(Thi Thiên 8:5)
Kính thưa quý độc giả,
Chúng ta đang bước vào mùa Giáng Sinh. Bạn đang có những cảm nghĩ gì khi nhắc đến hai chữ Giáng Sinh hay Noel? Bạn có những kỷ niệm vui buồn nào với mùa Giáng Sinh không?
Là một người Việt xa quê hương, hai chữ Giáng Sinh thường gợi nhớ trong tôi những ngày cuối năm, trời Sài gòn bỗng trở lạnh một đôi chút, để tôi có thể mặc chiếc áo len rất ít khi mặc trong năm, rồi bước ra đường, hòa cùng đoàn người đông đảo ngoài đường phố. Đêm Giáng Sinh ở Sài gòn năm xưa thường rất tấp nập, ồn ào và lúc nào cũng kẹt xe. Có những người đi nhà thờ dự lễ Giáng Sinh. Có nhiều người thích đi nghe ca đoàn nhà thờ trình bày những bài thánh ca Giáng Sinh thật du dương và thánh thoát. Có những người bị cuốn hút bởi những đèn đuốc, cây thông hay các trưng bày Giáng Sinh trước các sân nhà thờ hay các cửa tiệm lớn. Hình ảnh chuồng chiên, với máng cỏ, tượng ông Giô-sép, bà Ma-ri, Chúa Hài Đồng, thiên sứ, các gã chăn chiên đơn sơ và ba vua với lễ phục thật trang trọng, đầy màu sắc, hòa trong bài nhạc Giáng Sinh quen thuộc “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời, nằm trong hang tối, nơi máng lừa” là những kỷ niệm thời niên thiếu của tôi về Giáng Sinh.
Khi sang Úc định cư, thì mùa Giáng Sinh ở đất nước này lại rơi vào mùa hè. Thay vì chứng kiến cảnh Giáng Sinh với thông xanh, tuyết trắng, lửa hồng như trong các thiệp Giáng Sinh mà tôi thấy hồi còn nhỏ, thì mùa Giáng Sinh tại Úc là cảnh trời xanh, nắng ấm, trái bắt đầu chín trên cành, ngày dài hơn đêm. Nhưng dầu mùa Giáng Sinh rơi vào những ngày đông giá buốt hay những ngày hè rực rỡ, thì mùa Giáng Sinh là những ngày mà gia đình, người thân, bè bạn có dịp được nghỉ ngơi, họp mặt, vui chơi, tặng quà và thân tình chúc nhau một mùa Giáng Sinh phước hạnh.
Quý độc giả thân mến,
Những ngày cuối năm trước lễ Giáng Sinh thường rất bận rộn. Dường như mọi kế hoạch, công việc, chương trình hay đồ án trong các công ty, cơ quan hay tổ chức, cần phải hoàn tất trước ngày lễ Giáng Sinh. Ngay từ đầu tháng mười, các cửa hàng đã lo trang trí trưng bày Giáng Sinh, với thông, với đèn, với sao, rực rỡ, lấp lánh để lôi cuốn khách hàng. Mọi người ra sức, đầu tắt, mặt tối lo làm việc, lo mua sắm, lo lên kế hoạch, tranh thủ làm sao để kịp về với gia đình hay có thể nghỉ ngơi vui chơi trong những ngày Giáng Sinh. Từ lâu lắm rồi, nhiều người nghĩ rằng Giáng Sinh là mùa họp mặt, là mùa hội hè vui chơi và không có mấy người còn nhớ được ý nghĩa thực sự của Giáng Sinh, mặc dầu hình ảnh của câu chuyện Giáng Sinh được trưng bày khắp mọi nơi.
