộp để đựng những số tiền quyên góp vô danh, trên hộp có đề chữ Hê-bơ-rơ rằng: "Của lễ dâng kín nhiệm" (Châm ngôn 21:14).
            Có khi một bà mẹ thuộc về một gia đình giàu có ở phương Đông chịu mặc quần áo ăn mày, để chơn không mà xin cho kẻ nghèo, và hy vọng rằng sự bố thí và hạ mình của bà sẽ cảm động Đức Chúa Trời đến nỗi Ngài cứu mạng đứa con yêu dấu của bà đương đau nguy hiểm.
            (3)  Của cải.-  Đề mục nầy đả luận đến trong mục "Các nghề nghiệp". Ở phương Đông, người ta coi sự thích kiếm tiền là một thiên tính cố hết sức tìm tòi lợi riêng, cũng như sự đói và sự khát vậy; thiên tính ấy là chung cho cả nhân loại. Tục ngữ có câu; "Nghe tiếng LẤY một ngàn lần, còn tốt hơn nghe tiếng CHO một lần". Lời của Đấng Christ phán rằng: "Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh"  thật phản đối và khiêu khích cái tình cảm chung của người phương Đông, đến nổi người ta nhớ lời ấy mặc dầu không có chép trong các sách Tin Lành (xem Công vụ các sứ đồ 20:35). Phương Đông không có những ông thánh xuất chúng hoặc những phường đại ác như phương Tây, nhưng bất luận mối quan hệ nào cũng dầm thấm một sự biển lận đáng buồn.  Hôn nhân là một sự mặc cả về tiên bạc; sự giết người cũng có một giá xứng đáng; sự tin kính cũng do sự khôn ngoan; đi đưa đám xác tức là "làm lành" để được phước, và bố thí là một cách giao dịch với Đức Chúa Trời về tiền bạc.
            8.  Viễn hành và chuyên chở.-
            (1)  Ý tưỏng của người phương Đông đối với sự viễn hành.-  Trong vòng người phương Đông, thì viễn hành có nghĩa là bất tiện, nguy hiểm và tiêu phí. Người ta hết sức tránh sự viễn hành. Tục ngữ của họ có những câu:"Tất cả mọi người khách lạ là bà con của nhau" - "Nếu có ba người viễn hành thì phải bầu một người làm đầu" - "Một người ở nơi xa lạ thì là kẻ mù, mặc dầu mắt hắn vẫn còn thấy" - "Có ba nỗi khổ sở: Bịnh tật, nhịn ăn và viễn hành". Dưới đây là cái "đơn thuốc" hoặc điều lệ cho một người đi viễn hành : "Hãy trả hết nợ, đem theo kẻ hầu hạ, tặng quà lúc lên đường, trả lại mọi đồ vật người ta giao cho mình giữ, đem theo tiền và tính hòa nhã để dùng khi đi đường, rồi từ giã mọi người, và hãy thương xót con vật mà mình cỡi". Ở phương Đông đường đi thường chỉ là những nẻo chật hẹp, mấp mô và có đá. Khi đương đi dọc theo các đồng ruộng, thì bọn nông phu đổ đá trên đường, vì đường có thuộc về ai đâu. Trong đồng vắng, đường thường chia làm nhiều ngả một cách không ngờ, hoặc mất biệt hẳn. Trên những quảng đường dài trơ trọi từ làng này đến làng kia, thành nọ đến thành khác, viễn khách ít có cơ may tìm được phương hướng hoặc được ai giúp đỡ trong bất luận sự khó khăn nào. Yên cương có gì hư hỏng, một cái túi da đeo ở yên ngựa im lặng rơi xuống, đi lầm đường, hoặc tính sai quảng đường, phải ngủ đêm giữa trời, không có nước uống, đó là những nỗi khó khăn.  Người phương Đông chẳng lo mấy về vẻ đẹp của phong cảnh. Các khe núi và vực sâu thuộc về những con chó rừng và con dơi; viễn khách không thể biến cây thành than, hoặc đem những gié lúa về sân đạp lúa của mình.  Đối với phần nhiều người phương Đông, thì cuộc viễn du có tính cách thể thao và để ngắm xem phong cảnh lạ thì thật là một sự bí mật khó hiểu.
            Người A-rạp và dân quê thường kinh ngạc, cảm động đến nổi phát cười và thương xót những đoàn du khách Anh, Mỹ hằng năm đi thăm các cổ tích của Xứ Thánh.  Lúc chưa hiểu duyên cớ vì sao, thì họ đoán rằng các du khách dựa theo những sách ảo thuật để tìm bới của báu trong những đống hoang tàn, hay là các du khách đi thăm những thánh địa để đền chuộc tội lỗi của mình.
            (2)  Cách viễn hành.-  Người ta thường cỡi súc vật mà đi đường xa; súc vật là ngựa, la, lừa, còn trong đồng cát thì dùng lạc đà. Mùa hạ là mùa tốt nhất cho các cuộc viễn hành, vì bấy giờ tiết mưa đã hết, sông ngòi có thể dễ li qua hoặc khô cạn thì qua được.  Kinh Thánh không nói đến cái đầu. Sự  chuyên chở đồ vật và hàng hóa hầu hết do súc vật làm cả. Khi bọn mã phu được người ta hẹn ngày bảo đem đến một số súc vật nào dó, thì họ có thói quen bắt bọn ấy ký quĩ một ít tiền: Nếu sai hẹn thì mất số tiền ấy, còn nếu làm đúng như giao kèo thì được hoàn lại số tiền ấy. Ở Giê-rê-mi 30 : 21 có một cách nói rất hay, là ký quĩ tấm lòng để tỏ ra mình thành thực (bản Kinh Thánh tiếng Anh dịch rằng: "...  Vì kẻ này là ai mà dám ký quĩ lòng mình để đến gần Ta?" ). Trong những đồng vắng không có nước mà phải trải qua để đi đến PalmyreBagdad, hoặc núi Si-na-i, thì người ta dùng lạc đà, và hay đi ban đêm để tránh nóng bức và để khỏi bị các bộ lạc A-rạp để ý đến; người ta nhận biết vùng nào có các bộ lạc Bédouins ở lẩn quẩn bởi thấy ánh sáng hoặc nghe tiếng động. Trong những khi đi đêm như thế thì người dẫn đường phải ngắm các ngôi sao mà lần tìm phương hướng. Đời thượng cổ, các bộ lạc Bédouins là những đội hộ vệ đắc lực của các đoàn bộ hành từ xứ nọ qua xứ kia. Đương thời chuyên chở các của báu phương Đông đến các thị trường La-mã ở phương Tây, các bộ lạc Bédouins nầy trở nên rất giàu có, quyền thế: và dưới đời trị vì của nữ hoàng Zénobie, họ đã sáng lập một nước lạ lùng, là Palmyre hoặc Tadmor. Nước hiện nay chuyên buôn bán trên mặt biển khắp thế giới đã bắt tay làm việc của những người A-rạp đó, và đế quốc Anh (Union Jack) đương khai thác kinh Suez đã chiếm chỗ của cái chuông con lạc đà trong đoàn viễn hành có các ngôi sao dẫn lối.
