Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ SINH HOẠT QUÝ 1/2017 - B.TTN


          Cảm tạ ơn Chúa, một năm 2016 sắp sửa trôi qua. Hội Thánh Chúa trên khắp đất nước Việt Nam, cũng như trên toàn thế giới đang dần bước sang năm mới 2017 với nhiều mục tiêu mới. Hết thảy chúng ta đều hòa lòng mình với giai điệu của bài Thánh Ca 678 "LỜI TẠ ƠN CHÚA" như một lời tạ ơn vì những việc Chúa làm trên Hội Thánh thật không xiết kể!

          Năm 2017, Ban Điều Hành Thanh Thiếu niên quyết định chọn chủ đề Quý I/2017 là "VÂNG THEO CHÚA", câu gốc trong Giăng 10:27 như một lời tái xác quyết nương dựa nơi Chúa, vâng theo Ngài trong mọi hoàn cảnh. Trong quý này, BĐH sẽ lồng ghép một số nội dung sau:

          + BỒI LINH (Chúa nhật 08/01/2017): Diễn giả: Mục sư Quản nhiệm
          + Tập hát Tôn vinh Chúa sáng Mồng 1 tết
          + CHƯƠNG TRÌNH SINH HOẠT CUỐI NĂM
          + ÔN Kinh Thánh: "Lược sử tuyển dân Y-sơ-ra-ên". Diễn giả: MSQN. Nhằm sơ đồ hóa lịch sử tuyển dân của CHúa, các Vua cai trị, tên quốc gia ứng với từng thời kì.
          + Thảo luận chuyên đề: "Phương pháp học Kinh Thánh hiệu quả" Phụ trách: Thiên An
          + Và nhiều chuyện mục hấp dẫn khác.

          Rất mong các anh chị em cùng hiệp lòng cầu nguyện và trung tín tham gia sinh hoạt ban ngành! Nguyện xin Đức Chúa TRời Ba Ngôi ban phước dư dật trên hết thảy chúng ta !
          Xem LHD Quý I/2017 tại đây


Tác giả bài viết: BHD Thanh Thiếu Niên 2017

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Thời Giờ (Phần 1)