Nhưng nếu để ý một chút, bạn và tôi sẽ nhận ra, ngay trong những cửa hàng thật sang trọng và lộng lẫy, trong mùa Giáng Sinh, người ta vẫn chưng một chuồng chiên thật quê mùa và nghèo nàn, có hình ảnh của chàng Giô-sép nhân hậu, nàng Ma-ri hiền hòa và một hài nhi thật đơn sơ mang tên Giê-xu được đặt nằm trong máng cỏ. Nếu để ý một chút nữa, ngay giữa cảnh huyên náo của mùa hội hè, bạn và tôi cũng sẽ nhận ra khung cảnh thanh vắng của tiểu thôn Bết-lê-hem, nơi hài nhi Giê-xu được sinh ra cách đây hơn hai ngàn năm. Nếu để tâm một chút, xen trong những tiếng nhạc ồn ào, bạn và tôi vẫn có thể nghe được điệu nhạc êm ái và thánh thoát của bài thánh ca “Đêm Yên Lặng” diễn tả về một đêm kỳ diệu nhất trong suốt cả lịch sử của nhân loại.
Câu chuyện Giáng Sinh có phải chỉ là một huyền thoại tôn giáo, một câu chuyện cổ tích dành cho trẻ em, hay cùng lắm là một sự kiện lịch sử đã thuộc về quá khứ, chẳng còn liên hệ gì đến thế giới ngày nay? Có phải người ta vẫn tổ chức kỷ niệm Giáng Sinh là theo truyền thống, là do thói quen hay mùa Giáng Sinh đem lại nhiều lợi nhuận về thương mại?
Quý độc giả thân mến,
Trọng tâm của mùa Giáng Sinh là một hài nhi, mang tên Giê-xu, được sinh ra cách đây hơn hai ngàn năm. Con người mang tên Giê-xu lớn lên trong một gia đình nghèo nàn, chưa bao giờ đi ra khỏi quốc gia của người, chưa bao giờ lập gia đình, chẳng thiết lập một tổ chức hay một công ty nào và chưa hề viết một quyển sách. Thế nhưng các học giả, các triết gia, các nghệ sĩ, các chính trị gia, các lãnh tụ và nhiều người đều đồng ý với nhau rằng mọi bậc đế vương, tất cả các triều đại, những thế lực chính trị và lực lượng quân sự gom lại với nhau, đều không ảnh hưởng đến thế giới này nhiều như chính con người mang tên Giê-xu.
Con người mang tên Giê-xu thực sự là ai ? Nhân vật Giê-xu đang ảnh hưởng như thế nào đến thế giới này? Quan trọng hơn hết, sự ra đời của hài nhi Giê-xu có liên quan gì đến cuộc đời của bạn và tôi không?
Trong mùa Giáng Sinh năm nay, tôi xin mời bạn trở lại với những ngày đầu tiên, khi đất trời mới được sáng tạo, rồi sao đó lần theo ánh sao huyền diệu năm nào, trở lại khung cảnh cô quạnh của tiểu thôn Bết-lê-hem đêm xưa, nơi hài nhi Giê-xu được hạ sinh hơn hai ngàn năm trước. Bạn sẽ vô cùng kinh ngạc khi nhận ra địa vị cao quý của chính mình, nhưng quan trọng hơn nữa, là bạn sẽ vô cùng hạnh phúc khi bạn khám phá ra con người Giê-xu là ai và vì sao Người đã phải sinh ra…
Quý độc giả thân mến,
Chúng ta hãy cùng nhau bắt đầu với điều đầu tiên nhất. Đó là có một Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu, là Đấng Hằng Hữu. Chính Ngài đã sáng tạo mọi vật, như lời Kinh Thánh có mở đầu như sau: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.” (Sáng Thế Ký 1:1). Công trình sáng tạo của Ngài thật nguy nga, lộng lẫy, với vũ trụ trải dài đến bất tận, đầy ắp những thiên thể và những chuỗi ngân hà. Không gian bất tận cũng thật tương xứng với các cấu trúc tinh tế và phức tạp, với những nguyên tử, phân tử, các hạt điện tử nhảy múa với nhau theo những vũ điệu ly kỳ. Thiên Chúa là một nghệ sĩ sáng tạo tuyệt vời; sắc màu, đa hình, lắm dạng, cung bậc bỗng trầm của thanh âm, phản ánh sự giàu có và năng quyền vô lượng của Ngài.