            (3)  Sửa sang đường sá.-  Trong nhiều miền của xứ còn có thấy di tích của những đường lát gạch do người La-mã xây đời xưa; ấy như là đài kỷ niệm một công trình khéo léo. Nhưng các đường thường dùng ngày nay chẳng bao lâu mà hầu hết không qua lại được vì cớ mưa to mùa đông làm ngập. Khi có một vị khách sang trọng đến trong xứ hoặc một quan thống đốc đi kinh lý địa hạt, thì hết thảy các đường sá bèn được sửa sang tạm thời bởi cất bỏ những tảng đá, lấp khe và hố, để có thể đi lại dễ dàng, mau chóng và vô sự.
            (4)  Kẻ tiền hô.-  Trong phố chật hẹp của các thành, đầy những người và súc vật chở hành lý, các quan to phải có một đầy tớ mặc y phục riêng đi trước mặt mình. Hắn quát tháobảo dân chúng giang ra, dùng roi đánh những kẻ vô ý, khua những con chó nằm trên những lối đi vùng dậy, và như vậy, hắn dẹp lối cho chủ đi. Ở xứ Sy-ri, kẻ tiền hô là toán quân hộ vệ của quan trấn thủ và toán kỵ binh của vị quan to bản xứ. Ở xứ Ai-cập có hai tên quân hộ vệ chạy trước xe của vị phó vương, và những kẻ thuộc về dòng dõi trâm anh bổn xứ cũng có một, hai người chạy trước mặt mình.
            Khi nghe tiếng nạt đường, hết mọi người tự nhiên tránh ra một bên, và chỉ trong giây lát đã thấy kẻ tiền hô phất phới tà áo trắng dài, thắt dây lưng óng ánh, vành khăn có một hoặc hai quả tua rung qua rung lại; rồi đến cái xe, và bấy giờ tiếng kêu của kẻ tiền hô đã văng vẳng ở đằng xa.
            Vì họ là những thanh niên tráng sĩ đã được lựa chọn và huấn luyện luôn luôn, nên họ có vẽ oai vệ ở trước xe và những con ngựa chạy nước kiệu. Họ chạy như bầy chó săn hoẵn (daim), sục sạo một cách dễ dàng và không hề mệt nhọc.
            Đó là kẻ tiền hô kêu vang trước mặt Giô-sép, là quan thủ tướng mới, mấy chục thế kỷ trước (Sáng thế ký 41:43); cũng một thể ấy, Ê-li chạy trước xe của A-háp tới Gít-rê-ên (I Các vua 18:46); chức vụ của kẻ tiền hô liên lạc đặc biệt với tên tuổi và công việc của Giăng Báp-tít (Giăng 1:23).
            (5)  Chào hỏi.-  Các cách thức chào hỏi ở phương Đông phần nhiều do sự nguy hiểm trong cuộc hành trình mà có. Hai bên đến gần nhau thì hỏi nhau cho biết là bạn hữu hay là kẻ thù (Giô-suê 5:13). Nhờ bản kê sơ lược dưới đây, ta sẽ thấy là hệ trọng dường nào khi Đấng Christ truyền lịnh cho các sứ giả Tin Lành rằng không được chào hỏi ai dọc đường.  Người ta thêm vào nhiều câu chúc tụng, nhiều lời ân cần theo phép lịch sự; và họ cũng lặp đi lặp lại nhiều câu hỏi thăm về sức khỏe, v. v...  Vì mỗi người phải cho rằng những việc riêng của mình là không quan hệ nếu đem so sánh với những việc riêng của bạn mình, nên khi đã chào hỏi xong, hai bên thật chỉ biết chút ít về tin tức của nhau.
            Thí dụ, A và B gặp nhau trên đường cái.
                        A.  Phước cho người đi đến!
                        B.  Nguyện ông được phước gấp hai lần!
                        A.  Ông mạnh giỏi ra sao?
                        B.  Nhờ ơn ông, tôi mạnh.
                        A.  Nhờ ơn của Đức Chúa Trời.
                        B.  Đức Chúa Trời có lòng thương xót.
                        A.  Công việc của ông thế nào?
                        B.  Ngợi khen Đức Chúa Trời.
                        A.  Thân phụ ông thế nào?
                        B.  Cha tôi gởi lời chào thăm ông.
                        A.  Tôi rất mong mỏi được gặp thân phụ ông.
                        B.  Cha tôi lại càng mong mỏi được gặp ông.
                        A.  Tôi có thể giúp gì cho ông không?
                        B.  Nguyện Đức Chúa Trời cho ông sống lâu!
                        A.  Ông có một con ngựa tốt quá.
                        B.  Nó thích chở ông lắm.
                        A.  Khi nào ông sẽ trở về bình an vô sự?
                        B.  Tùy theo ý Chúa.
                        A.  Nguyện Chúa ở cùng ông!
                        B.  Nguyện ông được bình an!
            Xét những nỗi nhọc nhằn, lo lắng, và nguy hiểm xảy ra trong các cuộc viễn hành ở phương Đông, nên người Y-sơ-ra-ên gẫm lại cuộc hành trình qua đồng vắng, cho là một kỷ niệm và một sự đắc thắng của Đức Chúa Trời hay chăm nom, săn sóc và thương xót.  Xét như thế, thì phải liệt nữ hoàng Sê-ba vào hàng những người chịu từ bỏ mình để đi tìm kiếm sự khôn ngoan (Ma-thi-ơ 12:42). Xét như thế thì những chữ "một nơi ở" và "một thành để ở" sẽ có ý nghĩa sâu xa và êm ái dường nào!  Sự viễn hành ở phương Đông cũng giúp cho ta hiểu rằng khi Chúa tự xưng là "Đường đi", thì Ngài tỏ ý giúp đỡ loài người thể nào theo chổ ứng dụng thiêng liêng, và Ngài cũng bày tỏ cái hy vọng được hoan nghinh, yên nghĩ và hạnh phước khi chặng đường đời rút cục đã dẫn mình đến thành Vinh hiển có các cổng mở luôn không hề đóng.
