Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

TẾT TRUNG THU

TẾT TRUNG THU
(Bản tin đặc biệt nhân ngày Tết Trung Thu 15/09/2016 (15/8 ÂL))

        Quý độc giả thân mến,

        Quý độc giả có bao giờ cảm thấy công việc và đời sống bận rộn như có một áp lực cuốn trôi đi hết niềm vui của mình không? Bận rộn quá sức sẽ chắc chắn làm cho thể xác chúng ta mệt mỏi, và do đó, tâm hồn cũng mất đi niềm vui mà chúng ta đáng lý phải tận hưởng khi được sống trong một bầu không khí tự do và một xứ sở xinh đẹp, sạch sẽ như Úc Đại Lợi.

        Buổi sáng thức giấc, tôi đã tập thói quen đếm những phước lành mình có và dâng lời cảm tạ Thượng Đế của tôi - là Đức Chúa Trời Toàn Năng, Toàn Tri, là Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng nên một thế giới xinh đẹp cho con người chúng ta vui hưởng. Tôi cám ơn Ngài về những phước lành mà Ngài đã ban cho tôi trong cuộc đời này trước khi bắt đầu một ngày làm việc mới và bước ra khỏi nhà với một tâm trạng vui vẻ. Vậy mà chỉ sau vài giờ đồng hồ miệt mài làm việc trong văn phòng, thì tôi lại bắt đầu cảm thấy niềm vui trong cuộc sống của mình đã bị đẩy lùi sau một danh sách dài thòng về những công việc cần giải quyết trong tuần.

        Những ngày Đông giá buốt, nhiều khi sương mù đã giăng kín thành phố khi tôi rời khỏi sở làm. Lái xe về nhà, mà tôi có cảm tưởng mình và chiếc xe đang bồng bềnh trên mây vì sương mù dày đặc. Có thể nói, tôi không mấy yêu thích mùa Đông, mặc dù tận trong thâm tâm, tôi hiểu rằng nhờ mùa Đông chúng ta sẽ thấy mùa Xuân tươi đẹp và yêu thích không khí ấm áp của thiên nhiên hơn khi mùa Xuân đến, và rằng thời tiết là điều mà con người không có cách chi thay đổi được, vì điều ấy nằm trong bàn tay chủ tể của Đấng Tạo Hóa, là Thiên Chúa Toàn Năng. Kinh Thánh Cựu Ước trong sách Thi Thiên 74:15–17 có chép:

“Chính Ngài khai nguồn, mở suối nước,
Ngài làm khô cạn đồng sông đang chảy.
Ban ngày thuộc về Ngài, ban đêm cũng thuộc về Ngài.
Ngài đã thiết lập mặt trời và các tinh tú.
Ngài phân định tất cả bờ cõi trên đất,
Lập ra mùa hè, mùa đông.”

        Suốt hai cuối tuần vừa qua, thành phố Melbourne ngập tràn ánh nắng và không gian như bừng sáng sau một mùa Đông thiếu ánh nắng mặt trời. Những cây hoa Anh Đào nở rộ, đơm bông kín hết hai hàng cây bên đường, còn bầu trời thì xanh thắm làm cho màu sắc những bông hoa ấy thêm tươi thắm và rực rỡ. Sự chuyển mình của thiên nhiên dường như đem lại trong lòng tôi một sức sống mới, và ánh nắng ấm áp của mùa Xuân giúp tôi thấy yêu đời hơn mặc dù công việc trong sở làm vẫn hết sức bận rộn, đến nỗi như cuốn trôi đi hết mọi niềm vui trong đời.

        Nói như thế, để thấy rằng thiên nhiên quả có một sức mạnh ảnh hưởng đến tâm tính của người ta khá nhiều. Cũng vì thế, mà từ ngàn xưa, con người thường tạo ra những lễ hội để ăn mừng dựa trên sự thay đổi của mùa màng và thời tiết. Tết Âm Lịch, Tết Trung Thu chẳng hạn, là những lễ hội của những nước Á Châu dựa vào nông nghiệp là chính, như Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản, v.v. Sau mùa thu hoạch giữa năm, là thời gian ăn mừng cho việc trúng mùa và hoa lợi đã thu gặt xong. Đây cũng là dịp mọi người được nghỉ ngơi đôi chút trước khi bước vào một vụ gieo trồng mới mà nhà nông sẽ phải miệt mài đổ mồ hôi trên đồng ruộng.

