Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Đáp ứng là trách nhiệm của tôi


                Kính thưa quý độc giả,
                 Tuần qua chúng ta đã bắt đầu Chương 24 trong quyển sách Yêu Thương Và Tôn Trọng của Tiến Sĩ Emerson Eggerichs với chương đề Lẽ Thật Có Thể Khiến Bạn Thật Sự Được Tự Do. Có thể nói rằng yêu thương vô điều kiện và tôn trọng vô điều kiện không phải là việc dễ làm. Tuy nhiên, như đã nói trong chương trước, dù khó khăn nhưng bạn vẫn có thể thực hiện điều đó nếu bạn nhận thức rằng điều mình làm là làm cho Đấng Christ và rằng phần thưởng Ngài ban cho sẽ rất lớn. Để yêu thương vô điều kiện và tôn trọng vô điều kiện, mọi người cần có sự thông hiểu để chung sống với người phối ngẫu không-hoàn-hảo lắm của mình. Nhiều lứa đôi đang thử nghiệm Mối Quan Hệ Yêu Thương và Tôn Trọng đã viết thơ cho tôi và thú nhận việc này không đang tiến hành trôi chảy lắm. Có nhiều cặp hiểu được ý tưởng về việc chấm dứt Chu Kỳ Rồ Dại, nhưng họ vẫn còn trong tình trạng lấp lửng nào đó, không hoàn toàn bước vào Chu Kỳ Tiếp Sinh Lực. Và một số cặp có vẻ như chỉ vừa đủ sức để giữ cho Chu Kỳ Rồ Dại khỏi quay hết tốc lực trở lại.
                 Một người chồng thú nhận rằng ông biết ông đã không yêu thương vợ mình như Đức Chúa Trời mong muốn, và vợ ông cũng có vấn đề trục trặc. Ông xin tôi cầu nguyện cho vợ chồng ông để họ không sử dụng việc giám sát mức độ yêu thương hay tôn trọng của người kia để phiền trách nhau. Một người chồng khác lại sử dụng cách thức cân đo đong đếm mức độ tôn trọng của vợ mình để xem thử cô ấy đang thực hiện tốt đến mức nào. Khi cho rằng mình không được tôn trọng như mong muốn cho dù chỉ bằng thái độ vô ý của vợ, ông tức giận và đào quá khứ lên để phê bình chỉ trích và khinh miệt vợ mình khiến cô ấy bị tổn thương nặng nề và muốn từ bỏ cuộc hôn nhân của họ. Tôi hiểu những cảm xúc của phụ nữ này bởi tôi đã lớn lên trong loại môi trường cô mô tả như đã kể cho quý thính giả nghe vào tuần trước.
                 Kính thưa quý độc giả,
                 Lòng tôi tan vỡ khi nhìn thấy các cặp vợ chồng tiếp tục tranh đấu với sự giận dữ hoặc sự phê bình chỉ trích đầy khinh miệt của người phối ngẫu mình. Điều tôi muốn nhắc nhở, chính là họ cần biết rằng Chu Kỳ Được Ban Thưởng là phương cách giúp họ tìm thấy sự tự do bên trong và sự trưởng thành tâm linh. Câu trả lời nằm trong cụm từ vô điều kiện. Đúng vậy, bí quyết để được ở trong Chu Kỳ Được Ban Thưởng chính là yêu thương và tôn trọng vô điều kiện.
                 Trước tiên, bạn phải tiến đến chỗ có thể nói, “Sự đáp ứng đối với người phối ngẫu của mình là trách nhiệm của mình.” Trong cuộc hôn nhân của riêng tôi, Sarah – vợ tôi - không khiến tôi trở nên con người hiện nay của tôi; cô ấy cho tôi thấy con người của mình. Khi những phản ứng của tôi đối với cô thiếu yêu thương, điều đó cho thấy rằng tôi vẫn còn có vấn đề. Vẫn còn sự thiếu yêu thương trong tính cách và con người của tôi, và tôi phải thú nhận điều này. Có thể 70 phần trăm là lỗi của cô ấy và chỉ 30 phần trăm là lỗi của tôi (và rồi, một lần nữa, có thể không phải như vậy), nhưng vấn đề là, còn về 30 phần trăm của tôi thì sao?
