Kính thưa quý thính giả,
Hôm nay, chúng ta sẽ cùng theo dõi một số gợi ý giúp thực hành đức tin một cách riêng tư:
Thứ nhất, hãy hiểu rằng nuôi dưỡng mối quan hệ với Đức Chúa Trời qua đức tin nơi Đấng Christ sẽ đòi hỏi sự đầu tư về thì giờ và sức lực như thiết lập, duy trì, và tăng trưởng trong các mối quan hệ với con người. Thật không hợp lý khi cho rằng sau khi tin Chúa, bạn cứ phó mặc, buông trôi, như thể đó là một loại thể chế bảo hiểm nhân mạng vĩnh viễn, lúc nào cần thì rút tiền.
Thứ nhì, dành thì giờ ở riêng với Đức Chúa Trời trong sự cầu nguyện và suy ngẫm Kinh Thánh là Lời của Ngài cho chúng ta, hoặc tài liệu bồi linh, không có gì là phức tạp, và theo thời gian, nhiều cách hỗ trợ đã được nghĩ ra để giúp tín nhân giữ giờ này luôn tươi mới và sinh động. Nhiều người thấy nghe thánh nhạc cũng rất hữu ích khi họ muốn hiệp thông với Cha trên trời.
Mới đây, một bạn của tôi, tiến sĩ Randall Martin, triển khai điều anh gọi là “dụng cụ cầu nguyện” trên đó bạn có thể viết ra những vấn đề cầu nguyện của mình, những đáp lời cầu nguyện, hoặc những lời ca ngợi trong khi nối kết những điều này với các lời hứa của Đức Chúa Trời. Bạn có thể dùng dụng cụ cỡ bỏ túi này làm thẻ đánh dấu Kinh Thánh hoặc mang theo người mỗi khi đi dạo hoặc đi đường nhằm tập chú lời cầu nguyện của mình vào những nhu cầu hoặc mối quan tâm cụ thể mà bạn muốn trình dâng lên Đức Chúa Trời.
Thứ ba, hãy giữ giờ tĩnh nguyện riêng tư thành thân thiết với mình, bởi nó có thể trở thành tẻ nhạt và vô hiệu quả nếu bạn chỉ thực hành thuần túy như là chuyện bắt buộc. Tình yêu là từ lòng đến lòng, cho nên cách tốt nhất để nuôi dưỡng mối quan hệ giữa bạn với Đức Chúa Trời là cứ nói hết sự thật mỗi khi bạn gặp Ngài. Hãy phơi bày ra hết, vì Ngài sẽ không bao giờ ngạc nhiên về bất kỳ điều gì bạn nói ra.
Thứ tư, khung cảnh, thời gian hoặc động cơ của bạn, tất cả đều ảnh hưởng trên lợi ích bạn nhận được từ giờ bạn ở riêng một mình với Đức Chúa Trời. Về mặt cá nhân, tôi (Dave) có được tất cả mọi cuộc “đối thoại” ý nghĩa nhất với Đức Chúa Trời khi tôi ở ngoài trời, thường là đi bộ việt dã xuyên qua những nơi vắng vẻ, hoang sơ. Vì lý do nào đó, ít ra đối với tôi thì dãy Rockies với vẻ uy nghi đáng sợ, là nơi lý tưởng để Đức Chúa Trời theo đuổi tôi và nhắc nhở tôi những điều tôi cần nhớ. Sự cầu nguyện trong khi tôi đi bộ việt dã như vậy trong bối cảnh đó rất giống với điều sứ đồ Phao Lô ngụ ý khi ông nói “cầu nguyện không thôi”, đó là một thái độ, giống như sự nối kết cao tốc không ngừng với thiên đàng.
Kính thưa quý độc giả,
Sau đây là một số gợi ý về cách thể hiện đức tin cách công khai.
