Kính thưa quý độc giả,
Đầu tháng 5 năm 2008, trận đại cuồng phong nhiệt đới Nargis đã càn quét qua vùng châu thổ của Miến Điện, cướp đi sinh mạng của hơn 100,000 người, đẩy gần hai triệu người dân Miến vào cảnh “màng trời chiếu đất”, không cửa, không nhà. Đó là chưa kể đến nạn đói do mùa màng bị tàn phá và bệnh dịch có thể hoành hành, sẽ cướp đi nhiều mạng người Miến nữa. Trong khi thế giới chưa hết bàng hoàng về trận cuồng phong tại Miến Điện, thì một tuần sau đó, một trận động đất mạnh đã xảy ra ở tỉnh Tứ Xuyên của Trung quốc, giết chết hơn 8000 người, gây thương vong cho khoảng 10,000 người và phá hủy hơn 80% các nhà cửa và công trình kiến trúc trong tỉnh này.
Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thể xóa nhòa trong ký ức, cơn thảm họa “Sóng Thần Ấn Độ Dương” xảy ra vào cuối năm 2004, cướp đi sinh mạng của hơn 200,000 cư dân sinh sống ven biển ở Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan và những nơi lân cận. Tính đến nay, thiên tai “Sóng Thần Ấn Độ Dương” này là một trong những thảm họa gây nhiều tử vong nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.
Thật ra, thì hầu như mỗi năm ở trên quả địa cầu này, hoặc ở nơi này hay nơi kia, đã liên tiếp xảy ra các trận thiên tai như động đất, bão tố, sóng thần, cuồng phong, lụt lội vv. Các thiên tai đã cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng con người, hủy hoại nhiều quốc gia, thành phố, làng mạc và gây ra không biết là bao tan vỡ, đau thương, dường như không sao hàn gắn lại được. Đó là chưa kể đến các bệnh dịch như bệnh cúm gà, bệnh SARS, bệnh AIDS và trong quá khứ thì có dịch sốt rét, thương hàn, đậu mùa vv. đã giết chết biết bao nhiêu người, bất kể nam phụ lão ấu. Thiên tai, bệnh dịch đã nhiều lần xảy đến, thật bất ngờ, không hề báo trước, lập tức đưa đẩy thật nhiều người vào cảnh tang thương, cùng khổ.
Kính thưa quý độc giả,
Miền Trung nước Việt là nơi cằn cỗi, sỏi đá, mà lại phải chịu cảnh lụt lội bão tố hàng năm, cộng thêm với chiến tranh khói lửa triền miên trong quá khứ, đã xô đẩy nhiều dân nghèo vào những hoàn cảnh thật điêu linh. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương, trong bài trường ca “Hội Trùng Dương” nổi tiếng của ông, đã mô tả về miền đất nước đau khổ này như sau:
“Quê hương em nghèo lắm ai ơi,
Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn.
Trời rằng, Trời hành cơn lụt mỗi năm.
À ơi, khiến đau thương thắm tràn ngập Thuận An về lan biển khơi”
Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn.
Trời rằng, Trời hành cơn lụt mỗi năm.
À ơi, khiến đau thương thắm tràn ngập Thuận An về lan biển khơi”
Lời ca cộng với giọng hò trong bài “Hội Trùng Dương”, khi mô tả về miền Trung nước Việt, nghe thật ai oán, nghe thật não lòng, dường như một tiếng than van, oán trách, sao Ông Trời đã nhẫn tâm đọa đày người dân vùng “đất cày lên sỏi đá” này.
Không chỉ riêng nhạc sĩ Phạm Đình Chương, mà đại đa số chúng ta, khi chứng kiến những thảm cảm thật thương đau và thật quá phi lý, chúng ta cũng thường bật lên tiếng “than Trời oán đất”, cho rằng Ông Trời đã không thương người, sao Ông Trời cứ mãi im hơi lặng tiếng trước những đọa đầy, khổ đau của con người. Cũng chính vì thế giới có quá nhiều đau thương, nên cũng có nhiều người kết luận chắc chắn rằng, chẳng có Ông Trời nào cả, vì nếu có Ông Trời thì thế giới này không ra nông nỗi đến như vậy. Nếu thực sự có Ông Trời đang dòm ngó, trông nom, quan tâm đến sinh mạng, sự an vui của con người thì tại sao thế giới này lại đầy dẫy những tai họa? Tại sao Ông Trời lại nỡ để những kẻ ác lộng hành, xô đẩy bao nhiêu người vào những tình cảnh tuyệt vọng? Nếu có một Thiên Chúa nhân từ, tại sao Ngài cho phép nước Anh có buôn bán nô lệ, Đức Quốc Xã có phòng hơi ngạt, Liên Xô có trại lao động khổ sai vùng Si-bê-ri-a và bao nhiêu người Việt đã bỏ thây trong các trại tù cải tạo hay trên biển Đông trên con đường vượt thoát? Nếu Thiên Chúa thực sự hiện hữu, thì tại sao thế giới đang lo sợ từng ngày về nạn khủng bố, với những kẻ điên cuồng, ôm bom giết hại hàng loạt những thường dân vô tội?
