Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

THƠ: Xin Quăng Con Xuống Biển

Xin Quăng Con Xuống Biển
Đoạn họ bắt Giô-na, quăng xuống biển, thì sự giận dữ của biển yên lặng. (Giô-na 1:15) 

Thuyền Hội Thánh của Việt Nam yêu dấu, 
Ðang chòng chành bởi cơn lốc tâm linh. 
Bởi Satan mở chiến dịch vô hình, 
Ðem bão tố xé tan buồm hiệp nhất. 

Thuyền Hội Thánh của Việt Nam sóng ngập, 
Nước tràn đầy bởi tội lỗi, ganh tương. 
Bởi đắng cay cằn cựa những thánh đường, 
Bởi gió chướng hận thù nghiêng bánh lái. 

Hỡi Chúa! con, một Giô-na thời đại, 
Xin cúi đầu, xin sám hối ăn năn . 
Xin quăng con xuống biển lớn sóng gầm 1 
Cho chìm ngập nát tan hồn thân xác. 

Xin quăng con, chìm sâu trong sóng bạc, 
Ðể thấy mình nhỏ bé trước đại dương. 
Ðể rong rêu phủ ngập cả thịt xương, 2 
Ðể cảm nhận những hư danh vô nghĩa. 

Quăng xuống biển, không cần chôn nghĩa địa, 
Xác thân nầy tiếp giáp với quê hương. 
Ðể cầu mong nguồn ân sủng thiên đường, 
Sẽ tuôn chảy dòng hải lưu linh phúc. 

Quăng xuống biển, tan theo dòng sóng nước, 
Bốc hơi về tụ thành khối mây bay. 
Ðể mưa trên vùng đất Việt sầu cay, 
Ðể mạ lúa tươi xanh màu linh khiết. 

Tạ ơn Chúa tình yêu Ngài siêu việt, 
Cứu thân hồn khỏi sóng quỷ gió ma. 
Thắng kình ngư mở miệng cá gian tà, 
Qua Linh Chúa biển trần con vượt thoát. 

Bên bờ đá biểnThái Bình bát ngát, 
Sóng yên rồi thuyền lộng gió lướt nhanh. 
Việt Nam ơi, thuyền cứu rỗi Tin Lành, 
Xin gởi đến niềm tin yêu nồng thắm. 

Kia lớp lớp buồm thiên ân ngàn dặm, 
Trắng chân trời đang lộng gió linh năng. 
Vượt đại dương đem nguồn sống vĩnh hằng, 
Bên kia biển, trời quê hương bừng sáng. 

THANH HỮU

1. Giô-na 1:12
2. Giô-na 2:6

Nguồn: vietchristian.com

Kết thúc tù đày

KẾT THÚC TÙ ĐÀY

 
                    Giê-rê-mi 52:31

                    Sau khi Giê-hô-gia-kin, cựu hoàng Giu-đa, bị lưu đày ba mươi bảy năm, Ê-vinh Mê-rô-đắc, vua Ba-by-lôn lên ngôi. Ngày hai mươi lăm tháng chạp, năm vua lên ngôi, vua ra lệnh ân xá và thả Giê-hô-gia-kin, cựu hoàng Giu-đa ra khỏi ngục.

                    Vua Giê-hô-gia-kin đã làm phu tù tại Ba-by-lôn trong ba mươi bảy năm. Ông cha cai trị tại Giu-đa ba tháng trước khi người Ba-by-lôn bắt ông đi phu tù. Mặc dầu ông là một vị vua gian ác, Giê-hô-gia-kin cũng được ở giữa vòng những trái vả tốt mà Chúa hứa ban phước (Giê-rê-mi 24:1-6).

                    Sớm muộn gì những thế lực chính trị cũng qua đi. Nê-bu-cát-nết-sa cũng không được miễn trừ. Trong thời trị vì lâu dài của mình, Nê-bu-cát-nết-sa không bao giờ nghĩ đến việc tha Giê-hô-gia-kin. Cuối cùng khi Nê-bu-cát-nết-sa qua đời, Ê-vinh Mê-rô-đắc lên làm vua và bày tỏ lòng nhân từ đối với Giê-hô-gia-kin mà trước đây không hề thấy nơi vua Nê-bu-cát-nết-sa.

