Xuất Ê-díp-tô Ký 8:20-24
20 Kế đó, Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Nầy Pha-ra-ôn sẽ ngự ra mé sông, ngươi hãy dậy sớm, đi ra mắt người, mà tâu rằng: Đức Giê-hô-va có phán như vầy: Hãy tha cho dân ta đi, để chúng nó hầu việc ta. 21 Vì nếu ngươi không cho đi, nầy, ta sẽ sai ruồi mòng bu nơi ngươi, quần thần, dân sự và cung điện ngươi; nhà của người Ê-díp-tô đều sẽ bị ruồi mòng bu đầy, và khắp trên đất nữa. 22 Nhưng ngày đó, ta sẽ phân biệt xứ Gô-sen ra, là nơi dân ta ở, không có ruồi mòng, hầu cho ngươi biết rằng ta, Giê-hô-va, có ở giữa xứ. 23 Ta sẽ phân biệt dân ta cùng dân ngươi. Đến mai, dấu lạ nầy tất sẽ có. 24 Đức Giê-hô-va bèn làm y như lời. Vậy, trong cung điện Pha-ra-ôn, nhà cửa của quần thần người cùng cả xứ Ê-díp-tô đều có ruồi mòng vô số, đất bị ruồi mòng hủy hoại.
Câu gốc: “Hãy tha cho dân ta đi, để chúng nó hầu việc ta. Vì nếu ngươi không cho đi, này, ta sẽ sai ruồi mòng bu nơi ngươi, quần thần, dân sự và cung điện ngươi; nhà của người Ê-díp-tô đều sẽ bị ruồi mòng bu đầy, và khắp trên đất nữa” (câu 20c-21).
Câu hỏi suy ngẫm: Đức Chúa Trời giáng tai vạ thứ tư xuống đất nước Ai Cập như thế nào? Trong tai vạ này, Chúa đã làm gì để người Ai Cập biết Ngài đang ở giữa xứ? Làm thế nào để Đức Chúa Trời nhận chúng ta làm công dân Nước Trời và làm con của Ngài?
Giống như tai vạ lần thứ nhất, Đức Chúa Trời sai ông Môi-se và ông A-rôn đến bờ sông Nile để cảnh báo vua Ai Cập rằng Ngài sẽ khiến ruồi mòng bu đầy khắp cõi Ai Cập nếu vua không cho tuyển dân ra đi phụng sự Ngài. Chúa cho vua thời hạn một ngày để suy nghĩ và đáp ứng lời yêu cầu, nhưng vua lại cứng lòng. Ruồi mòng là một loài côn trùng trông giống như con ruồi lớn, nhưng là loài hút máu người và động vật, được dân Ai Cập cho là hiện thân của thần Uatchit. Khi bị ruồi mòng này chích, người ta sẽ có cảm giác đau buốt như bị ong chích. Chúng thường đẻ trứng vào các loại hoa quả để các ấu trùng được nuôi sống cho đến lúc nở thành ruồi mòng con, phá hoại mùa màng rất lớn. Ngoài ra, ruồi mòng còn là tác nhân lây nhiễm nhiều loại dịch bệnh. Thật trớ trêu, thần tượng đầy dẫy của người Ai Cập chỉ làm cho họ thêm phần khổ sở mà thôi!
Trong tai họa thứ tư này, Đức Chúa Trời đã công khai phân biệt người Y-sơ-ra-ên đang làm nô lệ ở Ai Cập là dân của Ngài, và người Ai Cập là dân của Pha-ra-ôn (câu 21-23). Chúa cũng tỏ ra sự ưu ái, bảo vệ dân Ngài khi cả xứ Ai Cập bị khổ sở bởi ruồi mòng, thì Ngài trừ ra phần đất Gô-sen, là địa phận Chúa ban cho người Y-sơ-ra-ên sinh sống (Sáng Thế Ký47:4-6). Và Ngài làm điều này để cho toàn dân Ai Cập nhận biết Ngài đang ngự ở giữa xứ của họ (câu 22). Thật như Lời Chúa đã phán: “Nước nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình; Dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp mình có phước thay!” (Thi Thiên 33:12).
Người Ai Cập thờ nhiều thần tượng, nhưng tất cả thần của họ chỉ là sản phẩm vô dụng do con người dựng nên, chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đấng Tạo Hóa đầy năng quyền, công chính và yêu thương mới có thể bảo vệ và ban phước cho con người. Khi tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu làm Chúa và chủ cuộc đời mình, chúng ta được Chúa kể là dân Y-sơ-ra-ên thuộc linh, được làm con của Ngài, và chắc chắn Chúa sẽ bênh vực chúng ta trong ngày phán xét cuối cùng, ban cho chúng ta sự sống đời đời phước hạnh.
Bạn đã trải nghiệm phước hạnh như dân Chúa trong bài học này chưa? Và bạn có chia sẻ phước hạnh này cho người thân và bạn bè không?
Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài đã ban cho con được làm công dân trong vương quốc Ngài. Xin Cha cứ tiếp tục ưu ái, dẫn lối và bảo vệ con suốt đời, cho đến lúc con được chiêm ngưỡng Ngài tận mặt nơi thiên quốc.
HTTLVN.ORG