Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

Truyền thống Giáng Sinh

        Có hai chữ rất gần nhau nhưng ý nghĩa lại xa nhau mà chúng ta thường lẫn lộn. Lẫn lộn không phải vì cố ý, cũng không phải vì không hiểu ý nghĩa, nhưng lẫn lộn vì chúng ta có cái nhìn không đúng vào vấn đề. Hai chữ tôi muốn nói đến đây là truyền thống và thông lệ. Ðiểm tương đồng giữa truyền thống và thông lệ là cả hai đều nói đến những sự việc xảy ra theo định kỳ, định kỳ đó có thể là mỗi ngày, mỗi tháng hay mỗi năm. Còn điểm khác nhau là truyền thống nói đến một cái gì tốt đẹp, trân quý trong khi đó thông lệ là điều xảy ra mà ta không còn để ý gì đến ý nghĩa.
         Lễ Giáng Sinh hằng năm nằm trong hai ý niệm trên mà chúng ta cần phân biệt để không lẫn lộn. Giáng Sinh là một truyền thống tốt đẹp hằng năm nhưng người ta đã biến Giáng Sinh thành một thông lệ không còn ý nghĩa. Thông lệ Giáng Sinh ở đây là mua sắm, tiệc tùng, vui chơi, trang hoàng nhà cửa, tặng quà cho nhau, nhưng ý nghĩa phía sau những điều đó là gì, chẳng còn mấy ai nghĩ đến.
           Quý vị có biết những truyền thống tốt đẹp của Giáng Sinh để sống với truyền thống đó không? Bốn tuần trước lễ Giáng Sinh được gọi là Mùa Vọng. Vọng nghĩa là trông mong hay hướng về. Ðiều chúng ta hướng về không phải là mua sắm, tiệc tùng nhưng là hướng về ngày Chúa đến. Chúa Giê-xu đã đến trần gian nầy 2,000 năm trước và cũng sẽ đến với chúng ta một ngày không xa khi Chúa trở lại đón con cái của Chúa về sống với Ngài đời đời. Chúng ta trông mong hay vọng về hai biến cố trọng đại đó: một biến cố đã xảy ra hơn 2,000 năm trước và một biến cố sẽ đến với chúng ta một ngày không xa.
        Trong Mùa Vọng nầy, chúng ta chẳng những chuẩn bị tâm hồn tiếp đón Chúa nhưng cũng chú tâm suy niệm và sống với ý nghĩa của việc Chúa giáng trần. Chúa Giê-xu giáng sinh là để đem ánh sáng đến cho trần gian tăm tối. Những ánh đèn rực rỡ khắp nơi nhắc chúng ta nhớ về ánh sáng đó. Ánh sáng đó đã chiếu rọi nơi đồng nội, báo tin mừng cho những người chăn chiên. Ánh sáng đó đã soi đường dẫn lối cho những nhà thông thái Ðông phương đến tôn thờ Chúa. Ánh sáng đó vẫn tiếp tục soi rọi, hướng dẫn con người trở về với chân lý. Ánh sáng đã đến trần gian nhưng người ta ưa thích bóng tối hơn ánh sáng, Lời Chúa đã dạy như vậy và vì người ta quay lưng laiï với bóng tối nên vẫn tiếp tục sống trong bóng tối. Hãy nhìn vào ánh đèn Giáng Sinh như một nhắc nhở cho chính mình, đừng tiếp tục sống trong bóng tối nữa, nhưng hãy quay lại với ánh sáng.
          Giáng Sinh cũng là mùa tặng quà nhưng phải nhớ rằng những quà tặng đó khởi nguồn từ món quà quý nhất Thiên Chúa đã tặng cho nhân loại. Chúa Giê-xu là món quà đó. Giáng Sinh kỷ niệm ngày Ðức Chúa Trời ban món quà cứu rỗi cho con người chúng ta vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh hằng. Món quà đã ban phát ra nhưng chúng ta có đưa tay ra nhận không là một việc khác. Quà chỉ có ý nghĩa khi được nhận. Thiên Chúa không ban cho chúng ta món quà chúng ta muốn nhưng món quà chúng ta cần. Ðiều mỗi chúng ta cần là ơn cứu rỗi, là được giải thoát khỏi tội lỗi. Con người sẽ tiếp tục sống trong gông cùm tội lỗi nếu không tiếp nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa. Các vị quốc trưởng thường có lệ ân xá cho tù nhân hằng năm hay vào những dịp đặc biệt. Lệnh ân xá ban ra mà ta không nhận sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Chúa Giê-xu đã giáng trần và làm tất cả những gì cần làm để cứu chúng ta. Chúa vô tội nhưng đã chịu chết thay cho ta. Bản án lẽ ra chúng ta phải mang nhưng Chúa Giê-xu đã lãnh thế. Chúng ta chỉ cần tiếp nhận với đức tin chân thành là kinh nghiệm ơn tha thứ. Quà dành sẵn đó nhưng ta không nhận nên không thể kinh nghiệm những gì Thiên Chúa dành cho chúng ta.