Thi sĩ người Anh nổi tiếng là John Donne có lần viết: “Chẳng ai tự thân mình hoàn toàn là hải đảo cả, mỗi người là một mảnh của lục địa”. Những lời này thật đúng trong bối cảnh những người thực hành đức tin của mình. Thật vậy, không chỉ có ý thức đoàn kết nhân loại theo nghĩa toàn cầu (đặc biệt vì liên quan với sự xa lánh Đức Chúa Trời do kết quả của tội lỗi), nhưng còn có ý nghĩa lớn hơn về tình đoàn kết giữa những thành viên trong gia đình đức tin. Đức tin, theo nghĩa Thánh Kinh, là điều mà Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta phải thể hiện không chỉ vì lợi ích cho bản thân mình, mà còn vì sự thể hiện đức tin trong bối cảnh nhóm tạo ra hiệu quả cộng tác hoặc gây dựng và khích lệ hỗ tương.
Có lẽ cụm từ nói lên mạnh mẽ nhất tầm quan trọng của đức tin chung ấy là “lẫn nhau”, xuất hiện hơn 30 lần trong Tân Ước. Chúa Giê-xu, Phao-lô, Phi-e-rơ, Giăng và tác giả thư Hê-bơ-rơ đều dùng cụm từ này. Tín nhân phải yêu thương, tận tụy, sống hòa thuận, chấp nhận, kiên nhẫn, chịu đựng, tha thứ, khích lệ, khiêm nhường, và tiếp đãi lẫn nhau. Đơn giản là không thể nào giữ trọn những lời khuyên này nếu sống cô lập.
Điều mong mỏi là chúng ta hãy nghĩ xem cách nào để có thể khuyên giục nhau về lòng yêu thương cùng việc lành. “Chớ bỏ qua sự nhóm lại như vài người quen làm, nhưng chúng ta phải khích lệ nhau” (Hê-bơ-rơ 10:24-25). Trong một phân đoạn khác, Phao-lô mô tả điều phải làm trong những buổi nhóm như vậy: “Hãy lấy ca vịnh, thơ thánh và bài hát thiêng liêng mà đối đáp nhau. Hãy ca hát và ngợi khen Chúa trong lòng, vì mọi sự mà thường nhơn danh Chúa Giê-xu Christ chúng ta để tạ ơn Đức Chúa Trời là Cha” (Ê-phê-sô 5:19-20).
Bối cảnh nhóm hoặc công khai có thể đơn giản là mối quan hệ cố vấn hoặc bạn bè với một hoặc nhiều người hướng dẫn thuộc linh được bạn quí trọng. Có thể được mạnh mẽ và khích lệ lớn nhờ bối cảnh nửa riêng tư này, khi bạn có thể cảm thấy thoải mái trút đổ mọi nghi ngờ, sợ hãi, cám dỗ, và thậm chí những lần đắc thắng cám dỗ, mà vẫn được chấp nhận với thực trạng của mình trong khi bạn tiếp tục tăng trưởng, vì mọi người trong nhóm đều đang ở trong tiến trình tăng trưởng như vậy. Sự bày tỏ đức tin với nhau trong những bối cảnh như thế thường có lợi cho mọi người tham gia.
Nhiều hội thánh cũng bảo trợ những nhóm nhỏ nhằm mục đích thông công và tăng trưởng thuộc linh (ngược với những nhóm hỗ trợ thường tập chú phần lớn vào việc đối phó thành công hơn với những thách thức trong cuộc sống). Các nhóm nhỏ có thể rất khác nhau về cách thức, thường liên quan với việc lãnh đạo nhóm. Cách phổ biến nhất có thể là nghiêng về địa lý, giúp thuộc viên hội thánh trong các cộng đồng nơi họ cư ngụ có cơ hội biết và hỗ trợ nhau trên cơ sở cá nhân hơn.
Sự nhóm họp chung của hội thánh bạn chủ yếu rất có thể giống lễ nhóm thờ phượng vào sáng Chúa nhựt, tuy nhiều hội thánh tổ chức lễ nhóm vào những ngày khác trong tuần vì lý do này hoặc lý do khác. Cách thức những lễ nhóm vào thời gian khác nhau có thể cũng khác biệt, nhằm hợp với ý thích của những nhóm phụ như thanh niên hoặc thanh tráng vốn có thể thích kiểu đương thời hơn là kiểu cổ truyền. Nhiều hội thánh Phúc Âm cũng có những lễ nhóm tối Chúa nhựt và thứ tư vì những lý do rất có thể nghiêng về truyền thống hơn bất cứ điều gì khác. Vấn đề chính liên quan những lợi ích nâng cao sức khỏe từ việc đi nhà thờ, không phải là do kiểu bạn thích mà là do bạn có đi hay không. Chúng tôi hi vọng là bạn có đi nhà thờ, hoặc bạn sẽ bắt đầu đi, và khi đã đi, thì bạn sẽ nhận được điều mình cần và cũng ban phát trong khả năng của mình cho người khác cùng tham dự với bạn.