Bên cạnh những tai họa lớn lao dễ nhận thấy, thế giới chúng ta đang sống trong một thế giới đầy dẫy những tội ác, diễn ra mỗi ngày, giết chết nhiều người hơn cả các trận dịch, thiên tai hay các tội ác do các chế độ chính trị phi nhân gây ra. Dựa theo “Chiếc Đồng Hồ Theo Dõi Tội Ác” thì tại Hoa Kỳ, cứ 33.9 phút có một người bị giết, cứ 5.8 phút có một phụ nữ bị cưỡng hiếp, cứ 34.6 giây có một người bị hành hung, cứ 22.1 giây có một vụ bạo hành, cứ 1.3 phút có một người bị ăn cướp, cứ 15.4 giây thì xảy ra một vụ trộm và cứ 3.1 giây thì có một vụ phá hoại tài sản. Nỗi đau đớn đến từ bên ngoài, đến từ chung quanh và nỗi đau khổ đến từ bên trong tâm hồn con người, khi đứng trước sự ngắn ngủi của kiếp người và sự hữu hạn của mỗi cá nhân, như triết gia Cornelius Plantinga trình bày như sau:
“Con người phải chịu đựng nỗi đau đớn khi đối diện với sự lão hóa. Con người nhận lấy cảm giác đau nhói khi biết rằng thời gian chỉ trôi đi theo một chiều, mang theo bao điều quý giá, bao cơ hội và sự dẻo dai của tuổi thanh xuân không bao giờ trở lại lần nữa. Mặc dù chúng ta chỉ chết một lần, nhưng cái bóng tử thần đe dọa, ám ảnh, phủ chụp lấy chúng ta trọn cả một đời người.”
Kính thưa quý độc giả,
Như triết gia Ronald Nash khẳng định thì chướng ngại vật lớn nhất, khiến người ta không thể nào công nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, đó là vì thế giới này đầy dẫy những thiên tai, bệnh tật, tội ác và vô số những bất công. Chỉ một thiểu số công nhận sự hiện hữu của Ngài, nhưng cũng tỏ ra bối rối về bản tính toàn năng và yêu thương tuyệt đối của Ngài, khi họ phải chứng kiến bao thảm họa trút lên trên đầu nhân loại. Nếu Thiên Chúa vừa toàn năng, vừa nhân từ thì tại sao thế giới này lại lắm tai vạ?
Để trả lời cho nghi vấn vô cùng lớn lao này, người ta đã đưa ra một số giải pháp như sau. Trong giải pháp thứ nhất, người ta sửa đổi quan niệm về Thiên Chúa Toàn Năng. Trong giải pháp này, họ “bào chữa” giùm cho Thiên Chúa rằng Ngài là Đấng nhân từ vô hạn, tuy vậy Ngài không đủ khả năng tiêu trừ những tai họa trên thế giới của con người. Trong giải pháp thứ nhì, người ta sửa đổi quan niệm về Thiên Chúa Nhân Từ Vô Đối. Trong giải pháp này, người ta cho rằng Thiên Chúa là tốt lành, nhưng không hoàn toàn tốt và Ngài là nguyên nhân của những chuyện tốt lẫn chuyện xấu. Trong giải pháp thứ ba, người ta sửa đổi quan niệm về các việc xấu hay các tai họa. Những giáo phái chú tâm nghiên cứu về cách hoạt động của tâm thức, cho rằng những tai họa hay các việc ác chỉ là một ảo ảnh, chứ không có thực. Họ cho rằng những tai ương chỉ là sự nhận thức sai lệch của tâm trí hữu hạn của con người.
Một số tôn giáo khác giải thích nguồn gốc của tai họa xảy ra cho một người là do nghiệp báo, luật nhân quả và kiếp luân hồi; đó là nếu một người làm việc lành trong kiếp này thì sẽ được sinh ra trong một hoàn cảnh tốt đẹp ở kiếp sau và ngược lại, nếu một người ở ác trong kiếp này thì kiếp sau sẽ gặp nhiều tai họa. Theo lý thuyết này, trải qua nhiều kiếp tu tập, chắc con người sẽ được bớt đi nhiều đau khổ, thế nhưng tại sao thế giới này, càng ngày càng nhiều đau khổ, tai ương chồng chất lên thêm chớ chẳng bao giờ suy giảm?
