Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

Nhịp Sống Thảnh Thơi

Nhịp Sống Thảnh Thơi


                 Kính thưa quý độc giả,
                 Trong chu kỳ vận hành của mọi vật thể sống, luôn luôn có thì làm việc xen kẽ với thì nghỉ ngơi. Đấng Tạo Hóa đã đặt vào cuộc sống của các loài thọ tạo một nhịp điệu sống hài hòa, cân bằng và thảnh thơi.
                 Thí dụ như trái tim của một người, trung bình đập khoảng 100,000 lần mỗi ngày, hay khoảng 3 tỷ lần trong suốt cả cuộc đời. Trong mỗi nhịp đập của trái tim có hai thì. Thì thứ nhất là khi bắp thịt dày cộm của thành trái tim co lại hay bốp vô, đẩy máu phọt vào các động mạch, áp suất máu lên cao. Thì thứ nhì là khi các bắp thịt thành tim giãn ra, được thư giãn, được nghỉ ngơi, áp suất máu hạ xuống, là lúc máu từ các tĩnh mạch chảy vô tim.
                 Bốn mùa trong một năm, loài gấu ngủ vùi trong suốt mùa đông; hoàng hôn buông xuống, cánh chim bay về tổ cuối ngày, bạn và tôi ngủ mỗi đêm về vv. thể hiện chu kỳ cùng nhu cầu cần được nghỉ ngơi của các loài thọ tạo. Nhịp điệu êm đềm và thảnh thơi của cuộc sống thật là căn bản, nguyên thủy và cần thiết, đã được ghi sâu trong tâm khảm con người, được đánh dấu trong chuỗi di truyền DNA của chúng ta và cũng được trình bày trong Kinh Thánh, là lời của Đấng Tạo Hóa, như sau:
                 Việc gì cũng có lúc, có thời của nó.
                 Có lúc sinh, lúc tử;
                 Có lúc gieo, lúc gặt;
                 Có lúc giết hại, lúc chữa lành;
                 Có lúc phá, lúc dựng;
                 Có lúc khóc, lúc cười;
                 Có lúc buồn, lúc vui;
                 Có lúc vứt bỏ, lúc nhặt lại;
                 Có lúc ôm ấp, lúc ruồng rẫy;
                 Có lúc đánh mất, lúc tìm được;
                 Có lúc giữ gìn, lúc loại bỏ;
                 Có lúc xé, lúc vá;
                 Có lúc câm nín, lúc lên tiếng
                 Có lúc yêu, lúc ghét;
                 Có thời chiến, thời bình. (Truyền Đạo 3:1-8)
                 Tuy vậy, nhịp điệu nhịp nhàng và thảnh thơi đó có thể đang bị chôn vùi trong những bận rộn của hoàn cảnh trước mặt, có thể đã bị lãng quên từ lâu trong những toan tính bon chen của cuộc đời mỗi chúng ta.
                 Yên lặng để tìm lại nhịp sống thảnh thơi đó, chậm rãi lại một chút để cảm nhận nhu cầu nghỉ ngơi, là một trong những bước quan trọng để chúng ta tìm lại với con người trọn vẹn của chính mình, để tận hưởng một đời sống phước hạnh và thanh thản, theo như ý định tốt lành ban đầu của Đấng dựng nên bạn và tôi.
                 Sự nghỉ ngơi đầu tiên mà bạn và tôi cần phải có trong mỗi ngày là giấc ngủ.
                 Các nhà khoa học quan sát và nhận thấy rằng, mọi quá trình sinh lý, các hoạt động của não bộ và hệ thống thần kinh, mọi sinh hoạt của các loại cây cối, các loài động vật, cho đến các loại nấm và kể cả các vi trùng, tất cả đều được chi phối bởi chu kỳ tự nhiên 24 tiếng trong mỗi ngày. Hình như trong mỗi vật thể sống có một chiếc đồng hồ sinh học tự nhiên với 24 tiếng đồng hồ, để điều khiển và cân bằng giữa việc làm và sự nghỉ ngơi trong mỗi ngày. Vì vậy, thèm ngủ là một nhu cầu rất tự nhiên của cơ thể, và khi có thể đáp ứng được, thì cơ thể chúng ta sẽ khỏe mạnh, đầu óc tỉnh táo và làm chuyện gì cũng tốt đẹp thành công cả, như người Việt chúng ta thường nói: “Ăn được, ngủ được là tiên”.
