Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Thời Giờ (Phần 1)


                Kính thưa quý độc giả,
                Thời giờ theo định nghĩa của một nhà vật lý, là điều giữ cho mọi sự không xảy ra cùng một lúc. Thế nhưng tại sao bạn và tôi lúc nào cũng cảm thấy như nghẹt thở vì thời giờ? Hàng loạt những công chuyện cần phải hoàn tất ngay bây giờ, biết bao công việc còn dang dở, bảng liệt kê các thứ cần thanh toán cứ càng ngày càng dài ra mãi. Khi nào thì bạn và tôi có một ít thời giờ để yên lặng ngắm nhìn cảnh hoàng hôn trên biển vắng bên cạnh người bạn đời thân yêu, hoặc ngồi trước lan can nhà để sưởi nắng và thả hồn theo những vần thơ lãng mạn hay lắng nghe những giai điệu du dương? Có khi nào bạn và tôi có được một ít thời giờ thư nhàn, rãnh rỗi và không bị chuyện này, chuyện kia hối thúc?
                Câu trả lời cho các câu hỏi trên có lẽ chỉ đơn giản là “không”. Chưa bao giờ trong lịch sử loài người, con người lại bận rộn trong việc làm và kể cả việc chơi như thời đại ngày nay. Phải kiếm cách để sở hữu thật nhiều và hưởng thụ thật nhiều là tiêu chuẩn sống của xã hội hiện đại. Người ta kiếm cách nhét đầy vào trong một ngày, cho đến khi không còn chỗ trống, biết bao nhiêu là chuyện như công ăn việc làm, chuyện gia đình, tập thể dục, đi học, đi mua sắm, sửa chữa nhà cửa, trả bill, tìm kiếm thông tin trên mạng vv. Chúng ta nhét nhiều công việc quá, đến nỗi nhiều người ngày nay than vắn thở dài rằng 24 tiếng đồng hồ trong một ngày không đủ gì cả. Có cách nào để giúp chúng ta có thể mở cái nút chai, trút bớt sự căng thẳng và sống một đời sống thanh thản, tràn ngập sự bình an trong tâm hồn và cảm thấy thỏa mãn từ tận đáy lòng chúng ta không? Hình như chúng ta phải làm mọi sự, muốn làm mọi sự và mong ước được làm mọi sự và điều này dẫn đến một sự vướng mắc. Đó là thời giờ đến với chúng ta chỉ 24 tiếng mỗi ngày và trôi đi với tốc độ là một giây cho mỗi giây. Dù muốn hay không, chúng ta được ban cho một lượng thời giờ cố định, không hơn không kém. Dầu vậy, tin vui ở đây là chúng ta sẽ nhận được 24 tiếng đồng hồ mới toanh ngay sau khi đợt cũ vừa được dùng xong. Chúng ta không mượn được thời giờ của tương lai để xài trước, cũng như không thể dồn đống những thời giờ còn thừa lại của quá khứ. Thời giờ luôn luôn là mới mẻ và nếu được sử dụng một cách khôn ngoan, sẽ đem lại cho chúng ta một cuộc sống tự do, thanh thản và đầy trọn. Có lẽ quý vị tưởng mình vừa mới nghe lầm là trong xã hội ngày nay mà chúng ta cũng có thể có một cuộc đời tự do, thanh thản và đầy trọn được sao? Trước khi đi sâu vào vấn đề, xin mời quý vị cùng nhau đi ngược lại dòng lịch sử để tìm hiểu một ít lai lịch của thời giờ.
                Quý độc giả thân mến,
                Một trong một điều nổi bật nhất của thời đại ngày nay là chúng ta rất để ý vào thời giờ và chúng ta sử dụng đồng hồ để theo dõi thời giờ của chúng ta. Ngày nay, thậm chí một đứa bé cũng biết là có 60 giây trong một phút, nhưng trước đây không lâu, hầu như người ta không biết một phút là dài bao lâu, nói chi tới một giây. Cái kim chỉ phút trong đồng hồ được phát minh vào năm 1577. Khi người ta mới chế ra được những chiếc đồng hồ cơ khí vào khoảng thế kỷ thứ 14, lúc đó cả một thành phố chỉ có một đồng hồ là đủ.
                Trong thời xưa, người ta đo thời giờ theo những phương pháp đơn giản bằng cách tính năm, tính tháng, xem mùa và tính ngày, với mục đích là chia thời giờ ra những khoảng có thể xử lý và theo dõi được. Lúc đó, chưa ai biết một giờ là dài bao nhiêu và người nông dân chỉ cần biết ngày nào trong mùa xuân phải gieo hạt hầu thu hoạch tốt nhất. Do vậy, ngay trong thời kỳ thuộc địa hóa Mỹ châu, đại đa số nông dân không ai có đồng hồ, nhưng hầu như ai ai cũng có một niên lịch để theo dõi từng ngày công việc trồng trọt của họ.