        Quý độc giả thân mến,

        Tết Trung Thu được tổ chức vào ngày Rằm tháng Tám Âm Lịch. Đó là một lễ hội giữa mùa thu, dưới ánh trăng rằm vằng vặc. Ngày xưa khi chưa có điện, thì ánh trăng rằm mới quý làm sao! Ánh trăng chiếu sáng khắp nơi đã cho phép người ta thức khuya hơn để trò chuyện hoặc để làm thêm chút ít công việc ngoài sân, và trẻ nhỏ cũng được phép chạy quanh chơi đùa với bạn bè chòm xóm.

        Có lẽ cũng chẳng ai có thể xác định là Tết Trung Thu đã bắt đầu từ thế kỷ nào, vì có rất nhiều truyền thuyết đã được thêu dệt quanh ngày Tết Trung Thu. Nào là Hằng Nga và Chú Cuội, nào là Hằng Nga và Hậu Nghệ, nào là chuyện vua Đường Minh Hoàng du nguyệt điện…

        Đến đây, thì người viết xin chú thích thêm, rằng truyền thuyết này được du nhập từ Trung Hoa. Chuyện kể lại rằng một đêm trăng rằm tháng Tám, vua Đường Minh Hoàng đang thưởng trăng thì có một giải lụa bạch từ trên cung trăng thòng xuống. Khi vua nhìn kỹ lại, thì thấy đó là một cây cầu màu trắng, và các tiên nữ xinh đẹp từ cung trăng bước xuống mời vua đi thăm Cung Quảng. Tại Cung Quảng, là nơi ở của chị Hằng, vua được dự một buổi tiệc vui vẻ, có tiên nữ ca múa tuyệt hay, tuyệt đẹp. Đến sáng, khi vua thấy mình đang ở trong vườn thượng uyển, thì không biết bữa tiệc đêm qua là mộng ảo chiêm bao hay là có thật. Nhưng từ đấy, mỗi khi rằm tháng Tám đến thì dân gian đều ăn mừng một lễ hội tưng bừng để thưởng thức ánh trăng rằm. Và cũng từ ấy, một vũ khúc mới, được gọi là Khúc Nghê Thường, cũng xuất hiện trong nghệ thuật cung đình dựa theo điệu múa mà Vua Đường đã thưởng thức trên Cung Quảng. Có truyền thuyết cho rằng có một tiên ông đã làm phép tạo ra chiếc cầu bắc lên cung trăng cho vua Đường du nguyệt điện, và rằng đích thân vua Đường đã "design" kiểu áo theo kiểu mà vua thấy cung nữ trên Cung Quảng mặc, và cũng đích thân vua đã dạy cho các cung nữ trần thế của mình múa Khúc Nghê Thường này.

        Quý độc giả thân mến,

        Nhiều thế kỷ trôi qua trong lịch sử nhân loại và ánh trăng huyền diệu của những đêm trăng tròn khiến cung trăng là niềm khao khát mà con người mơ ước được đặt chân đến. Mãi cho đến năm 1969, trong chương trình khám phá vũ trụ không gian của Hoa Kỳ, phi thuyền Apollo 11 đã thật sự đáp xuống mặt trăng. Có lẽ quý thính giả vẫn còn nhớ tên của phi hành gia đã đặt những bước chân đầu tiên lên mặt trăng, đi thăm Cung Quảng của chị Hằng.

        Từ ấy đến nay đã 40 năm trôi qua, và tính tổng cộng thì đã có 12 phi hành gia đặt chân lên mặt trăng. Tuy nhiên, chương trình đổ bộ lên mặt trăng đã chấm dứt từ tháng 12 năm 1972, và phi hành gia cuối cùng nói lời từ biệt với chị Hằng trên Cung Quảng là Eugene Cerman. Trong số 12 phi hành gia này, người trẻ tuổi nhất là phi hành gia Charles Duke trên phi thuyền Apollo 16. Năm 1972 khi đặt chân lên mặt trăng thì ông được 36 tuổi rưỡi. Người lớn tuổi nhất là phi hành gia Alan Shepard trên phi thuyền Apollo 14. Ông đặt chân lên mặt trăng vào tháng 2 năm 1971 vào lúc ông 47 tuổi.