                    Ê-vinh Mê-rô-đắc là một trong các con trai của Nê-bu-cát-nết-sa. Theo sử gia Giô-sa-phus, Ê-vinh Mê-rô-đắc là một vị vua không ra gì, cai trị rất bạo lực và vô luật pháp. Ông đã bị ám sát chỉ sau một thời gian ngắn. Tuy vậy, Ê-vinh Mê-rô-đắc lại có tinh thần trách nhiệm chỉ trong một trường hợp và điều này khích lệ các thế hệ tương lai của dân sự Đức Chúa Trời, đó là buông tha Giê-hô-gia-kin khỏi tù đày. Có lẽ Ê-vinh Mê-rô-đắc đã ra lệnh tha Giê-hô-gia-kin vào ngày thứ hai mươi lăm, nhưng mãi cho đến ngày thứ hai mươi bảy Giê-hô-gia-kin mới ra chầu vua (IIVua 25:27).

                    Việc giải phóng Giê-hô-gia-kin là hình bóng về việc trả tự do cho tất cả những phu tù Giu-đa đang bị lưu đày tại Ba-by-lôn. Giê-rê-mi đã hứa rằng Chúa sẽ gom dân tộc tan lạc này (31:10). Dòng dõi Giu-đa sẽ trở về trên vùng đất của họ (31:17).

                    Cuối cùng, khi dân sự trở về Giu-đa, cháu nội của Giê-hô-gia-kin là Xô-rô-ba-bên đã trở thành tổng trấn. Nhưng Xô-rô-ba-bên không bao giờ được gọi là vua, vì trước đây Giê-rê-mi đã nói tiên tri rằng Giê-hô-gia-kin đã bị ném ra khỏi Giụ-đa (22:28). Giê-rê-mi cũng rao giảng rằng Giê-rê-mi sẽ là người không có con cái, vì sẽ không có ai trong đòng dõị Giê-hô-gia-kin ngồi trên ngôi Đa-vít (22:30).

                    Mẹ Chúa Giê-xu là bà Mạ-ry không phải là dòng dõi của Giê-hô-gia-kin. Dòng dõi của bà là Na-than con trai Đa-vít (Lu-ca 3:31). Tùy vậy, dòng dõi của Giô-sép qua Sa-lô-môn con trai Đa-vít (Ma-thi-ơ 1:6-7). Giô-sép là một trong các con cháu của Giê-hô-gia-kin (Ma-thi-ơ 1:12). Qua Chúa Giê-xu, lời rủa sả về dòng dõi Giê-hô-gia-kin được cất đi!

                    Hãy giải thích Chúa Giê-xu đã cất đi sự rủa sả của luật pháp và cho bạn được tự do thế nào?

