Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Giao con cho Chúa

Giao Con Cho Chúa


                 Khi Ashley Bridges được 10 tuần trong bụng mẹ, thì mẹ Ashley được các bác sĩ cho biết là bà đã mang một chứng bệnh hiểm nghèo là bệnh ung thư. Dầu được bác sĩ khuyên là phải điểu trị ngay bằng liệu pháp ‘hóa trị’ (chemotherapy), nhưng bà quyết định khước từ. Theo phương pháp trị liệu nầy, thai nhi sẽ chết ngay, bà nói rằng: "Không! Tôi nhất quyết không đồng ý với cách chữa trị nầy, tôi không thể giết một thai nhi mạnh khỏe trong bụng dẫu rằng tôi đang mang một chứng bệnh nguy hiểm cần phải chữa trị ngay!" Thế là mẹ của Ashley phải chết dần, chết mòn vì bị vi trùng ung thư hoành hành thật nhanh, hủy hoại cơ thể, bà sẵn lòng hy sinh để thai nhi tiếp tục tăng trưởng. Sau 8 tháng trong bụng mẹ, Ashley được sinh ra cách khỏe mạnh. Vừa sanh xong, mẹ của Ashley được hóa trị ngay. Nhưng việc hóa trị đã quá trễ nên bà không sống quá một năm. Thật tội nghiệp cho Ashley, chưa tròn một tuổi, đã phải mồ côi mẹ.
                 Thời gian trôi qua, cậu bé Ashley ngày nào nay được 24 tuổi, cậu lập gia đình và có được đứa con gái 6 tuổi. Ashley nhớ lại sự hy sinh của mẹ mình. Mẹ cậu đã ban tặng sự sống, cậu nghĩ là nếu mẹ không hy sinh thì cậu đã chết khi mới được thành hình trong lòng mẹ. Ashley nói: “Mẹ tôi là một siêu nữ anh hùng, đã hy sinh cho tôi. Nếu không có mẹ, tôi không thể sống và có mặt tại đây.”
                 Kính thưa quý vị,
                 Tình mẹ chính là thước đo của tình yêu. Nhưng dù tình mẹ cao cả, bao la như thế nhưng không thể nào so với tình Chúa. Sử gia Lu-ca chỉ cho ta thấy tình yêu nầy: "Chúa Jesus và các môn đệ đến thành Na-in, một đoàn dân đông theo Ngài. Gần đến cổng thành, Chúa gặp đám tang một thiếu niên, con trai duy nhất của một quả phụ. Dân trong thành đưa đám rất đông. Thấy bà mẹ kêu khóc, Chúa Jesus động lòng thương xót, liền bảo: “Bà đừng khóc nữa!” Ngài tiến tới đặt tay trên quan tài, các người khiêng liền dừng lại. Chúa gọi: “Con ơi, Ta bảo con ngồi dậy!” Thiếu niên liền ngồi dậy và bắt đầu nói chuyện. Chúa giao cậu lại cho bà mẹ. Dân chúng đều kinh sợ, ca tụng Đức Chúa Trời: “Nhà tiên tri vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta! Đức Chúa Trời đã đến cứu giúp dân Ngài!” Tin này đồn ra khắp xứ Giu-đê và các miền phụ cận." (Lu-ca 7:11-17)
                 Chuyện cậu con trai của góa phụ chết thật bi thương, vì cậu ta là đứa con trai duy nhất của bà. Trước đó góa phụ đã đổ nhiều nước mắt vì khóc chồng, nay bà lại tiếp tục khóc con là hy vọng cuối cùng của cuộc đời bà! Hy vọng ấy đã tắt liệm từ đây! Người mẹ khổ đau nầy không ngờ rằng bà phải lâm vào tình cảnh bi thương như thế. Nhưng giữa cơn đau khổ cùng cực ấy, Chúa Cứu Thế Jesus, vị cứu tinh của nhân loại đã đến. Ngài viếng thăm thành phố của bà, khi đến cổng thành, Chúa gặp đoàn người đưa đám tang con bà, Ngài động lòng thương xót bà, nhìn thấy nước mắt bà, và nỗi tuyệt vọng của bà.
                 Lúc còn tại thế, trong ba năm rưỡi chức vụ, Chúa đã ba lần kêu người chết sống lại! Ba người này đại diện cho ba nhóm: một em bé, một thanh niên, một người lớn. Tại đây Chúa Jesus gọi thanh niên con của bà sống lại vì lòng thương xót của Chúa đối với mẹ cậu, một góa phụ khổ đau đã hai lần khóc. Ngài làm phép lạ vì lợi ích của người mẹ cô đơn này. Chúa đã dủ lòng thương xót cho cảnh đơn chiếc của người mất chồng, mất con của bà. Ngài rờ đến quan tài làm những người khiêng dừng lại, Ngài gọi: "Con ơi! Ta bảo con ngồi dậy!"
                 Thưa quý vị,
                 Con trai của góa phụ nầy không phải chỉ mắc bệnh… cậu ta đã chết rồi! Người ta khiêng thi hài cậu ra nghĩa trang để chôn và rất nhiều người trong thành tiễn đưa cậu! Một trong những thảm trạng của các bậc làm cha, làm mẹ là mất con, họ không bao giờ nghĩ rằng con mình sẽ chết trước mình ‘tre lại khóc măng!’ Họ nghĩ rằng mình sẽ chết trước con! Người mẹ nầy cũng thế, nên khi lâm vào tình cảnh nầy bà đã vô cùng tuyệt vọng. Đứa con duy nhất mà bà thương như ngọc như vàng nay không còn nữa! Đứa con mà bà quý yêu quý nhất đã chết rồi! Sử gia Lu-ca cho biết đám tang nầy rất lớn vì số người đưa ra nghĩa trang rất đông.
                 Nhưng phước hạnh thay! Đoàn người kêu khóc mang theo người chết nằm trên chiếc quan tài được gặp đoàn người phước hạnh, được Đấng Sống dẫn đầu, Ngài là Đấng từ trời vì yêu thế nhân đã đến thế gian để giải cứu loài người khỏi tội lỗi và sự chết. Hai đoàn người đã gặp nhau tại cổng thành. Khi thấy người mẹ khổ đau đầm đìa nước mắt trước cảnh tử biệt sanh ly, Chúa Cứu Thế Jesus đã động lòng thương xót.