9.  Y khoa và bịnh tật.-  Ở phương Đông có hai danh hiệu để gọi thầy thuốc chữa bịnh, ấy là "Người khôn ngoan" và "Người thánh khiết". Theo ngôn ngữ kim thời, thì hai danh hiệu ấy bày tỏ cái chơn lý mới mẽ, ấy là: Thầy thuốc phải thông minh sáng suốt, và bịnh nhơn phải bình tĩnh, tin cậy.
            (1)  Người khôn ngoan.-  Người phương Đông có rất nhiều vị thuốc về loại thảo mộc, nhưng theo các phương pháp cựu truyền, thì dùng sắt mà đốt thịt chiếm địa vị trọng yếu:  Họ chẳng hết sức tin một thầy thuốc nào, và cứ mời hết ông nầy đến ông khác. Cũng hay đến cho thầy thuốc khám bịnh. Nhà nào có đông người đi khám bịnh thì lấy làm tự hào.  Người giàu sang thường hay đưa tám, chín người nhà mình đi khám bịnh luôn một lúc.  Sự từng trải của người đờn bà có chép ở Mác 5:26 khiến ta nghĩ đến một thói tục lan rộng trong đời thượng cổ. Các cách chữa chạy khác nhau và bịnh nhơn đã từng trải đó sanh ra một sự khôn ngoan được giả định là trổi hơn sự khôn ngoan của thầy thuốc. Do đó có câu tục ngữ rằng: "Hãy hỏi bịnh nhơn, chớ hỏi thầy thuốc". Không kể các hiệu quả do sự ăn uống vô độ thường có ở phương Đông và phương Tây, thì các chứng bịnh thông thường hơn hết là: Đau mắt, bịnh ngoài da, đau ngực, sốt rét ngã nước và sốt rét thương hàn.  Danh từ dùng chỉ về bịnh của bà gia Phi-e-rơ (Lu-ca 4:38), "đau rét nặng lắm" - bây giờ chỉ về một cơn sốt rét cách nhật hoặc sốt rét ngã nước dữ di. Chứng nầy không hay lây đâu. Gióp dường cũng đã mắc cùng một chứng ấy (Gióp 30:17-18), ấy là xét theo các triệu chứng xương cốt ê ẩm và mồ hôi đổ ra vì sốt.
            (2)  Người thánh khiết.-  Theo phương diện tôn giáo hoặc mê tín của sự chữa bịnh, thì người ta kể sức khỏe là tình hình hợp lẽ tự nhiên, và bịnh tật là sự chết cần phải tìm ra duyên cớ. Đức Chúa Trời ở về phía sự sống, và Ngài cầm quyền trên bịnh tật do Ngài cho phép sanh ra; nhưng Ngài chỉ giao quyền ấy cho những người đã phó thác mình cho Ngài.  Trong thói tục phương Đông, đó là chổ mà chơn lý sai lệch và sự giả ngụy xen vào.  Người ta được tiếng là thánh khiết vì kiêng ăn, đi thăm các nơi thánh, học các sách phù pháp, và chăm chú vào các nghi lễ tôn giáo. Đi khắp xứ, thỉnh thoảng trên đỉnh một ghềnh đá chơ vơ nhưng dễ nhận biết, ta thấy nhiều cột trồng xuống đất và lợp lá, có vẽ thô sơ. Hỏi thăm mới biết rằng có một người đã ở lâu ngày tại đó, ăn bánh và uống nước của họ đem đến cho; người ấy để hết thì giờ cầu nguyện, và bởi đó được tiếng là nhơn đức, thánh khiết. Rồi theo thời gian, sẽ có nhiều người đến cầu hỏi mình mà dâng lễ vật xứng đáng.
            Các thánh đồ theo đạo Đấng Christ, các tăng đồ của Hồi giáo (derviches) và các thầy "cha-chams" của đạo Do Thái, là những người dùng quyền phép tôn giáo mà chữa bịnh, đều muốn được sự tôn sùng mê tín của dâng chúng; với tất cả các mạng lịnh vô lý và thường là ghê tởm của họ, họ tỏ ra mình biết một cách quỉ quyệt thể nào lòng bối rối được yên ủi và thể nào ý chí nhận được một sức mới mẻ để quyết định sống, không chịu chết.  Dân chúng hay nhờ họ cứu giúp trong những trường hợp dường như bị ma quỉ ám, như là: điên cuồng, động kinh và thất tình.
            Sự rao giảng Tin Lành đầu tiên ở xứ Sa-ma-ri, đảo Chíp-rơ, thành Phi-líp, thành Ê-phê-sô và nhiều chỗ khác, gặp sự phản đối, trở ngại do những người thánh ấy và quyền lợi của họ. Lễ trừ tà vẫn còn, nhứt là trong đám tín đồ Hồi giáo vô học; họ mô tả cuộc lễ và kết quả của cuộc lễ rất tỉ mỉ, tỏ ra một tấm lòng tin cậy lắm. Nụ cười hài hước của ông đốc tờ Tây là kẻ thù ghê gớm của lễ trừ tà nầy. Hiệp với cách chữa bịnh ấy còn có một cách hầu như phổ thông, ấy là đeo một thứ bùa nào đó để gìn giữ mình khỏi con mắt và quyền phép của ma quỉ.
            Trong vòng dân Do Thái, vật hộ mệnh cốt yếu là cái bùa, tức là cái hộp con màu đen, mỗi bề chừng ba phân tây, trong có miếng giấy chép Xuất Ê-díp-tô ký 13:5-9, Phục truyền Luật lệ ký 6:4-9; 11:13-21. Những ngày thuờng trong tuần lễ, khi cầu nguyện, người ta buộc một cái hộp bùa vào trán và một cái vào cánh tay trái, buộc bằng dây da đã đính sẵn vào hộp bùa. Người Pha-ri-si làm những hộp bùa lớn và dây da to (Ma-thi-ơ 23:5). Trong trường hợp của A-sa (II Sử-ký 16; 12), là vua đã tìm kiếm thầy thuốc chớ không nài xin Chúa để được chữa lành, thì ta không nên hiểu rằng đó là sự chữa bịnh bởi đức tin tương phản với các vị thuốc. Các thầy thuốc phương Đông đó cũng cầu đến các quyền lực siêu nhiên ; nhưng cũng các thầy thông giáo ngày nay, họ cầu các thiên sứ hoặc ma quỉ, tên các vị nầy oai quyền và linh thiêng đến nỗi chẳng ai dám đọc đến, tỉ như SinoiSansenoi, và Samnangaleph.  Công nhận rằng sự tri thức uyên bác của y khoa là một ân tứ của Đức Chúa Trời, như thế là vận dụng quan niệm tôn giáo và lý tánh đến cực điểm.
