Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm

Ai thành lập Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm?

Cơ Đốc Phục Lâm là Giáo Hội Tin Lành theo chủ thuyết của Mục sư Báp-tít người Mỹ tên là William Miller. Chủ thuyết này cho rằng Đấng Christ sẽ tái lâm nay mai. Mục sư William Miller đã tiên đoán là Đức Chúa Giê-xu tái lâm vào ngày 21 tháng 3 năm 1843, ngày 21 tháng 3 năm 1844 và ngày 22 tháng 10 năm 1844. Các lần tiên đoán này đều sai trật. Sự sai trật này làm cho một số tín hữu chán nản phải rời bỏ Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm để trở lại Hội thánh cũ của mình. Tuy nhiên, một số lớn tín hữu vẫn tiếp tục tin theo Mục sư William Miller. Số người theo Mục sư William Miller càng ngày càng gia tăng để trở thành các hệ phái Cơ Đốc Phục Lâm sau này như: The Advent Christian Church, The Primitive Advent Church, The Church of God hay The Church of God in Christ Jesus và Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật (Seventh Day Adventists).
Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật được thành lập vào năm 1844 tại Hoa Kỳ, ở dưới quyền lãnh đạo của Mục sư Joseph Bates, James và Ellen White. Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật là Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm lớn nhứt có khoảng 5.500.000 tín hữu và 360 bệnh viện hay chẩn y viện trên thế giới tính vào cuối năm 1990. Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật tin Đấng Christ sẽ tái lâm sớm, nhưng không đưa ra một ngày nhứt định. Họ tin rằng khi Chúa tái lâm, Ngài sẽ tiêu diệt kẻ ác và ban sự cứu rỗi cho người công bình. Tín hữu của giáo hội này còn tin rằng sự cứu rỗi chỉ do ân điển bởi đức tin nơi sự cứu chuộc của Đức Chúa Giê-xu trên thập tự giá mà thôi; không phải bởi việc làm thánh thiện của tín hữu. Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm nhìn nhận Kinh Thánh là quyền tối thượng cho các việc thuộc đức tin và phương cách hành đạo của tín hữu. Tín hữu Cơ Đốc Phục Lâm giữ ngày thứ bảy Sa-bát để làm nên ngày thánh, theo điều răn thứ tư của Cựu Ước (tuy nhiên, ngày nay họ lại biến điều răn này trở thành luật lệ cần phải giữ để được cứu rỗi). Họ không được khiêu vũ hay vào rạp xem hát hay xem phim tuồng, tránh ăn thịt, không hút thuốc, uống rượu hay dùng cần sa ma túy. Tín hữu Cơ Đốc Phục Lâm tự nguyện dâng hiến hay trích ra 1/10 lợi tức để hỗ trợ công tác truyền giáo, giáo dục và từ thiện hay chương trình của Giáo Hội nhằm cung cấp ấn phẩm Cơ Đốc cho 197 ngôn ngữ trên thế giới. Giáo Hội Cơ  Đốc Phục Lâm làm lễ báp-têm bằng cách dìm người dưới nước, cử hành lễ Tiệc thánh để nhớ lại việc Đức Chúa Giê-xu đã chịu chết trên thập tự giá để cứu chuộc nhân loại và lễ Rửa Chơn (Foot Washing) để bày tỏ sự sẵn sàng phục vụ lẫn nhau và tha nhân theo như lời Đức Chúa Giê-xu dạy.
Trong khoảng thời gian từ năm 1915 đến năm 1927, Liên Hiệp Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật Đông Nam Á gởi một số Thư Báo Truyền Đạo đến Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội, Lạng Sơn, Hải Dương, Sài Gòn, Chợ Lớn…  để truyền bá Tin Lành cứu rỗi bằng cách phân phối sách chứng đạo đến tay đồng bào Việt Nam.
Năm 1927, Liên Hiệp Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật Đông Nam Á gởi giáo sĩ R. H. Wentland và Fred Lloyd Pickett đến Việt Nam. Sau khi học nói tiếng Việt thông thạo, hai giáo sĩ này bắt đầu đi giảng đạo, sau hai năm hoạt động, họ đã mở được một Hội thánh Cơ Đốc Phục Lâm ở Sài Gòn.
Năm 1932, Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm được Thống đốc Nam Kỳ cho phép giảng đạo và phổ biến ấn phẩm đến tay đồng bào ở Nam Phần Việt Nam. Chẳng bao lâu, các Hội thánh Cơ Đốc Phục Lâm được thành lập ở Cần Thơ, Long Xuyên, Ô Môn, Đà Nẵng và Đại Lộc.
Năm 1937, Hội Đồng Địa Hạt đầu tiên của Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam họp tại Đà Nẵng. Hội Đồng này bầu Giáo sĩ  F. L. Pickett làm Hội Trưởng. Trụ sở văn phòng địa hạt đặt tại Đà Nẵng. Sau một năm hoạt động, Hội trưởng F. L. Pickett qua đời ngày 1 tháng 4 năm 1938, được an táng ở nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, Sài Gòn. Giáo sĩ R. H. Howlett, Thư ký Giáo Hội, lên giữ chức Quyền Hội Trưởng.