        Giáng Sinh cũng là mùa yêu thương. Chúng ta thường nói tử tế như ba ngày Tết ở đây mùa Giáng Sinh ai cũng có vẻ rộng rãi, dễ dãi, nhân hậu hơn. Ðó cũng là một truyền thống tốt đẹp của Giáng Sinh phát xuất từ tình yêu cao quý của Thiên Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa đã được thể hiện qua việc Chúa Giê-xu giáng sinh. Thánh Kinh dạy:
Tình yêu Thiên Chúa đã được thể hiện ra trong điều nầy: Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài đến thế gian để chúng ta nhờ Con được sống (Thư I Giăng 4:9)
         Mùa Giáng Sinh là mùa yêu thương vì Giáng Sinh phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Nhân loại tội lỗi, phản loạn, chống đối lại Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương và ban Chúa Giê-xu cho nhân loại. Nói đúng hơn Thiên Chúa đã mang lấy hình hài, thể xác con người chúng ta, trở nên giống như con người để thông cảm và hòa cảm với chúng ta và cuối cùng gánh tội của chúng ta để chịu chết thế cho chúng ta trên thập giá. Chúng ta nói nhiều đến việc Chúa Giê-xu ra đời, nhưng trọng tâm của cuộc đời Chúa Giê-xu không phải ở chỗ Chúa ra đời nhưng ở chỗ Chúa chịu chết thay cho nhân loại. Bết-lê-hem, nơi Chúa ra đời, không quan trọng bằng Gô-gô-tha, nơi Chúa chịu chết. Máng cỏ Chúa nằm lúc sinh ra không quan trọng bằng thập giá Chúa chịu chết vì tại đây công chính và tình yêu của Thiên Chúa đối diện với nhau. Công chính đòi hỏi án phạt và Chúa Giê-xu đã lãnh án phạt đó để công chính và tình yêu được thỏa mãn: án phạt được thi hành mà tình yêu vẫn không sứt mẻ. Nhưng tình yêu nào cũng vậy, đều đòi hỏi một đáp ứng. Chúa yêu chúng ta nhưng chúng ta đáp ứng như thế nào trước tình yêu Thiên Chúa?
        Lời Chúa dạy: "Chúng ta yêu vì Chúa đã yêu chúng ta trước." Thiên Chúa đã đi bước đầu tiên, đã đến với con người trước và Ngài chờ đợi đáp ứng của chúng ta. 2,000 năm đã trôi qua và Thiên Chúa vẫn tiếp tục đợi chờ. Chúa phán:
Nầy Ta đứng ngoài cửa mà gõ, nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta (Khải Huyền 3:20)
         Những ánh đèn Giáng Sinh, những quà tặng, tinh thần yêu thương trong mùa lễ, những tấm thiệp Giáng Sinh, những bài báo, những ca khúc và cả tiếng nói Bạn nghe giờ nầy, tất cả đều là những tiếng gõ cửa cho Bạn biết Chúa yêu thương và muốn bước vào cuộc đời của Bạn để Bạn kinh nghiệm tình yêu của Thiên Chúa. Mục đích Chúa đến trần gian là để chúng ta nhờ Con được sống. Sống đây là sống thật, sống với tất cả ý nghĩa của đời sống.
          Mùa Giáng Sinh đã đến với những truyền thống hay đẹp như trang hoàng hoa đèn nhắc đến ánh sáng Thiên Chúa đem đến cho nhân loại; tặng quà cho nhau nhắc đến món quà đích thực là ơn cứu rỗi Ðức Chúa Trời ban cho con người. Giáng Sinh cũng là mùa của tình thương, bắt đầu với tình thương của Thiên Chúa thể hiện qua việc Chúa Giê-xu giáng trần, chịu chết vì tội của nhân loại. Tất cả những truyền thống hay đẹp đó sẽ dễ dàng biến thành những thông lệ hằng năm mà không còn ý nghĩa. Ðể thật sự sống với những truyền thống tốt đẹp của Mùa Giáng Sinh, chúng tôi mời Bạn dành ra vài phút và tự hỏi: Phải chăng Giáng Sinh chỉ là một ngày lễ như bao nhiêu ngày lễ khác hay nó phải mang một ý nghĩa nào đặc biệt? Nếu không thì Chúa Giê-xu đã phải giáng sinh để chịu chết làm gì? Tiếng gõ cửa mời gọi của Thiên Chúa vẫn tiếp tục. Ước gì Bạn sẽ tìm đến với Chúa, đặt lòng tin nơi Ngài để Giáng Sinh không còn là một thông lệ hằng năm mà sẽ là một kinh nghiệm tươi vui suốt cả cuộc đời.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh
Tin Lành

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!