                 Người mẹ nầy lúc đó không nhìn thấy Chúa Jesus, bà cũng không biết Chúa Jesus là ai mà có thể phán ra những lời ấy. Nhưng đối với Chúa, Ngài biết rõ tình cảnh của bà. Biết nỗi thổn thức, đớn đau trong tâm tư của bà, Chúa biết rõ nhu cầu sâu kín trong lòng bà. Rất có thể lúc đó bà chưa hề nghe những phép lạ Chúa đã làm, ngay cả năng quyền của Chúa, kêu người chết sống lại. Chúa phán: "Đừng khóc!" Lời phán nầy chưa hề có ai nói trong tang lễ nào. Chúa đã đưa người mẹ nầy từ ngạc nhiên nấy đến ngạc nhiên khác. Ngài tiến đến rờ vào quan tài của con bà. Quan tài ở đây không phải quan tài được đóng kín bằng 6 tấm ván, mà là được làm bằng hai đòn tay, được may vào một tấm vải thật chắc ở hai bên giống như chiếc băng ca trong bệnh viện, với hai người khiêng. Chúa Jesus kêu người chết: “Con ơi, Ta bảo con ngồi dậy!” Người chết liền ngồi dậy và bắt đầu nói chuyện. Chúa trao cậu lại cho mẹ mình. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Đức Chúa Trời: "Một vị tiên tri vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Đức Chúa Trời đã viếng thăm dân Ngài". Việc Chúa Cứu Thế Jesus làm phép lạ được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận. Phép lạ nầy đã biến những giọt nước mắt buồn đau bằng những giọt lệ vui mừng, những nụ cười tươi tắn, đem lại niềm hy vọng cho cả thành phố vì tất cả mọi người hiện diện trong giờ phút đó nhận biết rằng Đức Chúa Trời đã viếng thăm họ.
                 Hiện nay có một số những đứa con dầu chưa chết, nhưng cũng như đã chết. Những đứa con đó nghiện ngập ma túy, bạc bài, rượu chè, bị cảnh tù đày, hay sống thang thang trên những vỉa hè, sống ở đầu đường xó chợ. Chúng ta cảm thông những bậc làm cha, làm mẹ của những đứa con nầy, họ là những người đáng thương, họ đã yêu thương con, ngày đêm mang những gánh nặng vì con.
                 Thưa quý vị,
                 Nếu quý vị là những bậc làm cha làm mẹ đó, quý vị hãy đến với Chúa Cứu Thế Jesus, bởi vì Ngài đang kề cận với quý vị. Quý vị hãy dâng con mình cho Chúa. Ngài sẽ chạm đến con cái quý vị, biến đổi đời sống chúng.
                 Có hai vợ chồng kia sống một đời đạo hạnh, trung tín đi nhà thờ, thờ phượng Chúa, lúc nào cũng quan tâm giúp đỡ những người cùng khốn. Họ có một đứa con gái lúc bốn tuổi cũng ngoan ngoãn theo họ đi nhà thờ, tham dự Trường Chúa Nhật. Khi đến tuổi vị thành niên, vào những năm cuối bậc trung học, cháu tỏ ra ương ngạnh bướng bỉnh, chạy theo đám bạn hư hỏng, sống phóng túng, xem thường cha mẹ. Biết được những nguy hiểm sắp xảy đến cho con, mẹ cha của cháu đồng một lòng, quỳ bên nhau dưới chân Chúa khẩn cầu, dâng con gái mình cho Chúa. Họ tha thiết xin Chúa dủ lòng thương xót, mở mắt, mở trí, mở lòng con, để con nhận được sự khôn ngoan từ nơi Chúa, thức tỉnh khỏi những cơn mê của trần thế, xin Chúa soi sáng những quyết định của con. Đứa con gái nầy khi thấy cha mẹ cầu nguyện cho mình, chờ mẹ đi vào phòng, đã giậm chân, la thẳng vào mặt bà “Hãy ngưng lại! Không được cầu nguyện cho tôi! Mẹ làm phá hỏng cuộc đời tôi!” Người mẹ thay vì nổi giận, đáp trả lại con, đã gạt nước mắt chạy đến cha. Cả hai tiếp tục khẩn cầu, tha thiết xin Chúa cứu con gái mình.
                 Họ đã liên tục và thiết tha cầu nguyện suốt mấy tháng sau đó. Lạ thay! Chúa đã trả lời. Ngài đổi lòng đứa con ngỗ nghịch, trở thành người con gái ngoan hiền, sau đó cháu dâng cuộc đời mình cho Chúa, ghi tên vào Trường Thánh Kinh. Vài năm sau đó cháu lập gia đình với người chồng yêu Chúa, cháu được hội thánh cử làm trưởng ban thờ phượng.
                 Chúa rất trân quý những lời khẩn cầu của mẹ cha, tha thiết xin Chúa giải cứu con mình khỏi cảnh nghiện ngập, khỏi những thói hư tật xấu, khỏi cuộc đời hư hỏng như lời Ngài hứa: "Đừng than khóc nữa, vì Ta đã nghe lời cầu nguyện của các ngươi. Các ngươi sẽ gặp lại con cái mình, chúng sẽ quay về với các ngươi từ những miền viễn xứ." Chúa phán: "Trong tương lai, vẫn còn hy vọng cho các ngươi! Con cháu các ngươi sẽ được trở về quê cha đất tổ" (Giê-rê-mi 31:16-17).
                 Một người khác đã kinh nghiệm sự trả lời của Chúa, đã chúc tụng Chúa rằng:
                 "Tôi yêu mến Chúa Hằng Hữu
                 Vì Ngài nghe tiếng tôi cầu cứu. 
                 Suốt đời, tôi sẽ kêu cầu Chúa 
                 Vì Ngài lắng nghe tôi khẩn nguyện. 
                 Tôi mắc vào cạm bẫy tử thần, 
                 Thống khổ âm phủ chụp đầu tôi, 
                 Gieo nỗi niềm đau thương, sầu muộn. 
                 Lúc ấy, tôi kêu cầu Danh Chúa: 
                 "Chúa ơi, xin Ngài giải cứu hồn con!" (Thi Thiên 116:1-4)
                 Chúa yêu quý vị, Ngài cũng yêu con cái quý vị. Ngài vui lòng nhậm lời cầu nguyện của quý vị. Nhân kỷ niệm ngày nhớ ơn mẹ, quý vị hãy dâng lên Chúa lời khẩn cầu cho con cái mình và giao phó con cái mình cho Chúa. Nhất là ngay giờ nầy quý vị dâng lòng mình cho Chúa, mời Chúa Cứu Thế Jesus ngự trị tâm hồn, làm chủ đời sống mình.
Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Lắng nghe tiếng Ngài

