Giấc mơ hay chiêm bao là những trải nghiệm trong khối óc hay tâm tư của con người đang khi ngủ. Mỗi khi nói đến giấc mơ, chúng ta thường nghĩ đến những hình ảnh sống động trong lúc ngủ say giống như cảnh thật đang xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày của mình. Những cảnh tượng trong giấc mơ hiếm khi trở thành hiện thực! Thường là những giấc mơ ấy nằm ngoài tầm kiểm soát của người nằm mơ, ngoại trừ có những trường hợp người nằm mơ nhận ra rằng mình đang mơ! Lúc nằm mơ có khi chúng ta trải qua những cảm xúc mãnh liệt hay những niềm vui khôn tả!
Giấc mơ của chúng ta thường bao gồm mọi tri giác, chúng ta mơ về các hình ảnh, các âm thanh, các màu sắc, mùi vị, các đồ vật và mọi thứ mà chúng ta có thể cảm nhận. Thỉnh thoảng chúng ta lặp đi lặp lại cùng một giấc mơ. Các giấc mơ này thường khó chịu, đôi khi khủng khiếp. Thánh Kinh cho biết giấc mơ cũng đến từ sự lo lắng: "Hễ nhiều sự lo lắng ắt sanh ra chiêm bao." (Truyền Đạo 5:3a)
Lịch sử cổ đại cho biết các nghệ sĩ, các nhà văn và những nhà khoa học đôi khi cho rằng họ nhận được các ý tưởng hay trong lúc họ nằm mơ. Từ hàng nghìn năm trước con người đã cố gắng lý giải về giấc mơ và tìm ra ý nghĩa của giấc mơ. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại tin rằng các giấc mơ là các thông điệp từ các vị thần. Người Ba-by-lôn xưa cũng có niềm tin như vậy do đó họ coi các giấc mơ rất quan trọng đối với tương lai của họ.
Theo Thánh Kinh và sử sách của xứ Ba-by-lôn xưa, vào năm trị vì thứ hai của hoàng đế Nebuchadnezzar, vị hoàng đế nước nầy nằm mộng thấy một pho tượng kỳ lạ, ông được vị cố vấn là Đa-ni-ên. Đa-ni-ên cũng là tiên tri của Chúa Trời giải mộng và giấc mộng ấy đã trở thành hiện thực, bốn đế quốc hùng cường liên tiếp thay nhau xưng hùng xưng bá trên thế giới cổ đại bị hủy diệt hoàn toàn, chỉ có một vương quốc không bao giờ bị suy tàn là vương quốc của Đức Chúa Trời.
Thánh sử ký thuật lại rằng: Sau khi nằm mộng, nhà vua thức giấc, tâm hồn vua bối rối không sao ngủ lại được! Vua ra lệnh vời các phù thủy, thầy bói, đồng cốt và nhà chiêm tinh đến, thuật lại giấc mộng đó. Tất cả xin nhà vua thuật giấc mộng trước, để rồi họ có thể giải nghĩa được. Nhà vua nổi giận, quát: “Trước nay các ngươi đã toa rập với nhau thêu dệt đủ những lối bàn mộng dối trá để chờ xem sự việc xảy ra thế nào rồi dựa vào đó mà tán hươu tán vượn. Vì vậy, các ngươi trước hết phải thuật cho ta giấc mộng đó, ta sẽ biết ngay là các ngươi có giải được hay là không." Sau đó vua ra lệnh xử tử tất cả! Lệnh vừa ban ra, tất cả bọn họ đều bị giam vào ngục. Vì Đa-ni-ên và ba bạn Do Thái cũng thuộc thành phần cố vấn của hoàng triều, họ cũng bị chung số phận. Đa-ni-ên xin vào chầu vua. Được vua chấp nhận, người xin vua hai điều (1) Triển hạn xử tử các học giả bói khoa và (2) Xin thêm thời gian ngắn tìm biết sự thật về giấc mộng của vua. Được vua chấp thuận, Đa-ni-ên về nhà riêng, trình bày vấn đề cho ba bạn Do Thái, xin họ khẩn nguyện, nài xin Chúa trên trời tiết lộ điều huyền nhiệm này! Chúa nhậm lời cầu nguyện, cho Đa-ni-ên biết giấc mộng của vua. Khi gặp vua, Đa-ni-ên cho vua biết là Chúa trên trời có quyền năng tiết lộ những sự huyền nhiệm, những việc tương lai trong ngày tận thế. Đa-ni-ên tâu với vua:
