Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016

K5. SỐNG KHIÊM NHƯỜNG

K5. SỐNG KHIÊM NHƯỜNG. (Sáng Thế Ký 46:28-34; 50:15-21)



        Năm mười bảy tuổi, thiếu niên Giô-sép kể lại điềm chiêm bao của mình thì bị các anh ghét bỏ, bị cha la rầy. Chưa hết, mười người anh tìm cách huỷ hoại cuộc đời của thiếu niên Giô-sép với suy nghĩ “xem các giấc mộng của nó sẽ đi đến đâu!” (Sáng Thế Ký 37:20 – BTTHĐ) Theo thời gian, tưởng đâu hai điềm chiêm bao đã bị chôn vùi vĩnh viễn. Thế nhưng năm thanh niên Giô-sép được 30 tuổi ý nghĩa của điềm chiêm bao trở thành sự thật. Đến năm ông được 39 tuổi “các anh Giô-sép đến sấp mình xuống đất trước mặt ông... Giô-sép nhận biết các anh, nhưng họ không nhận ra ông. Giô-sép nhớ lại mấy điềm chiêm bao mà ông đã thấy về anh em mình...” (Sáng Thế Ký 42:6, 8 – BTTHĐ)

        Ông Giô-sép có thể đã nghĩ gì và có thể đã làm gì đối với các anh mình? Có thể lắm ông nói: “Tôi chờ giây phút này lâu nay. Các người còn phải sấp mình xuống đất trước mặt tôi dài dài. Các người thấy chưa! Đã sáng mắt ra chưa! Những điều tôi nói có sai đâu! Bây giờ các người tính sao?”

        Không, không thể đặt những câu nói đại loại vào miệng ông Giô-sép. Ông từng kiên trì trong cuộc sống. Đôi khi kết quả của sự kiên trì có thể khiến cho người ta kiêu ngạo. Ông từng sống với khả năng Chúa ban cho, hết sức làm việc như một quản gia giỏi. Đôi khi thành công trong việc quản trị giỏi cũng có thể khiến người ta bất trung, kiêu ngạo. Ông được Chúa ban cho sự khôn ngoan, nhờ khôn ngoan mà có thể giải quyết những nan đề của người khác và vượt qua những khó khăn của chính mình. Kết quả của sự khôn ngoan dẫn đến sự tôn trọng nên đôi khi có thể làm cho người ta trở nên kiêu căng, ngạo nghễ. Ông đã khoan dung, tha thứ cho các anh. Lòng khoan dung cũng có thể khiến người ta lên mình làm kẻ cả và đánh mất sự khiêm nhường. Nhưng ông Giô-sép không hề tỏ ra kiêu căng ngạo nghễ, không hề bất trung hoặc cố chấp.

        Tên riêng “Giô-sép” có nghĩa là “rửa”. Khi sinh bé Giô-sép, bà Ra-chên đã nói: “Đức Chúa Trời đã rửa sự xấu hổ cho tôi rồi.” (Sáng Thế Ký 30:23) Khi mới chào đời, bé Giô-sép đã rửa sự xấu hổ cho mẹ. Khi trưởng thành ông Giô-sép còn rửa sự xấu hổ cho các anh của mình. Để có thể rửa nỗi hổ thẹn cho các anh, ông phải là người khiêm nhường.

        Ông Giô-sép có đức tính kiên trì, sống với khả năng và sự khôn ngoan Chúa ban cho, trở nên người tài giỏi, thành công, có lòng khoan dung tha thứ. Dầu vậy, ông vẫn là một người khiêm nhường. Vì sao?

        (1)Vì ông không cho rằng mình thành công và thành danh là nhờ sự kiên trì của mình, nhờ khả năng của mình hoặc nhờ sự khôn ngoan của mình. Ông nhận biết và công nhận đó là nhờ Đức Chúa Trời, nhờ Ngài đi cùng, ở cùng và ban năng lực. Nhận thức Chúa là Đấng giữ vai trò quan trọng trong cuộc đời của mình khiến ông Giô-sép không tự cao tự đại, trái lại trở nên khiêm nhường.

        (2)Vì trước sau như một, trong gia đình, ông Giô-sép vẫn là một người con, đối với các anh ông vẫn là một người em. Không vì điềm chiêm bao mà Chúa báo trước được thành tựu, không vì khả năng, không vì khôn ngoan, không vì quyền cao chức trọng mà ông thay đổi vị trí làm con, làm em trong gia đình. Giữ đúng vị trí của mình, không thay đổi vai trò của mình, sống đúng vị trí và bổn phận của mình là người khiêm nhường.