                Kính thưa quý độc giả,
                Thời giờ theo định nghĩa của một nhà vật lý, là điều giữ cho mọi sự không xảy ra cùng một lúc. Thế nhưng tại sao bạn và tôi lúc nào cũng cảm thấy như nghẹt thở vì thời giờ? Hàng loạt những công chuyện cần phải hoàn tất ngay bây giờ, biết bao công việc còn dang dở, bảng liệt kê các thứ cần thanh toán cứ càng ngày càng dài ra mãi. Khi nào thì bạn và tôi có một ít thời giờ để yên lặng ngắm nhìn cảnh hoàng hôn trên biển vắng bên cạnh người bạn đời thân yêu, hoặc ngồi trước lan can nhà để sưởi nắng và thả hồn theo những vần thơ lãng mạn hay lắng nghe những giai điệu du dương? Có khi nào bạn và tôi có được một ít thời giờ thư nhàn, rãnh rỗi và không bị chuyện này, chuyện kia hối thúc?
                Câu trả lời cho các câu hỏi trên có lẽ chỉ đơn giản là “không”. Chưa bao giờ trong lịch sử loài người, con người lại bận rộn trong việc làm và kể cả việc chơi như thời đại ngày nay. Phải kiếm cách để sở hữu thật nhiều và hưởng thụ thật nhiều là tiêu chuẩn sống của xã hội hiện đại. Người ta kiếm cách nhét đầy vào trong một ngày, cho đến khi không còn chỗ trống, biết bao nhiêu là chuyện như công ăn việc làm, chuyện gia đình, tập thể dục, đi học, đi mua sắm, sửa chữa nhà cửa, trả bill, tìm kiếm thông tin trên mạng vv. Chúng ta nhét nhiều công việc quá, đến nỗi nhiều người ngày nay than vắn thở dài rằng 24 tiếng đồng hồ trong một ngày không đủ gì cả. Có cách nào để giúp chúng ta có thể mở cái nút chai, trút bớt sự căng thẳng và sống một đời sống thanh thản, tràn ngập sự bình an trong tâm hồn và cảm thấy thỏa mãn từ tận đáy lòng chúng ta không? Hình như chúng ta phải làm mọi sự, muốn làm mọi sự và mong ước được làm mọi sự và điều này dẫn đến một sự vướng mắc. Đó là thời giờ đến với chúng ta chỉ 24 tiếng mỗi ngày và trôi đi với tốc độ là một giây cho mỗi giây. Dù muốn hay không, chúng ta được ban cho một lượng thời giờ cố định, không hơn không kém. Dầu vậy, tin vui ở đây là chúng ta sẽ nhận được 24 tiếng đồng hồ mới toanh ngay sau khi đợt cũ vừa được dùng xong. Chúng ta không mượn được thời giờ của tương lai để xài trước, cũng như không thể dồn đống những thời giờ còn thừa lại của quá khứ. Thời giờ luôn luôn là mới mẻ và nếu được sử dụng một cách khôn ngoan, sẽ đem lại cho chúng ta một cuộc sống tự do, thanh thản và đầy trọn. Có lẽ quý vị tưởng mình vừa mới nghe lầm là trong xã hội ngày nay mà chúng ta cũng có thể có một cuộc đời tự do, thanh thản và đầy trọn được sao? Trước khi đi sâu vào vấn đề, xin mời quý vị cùng nhau đi ngược lại dòng lịch sử để tìm hiểu một ít lai lịch của thời giờ.
                Quý độc giả thân mến,
                Một trong một điều nổi bật nhất của thời đại ngày nay là chúng ta rất để ý vào thời giờ và chúng ta sử dụng đồng hồ để theo dõi thời giờ của chúng ta. Ngày nay, thậm chí một đứa bé cũng biết là có 60 giây trong một phút, nhưng trước đây không lâu, hầu như người ta không biết một phút là dài bao lâu, nói chi tới một giây. Cái kim chỉ phút trong đồng hồ được phát minh vào năm 1577. Khi người ta mới chế ra được những chiếc đồng hồ cơ khí vào khoảng thế kỷ thứ 14, lúc đó cả một thành phố chỉ có một đồng hồ là đủ.
                Trong thời xưa, người ta đo thời giờ theo những phương pháp đơn giản bằng cách tính năm, tính tháng, xem mùa và tính ngày, với mục đích là chia thời giờ ra những khoảng có thể xử lý và theo dõi được. Lúc đó, chưa ai biết một giờ là dài bao nhiêu và người nông dân chỉ cần biết ngày nào trong mùa xuân phải gieo hạt hầu thu hoạch tốt nhất. Do vậy, ngay trong thời kỳ thuộc địa hóa Mỹ châu, đại đa số nông dân không ai có đồng hồ, nhưng hầu như ai ai cũng có một niên lịch để theo dõi từng ngày công việc trồng trọt của họ.
                Khi những chiếc đồng hồ cơ khí ra đời, người dân thành phố mới học biết một ngày được chia ra làm nhiều giờ, vì tiếng chuông đồng hồ trong thị trấn vang lên nhắc nhở họ giờ cầu nguyện, giờ làm việc, giờ tan trường vv. Cái kim chỉ phút được phát minh sau đó, nhưng thường chỉ có trong những đồng hồ thật đặc biệt chỉ sử dụng cho các mục đích hải hành. Hầu như trong gần cả thế kỷ thứ 20 thì đại đa số những đồng hồ đeo tay cũng chưa có kim chỉ giây.
                Thế nhưng sự nhận thức về thời gian đã thay đổi hoàn toàn sau Thế Chiến thứ II. Theo dõi thời giờ đã trở nên vô cùng quan trọng cho thế giới ngày nay đã được kỹ nghệ hóa, và thời giờ được đo đạc thật chính xác để đánh giá và trả công cho người làm việc. Thế giới ngày càng làm quen với sự hiện diện của đồng hồ khắp mọi nơi và các kỹ sư đã sáng chế ra những phương cách chính xác để chia nhỏ thời giờ ra hơn nữa. Chiếc đồng hồ đeo tay ngày nay luôn luôn có kim chỉ giây và thậm chí một đồng hồ căn bản nhất (thí dụ như các đồng hồ đồ chơi của trẻ con) cũng dựa trên sự hoạt động chính xác của một tinh thể thạch anh (quartz-crystal) là cách đo thời gian chính xác hơn tất cả những phương pháp khác đã được sử dụng trong cả thế kỷ 20. Nhiều đồng hồ trong các máy thu hình, máy vi tính, các dụng cụ đo đạc hiện đại được điều chỉnh theo với những đồng hồ nguyên tử siêu chính xác tại Boulder hay Colorado, với độ sai lệch không quá một phần triệu của một giây.
                Kính thưa quý độc giả,