"Tâu bệ hạ! Đây là giấc mộng! Bệ hạ thấy một pho tượng vĩ đại. Pho tượng ấy đứng trước mặt bệ hạ, rực rỡ hào quang, nhưng hình thù thật dễ sợ. Đầu tượng bằng vàng ròng, ngực và cánh tay bằng bạc, bụng và đùi bằng đồng, ống chân bằng sắt, bàn chân bằng sắt trộn đất sét. Bệ hạ nhìn chăm thần tượng ấy cho đến khi một Tảng Đá siêu nhiên đập vào bàn chân phong tượng bằng sắt trộn đất sét, làm cho tượng đổ nát tan tành. Sắt, đất sét, đồng, bạc và vàng đều bị nghiền nát cả và biến thành như trấu trong sân đạp lúa mùa hè, bị trận gió đùa đi mất tăm. Tảng Đá đã đập vỡ thần tượng liền biến thành một ngọn núi lớn, đầy dẫy khắp địa cầu. "Đó là giấc mộng bệ hạ đã thấy. Đây, tôi xin trình bày ý nghĩa: Bệ hạ là vua của các vua! Chúa trên trời đã ban cho bệ hạ đế quốc, uy quyền, lực lượng và danh dự. Chúa đã cho bệ hạ quyền cai trị loài người, cả đến các loài điểu, thú, côn trùng. Vậy, bệ hạ là cái đầu bằng vàng. Một đế quốc sẽ nổi lên thay thế bệ hạ, nhưng kém hơn bệ hạ; nhưng rồi đến lúc sẽ nhường chỗ cho đế quốc thứ ba cai trị thế giới, đó là đế quốc bằng đồng. Đế quốc thứ tư mạnh như sắt. Nhưng sắt thường đập vỡ, nghiền nát các vật khác, nước này sẽ đánh tan và nghiền nát các nước lân bang. Như bệ hạ đã thấy rằng bàn chân và ngón chân nửa làm bằng đất sét thợ gốm, nửa bằng sắt, đế quốc này vì thế sẽ bị phân chia làm nhiều nước, nhưng vẫn còn sức mạnh của sắt như bệ hạ đã thấy sắt trộn đất sét. Các ngón chân bằng sắt trộn đất sét thế nào, thì các nước này cũng nửa mạnh nửa dòn như thế ấy, nên dễ bị sụp đổ. Sự kiện sắt trộn với đất sét còn có nghĩa là các nước ấy sẽ cố gắng tăng cường liên minh bằng cách cưới gả với nhau, nhưng rồi cũng thất bại vì sắt không bao giờ trộn với đất sét được. "Trong đời các vua và lãnh tụ sau cùng đó, Chúa trên trời sẽ thiết lập Nước Chúa là nước đời đời không bao giờ sụp đổ, hoặc bại trận. Nước Chúa sẽ đánh tan và tiêu diệt các đế quốc và quốc gia trên thế giới. Nước ấy sẽ trường tồn bất diệt. Đó là ý nghĩa của Tảng Đá siêu nhiên không do bàn tay người đục ra. Tảng Đá vô địch đã nghiền nát sắt, đồng, đất sét, bạc và vàng. Chân Thần Vĩ Đại đã tiết lộ cho bệ hạ biết tương lai. Tôi thuật giấc mộng này đúng y sự thật thế nào thì lời giải thích cũng hoàn toàn chính xác thể ấy!" (Đa-ni-ên 2:31-45)
Nghe xong nhà vua nói với Đa-ni-ên rằng: "Thần của khanh thật là Thần của các thần, Chúa Tể của các vua, Đấng có thẩm quyền tiết lộ những huyền nhiệm! Chỉ nhờ Thần ấy, khanh mới biết và trình bày được huyền nhiệm này.” Sau đó vua thăng chức cho Đa-ni-ên, được phục vụ tại triều đình và ban tặng người nhiều phẩm vật rất giá trị, nhà vua cũng cử Đa-ni-ên giữ chức tổng trấn Ba-by-lôn và thủ lãnh hội đoàn các học giả. Hơn thế nữa, theo lời thỉnh cầu của Đa-ni-ên, vua bổ nhiệm ba người bạn Do Thái, người đã cầu nguyện cho Đa-ni-ên giữ các chức quản trị trong hệ thống hành chánh Ba-by-lôn.
