Những Điều Nên Tránh Khi Quyết Định Lập Gia Đình
Cách đây không lâu, chúng tôi có dịp gặp lại một thiếu nữ mới lập gia đình được khoảng hai năm. Khi chúng tôi hỏi thăm đời sống gia đình như thế nào, có vui không, cô vợ trẻ trả lời: "Cô ơi, lúc còn là người yêu của nhau thì khác nhưng khi thành vợ chồng, sống chung với nhau dưới một mái nhà là một chuyện khác!" Chúng tôi rất ngạc nhiên trước vẻ thất vọng của thiếu nữ nên hỏi thêm thì nàng nói: Suốt mấy năm quen nhau, cháu nghĩ là cháu biết anh ấy rõ nhưng đúng ra khi về sống chung với nhau mới thật sự biết con người thật của nhau."
Có lẽ một số quý vị lập gia đình đã lâu cũng đồng ý với lời nhận xét này. Khi còn là người yêu của nhau, hai bạn trẻ chưa thật sự đụng chạm với thực tế, chưa đối diện với những nan đề của đời sống nên cái gì cũng đẹp cũng dễ dàng chấp nhận, dễ dàng thuận thảo với nhau. Khi thành vợ thành chồng rồi, tình yêu của hai người không còn thơ mộng như người ta thường mô tả trong những bài thơ bài nhạc. Trái lại lúc đó đôi vợ chồng trẻ phải đối diện với trách nhiệm, với khó khăn, lo lắng, bệnh tật, với những quyết định của cuộc sống hằng ngày, và lúc đó chúng ta mới thật sự biết rõ vợ hay chồng của mình là người như thế nào.
Vì lý do đó, khi quyết định bước vào hôn nhân, bạn cần tránh những điều sau đây:
1. Đừng quyết định kết hôn khi hai người biết về nhau quá ít và quá hạn hẹp
Hai người biết nhau đã khá lâu mà khi về sống chung còn bỡ ngỡ và thất vọng, thì nếu chưa biết nhau nhiều mà bằng lòng lập gia đình với nhau là điều nguy hiểm vô cùng.
Có hai bạn trẻ kia quen nhau trong tiệc cưới của một người bà con. Sau đám cưới mỗi người trở về thành phố của mình và tiếp tục viết thư, liên lạc điện thoại với nhau. Một năm sau hai người bắt đầu bàn đến chuyện làm đám hỏi rồi đám cưới. Quyết định trong trường hợp này không phải là một quyết định khôn ngoan. Lý do là vì hai người tuy biết nhau khá lâu nhưng không thật sự biết nhau trong từng hoàn cảnh sống. Qua thư từ, điện thoại và hình ảnh, chúng ta chỉ nhìn thấy cái hay cái đẹp bên ngoài, và chỉ biết được phần nào về nhau chứ chưa thật sự biết rõ nhau.
Có những người quen nhau trong một thời gian ngắn, chẳng hạn như khoảng năm, sáu tháng, nhưng đã muốn tiến tới hôn nhân. Cũng có người tuy quen nhau lâu nhưng không có dịp gần gũi để biết rõ tính tình của nhau. Trong những trường hợp này, nếu quyết định bước vào hôn nhân với nhau, các bạn có thể sẽ thất vọng khi khám phá ra những điều không hay nơi người bạn đời của mình.
Có hai thanh niên thiếu nữ nọ là người hoạt động tích cực trong hội thánh. Hai người cùng dạy thiếu nhi, cùng ở trong ban hát và cùng sinh hoạt với thanh niên. Gặp nhau trong hoàn cảnh như thế rất tốt để hai người hiểu nhau và yêu nhau. Tuy nhiên, nếu chỉ gặp nhau ở nhà thờ và trong khi làm việc cũng chưa đủ để hai người thật sự biết nhau. Các bạn không những cần làm việc chung, sinh hoạt chung nhưng cũng cần những lúc đi chơi chung, ăn uống chung hoặc tới thăm gia đình của nhau, làm quen với anh chị em của nhau. Gặp nhau trong những dịp họp mặt của gia đình hai bên, trong những lúc vui buồn của đời sống, trong lúc khoẻ mạnh, khi đau ốm, v.v... Như thế chúng ta mới thật sự biết rõ tính tình của nhau.
Có một cô gái nọ ở dưới quê, từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ đi ra khỏi làng. Một ngày kia có người từ thành phố về giới thiệu với cô gái một chàng trai ở thành phố, con của một tín đồ khá giả trong một hội thánh nọ. Người ta cho cô gái xem hình của chàng thanh niên, cho biết tuổi tác, học lực và hoàn cảnh gia đình, và muốn kết hợp hai người với nhau. Xem hình thấy chàng thanh niên đó trông cũng được, về tuổi tác thì cũng không quá lớn, lại là con của một gia đình tín đồ lâu năm và khá giả, nên sau một thời gian suy nghĩ, cô gái nhận lời cầu hôn. Từ đó hai người bắt đầu trao đổi thư từ với nhau.
