Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Đầu Tư Tâm Linh

          Bạn thường làm gì vào dịp cuối tuần? Hai chữ “cuối tuần” hình như thường đi đôi với hai chữ giải trí: giải trí cuối tuần. Nhật báo Los Angeles Times mỗi thứ Sáu thường có mục Làm Gì Trong 54 Tiếng Đồng Hồ Sắp Tới là mục chỉ dẫn các sinh hoạt cuối tuần từ chiều thứ Sáu đến tối Chúa Nhật. Đối với một số người, cuối tuần là dịp duy nhất cho họ lo việc nhà. Đa số chúng ta đều đi làm cả tuần chỉ còn lại thứ Bảy, Chúa Nhật để lo việc chợ búa, mua sắm, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa... Một số khác thì rất sợ cuối tuần vì đó là những lúc họ cảm thấy cô đơn nhất. “Chiều Chúa Nhật buồn, nằm trong căn gác đìu hiu...” không phải chỉ là lời của một bài hát hay sáo ngữ mà là tâm sự của nhiều người. Vì vậy họ rất sợ cuối tuần và cố tìm một cái gì để lấp đầy khoảng trống đó. Giải trí cuối tuần vì vậy là chọn lựa của nhiều người.
          Đời sống con người có nhiều nhu cầu và giải trí là một trong những nhu cầu đó. Chúng ta cần được ngơi nghỉ, thư duỗi và những giờ phút thư thái cho tâm hồn. Theo sự sắp xếp chương trình của đài phát thanh chúng tôi thường đến với quý vị vào dịp cuối tuần. Chúng tôi không nghĩ rằng chúng tôi đến với quý vị mỗi tuần vào giờ nầy để giải trí quý vị, cũng không phải chúng tôi cố đưa vào tâm trí của quý vị những triết lý tôn giáo xa vời. Nhưng như đã có lần thưa với quý vị, giữa một xã hội với nhiều chi phối về vật chất, quay cuồng về tinh thần, chúng ta cần có những giờ phút yên tĩnh để suy tư, để nhận định, để nhìn vào đời sống, để biết mình sống để làm gì, những bận rộn, lao khổ sẽ dẫn mình đi đến đâu. Chính trong ý hướng đó, mỗi tuần chúng tôi gởi đến quý vị những cảm nghĩ, những suy tư, những kinh nghiệm của nhiều người để chúng ta cùng nhau học hỏi, có một suy tư đúng về đời sống và sống với suy tư đó. Chúng ta đang sống trong một xã hội tư bản và người ta nói nhiều đến đầu tư. Đời sống chúng ta thật sự là một cuộc đầu tư. Đối với tiền bạc, đầu tư đúng chúng ta sẽ được lợi, đầu tư sai, chúng ta sẽ mất tiền. Còn đối với đời sống, đầu tư đúng chúng ta sẽ được đời sống vĩnh hằng, đầu tư hay quyết định sai chúng ta sẽ gặt hái hậu quả tai hại đời đời.
          Thật ra, chưa hẳn phải nói đến cõi vĩnh hằng, ngay trong đời nầy chúng ta cũng đã thấy rất rõ về vấn đề nầy. Có những bậc cha mẹ vì lo làm ăn đã bỏ bê con cái, không dành nhiều thời giờ, không đầu tư thì giờ cho con, khi con qua lứa tuổi thiếu niên cần có cha mẹ thì đã không có cha mẹ ở đó. Nhiều em vì vậy trở thành phản loạn hoặc đi theo bạn bè xấu. Nhiều bậc cha mẹ gặp những trường hợp tương tự đã đến nhờ chúng tôi giúp đỡ nhưng thật đáng tiếc có những trường hợp quá muộn, không ai có thể làm được gì để thay đổi vấn đề. Nhiều người cũng đã dành thì giờ đầu tư vào những việc sai lầm khác và do đó đã gặt hái những hậu quả ê chề ngay trên trần gian nầy. Sống vì vậy là biết đầu tư, đầu tư thì giờ, tiền bạc khả năng đúng chỗ. Ta cũng không chỉ đầu tư cho chính mình cho ta được lợi nhưng cũng phải biết đầu tư đời sống thế nào để mang lợi ích chung cho mọi người.
          Bạn và tôi cũng như hàng tỷ người trên thế giới nầy, mỗi chúng ta đều có một điều giống nhau. Điều giống nhau của tất cả chúng ta là tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa ban cho một đời sống. Mỗi chúng ta đều chỉ có một đời sống mà thôi. Không ai có hai đời sống cả. Và đời sống là một cuộc đầu tư. Chúng ta đã đầu tư cuộc sống của chúng ta như thế nào? Chúng ta đã làm lợi hay chỉ gây thiệt hại? Mỗi chúng ta dù là đã sống trên đời nầy một hai mươi năm hay bảy tám mươi năm, tất cả chúng ta đều đang sử dụng thì giờ, đang sử dụng đời sống vào một cuộc đầu tư. Bạn đầu tư cuộc sống của Bạn như thế nào? Vào những giá trị trường tồn vĩnh cửu hay những giá trị chóng phai tàn? Nếu có người tiêu xài hoang phí hay chi dùng tiền bạc vào những mục đích sai lầm, chúng ta thấy ngay điều đó là dại dột. Nhưng còn chính chúng ta thì sao? Chúng ta đang xử dụng thì giờ, tiền bạc ra sao? Cuối cuộc đời nếu phải tính sổ ta sẽ được những gì? Nếu phải từ giã cõi đời nầy ngay hôm nay ta sẽ để lại điều gì cho hậu thế?