            Người phương Đông tỏ ra mình coi trọng đức tin, vì họ thường trưng dẫn câu tục ngữ nầy: "Hãy có đức tin, mặc dầu chỉ là tin một hòn đá thì anh sẽ lành bịnh".
            Ta thấy cái khuynh hướng về mê tín trong một cách ngôn khác giống như một câu trong sách gọi mạo là "Những Lời Phán Của Đấng Christ"  cách ngôn ấy là: "Nhà thờ ở gần bên không thể chữa lành bịnh được"[4][4].
            Người ta tin quyết rằng dùng thuốc là bổn phận của loài người, còn chữa lành là công việc do quyền phép Đức Chúa Trời; sự tin quyết ấy còn sống sót sau khi những sự giả dối đời xưa chồng chất lên trên nó đã tiêu diệt rồi. Sự tin quyết ấy làm cho nhà giáo sĩ kiêm y sĩ (missionnaire-médecin) được coi là thích hợp và có ảnh hưởng đặc biệt trong mọi nước phương Đông.
            10.  Giáo dục.-  Sự giáo dục ở phương Đông chú trọng vào sự hiểu biết tôn giáo và ăn ở đạo đức. Nhà trường là một phần phụ thuộc với nhà thờ của đạo Đấng Christ, chùa miếu của đạo Hồi-hồi và nhà hội của đạo Do Thái. Sự quan trọng của nhà trường đã được bày tỏ bởi cây tục ngữ nầy: "Dạy dỗ con trẻ cũng như khắc đá; dạy dỗ người lớn cũng như sóng biển". Trẻ con đi học hầu hết từ lúc ấu trĩ, và  cứ theo học cho đến năm 12 hoặc 13 tuổi. Lý thuyết  giáo dục ở phương Đông bao gồm ảnh hưởng của cả sự dạy dỗ lẫn sự di truyền. Tục ngữ có câu: "Anh để cái gì vào bình, thì chỉ có thể lấy ra chính cái ấy". Lại có câu: "Nếu cha là hành, mẹ là tỏi, thì sao hay có mùi thơm ngào ngạt được?".
            Sự dạy dỗ tốt nhất là khiến con trẻ đọc từng câu, từng đoạn theo thầy giáo. Sự dục vọng của thầy giáo là những kẻ qua đường nghe rõ tiếng ê-a của bọn học trò đọc rập với nhau. Sự đó làm chứng cho phụ huynh rằng học trò đang siêng năng học tập, và bởi đó sẽ kéo nhiều học trò khác vào trường của thầy. Trong vòng dân Do Thái, nhà trường gọi là "nhà sách" tức là Kinh Thánh, và nhất là năm sách của Môi-se. Khi đọc Kinh Thánh và sách cầu nguyện của người Do Thái, thì thầy giáo cũng dạy cho học trò viết chữ Hê-bơ-rơ.  Chữ Hê-bơ-rơ có hai loại:  một loại cho người Askenazim hoặc người Do Thái ở Âu Châu, một loại cho người Sepharidim hoặc người Do Thái ở Đông phương. Chữ viết Hê-bơ-rơ nầy dùng để viết thơ và chép sổ sách, bất cứ là dùng tiếng gì,- tiếng Anh, tiếng A-rạp, tiếng Nga, tiếng Đức hoặc tiếng Ấn-độ.
            Sự dạy các qui tắc tôn giáo là quan trọng hơn hết, rồi tới sự dạy các thứ tiếng dùng làm phương pháp tiếp xúc với xã hội và buôn bán may mắn. Nền giáo dục là một cách huấn luyện trí não, nói như thế thì người ta không hiểu là gì.
            Làm tiêu biểu cho nền văn chương bình dân là những đám đông ngồi trong tiệm cà phê buổi tối và nghe một người kể những truyện về quyền phép của ma quỉ, những chiến công oanh liệt, những kho tàng tìm được, những truyện nầy nhan nhãn trong pho "Thiên phương dạ đàm".  Những người biết suy nghĩ hơn thì thích kê cứu nền văn chương trong các cách ngôn, tục ngữ.  Người Do Thái, người theo đạo Đấng Christ và người theo đạo Hồi-hồi đều quí chung sách Châm ngôn như nhau.
            Người A-rạp có cả một kho tàng cách ngôn, tục ngữ lượm lặt trong cõi thiên nhiên và trong sự kinh nghiệm.  Những tư tưởng cao siêu của các bậc hiền triết có thể dùng làm phương châm cho đời, những tư tưởng ấy đều được bày tỏ một cách rất mạnh mẽ và tốt đẹp, mặc dầu sự cao kỳ thường khi vượt quá sự cần dùng của cuộc đời thiết thực.  Sự thêm đặt nầy là một cách xông phá của Chơn Lý để đánh thức kẻ canh cửa, là trí Phán Đoán, đương ngủ vùi ở bên trong.  Hầu hết các cách ngôn, tục ngữ đặt theo thể thi ca, nên người ta dễ nhớ và dùng đến luôn.  Nhiều câu tục ngữ có ý nghĩa rất thâm thúy vì tìm được một chỗ giống nhau giữa những sự vật thuộc loại khác nhau. Những ví dụ vừa hay, vừa dễ làm cho cảm phục của Đấng Christ thật đã xứng hiệp với người phương Đông vốn ưa thích và biết thưởng thức những câu văn theo thể so sánh, tương tự.
11.  Tôn giáo.-  Tôn giáo là một thực sự trọng đại trong cuộc sanh hoạt ở phương Đông.
            "Vì muôn vật đều là từ Ngài, bởi Ngài, và hướng về Ngài" (Rô-ma 11 : 36). Đó là tiếng hoan hô của mọi vật sống hoặc có một danh để sống ở phương Đông.
            Đạo Đấng Christ, đạo Do Thái và đạo Hồi hồi có nhiều chỗ rất khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ nhận biết sự thực hữu và quyền năng của Đức Chúa Trời. Ở phương Đông, "không theo đạo nào" thì chẳng phải là một sự xét đoán của trí khôn, nhưng là một sự thiếu sót đạo đức. Chủ nghĩa hoài nghi vẫn bị coi là lòng không vâng phục tự binh vực mình (Thi thiên 14 : 1). Chối rằng không có Đức Chúa Trời hoặc minh chứng rằng có Đức Chúa Trời, cả hai sự đó đều bị coi là vô ích gần như nhau.