                Chúng ta ngày nay có ít thời giờ hơn so với những thế hệ cha ông đi trước chúng ta hay không? Có phải đời sống hiện đại gia tăng tốc độ theo tỷ lệ với khả năng đo đạc thời giờ ở mức độ ngày càng tinh vi không? Ngày xưa, cha ông chúng ta làm ruộng, khi mặt trời lên thì vác cuốc ra đồng và khi mặt trời lặn thì trở về nhà, và đó là những cách theo dõi thời giờ trong ngày. Thế hệ tiếp đến làm việc trong các hãng xưởng và được trả công theo số giờ làm việc trong ngày. Những thế hệ đi trước không có nhiều thời giờ hơn chúng ta nhưng điều khác biệt là chúng ta ngày nay bị đòi hỏi phải làm nhiều việc hơn trong cùng một lượng thời gian như những thế hệ trước. Yêu cầu phải đạt năng suất cao, hiệu quả tốt trong quá trình sản xuất đã mang đến sự thịnh vượng cho xã hội và cho phép chúng ta có thể sở hữu một số dụng cụ, máy móc tân kỳ với một giá thành trong tầm tay với. Tuy vậy chúng ta phải trả một giá cho việc này. Trong cuốn phim “Thời Đại Tân Kỳ”, vua hề nổi danh Charlie Chaplin đã châm biếm sự áp chế của kỹ thuật quản lý trong kỹ nghệ, mà trong đó, mọi dây chuyền sản xuất đều được chia thành những bước nhỏ và đơn giản, và một cá nhân chỉ cứ lặp lại một động tác nhưng với một tốc độ ngày càng gia tăng. Tạm gác qua tính hài hước trong các phim diễu của Charlot, các phim này đã vẽ nên một bức tranh chính xác về tình trạng của chúng ta ngày nay – áp lực triền miên để sản xuất ngày càng nhiều trong một khoảng thời gian ngày càng thu ngắn lại – và điều này không phải chỉ ở trong công việc, nhưng trong mọi lãnh vực khác của đời sống.
                Thực vậy, chúng ta cũng mang thái độ theo dõi, tính toán chi ly về thời giờ là đặc tính của sự kỹ nghệ hóa vào trong sinh hoạt mỗi ngày và cả sự nghỉ ngơi của chúng ta. Chúng ta hoạch định nào là 20 phút ngủ trưa, 30 phút tập thể dục, 45 phút ăn tối, 1 tiếng đánh tennis, 2 tiếng đi coi phim vv. và cố gắng làm theo những lịch trình này cho đến khi mệt lả cuối ngày. Khi chúng ta chia thời giờ thành những khoảng thật nhỏ và rồi nhét thật nhiều việc vào, chúng ta giả định rằng chẳng có gì nguy hiểm cả khi làm dồn nhiều công việc trong 24 tiếng mà mỗi người đều nhận được như nhau kể từ nguyên thủy. Khi đi du lịch, để mang được thật nhiều hành lý, bạn phải học cách sắp xếp thật khéo léo để dồn được nhiều đồ trong va-li của bạn. Hay nói một cách khác, phải khôn ngoan để nhồi nhét thật nhiều thứ vào sao cho vừa vặn. Có quá nhiều công chuyện cần phải thực hiện. Để có thể làm được hết mọi sự phải làm và muốn làm, cũng như hy vọng kiếm ra một ít thời giờ nghỉ ngơi, chúng ta cho rằng cần phải làm việc theo một cách thức khôn ngoan hơn. Nhiều người cho rằng chúng ta có thể làm được nhiều việc hơn trong một khoảng thời gian ngắn hơn nếu ta biết cách nâng hiệu quả của công việc.
                Từ ngữ “hiệu quả” hay “năng suất” chính là từ ngữ chính trong thời đại bận rộn ngày nay. Hầu như đại đa số chúng ta là những chuyên gia về năng suất cho chính đời sống của mình. Chúng ta kiếm cách chải răng nhanh hơn. Đừng phí thời giờ đọc sách – hãy lắng nghe các CD đọc sách đã có sẵn. Không có thời giờ xem những bộ phim mình thích chăng? Hãy chuyển những phim này vào iPod. Con bạn muốn được ra ngoài công viên chơi? Mang máy laptop đi theo, bạn có thể vừa làm việc, vừa coi con luôn một thể.
                Có thể nói nâng cao hiệu quả là mục tiêu của cuộc cách mạng kỹ nghệ. Người ta luôn luôn xem xét và tái thiết kế máy móc để sản xuất được nhiều hơn với một giá thành rẻ hơn. Mục tiêu này cũng từ từ lan rộng vào trong mọi lãnh vực của đời sống, kể cả trong đời sống mỗi ngày trong gia đình, trong đó chúng ta thấy có nhiều máy móc, dụng cụ được sáng chế để làm sao chúng ta đỡ phải tốn sức và tiết kiệm được thời giờ. Nâng cao hiệu quả là điều mà người ta huấn luyện trong cách quản lý thời giờ để làm sao sắp xếp nhân lực và các giây chuyền sản xuất một cách hữu lý. Người ta cổ động với câu khẩu hiệu “Hãy làm việc khôn ngoan hơn, đừng làm việc nặng nhọc hơn”. Phần thưởng sẽ mang đến là gì? Một công việc khéo quản lý sẽ giúp chúng ta còn thời giờ vào mỗi tối, cuối tuần cũng như thêm được ngày nghỉ trong năm để tham dự những hoạt động khác. Với hiệu quả cao, chúng ta sẽ có nhiều thời giờ cho gia đình, cho sự nghỉ ngơi, cho cộng đồng và các công tác xã hội khác. Các phương pháp quản lý thời giờ, nếu khéo ứng dụng, cũng sẽ nâng cao hiệu quả trong đời sống gia đình mỗi ngày, giúp sắp xếp các chuyến du lịch nghỉ mát một cách hữu lý, thậm chí giúp ta thăng tiến trong cả đời sống tinh thần hay tâm linh nữa.
                Kính thưa quý độc giả,
                Nhưng chúng ta hãy dừng lại và xem xét việc nâng cao hiệu quả công việc có thực sự giúp chúng ta được thư nhàn, thảnh thơi không? Kỹ nghệ ngày nay tràn ngập với những máy móc tối tân, những robot tự động, được điều khiển bởi những máy điện toán cực nhanh, nâng cao hiệu quả sản xuất đến độ tối ưu. Chúng ta có những siêu xa lộ với những phương tiện di chuyển nhanh chóng. Đồ ăn đã được biến chế và tiện lợi. Thế nhưng tại sao chúng ta vẫn bận rộn hơn, vội vã hơn và có ít thời giờ nghỉ ngơi hơn? Tại sao nền kỹ nghệ hiện đại không đem lại cho chúng ta thời giờ rãnh rỗi như đã dự tính từ ban đầu?
                Chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện về thời giờ trong tuần tới. Xin hẹn gặp lại quý vị.
(dựa theo “Crunched For Time” by Dr. J. Raymond Albrektson – Plain Truth Magazine; “Freedom From The Tyranny of Urgent”by Charles E. Hummel – Tùng Tri lược dịch – Phát Thanh Hy Vọng)