          Có lẽ tôi đã đưa ra quá nhiều câu hỏi mà chưa có câu trả lời nào. Thật ra câu trả lời là của mỗi chúng ta, do mỗi chúng ta, không ai trả lời thế cho chúng ta được cả. Chỉ cần nhớ đời sống là một cuộc đầu tư. Chúng ta đã đầu tư như thế nào? Đang đầu tư như thế nào? Khi đầu tư ai cũng muốn là mình được lợi, không có lợi chẳng ai đầu tư bao giờ. Và ngay trong cái lợi cũng vậy, có những cái lợi lâu dài nhưng cũng có những cái lợi thật ngắn ngủi. Có những người chủ trương sống cho hiện tại cái đã rồi ra sao thì ra. Nói như vậy thật ra chỉ là liều vì trong thâm tâm chúng ta ai nấy đều biết có những giá trị cao quý chúng ta cần phải đeo đuổi.
          Tin Lành hay Phúc Âm chúng tôi đem đến cho quý vị hàng tuần chính là giá trị cao quý đó. Cao quý vì nó đến từ Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta sự sống, hơi thở và cũng chính Ngài ban cho chúng ta linh hồn để giao tiếp với chính Ngài. Con người cao quý hơn muôn vật mọi loài ở điểm đó. Chúng ta có ý thức đạo đức và có ý thức về Đấng Chí Cao cầm quyền trên vũ trụ vạn vật và muôn vật mọi loài. Đời sống con người chỉ có ý nghĩa khi được giao tiếp với Đấng Chí Cao và có sự sống của Ngài trong tâm hồn. Thiếu sự sống đó đời sống thật vô nghĩa và chỉ còn lại những sinh hoạt của thể xác như ăn, ngủ, làm lụng, giải trí ngoài ra không còn có một ý nghĩa nào khác. Vì con người đeo đuổi theo những giá trị riêng tư của chính mình và đánh mất đi giá trị thiêng liêng là được giao tiếp với Đấng Chí Cao nên Chúa Cứu Thế đã phải giáng trần, chịu hình phạt thế cho con người để đem con người trở lại với Thiên Chúa. Thiên Chúa chí cao, chí công, chí thánh không thể tiếp xúc với con người tội lỗi cho nên Chúa Cứu Thế phải lãnh bản án tội lỗi, chịu chết thế cho con người, ngõ hầu con người nhận lại được quyền làm con Thiên Chúa.
          Thánh Kinh dạy:
          Ai nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con Thiên Chúa là ban cho những kẻ tin danh Ngài (Phúc Âm Giăng 1:12)
          Khi chúng ta đặt lòng tin nơi Thiên Chúa, quyền làm con của chúng ta mới được tái lập và chúng ta mới có thể tiếp xúc, tương giao với Thiên Chúa và lúc đó mối quan hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa mới được thiết lập. Khi mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa được thiết lập ta mới có sự sống thật và sự sống của Ngài sẽ tuôn tràn qua đời sống chúng ta để chúng ta sống một đời có ý nghĩa và đem ý nghĩa đến cho người khác.
          Chính vì vậy mà chúng tôi tha thiết loan Tin Mừng cứu rỗi đến cho mỗi người hầu cho mọi người đều được làm con của Chúa và hưởng hạnh phúc với Ngài. Tin Chúa Giê-xu, đặt lòng tin nơi Chúa Giê-xu chính là đầu tư đời sống vào những gì có giá trị lâu dài nhất. Thánh Kinh dạy: “Chúa Cứu Thế hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không bao giờ thay đổi.” Giá vàng bạc có thể thay đổi, thị trường chứng khoán có thể lên hay xuống, lòng người cũng theo năm tháng mà đổi thay nhưng Chúa Giê-xu không bao giờ thay đổi và lời hứa của Chúa cũng không bao giờ thay đổi. Chúa hứa sẽ ngự vào tâm hồn của bất cứ ai đặt lòng tin nơi Ngài. Thay đổi tâm hồn chúng ta, biến chúng ta trở nên một con người mới. Chúng ta sẽ biết những giá trị nào là trường tồn vĩnh cửu để đeo đuổi. Lời Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta biết sống và xử sự ở đời, biết làm thế nào để hướng dẫn gia đình, con cái trong đường lối của Chúa để chúng ta có một đời sống vui vẻ, thỏa lòng.
          Cuối tuần nầy Bạn làm gì tôi không biết. Có thể Bạn sẽ dành thì giờ để nghỉ ngơi, giải trí, sinh hoạt với gia đình. Tất cả đều là những điều tốt đáng làm. Nhưng trên hết, ước mong Bạn sẽ dành ít giây phút suy nghĩ đến số phận đời đời của mình, nghĩ đến đời sống tâm linh, giá trị của linh hồn. Hơn bao giờ hết, chúng ta biết rằng vấn đề niềm tin thật là quan trọng và cần thiết. Ta không thể sống ở đời nầy mà không có niềm tin. Nhưng niềm tin nào? Tin tưởng vào đâu? Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng hôm qua ngày nay và cho đến đời đời không bao giờ thay đổi. Hàng tỉ người đã đặt niềm tin nơi Ngài đã tìm thấy ý nghĩa cho đời sống và đã không thất vọng. Riêng Bạn thì sao, Bạn có đang đeo đuổi tìm kiếm một lý tưởng nào cho đời sống không? Hãy đặt lòng tin nơi Chúa, hãy trở về với Ngài, Bạn sẽ kinh nghiệm những điều tôi nói là thật. Chúa đã ban cho Bạn một đời sống, hãy đầu tư đúng, đeo đuổi tìm kiếm những giá trị tâm linh trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, Bạn sẽ không bao giờ phải ân hận. Mời bạn liên lạc với chúng tôi, tôi sẽ rất vui được hướng dẫn Bạn trên con đường đến với Chúa Cứu Thế.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh
Tin Lành

