Thứ Tư, 6 tháng 12, 2017

Cách Nuôi Trẻ Lớn Lên Trong Nền Văn Hóa Hay Thay Đổi

Tác giả bài viết: Melissa Kruger
Bắt đầu một việc làm mới nào luôn đòi hỏi phải mất vài tháng ổn định trước khi cảm thấy thoải mái với nhiều công tác khác nhau: biết cách làm việc, biết lúc phải làm, và biết những điều phải tránh. Sau vài tháng, mọi việc bắt đầu tương đối trôi chảy và cuối cùng, sau nhiều năm kinh nghiệm, bạn trở nên thành thạo trong lĩnh vực của mình.
Tuy nhiên, làm cha mẹ thì có một lộ trình tăng trưởng riêng biệt hoàn toàn khác hẳn.
Ngay khi bạn hiểu được trẻ sơ sinh, thì chúng đã chập chững biết đi rồi. Điều đó đòi hỏi cách làm cha mẹ hoàn toàn mới mẻ đối với bạn. Rồi trẻ chập chững bước vào mẫu giáo, tiếp theo là mầm non, rồi tiểu học, phổ thông cơ sở, và phổ thông trung học, từng bước kéo theo nhiều đổi thay. Và ngay khi bạn vừa chọn được trường, thì chúng đã vào đại học, đòi hỏi bạn phải nuôi dạy chúng với một loạt động lực mới mẻ. Sau đại học, là khả năng kết sui gia rồi có cháu.  Lộ trình làm cha mẹ là một trạng thái chuyển động không ngừng khiến chúng ta hiếm khi cảm thấy mình thành thạo trong vai trò làm cha mẹ. Vậy làm sao chúng ta có thể tìm được chỗ đứng vững vàng trong suốt hành trình làm cha mẹ?
Tôi có trao đổi thư từ với Paul Tripp, tác giả của quyển Parenting: 14 Gospel Principles that Can Radically Change Your Family (Làm Cha Mẹ: 14 Nguyên Tắc Phúc Âm Có Thể Triệt Để Thay Đổi Gia Đình Bạn). Tripp nêu ra những nguyên tắc Thánh Kinh bền vững qua thử thách của thời gian dành cho những ai trong chúng ta thường xuyên nuôi con khôn lớn trong nền văn hóa không ngừng đổi thay.
Hỏi: Ông khích lệ bậc cha mẹ làm gì với con khi chúng còn nhỏ để nuôi dưỡng sợi dây truyền thông tốt suốt thời niên thiếu của chúng?
Trả lời: Tôi luôn luôn chỉ có một lời khuyên cho bậc cha mẹ có con ở tuổi thiếu niên: Đừng để cho mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái bị nhạt phai. Thường tính ngọt ngào cùng sự gần gũi trong mối quan hệ cha mẹ- con cái gần như bị tan biến suốt những năm tháng niên thiếu, nhường chỗ cho sự ngượng ngùng và xa cách. Đừng để cho trẻ thiếu niên tạo khuôn cho mối quan hệ của bạn. Lý do như sau: Làm cha mẹ hoàn toàn là vấn đề về mối quan hệ.  Đức Chúa Trời không thể sử dụng bạn một cách hiệu quả như một công cụ cứu vớt và biến cải trong cuộc đời của người mà ít có mối quan hệ gắn bó với bạn. Thay đổi tấm lòng và cách sống luôn luôn diễn ra trong bối cảnh của mối quan hệ.
Hãy nghĩ tới khuôn mẫu Phúc âm, tức là cách Đức Chúa Trời hành động trong cuộc đời bạn. Trước hết, Ngài dùng dây yêu thương bền chặt kéo bạn lại gần (xưng công chính), rồi biến đổi bạn theo ý Ngài muốn (thánh hóa). Chỉ những ai được xưng công chính nhờ ân điển Ngài thì cũng nhờ chính ân điển đó mà được thánh hóa.
