KỸ NĂNG CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO TRẺ CƠ ĐỐC
Người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc có tài mà không có ơn như con dao sắc mà không có cán, dễ gây tổn thương cho mình và người khác. Ngược lại, người có ơn mà không có tài như con dao cùn, không thể thực hiện hết trách nhiệm được giao phó.
Loài người khác biệt với tất cả muôn loài vạn vật, vì loài người có linh hồn và suy nghĩ. Bởi vậy, ngoài ơn mà Chúa ban cho mỗi người, thì người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc cũng cần phải trao dồi kỹ năng đã được hình thành một cách có ý thức qua quá trình luyện tập trên tinh thần “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13). Những kỹ năng của người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc phải được xây dựng qua các mối quan hệ hằng ngày với Đức Chúa Trời; gia đình; Thầy; bạn; và những người dạy dỗ, dìu dắt mình. Mối quan hệ đầu tiên phải nói đến là:
1/ VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI:
Mặc dù đã là người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc, thì cũng không thể từ chối trách nhiệm mình là con cái Đức Chúa Trời, nên cần phải tiếp nhận tình yêu của Ngài trên tinh thần biết ơn. Nghĩa là cần tôn Chúa làm chủ cuộc đời mình. Bởi lẽ, chính Chúa đã chọn và lập nên người lãnh đạo trẻ rồi Ngài giao cho mỗi người bầy chiên mà Chúa đã mua bằng một giá rất cao là huyết của Đức Chúa Giê-xu Christ đổ ra trên Thập Tự Giá. Nếu người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc không tiếp nhận và biết ơn về tình yêu thương của Chúa thì cũng không thể nào có năng lực để yêu bầy chiên mà Chúa đã giao cho chúng ta chăm sóc, vì “Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước” (I Giăng 4:19).
Mối quan hệ với Đức Chúa Trời qua việc phải trau dồi tình yêu thương và lòng biết ơn đối với Chúa mật thiết, cá nhân đúng hẹn với Ngài mỗi ngày. Điều sai lầm mà người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc vô tình thường mắc phải là làm nhiều việc cho người khác, thăm viếng, chăm sóc, chuyên tâm soạn bài giảng cho người khác mà chính mình lại không có thời gian riêng tư với Chúa qua thì giờ đọc, học, suy gẫm và thực hành lời Chúa. Giảng và Sống phải trở thành nguyên tắc và kỹ năng đầu tiên của người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc. Chính mình hãy đến đồng cỏ xanh tươi, mé nước bình tịnh để có được những bài giảng “Sống”, những món ăn thuộc linh đầy đủ chất chứ không phải là những món ăn nhanh (fast-food) không đủ chất, là những thức ăn tiềm ẩn những mầm mống ung thư thuộc linh về lâu dài. Đây chính là kỹ năng đầu tiên mà người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc cần có và chắc chắn sẽ có nếu thực hiện đúng nguyên tắc. Kỹ năng này giúp người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc trở thành những “ống dẫn tốt” cho Chúa. Mối quan hệ thứ hai đó là
2/ VỚI GIA ĐÌNH:
Gia đình được ví như một phòng thí nghiệm, mỗi người ví như là một nhà khoa học trong phòng thí nghiệm ấy. Gia đình là nơi nương náu, nơi an toàn để người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc thực hành việc lắng nghe, yêu thương, tha thứ, giải quyết các xung đột và chia sẻ cho nhau. Có thể lắm lúc thành công, cũng có khi thất bại để rồi rút tỉa kinh nghiệm cho những hành động kế tiếp. Gia đình là thao trường để chuẩn bị cho người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc tự tin đối mặt với một chiến trường ác liệt chính là thế giới đầy bất an mỗi ngày, nơi đó sự thất bại cần phải được hạn chế đến mức tối thiểu.
Người lãnh đạo tốt, trước tiên phải là người phục vụ tốt trong gia đình theo gương lãnh đạo của Chúa Giê-xu “Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình” (Giăng 10:11). Đó không chỉ là kỹ năng phải được trau dồi mà còn là trách nhiệm Chúa giao phó cho người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc tại gia đình. Người xưa có câu “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” nghĩa là muốn làm việc lớn thì việc trong gia đình phải ổn định trước. Hay là câu “Trong nhà mới ra ngoài đường” phải lo cho gia đình mình ổn định nghiêm túc, nền nếp thì mới làm việc khác tốt được.