LẮNG NGHE TIẾNG NGÀI

LẮNG NGHE TIẾNG NGÀI
LẮNG NGHE TIẾNG NGÀI
“Hỡi kẻ ở trong vườn, các bạn đều lắng tai nghe tiếng người; xin hãy cho ta nghe tiếng ấy” Nhã Ca 8:13 (theo bản Anh văn)

LẮNG NGHE TIẾNG NGÀI

             “Hỡi kẻ ở trong vườn, các bạn đều lắng tai nghe tiếng người; xin hãy cho ta nghe tiếng ấy” Nhã Ca 8:13 (theo bản Anh văn)

             Chúa Giê-xu dịu hiền của chúng ta nhớ rất rõ cảnh vườn Ghết-sê-ma-nê, và dầu Ngài đã rời khỏi khuôn vườn ấy rồi, hiện nay, Ngài đang ngự trông khuôn vườn của Hội Thánh Ngài: ở đây, Ngài đang tâm sự với những người được cái phước hạnh ở bên Ngài, bầu bạn với Ngài. Giọng yêu thương Ngài thì thầm với những người được Ngài yêu mến còn du dương hơn cả tiếng hòa tấu của nhưng cây đàn cầm trên thiên đàng. Trong tiếng nói ấy có một giai điệu sâu xa về tình yêu khiến các loại âm nhạc của loài người bị vượt rất xa. Hàng vạn người dưới đất và triệu triệu người trên trời, hiện đang được đặc ân để lắng nghe điệu nhạc ấy!