Bởi vậy, hãy làm mọi điều bạn có thể để duy trì mối quan hệ yêu thương, mềm mại, nhịn nhục, và nhân từ với đứa con thiếu niên của bạn. Hãy theo đuổi con bạn hằng ngày. Thể hiện tình yêu thương của bạn với con mỗi ngày bằng lời. Bỏ đi sự bực dọc, nóng nảy, cùng những lời khó nghe của bạn. Hãy cứ yêu con thật nhiều khi con không xứng đáng cũng như lúc đáng yêu. Hãy thường xuyên rủ con, chỉ hai mẹ/cha con thôi, cùng đi ăn tối hoặc làm việc gì đó. Tham gia các sinh hoạt ngoại khóa của chúng. Vui vẻ đưa chúng đi. Hãy làm chung bất cứ việc gì có thể được, và bày tỏ tình thương với chúng. Khi cần nói chuyện nghiêm túc thì đừng vội vã. Hãy hẹn trước để bạn thật bình tĩnh, có thời gian bày tỏ yêu thương, và có thể nói chuyện nghiêm túc với tâm tình mềm mại. Và đừng quên hằng ngày cầu xin Chúa giúp bạn để có thể trở thành dụng cụ đầy ơn trong cuộc đời con cái mình ở lứa tuổi thiếu niên.
Hỏi: Mục đích của việc nuôi dạy con là gì? Còn thế gian nói mục đích là gì?
Trả lời: Chỉ có hai khuôn mẫu nuôi dạy con.
Thứ nhất là khuôn mẫu sở hữu. Động cơ thúc đẩy của khuôn mẫu này cho rằng con cái là của tôi và tôi có quyền uốn nắn chúng theo cách mình muốn. Thường khuôn mẫu này được báo trước và định hướng bởi khuôn mẫu văn hóa về mẫu người thành công là như thế nào. Vì vậy tôi đặt ra những qui luật tôi cho là tốt đẹp nhất, dùng bất kỳ quyền nào mình đang có để thực thi, và đưa ra bất kỳ hình phạt nào tôi cho là thích hợp nhất khi trẻ vượt ra ngoài khung qui luật của tôi. Khuôn mẫu sở hữu nhấn mạnh khả năng kềm chế và kiểm soát của cha mẹ đối với hành vi của trẻ cho tới khi trẻ rời khỏi gia đình.
Khuôn mẫu đại sứ thì khác xa trên mọi phương diện. Cha mẹ hiểu con cái không thuộc về mình mà thuộc về Đức Chúa Trời. Họ biết rõ công tác của họ mang tính đại sứ, tức đại diện cho mục đích, bản tính cùng phương pháp của Đức Chúa Trời. Vì vậy, họ không ngừng tự hỏi: Đức Chúa Trời mong muốn gì nơi cuộc đời của các con tôi và tôi có thể dự phần theo cách nào? Việc cha mẹ bỏ công sức nuôi dạy con được thúc đẩy bởi những giá trị theo Kinh Thánh hơn là theo tiêu chuẩn văn hóa.
Còn một yếu tố quan trọng khác trong khuôn mẫu đại sứ. Đó là cha mẹ phải chấp nhận mình không có khả năng thay đổi tấm lòng cùng cuộc đời của con cái. Họ nhận biết vai trò của mình là dụng cụ trong tay của Đấng duy nhất nắm quyền tạo nên sự thay đổi trường cửu. Vì vậy, họ tìm mọi cơ hội để trở thành công cụ cho ơn thuyết phục, tha thứ, cứu vớt, biến cải, và  giải phóng của Đức Chúa Trời trong cuộc đời con cái họ. Mục tiêu của họ là thực thi quyền làm cha mẹ như một cách phản ánh đẹp đẽ thẩm quyền của Đấng kêu gọi họ nhận trách nhiệm làm cha mẹ- để họ không ngừng cầu xin Chúa ban ơn giúp họ trở nên những người đại diện tốt cho Cha trên trời.