Khoảng sáu tháng sau, đại diện nhà trai chính thức đến cầu hôn, cha mẹ cô gái bằng lòng. Vì chàng trai ở xa nên gia đình gởi người đại diện đến làm lễ hỏi rồi trở về và nửa năm sau đó trở lại làm lễ cưới. Tội nghiệp cho thiếu nữ này, khi về sống với chồng một thời gian nàng mới biết chồng bị bệnh thần kinh! Chàng thanh niên đó tuy không điên hẳn nhưng tính tình bốc đồng, khi thì bình thường khi thì hung dữ, nói năng và hành động ngang tàng, không ai có thể ngăn cản được. Gia đình cô gái biết mình đã bị lừa nhưng không thể làm gì được nữa!
Một trường hợp khác, hai thanh niên thiếu nữ nọ quen biết nhau ở một kỳ trại. Vì cả hai đều hơi lớn tuổi nên khi gặp nhau, họ tin rằng đây là ý Chúa và đây là người Chúa chọn cho mình. Từ đó hai người tiếp tục liên lạc bằng thư từ và điện thoại. Nửa năm sau họ hẹn gặp nhau trong một dịp hè và sau kỳ gặp gỡ đó cả hai quyết định làm đám cưới. Vì cả hai đều trên 30 tuổi nên cha mẹ cũng tán thành ngay. Thế rồi hai người chọn ngày cưới và chuẩn bị mọi việc cho lễ cưới. Sau khi cưới về, đôi vợ chồng mới gặp rất nhiều khó khăn vì khi sống chung hai vợ chồng mới khám phá ra rằng tuy có cùng niềm tin nhưng hai người khác nhau rất nhiều về tính tình, sở thích và triết lý sống.
Có một thiếu nữ kia yêu chàng trai học cùng lớp. Hai người gặp nhau trong khung cảnh đại học, rất là đẹp và thơ mộng. Sau đó không lâu, chàng thanh niên phải đi nghĩa vụ. Đôi bạn trẻ không được ở gần bên nhau nhưng vẫn liên lạc thư từ, tình yêu vẫn nồng thắm. Khi chàng xin được phép, hai người làm đám cưới. Cưới xong, sống bên nhau vài tuần, chàng trai vì trách nhiệm lại phải đi xa nhà. Hai vợ chồng thương nhớ nhau, trao đổi cho nhau rất nhiều thư từ.
Cuối cùng, khi chồng được giải ngũ, hai vợ chồng mới thật sự được sống bên nhau. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn sống bên cạnh nhau, hôn nhân của hai người bắt đầu gặp khó khăn, vì lúc đó người vợ mới khám phá ra rằng chồng mình là người ích kỷ, độc tài và rất nóng tính. Người chồng cũng không thỏa lòng vì thấy vợ không mềm mại, dịu hiền như chàng vẫn tưởng. Sau này cả hai vợ chồng đều than: Yêu nhau khá lâu nhưng ít gần gũi, không biết rõ tính tình của nhau nên bây giờ phải khổ.
2. Đừng quyết định lập gia đình khi chưa thể tự lập về kinh tế
Đây là điều mà những người trẻ đang yêu thường không nghĩ đến. Chúng ta thường nghe người ta ca tụng hai quả tim vàng trong một túp lều tranh, nhưng trong thực tế không có điều này. Nếu vì hoàn cảnh bất ngờ bị mất việc làm hoặc vì hoạn nạn mà nghèo thiếu thì vợ chồng cần thông cảm và giúp nhau vượt qua khó khăn. Nhưng nếu chưa học hành xong, chưa có công ăn việc làm mà muốn có gia đình riêng thì thật là một quyết định thiếu khôn ngoan. Một gia đình như vậy khó có thể hạnh phúc. Nỗi lo lắng của miếng cơm manh áo sẽ cướp mất niềm vui trong đời sống.
Hơn nữa, chúng ta phải nhìn vấn đề cách thực tế. Sau khi lấy nhau, đôi vợ chồng trẻ sẽ có con cái, nhu cầu của gia đình sẽ gia tăng. Và vì bận lo cho con nhỏ, người vợ không thể đi làm hay buôn bán để phụ với chồng, sự thiếu thốn càng nhiều hơn nữa. Đó là chưa kể đến khi con đau ốm phải lo thuốc men, tiền bác sĩ, nhà thương, v.v... Nhiều người quá túng thiếu nên phải vay mượn để đáp ứng nhu cầu trong gia đình, vì thế đã nghèo thiếu lại thêm nợ nần. Lúc đó vợ chồng dễ sinh ra phiền trách nhau, đổ lỗi cho nhau và hạnh phúc gia đình cũng không còn.