             Có một số người tôi biết rất rõ và tôi rất ước ao được địa vị như họ, hiện đang được nghe giọng nói thân yêu ấy. Ôi, ước gì tôi được chia sẻ niềm vui với họ! Thật ra thì một vài người trọng số đó rất nghèo, vài người khác đang đau liệt giường; cũng có một vài người đang đứng gần các cánh cửa của sự chết nữa; nhưng lạy Chúa con muốn vui vẻ chịu đói khổ với họ, chịu đau đớn hoặc chết với họ nữa, nếu con chỉ được nghe tiếng Ngài con đã từng nghe tiếng nói rất thường, nhưng con đã làm buồn Thánh Linh Ngài. Xin hãy thương xót và quay về với con và phán với con một lần nữa rằng: “Ta là sự cứu rỗi của ngươi”. Không có tiếng nói nào khác sẽ khiến tôi vui lòng được; con biết tiếng Ngài và không thể bị một kẻ nào khác phỉnh gạt, con cầu xin Ngài cho con được nghe tiếng Ngài.

             Con không biết Ngài sẽ nói gì, cũng không dám đưa ra một điều kiện nào cả. Lạy Chúa Giê-xu yêu quý xin cho con được nghe tiếng Ngài, và nếu đó là một lời quở trách con cũng sẽ ca tụng Ngài về điều đó. Có lẽ để rửa sạch lỗ tai quá nặng của con, Ngài cần thực hiện một cuộc mổ xẻ đau đớn cho xác thịt; nhưng với bất cứ giá nào, con vẫn muốn được trở lại điều mong ước tha thiết của con tức là xin cho con được nghe tiếng Ngài. Xin xé tai con một lần nữa; xin dùng những tiếng nói của Ngài xé rách nó miễn sao cho con không tiếp lục làm mặt ngơ tai điếc đối với những tiếng nói của Ngài.

             Lạy Chúa, hôm nay xin ban cho kẻ không xứng đáng gì của Ngài điều lòng con ao ước, vì con thuộc về Ngài, và vì Ngài đã chuộc con bằng chính huyết Ngài, đã mở mắt cho con thấy Ngài và bây giờ xin cho con được nghe lời phán ra từ môi miệng Ngài.
Ms. Charles Spurgeon
Nguồn: cdnvn.com

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Tại Sao Chúng Ta Ít Đọc Kinh Thánh ?


      Lời Chúa dành cho tất cả mọi người, từ bình dân đến tri thức, từ trẻ tới già, từ người mới tin Chúa đến người đã lâu năm,... mỗi người cần phải có lịch đọc Kinh Thánh mỗi ngày và phải đọc đều đặn như cần phải ăn mỗi ngày, và phải đọc suốt cả cuộc đời.

      Đã qua rồi thời kỳ khó khăn, cái thời mà Kinh Thánh vô cùng khan hiếm. Ngày nay, mỗi người tin Chúa đều có ít nhất một cuốn Kinh Thánh cho riêng mình, và cũng có nhiều bản dịch khác nhau, nhiều khổ sách lớn nhỏ tùy chúng ta lựa chọn, vi vậy trong phạm vi hạn hẹp của bài viết này, xin cùng suy gẫm với nhau về một điều của mối liên hệ giữa chúng ta với cuốn sách mà Cơ Đốc nhân nào cũng có trong tay, đó là Đọc Lời Chúa. 

      Cuốn sách chúng ta đã sở hữu bao nhiêu năm nhưng đã đọc mỗi ngày như thế nào? Đã đọc được một lần hay nhiều lần trọn bộ Kinh Thánh? Mới đọc hết Tân ước? Được hết Cựu ước? chỉ mới đọc vài sách lẻ tẻ? Hay tệ hơn nữa là chỉ đọc rải rác một số đoạn mình thích mà thôi? Thái độ và lòng yêu mến của chúng ta đối với Lời Chúa ra sao?...

Thực Trạng
      Cơ Đốc nhân ai cũng biết và trả lời rất chính xác rằng Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời. Gần như tín đồ Tin lành nào sau khi tin Chúa một thời gian, ít nhiều cũng có chút vốn liếng để nói về Kinh Thánh, hết lòng ca ngợi Kinh Thánh bằng lời nói hoặc bằng tiếng hát, nếu có ai nói xấu về Kinh Thánh thì sẽ hết lòng bảo vệ, cãi lại cho bằng được để bênh vực cho Lời Chúa. Ai cũng vui lòng bỏ ra một số tiền để mua cho riêng mình một cuốn Kinh Thánh, không ai bằng lòng dùng chung với người khác, kể cả vợ chồng hay người cùng một nhà, nhưng … chúng ta phần lớn lại rất biếng nhác đọc Kinh Thánh!

