Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

Đức Tin

                Phúc Âm là Tin Mừng Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời cho nhân loại. Phúc Âm bao gồm những điểm căn bản như sau:
1. Mọi người đều là tội nhân.
2. Hậu quả của tội là cái chết. Cái chết thể xác cũng như chết tâm linh nghĩa là bị phân cách với Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng chúng ta.
3. Trong nỗi tuyệt vọng cùng cực vì ngăn cách đó, con người tìm đủ mọi giải pháp để tránh án phạt của Thiên Chúa nhưng không ai có thể cứu con người được vì mọi người đều có tội như nhau, không ai có thể cứu rỗi ai.
4. Điểm thứ tư của Phúc Âm là Chúa Giê-xu là giải pháp của Thiên Chúa để cứu rỗi con người. Giải pháp đó là Chúa Giê-xu mang thân xác con người, gánh tội của con người và nhận bản án thay cho con người. Nhờ vậy tội lỗi của con người mới được cất bỏ vì có người gánh thay. Trên căn bản đó, Thiên Chúa có thể tha thứ cho con người vì nó thỏa mãn đức yêu thương và đức công chính của Ngài. Công chính, Thiên Chúa phải hình phạt toàn thể nhân loại vì tội lỗi nhưng yêu thương, Thiên Chúa đã để cho Chúa Cứu Thế Giê-xu gánh chịu hình phạt thay cho con người. Con người chỉ còn một bước nữa để kinh nghiệm ơn tha thứ và cứu rỗi của Thiên Chúa. Bước đó là bước đức tin. Đức tin là điểm căn bản cuối cùng của Phúc Âm chúng tôi trình bày cùng quý vị hôm nay.
                Có nhiều điều người ta thường hiểu sai về đức tin và do đó đã không tin hay tin không đúng. Do đó chúng ta cần hiểu đức tin như sau:
                1. Nhiều người thường cho đức tin đồng nghĩa với mê tín hay mù quáng. Hay đức tin chỉ dành cho những người thiếu hiểu biết. Thưa quý vị không phải như vậy. Đức tin trước hết mang ý nghĩa chấp nhận những sự kiện có thật được minh chứng rõ ràng và không có gì mâu thuẫn với lý trí và suy nghĩ của con người. Chúng tôi trình bày Phúc Âm của Chúa Giê-xu và Phúc Âm là gì? Phúc Âm là sự kiện Chúa Cứu Thế Giê-xu đã giáng sinh hơn 2,000 năm trước. Chúa Giê-xu là một con người lịch sử đã sống trên địa cầu nầy tại Palestine, đã chết và đã phục sinh. Đó là những bằng chứng rõ ràng, không ai có thể phủ nhận. Khi nói tin Chúa Giê-xu hay đức tin nơi Chúa Giê-xu là chấp nhận những sự kiện lịch sử rõ ràng đó. Sứ đồ Giăng, môn đệ thân tín của Chúa Giê-xu khi viết Phúc Âm thứ tư đã ghi lại cuộc đời của Chúa Giê-xu. Đặc biệt là những việc Chúa đã làm và ông kết luận Phúc Âm của ông như sau:
Các việc nầy được ghi chép để anh em tin rằng Đức Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế, Con Đức Chúa Trời và để khi anh em tin thì nhờ Danh Ngài mà được sự sống (Phúc Âm Giăng 20:31)
                “Tin rằng” mang ý nghĩa chấp nhận những sự kiện. Đây là những sự kiện có thật và tôi chấp nhận. Tin Chúa Giê-xu không phải là mê tín cũng không phải là tin cách mù quáng nhưng là chấp nhận những sự kiện có thật trong lịch sử về Chúa Giê-xu. Ngày hôm nay, mỗi khi chúng ta sử dụng ngày tháng và dùng niên lịch công nguyên, tính từ lúc Chúa Giê-xu giáng sinh là chúng ta đã mặc nhiên công nhận sự hiện hữu của Ngài. Sứ đồ Phao-lô viết:
Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, đó là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà tiếp nhận (Thư I Ti-mô-thê 1:15)