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

Người Khôn Vẫn Còn Ði Tìm Chúa

          Ðằng sau những chiếc xe hơi tại Mỹ, nhất là tại miền Nam California, người ta thường dán những khẩu hiệu nho nhỏ gọi là bumper sticker để nói lên ý kiến hay quan niệm sống của mình. Có những người dán những câu để đùa nghịch hay chọc phá người khác, nhưng cũng có những câu mang rất nhiều ý nghĩa. Quý vị có thường đọc những câu dán đằng sau xe như vậy mỗi khi dừng lại ở đèn đỏ hay những khi xe chạy chậm gần bên mình không? Tôi rất thích đọc những câu đó để cười một mình, cũng có khi có những câu làm cho mình suy nghĩ. Một trong những câu dán phía sau xe tôi thường đọc thấy trong Mùa Giáng Sinh nầy là câu sau đây: "Wise men still seek Him" tạm dịch là, "Người khôn vẫn còn đi tìm Ngài."
          Ðây là một lối chơi chữ rất hay vì lúc Chúa giáng sinh có những nhà thông thái Ðông phương đã theo ánh sao đi tìm Chúa Hài Ðồng. Bản Kinh Thánh tiếng Anh thời King James của Anh quốc gọi những nhà thông thái nầy là "wise men," những con người khôn ngoan, những bậc thức thời. Chúng ta vẫn thường gọi là ba vua. Ý nghĩa của câu người ta dán phía sau xe là ngày xưa những nhà thông thái, những con người khôn ngoan biết đi tìm Chúa thể nào thì hôm nay cũng vậy, nếu chúng ta biết tìm Chúa, chúng ta cũng là những người khôn, những con người thức thời. Dĩ nhiên ai cũng muốn mình là người khôn, muốn mình là con người thức thời. Và để được vậy, chúng ta cần đeo đuổi tìm kiếm những gì có giá trị lâu dài chứ không chạy theo những gì chóng phai tàn ở đời.
          Ðể biết người xưa đã tìm kiếm Chúa như thế nào, chúng ta cần đọc lại câu chuyện Phúc Âm nói về việc nầy. Phúc Âm Ma-thi-ơ chương thứ hai ghi câu chuyện những nhà thông thái hay những con người khôn ngoan thời xưa đã tìm kiếm Chúa như thế nào. Thánh Kinh ghi lại như sau:
Khi Ðức Chúa Jêsus đã sanh tại thành Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, đang đời vua Hê-rốt, có mấy thầy bác-sĩ ở đông-phương đến thành Giê-ru-sa-lem, mà hỏi rằng: Vua dân Giu-đa mới sanh tại đâu? Vì chúng ta đã thấy ngôi sao Ngài bên đông-phương, nên đến đặng thờ lạy Ngài. Nghe tin ấy, vua Hê-rốt cùng cả thành Giê-ru-sa-lem đều bối rối. Vua bèn nhóm các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo trong dân lại mà tra hỏi rằng Ðấng Christ phải sanh tại đâu. Tâu rằng: Tại Bết-lê-hem, xứ Giu-đê; vì có lời của đấng tiên tri chép như vầy:
Hỡi Bết-lê-hem, đất Giu-đa! Thật ngươi chẳng kém gì các thành lớn của xứ Giu-đa đâu, Vì từ ngươi sẽ ra một tướng, Là Ðấng chăn dân Y-sơ-ra-ên, tức dân ta.
Vua Hê-rốt bèn vời mấy thầy bác sĩ cách kín nhiệm, mà hỏi kỹ càng về ngôi sao đã hiện ra khi nào. Rồi vua sai mấy thầy đó đến thành Bết-lê-hem, và dặn rằng: Các ngươi hãy đi, hỏi thăm cho chắc về tích con trẻ đó; khi tìm được rồi, hãy cho ta biết, đặng ta cũng đến mà thờ lạy Ngài.
Mấy thầy nghe vua phán xong, liền đi. Kìa, ngôi sao mà họ đã thấy bên đông phương, đi trước mặt cho đến chừng ngay trên chỗ con trẻ ở mới dừng lại. Mấy thầy thấy ngôi sao, mừng rỡ quá bội. Khi vào đến nhà, thấy con trẻ cùng Ma-ri, mẹ Ngài, thì sấp mình xuống mà thờ lạy Ngài; rồi bày của báu ra, dâng cho Ngài những lễ vật, là vàng, nhũ hương, và một dược. Kế đó, trong giấc chiêm bao, mấy thầy được Ðức Chúa Trời mách bảo đừng trở lại nơi vua Hê-rốt; nên họ đi đường khác mà về xứ mình. (Phúc Âm Ma-thi-ơ 2:1-12)
          Ðó là câu chuyện những nhà thông thái ngày xưa đi tìm Chúa Hài Ðồng được ghi lại trong Thánh Kinh. Ðiều đầu tiên chúng ta cần ghi nhận là Thánh Kinh không cho biết rõ có bao nhiêu ngườ đến tôn thờ Chúa. Chúng ta thường nói đến ba vua hay ba nhà thông thái vì có ba lễ vật dâng lên cho Chúa. Thật ra số người tìm kiếm Chúa không quan trọng bằng phương cách họ tìm kiếm Chúa. Trước hết chúng ta thấy rằng sở dĩ những người nầy ra đi tìm kiếm Chúa là vì có sự xuất hiện của một vì sao. Người xưa tin rằng một vì sao lạ xuất hiện là dấu hiệu của quý nhân hay một vị minh quân ra đời. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng vũ trụ vạn vật, chính Ngài đã dùng ánh sao đặc biệt nầy để hướng dẫn những con người chuyên nghiên cứu về những vì sao.
          Thật ra, trong mọi thời đại và với mọi lớp người, Thiên Chúa luôn luôn dùng những ánh sao tương tự để hướng dẫn chúng ta đến với Ngài. Con người chúng ta bị tội lỗi làm cho u tối, chúng ta không thể nhận ra chân lý nếu không có ánh sáng soi đường dẫn lối. Chính Thượng Ðế ban ánh sáng cho chúng ta để soi đường dẫn lối chúng ta. Ðối với những nhà thông thái ngày xưa Chúa dùng ánh sao, còn với chúng ta hôm nay, Ngài dùng nhiều phương cách khác. Ðó có thể là một tập sách, một tiếng nói, một người bạn hay một người thân trong gia đình. Cũng có thể là một tai nạn, một cơn bệnh, một điều ta tưởng như tình cờ nhưng thật sự không phải. Tùy người, tùy hoàn cảnh, Thiên Chúa đã đến với mỗi chúng ta. Một vị bác sĩ có thể thấy được ánh sáng của Chúa trong những huyền nhiệm của cơ thể con người, một luật gia có thể được Thiên Chúa soi sáng trong những lý luận sắt đá, một nông gia nhìn cây cối hoa cỏ lớn lên cũng có thể nhìn thấy ánh sáng của Thiên Chúa. Thật ra như lời Chúa đã dạy, "Sự thật về Thượng Ðế đã được giải bày đã hiển nhiên trước mắt mọi người, ai cũng có thể nhận thấy nhờ những vật hữu hình."
