Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018

Thông Điệp Phúc Âm


                 Chúng ta đang sống trong thời đại tin học và mỗi ngày chúng ta tiếp nhận rất nhiều tin tức qua đủ mọi phương tiện, từ điện thoại, điện thư đến email, texting, rồi qua tin tức báo chí, truyền thanh, truyền hình. Có thể nói trí óc chúng ta tràn ngập với những thông tin, từ điều tốt đến điều xấu, từ điều đáng để tâm, đến những việc nên bỏ ngoài tai. Giữa rừng thông tin đó, những dòng chữ nầy đến với quý vị có thể như một tiếng vang trong sa mạc, lạc lõng giữa những ồn ào của đời sống. Tuy nhiên, với đôi tai bén nhạy, tôi hy vọng Bạn có thể nhận được một sứ điệp quan trọng từ Thiên Chúa, Đấng đã tạo nên Bạn, ban cho Bạn sự sống và muốn có một tương giao, nối kết với Bạn.
                 Khi đến với con người trên trên trần gian nầy, Chúa Giê-xu đã đem đến cho nhân loại một sứ điệp tương tự. Với sứ điệp nầy, một số người yên lặng, lắng nghe và tiếp nhận. Một số khác khước từ hay bỏ ngoài tai. Nhưng tôi ước mong Bạn sẽ lắng nghe, vì đây thật là sứ điệp quan trọng và cần thiết cho Bạn trong cõi đời nầy và cả cõi đời sau. Khi Chúa Giê-xu bắt đầu chương trình giảng dạy của Ngài trên trần gian, Chúa phán:
Thời kỳ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng (Phúc Âm Mác 1:15)
                 Có bốn điều trong thông điệp nầy:
                 1. Yếu tố thời gian
                 Nói đúng hơn là thời điểm. Chúa Giê-xu phán: “Thời kỳ đã mãn.” Thời kỳ đã mãn nói đến thời điểm trong chương trình của Thiên Chúa đã đến. Thì giờ hay thời gian là điều quan trọng và cần thiết trong đời sống, tuy nhiên thời điểm là điều quan trọng hơn. Các vị vua ngày xưa luôn luôn nói đến ba yếu tố trong việc trị nước là thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Có địa lợi và nhân hòa mà không đúng thời điểm hay nói đúng hơn, Trời không cho thì cũng không được.
                 Khi Chúa Giê-xu phán: “Thời kỳ đã mãn,” Chúa muốn nói đến yếu tố thiên thời đó. Thời kỳ đã mãn nói đến chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa đã được thực hiện. “Mãn” có nghĩa là trọn, hoàn thành hay ứng nghiệm. Bao nhiêu lời dạy trong Thánh Kinh đều chỉ qui về một đối tượng là Chúa Giê-xu. Thánh Kinh dạy: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến thế gian.” Chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa đã được thực hiện hai thiên niên kỷ trước và chúng ta đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba, nghĩa là đã hơn 2,000 năm kể từ ngày Chúa Giê-xu vào đời để cứu rỗi nhân loại. Nếu 2000 năm trước, Chúa Giê-xu loan báo: “Thời kỳ đã mãn,” thì hôm nay sự kiện đó lại càng rõ ràng hơn. Thời kỳ cứu rỗi chẳng những đã đến nhưng ngày Chúa Giê-xu trở lại cũng rất gần. Trong thời điểm đó, chúng tôi muốn loan báo Tin Mừng cứu rỗi của Chúa Giê-xu cho quý vị.
                 2. Yếu tố thần phục hay cai trị
                 Chúa Giê-xu phán: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần.” Triều đại Thiên Chúa nói đến vương quốc hay Nước của Chúa. Phúc Âm hay Tin Mừng cứu rỗi thường được gọi là Phúc Âm của Nước Chúa. Nước Chúanói đến thẩm quyền cai trị của Ngài. Mỗi chúng ta sống trên đời nầy, dù muốn dù không cũng đều ở dưới quyền của một sức mạnh hay một quyền lực nào đó. Chúng ta có thể làm nô lệ cho đồng tiền, cho nhục dục, cho danh vọng. Bất cứ điều gì thôi thúc, đẩy chúng ta đi, tất cả những điều đó đều là thần tượng hay ông chủ của chúng ta. Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ và con người, chính Ngài là người chủ mà chúng ta phải phục tùng.