Thánh sử cũng ký thuật lại giấc mơ của hai quan lớn trong triều của hoàng đế Ai Cập là quan tửu chánh và quan thượng thiện. Không biết vì lý do gì mà hai quan ấy làm cho nhà vua nổi giận, tống giam họ vào nhà ngục của hoàng triều dưới sự cai quản của quan phòng vệ hoàng đế. Đang khi bị giam cầm trong ngục thất, hai vị quan nầy được một người Do Thái tên Giô-sép chăm sóc. Giô-sép cũng là tù nhân nhưng là tù nhân bị hàm oan, nhưng chàng được Chúa ở cùng, khiến cho viên giám ngục quý mến, tín cẩn, ông ủy quyền cho chàng quản lý lao xá, coi sóc tất cả các phạm nhân. Từ ngày nhận công tác đó, mọi việc quản trị của Giô-sép đều tốt đẹp hoàn hảo. Chúa cho bất cứ việc gì Giô-sép bắt tay vào, thẩy đều được thành công mỹ mãn. Khi hai quan chức của triều đình bị tống ngục, quan phòng vệ hoàng đế cắt Giô-sép phục vụ.
Đến một buổi sáng nọ, Giô-sép nhìn thấy sắc mặt buồn thảm của hai quan đó, Giô-sép hỏi: Ngày nay sao hai quan có sắc mặt âu sầu như thế? Hai quan đáp: "Chúng tôi có thấy một điềm chiêm bao nhưng chẳng có ai giải nghĩa cho chúng tôi." Giô-sép thưa: "Giải mộng là việc của Đức Chúa Trời. Xin hai ngài kể lại cho con."
Quan tửu chánh là quan rót rượu, chăm lo thức uống cho nhà vua thuật lại rằng: Trong chiêm bao, tôi thấy một gốc nho ở trước mặt mình; gốc nho đó lại có ba nhành, dường các nhành đó có chồi non, trổ bông,chùm có trái chín thì phải. Lúc tay tôi cầm chén của Pha-ra-ôn; tôi hái nho đó, ép nước nho vào, rồi dâng tửu bôi vào tay Pha-ra-ôn. Sau khi nghe vị quan nầy kể, Giô-sép bàn rằng: Ý nghĩa chiêm bao đó là thể nầy: Ba nhành nho tức là ba ngày. Trong ba ngày nữa, Pha-ra-ôn sẽ tha quan ra khỏi ngục, phục chức lại, quan sẽ dâng chén dâng rượu cho vua, như khi quan còn làm chức tửu chánh. Nhưng khi quan được phục chức, được hưởng lộc như trước, xin nhớ đến con! Quan làm ơn tâu cùng đức vua về nỗi ức oan của con, và đem con ra khỏi chốn nầy.
Quan thượng thiện còn gọi là quan hỏa đầu, người chăm sóc thức ăn cho nhà vua thấy Giô-sép bàn mộng hay quá, ông lên tiếng: Còn trong điềm chiêm bao của tôi đây, tôi đội ba giỏ bánh trắng trên đầu; trong giỏ cao hơn hết, có đủ món vật thực của thợ làm bánh hấp cho Pha-ra-ôn; chim đáp vào giỏ trên đầu tôi ăn các món đó. Giô-sép đáp rằng: Ba giỏ, tức là ba ngày, trong ba ngày nữa, Pha-ra-ôn sẽ xử trảm quan, sai đem treo lên cây cho chim chóc ăn thịt quan vậy. Vì được Đức Chúa Trời soi sáng, nên những lời bàn của Giô-sép đối với hai giâc chiêm bao của quan tửu chánh và thương thiên đều xảy ra đúng y!