Bịnh Ái tình

BỊNH ÁI TÌNH

BỊNH ÁI TÌNH
BỊNH ÁI TÌNH
“Hỡi các con gái Giê-ru-sa-lem, ta ép nài các ngươi, nếu gặp lương nhơn ta, khá nói với người rằng ta có bịnh vì ái tình” Nhã Ca 5:8


BỊNH ÁI TÌNH


            “Hỡi các con gái Giê-ru-sa-lem, ta ép nài các ngươi, nếu gặp lương nhơn ta, khá nói với người rằng ta có bịnh vì ái tình”  Nhã Ca 5:8
 

            Đó là ngôn ngữ của người tín hữu khao khát sự thông công ngay bây giờ với Chúa Giê-xu, người ấy có bịnh vì cớ Chúa. Những linh hồn đã được ân huệ của Chúa chẳng bao giờ hoàn toàn thoải mái, trừ ra khi ăn họ được gần gũi với Đấng Christ, vì khi họ xa Chúa, họ liền mất bình an. Càng gần Ngài thì tấm lòng càng được đầy dẫy, chẳng những là đầy dẫy bình an mà còn tràn ngập sự sống, năng lực, niềm vui, vì tất cả những điều đó đều tùy thuộc vào sự gặp mặt thường xuyên với Chúa Giê-xu. 

