CHƯƠNG 6. Tình trạng tệ hại và Đấng Mê-si-a
Thế giới xưa nơi mà Chúa Giê-xu đã được sinh ra là một nơi đầy bạo lực. Vòng đời trung bình của con người chỉ là 40 năm. Đế quốc La Mã là một thế lực hoàng gia đã cai trị phần lớn thế giới lúc bấy giờ. Tuy nhiên, nó đã bắt đầu suy tàn. Một phần ba dân số là nô lệ. Những người có quyền thế và giàu có đã có cách giải trí riêng của họ với những môn thể thao đẫm máu hoặc bất cứ trò vui gì khác mà họ tưởng tượng ra.
Quyền lực thô bạo đã cai trị trong thời gian ấy. Người có quyền sinh sát là vua. Dân thường trên đường phố và trong những cánh đồng thì luôn tất bật phục vụ cho sự tồn tại của họ và thường rất nhọc nhằn. Mặc dù ý niệm dân chủ đã được nghĩ đến và được lý tưởng hóa trong thành A-thên xưa, nhưng nó không được áp dụng cho thành Rô-ma.
Tại nhiều nơi, cuộc sống được Thomas Hobbes, một nhà triết học Anh vào thế kỷ 17 mô tả đầy đủ nhất bằng những lời lẽ như sau: “Không nghệ thuật, không thư từ, không xã hội, và điều tai hại nhất đó là sự sợ hãi dai dẳng và bạo lực chết chóc nguy hiểm, sự cô độc của con người, sự nghèo khổ, kinh tởm, man rợ và ngắn ngủi.”
Đối với nhiều người, cuộc sống quả thật nghèo nàn, kinh tởm, man rợ và ngắn ngủi, và những người chăn chiên đang canh giữ bầy chiên của họ trong đêm giá lạnh tại vùng Giu-đê cũng vậy. (Lu-ca 2:8-20).
Các thiên sứ đã báo tin mừng cho họ về sự ra đời của Đấng Mê-si-a. Ban hợp xướng thiên đàng đã ca hát về sự vinh quang mầu nhiệm và an bình cho loài người. Vì vậy, bọn chăn chiên đã đi đến Bết-lê-hem và phát hiện hài nhi nằm trong máng cỏ. Mặc dù chuồng chiên Chúa Giê-xu được tìm thấy là nơi khiêm tốn nhất, họ đã nghe thấy thiên đàng mở ra và các thiên sứ hiện đến là thực. Những người chăn chiên chắc chắn cảm nhận như mình đang ở nhà dù họ đang ở nơi chuồng chiên thấp hèn. Khi con người đã sống trong cảnh nghèo nàn, thì những nơi như vậy thật quen thuộc đối với họ. Tốt hơn là Chúa Giê-xu không nên sinh ra tại nơi lầu son gác tía, vì nếu thế thì họ sẽ không được vào nơi Chúa ở. Nhưng nếu họ được phép đi vào nơi sang trọng ấy, họ sẽ cảm thấy kinh sợ vì nghĩ mình vào sai chỗ. Sự tham lam của họ chắc sẽ khiến họ dán mắt mình vào những thứ đắt tiền thay vì em bé. Nhưng chuồng chiên là nơi người nghèo và những người mộc mạc (giản dị) thường lui tới.
Những người chăn chiên sau đó đã trở về với các đàn chiên và cuộc sống nghèo hèn của họ nhưng với một tâm hồn mới. Họ đã ca ngợi và tôn cao danh Chúa. Tình trạng nghèo khó của họ không thể thay đổi, nhưng họ là những con người được đổi mới.
Trong khi thế giới đã thay đổi qua nhiều thế kỷ, thì thân phận con người cũng vẫn như vậy. Sự nô lệ vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức. Bạo lực điên dại vẫn tiếp tục gieo rắc sự kinh hãi khắp địa cầu. Những vụ đánh bom, bắt giữ con tin, bắn phá và những sự cố bi kịch khác khiến cho chúng ta phải ý thức sâu sắc về tình trạng bấp bênh của thế giới chúng ta.