                 Kính thưa quý độc giả,
                 Đừng chơi trò phần trăm với người phối ngẫu của bạn. Tự cứu mình ra khỏi khó khăn trở ngại là một phương cách dễ dàng. Và một khi hết gặp trở ngại, bạn không thể trưởng thành về mặt thuộc linh. Trên thực tế, một kết quả tiêu biểu là bạn cảm thấy mình như một nạn nhân. Bạn có lối suy nghĩ của một nạn nhân. Bạn muốn được giải cứu. Bạn muốn có thiên đàng trên đất này. Bạn bắt đầu bực tức người phối ngẫu của mình và những người khác bởi vì họ không chữa lành những thương tổn của bạn hoặc yên ủi bạn. Hãy loại bỏ lối suy nghĩ mình là nạn nhân ấy đi! Hãy nhận thức rằng sự chữa lành và sự yên ủi đích thực duy nhất bạn sẽ nhận được là bởi việc trông cậy nơi Chúa và phó thác cho Ngài tình cảnh đau thương của mình, y như thực trạng của nó. Làm khác hơn tức là phạm tội. Điều này khó chấp nhận bởi vì bạn là người đang bị kẻ khác phạm tội nghịch cùng mình, ít ra là hầu hết mọi lúc, theo như bạn nghĩ. Thế nhưng, bạn phải nắm vững nguyên tắc này:
                 CHO DÙ NGƯỜI PHỐI NGẪU CỦA TÔI CÓ THỂ LÀM TÔI THẤT VỌNG HOẶC TỨC BỰC ĐẾN ĐÂU ĐI NỮA, THÌ SỰ ĐÁP ỨNG LẠI LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TÔI.
                 Đây là một bức thư từ một người chồng đang tiến triển khi anh ấy ở trong Chu Kỳ Được Ban Thưởng:
                 Tôi cũng nhận thức được rằng mình đang thường xuyên diễn giải những phản ứng và hành động của cô ấy không đúng cách. Tôi không đang cảm thấy khó chịu khi cô ấy không đáp ứng theo như tôi nghĩ. Tôi giải thích sự phản hồi của cô ấy tốt hơn. Chúng tôi ngày càng ít tranh cãi hơn. Chúng tôi đã từng khốn khổ trước khi đến dự buổi hội thảo. Khi tôi yêu thương vợ tôi hơn thì cô ấy lại đang cư xử thân thiện với tôi hơn. Nhưng cô ấy vẫn chưa thừa nhận phần của cô trong Chu Kỳ Rồ Dại mà chúng tôi cuối cùng đã thường rơi vào. Lời cầu nguyện của tôi là đúng thời điểm cô ấy sẽ nhận ra điều này. Vợ tôi vẫn còn có vẻ như bị tắc nghẽn về cách cô ấy đang cảm nhận. Tôi đang cố gắng giúp cô hiểu được tấm lòng của tôi. Nhưng lối suy nghĩ cho rằng người nam hầu hết là đáng bị khiển trách về sự xung đột này sẽ khó mà khắc phục được.
                 NHỮNG GÌ Ở BÊN TRONG SẼ LỘ RA
                 Kính thưa quý độc giả,
                 Hãy nghĩ đến một hạt cát. Nếu cát bay vào trong mắt một người, nó gây ra sự kích thích, rồi sự nhiễm trùng, và nếu không được chăm sóc thì cuối cùng dẫn đến sự mất thị lực. Nhưng hãy đặt cùng hạt cát ấy vào trong một con trai. Nó gây ra sự kích thích, rồi sự bài tiết, và cuối cùng con trai hình thành một hạt ngọc trai. Phải chăng cát là nguyên nhân chủ yếu gây ra những kết quả trong con mắt? Phải chăng cát là nguyên nhân chủ yếu tạo nên những kết quả trong con trai? Không đâu. Nếu đúng vậy thì những kết quả sẽ giống nhau. Cát là tác nhân cho thấy những tính chất bên trong của con mắt và của con trai. Trong một ý nghĩa đích thực, khi cuộc sống với người phối ngẫu của bạn gây ra sự khó chịu bực tức, bạn có thể để cho nó phát triển thành một sự nhiễm trùng hoặc bạn có thể cho phép nó trở nên một viên ngọc trai.
                 Một ví dụ khác là ánh mặt trời chiếu rọi xuống trên bơ và đất sét. Nó làm tan chảy bơ nhưng làm đất sét cứng lại. Sức nóng từ mặt trời cho thấy những tính chất bên trong của bơ cũng như cho thấy những tính chất bên trong của đất sét.