                 Bạn và tôi cần từ bảy đến chín tiếng để ngủ mỗi ngày. Các nước kỹ nghệ tân tiến, do tốc độ chạy đua dồn dập với cuộc sống, nên rơi vào tình trạng thiếu ngủ trầm trọng, như tại Hoa Kỳ, có khoảng 29% dân số ngủ ít hơn bảy tiếng mỗi ngày, là căn nguyên của vô số tình trạng suy nhược và bệnh tật.
                 Tình trạng mất ngủ gia tăng rủi ro về các bệnh thuộc về tim mạch, tiểu đường, triệu chứng thần kinh, kể cả bệnh rối loạn thần kinh; gây thiệt hại cho não bộ, dễ gây co giật; làm suy yếu hệ thống kháng thể, làm suy yếu khả năng chữa lành vết thương. Đó là chưa kể, tình trạng thiếu ngủ sẽ làm một người kém tập trung, hiệu năng làm việc thấp và dễ gây ra rủi ro tai nạn. Thống kê cho biết, tai nạn đụng xe do thiếu ngủ cũng nhiều như do uống rượu say.
                 Bênh cạnh ý thức cần dành đủ thời giờ để ngủ trong một ngày, có một số điều căn bản về vệ sinh cho giấc ngủ, như là tránh uống nhiều cà-phê và các chất kích thích trước khi ngủ; tập thể dục thường xuyên nhưng đừng tập gần trước giờ đi ngủ. Phải có thói quen ngủ đúng giờ mỗi ngày; phòng ngủ phải thoáng, thoải mái, yên tĩnh và tối để không chói mắt. Đừng uống nhiều, cũng đừng ăn nhiều trước khi vào giường. Tập các thói quen làm thư giãn, như tắm nước ấm hay nghe nhạc êm dịu trước khi bước lên giường để đi vào cõi mộng.
                 Người viết bài này, có những ngày vô cùng bận rộn, công việc thì nhiều mà chưa việc nào xong cả; đặt lưng xuống giường, toan nghiền ngẫm suy tính cho ngày mai ngày mốt phải làm gì, nhưng rồi nhớ lại lời Chúa Giê-xu dạy rằng: “Đừng lo sợ cho ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Nỗi lao phiền trong ngày cũng đủ quá rồi!” (Ma-thi-ơ 6:34).
                 Do vậy, người viết bài này từ lâu đã tập thói quen chấm dứt mọi nghĩ suy toan tính khi bước lên giường, giao phó mọi ưu tư cho Đấng Tạo Hóa, để chìm vào giấc ngủ, hưởng trọn một giấc ngon lành như trẻ thơ, như vua Sa-lô-môn có diễn tả:
                 “Thật vô ích cho người thức khuya dậy sớm, đổi mồ hôi lấy bát cơm.
                 Vì Chúa muốn cho người Ngài yêu, được nghỉ ngơi đầy đủ” (Thi Thiên 127:2)
                 Quý độc giả thân mến,
                 Bên cạnh giấc ngủ mỗi ngày, chúng ta cũng cần dành ra một ngày trong mỗi tuần để nghỉ ngơi nữa.
                 Có nhiều người tự đặt ra quá nhiều mục tiêu cho đời sống, ra sức làm việc quần quật, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm Chúa Nhật”, quên cho cơ thể nghỉ ngơi. Điều này chỉ làm tổn hại đến sức khỏe và bản thân, như chúng ta cũng thường nghe: “tuổi trẻ thì vung sức khỏe ra kiếm tiền, về già thì vung tiền ra mua lại sức khỏe”.