Mặc dù có những tiến bộ về mặt khoa học và kỹ thuật, mặc dù cuộc sống được mô tả trong những tập sách mỏng thật hào nhoáng và khiến chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang kiểm soát cuộc sống của chúng ta, nhưng thật ra chúng ta vẫn còn sống trong một thế giới tồi tệ, hỗn loạn. Sứ đồ Phao-lô mô tả thân phận con người khi sống: “không hy vọng và không có Chúa trong thế gian này.” (Ê-phê-sô 2:12) Hãy thử tưởng tượng khi đọc báo và xem TV buổi chiều mà không có hy vọng và không có Chúa thì thật là một ý tưởng kinh khủng.
Chúa Giê-xu, Đấng Mê-si-a đã đến trong trần gian tồi tệ, rối ren này, nhưng Ngài đã không sợ tình trạng tồi tệ, hỗn loạn ấy. Lẽ ra Ngài vẫn có thể cứu chúng ta trong khi Ngài vẫn cứ ở trên thiên đàng một cách bình an. Nhưng Ngài đã không ở nơi an toàn cách xa chúng ta, thay vào đó, Ngài đã xuống thế gian. “Ngôi Lời đã trở nên xác thể, ở giữa chúng ta.” (Giăng 1:14) Ngài đã tự bỏ mình, lấy hình hài kẻ tôi tớ. Ngài đã trở nên dễ bị tổn thương. Ngài chạm vào những người cùi mà không có găng tay. Ngài đã nhận lấy một cuộc sống nghèo hèn. Ngài không có nơi ở nào được gọi là của riêng mình. Ngay cả Ngài cũng không có tiền để mang theo. Ngài đã trải nghiệm cảnh vô gia cư và nghèo khổ. Ngài đã bị đánh đập một cách tàn nhẫn. Ngài đã bị nhổ nước miếng vào mặt và bị sỉ nhục. Kế đến Ngài bị lột quần áo và bị đóng đinh trên cây thập tự xù xì và chịu lấy cái chết công khai nhục nhã. Tự bản thân Ngài đã trải nghiệm thân phận làm người.
Khi kỷ niệm lễ Giáng sinh năm nay, việc kỷ niệm của chúng ta có thể bị bao trùm trong không khí bi quan và lo lắng chung quanh mình. Khủng bố, kinh tế bấp bênh, những lo lắng cho tương lai. Dường như chúng ta đang sống trong một thời đại với những tin tức xấu.
Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh này, chúng ta cần nghe lại tin tức tốt lành một cách tươi mới. Trong Đấng Christ, chúng ta có Đấng Cứu Chuộc, Đấng Mê-si-a. Khi nhìn vào thế giới không có Đấng Mê-si-a này khiến chúng ta cảm thấy đời sống và tương lai chúng ta đầy bóng tối. Nhưng khi nhìn vào Đấng Mê-si-a, chúng ta thấy được ánh sáng trong nơi tối tăm. Thánh Giăng đã tuyên bố: “Sự sáng soi trong tối tăm, nhưng tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng.” (Giăng 1:5). Xin Chúa cho chúng ta thấy được ánh sáng trong sự tối tăm của lễ Giáng sinh này. Cầu xin Chúa ban ân điển để chúng ta hiểu được ánh sáng này.
Cũng như Ma-ri, mẹ Chúa Giê-xu “ghi nhớ mọi lời ấy và suy nghĩ trong lòng.” (Lu-ca 2:19) Chúng ta hãy làm như vậy trong Mùa giáng sinh này. Chúng ta hãy suy nghĩ một cách thanh thản phép mầu này, cám ơn Chúa đã không bỏ rơi chúng ta chết trong tình trạng tồi tệ, hỗn loạn này, nhưng Ngài thật sự đã ban cho chúng ta Đấng Mê-si-a là nguồn hy vọng của chúng ta. Dù tình trạng thế giới chúng ta đang sống có ra sao, thì trong Đấng Christ chúng ta thấy sự vinh hiển của Ngài, trong Ngài chúng ta có sự bình an. A-men!
Hồ Thế Kiệt dịch (HTTLVN.ORG)
(Trịnh Phan hiệu đính)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com