Kính thưa quý độc giả,
Thiết lập mối quan hệ yêu thương với Đức Chúa Trời không khó như vài người làm ra vẻ như vậy. Thật ra chẳng có công thức nào, tuy cũng có nhiều chương trình sẵn có, mô tả những bước hoặc qui luật hay nhiều yếu tố khác nhau mà người sáng chế ra nghĩ là phải xét tới.
Cách của Chúa Giê-xu khá đơn giản. Ngài phán: “Hãy theo Ta”. Ngài không nói điều gì có thể đang chờ phía trước; thí dụ, tuận đạo và vân vân. Ngài chỉ mời những người đang nghe, hãy theo Ngài, dù là đi tới đâu, và nhiều người đã theo Ngài.
Ngày nay cũng vẫn là lời mời đó. Chúa Giê-xu đã đến để cho những ai tự chọn theo Ngài có thể kinh nghiệm được sự sống đầy trọn thay vì cứ tiếp tục gắng công vô ích để đối phó với sự hư không của cuộc sống bên ngoài mục đích thiên thượng đã dành cho mỗi con người được tạo dựng.
Giăng 3:16 là một trong những câu Kinh Thánh quen thuộc nhất: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài hầu cho hễ ai tin Con ấy không hề hư mất mà được sự sống đời đời”. Câu này là một phần trong mẫu đàm thoại giữa Chúa Giê-xu với một người tên là Ni-cô-đem, dẫn tới sự thảo luận về ý nghĩa của việc sanh lại hoặc sanh từ trên cao.
Vấn đề đối với bạn và với bất kỳ ai đang nghĩ tới việc thiết lập mối quan hệ yêu thương với Đức Chúa Trời qua đức tin nơi Đấng Christ là: Bạn có bằng lòng đặt niềm tin nơi Đấng Christ (tin Ngài là Chúa Cứu thế) thay vì cố gắng tự cứu mình khỏi tội lỗi hay không? Đây là ý nghĩa của việc tiếp nhận Giê-xu làm Cứu Chúa của bạn. Bước kế tiếp và là bước mà Chúa Giê-xu không bao giờ cho tùy ý tự chọn, khi Ngài còn làm người trên đất này, đó là: Bạn có bằng lòng để cho Ngài làm Chủ cuộc đời bạn không? Bạn thực sự cần suy nghĩ kỹ bước này, vì chủ là người có quyền hoặc kiểm soát mọi sự xảy ra, và quyền kiểm soát đó không phải là những điều dễ từ bỏ.
Nếu bạn sẵn sàng, thì đây là lời cầu nguyện mẫu để bạn có thể cầu nguyện dùng lời riêng của mình, bắt đầu hành trình đức tin của cá nhân mình:
Lạy Đức Chúa Trời yêu quí,
Con thực sự muốn được kinh nghiệm sự sống tới mức đầy trọn nhất, và con biết bản thân mình không thể làm được điều đó. Con hiểu rằng lý do Chúa Giê-xu đã sống và chết ấy là để giúp con kinh nghiệm được cách sống mới này, bởi Ngài đã trả nợ tội cho con trên thập tự giá, những tội lỗi đã khiến con xa cách Ngài và xa cách những điều Ngài muốn ban cho con cho tới giờ phút này. Bây giờ con xin đặt niềm tin nơi Đấng là Cứu Chúa của riêng con, và con sẽ tìm kiếm đi theo Ngài bất kỳ nơi nào Ngài dẫn con đi, thậm chí qua khỏi đời này để vào cõi vĩnh hằng. A-men
Kính thưa quý độc giả,
Tiết mục đọc sách tạm chấm dứt nơi đây. Xin hẹn gặp lại quý vị vào tuần tới với phần kết luận của cuốn sách hữu ích này. Thân chào quý vị và các bạn.
David B. Biebel, DMin & Harrold G. Koenig, MD
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com