      Có nhiều người được phân công chia sẻ Kinh Thánh trong các giờ cầu nguyện sáng, trong các ban ngành, trong giờ Trường Chúa Nhật v.v…, thường xuyên nói về Chúa cho người khác nghe, thường xuyên khích lệ người khác đọc Kinh Thánh, thường xuyên nói về lợi ích của Kinh Thánh… nhưng lại có một nghịch lý là rất ít người trong số đó siêng năng đọc lời của Đức Chúa Trời! Có người mỗi ngày dành không dưới ba mươi phút để đọc báo, và vài giờ coi truyền hình, nhưng gần như không có khoảng thời gian nào dành riêng cho Lời Chúa!

      Có mâu thuẫn lắm không, khi nói rằng Quyển Sách Đặc Biệt mà chúng ta tin nhận, Quyển Sách không rời chúng ta mỗi sáng Chúa Nhật, Quyển Sách được giữ khá cẩn thận ấy, lại bị sao nhãng trong đời sống Cơ Đốc nhân? Có lẽ chúng ta không ngại mà che giấu hoặc phủ nhận thực trạng này. Những tất bật của cuộc sống, thậm chí cả những bận rộn của công việc Chúa mỗi ngày đã lấn át, chiếm mất hết thì giờ tiếp xúc trực tiếp giữa chúng ta với Lời Chúa. Mỗi con cái Chúa cần suy nghĩ gì khi chân thành nhìn lại thực trạng này?

Thử Tìm Nguyên Nhân
      Có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta lơ là với Lời Chúa, có người cho rằng Kinh Thánh đọc khó hiểu quá. Vâng, biết bao nhiêu mà nghiên cứu, nhà thần học… đã nói và viết về Kinh Thánh hằng bao thế kỷ nay nhưng vẫn chưa thấm vào đâu, tuy nhiên lời Chúa không vì thế mà quá khó để chỉ dành riêng cho các nhà tri thức uyên bác đọc. Lời Chúa dành cho tất cả mọi người, từ bình dân đến tri thức, từ trẻ tới già, từ người mới tin Chúa đến người đã lâu năm, ai cũng cần đọc và có thể đọc cả. Khi mới đọc lần đầu có thể thấy khó hiểu, nhưng càng đọc nhiều thì Đức Thánh Linh sẽ tùy từng đối tượng mà soi sáng để từng bước hiểu được lời Ngài. Cho rằng khó để không đọc Kinh Thánh thật ra chỉ là một cái cớ, một câu Kinh Thánh đơn giản nhất cũng sẽ rất khó hiểu đối với những ai không chịu đọc Lời Ngài!

      Có người cho rằng mỗi tuần nghe giảng một khúc Kinh Thánh là cũng đủ rồi. Thật ra chúng ta rất cần nghe giảng lời Chúa, và qua những giờ thờ phượng như vậy, chân lý từ lời Chúa sẽ thấm nhuần vào lòng. Tuy nhiên, dù rất tốt lành và hữu ích, những vẫn là nghe gián tiếp qua kinh nghiệm của người khác, vì vậy điều đó cần nhưng chưa đủ. Chúa muốn chúng ta nhận lãnh chân lý của Ngài cách trực tiếp. Chúng ta cần nghe người có kinh nghiệm nói về Đức Chúa Trời, nhưng bản thân của chúng ta rất cần đặt đức tin của mình trên chính lời Đức Chúa Trời, chứ không phải chỉ trên những gì người khác nói về Lời Đức Chúa Trời. Cần nghe giảng, dạy và nói về Kinh thánh, nhưng mỗi con cái Chúa cũng rất cần thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với lời Đức Chúa Trời cho riêng mình mỗi ngày.

      Có người nói công việc làm ăn kiếm sống của tôi quá bận rộn, tối về mệt mõi rồi, thì giờ đâu mà đọc. Người khác nói rằng tôi học kém quá, ít chữ nghĩa, đọc chậm lắm, làm sao đọc được… lại cũng chỉ là lý do. Kinh Thánh có 1.189 đoạn, trung bình nếu đọc mỗi ngày ba đoạn, Chúa nhật bốn đoạn thì một năm sẽ đọc hết một lần. Nếu mỗi người đọc một đoạn thì sẽ đọc hết Kinh Thánh trong khoảng ba năm. Đối với những ai quá bận rộn, đọc chậm thì có thể mỗi ngày chỉ cần đọc nữa đoạn, và nếu trung tín đọc đều đặn thì sẽ đọc trọn bộ Kinh Thánh trong 6 năm. Thử xem mình đã tin Chúa bao nhiêu năm. Mỗi năm cứ trôi qua, nhưng bao nhiêu sách trong Kinh Thánh được để mắt đến?