          Cũng như những nhà thông thái ngày xưa, ánh sáng của Thiên Chúa đã đến với Bạn. Nếu chưa từng đến thì ít ra hôm nay qua tiếng nói nầy, Thiên Chúa cũng bắt đầu chiếu vào tâm hồn Bạn một ánh sao để Bạn tìm kiếm Ngài. Những nhà thông thái ngày xưa khi thấy ánh sao họ đã ra đi tìm Chúa và họ đã gặp. Riêng Bạn thì sao? Ánh sáng của Chúa đã chiếu vào tâm hồn Bạn nhưng Bạn có ra đi tìm kiếm Ngài không?
          Những nhà thông thái sau khi lần theo ánh sao họ đã đến Palestine và đến thủ đô Giê-ru-sa-lem vì nghĩ rằng đó là chỗ Chúa ra đời. Nhưng họ đã kinh ngạc và làm mọi người kinh ngạc vì không ai biết việc đó cả và bây giờ điều mà mọi người đều làm là giở lại thánh sử để xem cho biết Chúa Cứu Thế phải ra đời tại đâu. Họ giở lại sách thánh và tìm biết rằng Chúa phải sinh ra tại Bết-lê-hem hay Bê-lem, một ngôi làng bé nhỏ nhưng mang nhiều ý nghĩa vì đó chính là quê hương của vị minh quân Ða-vít. Với đôi mắt và sự suy luận của con người lúc ấy, Chúa Giê-xu không thể sinh ra ở Bết-lê-hem cách nơi ông Giô-sép và bà Ma-ri cư ngụ những 70 dặm về phía Nam. Chúng ta nên nhớ rằng 2,000 năm trước di chuyển cả trăm cây số như vậy không phải chuyện dễ. Bà Ma-ri mang thai Chúa ở Na-xa-rét, lẽ ra Chúa ra đời ở Na-xa-rét, nhưng trong chương trình của Thiên Chúa, hoàng đế La-mã Augustus đã ra chiếu chỉ bắt mọi người dân phải về nguyên quán để lập sổ bộ và thế là Chúa đã ra đời tại Bê-lem đúng như lời Thánh Kinh đã nói trước. Những nhà thông thái đã nhờ Thánh Kinh để đến Bê-lem mà tìm ra Chúa. Ðiều nầy cho thấy rằng song song với ánh sao hay là sự soi sáng của Chúa chúng ta cũng cần nhờ đến Thánh Kinh là Lời của Chúa. Ðiểm đặc biệt của Thánh Kinh là Thánh Kinh không bao giờ thay đổi. Hàng ngàn năm đã trôi qua, trước Chúa giáng sinh và sau Chúa giáng sinh, lời Thánh Kinh không bao giờ thay đổi và lời đó là la bàn, là bản đồ hướng dẫn chúng ta đến với Chúa. Con người thay đổi và con người không đáng tin cậy nhưng Lời Chúa không bao giờ thay đổi và bao giờ cũng đáng cho chúng ta tin cậy. Nếu Bạn đã một lần được ánh sáng của Chúa soi đường, hãy tiếp tục đến với Lời Chúa, hãy tìm đọc Thánh Kinh. Lời Chúa sẽ giúp chúng ta biết đâu là chân lý, đâu là con đường phải đi.
          Như vậy cùng với sự soi sáng của Chúa, cùng với Lời của Ngài, những nhà thông thái ngày xưa đã đến Bê-lem tôn thờ Chúa. Thánh Kinh cho biết: "Vào đến nhà, thấy Con Trẻ và mẹ Ngài, họ liền quỳ xuống thờ lạy Ngài rồi dâng hiến vàng, trầm hương và nhựa thơm." Những nhà thông thái ngày xưa được Chúa soi sáng, được Lời của Ngài hướng dẫn, họ đã ra đi tìm kiếm và cuối cùng họ đã gặp được Chúa và tôn thờ Ngài. Ðời người là một chuỗi dài của tìm kiếm. Chúng ta còn thất vọng là vì chưa đạt được điều mình đeo đuổi. Tôi không biết Bạn đang đeo đuổi điều gì, nhưng Bạn sẽ tiếp tục thất vọng cho đến khi nào Bạn tìm được chân lý. Có lẽ một số người cho rằng những nhà thông thái kia là những người dại chứ chẳng có gì là khôn. Theo một ánh sao, vượt ngàn dặm đường đến nơi chỉ để thờ lạy một em bé, tốn của, phí sức rồi ra về có được gì đâu. Vâng, đối với cái nhìn bình thường ta chẳng thấy có gì là lợi lộc trong khổ nhọc nầy cả. Nhưng đây không phải là vấn đề vật chất hay thể xác, đây là giá trị tâm linh. Những người nầy đã được đối diện với chính Thượng Ðế trong thân xác con người. Ðó là một đặc ân vô cùng cao quý mà không bạc vàng nào có thể mua được.
          Chúng ta đang sống trong Mùa Giáng Sinh và người đang làm tất cả mọi điều ngoại trừ tìm kiếm trọng tâm của ngày lễ là Chúa Giê-xu. Người Mỹ có thành ngữ, "Jesus is the Reason for the Season," tạm diễn ý là, "Phải có CHÚA giáng sinh ta mới có LỄ Giáng Sinh" vậy mà người ta đã quên đi mất Chúa, chỉ còn có lễ mà thôi.
          Người ta nói rằng trong Mùa Giáng Sinh ai khôn thì đợi sau lễ hãy mua sắm vì sau đó giá rẻ hơn nhiều. Trong Mùa Giáng Sinh nầy ta hãy làm những người khôn, không phải khôn trong việc mua sắm nhưng là khôn trong việc biết đeo đuổi tìm kiếm những giá trị trường tồn. Hãy theo bước chân những nhà thông thái xưa để tìm Chúa. Chúa đã lóe lên cho bạn thấy một ánh sao, hãy lần theo ánh sao đó, đến với Lời Chúa, hãy đọc Thánh Kinh để biết Chúa và tôn thờ Ngài. Mùa Giáng Sinh nầy tôi muốn tặng Bạn một món quà nhỏ đó là những dòng chữ tôi nói ở đầu câu chuyện, "Wise men still seek Him" "Người khôn vẫn còn đi tìm Chúa." Hãy làm những người thật khôn ngoan trong Mùa Giáng Sinh nầy vì biết đeo đuổi tìm kiếm những giá trị đích thực.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Ph
át Thanh Tin Lành

