Trong câu chuyện Phúc Âm lần trước, khi nói về ngày quang lâm của Chúa Giê-xu, chúng tôi có nói rằng ngày Chúa trở lại giống như kẻ trộm đến lúc ban đêm và sự so sánh nầy có thể đã làm cho một số người không đồng ý hay hiểu lầm. Hôm nay chúng tôi xin được nói rõ hơn về vấn đề nầy.
Trước hết, đây là hình ảnh hay sự so sánh chính Chúa Giê-xu đã dùng và chúng tôi chỉ trích lại lời dạy của Chúa. Phúc Âm Ma-thi-ơ ghi lời Chúa phán như sau: "Hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến. Hãy biết rõ, nếu người chủ nhà đã hay canh nào kẻ trộm sẽ đến, thì tỉnh thức, không để cho đào ngạch nhà mình. Vậy thì các ngươi cũng hãy chực cho sẵn, vì Con Người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ" (Phúc Âm Ma-thi-ơ 24:42-44).
Chúa Giê-xu dạy những lời nầy trong bối cảnh ngày Chúa trở lại. Chúa bảo mọi người hãy thức tỉnh vì chúng ta không biết ngày nào Chúa sẽ tái lâm. Và rồi Chúa dùng hình ảnh người ăn trộm để làm sáng tỏ vấn đề. Chúa phán: "Hãy biết rõ, nếu người chủ nhà đã hay canh nào kẻ trộm sẽ đến, thì tỉnh thức, không để cho đào ngạch nhà mình." Chúa có ý nói rằng, chúng ta phải coi việc Chúa trở lại là một vấn đề vô cùng quan trọng, vấn đề sống còn của chúng ta. Một người không muốn bị mất của cải, thức canh không để cho trộm đào ngạch nhà mình thể nào, thì chúng ta cũng phải trông chờ ngày Chúa trở lại với một thái độ tương tự. Chúa không nói Chúa là kẻ trộm nhưng Chúa nói ngày Chúa trở lại giống như kẻ trộm và điểm nhấn mạnh là thái độ thức tỉnh của chúng ta để tránh hiểm nguy, mất mát. Thái độ trông chờ ngày Chúa trở lại của chúng ta phải giống như thái độ của người sợ ăn trộm tức là phải đề cao cảnh giác, thức tỉnh, nếu không, hiểm nguy và mất mát lớn sẽ xảy ra.
Theo lời dạy của Chúa Giê-xu, hai vị sứ đồ Phao-lô và Phi-e-rơ cũng đã dạy cùng một điều. Sứ đồ Phao-lô viết thư cho các tín hữu tại thành phố Tê-sa-lô-ni-ca, trong đó ông nhắn nhủ họ như sau:
Hỡi anh em, về thời và kỳ, thì không cần viết cho anh em; vì chính anh em biết rõ lắm rằng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy. Khi người ta sẽ nói rằng: Bình hòa và an ổn, thì tai họa thình lình vụt đến, như sự đau đớn xảy đến cho người đàn bà có nghén, và người ta chắc không tránh khỏi đâu. Nhưng, hỡi anh em, anh em chẳng phải ở nơi tối tăm, nên nỗi ngày đó đến thình lình cho anh em như kẻ trộm. Anh em đều là con của sự sáng và con của ban ngày. Chúng ta không phải thuộc về ban đêm, cũng không phải thuộc về sự mờ tối. Vậy, chúng ta chớ ngủ như kẻ khác, nhưng phải tỉnh thức và dè giữ (Thư I Tê-sa-lô-ni-ca 5:1-6).
Trong lời dạy nầy của Thánh Phao-lô, một lần nữa, yếu tố nhấn mạnh là yếu tố bất ngờ. Ông nói "tai họa thình lình vụt đến" và "ngày đó đến thình lình cho anh em như kẻ trộm." Thình lình, lúc chúng ta không ngờ, vì vậy mà chúng ta phải cẩn thận giữ mình. Sứ đồ Phi-e-rơ thì viết: "Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn. Song le, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm..." (II Phi-e-rơ 3:9-10a).
Như đã nói trong câu chuyện Phúc Âm lần trước, việc Chúa Giê-xu trở lại là điều chắc chắn, tuy nhiên có những người cho đó là chuyện viễn vông, xa vời, không có thật và đã chế nhạo chê cười những người tin Chúa. Một trong những lý do khiến Chúa Giê-xu chưa trở lại là vì lòng nhẫn nhục chờ đợi của Chúa. Thánh Kinh cho biết "Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn." Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta ăn năn quay về với Chúa vì nếu Chúa trở lại sớm hơn nhiều người trong chúng ta chắc chắn đã bị hư vong.
Dùng hình ảnh người ăn trộm để nói về ngày Chúa trở lại không phải là một hình ảnh nhẹ nhàng cho chúng ta chấp nhận. Tuy nhiên, đó chính là điểm nhấn mạnh của Chúa. Chúa muốn chúng ta thấy tính cách nghiêm trọng của vấn đề, Chúa muốn chúng ta thấy cái mất mát kinh khủng nếu chúng ta không thức tỉnh. Một người không canh phòng nhà cửa sẽ bị mất của cải, tài sản là những thứ chúng ta có thể mua lại được nhưng nếu linh hồn của chúng ta không thức tỉnh, cái mất mát sẽ không bao giờ lấy lại được. Chúa Giê-xu phán, "Một người nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình thì có ích gì? Người sẽ lấy chi để đổi linh hồn mình lại?" Song song với những lời dạy nói về ngày Chúa trở lại thình lình, bất ngờ như kẻ trộm là những lời khuyên sống đời đạo đức, hiền lương. Chúa Giê-xu phán, "Hãy tỉnh thức." Sứ đồ Phao-lô bảo, "Phải tỉnh thức và giè giữ." Thánh Phi-e-rơ khuyên, "Anh em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình."
Chúa Giê-xu chắc chắn sẽ trở lại và khi Chúa trở lại, Chúa sẽ bắt gặp chúng ta đang làm gì? Ðang thức tỉnh chờ đợi Chúa trở lại hay đang miệt mài trong tội lỗi? Chúng ta không phải bỏ hết công ăn việc làm ngồi chờ Chúa trở lại, không phải như vậy. Chúng ta vẫn sinh hoạt bình thường, vẫn sống bình thường nhưng sống trong thái độ tỉnh thức và trông chờ. Nếu không muốn mãi mãi mất linh hồn của mình, chúng ta cần thức tỉnh, ăn năn, quay trở lại với Chúa hôm nay trước khi Chúa trở lại lúc chúng ta không ngờ. Chúa Giê-xu chưa trở lại vì Ngài đang chờ đợi Bạn quay bước trở về với Chúa vì Chúa "không muốn một người nào chết mất, nhưng muốn cho mọi người đều ăn năn."
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com