David Coldwel
Nguồn: cdnvn.com

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

Đứa trẻ lớn chậm


                Danh chỉ mới năm tuổi và sắp sửa đi lớp mẫu giáo. Nó chỉ là một thằng nhóc bé tí, còn nũng nịu bên mẹ, còn vòi vĩnh lắm điều. So với đám bạn cùng tuổi trong cái vườn trẻ này Danh ăn nói còn giống “em bé” lắm, tay chân thì vụng về, chưa được ăn khớp nhiều với nhau. Một ngày Danh khóc tới ba hay bốn lần lận; cái đám bạn trong lớp thấy Danh còn “baby” quá nên cũng thường cũng ưa lợi dụng nó lắm. Tuy vậy, một nhà tâm lý học chuyên về con nít hay một bác sĩ nhi đồng cũng sẽ chứng nhận là Danh chẳng hề bệnh tật gì, mà cũng chẳng mắc phải hội chứng “khờ” nữa; nó chỉ tiến triển hơi chậm hơn một chút trong cái thời khóa biểu tâm sinh lý khi so với đại đa số những đứa bé cùng tuổi khác.
                Dầu vậy, thì cái ngày sinh nhật lên năm tuổi của Danh đã đến, mà ai ai cũng biết rằng, hễ đứa nào khi lên năm tuổi là phải đi học mẫu giáo thôi. Danh cũng mong đợi được đi học mẫu giáo, nhưng trong lòng thì cũng hơi lo lo về cái thử thách mới mẻ này. Nó biết mẹ nó lo lắng không biết nó học hành ra sao trong lớp mẫu giáo, mặc dầu nó chẳng hiểu tại sao mẹ phải lo như vậy. Còn ba nó có dặn dò với nó rằng, nếu nó không học hành cho đàng hoàng, thì cuộc đời nó chỉ là một sự thất bại.
                Với cái đầu óc non nớt, Danh không biết chắc thất bại là cái gì, nhưng nó cũng không muốn trở nên cái thất bại mà ba nó đã nói. Ba mẹ nó mong đợi nó làm một cái gì đó thật giỏi giang và nó cũng hy vọng là không làm ba mẹ phải thất vọng. Chị của nó là Thảo đang học lớp hai và chị học cũng giỏi lắm. Chị Thảo đã đọc và viết được rồi; chị còn thuộc hết tên của bảy ngày trong tuần. Danh ước mong nó cũng sớm biết đọc, biết viết và nhớ hết tên các ngày trong tuần giống như chị Thảo.
                Cái lớp học mẫu giáo sao trở nên yên bình đối với Danh. Nó cỡi xe đạp ba bánh, rồi chơi kéo xe, rồi tháo gỡ cái đồng hồ đồ chơi với những con số thật to trên mặt. Nó thích chơi một mình thật lâu, nhưng với điều kiện là cô giáo Lan ở lẩn quẩn đâu đó bên cạnh. Đối với cô giáo Lan, thật chẳng chối cãi vào đâu được, là Danh chưa kịp lớn và chưa sẵn sàng để lên lớp một. Cô đã nói với ba mẹ Danh về chuyện này, cũng như đề nghị hoãn cho Danh một năm, để nó ở lại mẫu giáo thêm một năm nữa.
                Khi nghe lời đề nghị này, ba của Danh đã tỏ ý bất bình:
                - Học rớt mẫu giáo hả? Làm sao một học sinh có thể học rớt mẫu giáo được? Làm sao trên đời này có ai mà học rớt lớp mẫu giáo?
                Cô Lan cố gắng giải thích cho ba Danh hiểu là nó không hề học rớt lớp mẫu giáo. Nó chỉ cần thêm một năm nữa để đủ phát triển, để sẵn sàng lên lớp một, có vậy thôi. Tuy vậy, lời đề nghị của cô Lan đã khiến ba Danh nỗi cơn thịnh nộ:
                - Nó đã sáu tuổi đầu rồi, còn gì nữa. Nó phải học đọc và học viết ngay bây giờ. Đến tuổi này mà còn kéo xe vòng vòng dọc đất dọc cát lấm lem thì có ích lợi gì chứ? Cho nó lên lớp một đi!