        Trước hết, ông Giô-sép không làm ngơ đối với các anh. Trước khi tỏ cho các anh biết mình là em của các anh, ông đã khóc nhiều lần (Sáng Thế Ký 42:24; 43:30; 45:2). Ông nhận mình là em của các anh trong nước mắt yêu thương và tha thứ chứ không phải giận dữ căm hờn. Ông không đối xử với các anh trong vai vế thủ tướng của một nước. Sau khi ôm choàng lấy Bên-gia-min, em mình, mà khóc. Giô-sép ôm hôn tất cả các anh và khóc với họ. (Sáng Thế Ký 45:14, 15 – BTTHĐ)

        Ông Giô-sép chăm sóc cha và các anh cách chu đáo trong tinh thần khiêm nhường. Trong việc đón gia đình và ổn định chỗ ở cho gia đình, có hai cụm từ đặc biệt: “theo lệnh Pha-ra-ôn”. Ông Giô-sép không tự tung tự tác, không lạm dụng quyền hành. Khi chuẩn bị đón đại gia đình xuống Ai Cập, Giô-sép theo lệnh của Pha-ra-ôn cấp xe cộ cũng như lương thực cho anh em dùng trong lúc đi đường. Ông tặng cho mỗi người một bộ quần áo. Còn về phần Bên-gia-min thì ông tặng ba trăm miếng bạc và năm bộ quần áo. Ông cũng gởi về cho cha mười con lừa chở đầy các vật quý nhất trong xứ Ai Cập, mười con lừa cái chở lúa mì, bánh và lương thực để cha dùng trong lúc đi đường. Ông không ra lệnh nhưng dặn các anh: “Đừng cãi cọ nhau dọc đường.” (Sáng Thế Ký 45:21-24)

        Gặp lại cha và đại gia đình, theo lệnh Pha-ra-ôn, Giô-sép ổn định chỗ ở cho cha và anh em, cấp đất đai để họ làm sản nghiệp ở Ai Cập, tại vùng đất tốt nhất của xứ sở này, thuộc địa hạt Ram-se. Ông cấp lương thực cho cha, anh em và mọi người trong nhà cha, tuỳ theo số con cái của họ. (Sáng Thế Ký 47:11-12)

        Khi cụ Gia-cốp qua đời, các anh vẫn nghĩ rằng vì cớ cha mà ông Giô-sép tha thứ cho họ. Họ lo lắng rằng biết đâu chừng ông vẫn thù hận và sẽ báo thù. Vì vậy, họ sai người đến nói với ông: “Trước khi qua đời, cha em có truyền dặn rằng: “Các con hãy nói với Giô-sép thế này: Xin con hãy tha thứ lỗi lầm và điều ác mà các anh con đã phạm khi muốn làm hại con.” Vậy, bây giờ xin em hãy tha tội cho các đầy tớ của Đức Chúa Trời của cha.” (Sáng Thế Ký 50:16, 17 – BTTHĐ) Chúng ta không rõ cụ Gia-cốp có nói như vậy không, hay là các anh đặt điều nói dối nữa. Dầu vậy, ông Giô-sép chẳng tra hỏi, chẳng bực mình, chẳng nổi giận. Ông chỉ khóc mà thôi.

        Đến khi các anh đích thân đến quỳ trước mặt ông và nói: “Này, các anh chỉ là nô lệ của em.” Ông Giô-sép nói với họ: “Các anh đừng sợ! Tôi thay thế cho Đức Chúa Trời được sao? Các anh định hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại biến thành điều lành để thực hiện việc đang xảy ra hôm nay, tức là bảo tồn sự sống bao nhiêu người. Vậy, xin các anh đừng sợ, tôi sẽ cấp dưỡng cho các anh và con cái các anh.” Giô-sép an ủi các anh, dùng lời lẽ êm dịu mà nói chuyện với họ. (Sáng Thế Ký 50:18-21 – BTTHĐ)

        Ông đã lo ổn định cho đại gia đình, từ nơi ăn chốn ở đến công ăn việc làm. Đến khi biết các anh vẫn nghĩ xấu về mình, ông chỉ khóc chứ không nổi giận, không ra oai hoặc quát mắng các anh. Nhưng ông dùng lời nói ân cần, nhẹ nhàng để trấn an các anh và hứa cấp dưỡng cho các anh và con cái của họ. Ông Giô-sép là người em khiêm nhường – khiêm nhường cách bền bỉ, khiêm nhường với tấm lòng yêu thương, khiêm nhường trong cách nói năng, khiêm nhường trong cách đối xử.

Sự khôn ngoan vẫn ở với người khiêm nhường.
(Châm Ngôn 11:2b)

XuânThu

Hôm nay là ngày cuối cùng chúng tôi đăng tải loạt bài này. Cảm ơn quý độc giả đã quan tâm theo dõi.
Xin chào và hẹn gặp lại trong các chuyên mục tiếp theo!
-Tổ Biên tập-

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!