Danh chỉ mới năm tuổi và sắp sửa đi lớp mẫu giáo. Nó chỉ là một thằng nhóc bé tí, còn nũng nịu bên mẹ, còn vòi vĩnh lắm điều. So với đám bạn cùng tuổi trong cái vườn trẻ này Danh ăn nói còn giống “em bé” lắm, tay chân thì vụng về, chưa được ăn khớp nhiều với nhau. Một ngày Danh khóc tới ba hay bốn lần lận; cái đám bạn trong lớp thấy Danh còn “baby” quá nên cũng thường cũng ưa lợi dụng nó lắm. Tuy vậy, một nhà tâm lý học chuyên về con nít hay một bác sĩ nhi đồng cũng sẽ chứng nhận là Danh chẳng hề bệnh tật gì, mà cũng chẳng mắc phải hội chứng “khờ” nữa; nó chỉ tiến triển hơi chậm hơn một chút trong cái thời khóa biểu tâm sinh lý khi so với đại đa số những đứa bé cùng tuổi khác.
Dầu vậy, thì cái ngày sinh nhật lên năm tuổi của Danh đã đến, mà ai ai cũng biết rằng, hễ đứa nào khi lên năm tuổi là phải đi học mẫu giáo thôi. Danh cũng mong đợi được đi học mẫu giáo, nhưng trong lòng thì cũng hơi lo lo về cái thử thách mới mẻ này. Nó biết mẹ nó lo lắng không biết nó học hành ra sao trong lớp mẫu giáo, mặc dầu nó chẳng hiểu tại sao mẹ phải lo như vậy. Còn ba nó có dặn dò với nó rằng, nếu nó không học hành cho đàng hoàng, thì cuộc đời nó chỉ là một sự thất bại.
Với cái đầu óc non nớt, Danh không biết chắc thất bại là cái gì, nhưng nó cũng không muốn trở nên cái thất bại mà ba nó đã nói. Ba mẹ nó mong đợi nó làm một cái gì đó thật giỏi giang và nó cũng hy vọng là không làm ba mẹ phải thất vọng. Chị của nó là Thảo đang học lớp hai và chị học cũng giỏi lắm. Chị Thảo đã đọc và viết được rồi; chị còn thuộc hết tên của bảy ngày trong tuần. Danh ước mong nó cũng sớm biết đọc, biết viết và nhớ hết tên các ngày trong tuần giống như chị Thảo.
Cái lớp học mẫu giáo sao trở nên yên bình đối với Danh. Nó cỡi xe đạp ba bánh, rồi chơi kéo xe, rồi tháo gỡ cái đồng hồ đồ chơi với những con số thật to trên mặt. Nó thích chơi một mình thật lâu, nhưng với điều kiện là cô giáo Lan ở lẩn quẩn đâu đó bên cạnh. Đối với cô giáo Lan, thật chẳng chối cãi vào đâu được, là Danh chưa kịp lớn và chưa sẵn sàng để lên lớp một. Cô đã nói với ba mẹ Danh về chuyện này, cũng như đề nghị hoãn cho Danh một năm, để nó ở lại mẫu giáo thêm một năm nữa.
Khi nghe lời đề nghị này, ba của Danh đã tỏ ý bất bình:
- Học rớt mẫu giáo hả? Làm sao một học sinh có thể học rớt mẫu giáo được? Làm sao trên đời này có ai mà học rớt lớp mẫu giáo?
Cô Lan cố gắng giải thích cho ba Danh hiểu là nó không hề học rớt lớp mẫu giáo. Nó chỉ cần thêm một năm nữa để đủ phát triển, để sẵn sàng lên lớp một, có vậy thôi. Tuy vậy, lời đề nghị của cô Lan đã khiến ba Danh nỗi cơn thịnh nộ:
- Nó đã sáu tuổi đầu rồi, còn gì nữa. Nó phải học đọc và học viết ngay bây giờ. Đến tuổi này mà còn kéo xe vòng vòng dọc đất dọc cát lấm lem thì có ích lợi gì chứ? Cho nó lên lớp một đi!