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

THÔNG BÁO V/v cập nhật thông tin của Ban Âm nhạc trong năm 2017

THÔNG BÁO:
     Theo thông tin từ Ban Âm nhạc, bắt đầu từ năm 2017, Ban Âm nhạc sẽ cập nhật lại trang chủ cũng như các nội dung do Ban Âm nhạc quản lý. 
     Theo đó, từ 00:00:00 ngày 01 tháng 01 năm 2017 đến hết 23:59:59 ngày 10 tháng 01 năm 2017, Ban Âm nhạc sẽ bổ sung các sheet nhạc theo từng chủ đề: Giáng Sinh, Thương Khó, Phục Sinh, Lễ Cưới, Năm Mới,... Việc cập nhật này nhằm đáp ứng nhu cầu cho phần đông Quý độc giả muốn tôn vinh Chúa. Mặc dù số lượng sheet nhạc Ban Âm nhạc đang giữ rất nhiều nhưng chúng tôi cũng rất cần những đóng góp từ phía Quý độc giả cho việc cập nhật này. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về:
 - Ban Biên tập và Quản trị: contact.bbtqt@gmail.com

Vậy, Ban Âm nhạc thông báo đến Quý độc giả được biết và góp phần bằng nhiều cách.
Trân trọng!






Tác giả bài viết: Ban Âm nhạc - HTTL Tân Nghĩa

Lễ Cảm Tạ Dâng Nhà Mới Cho Chúa của Gia đình AC. Thuận-Loan


Lễ Cảm Tạ Dâng Nhà Mới Cho Chúa


              Gia đình anh chị Thuận-Loan chuyển từ xã Tân Lập (Hàm Thuận Nam - BT) về TT. Tân Nghĩa (Hàm Tân - BT) đã xây dựng một ngôi nhà mới và mời Hội Thánh đến cầu nguyện Cảm tạ Chúa dâng căn nhà mới xây tại Kp3, TT. Tân Nghĩa cho Ba Ngôi Đức Chúa Trời vào lúc 16h30 ngày 25/12/2016.