Thánh Kinh ký thuật lại rằng: Đến ngày thứ ba, là ngày sanh nhựt của Pha-ra-ôn, người bèn bày tiệc đãi cả quần thần, và tha quan tửu chánh cùng quan thượng thiện ra khỏi ngục. Pha-ra-ôn phục chức quan tửu chánh lại như xưa, đặng quan nầy dâng tửu bôi vào tay mình; nhưng lại hạ lịnh đem treo quan thượng thiện, y như lời Giô-sép đã bàn ra. Đoạn, quan tửu chánh chẳng còn nhớ đến Giô-sép nữa; quên người đi. (Sáng Thế Ký 40:20-23)
Kính thưa quý vị,
Quý vị biết vì sao quan tửu chánh nầy lại lãng quên Giô-sép, không nhớ đến ơn nghĩa của chàng nữa? Nếu đứng trong tình cảnh của Giô-sép trong lúc đó, chẳng chúng ta sẽ đau lòng, vì tia hy vọng để nỗi ức oan được giải tỏa, hy vọng được tự do để trở về quê hương xứ sở, bên mái nhà xưa với người cha già, người em trìu mến sau hơn 10 năm bị lưu đày và bao ngày tháng ngồi tù. Thật ra Đức Chúa Trời đang có chương trình của Giô-sép trong lúc ấy, Ngài tiếp tục giữ người lại trong khám đường. Chuyện lãng quên của quan tửu chánh, cũng nằm trong kế hoạch của Đức Chúa Trời. Thánh Kinh cũng ký thuật lại rằng: Hai năm sau, vua Ai Cập nằm mơ, thấy mình đang đứng bên bờ sông Ninh. Từ dưới sông, bảy con bò béo tốt đẹp đẽ lên bờ ăn cỏ. Tiếp đó, bảy con bò khác, gầy guộc xấu xí, từ sông đi lên, đứng cạnh bảy con kia bên bờ sông. Bảy con bò gầy gò xấu xí ăn thịt bảy con bò béo tốt đẹp đẽ. Rồi vua thức giấc. Vua ngủ lại, mơ lần thứ hai. Này, bảy gié lúa rắn chắc mọc lên từ một cây lúa. Rồi mọc tiếp bảy gié lúa lép, bị gió đông thổi héo khô. Bảy gié lúa lép khô nuốt trửng bảy gié lúa rắn chắc. Vua thức giấc, biết mình nằm mơ. Sáng hôm sau, tinh thần xao động, vua sai mời tất cả các pháp sư và học giả Ai Cập vào hoàng cung, thuật lại giấc mơ; nhưng chẳng ai giải nghĩa được. Quan tửu chánh tâu vua: "Hôm nay mới nhớ ra; hạ thần thật có lỗi. Trước đây, lúc bệ hạ giận quần thần, tống giam hạ thần và quan thượng thiện vào trong dinh chỉ huy trưởng ngự lâm quân. Một đêm kia, chúng thần đều nằm mơ, giấc mơ mỗi người một khác. Có một thanh niên Do Thái bị giam chung với chúng thần, là nô lệ của chỉ huy trưởng ngự lâm quân. Khi nghe thuật chiêm bao, chàng ta giải thích ý nghĩa theo giấc mơ mỗi người. Quả nhiên, việc xảy ra đúng như lời chàng ta nói. Bệ hạ phục chức cho hạ thần, và treo cổ quan thượng thiện." (Sáng Thế Ký 41:1-13)
Sau đó Giô-sép được gặp vua, chàng chẳng những giải mộng cho nhà vua, mà còn chỉ cách nào để giải cứu đất nước và người dân khỏi lâm vào cảnh chết đói vì sau 7 năm được mùa, cả đế quốc Ai Cập bị 7 năm thất mùa. Vua tất cả quần thần đều nhận thấy Thần Linh của Đức Chúa Trời trong con người Giô-sép, vua bổ nhiệm Giô-sép làm thủ tướng Ai Cập. Ngày nay bên Ai Cập, vẫn còn tấm bia thật lớn ghi lại công trạng của Giô-sép, từ một tên nô lệ bần hàn trở thành vị thủ tướng đầy khôn ngoan, uy quyền,vị cứu tinh của dân tộc Ai Cập.
Thưa quý vị,
Một khi hết lòng tin cậy Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, tin Chúa Cứu Thế Jesus, Đấng đã từ trời giáng hạ để giải cứu loài người khỏi tội lỗi; một khi tiếp nhận Chúa, Chúa sẽ biến đổi chúng ta từ một kẻ tầm thường trở thành những con người phi thường như Giô-sép. Ngày nay tuy hiếm khi Chúa Trời bày tỏ chương trình Ngài cho loài người qua những giấc chiêm bao như xưa, nhưng Ngài đã ban tặng cho ta quyển Thánh Kinh. Một khi đọc Thánh Kinh chúng ta sẽ tìm thấy kế hoạch của Chúa Trời dành cho mình.
Chúa yêu quý vị, Ngài đã giáng trần vì quý vị! Cửa thiên đàng Ngài mở ra cho quý vị, rất mong quý vị đến với Chúa Jesus ngay giờ nầy,
Kính chào quý vị và các bạn.
Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com