                 Chúa đã đến để thiết lập vương quốc của Ngài trên trần gian nầy. Người nào bằng lòng thần phục Chúa thì sống dưới quyền cai trị của Chúa, sống trong vương quốc của Chúa, Nước của Chúa hay triều đại của Chúa. Như đã nói, dù muốn hay không, chúng ta đều phải chịu thần phục một ảnh hưởng nào đó. Chúng ta chỉ thật sự tự do khi thần phục Thiên Chúa vì Ngài là Đấng giải phóng chúng ta.
                 3. Yếu tố ăn năn sám hối
                 Điểm quan trọng của ăn năn sám hối chẳng những là ý thức vấn đề tội lỗi nhưng là thái độ dứt khoát, hối cải, đổi hướng. Một người có thể đổi hướng mà vẫn không thay đổi gì nếu không chọn cho mình một hướng đi. Chúng ta có thể đi lạc đường, có thể biết mình lạc, có thể dừng lại nghiên cứu bản đồ, nhưng nếu không quyết tâm đi con đường mới, tất cả những điều đó đều vô ích.
                 4. Yếu tố đức tin
                 Chúa Giê-xu không nói, “tin Tin Mừng” nhưng “tin VÀO Tin Mừng.” Tin vào nói lên tinh thần phó thác, dấn thân, cam kết. “Tin” không chỉ có nghĩa chấp nhận nhưng là cam kết, sống chết với niềm tin của mình. Nhưng tin vào Tin Mừng là tin điều gì? Tin Mừng không phải là tôn giáo, cũng không phải là giáo điều hay giáo lý nhưng Tin Mừng chính là Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu là Tin Mừng của nhân loại. Sự kiện Chúa Giê-xu giáng trần, chịu chết và sống lại là Tin Mừng. Đó là Phúc Âm chúng tôi loan báo.
                 Vấn đề căn bản của con người là mối tương giao giữa Tạo Hóa và tạo vật. Chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng nhưng đã tẻ tách con đường của Thiên Chúa. Thánh Kinh gọi đó là tội, là phân cách, là chết. Vì đó là sự chết nên phải có một cái chết khác thế vào, vấn đề của con người mới được giải quyết. Đó là cái chết thay thế của Chúa Giê-xu trên thập giá để chuộc tội cho nhân loại.
                 Những gì chúng tôi vừa trình bày cho quý vị không phải là điều xa vời, diệu vợi nhưng rất gần gũi với chúng ta. Vì nếu không giải quyết vấn đề căn bản là mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa, mọi vấn đề khác sẽ vẫn còn đó. Mối quan hệ gia đình, mối quan hệ cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh chị em bạn hữu… chỉ thật sự được giải quyết khi mọi người gặp nhau trong Phúc Âm của Chúa Cứu Thế.
                 Chúa Giê-xu đã gửi ra một thông điệp rất đơn giản mà chúng tôi muốn nhắc lại hôm nay giữa những ồn ào của bao nhiêu sứ điệp khác. Sứ điệp đó là:
1. Thời điểm đã đến
2. Triều đại của Chúa đã gần kề
                 Vì vậy, có hai điều cần phải làm: ăn năn hối cải và tin vào Phúc Âm là chương trình Thiên Chúa dùng để cứu rỗi nhân loại. Chương trình đó là sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu. Hãy đọc lại thông điệp của Chúa Giê-xu và thi hành thông điệp đó:
          Thời kỳ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng (Phúc Âm Mác 1:15)

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!