      Có người nói rằng tôi quá bận rộn với công việc Hội Thánh, hết chuyện này đến việc khác, tất bật suốt ngày, suốt tuần, thậm chí cả ban đêm cũng không được nghỉ ngơi. Tôi đang hầu việc Chúa đấy mà! Vâng, Hội Thánh rất trân trọng sự dâng hiến công sức, thì giờ của những người dấn thân vào những công việc rất cần cho Hội Thánh, tuy nhiên nếu cho rằng vì đã làm công việc Chúa nên có thể thay thế cho việc đọc lời Chúa thì thật là sai lầm. Càng bước vào công tác phục vụ chừng nào thì càng phải cần có lời Chúa nhiều chừng nấy, nếu không, chúng ta sẽ phục vụ theo ý tưởng, giục giả của người khác, vì đã nghe nhiều hơn đọc lời Chúa; hoặc phục vụ theo ý riêng của mình, vì ý mình nhiều hơn ý Chúa trong lòng. Công việc không thể thay thế cho đức tin giữa cá nhân chúng ta với Chúa, mà đức tin chỉ có thể đến và tăng trưởng qua việc tiếp xúc với lời Chúa mà thôi. 

      Có thể còn biết bao nguyên nhân, bao nhiêu lý do khác nữa để biện minh cho việc không đọc Kinh Thánh của mình, nhưng nếu chúng ta thật tâm suy xét, thì tất cả các lý do đó chỉ “coi dường như chánh đáng” mà thôi. Mỗi người hãy chân thành nhìn lại để có một quyết định đúng đắn cho hôm nay.

Kết ước với Chúa và Lời Chúa
      Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh nói về Đức Chúa Giê-xu Christ là Đấng Cứu chuộc nhân loại, Ngài là cứu Chúa và cũng là Bận Thiết của những ai đến với Ngài. Kinh Thánh ban quyền năng của Đức Thánh Linh để con cái Chúa sống đắc thắng giữa cuộc đời tội lỗi và làm chứng cho Chúa Giê-xu khắp thế gian.

      Kinh Thánh làm kim chỉ nam cho cuộc sống của loài người, trong lời Chúa chứa đựng những phương cách tốt nhất để giải quyết những nan đề của cuộc sống. Kinh Thánh đem lại cho cuộc đời có ý nghĩa, chỉ cho con người biết mình từ đâu đến, đang sống để làm gì và sẽ đi về đâu, một thắc mắc mà loài người không thể tìm thấy câu giải đáp ở nơi nào khác. 

      Kinh Thánh cũng cho biết tình trạng tội lỗi, số phận bi đát của chúng ta và phương thức cứu chuộc của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ. Kinh Thánh cho biết có Thiên đàng, có địa ngục, có ngày phán xét, có phước hạnh dành cho người tin Chúa khi họ đang còn sống trên cõi đời này và có hy vọng trong tương lai vì Chúa Giê-xu sẽ trở lại và đem con cái Ngài về ở đời đời phước hạnh với Ngài. Kinh Thánh ban năng lực giúp chúng ta sống theo lời Ngài dạy để làm muối của đất và ánh sáng của thế gian, đồng thời cũng giục lòng chúng ta rao ơn Cứu chuộc cho nhiều người, để thế gian này biết Chúa và được cứu rỗi.

      Mỗi con cái Chúa cần phải yêu mến Chúa và lời Chúa, mỗi người cần phải có lịch đọc Kinh Thánh mỗi ngày cho riêng mình, mỗi lần đọc nhiều hay ít tùy vào hoàn cảnh của từng người, nhưng điều quan trọng là phải đọc và đọc đều đặn như cần phải ăn mỗi ngày vậy, và phải đọc suốt cả cuộc đời.

      Không ai tránh khỏi thiếu sót trong cuộc sống, nhưng điều Chúa muốn là khi chúng ta nhìn thấy thiếu sót ấy thì quyết định sửa ngay. Vậy thì hôm nay, khi đọc những lời này, ai là người bằng lòng thưa với Chúa, con quyết định kết ước với Ngài rằng con sẽ đọc Lời Ngài, mỗi ngày một lần bắt đầu ngay từ hôm nay và sẽ trung tín giữ lời hứa nguyện này cho đến khi gặp Chúa? Xin hãy bắt đầu...