Hỏi: Có quá nhiều hối hả náo nhiệt trong thế giới thiếu niên ngày nay. Thiếu niên có thể cảm thấy áp lực to lớn giữa bài tập về nhà, hoạt động thể thao, bài học âm nhạc, cùng sinh hoạt phục vụ. Điều quan trọng nhất cha mẹ có thể làm để giúp thiếu niên biết đối phó với thế giới bận rộn và đầy căng thẳng này là gì?
Trả lời: Mỗi bậc cha mẹ Cơ Đốc đều phải lặp đi lặp lại một câu hỏi quan trọng này, nếu không, họ sẽ lạc lối ngay giữa thế giới ngổn ngang với những thông tin, sức ép, cùng ảnh hưởng văn hóa của nơi họ đang nuôi dạy con mình: Những hệ thống giá trị nào xác định mục tiêu, sinh hoạt cùng lịch làm việc cho gia đình?
Bạn không thể chỉ việc nhồi nhét khuôn mẫu nuôi dạy con theo Thánh Kinh vào một thời khóa biểu điên rồ theo quan điểm thế gian về hình ảnh của một đứa trẻ thành công. Nhiều bậc cha mẹ có thiện ý, lại có rất ít hoặc không có thời gian giáo dục hoặc tạo mối quan hệ với con cái, do bận chạy theo công việc, sợ con mình sẽ bị thiệt thòi. Điều quan trọng là phải tập chú vào điều Chúa muốn thành hình trong tấm lòng cùng cuộc đời của con cái bạn, và vào việc bạn cần làm để trở thành công cụ trong chương trình của Ngài. Hãy tự hỏi: Bạn có dành riêng cho mình thời gian cần thiết để xây dựng và duy trì mối quan hệ yêu thương hay không? Bạn có dành thì giờ cho gia đình lễ bái không? Có thời gian để cả gia đình cùng thư giãn và thảo luận điều thực sự quan trọng trong cuộc sống không? Lịch làm việc của bạn được thôi thúc bởi tấm lòng và sự biến đổi đời sống, hay bị thôi thúc bởi những hoạt động và sự thành đạt? Những giá trị dựa trên Thánh Kinh có quyết định câu trả lời “có” hoặc “không”  khi bạn thêm một sinh hoạt vào cuộc sống không? Trong cuộc sống bận rộn, bạn có chú tâm xây dựng ý thức không ngừng về Đức Chúa Trời trong lòng con cái cùng nhu cầu về ân điển của Ngài đối với chúng không?
Hỏi đi hỏi lại các câu này giúp bảo vệ bạn khỏi những áp lực có thể khiến bạn lạc lối.
Hỏi: Khi kỷ luật con cái và buộc chúng chịu trách nhiệm về hành động của chúng, cha mẹ thường thiếu sót ra sao trong việc dạy con về ân điển?
Trả lời: Quá nhiều bậc cha mẹ thiếu khôn ngoan đã rơi vào cái bẫy đòi hỏi theo luật pháp phải làm điều mà chỉ ân điển mới có thể làm trọn. Họ nghĩ rằng nếu họ đưa ra một hệ thống chặt chẽ gồm những qui luật, ràng buộc, và hình phạt thì con cái họ sẽ ổn thôi. Nhưng nếu tất cả những gì con cái chúng ta cần là kiến thức về đạo đức và sự kềm chế về đạo đức, thì Chúa Giê-xu chẳng bao giờ phải giáng thế. Đúng, con cái chúng ta cần luật pháp của Đức Chúa Trời, vì luật pháp phơi bày tội lỗi và chỉ cho chúng cách phải sống. Nhưng luật pháp không có năng lực giải cứu, phục hồi, và biến đổi tấm lòng của chúng. Sự thay đổi bền lâu trong hành vi của trẻ luôn luôn phát xuất từ tấm lòng và chỉ nhờ ân điển mới có thể làm trẻ thay đổi theo cách này.