Người lãnh đạo trẻ dù có tài đến đâu cũng không thể tự mình thực hiện tất cả mọi công việc, nhưng cần có sự đồng công giúp đỡ của những người khác. Nhưng làm sao để người khác cùng phục vụ với chúng ta? Chính Chúa Giê-xu đã đưa ra một nguyên tắc bất di bất dịch qua mọi thời đại “Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ” (Ma-thi-ơ 7:12). Đây cũng là kỹ năng thứ hai mà người lãnh đạo Cơ Đốc cần thực hiện thường xuyên để trở thành một thói quen từ trong gia đình. Có thể xem đây là kỹ năng cộng hưởng nhằm mục đích truyền tinh thần phục vụ đến những người xung quanh. Mối quan hệ thứ ba là
3/ VỚI NGƯỜI DẪN DẮT MÌNH:
Tất cả các nhà lãnh đạo đều cần phải tìm cho mình người dìu dắt. Đó phải là những người từng trải, đặt biệt trên phương diện lãnh đạo phải hơn chúng ta. Bởi lẽ, họ có thể chuyển giao cho chúng ta những điều đã học được trên con đường chức vụ của họ. Trong mối quan hệ này giúp cho người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc kỹ năng thứ ba đó là “đứng trên chân những người khổng lồ”.
Hãy tận dụng và tiết kiệm thời gian cho sự thành công hơn là tiếp tục đi vào con đường thất bại mà người hướng dẫn của mình đã trải qua. Để đạt được kỹ năng này thì người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc cần phải có tinh thần khiêm nhường, hạ mình sẵn sàng lắng nghe và tiếp nhận những lời khuyên chân thành, dù nhiều lúc có phần đắng cay, chua chát.
Cho dù đang là người lãnh đạo trẻ thì kỹ năng khiêm nhường, lắng nghe và tiếp thu ý kiến hay từ người lãnh đạo đi trước vẫn là điều quan trọng, và không thể thiếu để đưa đến thành công. Có nhiều người lãnh đạo đi trước chúng ta trong chức vụ mình, nhưng người hướng dẫn mình góp ý cho chúng ta phải là người có các phẩm chất: tin kính Chúa, khách quan, trung thành, chân thực, dấn thân, khích lệ tạo mọi cơ hội cho người trẻ dự phần làm việc.
Kỹ năng thứ ba này sẽ giúp cho người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc đạt được điều mà tiên tri Ê-li-sê cầu xin nơi thầy của mình là tiên tri Ê-li “Ê-li nói với Ê-li-sê rằng: Hãy xin điều ngươi muốn ta làm cho ngươi, trước khi ta được cất lên khỏi ngươi. Ê-li-sê thưa rằng: Nguyền xin thần của thầy cảm động tôi được bội phần” (II Các Vua 2:9). Kỹ năng này chính là đòn bẩy đưa người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc lên những tầm cao mới trong chức vụ. Mối quan hệ thứ tư đó là
4/ VỚI BẠN ĐỒNG LAO:
Một nan đề đặt ra là: người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc ngày nay có người bạn đồng lao trong chức vụ hay không? Người bạn này hiểu mình cùng chia sẻ với mình trong những khó khăn thử thách. Câu trả lời cho câu hỏi này thường là “ai riêng phận nấy, không ai đáng tin cả, chính mình phải giữ lấy mình, kẻ thù không đâu xa mà chính là người bạn thân nhất…”
Tuy nhiên, kỹ năng thứ tư mà người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc cũng không thể thiếu là có lòng tin để chọn người bạn tâm phúc bên cạnh. Kinh Thánh cho biết: “Người nào được nhiều bằng hữu sẽ làm hại cho mình; Nhưng có một bạn tríu mến hơn anh em ruột” (Châm ngôn 18:24). Chính người bạn đồng lao thiết hữu đó sẽ thúc đẩy chúng ta giữ vững kết ước giữa Đức Chúa Trời và với tha nhân. Họ sẽ là động cơ, mục tiêu, tính cách và cũng là nguồn tạo nên các mối quan hệ khác cho chúng ta.