Cô Lan và cô hiệu trưởng trường mẫu giáo đành phải miễn cưỡng làm theo lời ba Danh. Tháng chín sau đó, Danh kẹp cái túi đồ ăn có in hình con chuột Mickey và bước những bước chập chững đi học lớp một. Ngay từ buổi học đầu tiên, Danh đã gặp trở ngại trong việc học và chuyện đọc chữ là trở ngại lớn nhất của nó. Khi cô giáo lớp một, cô Hồng, bắt đầu dạy các chữ cái cho lớp, thì Danh chợt nhận ra rằng, đại đa số các bạn đều đã học và biết trước hết rồi. Danh phải học đuổi một chút thì cũng được thôi. Thế nhưng liền sau đó, cô Hồng cho lớp học tới những điều mới khác. Cô muốn dạy các em ghép hai chữ cái lại với nhau, một phụ âm, một nguyên âm, rồi học cách phát âm chúng ra sao. Ngay lập tức, Danh lại bị bỏ rơi, để càng ngày càng bị các bạn bỏ xa ở phía sau.
Chẳng bao lâu sau đó, cả lớp đã bắt đầu đọc những câu chuyện ngắn với những tình tiết thật hấp dẫn. Có vài đứa trong lớp đã đọc làu làu, ấy vậy mà Danh vẫn còn mày mò với các mẫu tự ABC. Cô Hồng chia lớp làm ba nhóm đọc truyện, dựa theo khả năng của các học sinh. Để che đậy sự phân biệt là nhóm này đọc chậm hơn nhóm kia, cô đã khéo léo ngụy trang cho mỗi nhóm với những tên khác nhau, như là nhóm “con cọp”, nhóm “con sư tử” và nhóm “con hưu cao cổ”. Mặc dầu cô đã làm với dụng ý tốt, nhưng sự sắp xếp của cô không đánh lừa được ai. Chỉ cần vài tích tắc là đám học sinh lớp một nhận ra ngay là nhóm “con hưu cao cổ” là nhóm tệ hại nhất. Danh bắt đầu lo lắng vì nó không tiến bộ được chút nào, và cái cảm tưởng day dứt này cứ giày vò luôn trong tâm trí nó. Nó thắc mắc không biết cái gì trục trặc với bản thân nó.
Trong buổi họp giữa thầy cô và phụ huynh trong tháng mười, cô Hồng đã kể cho ba mẹ Danh về những khó khăn của nó trong lớp học. Cô kể về sự non nớt của Danh, rằng Danh thiếu khả năng để tập trung, không thể ngồi lâu được trong lớp. Danh thường ra khỏi chỗ ngồi trong suốt thời gian trong lớp.
Sau khi nghe cô Hồng thuật lại, ba Danh liền “phản pháo”:
- Thật là nhảm nhí! Cái mà con nít cần là phải rèn tập thường xuyên hơn nữa.
Ông khăng khăng bắt Danh phải mang sách vở bài làm về nhà, để ba và con ngồi lại với nhau, mà học thêm ở nhà. Nhưng bất cứ điều gì Danh làm đều khiến ông phát cáu lên. Cái đầu óc trẻ con của Danh cứ đi thơ thẩn ở đâu đó, khiến nó vội quên những gì mà ba nó dạy dỗ nó chỉ vài phút trước đó. Khi mà nỗi bực tức của ba Danh đã dồn ứ lên, thì khả năng thu thập của Danh cũng chậm hẳn lại. Đến một lúc, khi đã hết chịu đựng được hơn nữa, ba Danh đã đập mạnh tay xuống bàn và gằn giọng:
- Con có tập trung đầu óc con lại được không! Đến lúc con phải chấm dứt tình trạng NGU NGỐC của con, biết chưa!
Danh không bao giờ quên những lời đánh giá nhọn như dao xuất phát từ miệng ba nó.