                Khi những chiếc đồng hồ cơ khí ra đời, người dân thành phố mới học biết một ngày được chia ra làm nhiều giờ, vì tiếng chuông đồng hồ trong thị trấn vang lên nhắc nhở họ giờ cầu nguyện, giờ làm việc, giờ tan trường vv. Cái kim chỉ phút được phát minh sau đó, nhưng thường chỉ có trong những đồng hồ thật đặc biệt chỉ sử dụng cho các mục đích hải hành. Hầu như trong gần cả thế kỷ thứ 20 thì đại đa số những đồng hồ đeo tay cũng chưa có kim chỉ giây.
                Thế nhưng sự nhận thức về thời gian đã thay đổi hoàn toàn sau Thế Chiến thứ II. Theo dõi thời giờ đã trở nên vô cùng quan trọng cho thế giới ngày nay đã được kỹ nghệ hóa, và thời giờ được đo đạc thật chính xác để đánh giá và trả công cho người làm việc. Thế giới ngày càng làm quen với sự hiện diện của đồng hồ khắp mọi nơi và các kỹ sư đã sáng chế ra những phương cách chính xác để chia nhỏ thời giờ ra hơn nữa. Chiếc đồng hồ đeo tay ngày nay luôn luôn có kim chỉ giây và thậm chí một đồng hồ căn bản nhất (thí dụ như các đồng hồ đồ chơi của trẻ con) cũng dựa trên sự hoạt động chính xác của một tinh thể thạch anh (quartz-crystal) là cách đo thời gian chính xác hơn tất cả những phương pháp khác đã được sử dụng trong cả thế kỷ 20. Nhiều đồng hồ trong các máy thu hình, máy vi tính, các dụng cụ đo đạc hiện đại được điều chỉnh theo với những đồng hồ nguyên tử siêu chính xác tại Boulder hay Colorado, với độ sai lệch không quá một phần triệu của một giây.
                Kính thưa quý độc giả,
                Chúng ta ngày nay có ít thời giờ hơn so với những thế hệ cha ông đi trước chúng ta hay không? Có phải đời sống hiện đại gia tăng tốc độ theo tỷ lệ với khả năng đo đạc thời giờ ở mức độ ngày càng tinh vi không? Ngày xưa, cha ông chúng ta làm ruộng, khi mặt trời lên thì vác cuốc ra đồng và khi mặt trời lặn thì trở về nhà, và đó là những cách theo dõi thời giờ trong ngày. Thế hệ tiếp đến làm việc trong các hãng xưởng và được trả công theo số giờ làm việc trong ngày. Những thế hệ đi trước không có nhiều thời giờ hơn chúng ta nhưng điều khác biệt là chúng ta ngày nay bị đòi hỏi phải làm nhiều việc hơn trong cùng một lượng thời gian như những thế hệ trước. Yêu cầu phải đạt năng suất cao, hiệu quả tốt trong quá trình sản xuất đã mang đến sự thịnh vượng cho xã hội và cho phép chúng ta có thể sở hữu một số dụng cụ, máy móc tân kỳ với một giá thành trong tầm tay với. Tuy vậy chúng ta phải trả một giá cho việc này. Trong cuốn phim “Thời Đại Tân Kỳ”, vua hề nổi danh Charlie Chaplin đã châm biếm sự áp chế của kỹ thuật quản lý trong kỹ nghệ, mà trong đó, mọi dây chuyền sản xuất đều được chia thành những bước nhỏ và đơn giản, và một cá nhân chỉ cứ lặp lại một động tác nhưng với một tốc độ ngày càng gia tăng. Tạm gác qua tính hài hước trong các phim diễu của Charlot, các phim này đã vẽ nên một bức tranh chính xác về tình trạng của chúng ta ngày nay – áp lực triền miên để sản xuất ngày càng nhiều trong một khoảng thời gian ngày càng thu ngắn lại – và điều này không phải chỉ ở trong công việc, nhưng trong mọi lãnh vực khác của đời sống.