            Sự tin rằng danh Đức Chúa Trời là vinh hiển thât mạnh mẽ và phổ thông, đến nỗi nếu Tin Lành do các giáo sĩ rao giảng có thể thấu vào tinh thần, lòng dạ, và có thể làm cho yêu thương thêm vào đức tin, thì phương Đông lại khả dĩ có ảnh hưởng tôn giáo như sóng cả đem ơn phước cho hoàn cầu.
            Tôn giáo ở phương Đông có một tấm lòng cung kính sâu xa, nhưng lại hầu như bị tê liệt bởi sự mê tín, định mệnh thuyết và nghi thức.
            A.  Mê tín.-  Vì có nhiều kẻ làm trung bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người, nên đạo Đấng Christ ở phương Đông đã sa vào một hố sai lầm mà đạo Hồi-hồi và đạo Do Thái lại thoát khỏi. Nhưng sự tin cậy bùa chú là chung cho cả mọi người; và quyền phép của con mắt ma quỉ và sự phát minh các đìều mầu nhiệm bởi pháp thuật vẫn là những tệ mê tín phổ thông. Tiếng A-rạp gọi là nhà tiên kiến những kẻ nào bày tỏ những việc mầu nhiệm, kín giấu bởi phép chiêu hồn, hoặc phép thông công với kẻ chết. Danh hiệu nhà tiên kiến và pháp thuật ấy đã có từ đời Sa-mu-ên. Ở I Sa-mu-ên 9 : 7 có một sự bối rối nổi lên quanh vụ cầu hỏi người Đức Chúa Trời mà không có lễ vật để dâng cho người. Chữ dịch là "lễ vật" theo tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng A-rạp, nghĩa là tiền công chỉ dẫn và tiếng chuyên môn ấy tỏ ra rằng những sự cầu vấn nhà tiên kiến như thế lan tràn khắp dân gian và thành ra một lối buôn thánh bán thần. Có một chữ khác tỏ ra những di tục tối tăm ấy vẫn còn bành trướng; ấy là chữ "thuật sĩ" theo tiếng Hê-bơ-rơ là "một kẻ biết", còn theo tiếng A-rạp đương dùng nói ngày nay lại là "một kẻ nói". Lại nữa, khi Kinh Thánh nói về một người đờn ông hoặc một người đờn bà có tà thần nhập vào, thì dùng chữ có nghĩa là "kẻ dùng một cái chai". Lối làm ở phương Đông hiện nay sẽ cắt nghĩa danh từ ấy. Nếu trong nhà mất một món tiền, thì họ mời bà bóng đền để tỏ ra tiền ấy giấu ở đâu và ai đã ăn cắp; bà bóng luôn luôn đem theo một cái chai trống không. Bởi vật trung gian ấy, bà bóng nói rằng mình gọi hồn những bà con của người mất của lên, và những câu đáp lại mà ai nấy nghe được thì bà bóng bảo là do cái chai phát ra.
            B.  Định mệnh thuyết.-  Người ta luôn viện đến thuyết số phận, chẳng những để chịu lấy cái họa không tránh được, nhưng cũng để chữa chôi sự vô ý và biếng nhác. Khí chất của cá nhân không thể nào thay đổi được, và phong tục của quần chúng thì không nên thay đổi. Người Do Thái làm trọn mọi sự công bình bởi theo đúng các di tục của đạo Do Thái; về phần người theo đạo Đấng Christ và đạo Hồi-hồi cũng vậy. Hết thảy công nhận rằng mục đích tối cao của tôn giáo là tôn vinh Đức Chúa Trời, nhưng con đường đi đến mục đích ấy đã bị lồi lõm và cản trở bởi những xe "Nghi lễ" và "Luật pháp".  Dân Y-sơ-ra-ên biết chắc các điều răn của Đức Chúa Trời; tín đồ Hồi giáo thêm vào đó cái phận sự phải phục tòng. Nhưng chỉ có đạo Tin Lành của ân điển Đức Chúa Trời có thể đổi luật pháp bề ngoài thành ra sự ưa thích bề trong, và đổi sự phục tùng ra sự tự do trọn vẹn. Hội Thánh Đấng Christ đã cử các giáo sĩ sang giảng đạo ở xứ Sy-ri và xứ Pha-lê-tin, thì hy vọng và cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh kíp ban phước cho những phương pháp dùng để sanh ra hiệu quả lớn lao đó. Đức Chúa Trời chẳng quăng bỏ dân Ngài đã chọn từ ngàn xưa, Ngài cũng chẳng muốn cho Ích-ma-ên (chỉ dân A-rạp) chết mất; lại nữa, danh hiệu Đấng Christ được bảo tồn trải qua bao nhiêu thế kỷ chịu thử rèn và ức hiếp, cũng chẳng phải là luống công, vô ích đâu. Có ơn phước dành sẵn cho xứ tại đó "Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta" (Giăng 1 : 14).
            Ngay bây giờ quan niệm tôn giáo ở phương Đông dạy một bài học thường rất cần yếu cho những nước văn minh hơn. Những kẻ đã lưu truyền phần lớn các nghi lễ bề ngoài của đời xưa, thì cũng bảo tồn một chơn lý bề trong, tức là: Nhiệm vụ của tôn giáo là phải cung mọi sự cần dùng sâu xa nhứt của tấm lòng hơn là làm phu phỉ những sự cần dùng tối cao của trí tuệ. Ở phương Tây, Đức Chúa Trời làm nên một sự gì là vì Ngài tốt lành; ở phương Đông, thì chính sự ấy là tốt lành vì Ngài đã làm nên nó. Đức Chúa Trời cao trọng hơn phương Đông và phương Tây, nhưng hai phương nầy phải học lẫn nhau nhiều điều.  Phương Đông run sợ, không dám quả quyết rằng Đức Chúa Trời phải làm những gì. Có thể có định mệnh trong những cách giải thích cũng như trong số phận.  Khó bao quát mưu định của cõi đời đời trong cách thức của một ngày. Đạo Tin Lành lấy "danh Jêsus" làm chơn lý đầu nhứt và làm chung điểm (terminus); thống hệ thần học của đạo Tin Lành luôn luôn vẫn thấy dân Đông phương mau thất vọng vì thiếu quyền phép của sự cầu nguyện nhơn danh Jêsus.
            C.  Nghi lễ.-  Nghi lễ đầy dẫy trong Hội thánh phương Đông cũng như trong các nhà hội của dân Do Thái; nhưng trong các nhà hội sự phô diễn nghi lễ có những tiểu tiết vì có quan hệ với lịch sử Kinh thánh, và vì tỏ ra dân Do Thái còn ưa thích một cái gì hơn là Tin Lành của Đức Chúa Jêsus Christ mà họ vẫn chối bỏ.