                Cô Lan và cô hiệu trưởng trường mẫu giáo đành phải miễn cưỡng làm theo lời ba Danh. Tháng chín sau đó, Danh kẹp cái túi đồ ăn có in hình con chuột Mickey và bước những bước chập chững đi học lớp một. Ngay từ buổi học đầu tiên, Danh đã gặp trở ngại trong việc học và chuyện đọc chữ là trở ngại lớn nhất của nó. Khi cô giáo lớp một, cô Hồng, bắt đầu dạy các chữ cái cho lớp, thì Danh chợt nhận ra rằng, đại đa số các bạn đều đã học và biết trước hết rồi. Danh phải học đuổi một chút thì cũng được thôi. Thế nhưng liền sau đó, cô Hồng cho lớp học tới những điều mới khác. Cô muốn dạy các em ghép hai chữ cái lại với nhau, một phụ âm, một nguyên âm, rồi học cách phát âm chúng ra sao. Ngay lập tức, Danh lại bị bỏ rơi, để càng ngày càng bị các bạn bỏ xa ở phía sau.
                Chẳng bao lâu sau đó, cả lớp đã bắt đầu đọc những câu chuyện ngắn với những tình tiết thật hấp dẫn. Có vài đứa trong lớp đã đọc làu làu, ấy vậy mà Danh vẫn còn mày mò với các mẫu tự ABC. Cô Hồng chia lớp làm ba nhóm đọc truyện, dựa theo khả năng của các học sinh. Để che đậy sự phân biệt là nhóm này đọc chậm hơn nhóm kia, cô đã khéo léo ngụy trang cho mỗi nhóm với những tên khác nhau, như là nhóm “con cọp”, nhóm “con sư tử” và nhóm “con hưu cao cổ”. Mặc dầu cô đã làm với dụng ý tốt, nhưng sự sắp xếp của cô không đánh lừa được ai. Chỉ cần vài tích tắc là đám học sinh lớp một nhận ra ngay là nhóm “con hưu cao cổ” là nhóm tệ hại nhất. Danh bắt đầu lo lắng vì nó không tiến bộ được chút nào, và cái cảm tưởng day dứt này cứ giày vò luôn trong tâm trí nó. Nó thắc mắc không biết cái gì trục trặc với bản thân nó.
                Trong buổi họp giữa thầy cô và phụ huynh trong tháng mười, cô Hồng đã kể cho ba mẹ Danh về những khó khăn của nó trong lớp học. Cô kể về sự non nớt của Danh, rằng Danh thiếu khả năng để tập trung, không thể ngồi lâu được trong lớp. Danh thường ra khỏi chỗ ngồi trong suốt thời gian trong lớp.
                Sau khi nghe cô Hồng thuật lại, ba Danh liền “phản pháo”:
                - Thật là nhảm nhí! Cái mà con nít cần là phải rèn tập thường xuyên hơn nữa.
                Ông khăng khăng bắt Danh phải mang sách vở bài làm về nhà, để ba và con ngồi lại với nhau, mà học thêm ở nhà. Nhưng bất cứ điều gì Danh làm đều khiến ông phát cáu lên. Cái đầu óc trẻ con của Danh cứ đi thơ thẩn ở đâu đó, khiến nó vội quên những gì mà ba nó dạy dỗ nó chỉ vài phút trước đó. Khi mà nỗi bực tức của ba Danh đã dồn ứ lên, thì khả năng thu thập của Danh cũng chậm hẳn lại. Đến một lúc, khi đã hết chịu đựng được hơn nữa, ba Danh đã đập mạnh tay xuống bàn và gằn giọng:
                - Con có tập trung đầu óc con lại được không! Đến lúc con phải chấm dứt tình trạng NGU NGỐC của con, biết chưa!
                Danh không bao giờ quên những lời đánh giá nhọn như dao xuất phát từ miệng ba nó.