Hiểu thế nào là ân điển là điều quan trọng. Ân điển không phải là buông thả, vì ân điển không bao giờ gọi sai là đúng. Nếu sai là đúng thì không cần ân điển. Ân điển là nhanh chóng nhìn nhận sai là sai, nhưng thay vì tránh xa người làm sai bằng lời chỉ trích, phán xét và lên án, thì ân điển xích lại gần họ hơn bằng sự tha thứ, dịu dàng khuyên lơn, yêu thương sửa sai, và kiên trì sử dụng uy quyền. Cha mẹ là người làm luật, cũng là cảnh sát, là người truy tố, là quan án và chủ ngục đối với con thôi thì vẫn chưa đủ. Chúng ta phải tìm mọi cơ hội để sẻ chia ân điển, chỉ ân điển mới có thể mở mắt và khuấy động tấm lòng con cái chúng ta để chúng chạy đến với Đấng Cứu Chuộc là nơi có thể tìm được sự cứu giúp đích thực.
Hỏi: Tại sao nhiều bậc cha mẹ cảm thấy nản lòng, mòn mỏi, và choáng váng? Bạn sẽ khích lệ và tư vấn gì cho họ? Làm sao để cha mẹ cảm thấy yên lòng và bình an giữa những thách thức vây quanh?
Trả lời: Nhiều bậc cha mẹ Cơ Đốc đầy thiện ý và lòng yêu thương, thức dậy mỗi buổi sáng và đặt lên vai mình gánh nặng về thể chất, tình cảm và tâm linh của con cái. Tuy khẳng định rằng họ tin Chúa ở với con cái mình, nhưng họ lại hành động như thể chỉ một mình họ phải gánh hết công tác nuôi dạy con. Họ nghĩ mình có nhiệm vụ phải thay đổi con cái. Nếu nuôi dạy con theo cách này, bạn sẽ càng tạo thêm mối đe dọa, càng nung nấu cảm xúc, càng nói những lời chua chát, và đòi hỏi những điều này làm những việc chúng không hề có khả năng thực hiện. Cuối cùng, bạn sẽ làm và nói những điều lẽ ra không nên, trong nỗ lực vô vọng muốn con cái mình thay đổi. Chẳng trách nhiều bậc phụ huynh nản lòng, nhụt chí, và kiệt sức! Thật thư thái biết bao khi biết rằng Cha khôn ngoan trên trời vẫn ở với bạn trong mọi lúc, và Ngài đang là Cha yêu thương của mỗi chúng ta. Thật nhẹ nhõm khi biết rằng Đức Chúa Trời mang gánh nặng về phúc lợi của con bạn, và Ngài không bao giờ buộc bạn phải làm những việc mà chỉ một mình Ngài có thể làm. Thật tốt thay khi biết rằng bạn chưa từng bị buộc phải làm tác nhân thay đổi, mà chỉ là công cụ tình nguyện trong tay của Đấng có quyền giải cứu, cứu chuộc và biến cải con của bạn. Thật quan trọng khi biết rằng Ngài không lên án bạn về điểm yếu cùng thất bại của bạn, mà Ngài gặp bạn để tha thứ và ban quyền năng của ân điển Ngài. Bạn có thể yên tâm đi ngủ vì biết rằng Ngài yêu con của bạn, và vì yêu thương nên Ngài đặt chúng trong gia đình đức tin-tức gia đình của bạn. Ngài sẽ bày tỏ cho bạn biết nhu cầu của chúng để giúp bạn làm công cụ thực hiện công việc của Ngài trong cuộc đời chúng. Bạn không thể mang gánh nặng về phúc lợi tột đỉnh của chúng, mà chính Ngài sẽ mang. Ngài chỉ kêu gọi bạn trung thành làm người đại diện cho Ngài, giữ vai trò đại sứ cho Ngài. Phần còn lại là của Ngài.
Người dịch: Khuê Trần (HTTLVN.ORG)
Nguồn https://www.thegospelcoalition.org/article/how-raise-changing-children-culture/

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!