            Đời sống của người Do Thái có đạo từ cái nôi cho đến mồ mả, nghĩa là từ khi sanh ra cho đến khi qua đời. Trong phòng của người mẹ và đứa con mới sanh, thầy thông giáo gián một tờ giấy chép Thi Thiên 121 bằng tiếng Hê-bơ-rơ có thêm lời cầu xin ơn che chở của A-đam va Ê-va cùng các thiên sứ nhơn lành, và lời rủa sả quyền phép hoặc sự mon men đến gần của Leilith, là quỉ ban đêm.
Khi đã mười ba tuổi, các cậu bé Do Thái được cha đưa đến nhà hội, và tại đó cậu làm "con trai của Điều răn". Người Cha cảm tạ Đức Chúa Trời vì được thoát khỏi trách nhiệm về tinh thần đối với mọi sự hành động của đứa trẻ, vì bây giờ nó đã nhận được thần trí phân biệt thiện và ác (so sánh Phi-líp 1 : 9-10).  Khi thức dậy buổi sáng, người Do Thái đeo ở dưới áo cụt một cái tallith nhỏ, hoặc tấm vải cầu nguyện có những tua linh thiêng, rồi làm trọn những lẽ tin kính buổi sáng hoặc ở nhà, hoặc trong nhà hội.
            Có những câu cảm tạ đặt sẵn và khác nhau bằng tiếng Hê-bơ-rơ, dùng để đọc khi ăn bánh, thịt, quả và uống rượu.  Những cầu cảm tạ khi dùng các mùi thơm thì lại khác hẳn, vì là ứng dụng cho vỏ cây, hoa, lá hoặc phấn thơm.  Có những câu cảm tạ khi thấy một vật tốt đẹp hoặc lạ lùng trong cõi thiên nhiên, khi nghe một lời khôn ngoan hoặc gặp một người có tiếng là tin kính, đạo đức.  Họ học thuộc lòng hết thảy những câu ấy từ khi còn thơ ấu, bằng một lối văn không dùng trong khi nói chuyện thường hoặc trong cuộc sinh hoạt hằng ngày.
            Trong nhà, trên cột cửa phía hữu của mỗi căn phòng có người ở, có treo cái mezủza, tức là cái hộp con đựng điều răn chép trong Phục truyền 6 : 4-9. Có lẽ trong một thời kỳ, thói tục ấy đã có ý nghĩa tốt đẹp vì nhắc cho nhớ Vị Khách Vô Hình ở trong nhà, sự hiện diện của Ngài đáng phải kiểm soát và làm cho nên thánh mọi lời nói và việc làm trong nhà. Nhưng hiện nay cái hộp ấy chỉ là một cái bùa chú che chở những kẻ ngủ trong phòng khỏi bọn quỉ ban đêm vào làm hại. Ngoài chốn gia đình còn có những sự cầu nguyện trong nhà hội vào buổi sáng, buổi chiều và buổi tối, và những sự cầu nguyện đặc biệt trong ngày Sa-bát và các ngày lễ tôn giáo. Sự hầu việc Đức Chúa Trời luôn luôn được tỏ ra là một luật lệ phải thi hành vừa theo ý nghĩa minh bạch của nó, vừa theo những hiệu quả.
            Sự dạy dỗ của các thầy thông giáo giống như một định khoản về quyền tác giả hoặc như thể lệ chơi một món thể thao. Vậy, đối với tội "nấu dê con trong sữa mẹ nó" (Xuất Ê-díp-tô ký 23:19) thì:
1)      1)        Cấm hẳn món ăn ấy;
2)      2)        Để tránh khỏi sự vô ý trn lẫn hai thứ ấy, không được dùng một vật gì vừa đựng sữa và đựng thịt ;
3)      3)        Ăn thịt phải cách xa uống sữa một khoảng thì giờ;
4)      4)        Nếu ăn thịt trước, thì khoản thì giờ ấy phải lâu hơn, vì mất nhiều thì giờ hơn để tiêu hóa;
5)      5)        Sữa đặc phải liệt vào loại thịt vì có chất tiểu ngưu vị chấp (présure).
            Các thầy giáo đạo Do Thái bảo rằng tìm các ình bóng giấu kín kia là khiến mình nên thánh!
            Tự nhiên lắm, sau khi thực hành mọi luật lệ nầy, người có tấm lòng nhơn ái phải tự hỏi : "Còn thiếu chi cho tôi nữa ?" (Ma-thi-ơ 19 : 20).
            Ngoài những luật lệ đối với các vấn đề đặc biệt và ngày Sa bát hằng tuần, đời tin kính của người Do Thái còn bị kiểm soát bởi các Lễ Thánh nối tiếp nhau. Ta có thể bày tỏ đời tin kính của họ một các rõ ràng hơn hết bởi mô tả sơ lược các Lễ Thánh ấy và cách họ giữ các Lễ Thánh ấy. Mỗi lần chúng ta sẽ phải nhận thấy thể nào "chữ làm cho chết" (II  Cô-rinh-tô 3:6). Nhưng đương khi xem xét, chúng ta hãy nhớ rằng nghi lễ không có yêu thương đã làm cho những cành nguyên của cây phải khô héo, thì cũng có thể làm hại chừng ấy hoặc hơn nữa cho những cành được tháp vào cây (xem Rô-ma 11:19-24)
            Có tám lễ chính, trong số đó có năm lễ do năm sách của Môi-sê chỉ định[5][5].
            (1)  Lễ Vượt Qua (Xuất Ê-díp-tô ký 12 : 1-28), từ ngày 15 đến hết ngày 21 tháng tư âm lịch (Abîb hoặc Nisân). Ấy là một khoảng thì giờ sửa soạn và vui mừng tưng bừng trong các gia đình Do Thái. Ấy là khởi đìểm của năm tôn giáo. Khi mặt trời lặn vào ngày 14 và các ngôi sao bắt đầu mọc, thì mọi sự đã sẳn sàng để giữ lễ. Đã chùi rửa nhà cửa xong rồi, mọi người trong nhà đã mặc quần áo mới, và qua khe những cửa lớn và cửa sổ dã đóng chặt ở khu người Do Thái trong thành phố, ta nghe mỗi bên có nhiều người cất cao giọng hòa nhịp đọc tiếng Hê-bơ-rơ. Chỉ có người Sa-ma-ri còn giữ tục quay chiên con theo như các mạng lịnh tù xưa ; nhưng hết thảy ăn các thứ rau đắng, nhứt là lá rau diếp quăn ăn với nước sốt (sauce) giống như vữa để nhớ lại khi làm tôi mọi trong xứ Ai-cập.  Trong khi đọc, người gia trưởng cắt nghĩa các biến động mà họ đường kỷ niệm, và hỏi mỗi đứa con trai nhỏ có mặt ở đó rằng nó đi đâu, thì chúng ta trả lời rằng: "Tôi đi từ xứ Ai-cập đến xứ Giê-ru-sa-lem". Dùng lối nói ấy vì tên Mizrâim và Yerushalaim (Ai-cập và Giê-ru-sa-len) có vần với nhau.  Có bốn chén rượu để uống trong khi làm lễ.