Tác giả: Ánh Dương
( Trích Bản tin Mục vụ Số 31 – tháng 9/2012 của HTTL Việt Nam (MN))
Đăng tải: Tổ Biên tập

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Kẻ trộm

      Trong câu chuyện Phúc Âm lần trước, khi nói về ngày quang lâm của Chúa Giê-xu, chúng tôi có nói rằng ngày Chúa trở lại giống như kẻ trộm đến lúc ban đêm và sự so sánh nầy có thể đã làm cho một số người không đồng ý hay hiểu lầm. Hôm nay chúng tôi xin được nói rõ hơn về vấn đề nầy.
      Trước hết, đây là hình ảnh hay sự so sánh chính Chúa Giê-xu đã dùng và chúng tôi chỉ trích lại lời dạy của Chúa. Phúc Âm Ma-thi-ơ ghi lời Chúa phán như sau: "Hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến. Hãy biết rõ, nếu người chủ nhà đã hay canh nào kẻ trộm sẽ đến, thì tỉnh thức, không để cho đào ngạch nhà mình. Vậy thì các ngươi cũng hãy chực cho sẵn, vì Con Người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ" (Phúc Âm Ma-thi-ơ 24:42-44).
      Chúa Giê-xu dạy những lời nầy trong bối cảnh ngày Chúa trở lại. Chúa bảo mọi người hãy thức tỉnh vì chúng ta không biết ngày nào Chúa sẽ tái lâm. Và rồi Chúa dùng hình ảnh người ăn trộm để làm sáng tỏ vấn đề. Chúa phán: "Hãy biết rõ, nếu người chủ nhà đã hay canh nào kẻ trộm sẽ đến, thì tỉnh thức, không để cho đào ngạch nhà mình." Chúa có ý nói rằng, chúng ta phải coi việc Chúa trở lại là một vấn đề vô cùng quan trọng, vấn đề sống còn của chúng ta. Một người không muốn bị mất của cải, thức canh không để cho trộm đào ngạch nhà mình thể nào, thì chúng ta cũng phải trông chờ ngày Chúa trở lại với một thái độ tương tự. Chúa không nói Chúa là kẻ trộm nhưng Chúa nói ngày Chúa trở lại giống như kẻ trộm và điểm nhấn mạnh là thái độ thức tỉnh của chúng ta để tránh hiểm nguy, mất mát. Thái độ trông chờ ngày Chúa trở lại của chúng ta phải giống như thái độ của người sợ ăn trộm tức là phải đề cao cảnh giác, thức tỉnh, nếu không, hiểm nguy và mất mát lớn sẽ xảy ra.
      Theo lời dạy của Chúa Giê-xu, hai vị sứ đồ Phao-lô và Phi-e-rơ cũng đã dạy cùng một điều. Sứ đồ Phao-lô viết thư cho các tín hữu tại thành phố Tê-sa-lô-ni-ca, trong đó ông nhắn nhủ họ như sau:
      Hỡi anh em, về thời và kỳ, thì không cần viết cho anh em; vì chính anh em biết rõ lắm rằng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy. Khi người ta sẽ nói rằng: Bình hòa và an ổn, thì tai họa thình lình vụt đến, như sự đau đớn xảy đến cho người đàn bà có nghén, và người ta chắc không tránh khỏi đâu. Nhưng, hỡi anh em, anh em chẳng phải ở nơi tối tăm, nên nỗi ngày đó đến thình lình cho anh em như kẻ trộm. Anh em đều là con của sự sáng và con của ban ngày. Chúng ta không phải thuộc về ban đêm, cũng không phải thuộc về sự mờ tối. Vậy, chúng ta chớ ngủ như kẻ khác, nhưng phải tỉnh thức và dè giữ (Thư I Tê-sa-lô-ni-ca 5:1-6).
      Trong lời dạy nầy của Thánh Phao-lô, một lần nữa, yếu tố nhấn mạnh là yếu tố bất ngờ. Ông nói "tai họa thình lình vụt đến" và "ngày đó đến thình lình cho anh em như kẻ trộm." Thình lình, lúc chúng ta không ngờ, vì vậy mà chúng ta phải cẩn thận giữ mình. Sứ đồ Phi-e-rơ thì viết: "Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn. Song le, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm..." (II Phi-e-rơ 3:9-10a).
      Như đã nói trong câu chuyện Phúc Âm lần trước, việc Chúa Giê-xu trở lại là điều chắc chắn, tuy nhiên có những người cho đó là chuyện viễn vông, xa vời, không có thật và đã chế nhạo chê cười những người tin Chúa. Một trong những lý do khiến Chúa Giê-xu chưa trở lại là vì lòng nhẫn nhục chờ đợi của Chúa. Thánh Kinh cho biết "Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn." Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta ăn năn quay về với Chúa vì nếu Chúa trở lại sớm hơn nhiều người trong chúng ta chắc chắn đã bị hư vong.
      Dùng hình ảnh người ăn trộm để nói về ngày Chúa trở lại không phải là một hình ảnh nhẹ nhàng cho chúng ta chấp nhận. Tuy nhiên, đó chính là điểm nhấn mạnh của Chúa. Chúa muốn chúng ta thấy tính cách nghiêm trọng của vấn đề, Chúa muốn chúng ta thấy cái mất mát kinh khủng nếu chúng ta không thức tỉnh. Một người không canh phòng nhà cửa sẽ bị mất của cải, tài sản là những thứ chúng ta có thể mua lại được nhưng nếu linh hồn của chúng ta không thức tỉnh, cái mất mát sẽ không bao giờ lấy lại được. Chúa Giê-xu phán, "Một người nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình thì có ích gì? Người sẽ lấy chi để đổi linh hồn mình lại?" Song song với những lời dạy nói về ngày Chúa trở lại thình lình, bất ngờ như kẻ trộm là những lời khuyên sống đời đạo đức, hiền lương. Chúa Giê-xu phán, "Hãy tỉnh thức." Sứ đồ Phao-lô bảo, "Phải tỉnh thức và giè giữ." Thánh Phi-e-rơ khuyên, "Anh em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình."
      Chúa Giê-xu chắc chắn sẽ trở lại và khi Chúa trở lại, Chúa sẽ bắt gặp chúng ta đang làm gì? Ðang thức tỉnh chờ đợi Chúa trở lại hay đang miệt mài trong tội lỗi? Chúng ta không phải bỏ hết công ăn việc làm ngồi chờ Chúa trở lại, không phải như vậy. Chúng ta vẫn sinh hoạt bình thường, vẫn sống bình thường nhưng sống trong thái độ tỉnh thức và trông chờ. Nếu không muốn mãi mãi mất linh hồn của mình, chúng ta cần thức tỉnh, ăn năn, quay trở lại với Chúa hôm nay trước khi Chúa trở lại lúc chúng ta không ngờ. Chúa Giê-xu chưa trở lại vì Ngài đang chờ đợi Bạn quay bước trở về với Chúa vì Chúa "không muốn một người nào chết mất, nhưng muốn cho mọi người đều ăn năn."
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Ti
n Lành

