Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

CÓ TIN LÀNH KHÁC KHÔNG?

CÓ TIN LÀNH KHÁC KHÔNG ?

Không phải đến hôm nay Hội Thánh mới đối diện với những kẻ chuyên đi rao tin lành khác, một thứ tin lành pha trộn với tà ngụy mà chẳng bao lâu sau khi Đức Thánh Linh thành lập Hội Thánh, nhiều tà giáo đã nổi lên khuấy phá đức tin con cái Chúa: Trước hết là nhóm Ebonites (150SC) của người Do Thái giảng dạy xúi giục tín hữu pha trộn giữa Ân điển và luật pháp Môi-se. Nhóm Ebonites chủ trương phải giữ luật pháp Môi-se mới được cứu. Sau đó là Trí huệ phái (Gnosticism), chủ trương chỉ những người “được truyền thụ cho sự tri thức sâu nhiệm” thì mới được cứu rỗi, nghĩa là những người bình dân khó có thể được cứu! Sau đó có nhóm Marcion (150SC), không nhận Mết-si-a của Cựu ước là Đấng Christ trong Tân Ước. Rồi đến Motanism (172SC) giảng dạy sai lạc về sự Chúa đến và thành thánh Giê-ru-sa-lem làm hại đức tin nhiều người. Tà thuyết Sabellius (169-217SC) chủ trương một Đức Chúa Trời hiện ra trong ba giai đoạn khác nhau. Arius (312SC) phủ nhận thần tánh Chúa Giê-xu v.v.. hầu như trong mỗi thế kỷ đều có một vài tà giáo nổi lên khuấy phá Hội Thánh. Trong thư Ga-la-ti sứ đồ Phao-lô đang đối đầu với nhóm tà giáo chuyên gieo rắc một thứ tin lành khác “làm rối trí tín đồ và muốn đánh đổ Tin lành của Đấng Christ” (Ga-la-ti 1:7).

Vậy CÓ TIN LÀNH KHÁC KHÔNG? Sứ đồ Phao-lô đã trả lời rõ ràng rằng: “Chẳng có tin lành nào khác”. Dầu vậy vẫn có một số người đi đây đó gieo rắc một thứ tin lành khác để lôi kéo người ta, kéo cả tín hữu đi theo. Chúng ta cần học biết để đối phó với loại tà giáo nầy.

I. Ý NGHĨA CỦA TIN LÀNH KHÁC
“Tin lành khác” nói ở đây là tin lành gì?

1. Tin lành ra từ loài người
Đây là loại tin lành do con người suy nghĩ ra với những lý lẽ và ý tưởng phàm trần cho rằng công lao cứu chuộc của Chúa Giê-xu Christ trên thập tự giá chưa đủ để cứu rỗi con người, nên cần phải giữ luật pháp Môi-se. Lịch sử thần học cho biết hầu hết các tà giáo xuất hiện đều do sự cắt xén, thêm thắt tư tưởng con người vào lời Chúa hoặc giải thích lời Chúa theo ý riêng, theo lý lẽ phàm tục. Những người làm các công việc đó là những người mà Thánh Kinh miêu tả là “kiêu ngạo” và “ham mê danh vọng giả dối mà trêu chọc nhau và ghen ghét nhau” (Galati 5:26). Ý nghĩa thứ hai của loại tin lành khác nầy là:

2. Loại tin lành chủ trương được cứu nhờ việc làm
Trải hơn 1.000 năm, dân Y-sơ-ra-ên đã thất bại trong việc giữ luật Môi-se và kể từ khi có luật pháp, họ đã bị rủa sả nặng nề hơn do không giữ được luật pháp: “Vì mọi kẻ cậy các việc luật pháp thì bị rủa sả, bởi có chép rằng: Đáng rủa thay là kẻ không bền đỗ trong mọi sự đã chép ở sách luật, đặng làm theo những sự ấy” (Ga-la-ti 3:10). Lời Chúa còn khẳng định: “Chẳng có ai được xưng công bình bởi các việc luật pháp” (Ga-la-ti 2:16b, Rô-ma 3:20). Do đó, Chúa tuyên bố: “chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không” (Rô-ma 3:10). Đặc quyền của người Do thái là dân có luật pháp, song họ hoàn toàn bất lực trong việc tuân giữ luật pháp, nên Ân điển Chúa ban cho nhưng không qua Chúa Giê-xu. Nếu con người nhờ làm theo luật pháp mà được cứu thì Chúa Giê-xu không cần giáng thế. Cho nên những người rao loại tin lành khác nầy là kiêu ngạo và mù lòa tâm linh mà đòi dẫn đường người khác, sắp chết đuối vì không biết bơi mà có ảo tưởng cứu người khác. Thật đáng thương! Mục đích của những kẻ làm công việc nầy là gì?

II. MỤC ĐÍCH CỦA KẺ RAO TIN LÀNH KHÁC
Như chúng ta đã biết thói đời là hễ có một sản phẩm tốt, có giá trị chào hàng và được mọi người tin dùng thì lập tức có những mặt hàng y hiệu nhưng kém phẩm chất và giả hiệu xuất hiện, làm cho người tiêu dùng lầm lẫn không biết đâu là thật, đâu là giả. Trong lãnh vực tâm linh cũng vậy, bên cạnh Tin Lành thật có vô số tin lành giả, và tà giáo do những Giáo sư giả giảng dạy đan xen vào trong Hội Thánh. Điều quái ác là những kẻ rao tin lành khác nầy không đến với người ngoại, nhưng lại lẻn vào trong vòng tín hữu thật để lôi kéo bằng cách gây mâu thuẫn và quyến dụ bằng vật chất, tiền bạc v.v.. Ai cũng biết là loại tin lành khác nầy chẳng bao giờ cứu được linh hồn người ta, nhưng việc làm của họ vô cùng tai hại vì sẽ làm:

1. Rối trí tín đồ thật
“Thật chẳng có tin lành khác, nhưng có mấy kẻ làm rối trí anh em” (Ga-la-ti 1:7). Điều nầy được vị sứ đồ lập lại trong 5:10“Những kẻ làm rối trí anh em, bất luận người nào, sẽ chịu hình phạt về điều đó”. Chữ “rối trí” trong Hi văn là tarásso, có nghĩa là quấy rối làm cho xao động, gieo sự ngờ vực làm cho rối trí. Lời Chúa đã vạch trần bản chất những kẻ gieo rắc tà giáo là làm cho người nghe bối rối, hoang mang với mục đích quấy rối và gieo rắc sự nghi ngờ vào lòng tín hữu, nhứt là những tín hữu chưa vững vàng trong đức tin và chưa hiểu biết lời Chúa. Ngay cả những tín hữu sốt sắng nhưng thiếu nền tảng Thánh Kinh cũng dễ bị họ dẫn dụ. Một vài tín hữu đang sinh hoạt trong Hội Thánh, khi tiếp xúc với những người chủ trương giữ ngày Sa-bát, họ tỏ ra hoang mang không biết Hội Thánh Tin Lành đúng hay sai. Theo lời Chúa chúng ta biết chắc mình đã được dự phần vào sự sống đời đời nhờ tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu Christ. Nếu không có Ân điển của Chúa Giê-xu Christ, chúng ta mãi mãi là “nhiên liệu đốt lửa địa ngục” thôi! Luật pháp Chúa ban riêng cho người Do Thái, dân ngoại bang không can hệ gì đến luật Môi-se cả. Thế thì những người chủ trương giữ luật pháp để được cứu; Phao-lô gọi họ là những kẻ “ngu muội”, đã bị “bùa ếm” và bị kẻ ác dẫn dụ (Ga-la-ti 3:1).