              Hiện diện có: MS Lê Văn Tiến - Quản nhiệm Hội thánh,  Ban Trị sự, Chấp sự, Trưởng ban Thanh Niên cùng các con cái Chúa trong Hội Thánh đến tham dự. Chấp sự Nguyễn Tấn Hậu - TK Hội Thánh - hướng dẫn chương trình. MSQN Hội thánh cầu nguyện khai lễ. Mục sư Quản nhiệm chia sẻ Lời Chúa trong II Sử ký 6:20 với lời nhắc nhở Gia đình rằng Chúa là Đấng đã gìn giữ GĐ trong mọi sự, giúp đỡ gia đình trong việc xây dựng ngôi nhà mới khang trang, Ngài sẽ là Đấng đoái xem ngôi nhà nầy từ nay cho đến ngày Chúa Jê-sus Christ tái lâm. Sau lời chia sẻ, MSQN cầu nguyện dâng nhà mới lên cho Ba ngôi Đức Chúa Trời.

              Tiếp theo đó, đại diện Ban Trị sự, Chấp sự và Ban Thanh Niên cũng như các vị khách dự tặng quà chúc mừng. Chương trình diễn ra trong sự trang nghiêm nhưng cũng rất vui vẻ.

              Chủ nhà bày tỏ lòng biết ơn Chúa về căn nhà mới xây khang trang, rộng rãi và vui mừng được tiếp đón Hội Thánh nhóm lại cách đông đúc trong lễ cầu nguyện dâng nhà mới cho Chúa.  Buổi nhóm diễn ra rất phước hạnh và kết thúc lúc 17g20 sau lời cầu nguyện chúc phước của MSQN.

              Sau đó, mọi người cùng chủ nhà dự buổi tiệc thông công thân mật.

Thông tín viên: Thanh Trang - Thu Thảo

Một số hình ảnh ghi nhận:


MSQN cầu nguyện khai lễ


MSQN có Lời Chúa cho GĐ



MSQN cầu nguyện dâng nhà mới cho Chúa


Đại diện BTS, Chấp sự và Ban Thanh Niên chúc mừng

Tiệc thông công





CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG MỪNG CHÚA GIÁNG SINH 2016 (25/12)

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG MỪNG CHÚA GIÁNG SINH 2016
HỘI THÁNH TIN LÀNH TÂN NGHĨA (25/12)
 

             Hòa trong không khí tưng bừng chào đón Lễ Kỷ niệm Chúa Giáng Sinh, sáng nay, vào lúc 7h30, ngày 25/12/2016, tại Nhà nguyện Tin lành Tân Nghĩa (số 228, CMT8, Tân Nghĩa, Hàm Tân) Hội Thánh Chúa tại đây long trọng tổ chức chương trình Thờ phượng Mừng Chúa Giáng Sinh 2016 với chủ đề: MỤC ĐÍCH CHÚA GIÁNG SINH. Chủ lễ: MsQn. Lê Văn Tiến, Hướng dẫn chương trình: Cô CS Nguyễn Thị Hoàng. Hiện diện gồm quý Mục sư, Truyền đạo, các tín hữu các Hội Thánh Tân Nghĩa, Hàm Thạnh, Xuân Tây và các Thân hữu.

             Các bài Thánh Ca, Kinh Thánh, Thi ca, ... với nội dung nói về sự Giáng Sinh của Chúa Giê-xu được các con cái Chúa của các Hội Thánh dâng lên Chúa.
 

             Mục sư Qn. Lê Văn Tiến có Lời Chúa chia sẻ cho quý tôi con Chúa và quý thân hữu. MS tiếp tục  nhấn mạnh Chúa Giê-xu đã giáng sinh vào trần gian tối tăm để tìm và cứu những con người tội lỗi đó, ban cho họ sự sống đời đời. Qua đó kêu gọi quý thân hữu ăn năn tin nhận Chúa để được làm con cái Đức Chúa Trời.


             Cảm ơn Chúa, theo thông lệ hằng năm, BTS/HT cũng tổ chức thi Kinh Thánh Giáng Sinh để khích lệ con cái Chúa học Kinh Thánh. Sáng hôm nay, BTS/HT công bố kết quả và phát thưởng thi Kinh Thánh. Khối Thiếu-nhi-ấu cũng tổng kết cuối năm và tiến hành phát thưởng TCN.

             Ngoài ra, còn có các phần quà tri ân của Hội Thánh gởi đến ÔB. MSQN, Ban Trị sự, chấp sự, Ban Âm nhạc, các Giáo viên, phụ giáo phụ trách các khối lớp.

             Chương trình kết thúc lúc 10h20 sau cầu nguyện chúc phước của Mục sư Chủ lễ. Sau giờ Thờ phượng, toàn thể quý ÔB. Mục sư Quản nhiệm, Quý thầy Truyền đạo cùng toàn thể Tín hữu, tân Tín hữu cùng chụp hình lưu niệm trước mặt Nhà thờ.

             Sau đó, Hội Thánh cùng thông công với nhau qua bữa tiệc mặn, nhận quà Giáng Sinh và Lịch 2017 vào lúc 10h30.

             Thay lời MSQN, BTS, CS/HT kính chúc Quý độc giả, quý Tín hữu hưởng một mùa Giáng sinh an lành, hạnh phước và một Năm Mới 2017 tràn đầy ơn phước Chúa ban!