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG CN 26.06.2016 VÀ SƠ KẾT HỌC KỲ 1 (THÁNG 1-6) CỦA KHỐI CƠ ĐỐC GIÁO DỤC


CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG CN 26.06.2016
VÀ SƠ KẾT HỌC KỲ 1 (THÁNG 1-6) CỦA KHỐI CƠ ĐỐC GIÁO DỤC

                Lúc 08h30 sáng Chúa nhật ngày 26/06/2016, Hội Thánh Chúa tại Tân Nghĩa vui mừng nhóm lại với Chương trình thờ phượng. Hiện diện gồm quý Mục sư, Truyền đạo, và các tín hữu HT. Tân Nghĩa và HN. Hàm Thạnh.
 
                Giờ thờ phượng diễn ra cách nghiêm trang. Các bài Thánh ca, Kinh Thánh đọc đối đáp được dâng lên Ba Ngôi Đức Chúa Trời.
 
                TRong thì giờ Thờ phượng, Ban hát Thanh Niên cũng góp phần tôn vinh Chúa qua Biệt Thánh ca "Tạ ơn Cha".

                MsQn Hội Thánh chia sẻ Lời Chúa với Chủ đề: ĐỨC TIN VÀ SỰ VÂNG PHỤC. Kinh Thánh: Sáng thế ký 16:1-6 21:1-13, kể về cuộc đời của Áp-ra-ham và Sa-rai (vợ Áp-ra-ham). Qua đó, MSQn đã nhắc nhở con cái Chúa biết kiên trì trong đức tin và vâng phục Chúa vẹn toàn. Tư hóa.TrN Nguyễn Ân cầu nguyện đáp ứng Lời Chúa.
 
                Sau đó, cô Phạm Thị Hằng thay cho Khối CĐGD sơ kết chương trình học Kinh Thánh học kỳ 1 (tháng 1-6) của các ban ngành HTTL Tân Nghĩa 2016 và phát phần thưởng cho các học viên. Tạ ơn Chúa, lớp trẻ là tương lai của Hội Thánh, nguyện xin Chúa giúp các em biết kính Chúa, yêu người, sẵn sàng tham gia vào các mục vụ của Hội Thánh, dự phần vào công việc nhà Chúa.
 
                Chương trình thờ phượng kết thúc đầy phước hạnh lúc 10h15 sau khi hội chúng cầu nguyện chung, hát tôn vinh và MSQN cầu nguyện chúc phước.

               Hình ảnh ghi nhận được:








Tác giả bài viết: Tổ truyền thông.

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!