                Sau những ngày đầu của lớp một, với bao cố gắng mà không có hiệu quả, Danh đã không còn màng gì đến chuyện học hành nữa. Ngồi trong lớp mà nó cứ nhìn ra ngoài cửa sổ. Nó lấy bút chì vẽ nguệch ngoạc trên giấy. Nó huýt gió rồi ngồi chơi nhởn nhơ một mình. Vì Danh không đọc được, mà cũng chẳng đánh vần được, hay cũng không viết được, nên nó chẳng giao thiệp hay làm bạn với đứa nào trong lớp. Nó chẳng tham dự trong lớp học, cảm thấy chán ngắc, mà cũng chẳng màng đến chuyện gì xảy ra chung quanh. Nó cảm thấy mình thật kỳ cục, thật chẳng giống ai hết.
                Có lần, cô giáo gọi:
                - Trò Danh, đứng dậy và đọc đoạn kế tiếp.
                Danh đứng dậy, không ngừng chuyển thân mình từ trái qua phải, trong khi cố gắng trong vô vọng, không biết phải đọc cái chữ đầu tiên ra sao. Đám con gái cười khúc khích, rồi Danh nghe một đứa con trai nói: “Đúng là đồ ngu!”. Sự khó khăn của Danh xuất phát từ tình trạng phát triển chậm hơn các em khác một chút, nay đã trở thành một trái bom nổ dữ dội, khiến Danh ghét cay ghét đắng trường lớp cùng thầy cô.
                Nỗi bi kịch của Danh là nó không cần phải gánh chịu nỗi sĩ nhục như vậy. Giá mà Danh chỉ cần ở lại lớp mẫu giáo một năm nữa là nó dư thời giờ để phát triển đầy đủ, dư thời giờ chuẩn bị để trở nên cứng cáp hơn, dư thời giờ để sẵn sàng theo đuổi việc học mà không gặp trở ngại gì khi bước vào lớp một. Giá mà ba Danh nghe lời cô Lan, cho Danh ở lại lớp mẫu giáo thêm một năm nữa, thì nó đâu phải rơi vào tình trạng khốn khổ, đến nỗi chán ghét việc học, mất đi lòng tự tin và cảm thấy tự ti mặc cảm như vậy.
                Các chuyên gia về nhi đồng đã khẳng định rằng, nếu chỉ căn cứ vào số tuổi không thôi, để quyết định cho con bắt đầu đi học ở trường hay không, có thể là một điều sai trật dẫn đến những hậu quả nguy hại và lâu dài về sau cho con trẻ. Cùng lên 6 tuổi một lúc, nhưng ở lứa tuổi này, các em có thể khác nhau một trời một vực về mức độ phát triển và trưởng thành. Cùng lên 6 tuổi, có em đã tinh khôn và lanh lợi, nhưng cũng có em vẫn còn rất “baby” giống như trường hợp của Danh. Hơn thế nữa, các em trai có khuynh hướng phát triển chậm hơn các em gái cùng tuổi khoảng sáu tháng. Giống như Danh, là một em bé trai mặc dầu đã lên 6 tuổi, đã đến tuổi bắt đầu lớp tiểu học, nhưng Danh còn cách xa các bạn cùng lớp một khoảng cách khá xa. Giá mà ba Danh thấu hiểu điều này. Giá mà mẹ Danh biết được tình trạng của nó, thì đâu đến nỗi nào…
                Thật vậy, các bậc cha mẹ có thể chọc giận con cái mình, không phải chỉ bằng những lời quát tháo nặng nề, nhưng cũng do những quyết định thiếu cảm thông và thiếu hiểu biết, như lời Kinh Thánh có nhắc nhở: “Hỡi những bậc làm cha mẹ, đừng đối xử với con cái mình khó khăn đến độ khiến chúng buồn giận, nhưng hãy trưởng dưỡng chúng trong khuôn phép và lời răn dạy của Chúa.” (Ê-phê-sô 6:4)
                Thân chúc quý vị và các bạn thành công trong thiên chức làm cha mẹ và tận hưởng món quà con cái mà Thiên Chúa ban cho.
 