                 Người phối ngẫu của bạn đôi lúc là một nhân tố gây bực dọc khó chịu (hoặc tệ hại hơn). Điều đó là nhất định rồi. Chúng ta không cần phải day đi day lại mãi vấn đề ấy. Người phối ngẫu của bạn tạo áp lực trên bạn, có những sự trông mong nơi bạn. Người phối ngẫu của bạn trút sự giận dữ trên bạn. Trong những tình huống đầy áp lực này, bạn luôn đối diện một sự chọn lựa: phản ứng trong một cách thức tin kính hoặc trong một cách thức tội lỗi. Thật dễ dàng đủ để chỉ việc đổ lỗi cho người phối ngẫu của bạn—xét cho cùng, người phối ngẫu của bạn đáng bị khiển trách về bất cứ điều gì đang xảy ra cho bạn, đúng không? Nhưng nếu bạn chọn con đường đổ lỗi, kết cuộc bạn chỉ là một nạn nhân và bạn mất cơ hội để nhận sự ban thưởng của Đức Chúa Trời.
                 Khi áp lực vây quanh và khi sự giận dữ trút xuống, bạn phải nhớ tự nhủ, “Là một người trưởng thành với sự tự do bên trong để thực hiện những sự chọn lựa của chính mình, tôi biết rằng sự đáp ứng của tôi thực sự là trách nhiệm của tôi.” Sống theo điều này thật không dễ dàng. Một người chồng chia sẻ rằng có nhiều lúc ông cảm thấy mình giống như một tấm thảm chùi chân. Thế nhưng, ông nói, “Tôi thật được khích lệ khi biết rằng Chúa Giê-xu ‘chứng thực’ sự đáp ứng của tôi đối với vợ mình và đồng ý sẵn sàng ban thưởng cho tôi vì đã có một sự đáp ứng tin kính. Nói cách khác, tôi chịu trách nhiệm về sự đáp ứng của mình. Việc nhận biết điều này giúp tôi dễ dàng yêu thương cô ấy hơn nhiều bất chấp thế nào đi nữa.”
                 SỰ TỰ DO NỘI TÂM PHÁT TRIỂN SỰ TRƯỞNG THÀNH BỘI PHẦN HƠN
                 Kính thưa quý độc giả,
                 Rõ ràng, điều tôi đang trình bày đòi hỏi sự trưởng thành thuộc linh rất nhiều. Bạn có thể nói, “Tôi thật sự không thể đạt đến mức đó được. Tôi thật sự không thể mạnh mẽ đến thế.” Nhưng Chúa Giê-xu thì có thể, và Ngài có thể giúp bạn. Trong Phúc Âm Giăng, chương 8, Chúa Giê-xu đang tranh luận sôi nổi với các thầy thông giáo và những người Pha-ri-si, cố gắng giúp họ hiểu được Ngài là ai và vì sao họ cần phải đi theo Ngài. Một số người trong đám đông tỏ ra tin Ngài như có chép trong câu 30 rằng: “Bởi Đức Chúa Giê-xu nói như vậy, nên có nhiều kẻ tin Ngài.” Kế đó Chúa Giê-xu phán, “Nếu các ngươi cứ tiếp tục vâng giữ lời Ta, thì các ngươi là môn đồ thật của Ta. Các ngươi sẽ biết chân lý và chân lý sẽ giải thoát các ngươi cho được tự do”(câu 31-32). Lúc này có dấu hiệu của sự phản đối. Người Do-thái không hiểu được điều này. Xét cho cùng, họ là dòng dõi Áp-ra-ham và chưa hề làm nô lệ của bất cứ ai. Chúa Giê-xu muốn nói gì qua lời phán về việc trở nên tự do? Chúa Giê-xu đáp,“Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, ai phạm tội là nô lệ của tội lỗi... nếu Con ban tự do cho các ngươi, thì các ngươi sẽ thật sự được tự do” (Giăng 8:34, 36). Sự tự do mà Chúa Jesus phán ở đây có ý nghĩa gì? Lời phán của Ngài về sự tự do có liên hệ gì với bạn và cuộc hôn nhân của bạn? Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu hơn trong bài nói chuyện tuần sau.
 
Tiến sĩ Emerson Eggerichs
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!