                Tin, trước hết mang ý nghĩa chấp nhận. Chấp nhận sự kiện Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời đã mang thân xác con người, sống trên trần gian nầy 2,000 năm trước để rồi gánh tội của con người và chịu chết thế cho con người trên thập giá. Đóng đinh tử tội vào cây hình chữ thập là lối xử tử dã man của người La-mã được ghi lại trong sử sách và người chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giê-xu là Pontius Pilate, viên thống đốc dưới triều của Hoàng Đế La-mã Tiberius. Tin Chúa Giê-xu chịu chết trên thập giá vì tội của nhân loại trước hết là chấp nhận sự kiện lịch sử đó. Đây không phải là đức tin mù quáng hay mê tín.
                2. Đức tin là chấp nhận sự kiện. Nhưng đức tin không phải chỉ là chấp nhận sự kiện nhưng còn thêm những yếu tố quan trọng khác nữa. Chấp nhận sự kiện là đức tin lý trí. Nhưng cùng với đức tin lý trí, chúng ta cũng phải có đức tin ký thác. Kinh Thánh nói về đức tin lý trí mà không ký thác như sau. Đây là lời của sứ đồ Gia-cơ:
Bạn tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời, bạn tin đúng. Ngay cả ma quỷ cũng tin như vậy và run sợ (Thư Gia-cơ 2:19)
                Ma quỷ biết có Đức Chúa Trời và tin Đức Chúa Trời nhưng đó chỉ là đức tin lý trí, biết và chấp nhận. Chúng ta không thể dừng lại ở đức tin lý trí như vậy nhưng phải đi bước tiếp theo là ký thác. Ký thác như chúng ta đã biết, là tin tưởng, tin cậy và giao thác như chúng ta tin tưởng ngân hàng, ký thác tiền bạc vào ngân hàng hay một người tin tưởng vào bạn của mình giao con của mình cho người bạn dẫn đi vượt biên chẳng hạn. Chúng ta có thể biết những dịch vụ của ngân hàng nhưng nếu không bỏ tiền vào ngân hàng là chúng ta chưa thật tin ngân hàng. Chúng ta chỉ có đức tin lý trí mà chưa có đức tin ký thác. Cũng vậy, chúng ta có thể biết rõ người bạn của mình nhưng lại không dám gởi con cho người đó thì chúng ta cũng chỉ mới chấp nhận chớ chưa ký thác. Tin Chúa Cứu Thế Giê-xu chẳng những có nghĩa là chúng ta chấp nhận Chúa đã giáng trần chịu chết vì tội của mình nhưng cũng bằng lòng phó thác hay tin cậy nơi Chúa hoàn toàn. Giao đời sống của mình vào tay Chúa, để cho Ngài làm Chủ đời sống. Quý vị tin nơi Chúa Giê-xu nhưng có ký thác đời sống của mình cho Chúa không?
                3. Tin là chấp nhận, đó là đức tin lý trí. Tin là ký thác, đó là đức tin ký thác nhưng tin cũng là cam kết, đó là đức tin tôn thờ. Khi hai người yêu nhau, muốn sống đời với nhau, họ không thể chỉ nói bằng miệng nhưng phải đi đến chỗ cam kết với nhau trong hôn nhân. Hôn nhân là hình ảnh rõ ràng nhất mô tả đức tin của chúng ta với Chúa. Tin Chúa, tôi chẳng những chấp nhận có Chúa, biết Chúa đã chết để cứu tôi. Nhưng tôi cũng giao thác đời sống tôi vào trong tay Chúa, để cho Ngài làm Chủ, hướng dẫn đời sống tôi. Và tôi cũng sẽ tiếp tục tôn thờ Ngài, coi Ngài là lẽ sống của đời tôi cho đến suốt đời. Đó là cam kết. Đó là tôn thờ.
                Đức tin là yếu tố quan trọng nhất trong Phúc Âm. Chúa đã làm tất cả, chúng ta chỉ cần tin. Và tin nghĩa là chấp nhận. Chấp nhận Chúa Giê-xu đã chịu chết vì tội của mình. Tin nghĩa là ký thác, giao trọn cuộc đời mình vào tay Chúa. Và tin cũng là cam kết. Cam kết suốt đời theo Chúa, thờ Chúa, không từ bỏ Ngài. Thiên Chúa đã từ bỏ thiên đàng đến trần gian để cứu chúng ta, chúng ta chỉ cần đáp ứng lại tình yêu của Ngài bằng đức tin của chúng ta. Đây chính là Phúc Âm chúng tôi loan truyền cho quý vị. Phúc Âm sẽ không có ý nghĩa gì cả nếu không được tiếp nhận. Ước mong quý vị ý thức mình là tội nhân, mình không thể tự cứu. Biết Chúa Giê-xu đã giáng trần chịu chết thế cho mình và bây giờ tiếp nhận, ký thác và cam kết tôn thờ Ngài suốt đời. Có như vậy Phúc Âm mới có ý nghĩa cho chúng ta.
Mục sư Nguyễn ThỉChương Trình Phát Thanh Tin Lành

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!