Vì những khó khăn nêu trên, dù các bạn yêu nhau đã khá lâu nhưng nếu học hành chưa xong cũng nên cố gắng lo chuyện học hành trước. Khi nào học xong và có việc làm vững vàng, lúc đó hẵng tính đến chuyện lập gia đình. Nhiều người học chỉ còn một năm hay nửa năm nhưng không chờ đợi, nghĩ rằng lập gia đình rồi sẽ học tiếp nhưng khi lập gia đình rồi, không tiếp tục việc học được nữa nên sau này cứ hối tiếc mãi.
3. Đừng lập gia đình với người quá khác biệt với mình
Cách biệt về tuổi tác
Thông thường chúng ta thấy vợ chồng cách nhau một vài tuổi, và thường là chồng lớn hơn vợ. Thỉnh thoảng cũng có trường hợp vợ lớn hơn chồng. Khi vợ chồng chỉ cách nhau đôi ba tuổi, sự cách biệt này không mấy quan trọng. Vì hai vợ chồng trong cùng một lứa tuổi nên có thể thông cảm với nhau dễ dàng khi đi qua từng giai đoạn của đời sống. Khi còn là thanh niên cũng như khi bước vào tuổi trung niên, tráng niên và cao niên, đôi vợ chồng ngang tuổi nhau không gặp trở ngại khi phải thay đổi các hoạt động cho thích ứng với tuổi tác.
Ví dụ hồi còn trẻ hai vợ chồng thích đi cắm trại, chơi thể thao, đi du ngoạn, v.v... Đến khi lớn tuổi họ đều muốn thay thế những sinh hoạt ngoài trời bằng những sinh hoạt khác, trầm lặng và nhẹ nhàng hơn. Đến khi cao tuổi hơn, cơ thể có nhiều thay đổi, lại phải đối phó với bệnh tật, vợ chồng dễ thông cảm với nhau và vì thế có thể giúp nhau thích ứng với những giới hạn của tuổi già.
Nếu vợ chồng cách nhau khoảng tám đến mười tuổi hay nhiều hơn nữa, đời sống vợ chồng sẽ có lúc gặp khó khăn. Khi vợ trên hai mươi và chồng trên ba mươi, sự khác biệt về tình trạng sức khoẻ và những sinh hoạt hằng ngày của hai người không khác nhau bao nhiêu. Tuy nhiên, khi hai người bước vào tuổi 30 và 40 hoặc 40 và 50, chúng ta sẽ thấy một sự khác biệt lớn lao.
Có một thanh niên kia đến 35 tuổi mới cưới vợ, và vợ của anh mới vừa 20. Khoảng năm năm đầu hai vợ chồng sống rất là vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng sau đó, trong khi người vợ trẻ mới 25 tuổi, còn khoẻ mạnh, tươi trẻ, thích tham dự các sinh hoạt của thanh niên trong hội thánh thì người chồng đã 40. Những sinh hoạt của thanh niên không còn thích hợp với anh, vì thế anh không muốn đi đâu cả. Người chồng này thương vợ và thông cảm với vợ nên cho vợ tự do đi dự các sinh hoạt nào nàng muốn. Tuy nhiên, vì hai người hướng về hai lối sinh hoạt khác nhau, có những người bạn khác nhau nên dần dần trở thành xa nhau. Dù hai vợ chồng vẫn sống đầm ấm bên nhau nhưng trong tâm tư ý tưởng, trong lối suy nghĩ họ bắt đầu xa cách nhau.
Trong việc chăm sóc và chơi đùa với con, khi vợ chồng cách biệt nhiều về tuổi tác cũng dễ gặp khó khăn. Người vợ trẻ còn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, trong khi đó người chồng mau mệt và chậm chạp hơn, vì thế không thể giúp vợ chăm sóc con như điều người vợ mong muốn.
Cũng có những thiếu nữ muốn lấy chồng lớn hơn mình nhiều để sau này không bị thấy là mình già hơn chồng. Sự tính toán như thế cũng không hẳn là khôn ngoan. Tuy tình yêu có thể vượt thắng những khác biệt về tuổi tác nhưng vợ chồng cũng không thể tránh được những điều không vui, không thích hợp nếu cách tuổi nhau quá nhiều. Điều tốt hơn cả là các bạn nên lập gia đình với người cùng trang lứa với mình (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com