Sau những năm tích cực hoạt động, Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm đã xây cất được nhà thờ cho Hội thánh Hà Nội, Đà Nẵng, Vàm Nhon, Đức Mỹ, Đại Lộc và Di Linh. Giáo Hội cũng đã xây cất được trường học ở Chợ Lớn, Long Xuyên, Vàm Nhon và Đà Nẵng, cùng các trạm y tế ở Cần Thơ, Di Linh và Hà Nội. Đến năm 1939, Giáo Hội đã thiết lập được Ấn Quán Thời Triệu ở Sài Gòn để in sách báo giáo dục và truyền đạo đơn. Giáo Hội cũng mở được một trường Kinh Thánh ở Gia Định để đào tạo người chăn bầy.
Trong thời kỳ thế chiến thứ hai, từ năm 1942 đến năm 1946, quân đội Nhật Bản chiếm đóng Việt Nam, một số nhà thờ của Giáo Hội bị tàn phá, nhiều Hội thánh không có người chăn nên phải bị đóng cửa. Các hoạt động của Giáo Hội bị hạn chế trong vùng Sài Gòn và Chợ Lớn.
Trong thời kỳ chiến tranh chống lại sự đô hộ của người Pháp, từ năm 1946 đến năm 1954, Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm đã xây cất được nhà thờ ở Phú Nhuận, Đà Lạt, Bàn Cờ, Đa Kao và một nhà thờ cho người sắc tộc ở tỉnh Lâm Đồng. Giáo Hội cũng đã tạo mãi được một biệt thự hai tầng ở ngã tư  Phú Nhuận để làm văn phòng trung ương và tư thất cho Hội Trưởng. Đài phát thanh Tiếng Nói Hy Vọng cũng hoạt động mạnh trong thời kỳ này để phố biến Tin Lành cứu rỗi đến đồng bào Việt Nam qua làn sóng âm thanh vào buổi sáng mỗi ngày.
Năm 1954, Liên Hiệp Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật Đông Nam Á chính thức đặt tên cho Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm ở Việt Nam là Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật Việt Nam, trực thuộc Liên Hiệp Hội Cơ Đốc Phục Lâm Đông Nam Á. Cùng trong năm này, hiệp định đình chiến Genève chia nước Việt Nam làm đôi ở vĩ tuyến 17. Văn phòng Trung Ương của Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm đặt ở Sài Gòn mất liên lạc với các Hội Thánh ở bắc vĩ tuyến 17. Thành ra, Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm ở Miền Nam chỉ còn có Hội thánh là Phú Nhuận, Chợ Lớn, Đà Lạt, Đà Nẵng Cần Thơ và Sa đéc.
Khi chiến tranh Việt Pháp kết thúc, Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm bắt đầu trùng tu các nhà thờ, trường học, cơ quan y tế và từ thiện đã bị chiến tranh tàn phá. Giáo Hội gia tăng nỗ lực truyền bá Phúc Âm trên đài phát thanh Tiếng Nói Hy Vọng, phân phối sách báo chứng đạo do nhà in Thời Triệu xuất bản và phái hằng trăm nhân viên chứng đạo đi khắp thành thị, nông thôn và vùng cao nguyên hẻo lánh để truyền bá Tin Lành cứu rỗi của Đức Chúa Giê-xu đến đồng bào Việt Nam. Nhờ vào các hoạt động tích cực này mà số người được cứu gia tăng. Năm 1975, Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm có đến 43 Hội thánh với số tín hữu đông đảo nhóm họp thờ phượng Đức Chúa Trời vào mỗi thứ bảy Sa-bát ở Miền Nam Việt Nam.
Biến cố tháng 4 năm 1975, làm cho một số mục sư và tín hữu của Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm theo làn sóng người di tản ra nước ngoài. Cuộc di tản này làm cho đa số Hội thánh Cơ Đốc Phục Lâm ở Việt Nam thiếu người chăn bầy và không có Ban Trị Sự để điều hành công việc của chi hội ở mỗi địa phương. Công việc Chúa càng gặp khó khăn hơn khi chánh phủ mới cấm đoán Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm hoạt động và trưng dụng các nhà thờ của Giáo Hội để làm hợp tác xã, nhà kho, nhà giữ  trẻ. . .  Trong thời gian bị cấm đoán này, tín hữu phải nhóm lại thờ phượng Chúa tại các tư gia hay tham gia các cuộc thờ phượng Chúa tại các hội thánh bạn.
Trong thời gian đất nước đã thống nhất, Giáo Hội không ngớt yêu cầu chánh quyền sớm trả lại các cơ sở bị nhà nước trưng dụng để có nơi tín hữu sinh hoạt tôn giáo. Theo lời yêu cầu của Giáo Hội, chánh quyền đã cho phép Hội thánh Sa-Đéc mở cửa nhóm lại từ ngày 31 tháng 1 năm 1989, kế đó là Hội thánh Cần Thơ, Vàm Nhon và Long Thành.
Vào ngày 23 tháng 12 năm 2006, Ban Tôn Giáo Chánh Phủ Việt Nam chính thức công nhận Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm hoạt động hợp pháp, có nghĩa là Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm được pháp luật bảo đảm quyền lợi, được in ấn xuất bản kinh sách, xây dựng sửa chữa nơi thờ phượng.
Đến cuối năm 2006, Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm có 7 mục sư, 6.000 tín đồ người Kinh, 7.000 tín đồ người sắc tộc và 7 hội thánh có cơ sở.

Dầu đất nước đã thống nhứt, Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm ở Miền Nam và Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm ở Miền Bắc vẫn còn  là hai Giáo Hội riêng biệt.

Nguồn: cdnvn.com

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!