Sau những ngày đầu của lớp một, với bao cố gắng mà không có hiệu quả, Danh đã không còn màng gì đến chuyện học hành nữa. Ngồi trong lớp mà nó cứ nhìn ra ngoài cửa sổ. Nó lấy bút chì vẽ nguệch ngoạc trên giấy. Nó huýt gió rồi ngồi chơi nhởn nhơ một mình. Vì Danh không đọc được, mà cũng chẳng đánh vần được, hay cũng không viết được, nên nó chẳng giao thiệp hay làm bạn với đứa nào trong lớp. Nó chẳng tham dự trong lớp học, cảm thấy chán ngắc, mà cũng chẳng màng đến chuyện gì xảy ra chung quanh. Nó cảm thấy mình thật kỳ cục, thật chẳng giống ai hết.
Có lần, cô giáo gọi:
- Trò Danh, đứng dậy và đọc đoạn kế tiếp.
Danh đứng dậy, không ngừng chuyển thân mình từ trái qua phải, trong khi cố gắng trong vô vọng, không biết phải đọc cái chữ đầu tiên ra sao. Đám con gái cười khúc khích, rồi Danh nghe một đứa con trai nói: “Đúng là đồ ngu!”. Sự khó khăn của Danh xuất phát từ tình trạng phát triển chậm hơn các em khác một chút, nay đã trở thành một trái bom nổ dữ dội, khiến Danh ghét cay ghét đắng trường lớp cùng thầy cô.
Nỗi bi kịch của Danh là nó không cần phải gánh chịu nỗi sĩ nhục như vậy. Giá mà Danh chỉ cần ở lại lớp mẫu giáo một năm nữa là nó dư thời giờ để phát triển đầy đủ, dư thời giờ chuẩn bị để trở nên cứng cáp hơn, dư thời giờ để sẵn sàng theo đuổi việc học mà không gặp trở ngại gì khi bước vào lớp một. Giá mà ba Danh nghe lời cô Lan, cho Danh ở lại lớp mẫu giáo thêm một năm nữa, thì nó đâu phải rơi vào tình trạng khốn khổ, đến nỗi chán ghét việc học, mất đi lòng tự tin và cảm thấy tự ti mặc cảm như vậy.
Các chuyên gia về nhi đồng đã khẳng định rằng, nếu chỉ căn cứ vào số tuổi không thôi, để quyết định cho con bắt đầu đi học ở trường hay không, có thể là một điều sai trật dẫn đến những hậu quả nguy hại và lâu dài về sau cho con trẻ. Cùng lên 6 tuổi một lúc, nhưng ở lứa tuổi này, các em có thể khác nhau một trời một vực về mức độ phát triển và trưởng thành. Cùng lên 6 tuổi, có em đã tinh khôn và lanh lợi, nhưng cũng có em vẫn còn rất “baby” giống như trường hợp của Danh. Hơn thế nữa, các em trai có khuynh hướng phát triển chậm hơn các em gái cùng tuổi khoảng sáu tháng. Giống như Danh, là một em bé trai mặc dầu đã lên 6 tuổi, đã đến tuổi bắt đầu lớp tiểu học, nhưng Danh còn cách xa các bạn cùng lớp một khoảng cách khá xa. Giá mà ba Danh thấu hiểu điều này. Giá mà mẹ Danh biết được tình trạng của nó, thì đâu đến nỗi nào…
Thật vậy, các bậc cha mẹ có thể chọc giận con cái mình, không phải chỉ bằng những lời quát tháo nặng nề, nhưng cũng do những quyết định thiếu cảm thông và thiếu hiểu biết, như lời Kinh Thánh có nhắc nhở: “Hỡi những bậc làm cha mẹ, đừng đối xử với con cái mình khó khăn đến độ khiến chúng buồn giận, nhưng hãy trưởng dưỡng chúng trong khuôn phép và lời răn dạy của Chúa.” (Ê-phê-sô 6:4)
Thân chúc quý vị và các bạn thành công trong thiên chức làm cha mẹ và tận hưởng món quà con cái mà Thiên Chúa ban cho.
Tùng Trân
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com