Tùng Trân
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Chuyện Lứa Đôi (Bài 15)

THÔNG BÁO: Kể từ Chuyện Lứa Đôi (bài 15) Tổ Biên tập điều chỉnh lịch đăng tải như sau: 08h00 các ngày thứ 3 hằng tuần (thay vì 3, 5, 7 như trước đây). Và bây giờ, mời Quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi nội dung kỳ này:
Tại Sao Thanh Thiếu Niên Ngày Nay Dễ Ngã Vào Cám Dỗ Tình Dục?
     Trong đề tài chuyện lứa đôi kỳ trước chúng tôi có chia xẻ về 10 điều các bạn trẻ nên làm để tránh những nguy hiểm của cám dỗ tình dục. Trước khi trình bày chi tiết về những điều đó, chúng tôi xin nói qua về lý do hay nguyên nhân nào khiến các bạn trẻ ngày nay thường lâm vào chỗ có quan hệ tình dục với nhau trước ngày cưới hoặc với người chưa chắc sẽ là vợ hay chồng của mình. Khi biết rõ động cơ nào thúc đẩy hoặc biết rõ căn nguyên của nan đề chúng ta mới có thể giải quyết nan đề hoặc giúp các bạn trẻ tránh được tệ trạng này.
Tại sao người trẻ ngày nay dễ ngã vào cám dỗ tình dục?
     Josh McDowell, một mục sư chuyên về mục vụ hướng dẫn thanh thiếu niên, có viết một quyển sách tựa đề là "Why Wait?" Tạm dịch là tại sao chờ đến ngày cưới? Trong quyển sách này mục sư Josh McDowell nêu lên 5 lý do chính khiến các bạn thanh thiếu niên ngày nay xem thường vấn đề luân lý và không quyết tâm giữ đời sống trong trắng cho đến ngày lập gia đình. Năm lý do đó là:
1. Vì những yếu tố liên quan đến thể xác
2. Vì hoàn cảnh và ảnh hưởng của người chung quanh
3. Vì những yếu tố tâm lý
4. Vì yếu tố tình cảm
5. Vì yếu tố tinh thần và tâm linh
1. Lý do I: Vì những yếu tố liên quan đến thể xác
     Về phương diện thể xác, các bạn trẻ ngày nay dễ ngã vào cám dỗ tình dục vì nhiều lý do, trước hết vì ngày nay các em thanh thiếu niên bước vào tuổi dậy thì sớm hơn những thế hệ trước. Thứ hai là vì các em có bạn trai bạn gái quá sớm. Ngày trước đến 16, 18 có khi 20 tuổi các thanh niên thiếu nữ mới bắt đầu lớn và mới để ý đến người khác phái. Ngày nay các em 13, 14 tuổi đã phát triển và đã nghĩ đến chuyện bạn trai bạn gái. Khi các bạn trẻ yêu nhau quá sớm thường khó có thể giữ tình yêu của hai người được trong sạch cho đến khi cưới hỏi đàng hoàng. Một phần là vì còn quá nhỏ nên thiếu hiểu biết một phần vì thời gian chờ đợi quá lâu.
     Ngoài ra càng gặp gỡ nhau thường xuyên và càng gần gũi nhau nhiều, các bạn càng khó tránh cám dỗ về tình dục. Khi Đức Chúa Trời ban cho con người một nhu cầu trong đời sống, Ngài luôn luôn cung cấp một phương cách để đáp ứng nhu cầu đó. Chẳng hạn như nhu cầu về tình cảm và tình dục giữa hai người khác phái, đây là điều tốt đẹp và nơi để đáp ứng nhu cầu đó là trong hôn nhân, trong tình yêu giữa vợ và chồng. Khi hai người mới là bạn của nhau nếu không đặt giới hạn cho mối quan hệ của mình sẽ bị thu hút và muốn đi ra ngoài giới hạn. Một khi đã đi quá giới hạn, các bạn sẽ không tự chế được và cứ tiếp tục đi xa hơn. Mỗi lần gặp nhau, các bạn trẻ lại bị thu hút, bị cám dỗ đi xa hơn giới hạn của mình và cuối cùng là ngã vào tội lỗi.
     Lý do thứ ba liên quan đến yếu tố thể xác cũng là lý do nguy hiểm nhất, đó là có một số các bạn trẻ ngày nay nghĩ rằng có quan hệ tình dục khi chưa phải là vợ chồng là chuyện tự nhiên, bình thường, không luật lệ nào cấm điều đó. Đây là một quan niệm vô cùng sai lầm. Không những vì nó đi ngược lại với chương trình của Đấng Tạo Hóa nhưng nó sẽ mang lại nhiều nan đề cho người chủ trương như thế và gây ra nhiều nan đề cho xã hội. Là con người chúng ta không sống theo bản năng như những loài vật khác vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Chúa ban cho chúng ta trí khôn và ý chí đạo đức. Chúng ta biết điều nào quấy điều nào phải và có ý chí để chọn điều phải tránh điều quấy. Đó là đặc điểm cao quý của con người, chúng ta không thể vứt bỏ ý thức đạo đức để sống theo bản năng và nói rằng đó là điều tự nhiên.
     Cũng có người chủ trương rằng điều gì mang lại cho ta niềm vui sướng thỏa mãn thì ta cứ làm, không có gì là tội. Nếu chúng ta nghĩ rằng điều gì mình thích thì mình cứ làm, chúng ta sẽ mang lại những hậu quả đau thương cho chính mình và người chung quanh. Lời Chúa trong Thánh Kinh dạy rằng: "Hãy xem xét mọi việc, điều chi lành thì giữ lấy, bất cứ việc gì tựa như điều ác thì phải tránh đi" (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:21-22).