 Một số hình ảnh ghi nhận được:

Thông tín viên: Thanh Trang - Văn Thiện - Thu Thảo



Phu nhân MS Lê Văn Tiến - cầu nguyện khai lễ

Thi ca - 3 Thiếu niên

BTC "Tin Lành Cho Muôn Dân" - Ca đoàn Thanh Tráng


CS Võ Nghị cầu nguyện Dâng Hiến



Tổng Kết TCN - Nhi đồng HT. Tân Nghĩa

Tổng Kết TCN - Thiếu nhi - Ấu, Hội nhánh Hàm Thạnh



Phần thưởng thi Kinh Thánh GS

Quà cho các Giáo viên và phụ giáo


Quà cho Ban Âm nhạc



Tác giả bài viết: TỔ TRUYỀN THÔNG

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN GIẢNG & KỶ NIỆM CHÚA GIÁNG SINH 2016 (24/12)

CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN GIẢNG & KỶ NIỆM CHÚA JÊSUS GIÁNG SINH 2016 (24/12)
 

             Vào lúc 19h30, ngày 24/12/2016, Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa long trọng tổ chức chương trình Truyền giảng  và kỷ niệm Chúa Giáng Sinh 2016 với chủ đề: MỤC ĐÍCH CHÚA GIÁNG SINH. Chủ lễ: MSQN. Lê Văn Tiến; Diễn văn khai mạc: Thư ký - CS Nguyễn Tấn Hậu. Hướng dẫn chương trình: Cô. Nguyễn Thị Thu Thanh. Hiện diện gồm quý Mục sư, Truyền đạo, các tín hữu 2 Hội Thánh Tân Nghĩa, Hàm Thạnh và các Thân hữu.

             Thư ký HT Nguyễn Tấn Hậu có lời chào mừng Quý Tín hữu Thân hữu, và đọc Diễn văn khai mạc. Sau đó MSQN cầu nguyện khai lễ. Các bài Thánh Ca, Kinh Thánh, Thi ca, ... với nội dung nói về sự Giáng Sinh của Chúa Giê-xu được các con cái Chúa trong 2 Hội Thánh dâng lên Chúa.
 

             Mục sư Quản nhiệm đã dùng Lời Chúa chia sẻ cho quý tôi con Chúa và quý thân hữu, nhấn mạnh Chúa Giê-xu đã giáng sinh vào trần gian tối tăm vì một mục đích Thiên thượng để đem ánh sáng yêu thương từ Đức Chúa Trời đến rạng soi cho những góc khuất của tối tăm, tội lỗi và tuyệt vọng. Ngài đến để tìm và cứu những con người tội lỗi đó, ban cho họ sự sống đời đời. Qua đó kêu gọi quý thân hữu ăn năn tin nhận Chúa. Sau đó, Cô CS Nguyễn Thị Hoàng cầu nguyện đáp ứng lời Chúa.
 

             Với lời kêu gọi của Mục sư QN, tạ ơn Chúa, đã có 1 thân hữu bằng lòng tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của đời sống mình. Nguyện xin Chúa ở cùng, ban phước cho để Tân tín hữu cứ vững vàng trong đức tin nơi Chúa Cứu thế Giê-xu.
       
             Chương trình kết thúc lúc 21h45 sau lời cầu nguyện Tất lễ của cô Trần Thị Sương và cầu nguyện chúc phước của Mục sư Chủ lễ. Tiếp theo đó, Ban Hát Lễ cùng Hội Thánh hát bài "Ca Chúc Giáng Sinh"
.

              Hội Thánh cùng thông công với nhau qua bữa tiệc nhỏ vào lúc 22h00. Ai nấy đều vui vẻ vì ơn phước Chúa ban thật lớn lao!

             Thay lời BTS/HT kính mong Quý độc giả, quý Tín hữu cùng cầu nguyện hướng đến Lễ KN Chúa Giáng Sinh tiếp tục được tổ chức vào 07h30 sáng mai (CN 25/12)

Một số hình ảnh ghi nhận được:

Thông tín viên: Thanh Trang - Thu Thảo


Demo trước giờ khai Lễ

Khúc Nhạc Giáng Sinh - Ban hát Nhi đồng


 Thi ca - 3 Nhi đồng


Thánh sử Chúa Giáng Sinh - 1 Chấp sự


Các tiết mục TVC:
Tình yêu Giáng sinh - Cô Thu Thanh

Ca vang lên - Đơn ca Tấn Dũng



Cô Chấp sự Nguyễn Thị Hoàng - cầu nguyện đáp ứng


Đêm đông Chúa đến - Đơn ca Thúy Nga


Hương nhạc sao mơ - Ban hát HT. Hàm Thạnh


Cầu nguyện cho 1 Thân hữu tiếp nhận Chúa


Thi ca - Nhi đồng Hàm Thạnh


Tình yêu Giáng Sinh  - Tráng Niên


Lời tâm tình - MS Quản nhiệm HT

Quang cảnh trang trí Giáng Sinh trước cổng Nhà thờ


Ban hát Thanh Thiếu niên - chụp hình lưu niệm 

Các nhân sự Ban Âm nhạc và Âm thanh chụp hình lưu niệm



Tác giả bài viết: Tổ Truyền thông

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!