            Mặt trời đối với ban ngày, mặt trăng đối với ban đêm, sương móc đối với đóa hoa làm sao, thì Chúa Giê-xu Christ đối với chúng ta cũng vậy. Cơm, bánh đối với kẻ đói, quần áo đối với kẻ trần truồng, bong mát của một tảng đá lớn đối với người du khách trong một xứ khô khan làm sao, thì Chúa Giê-xu đối với chúng ta cũng vậy. Do đó, nếu chúng ta không ý thức rằng mình chỉ là một với Ngài, thì không có gì đáng ngạc nhiên nếu tâm linh ta kêu lên bằng lời lẽ của sách Nhã Ca: “Hỡi các con gái Giê-ru-sa-lem, ta ép nài các ngươi, nếu gặp lương nhơn ta, khá nói với người ta rằng ta có bịnh vì ái tình”. 

            Lòng tha thiết mong đợi Chúa Giê-xu nầy được một phước hạnh cập theo: “Phước cho kẻ đói khát về sự công bình”, cho nên, người đói khát Đấng Công Nghĩa được phước hạnh cao siêu. Sự đói khát ấy có phước, vì sự đói khát ấu từ Đức Chúa Trời mà ra: nếu tôi không được đổ đầy hạnh phước đó, tôi sẽ tìm cầu nó khi nó xuất hiện lần lần trong tấm lòng trống trải và sốt sắng của mình, cho đến khi tôi được đầy dẫy Đấng Christ. 

            Nếu tôi không được nuôi mình bằng Chúa Giê-xu, thì ít ra đói khát Ngài là cũng như ở thiên đàng rồi. sự đói khát ấy là thánh, vì nó chói ngời giữa các phước hạnh của Chúa chúng ta. Nhưng phước hạnh ấy còn bao hàm một lời hứa. Những người đói khát như vậy “sẽ được no đủ (đổ đầy)” điều họ đang ao ước. Nếu Đấng Christ đã khiến chúng ta khao khát chính Ngài như thế, thì chắc chắn Ngài sẽ thỏa mãn điều ao ước đó của chúng ta và khi Ngài đến với chúng ta như chắc chắn Ngài sẽ đến, thì thật là êm đềm, ngọt ngào biết bao!
 