     Để tránh tệ trạng có quan hệ tình dục trước khi lập gia đình, đây là những điều các bạn có thể làm, hoặc quý vị phụ huynh có thể chia xẻ với con em trong gia đình để hướng dẫn các em: Khuyên con em nên chú tâm vào việc học hành, phát triển năng khiếu, đừng bắt chước bạn bè có bạn trai bạn gái quá sớm. Quý vị phụ huynh cũng cần nói cho con em trong gia đình biết về tiêu chuẩn đạo đức chung mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho con người, đó là quan hệ tình dục ngoài hôn nhân hay trước hôn nhân là phạm tội với Chúa và với người, là điều không thể chấp nhận được. Và điều thứ ba chúng ta có thể làm là các bạn trẻ có bạn khác phái nên cẩn thận khi tiếp xúc với nhau và quý vị phụ huynh cần để ý hướng dẫn con em của mình cách chu đáo hơn, cần đặt những luật lệ nghiêm khắc từ khi các em còn nhỏ. Đừng chờ khi con có bạn trai bạn gái rồi mới hốt hoảng cấm đoán điều này điều kia.
     Chúng ta cần dạy con em biết tiêu chuẩn của Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng nên chúng ta. Thánh Kinh dạy: "Ý muốn của Đức Chúa Trời là anh em phải sống thánh thiện, xa hẳn sự gian dâm; mỗi người phải giữ thân thể cho thánh khiết và đáng trọng, không buông thả theo nhục dục như những dân tộc ngoại đạo, không biết Đức Chúa Trời" (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-5). "Hãy tôn trọng hôn nhân, giữ lòng chung thủy và thánh sạch, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt người gian dâm, ngoại tình" (Hê-bơ-rơ 13:4).
Lý do II: Vì hoàn cảnh và ảnh hưởng của người chung quanh
1. Không được hướng dẫn trong tiêu chuẩn đúng
     Có một điều mà nếu quan tâm chúng ta đều nhìn thấy đó là các bạn thanh thiếu niên ngày nay đang chịu nhiều ảnh hưởng tai hại về đời sống đạo đức và luân lý. Nền tảng đạo đức và luân lý của bao nhiêu thế kỷ qua đang bị lung lay. Ngày nay một số người đã lìa bỏ nền tảng đạo đức chung để đi theo con đường riêng. Tại trường học, con em chúng ta được giáo dục về vấn đề tình dục, với mục đích để các em tránh bệnh tật và tránh có thai nhưng người ta không dạy các em rằng tình dục trước hôn nhân và ngoài hôn nhân là tội, là điều tuyệt đối phải tránh. Con em của chúng ta chịu ảnh hưởng của thầy giáo cô giáo và bạn bè nên có tiêu chuẩn đạo đức rất thấp. Sự giáo dục ở trường chẳng những không giúp ích mà còn khiến con em chúng ta thêm tò mò và muốn thử nghiệm những điều mình biết.
     Một nguy hại khác trong các xã hội của con người trong thời cuối cùng này là thuyết tương đối. Người ta không còn tin vào tiêu chuẩn tuyệt đối trong xã hội. Điều gì cũng có thể tha thứ có thể chấp nhận và vì thế không còn ranh giới phải quấy, thiện ác. Điều gì một người nghĩ là phải thì người đó có quyền làm. Có người nói: nếu bạn nghĩ rằng có quan hệ tình dục trước hôn nhân là điều quấy thì bạn tránh nhưng nếu bạn thấy đó không có gì sai thì bạn cứ làm, không ai có quyền lên án cả. Chủ thuyết tương đối đang ảnh hưởng mạnh mẽ trên người trẻ, khiến các bạn trẻ sống buông thả phóng túng không còn kỷ cương gì nữa.
     Một ngày nọ khi có dịp nói chuyện với một số thiếu nữ Việt Nam chưa lập gia đình, chúng tôi thật là bàng hoàng khi biết rằng những người trẻ Việt Nam chúng ta ngày nay xem chuyện có quan hệ tình dục với bạn trai bạn gái là chuyện bình thường. Có người còn cho như thế mới là văn minh, biết sống, biết vui hưởng đời sống. Tiêu chuẩn đạo đức của chúng ta thật đã hạ xuống quá thấp.
     Không những học đường, xã hội mà ngay cả gia đình cũng không cung ứng cho các bạn trẻ một tiêu chuẩn sống tốt đẹp. Sự đổ vỡ trong gia đình đã khiến các em thanh thiếu niên không có những gương tốt để noi theo. Cha mẹ và những người lớn chung quanh các em có đời sống buông thả, tội lỗi. Cha mẹ phạm tội ngoại tình, có những quan hệ không chính đáng với bạn khác phái. Vợ chồng bỏ nhau để chạy theo người tình, v.v... Bao nhiêu phụ huynh đã ngã vào tình dục và làm gương xấu cho con. Tất cả những điều đó khiến con em chúng ta hoang mang, không người hướng dẫn, không tiêu chuẩn đạo đức để noi theo. Rồi chính các em cũng đi tìm một nơi nương náu, một tình yêu cho chính mình, để rồi ngã vào cám dỗ một cách đau thương mà không một người nào đến cứu giúp.
     Thưa quý vị, trước những ảnh hưởng nguy hại của xã hội và học đường trên thanh thiếu niên, là cha mẹ, chúng ta cần bảo tồn hạnh phúc gia đình để con em chúng ta có một nơi nương tựa vững vàng. Chúng ta cần có đời sống đạo đức, theo tiêu chuẩn của Chúa để nêu gương mẫu cho con cái. Nhưng trên hết, chúng ta cần dâng gia đình chúng ta cho Chúa làm Chủ. Tình yêu của Chúa sẽ giúp chúng ta yêu thương nhau, hy sinh cho nhau, cho con cái, cho phúc lợi của người khác và chỉ có tiêu chuẩn của Lời Chúa mới có thể giúp chúng ta giữ đời sống trong sạch, đứng vững trước những cám dỗ của đời. Chúng tôi mời quý vị hãy đến với Chúa và đặt lòng tin nơi Ngài hôm nay (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin
Lành