2. Làm rối loạn Hội Thánh (Ga-la-ti 5:12)
Như đã nói những kẻ gieo rắc tà giáo không chỉ làm rối trí tín hữu mà họ còn làm cho Hội Thánh rối loạn nữa, nghĩa là các tư tưởng dị giáo, tà giáo họ gieo rắc làm cho Hội Thánh chia rẽ. Một số người đã bị dẫn dụ đi sai lạc thường tranh luận cãi vã gây nên sự mất đoàn kết trong Hội Thánh. Vì vậy, sứ đồ Phao-lô xem họ là những “kẻ gieo sự rối loạn trong anh em”. Những kẻ làm công việc đó “thà họ tự chặt mình là hơn!” (Ga-la-ti 5:12)

3. Làm cho sự chết của Đấng Christ ra vô ích
“Vì nếu bởi luật pháp mà được xưng công bình, thì Đấng Christ chịu chết là vô ích” (Ga-la-ti 2:21). Đây là mục đích thâm độc của những kẻ gieo rắc tà giáo dưới hình thức tin lành khác muốn đạt đến. Phi-e-rơ mô tả bản chất quái đản của các Giáo sư giả là“buông tuồng, dối trá, tham lam, thiếu hiểu biết, gian dâm, ô uế, bỏ đường thẳng đi đường sai lạc, đời sống ngày càng xấu xa hơn”, như câu tục ngữ: “Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã tắm rửa rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn” (II Phi 2:1-3,12-15,22). Phaolô ví họ như “một chút men” tội lỗi ở trong Hội Thánh, nhưng đã làm rối tung Hội Thánh (Ga-la-ti 5:9).

III. THÁI ĐỘ TÍN HỮU ĐỐI VỚI TIN LÀNH KHÁC.
Trước hết chúng ta xem thái độ của sứ đồ Phao-lô đối với những kẻ rao báo tin lành khác tại Hội Thánh Ga-la-ti.

1. Rao lời cảnh cáo.
“Nếu ai truyền cho anh em một tin lành nào khác với Tin Lành anh em đã nhận, thì người ấy đáng bị a-na-them!” (1:9). Chữ Anathem trong Hi văn có nghĩa là ‘nguyền rủa’, ‘rủa sả’, ‘một lời rủa sả độc hại’. Người Do Thái rất sợ bị rủa sả, người bị rủa sả sẽ bị xui xẻo, bất hạnh khốn khó, què quặt đến nỗi không thể ngóc đầu lên được. Đó là lý do Chúa không cho phép Ba-la-am rủa sả dân Y-sơ-ra-ên. Con cái Chúa không nên coi thường những lời cảnh cáo mang tính rủa sả trong Thánh Kinh và cũng đừng buông lời rủa sả ai. Riêng những kẻ truyền bá tà giáo thì đáng bị a-na-them, nghĩa là đáng bị rủa sả trở nên bất hạnh, khốn khó, đui mù và què quặt hầu không còn sức lực đi lôi kéo người ta vào hỏa ngục nữa. Những kẻ rao tin lành khác chính là công cụ của ma qủy sai đi giăng bẩy người ta hòng lôi họ vào hỏa ngục, nên những kẻ ấy đáng bị a-na-them!