Nhưng đâu là tiêu chuẩn để chọn một người bạn tâm giao, một anh em đồng lao thật sự? Người bạn phải có các phẩm chất:
+Thật lòng tin kính Chúa, thể hiện qua nếp sống mỗi ngày và lời chứng mọi người;
+Tra xét (đặt câu hỏi giúp chúng ta nhận ra nhu cầu của bản thân mình);
+Chân thật (họ phải thành thật với các nhược điểm chính họ và của chúng ta);
+Kích thích (họ giúp chúng ta vươn lên những tầm cao mới trong chức vụ lãnh đạo, nhưng không ghen tỵ hay đố kỵ);
+Đáng tin (họ luôn nghĩ và làm theo lẽ phải, sẵn sàng giúp chúng ta đưa ra những phương án đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta).
*Tựu chung, người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc muốn thành công cần có kỹ năng nhìn người, có lòng tin để chọn cho mình người bạn thật trong Chúa theo tiêu chuẩn: “Bằng hữu thương mến nhau luôn luôn;và anh em sanh ra để giúp đỡ trong lúc hoạn nạn” (Châm Ngôn 17:17). Mối quan hệ thứ năm là
5/ VỚI NGƯỜI KẾ VỊ:
Kỹ năng thứ năm, cũng là trách nhiệm mà người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc cần phải thau dồi đó là: môn đệ hóa. Đây cũng chính là điều Chúa Giê-xu đã thực hiện và trọng trách Ngài giao phó cho chúng ta, đặc biệt là người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc “hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi…” Ma-thi-ơ 28:19-20a).
Đây là kỹ năng huấn luyện và dùng người mà người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc cần phải biết và thực hiện “Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác” (II Ti-mô-thê 2:2). Để có những người cùng làm việc với mình cần phải nhờ sự khôn ngoan và sáng suốt từ Chúa để chọn những người trung thành và có tài dạy dỗ.
Ngoài việc có người bạn thiết hữu bên cạnh giúp đỡ thì người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc cần chọn người, và huấn luyện để giao phó trách nhiệm như tấm gương của Môi-se. Dù ông có A-rôn bên cạnh, nhưng ông vẫn nghe và tiếp thu ý kiến của ông gia Giê-trô “Bây giờ, hãy nghe cha khuyên con một lời, cầu xin Đức Giê-hô-va phù hộ cho. Về phần con, hãy làm kẻ thay mặt cho dân sự trước mặt Đức Chúa Trời, và đem trình mọi việc cho Ngài hay”; “Nhưng hãy chọn lấy trong vòng dân sự mấy người tài năng, kính sợ Đức Chúa Trời, chân thật, ghét sự tham lợi, mà lập lên trên dân sự,… con chắc sẽ chịu nổi được, và cả dân sự nầy sẽ đến chỗ mình bình yên” (Xuất Ê-díp-tô Ký 18:19-23).
Trong kỹ năng này người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc cần áp dụng bốn kỹ năng trên thì chắc chắn trong ơn Chúa ban cho sẽ đạt được những thành công trong chức vụ mà Chúa giao phó.
Tóm lại, năm kỹ năng mà người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc cần trau dồi đó chính là:
+Giảng và Sống trong mối liên hệ mật thiết với Chúa mỗi ngày;
+Luôn đi đầu trong tinh thần phục vụ từ gia đình đến Hội Thánh và ngoài xã hội;
+Khiêm nhường, hạ mình, lắng nghe, tiếp thu và thay đổi nếu điều đó là đúng;
+Có lòng tin để chọn người tâm phúc giúp đỡ và khích lệ mình trong chức vụ.
+Chọn nhiều người tài, được ơn để huấn luyện và giao phó trọng trách trên tinh thần thực hiện bốn kỹ năng trước.
Người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc cần áp dụng năm kỹ năng này vào cuộc sống hàng ngày kết hợp với ân tứ Chúa ban cho trong chức vụ lãnh đạo thuộc thể và thuộc linh, hầu cho khi gặp Chúa được Ngài khen là “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi” (Ma-thi-ơ 25:23)./.
Ti-mô-thê Tạ
Nguồn: httlvn.org
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com