Ms. Charles Spurgeon
Nguồn: cdnvn.com

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Hy Vọng Phục Sinh

          Ai trong chúng ta cũng đều có những giờ phút đau thương khi có một người thân từ giã cõi đời. Chắc Bạn đã có lần đến thăm một gia đình tang chế hay có thể chính Bạn là người ở trong gia đình tang chế đó. Đó là những lúc thật buồn. Có khi chúng ta muốn nói một vài lời an ủi nhưng không nói được hay không biết phải nói gì. Cổ chúng ta nghẹn lại và niềm đau xót của chúng ta có lẽ là cách tốt nhất giúp cho gia đình tang chế thấy rằng ta thật sự thông cảm.
          Ngày xưa, khi sống trên trần gian nầy, Chúa Giê-xu cũng đã một lần đến thăm một gia đình tang chế. Gia đình nầy chỉ vỏn vẹn có ba người: La-xa-rơ là anh cả với hai người em gái là Ma-thê và Ma-ri. Một ngày kia La-xa-rơ bị đau và chẳng bao lâu đã từ trần, để lại cho hai người em nhiều nhớ nhung, thương tiếc. Trong gia đình có tang, buồn nhất là lúc việc chôn cất đã xong, chúng ta trở về với căn nhà hiu quạnh. Chính trong khung cảnh đó, Chúa Giê-xu đã đến với gia đình nầy.
          Chúa đã làm gì trước cảnh tang chế đó? Chúa đã khóc! Tại sao Chúa lại khóc khi chẳng bao lâu sau đó Chúa đã kêu người chết sống lại? Chúa biết La-xa-rơ sẽ sống lại, tại sao Chúa còn khóc? Chúa Giê-xu không khóc vì thất vọng nhưng Chúa đã khóc vì thông cảm, vì muốn hòa mình với niềm đau của gia đình nầy. Nếu giờ đây Bạn đang buồn, đang khóc vì một sự phân ly, chia cách nào đó thì hãy biết rằng Chúa Giê-xu thông cảm với Bạn, Ngài cùng khóc với Bạn. Nhưng Chúa Giê-xu không những chỉ khóc để thông cảm, Chúa đã gọi La-xa-rơ sống lại để giải quyết vấn đề đau thương tận gốc rễ! Trước đó Chúa đã nói với người em của La-xa-rơ rằng: “Ta là sự sống lại và sự sống... ngươi tin điều đó chăng?”
          Ngày thứ Sáu sắp đến, chúng ta sẽ cùng nhau kỷ niệm sự thương khó và sự chết của Chúa Giê-xu, nhưng câu chuyện không dừng lại tại đó: thứ Sáu Chúa chết nhưng đến Chúa Nhật, Ngài đã sống lại. Trong Chúa Nhật Phục Sinh, hàng tỉ người trên thế giới sẽ cùng nhau vui mừng kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Giê-xu. Nhưng không phải chỉ kỷ niệm, Mùa Phục Sinh cũng nhắc chúng ta nhớ rằng sự phục sinh của Chúa Giê-xu có liên quan mật thiết đến đời sống mỗi chúng ta.
          Trước hết nó cho ta thấy rằng phục sinh là một tiến trình quan trọng và cần thiết trong đời sống. Chúa Giê-xu không sống lại nếu trước đó Ngài không chịu chết. Chúa Giê-xu đã nói trước cho môn đệ của Ngài rằng Ngài phải chịu đau đớn, chịu chết và rồi sẽ sống lại. Chúa đã từng so sánh sự chết của Chúa với việc hạt giống gieo xuống đất, chịu rữa nát trước khi nẩy sinh mầm sống. Chúa phán: “Nếu hột giống lúa mì kia chẳng chết sau khi gieo xuống đất thì cứ ở một mình, nhưng nếu chết đi thì kết quả được nhiều.” Nói như vậy nghĩa là nếu chúng ta để nguyên hột lúa mì thì hột lúa mì vẫn chỉ là một hột lúa mì, nhưng nếu ta gieo hột lúa mì xuống đất, mầm sống mới từ đó nẩy nở. Người ta tìm thấy những hột lúa mì trong các kim tự tháp ở Ai-cập đã nằm ở đó hàng ngàn năm và khi gieo xuống những hạt lúa mì đó vẫn nay mầm. Sự sống sẽ không đến nếu trước đó không có sự chết. Chúa Giê-xu phải chịu thương khó, phải chịu chết trước khi Ngài sống lại. Đời sống của chúng ta cũng vậy, trước khi có thể kết quả, sống một đời lợi ích cho tha nhân, ta phải chết. Chúa Giê-xu phán: “Ai muốn theo Ta, người đó phải từ khước chính mình, vác thập tự giá mà theo Ta.” “Vác thập tự giá” là kể mình như đã chết, như tử tội vác thập giá ra pháp trường. Có chết như vậy ta mới sống.