Thế nhưng, Thiên Chúa không chỉ muốn dựng nên vũ trụ, mà Ngài sáng tạo nên sự sống nữa. Trên trái đất này, ngay tại hành tinh xanh mà tôi và bạn đang cư ngụ, Ngài dựng nên những cây cỏ và đủ các loài động vật, từ loại bé xíu li ti như các siêu vi khuẩn cho đến những quái vật khổng lồ sống trên núi cao hay các loài thủy quái đang đùa giỡn ở tận các đáy biển sâu. Trái đất là vương quốc của tất cả các loài thọ tạo, sống động, mang hơi thở, hoạt động theo những cách thức khác nhau trong một mối liên hệ thật nhịp nhàng để cho sự sống được bảo tồn và thăng hoa.
Thế nhưng Thiên Chúa không dừng lại ở sự sống, nhưng Ngài khao khát một mối quan hệ, hay đúng hơn là một tình bạn, do vậy Ngài đã sáng tạo nên loài người chúng ta. Xin bạn đừng hiểu lầm rằng Thiên Chúa cô đơn. Ngài không cô đơn vì trong Thiên Chúa có Ba Ngôi luôn luôn khắng khít với nhau, nhưng vì Ngài là tình yêu, nên Ngài cần có đối tượng để trút đố, bộc bạch, bày tỏ tình yêu của Ngài. Loài người chúng ta được dựng nên để trở nên đối tượng thương yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo nên con người chúng ta bằng tình yêu của Ngài và chúng ta là tuyệt đỉnh trong công trình sáng tạo của Ngài.
Trong tất cả các loài thọ tạo sống động, chỉ có loài người chúng ta mang chân dung của Thiên Chúa; đó là loài người chúng ta có ý chí và tự do để lựa chọn, có năng lực và óc khôn ngoan để thực hiện và sáng tạo, có lương tâm, có tình yêu và có linh hồn để có thể tương giao với Thiên Chúa. Dù cho sông núi hùng vĩ, không gian trải dài đến bất tận và các loài thủy quái được dựng nên một cách lạ lùng như thế nào, nhưng tất cả không thể so sánh với địa vị cao quý mà Thiên Chúa ban cho loài người chúng ta, như người xưa thường nói “Thiên sanh vạn vật, duy nhân tối linh” là vậy.
Con người là loài xác thịt duy nhất, có mối liên hệ khắng khít gia đình với Thượng Đế, có tình thương ràng buộc cha con với Thiên Chúa là Đấng Thần Linh. Vua Đa-vít, cũng là một thi sĩ, cảm nhận được tình yêu bao la của Đấng Tạo Hóa ban cho con người, đã cảm tác nên những vần thơ như sau:
Ngắm tầng trời tay Thiên Chúa sáng tạo,
Muôn trăng sao Thiên Chúa đã an bài,
Thế thì con người là chi, mà Thiên Chúa cần nhớ đến,
Phàm nhân là gì, mà Thiên Chúa phải bận tâm?
Thiên Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
Ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
Cho làm chủ công trình tay Thiên Chúa sáng tạo,
Đặt muôn loài muôn sự dưới chân :
Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng,
Nào chim trời cá biển,
Mọi loài ngang dọc khắp trùng dương. (Thi Thiên 8:3–8)
Muôn trăng sao Thiên Chúa đã an bài,
Thế thì con người là chi, mà Thiên Chúa cần nhớ đến,
Phàm nhân là gì, mà Thiên Chúa phải bận tâm?
Thiên Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
Ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
Cho làm chủ công trình tay Thiên Chúa sáng tạo,
Đặt muôn loài muôn sự dưới chân :
Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng,
Nào chim trời cá biển,
Mọi loài ngang dọc khắp trùng dương. (Thi Thiên 8:3–8)
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com