            Muốn cho thuận tiện và lịch sự, người ta hòa rượu với nước. Phải là rượu thượng hảo hạng, và không có pha chất gì của dân ngoại chế ra. Người nghèo được phép dùng nước nho.
            Trong thời gian sửa soạn, người ta phải cẩn thận dọn nhà cho sạch hết men và bánh pha men, cùng mọi đồ vật đã dùng để chế, đựng hoặc chở men. Khi những người đờn bà đã xem xét và cọ rửa nhà cửa rồi, thì chủ nhà chính thức xem xét rất là trọng thể. Vì ông nhơn danh Đức Chúa Trời mà làm việc ấy, nên phải để một miếng bánh ở một chổ dễ thấy, vì nếu ông chẳng tìm thấy gì, thì dường như ông đã lấy danh Đức Chúa Trời mà làm chơi. Có khi họ chọn một người giả bộ mua hết mọi món có men hoặc có thể bốc men ở trong nhà, tỉ như giấm, rượu, nước nho và hoa quả đóng hộp. Người ấy mua xong, bèn xin gởi lại, sau sẽ đến lấy. Sau bảy ngày lễ Vượt qua, người đến lấy, rồi bán lại ngay, lấy đủ số tiền mà mình đã trả. Theo luật lệ của các thầy thông giáo, thì trong khoảng bảy ngày ấy các món ăn kia không phải là của gia đình ấy. Khi làm bánh không men, người Pha-ri-si ngày nay bịt một miếng vải mỏng trên miệng vò, nước đựng trong đó đã múc từ nơi giếng, e rằng lỡ có một miếng bánh thường ăn nổi trong vò nước chăng. Người ta chẳng hề nói gì theo tinh thần của I Cô-rinh-tô 5:8.
            (2)  Lễ Ngũ tuần.-  Lễ nầy nhằm năm mươi ngày sau khi bắt đầu lễ Vượt qua, tức là mồng 7 tháng 6 Âm lịch (Sivân).  Cũng gọi là Lễ Mùa màng (Xuất Ê-díp-tô ký 23 : 16), và lễ Bảy Tuần (Phục truyền Luật lệ ký 16 : 10).  Trong nhà hội, người ta kỷ niệm sự lựa chọn bảy mươi trưởng lão (Xuất Ê-díp-tô ký 24 : 1 ; Dân số ký 11 : 16).
(3)  Mồng ba tháng tám (AB).-  Người ta giữ ngày nầy để kỷ niệm cái ngày sầu thảm mà Đền thờ thứ nhứt và Đền thờ thứ hai đã bị hủy phá, và Giê-ru-sa-lem đã bị san phẳng.  Đồ đạc trong nhà hội bị lật và quăng ln bậy cả ; những kẻ thờ phượng đều kiêng ăn, quần áo họ xốc xếch và lê-bẩn ; họ đọc sách Ca-thương của Giê-rê-mi, và cầu nguyện xin Đấng giải cứu mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho kíp đến.
            (4)  Lễ thổi kèn (Lê-vi-ký 23 : 24 ; Dân số ký 29 :  ).-  Lễ nầy nhằm ngày mùng một tháng mười (Ethanimhay là Tisri), tức là ngày đầu năm theo lối tính việc đời.  Ngày nầy có ý nghĩa quan trọng về tôn giáo, vì là ngày thức nhứt của mười ngày ăn năn trước Ngày Chuộc Tội. Người ta truyền khẩu rằng trong ngày đầu năm nầy, tên những người Y-sơ-ra-ên phải chết trong năm ấy đều ghi vào Sổ Sự Chết, còn tên những kẻ được sống sót đều ghi vào Sổ Sự sống.
            Trong mười ngày nầy người ta có dịp tiện làm cho tên mình được đổi từ Sách nọ sang Sách kia bởi chăm chú thêm vào sự cầu nguyện, sự ăn năn và các luật lệ, các phận sự trong nhà hội.  Sự mê tín nầy còn mạnh hơn sự mê tín của Hội kia.  Đối với tòa giải tội và lễ Mi-sa, vì lòng kiên quyết nương cậy Đức Chúa Trời chớ không nương cậy thầy cả.  Nhưng cả hai cùng có mục đích dọa nạt linh hồn, bóp nặn tiền bạc, và tỏ ra người ta có thể chịu khó giựt phước nơi tay Đức Chúa Trời.
            (5)  Ngày Chuộc Tội (Lê-vi-ký 16:3-10 ; Dân số ký 19:7-11).-  Ngày nầy (Mồng 10 tháng 10) long trọng đặc biệt. Những người Do Thái không đến nhóm họp trong nhà hội lúc cuối năm, bây giờ đều có mặt và dự cuộc thờ phượng suốt ngày. Họ giết gà trống và gà mái trắng, làm biểu hiệu cho sự tha thứ và sự thanh bạch. Cũng vì một lẽ ấy, học mặc áo trắng; và xuốt ngày họ đọc bài cầu nguyện hạ mình và ăn năn.  Những điệu b hăng hái và những tiếng nói nghên ngào vì thổn thức khiến người ngoại quốc có cảm tưởng rằng mình đứng xem một đám tang sầu não, kinh khiếp. Thật chẳng khác chi một linh hồn cố gắng tìm lại một bản năng đã mất hoặc quay về nguyên trạng.  Đó là cảnh tượng ăn năn hằng năm, nhưng nó chẳng có quyền phép gì để thay đổi lòng người (Hê-bơ-rơ 10:3, 4).
            (6)  Lễ Lều Tạm (Lê-vi ký 23:34; Dân-số ký 29:12; Phục truyền Luật-lệ-ký 16:13).-  Lễ nầy bắt đầu ngày 14 tháng mười, sau khi mặt trời lặn.  Ấy là ngày Lễ Cảm Tạ (như của người Mỹ)  vì hái các trái cây mùa hạ, nhứt là nho, vả, và ô-li-ve.  Suốt tám ngày lễ nầy, người Do Thái dựng các lều bằng cành, lá và các trại bằng vải cát bá ở trên bao lơn, trên mái nhà bằng phẳng, rồi vào đó dùng bữa.
