Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2016

Pluto

             Pluto là ngôi sao thứ chín trong dãy chín ngôi sao thuộc Thái Dương hệ. Vì là một ngôi sao xa mặt trời nhất, Pluto có tiếng là một ngôi sao của bóng tối. Chả thế mà các nhà thiên văn thời xưa đặt cho nó cái tên không được mấy thiện cảm là Pluto. Pluto là tên tiếng La-tinh của một vị thần Hi-lạp tên là Hades, có nghĩa là Thần Mờ Tối hay là Thần Âm Phủ mà tiếng Việt mình gọi nôm na là Sao Diêm Vương. Nghe đến chữ Pluto, tự dưng tâm trí tôi chẳng thấy có thiện cảm chi với cái tên này cả. Cho dầu Pluto không phải là ‘địa phủ’ thật đi chăng nữa, nhưng không nhiều thì ít, chữ Pluto dường như gợi cho con người chúng ta nỗi lo sợ về một tương lai bất định của cuộc đời trần thế ngắn ngủi. 

             Tháng Mười vừa rồi, khoảng hơn 1000 nhà thiên văn học trên thế giới đã tụ tập tại Prague để thảo luận về sự hiện diện của hành tinh Pluto trong Thái Dương hệ. Sau mấy ngày hội họp, họ đi đến kết luận là Pluto quá nhỏ để được gọi là một hành tinh, vì cỡ kích của nó chỉ bằng khoảng 2/3 của địa cầu chúng ta đang sống. Hơn nữa hình dáng của nó lại có phần dị hợm so với các bà con trong cùng một hệ. Cũng như địa cầu của chúng ta, đa số các ngôi sao trong Thái dương hệ đều mang hình cầu, thế mà anh chàng Pluto thì lại có hình cái trứng vịt, thật chẳng giống ai. Thế là từ vị trí Diêm Vương, chàng Pluto chỉ trong một chốc lát đã trở thành một anh chàng hữu danh vô thực, từ một hành tinh nay chỉ còn là một ngôi sao nhỏ bé và đã bị cách chức ra khỏi hệ Thái Dương!
             Nghĩ cũng lạ, suốt 76 năm trường làm mưa làm gió, tuy rằng anh chàng là một hành tinh xa mặt trời nhất, nhưng Pluto một khi đã được các nhà thiên văn xếp vào bảng, thì vị trí thứ chín của chàng đã chẳng hề bị lay chuyển trong hệ Thái Dương, thế mà vào thời điểm này, các hậu sinh của họ lại hất cẳng anh chàng một cách không thương tiếc.
             Nghĩ cho cùng, các nhà thiên văn cũng chẳng phải là vô lý khi làm một quyết định như thế, khi trong Thái Dương hệ có một hành tinh gọi là địa cầu, trong đó có sự hiện hữu của một sinh vật gọi là con người; mà hễ đã là con người thì ai cũng thế, không nhiều thì ít, nghe đến chữ ‘âm phủ’ cũng thấy thật ghê sợ, chẳng ai bao giờ muốn tới thăm. Đi cung trăng mà gặp chị Hằng thì còn khả dĩ, hoặc giả là đến Hỏa Tinh để vợt le với thiên hạ vì mình có lắm của nhiều tiền thì cũng đã có rồi, nhưng nói tới đi Pluto hay nói cho dễ hiểu là ‘âm phủ’ để du lịch thì người viết cho tới thời điểm này chưa nghe ai tự nguyện cho là vui thích mà đòi tới đó du lịch. Thậm chí các nhà nghiên cứu vũ trụ NASA cũng chưa thèm đặt Pluto vào danh sách nghiên cứu hàng đầu của họ! Như thế quyết định xếp hành tinh này vào một xó xem ra thật hợp lý.
             Hơn nữa, gần đây viễn vọng kính Hubble của NASA lại gởi về thêm nhiều hình ảnh của một ngôi sao khác kế cận bên Pluto, lớn hơn và sáng hơn Pluto rất nhiều lần. Các khoa học gia đặt tên cho nó là Charon. Chính sự xuất hiện của một Charon ngời sáng đã làm cho giá trị thật của Pluto bị xuống cấp trong cái nhìn của các khoa học gia.
             Tuy nói thế nhưng khi nói chuyện với một số người, tôi không ngờ rằng Pluto có rất nhiều ảnh hưởng với họ, chỉ nói đến chữ Pluto thôi đã gây cho họ sự bồn chồn, bất an. Đứa cháu 8 tuổi của tôi thì hỏi một câu chẳng vô tư lự chút nào: “Cô ơi, có phải đó là nơi sau khi chết mình sẽ tới? Ủa, nhưng mà tại sao người ta phải chết vậy cô”….?!
             Nghĩ cho cùng, đó chỉ là những câu hỏi mà đã là con người thì chúng ta đều đã, đang, hoặc sẽ phải đối diện với trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời mình. Kinh Thánh dạy rằng: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23) và ở một chỗ khác: “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jesus Christ” (Rô-ma 6:23).