2. Không khoan nhượng đối với kẻ gieo rắc tà giáo.
“Chúng tôi không nhường họ giây phút nào, chối chẳng thuộc dưới quyền họ, hầu cho lẽ thật của Tin Lành được vững bền” (Gal 2:5). Sứ đồ Giăng có thái độ mạnh mẽ hơn: “Hễ ai đi dong đi dài, chẳng bền lòng trong đạo Đấng Christ.. thì chớ tiếp rước họ vào nhà và đừng chào hỏi họ” (II Giăng 9,10). Mới nghe qua chúng ta thấy thái độ của hai vị sứ đồ dường như hơi quá đáng. Nhưng nếu chúng ta có dịp nghiên cứu II Phi-e-rơ 2:1-22, luận về bản chất và công việc của các Giáo sư giả, thì thái độ trên vẫn còn quá nhẹ nhàng. Sứ đồ Phi-e-rơ xem những kẻ ấy giống như “con vật không biết chi”, “là những con cái đáng rủa sả”, là “tiên tri điên cuồng”, như “chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo rửa sạch rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn” (II Phi-e-rơ 2:12,14,16,22). Những kẻ gieo rắc tà giáo giết hại linh hồn người ta chính là những sứ giả của Sa-tan, là sâu mọt của địa ngục, những kẻ mang nhãn mác của hỏa ngục: Made in hell! Con cái Chúa nên tránh xa để không bị quyến dụ.

3. Bối rối khó xử
“Về việc các con, ta rất là bối rối khó xử” (Gal 4:20). Tại sao Phao-lô bối rối khó xử đối với tín đồ Ga-la-ti? Vì họ thay lòng đổi dạ quá mau! Trước đó họ sẵn hiến cho Phao-lô một con mắt để bù vào con mắt bị bịnh của ông (Gal 4:15). Họ là con thuộc linh của ông, nhưng bởi sự xúi giục, gây mâu thuẫn của những kẻ rao tin lành khác mà họ xa lánh thù ghét ông. Tà giáo ở bất cứ nơi đâu cũng vậy, luôn luôn gây chia rẽ, đào hố sâu ngăn cách giữa tôi con thật của Chúa, lũng đoạn Hội Thánh, khiến tôi tớ Chúa mất ăn mất ngủ, lo đối phó và giữ chiên; đến nỗi không còn thì giờ rao giảng Phúc âm cứu vớt tội nhân. Tín hữu Ga-la-ti trở lòng rất nhanh với Phao-lô, họ lạnh lùng xa lánh và cứng cỏi cả với Chúa nữa.

4. Tín hữu nên có thái độ nào đối với tà giáo?
Trước hết con cái Chúa phải có đức tin kiên định trên sự hiểu biết Chúa và lời Chúa: “Hiện nay anh em đã biết Đức Chúa Trời, lại được Đức Chúa Trời biết đến nữa, sao còn trở hướng về lề thói hèn yếu nghèo nàn đó mà suy phục nữa ư? Anh em hãy còn giữ ngày, tháng, mùa, năm ư?” (Ga-la-ti 4:9,10). Những gì các bạn học biết, trải nghiệm trong Hội Thánh đã đủ không sợ bị sai trật; nhứt là trải nghiệm về sự dẫn dắt, ban phước và gìn giữ suốt qua những năm tháng theo Chúa. Đừng để những Giáo sư giả rao tin lành khác làm cho rối trí. Kế đến các bạn “Đừng nghe, đừng tin, đừng đi theo họ”. Đây là cách Chúa Giê-xu dạy tôi con Chúa đối phó với Giáo sư giả và Christ giả trong những ngày cuối cùng (Mat 24:26). Khi tôi con Chúa lắng tai nghe họ thì tâm trí bị ma lực tà vạy mê hoặc ngay. Nên tốt hơn hết là không tiếp rước, không nghe và không nghĩ đến điều họ nói và không đặt mình dưới ách tôi mọi (Gal 5:1,13). Thế giới ngày nay có nhiều thứ bắt con người làm nô lệ như ma lực Sa-tan, xác thịt, tội lỗi, thú vui trác táng, tham dục, tiền bạc v.v.. Những cạm bẩy về sự tham dục và tiền bạc bao giờ cũng đáng sợ. Nhiều người rất sợ tà giáo, nhưng vì không cưỡng nổi lòng tham tiền bạc nên đi theo tà giáo để được của tạm. Mỗi con cái Chúa phải cẩn thận để không bị kẻ ác dỗ dành uổng công cả đời đi theo Chúa.

Doulos
Nguồn: httlvn.org

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!