          Phục Sinh năm nào cũng đến vào mùa Xuân với một ý nghĩa đặc biệt. Nhìn chung quanh, Bạn có thấy nắng ấm hơn, ngày dài hơn và hoa lá đâm chồi nẩy lộc khắp nơi không? Ai đã từng sống ở miền tuyết giá sẽ thấy điều nầy rõ hơn nhiều. Sau những tháng mùa Đông dài lạnh lẽo, cây cỏ trơ trọi, mùa Xuân đến là ta thấy cả một thế giới mới, hoàn toàn khác với cảnh vật một vài tháng trước đó. Cuộc đời của Ban có thể đang trải qua những tháng mùa Đông rét mướt, khô tàn, héo úa, nhưng Mùa Xuân đã đến. Mùa Xuân đã đến trong sức mạnh phục sinh. Nếu Chúa Giê-xu đã phải chịu thương khó, chịu chết rồi mới sống lại thì Bạn và tôi cũng vậy. Phục sinh là một tiến trình, có chết rồi mới có sống, có đau thương rồi mới hoan hỉ. Hãy nhớ rằng đời sống là một tiến trình để rồi vui sống. Hãy cùng chết với Chúa, hãy chôn con người tội lỗi, xấu xa cũ và sống đời sống mới với Chúa trong mùa Phục Sinh nầy.
          Phục sinh không những chỉ là cùng chết và cùng sống lại với Chúa Giê-xu trong tiến trình phục sinh nhưng cũng có nghĩa là chúng ta sống một đời sống có ý nghĩa. Chúa Giê-xu phán: “Vì Ta sống thì các ngươi cũng sẽ sống.” Bạn và tôi, chúng ta đều đang sống, nhưng sống nghĩa là gì? Có những người nằm trong bệnh viện trong tình trạng hôn mê nhưng tim vẫn còn đập hay óc vẫn còn phát ra những tín hiệu nên bác sĩ không thể công bố là người đó chết. Nhưng sống như vậy thì ai muốn sống? Sống, vì vậy không phải chỉ là thở, ăn uống, nói năng, hoạt động... nhưng sống là đi trên đường đời với một mục đích rõ ràng, biết mình sống để làm gì và rồi sẽ đi về đâu. Sống thật là sống với ý nghĩa, sống với sức mạnh vươn lên như cỏ cây hoa lá tràn đầy nhựa sống. Sống thật là sống với sự sống của Đấng Chí Cao, không phải chỉ là sự sống thân xác nhưng là sự sống tâm linh, được tương giao, được nối tiếp với nguồn sống.
          Khi đặt niềm tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, đối tượng của niềm tin chúng ta là một đối tượng sống. Chúa Giê-xu đã sống lại và đang sống để bảo đảm cho chúng ta sự sống viên mãn trong Ngài. Bạn có để ý lời tuyên bố của Chúa Giê-xu không? Lời phán của Chúa gồm hai phần:
(1) Ta là sự sống lại
(2) Ta là sự sống
          Chúa sống lại đem lại cho chúng ta hy vọng và đảm bảo cho sự cứu rỗi của chúng ta. Ngài là người duy nhất chết cho loài người và cũng là người duy nhất sống lại. Chúa là sự sống nghĩa là Chúa ban cho chúng ta ý nghĩa đích thực của đời sống.
          Bạn đang sống, nhưng sống như thế nào? Sống với những đau buồn triền miên hay sống với niềm vui bất tận? Mùa Phục Sinh năm nay sẽ có một ý nghĩa đặc biệt đối với chúng ta nếu chúng ta chịu trả lời câu hỏi của Chúa. Ngài phán: “Ta là sự sống lại và sự sống... ngươi tin điều đó chăng?” Tin chẳng những là chấp nhận nhưng cũng có nghĩa là ký thác, giao trọn cuộc đời cho Chúa hướng dẫn và dìu dắt.
          Thứ Sáu Thương Khó đã đưa đến Chúa Nhật Phục Sinh, cái chết đau thương đã đưa đến sự sống lại vinh hiển, hột lúa mì chôn xuống lòng đất đã nẩy sinh mầm sống. Còn Bạn thì sao? Bạn đã chết với Chúa để được sống lại với Ngài chưa? Bạn có tin rằng Chúa Giê-xu là sự sống lại và sự sống để được cùng sống với Chúa và sống một đời có ý nghĩa không? Mời Bạn đến với Chúa và đáp ứng tiếng gọi của Chúa hôm nay: “Ta là sự sống lại và sự sống... ngươi tin điều đó chăng?”
Mục sư Nguyễn Thỉ 
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