            (7)  Lễ Đèn sáng (xem Giăng 10 : 22), ngày 25 tháng chạp (Chislen), để kỷ niệm sự lập lại cuộc thờ phượng trong Đền thờ, sau khi nơi thánh ấy đã bị xâm phạm bởi Antiochus Epiphane trong thời Macchabées (168 - 165 T.C.,).
            (8)  Lễ Phu-rim (Ê-xơ-tê 9:19) nhằm ngày 14 tháng ba (Adar). Họ đọc hết sách Ê-xơ-tê trong nhà hội, hô danh Mạc-đô-chê mà chúc phước cho, lại hô danh Ha-man của nguyền rủa. Họ làm tượng của Ha-man cho con trẻ ném đá, và người giàu đem đồ ăn cho người nghèo ngõ hầu tất cả dân Y-sơ-ra-ên đều thỏa thích. Người ta có thói quen nói rằng bàn ăn dọn sang hoặc bữa cơm ngon miệng là "một lễ Phu-rim".
            Sự thờ phượng và các lễ trong nhà hội được dân Do Thái coi trọng hơn hết, kể là phương pháp độc nhứt còn sót lại để bày tỏ và gìn giữ tính cách chủng tộc của họ. Những sự đó thành ra vật thay thế quan niệm tôn giáo chân chính, chớ không nâng đỡ quan niệm ấy, vì mỗi một lễ kỷ niệm cuộc quá khứ đều trái ngược với hoàn cảnh hiện tại. Vậy, lễ Vượt qua nhắc lại tên và chỗ của tổ quốc cho những kẻ không còn có tổ quốc. Những lễ thuộc về nghề nông, như lễ Ngũ Tuần và lễ Lều tạm, thì cử hành bởi những người sợ không dám làm việc lao động. Người Do Thái đã có tiếng là "kẻ xuất ngoại và sống một đời vô định" trên mặt đất, nhưng hằng ngày họ vẫn đọc trong sách Cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa, tôi cảm tạ Ngài vì Ngài chẳng để tôi làm một người ngoại quốc". Thật là kỳ dị, cái mối quốc gia hợp nhất lại do chính những nghi lễ đó,- những nghi lễ tỏ ra rằng dân tộc ấy đã cách xa nguyên trạng của họ. Những đặc điểm nầy hẳn phải gợi lòng thương cảm của tín đồ Đấng Christ, vì biết rằng cái điều cần yếu cho người Do Thái ấy là sự tha thứ và sự công bình của Đức Chúa Trời cùng lòng yêu thương ràng buộc của Đấng Christ.
            Có lẽ sự trái ngược giữa cuộc quá khứ và cuộc hiện tại lên đến tuyệt điểm khi xong lễ thờ phượng trong nhà hội, thầy tế lễ lấy cái tallith (tấm vải cầu nguyện) trùm mặt lại mà đọc lời chúc phước của Môi-se (Dân số ký 6:24-26).  Phải đề phòng như thế, kẻo lỡ người thay Môi-se mà nói lời của Môi-se sẽ lòa ra vinh quang xưa kia đã chói sáng trên mặt Môi-se, là nhà lãnh tụ trứ dah ban bố luật pháp, và bởi đó đánh chết hết dân chúng chăng.
            Vì sự tàn bạo của hình thức trống rỗng đó và vì sự hạn chế trong vòng một nước những điều mà Đức Chúa Trời đã tỏ cho cả thế giới đó, nên Hội Thánh Đấng Christ có phận sự giảng Tin Lành cho người Y-sơ-ra-ên. Ấy là sứ mạng của người em xưa đã vung phí hết của cải phải truyền cho người anh đương mắc vòng nguy hiểm là chính của cải mình xô vào cảnh nghèo túng. Sự đòi riêng hưởng ân huệ của Đức Chúa Trời đó là và bao giờ cũng là con đường phân rẽ giữa nhà hội của người Do Thái và nhà thờ của tín đồ Đấng Christ. Ấy là "lòng sốt sắng về Đức Chúa Trời, nhưng lòng sốt sắng đó là không phải theo trí khôn" (Rô-ma 10:2); vì cái chơn lý mà dân Do Thái chối bỏ ấy là sự vinh hiển của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong sự cứu rỗi mọi nước (Công vụ các sứ đồ 2:21-39; 3:25; 6:14; 10:28-43; 13:47; 14:27; 17:27; 22:21, 22; I Ti-mô-thê 2:7).
            Pha-lê-tin là một xứ có những kỷ niệm thiêng liêng. Một vài kỷ niệm còn giữ nguyên giọng nói của người sống; còn một vài kỷ niệm chỉ là những chữ phai nhạt trên phần mộ ghi chép những việc đã làm khi hơi thở sanh mạng còn ấm nóng.
            Cái chơn lý cao trọng về cá nhân tôn giáo (religion personnelle) mà trải qua bao nhiêu thế kỷ, phương Đông đã truyền dạy bởi các biểu hiệu và của lễ và thường đã làm giảm giá trị đi bởi cớ lễ nghi và mê tín - cái chơn lý ấy là "Đức Chúa Trời giao phó quyền phép của Ngài cho những kẻ nào giao phó thân mệnh mình cho Ngài".  Các cuộc qui định cái chơn lý ấy và sự phát triển của các cuộc qui định ấy từ các đời thượng cổ, là cách bày tỏ khoản luật pháp tối trọng của xã hội định rằng cá nhân phải vì gia đình, gia đình phải vì quốc gia, quốc gia phải vì thế giới, và thế giới phải vì Đức Chúa Trời.
            Đối với chính Kinh Thánh, bài khảo cứu "các nghi thức và phong tục" nầy đặt trước mặt chúng ta một loạt tư tưởng, tập quán và chế độ sẽ giải nghĩa và chứng thực cho những đoạn ngụ -ý nói đến các chi tiết giống như thế ở trong Kinh Thánh. Bài khảo cứu nầy tỏ ra sứ mạng của sự khải thị thích hợp với các hoàn cảnh của loài người một cách đầy đủ và mật thiết là dường nào!
            Vậy, trong tâm trí ta có cảm tưởng rằng Kinh Thánh là một sách cốt để cho loài người khảo cứu và coi quí vì ghi chép những việc quá khứ. Và trên hết mọi sự, ta phải yêu mến và kính trọng Kinh Thánh vì Kinh Thánh được dùng làm tiếng Đức Chúa Trời phán đời đời với muôn dân muôn nước.


- HẾT -

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!