                 Vì biết trước con người đầy tham vọng, “ham công tiếc việc”, chẳng chịu dừng lại, tự chuốc hại cho mình, nên chính Đấng Tạo Hóa đã nêu một tấm gương để mọi người làm theo. Khác với con người giới hạn như bạn và tôi, Ngài là Đấng quyền năng vô hạn, chẳng hề biết mỏi mệt, chẳng hề buồn ngủ và chẳng cần ngủ; ấy vậy mà, sau khi hoàn thành công trình sáng tạo trời đất và muôn loài trong sáu ngày, Thiên Chúa đã làm gương về sự nghỉ ngơi, dành ra một ngày để nghỉ mọi việc, như sách Sáng Thế Ký 2:2-3 có chép: “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Ngài làm. Khi làm xong mọi công việc của Ngài, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày đó, vì ngày đó Ngài đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Ngài”.
                 Chẳng những làm gương về sự nghỉ ngơi, Thiên Chúa cũng ban mệnh lệnh nghỉ ngơi cho con người, là điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn, được ghi như sau: “Ngươi có sáu ngày để làm công việc, nhưng ngày thứ bảy là ngày thánh dành cho Chúa Hằng Hữu, Thượng Đế ngươi. Trong ngày ấy, ngươi cũng như con trai, con gái, tôi trai, tớ gái, súc vật, luôn cả khách trong nhà ngươi, đều không được làm việc gì cả. Vì trong sáu ngày, Chúa Hằng Hữu tạo dựng trời, đất, biển và muôn vật trong đó; đến ngày thứ bảy, Ngài nghỉ. Vậy, Chúa Hằng Hữu chúc phước cho ngày Sa-bát và làm nên ngày thánh” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:9-11)
                 Những người tin theo Chúa Cứu Thế Giê-xu, mỗi tuần làm việc trong năm hay sáu ngày, nhưng ngừng hẳn mọi công việc làm ăn trong ngày Chúa Nhật. Như cái tên gọi với mục đích thật rõ ràng cho ngày đặc biệt này, các Cơ-Đốc nhân dành thời giờ trong ngày Chúa Nhật để thờ phượng, để chiêm ngưỡng, để bày tỏ lòng biết ơn, để nối kết với Thiên Chúa là Đấng tạo dựng ra mình. Sau đó, thời giờ còn lại trong ngày Chúa Nhật là để sum họp, vui chơi, dùng bữa với gia đình, với bạn bè và người thân. Ngày Chúa Nhật như vậy, không những thân thể được nghỉ ngơi và hồi sức, nhưng cũng là cơ hội để cho mối liên hệ với Thiên Chúa và với người chung quanh được nuôi dưỡng và thăng hoa.
                 Mệnh lệnh cần được nghỉ ngơi minh chứng tình thương yêu vô biên của Đấng Tạo Hóa dành cho bạn và tôi, để bảo vệ chúng ta khỏi tình trạng tự hủy hoại, để đem chúng ta trở lại với nhịp sống thảnh thơi ban đầu, với bao lợi ích lớn lao, như Chúa Cứu Thế Giê-xu có khẳng định: “Lễ Cuối Tuần được lập ra để giúp loài người” (Mác 2:27).
                 Bên cạnh giấc ngủ mỗi ngày và một ngày nghỉ mỗi tuần, bạn và tôi cũng cần dừng công ăn việc làm ít nhất một hay hai lần trong năm, mỗi lần một tuần hay vài tuần để đi chơi xa, đi du lịch, để tịnh dưỡng, để nghỉ ngơi. Chúa Giê-xu, hay chính là Thiên Chúa Ngôi Hai trong thân xác con người, trong thời gian sống trên thế gian, có thói quen nghỉ ngơi thường xuyên. Kinh Thánh ký thuật, sau nhiều ngày giảng dạy cho dân chúng, Chúa Cứu Thế Giê-xu cảm thấy mệt mỏi và khô hạn; hay khi phải đối diện với những thử thách lớn lao, Ngài thường rút lui vào một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi, tịnh dưỡng, để cầu nguyện và được thêm sức từ Cha Ngài.
                 Tại Úc Đại Lợi, là nơi người viết cư ngụ, mỗi năm nhân viên được 4 tuần nghỉ có lương, cộng thêm với các ngày lễ như New Year, lễ Phục Sinh, lễ Giáng Sinh, Australia Day vv. là cơ hội để mọi người được nghỉ ngơi và tận hưởng cuộc sống.