             Kính thưa quí độc giả, chúng ta thường không thích bị người khác kết án là ‘tội nhân’ trong khi mình tự xét chẳng làm chi nên tội! Chúng ta thường cho rằng nếu chúng ta chẳng làm chi sai, chẳng giết người, không trộm cắp, không cân giả, lường dối, chẳng trộm đạo của ai, thì tại làm sao chúng ta lại bị kết án là tội nhân?
             Xin thưa với quí độc giả điều ấy chỉ tương đối đúng mà thôi vì đấy chỉ là luật của con người. Tôi không phạm ai, cũng không muốn ai phạm đến tôi, thế là đủ. Luật của Chúa thì cao hơn thế. Ngài phán rằng: “Hãy học làm lành, tìm kiếm sự công bình; hãy đỡ đần kẻ bị hà hiếp; làm công bình cho kẻ mồ côi, binh vực lẽ của người góa bụa” (Ê-sai 1:17); Và ở một chỗ khác,“Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi” (Mác 12:30). Nói một cách khác, Ngài đòi hỏi chúng ta phải kính Chúa và yêu người, chớ không chỉ giới hạn ở chỗ biết mình và không làm hại ai cả. Trên phương diện đó luật của con người chỉ là tương đối so với luật của Ngài là luật có giá trị tuyệt đối.
             Lắm khi chúng ta chủ quan và cho rằng mình đã làm đúng, sống đúng; Thế nên chúng ta cho mình có quyền sống một cách hiên ngang ‘đầu đội Trời, chân đạp đất’ và trong tâm tưởng của chúng ta âm phủ là chỗ chúng ta đương nhiên được miễn trừ. Kính thưa quí thính giả, ấy thế mà đó chỉ là những suy nghĩ rất giới hạn của một sinh vật giới hạn như con người chúng ta mà thôi. Chúng ta suy nghĩ theo lối lý luận của loài người, làm việc theo lý lẽ của loài người và cũng sẽ suy thoái theo lý lẽ của loài người. Nhưng sâu thẳm trong đáy lòng của chúng ta, ai cũng thừa biết rằng hễ cái gì thuộc về con người thì cũng… mong manh như chính con người chúng ta vậy. Những lý lẽ mà chúng ta hằng tin tưởng, lắm khi đặt trọn sự sống còn của mình trên đó sẽ có một ngày trở thành lỗi thời và sẽ bị đào thải, tựa như trường hợp của ‘Pluto’ trong tháng Mười vừa qua. 

             Ngược lại, lý lẽ của Đức Chúa Trời thì không như thế, nó sẽ trường tồn trải qua mọi thời đại. Dù vật đổi, sao dời nhưng lời Chúa phán vẫn còn từ đời đời cho đến đời đời (I Phi-e-rơ 1:25). Giao ước của Ngài lập ra cho những kẻ kính sợ Ngài vẫn luôn trường tồn với thời gian (Thi-Thiên105:8). Dù rằng “tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 3:23), nhưng lời Chúa cũng phán rằng:“Đức Chúa Jesus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy” (I Ti-mô-thê 1:15).
             Kính thưa quí độc giả, với quyết định vào tháng 10 năm 2006 của các nhà khoa học, liệu chúng ta có nghĩ rằng Pluto không còn hiện hữu nữa hay chăng? Liệu chúng ta có còn giữ được lòng tin cậy ban đầu chúng ta đã có với họ mà mạnh dạn nói với họ rằng, “Tôi tin các ông, các ông nói sao thì là vậy.” Hay là chúng ta cũng giống như tôi, bán tin, bán nghi: “Làm sao mà có thể có chuyện ấy được?”
             Một sự thật chúng ta không thể chối cãi được, ấy là dầu có được chấp nhận hay không thì Pluto vẫn hiên ngang hiện hữu trong vũ trụ bao la. Pluto vẫn đều đặn và mặc nhiên quay xung quanh mặt trời của hệ Thái Dương với chu kỳ 248 năm một vòng dầu các khoa học gia có chấp nhận hay không hay dầu chúng ta có quan tâm hay không. 

             Cũng thế, kính thưa quí thính giả thân thương. Tội lỗi vẫn thống trị trên đời sống chúng ta dầu chúng ta có nhìn nhận chúng hay không. Ảnh hưởng của chúng vẫn đều đặn và mặc nhiên trên đời sống của chúng ta ngày nào chúng ta còn sinh tồn trong thân phận con người. Nhưng dầu thế, giải pháp toàn hảo của Thượng Đế dành cho loài người vẫn có giá trị tuyệt đối, vẫn luôn tồn tại và đang chờ đợi chúng ta. Nếu như một nhóm khoa học gia của thời đại tin học đã không thể khai tử Pluto thì cũng thế, lương tri trong sạch của con người mà Chúa đã tạo dựng cho chính Ngài sẽ không bao giờ cho phép chúng ta chối từ Thượng Đế và giải pháp tốt đẹp do chính Ngài ban tặng cho loài người. 

             Thông thường, chúng ta hay chọn làm những gì mình ưa thích theo bản ngã của chính chúng ta dầu rằng lắm khi chúng ta biết rất rõ những điều chúng ta chọn lựa có thể thật sai lầm. Đặc biệt nếu có một ai đó ‘xấu mồm xấu miệng’ cảnh cáo chúng ta đang làm sai thì chúng ta lại càng muốn làm điều đó hơn nữa. Điều này càng đúng hơn trên phương diện niềm tin!
             Kính thưa quí độc giả, trên phương diện niềm tin không có chuyện chọn tin hay không tin. Thực tế là bất cứ ai cũng có niềm tin. Pluto hiện hữu, tội lỗi cũng hiện hữu, còn Thượng Đế thì hằng hữu. Dầu con người có thể viện dẫn bất cứ lý do nào thì ba thái cực với ba mục đích khác nhau vẫn tồn tại. Ước mong quí thính giả chọn giải pháp hằng hữu và toàn vẹn của Thượng Đế vì tin vào lời của minh khải của Ngài từ Kinh Thánh: “Đức Chúa Jesus đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy.” Kính chào quí thính giả.
Vũ Nguyễn Thiên Ái
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!