        Quý độc giả thân mến,

        Cho dù khoa học đã chứng minh rằng mặt trăng không thơ mộng như con người lầm tưởng, mà chỉ là một hành tinh khô hạn, thì Tết Trung Thu vẫn là một lễ hội tưng bừng được nhiều người ưa thích, nhất là giới sản xuất bánh Trung Thu và các cửa hàng bán lẻ. Ngày nay, ánh đèn điện của các đô thị và kiến trúc tân kỳ đã làm mất đi vẻ đẹp của ánh trăng thu vằng vặc, và trẻ con cũng không còn được phép thắp những ngọn nến xinh xắn vào chiếc lồng đèn của mình vì sợ cháy nhà. Tuy nhiên, Trung Thu vẫn là một lễ hội để mọi người dành thì giờ với gia đình và bạn bè.

        Thức ăn chính của Tết Trung Thu là Bánh Trung Thu. Có hai loại bánh Trung Thu phổ biến, là bánh nướng và bánh dẻo. Nhân bánh Trung Thu lại được chế biến và thêm thắt theo thời gian cùng với tài khéo léo và óc sáng tạo của các nhà sản xuất. Vì thế, hiện nay thị trường Bánh Trung Thu rất đa dạng với nhiều loại nhân khác nhau. Chúng ta có thể chọn loại bánh nướng có nhân đậu xanh, khoai môn, đậu đỏ, thập cẩm, hạt sen, một lòng đỏ trứng vịt muối hay hai trứng. Chúng ta cũng có thể chọn loại nhân bánh có thịt gà quay hay thịt heo quay, có mứt bí và các loại hạt dẻo. Có loại bánh Trung Thu đắt tiền có nhân bằng vi cá hay yến, bào ngư hoặc chỉ đơn giản có hương vị trà xanh green tea.

        Ngày nay, nhiều nhà sản xuất bánh Trung Thu còn đi xa hơn nữa để đánh vào thị hiếu của các khách hàng trẻ tuổi, nhất là giới nhi đồng, bằng cách làm các loại bánh Trung Thu có nhân chocolate, custard, trái cây miền nhiệt đới, hoặc ice-cream. Họ còn vượt xa hình dạng vuông vắn của bánh Trung Thu cổ truyền bằng cách làm bánh Trung Thu có hình Hello Kitty, Winnie the Pooh và các nhân vật dễ thương khác của Disneyland.

        Quý độc giả thân mến,

        Chỉ khoảng hai thế kỷ trước thôi, con người chưa bao giờ có thể tưởng tượng mình đi đến mặt trăng, nhưng bây giờ người ta đã nói đến chuyến đi lên những hành tinh xa hơn trái đất nhiều năm ánh sáng. Càng khám phá vũ trụ bao la, con người càng thấy mình nhỏ bé. Sự hiểu biết về vũ trụ bao la cho con người chúng ta thấy Đấng Tạo Hóa là vĩ đại đến dường bao, và trí hiểu biết của con người thật là hạn hẹp.

        Ngày Tết Trung Thu năm nay, nếu có cơ hội ngồi ngắm trăng với gia đình và bạn bè, quý thính giả có tự hỏi mình đang ở đâu trong thế giới bao la vô tận này, và lý do tại sao chúng ta tồn tại, mục đích đời sống của chúng ta là gì, sau khi qua đời thì chúng ta sẽ đi về đâu… Chúng tôi ước mong quý độc giả sẽ tìm được câu trả lời qua những chương trình phát thanh của chúng tôi vào thứ Bảy mỗi tuần. Kính chúc quý thính giả một mùa Trung Thu bình an, vui vẻ bên những người thân yêu của mình


Ngọc Diệp
Nguồn: phtthanhhyvong.com

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!