Có những tôn giáo tin rằng con người có thể tự dựng nên một tình trạng thật cho mình bằng cách vận dụng sức mạnh của tâm trí. Với nghệ thuật tưởng tượng, vận dụng tâm trí để khẳng định về điều tích cực, một người có thể tự tạo cho mình một thực trạng tích cực. Theo lý thuyết này, nếu một người đang lâm vào một tai họa, chẳng qua là người đó đã tự dựng nên cho mình một thực trạng tiêu cực mà thôi; hay nói một cách khác, những nạn nhân của trận đại cuồng phong tại Miến Điện vừa qua đã tự dựng nên những thực trạng tiêu cực cho mình, còn chủ nhân của đại công ty Microsoft là Billy Gate được giàu sang, sung sướng là do Billy đã biết vận dụng tâm trí để tự dựng nên một thực trạng tích cực cho mình?
Quý độc giả thân mến,
Kinh Thánh, là lời của Thiên Chúa, đã đề cập thật nhiều về thực trạng đau khổ của nhân loại. Trong khi triết lý của con người, cho rằng sự đau khổ của nhân loại chỉ là một ảo ảnh, và cũng do vậy mà không hề suy xét cặn kẽ nguyên nhân để tìm cách giải quyết thấu đáo, hay trong khi tôn giáo con người cho rằng, nguồn gốc mọi khổ đau là do mỗi cá nhân tự tạo, thì Kinh Thánh đã dành thật nhiều trang, nhiều sách để khẳng định hiện thực đau thương mà cả nhân loại đang gánh chịu. Kinh Thánh cũng dành hẳn một quyển sách thật đồ sộ, đó là sách Gióp, để giải thích những nguyên do của những tai họa trên đời. Kinh Thánh không hề phủ nhận thực trạng đau thương của nhân loại trong mọi thời đại, như nhân vật Gióp đã khẳng định “Quả thật, con người sinh ra để mà chịu khổ, cũng như những tia chớp lóe lửa trên cao” (Gióp 5:7) hay như khi Gióp mô tả về thân phận con người rằng “Lọt lòng mẹ, con người lây lất sống tạm bợ, chịu đủ thứ trăm cay nghìn đắng” (Gióp 14:1).
Hơn ai hết, những người tin vào Thiên Chúa, nhận thức thế giới này tràn ngập những đau thương và đồng cảm thật sâu sắc với đồng loại bị lâm vào những cảnh thiên tai, dịch lệ hay những hoàn cảnh khổ đau nào đó. Những hội từ thiện có tầm vóc quốc tế như Hội Hồng Thập Tự (Red Cross), Hội Hoàn Cầu Khải Tượng (World Vision) vv. nói lên mối quan tâm trước những thực trạng khổ đau từ vật chất và tinh thần của con người. Những truyền thống nhân đạo của các quốc gia theo Cơ-Đốc giáo như nước Anh, Mỹ, Canada, Úc Đại Lợi, Đức, Pháp, Thụy Sĩ vv. chuyên tiếp trợ nạn nhân các thiên tai, dịch lệ, che chở các nạn nhân tị nạn chính trị, xuất phát từ một nhận thức thật rõ ràng về những bất hạnh và đớn đau cần được quan tâm, giúp đỡ tận tình và thực tế.
Thêm vào đó, bên cạnh một ý thức thật rõ ràng về hiện thực đau thương của thế giới này, những người tin vào Thiên Chúa cũng tin rằng Ngài là Đấng Toàn Năng và cũng là Đấng Nhân Từ Vô Hạn. Dựa vào đâu mà những người này quả quyết một điều hầu như tự mâu thuẫn với chính nó? Nếu Thiên Chúa thực sự hiện hữu, thế thì tại sao con người là tạo vật của Ngài đang phải gánh chịu lắm thương đau? Nếu Ngài là Đấng Toàn Năng với uy quyền tuyệt đối, tại sao Ngài không ra tay tức thì để tiêu trừ tai họa cho nhân loại? Nếu Ngài là Đấng Nhân Từ, yêu thương vô hạn, thế thì tại sao Ngài lại im lặng trước những thảm cảnh thật phủ phàng?
Quý độc giả thân mến,
Trong chương trình phát thanh vào những tuần tới, chúng tôi xin mời quý vị cùng khám phá với chúng tôi câu trả lời cho những nghi vấn vô cùng quan trọng này, dưới ánh sáng của Kinh Thánh, là thông điệp đầy yêu thương của Đấng Tạo Hóa gởi đến với mỗi cá nhân chúng ta. Xin trân trọng kính chào quý vị và các bạn.
Dựa theo “Why Do Bad Things Happen If God Is Good?” by Ron Rhodes - Tùng Tri lược dịch
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com