THƠ: Chúa Sống


Chúa Sống

Chúa từ phần mộ bước ra,
Phục Sinh vinh hiển quỉ ma chạy dài.
Con Trời đắc thắng, từ nay
Hễ ai tin cậy nơi Ngài sống vui.

Những ai lầm lạc trác trôi,
Tin nhận Cứu Chúa, cuộc đời đổi thay,
Từ hiện tại đến tương lai,
Đời đời hạnh phước, ngày ngày thoả thuê.

************


Nguyễn Hoàng Yến
Nguồn: vietchristain.com

Lời phủ định phước hạnh

LỜI PHỦ ĐỊNH PHƯỚC HẠNH

LỜI PHỦ ĐỊNH PHƯỚC HẠNH
LỜI PHỦ ĐỊNH PHƯỚC HẠNH
“Ta chẳng từng phán cùng dòng dõi Gia-cốp rằng: Các người tìm ta là vô ích” Ê-sai 45:19
           

LỜI PHỦ ĐỊNH PHƯỚC HẠNH

 

                “Ta chẳng từng phán cùng dòng dõi Gia-cốp rằng: Các người tìm ta là vô ích”   Ê-sai 45:19

                Chúng ta có thể được yên ủi nhiều khi suy gẫm những gì Đức Chúa Trời không nói. Những gì Ngài phán thì rõ ràng là đầy yên ủi thú vị; nhưng những gì Ngài khôngnói cũng không kém phần phong phú về phương diện yên ủi. Chính một trong những điều đó đã duy trì vương  quốc Y-sơ-ra-ên vào thời Vua Giê-rô-bô-am con trai Giô-ách, vì Đức Giê-hô-va không có phán rằng Ngài sẽ xóa danh Y-sơ-ra-ên khỏi dưới trời”. (2Các Vua 14:27). Trong câu gốc của chúng ta, chúng được bảo đảm chắc chắn về những lời cầu nguyện, vì Ngài “chẳng” từng phán cùng dòng dõi Y-sơ-ra-ên rằng: “Các người tìm ta là vô ích”. 

                Bạn là người hay nghĩ nhiều điều cay đắng chống lại chính mình, khá nhớ rằng bất chấp sự nghi ngờ, sợ hãi có nói gì với bạn đi nữa, nếu Đức Chúa Trời không dứt bạn khỏi ơn thương xót Ngài, thì bạn không có lý do gì để thất vọng cả; cả đến tiếng nói của lương tâm cũng không có giá trị bao nhiêu nếu không có tiếng phán của Đức Chúa Trời  kèm theo. Hãy run rẫy về những gì Đức Chúa Trời đã phán! Nhưng xin đừng để của trí tưởng tượng hư không của bạn thắng hơn bằng cách gợi cho bạn sư thất vọng đầy tội lỗi.

                Nhiều người có tánh rụt rè thường bối rối vì nghi ngờ rằng có một điều gì đó trong luật Chúa không cho họ vào sự hi vọng, nhưng câu trên đây là một luận cứ đầy đủ để bài bác nỗi lo sợ gây bối rối ấy, vì Đức Chúa Trời không hề định cho kẻ thật lòng tìm cầu Ngài phải sa vào cơn thanh nộ của Ngài. “Ta chẳng bao giờ phán trong nơi kín đáo, tại một chỗ tối tắm trên đất; ta chẳng từng phán”, cả trong phần sâu kín nhứt của ý định không ai đo lượng được, rằng: “Các người tìm ta là vô ích”. Đức Chúa Trời đã mặc khải rõ ràng rằng Ngài chắc sẽ nghe lời cầu nguyện của những ai kêu gọi Ngài và lời tuyên bố ấy không thể bị nói ngược lại.

                Ngài từng phán rất chắc chắn, thật đáng tin, thật công nghĩa, đến nỗi không còn lý do gì để chúng ta nghi ngờ nữa. Ngài đã không bày tỏ làm trí mình bằng những lời không thể hiểu được, nhưng đã nói thật rõ ràng, quả quyết rằng: “Hãy xin, sẽ được”.

                Thưa bạn là người đang run sợ, hãy tin các chân lý chắc chắn, là lời cầu nguyện phải và sẽ được nhậm, rằng cả trong những nơi sâu kín hơn hết của cõi đời đời, Chúa chẳng bao giờ có phán cùng bất kỳ một linh hồn sống nào rằng: “Ngươi tìm ta là vô ích”.

 
Ms. Charles Spurgeon
Nguồn: cdnvn.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!