Những Trái Lựu

NHỮNG TRÁI LỰU
 
              Giê-rê-mi 52:22-23
              Trên đầu cột có chóp đồng, cao khoảng hai mét rưỡi, chạm trổđường viền tinh vi hình mạng lưới và trái lựu toàn bằng đồng chung quanh chóp. Cột thứ nhì cũng y như vậy, chạm trổ hình trái lựu mỗi nửa mét chạm tám trái lựu, cứ thế suốt sáu mét. Thế là có chín mười sáu trái lựu, trên đường viền mạng lưới chung quanh chóp.

              Vợ tôi và tôi rất vui thích ngắm nhìn những trái đỏ đầu tiên xuất hiện trên cây lựu nhỏ mà chúng tôi trồng trước đây vài năm. Chúng tôi cứ để cho nó chín cây và đỏ mọng. Cuối cùng chúng tôi hái vào và cùng ăn với một trong các cô con gái, trái thật ngon.
Chúng ta thấy những trái lựu xuất hiện trên rất nhiều trang Kinh Thánh. Vùng đất mà Chúa hứa cho Môi-se là nơi đượm sữa và mật, gồm cả những trái lựu (Phục Truyền 8:8). Khi Môi-se sai những thám tử đi do thám xứ, họ đem về những trái nho, trái vả và những trái lựu (Dân số 13:23).

              Chúa ra lệnh cho Môi-se rằng áo lễ của thầy tế lễ thượng phẩm phải được viền bằng những trái lựu. Những trái lựu được may bằng vải màu xanh, tím và đỏ điều. Giữa những trái lựu là những chiếc chuông bằng vàng (Xuất 28:33-34). Vì thầy tế lễ thượng phẩm là người dâng những món quà và của tế lễ cho Chúa vì tội của dân sự (Hê-bơ-rơ 5:1), nên áo của thầy tế lễ thượng phẩm tượng trưng cho cuộc đời mà ông ta đem lại cho dân sự khi ông gặp gỡ Chúa.
              Người chồng ví sánh vợ mình như một vườn cây lựu là một lời khen ngợi vô cùng đặc biệt (Nhã ca 4:13). Cây lựu nở hoa vào mùa Xuân tạo nên một giây phút tuyệt vời (Nhã Ca 7:12). Nước ngọt của trái thạch lựu làm cho sảng khoái (Nhã Ca 8:2).
              Khi vua Sa-lô-môn xây đền thờ, những người thợ khéo đã chạm trổ hình trái lựu lên đầu của những trụ đồng chính (I Các vua 7:18-20). Tổng số của những hình trái lựu được chạm trổ chừng cỡ bốn trăm (I Các vua 7:42). Khi vua Ba-by-lôn phá hủy đền thờ, họ khiêng những miếng trụ đồng về Ba-by-lôn. Chiến lợi phẩm của họ bao gồm những trụ đồng đã đập bể vẫn còn hình trái lựu chạm trổ trên đầu trụ (II Các vua 25:13-17).
              Mặc đầu người Ba-by-lôn phá hủy đền thờ, nhưng những hình trái lựu chạm trổ vẫn còn  đó những trái lựu sẽ nhắc nhở dân Giu-đa lưu đày tại Ba-by-lôn rằng kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho họ cũng vẫn còn. Qua Chúa Giê-xu, Chúa ban cho một cuộc đời đáng giá được tượng trưng bằng những trái lựu. Bạn có thể vui hưởng cuộc đời như những trái lựu ngay hôm nay.
Hãy đùng ngôn ngữ của bạn mô tả biểu tượng về quả lựu khích lệ bạn nhử thế nào hôm nay?

 
David Coldwel
Nguồn: cdnvn.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!