                 Kính thưa quý độc giả,
                 Trẻ con chơi đùa, ăn uống rồi lăn ra ngủ say thật dễ dàng. Bạn và tôi, khi vừa chào đời, tự nhiên đã biết thả lỏng, biết thư giãn và có thể lăn ra ngủ thật tự nhiên.
                 Lớn lên theo thời gian, chạy đua với đời sống bận rộn, từ hồi nào, chúng ta đã đánh mất khả năng tự thả lỏng và tự thư giãn để được nghỉ ngơi thực sự. Giờ đây, để vỗ được giấc ngủ mỗi lúc đêm về, nhiều người trong chúng ta phải phụ thuộc vào những cách thức nhân tạo như thuốc men hay dược chất.
                 Sự âu lo, cảm thấy bất lực trước một thế giới đổi thay và xáo trộn không ngừng, với vô số câu hỏi “làm sao”: làm sao giữ được hạnh phúc gia đình, làm sao xây dựng tương lai cho con cái, làm sao có đủ tài chánh, làm sao có còn đủ sức khỏe, làm sao không bị bệnh này tật kia, làm sao không bị mất việc vv. khiến bạn và tôi phải tiếp tục làm việc, phải tiếp tục bận rộn, phải tiếp tục suy tính, phải tiếp tục gia tăng tốc độ cuộc sống, không thể nào an bình, thư giãn để mà nghỉ ngơi được.
                 Hãy dừng lại, hãy tạm xa lánh thế giới ồn ào này, hãy rút vào một khoảng không gian vắng lặng, để tìm về với Đấng tạo dựng ra mình như lời Ngài kêu gọi: “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời” (Thi Thiên 46:10).
                 Bạn và tôi hãy dừng lại và yên lặng, để nhận ra rằng Thiên Chúa là Đấng Chủ Tể của cả hoàn vũ; là Đấng nắm giữ quá khứ, hiện tại và tương lai .
                 Bạn và tôi hãy dừng lại và yên lặng, để nghe lời Ngài phán: “Ta có chương trình bình an thịnh vượng cho các ngươi, chứ không phải tai họa. Ta sẽ ban cho các ngươi một tương lai đầy hy vọng” (Giê-rê-mi 29:11)
                 Thiên Chúa thể hiện tình yêu vô biên với bạn và tôi, khi Thiên Chúa Ngôi Hai tự nguyện giáng trần trong con người mang tên Giê-xu cách đây hơn hai ngàn năm, để rồi chịu hy sinh, chết đớn đau và nhục nhã trên cây thập tự, lãnh thế bản nợ tội cho muôn người, chết thế cho nhân loại, để bất kỳ ai biết ăn năn tội và tin vào sự chết thế đó, thì được tha bỗng, được xem là vô tội, được phục hòa với Đấng Tối Cao và nhận được sự sống đời đời.
                 Qua chứng cớ tình yêu lớn lao đó, bạn và tôi có thể chấm dứt mọi câu hỏi “làm sao”, để có thể giao phó, ủy thác cuộc đời và mọi toan tính của chúng ta vào Cứu Chúa Giê-xu, để được yên nghỉ thực sự, như chính lời Ngài kêu gọi: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và nặng gánh ưu tư, hãy đến cùng Ta. Ta sẽ cho các con được yên nghỉ.” (Ma-thi-ơ 11:28)
                 Bạn và tôi chỉ được yên nghỉ thực sự, chỉ có thể tìm về với nhịp sống thảnh thơi trong thế giới căng thẳng và ồn ào này, chỉ khi nào chúng ta tìm về và được yên nghỉ mỗi ngày trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, như Kinh Thánh khẳng định:
                 “Vì người nào đã vào được nơi an nghỉ của Ngài, thì nghỉ ngơi công việc mình” (Hê-bơ-rơ 4:10)
                 Chúc quý vị thảnh thơi trong cuộc sống và ngủ ngon giấc mỗi ngày.
                 Thân chào quý vị và các bạn.
 
Tùng Trân
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!