                Thực vậy, chúng ta cũng mang thái độ theo dõi, tính toán chi ly về thời giờ là đặc tính của sự kỹ nghệ hóa vào trong sinh hoạt mỗi ngày và cả sự nghỉ ngơi của chúng ta. Chúng ta hoạch định nào là 20 phút ngủ trưa, 30 phút tập thể dục, 45 phút ăn tối, 1 tiếng đánh tennis, 2 tiếng đi coi phim vv. và cố gắng làm theo những lịch trình này cho đến khi mệt lả cuối ngày. Khi chúng ta chia thời giờ thành những khoảng thật nhỏ và rồi nhét thật nhiều việc vào, chúng ta giả định rằng chẳng có gì nguy hiểm cả khi làm dồn nhiều công việc trong 24 tiếng mà mỗi người đều nhận được như nhau kể từ nguyên thủy. Khi đi du lịch, để mang được thật nhiều hành lý, bạn phải học cách sắp xếp thật khéo léo để dồn được nhiều đồ trong va-li của bạn. Hay nói một cách khác, phải khôn ngoan để nhồi nhét thật nhiều thứ vào sao cho vừa vặn. Có quá nhiều công chuyện cần phải thực hiện. Để có thể làm được hết mọi sự phải làm và muốn làm, cũng như hy vọng kiếm ra một ít thời giờ nghỉ ngơi, chúng ta cho rằng cần phải làm việc theo một cách thức khôn ngoan hơn. Nhiều người cho rằng chúng ta có thể làm được nhiều việc hơn trong một khoảng thời gian ngắn hơn nếu ta biết cách nâng hiệu quả của công việc.
                Từ ngữ “hiệu quả” hay “năng suất” chính là từ ngữ chính trong thời đại bận rộn ngày nay. Hầu như đại đa số chúng ta là những chuyên gia về năng suất cho chính đời sống của mình. Chúng ta kiếm cách chải răng nhanh hơn. Đừng phí thời giờ đọc sách – hãy lắng nghe các CD đọc sách đã có sẵn. Không có thời giờ xem những bộ phim mình thích chăng? Hãy chuyển những phim này vào iPod. Con bạn muốn được ra ngoài công viên chơi? Mang máy laptop đi theo, bạn có thể vừa làm việc, vừa coi con luôn một thể.
                Có thể nói nâng cao hiệu quả là mục tiêu của cuộc cách mạng kỹ nghệ. Người ta luôn luôn xem xét và tái thiết kế máy móc để sản xuất được nhiều hơn với một giá thành rẻ hơn. Mục tiêu này cũng từ từ lan rộng vào trong mọi lãnh vực của đời sống, kể cả trong đời sống mỗi ngày trong gia đình, trong đó chúng ta thấy có nhiều máy móc, dụng cụ được sáng chế để làm sao chúng ta đỡ phải tốn sức và tiết kiệm được thời giờ. Nâng cao hiệu quả là điều mà người ta huấn luyện trong cách quản lý thời giờ để làm sao sắp xếp nhân lực và các giây chuyền sản xuất một cách hữu lý. Người ta cổ động với câu khẩu hiệu “Hãy làm việc khôn ngoan hơn, đừng làm việc nặng nhọc hơn”. Phần thưởng sẽ mang đến là gì? Một công việc khéo quản lý sẽ giúp chúng ta còn thời giờ vào mỗi tối, cuối tuần cũng như thêm được ngày nghỉ trong năm để tham dự những hoạt động khác. Với hiệu quả cao, chúng ta sẽ có nhiều thời giờ cho gia đình, cho sự nghỉ ngơi, cho cộng đồng và các công tác xã hội khác. Các phương pháp quản lý thời giờ, nếu khéo ứng dụng, cũng sẽ nâng cao hiệu quả trong đời sống gia đình mỗi ngày, giúp sắp xếp các chuyến du lịch nghỉ mát một cách hữu lý, thậm chí giúp ta thăng tiến trong cả đời sống tinh thần hay tâm linh nữa.
                Kính thưa quý độc giả,
                Nhưng chúng ta hãy dừng lại và xem xét việc nâng cao hiệu quả công việc có thực sự giúp chúng ta được thư nhàn, thảnh thơi không? Kỹ nghệ ngày nay tràn ngập với những máy móc tối tân, những robot tự động, được điều khiển bởi những máy điện toán cực nhanh, nâng cao hiệu quả sản xuất đến độ tối ưu. Chúng ta có những siêu xa lộ với những phương tiện di chuyển nhanh chóng. Đồ ăn đã được biến chế và tiện lợi. Thế nhưng tại sao chúng ta vẫn bận rộn hơn, vội vã hơn và có ít thời giờ nghỉ ngơi hơn? Tại sao nền kỹ nghệ hiện đại không đem lại cho chúng ta thời giờ rãnh rỗi như đã dự tính từ ban đầu?
                Chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện về thời giờ trong tuần tới. Xin hẹn gặp lại quý vị.
(dựa theo “Crunched For Time” by Dr. J. Raymond Albrektson – Plain Truth Magazine; “Freedom From The Tyranny of Urgent”by Charles E. Hummel – Tùng Tri lược dịch – Phát Thanh Hy Vọng)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!